GIÁO DỤC
CON CÁI LÀM SAO
Giáo dục con cái là một công việc tự nhiên của cha mẹ, là một bổn phận bình nhật của phụ huynh, là một món nợ đồng lần của con người; nhưng cũng là một niềm vui to lớn, một tìm tòi liên tục, một đầu tư tốn kém, một chọn lựa tình nguyện, một tình yêu trao ban và dấn thân, một công trình vĩ đại, một sứ mệnh cao cả và một tác phẩm tuyệt diệu, độc đáo. Trong bài biên khảo vắn này, để trả lời vấn nạn «Giáo dục con cái làm sao», chúng ta hãy cùng nhau đi khám phá 10 yếu tố nền tảng bao gồm trong tứ giác giáo dục con cái, được trình bày trong những tài liệu căn bản của giáo hội và xã hội, được cập nhật với những khám phá tân tiến của những nhà nghiên cứu giáo dục hiện đại.
Dẫu được định nghĩa khác nhau theo những quan niệm khác biệt, công việc giáo dục con cái luôn luôn được thực hiện trong thực tế với bốn yếu tố căn bản là: mục tiêu giáo dục, người quản lý giáo dục, người thực hiện giáo dục và người được giáo dục [1].
Trong 4 yếu tố trên đây, có 3 yếu tố tác nhân. Mà tác nhân là người làm việc. Những việc gì vậy? Sáu việc đã được gợi ra. Hai việc của người quản lý giáo dục là định hướng và thẩm lượng. Hai việc của người thực hiện giáo dục là dậy bảo và uốn nắn. Một việc giữa người quản lý giáo dục và người thực hiện giáo dục là liên lạc. Và một việc của người được giáo dục là học tập.
Như vậy, trong bất cứ một hoàn cảnh giáo dục con cái cụ thể nào, ít nhất chúng ta cũng nhìn thấy 10 yếu tố căn bản trên đây. Biểu đồ tứ giác giáo dục con cái sau đây sẽ diễn tả bằng hình ảnh một cách hiển thị và dễ hiểu hơn về 10 yếu tố căn bản này.
(Xin nói rõ rằng: một số những yếu tố khác được chứa ẩn ở bên trong yếu tố mục tiêu, các yếu tố tác nhân và các yếu tố công việc trên đây, sẽ được triển khai, như lãnh vực, phương pháp, giai đoạn, thời gian, nơi chốn, tiến trình, v.v….).
Sau đây chúng ta sẽ lần lượt phân tích từng yếu tố một của đồ hình giáo dục [2] này. Những phân tích này cũng là những trả lời cho vấn nạn «Giáo dục con cái làm sao?».
1. Phải giáo dục con cái theo mục tiêu «Toàn diện, nên thân nên người».
Mục tiêu này trước nhất bao nhiều mức độ: mục tiêu gần nhất, mục tiêu tiếp theo, mục tiêu trung gian, và mục tiêu tối hậu. Và mỗi mục tiêu đều có thể xoay quanh nhiều lãnh vực, từ thể lý, luân lý, trí dục, đến nghề nghiệp, xã hội, văn hóa và tôn giáo. Quan niệm Việt Nam tóm tắt mục tiêu giáo dục này vào hai cực là «văn» và «lễ»: «tiên học lễ, hậu học văn», trên biết thờ kính Trời, dưới biết hoà với Đất, ngang biết giữ luân thường với Người; Luân thường gồm ngũ luân và ngũ thường. Ngũ luân là: quân thần minh trung, phụ tử từ hiếu, phu phụ nghĩa trinh, huynh đệ thủ túc, bằng hữu tín thành; Ngũ thường là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Quan niệm âu châu xác định 4 mục tiêu: học biết, học làm, học sống và học là (savoir, savoir-faire, savoir vivre et savoir être). Dẫu là lễ hay văn, biết, làm, sống hay là, ba mục tiêu giáo dục tối hậu phải là: «cho mỗi người đạt được cùng đích của mình, đạt được lợi ích chung cho cộng đoàn của họ và để mỗi người sẽ tham gia phục vụ khi đến tuổi trưởng thành» [3]. Nói khác đi, đó là một mục tiêu giáo dục toàn vẹn: «Là Mẹ và là Thầy, Giáo Hội Công giáo có bổn phận thông truyền cho mọi người, nhất là các Kitô hữu, một nền giáo dục toàn vẹn» [4].
2. Cha mẹ, mà thường là cha, có bổn phận phải quản lý việc giáo dục con cái.
Giáo dục là một công việc, mà đã là một công việc thì phải có người làm và người quản lý. Đó là một phát minh quan trọng mà các nhà kinh tế đã thực hiên, từ Fayol, Taylor, Drucker, qua Weber, Lewin, Lickert, đến Deming, Juran, Crosby,…và đã đưa cho việc quản trị kinh tế những dụng cụ hữu hiệu, đạt được những hiệu năng to lớn. Ai sẽ là người lãnh đạo, có trách nhiệm quản lý việc giáo dục con cái? Ở lãnh vực thiêng liêng, mỗi giáo hội đều cho rằng mình có trách nhiệm và hoặc trực tiếp quản lý qua hàng giáo sỹ, hoặc ủy thác cho các gia đình trách nhiệm. Ở lãnh vực trần thế, chính quyền nào cũng dành lấy trách nhiệm này và trực tiếp quản lý do vua, quan các cấp; hay ủy thác cho phụ huynh đảm nhiệm.
Giáo Hội và cha mẹ quản lý việc giáo dục thiêng liêng tôn giáo: «Thánh Công Ðồng nhắc lại cho những Chủ Chăn hướng dẫn các linh hồn nhiệm vụ rất quan trọng là phải thu xếp mọi sự để các tín hữu được hưởng nhờ nền giáo dục Kitô giáo nhất là giới trẻ, niềm hy vọng của Giáo Hội… Giáo Hội có trách nhiệm giáo dục không những vì Giáo Hội là xã hội trần gian, phải được thừa nhận có khả năng giáo dục, nhưng nhất là vì Giáo Hội có nhiệm vụ loan truyền cho mọi người biết con đường cứu rỗi, cũng như thông ban sự sống Chúa Kitô cho các tín hữu và luôn lo lắng giúp đỡ họ đạt tới sự viên mãn của đời sống ấy. Bởi vậy như một Người Mẹ, Giáo Hội có nhiệm vụ bảo đảm cho con cái một nền giáo dục, đem tinh thần Chúa Kitô thấm nhuần đời sống chúng, nhưng đồng thời cũng cổ võ mọi dân tộc phát triển sự hoàn thiện toàn vẹn của con người, phục vụ lợi ích của xã hội trần thế và xây dựng một thế giới nhân đạo hơn» [5].
Nhà nước và cha mẹ quản lý việc giáo dục trần thế: Ở Việt Nam ta, năm Kỷ Mùi, [Cảnh Thống] năm thứ 2 [1499], Mùa thu, tháng 7, ngày mồng 5, Vua Lê Hiến Tông ra sắc dụ cho các quan viên và dân chúng để nhắc lại 24 điều giáo huấn dân chúng của Tiên Đế Lê Thánh Tông. Đồng thời, trích dẫn Kinh Dịch, Kinh Thư, Kinh Thi, Kinh Lễ và muốn theo gương các bậc tiên đế Thái Tổ, Thái Tông và Thánh Tông, Ngài đã minh định bổn phận giáo dục dân chúng của mình rằng: "Trẫm lên ngôi báu, kính theo mưu xưa. Tự mình hiếu kính để chấn chỉnh khuôn mẫu dạy dân; nêu gương cương thường để tỏ rạng từng điều giáo huấn. Trên làm dưới bắt chước, đã mong mọi chốn đều yên; trị an đến lâu dài, lại muốn nghiệp lớn tiến mãi» [6].
3. Để quản lý giáo dục con cái, hành động bất khả khuyết đầu tiên là định hướng việc giáo dục con cái.
Định hướng có thể là xác định cái hướng đi, cái điểm đến, cái mục tiêu, cái lãnh vực, cái giai đoạn và cái nội dung cụ thể và chi tiết. Truyền thống việt nam về giáo dục con cái thường hay nhắc đến 9 giai đoạn giáo dục gọi là «Cửu tự cù lao»: «"Thương thay 9 chữ cù lao, Ba năm nhũ bộ biết bao nhiêu tình » [7]. Chín chữ này là: Sinh (sinh đẻ), Cúc (nuôi), Vũ (vuốt ve), Súc (cho bú), Trưởng (lớn), Dục (dạy), Cố (chăm nom), Phục (theo tính dạy), phục (giữ gìn). Kinh Thi viết: Ai ai phụ mẫu, sinh ngã cù lao... phu hề sinh ngã, mẫu hề cúc ngã, phủ ngã, súc ngã, Trường dục ngã, cố ngã, phúc ngã, xuất nhập, Phục ngã, dục báo chi đức, hạo thiên võng cực." (Xót thương cha mẹ ta, sinh ta ra siêng năng khó nhọc... Cha ta sinh ta ra, mẹ ta nâng đỡ ta từ trong bụng, Cha mẹ ta đã vỗ về, nuôi nấng cho ta bú mớm, bồi bổ cho ta khôn lớn, dạy cho ta lời khôn lẽ phải, lo lắng theo dõi khi ta đi đâu, dựa theo tính ta mà khuyên răn ta, che chở, giữ gìn cho ta. Muốn báo đền ơn đức cha mẹ, công đức đó như trời rộng, không có giới hạn.
Nhiệm vụ giáo dục trước hết thuộc về gia đình, nhưng cũng cần đến sự trợ giúp của toàn thể xã hội. Thực vậy, ngoài những quyền lợi của cha mẹ và của những người được cha mẹ ủy thác cho một phần công việc giáo dục, chắc chắn xã hội dân sự cũng còn có những quyền lợi và bổn phận vì xã hội dân sự có nhiệm vụ tổ chức những gì đem lại lợi ích chung trong phạm vi thế tục [8]. (Nhưng bắt đầu từ khi trẻ em được 2, 3 tuổi thì xã hội phụ giúp cha mẹ về việc giáo dục. Ở xã hội Pháp hiện nay, chương trình giáo dục xoay quanh 5 cấp: Mẫu giáo, Tiểu học, Trung học đệ I cấp, Trung học đệ II cấp và Đại học [9]. Nhưng cha mẹ vẫn luôn luôn có trách nhiệm lo lắng, theo dõi và cộng tác với trường học về việc giáo dục của con cái mình.
Dựa vào 5 cấp giáo dục xã hội, với 2 giai đoạn giáo dục ở gia đình là giai đoạn mang thai và giai đoạn sơ sinh, 1-2 tuổi, ta có thể nói một cách cụ thể rằng việc giáo dục con cái có 7 giai đoạn với 7 mục tiêu chi tiết như sau. 1-Giai đoạn mang thai: tâm tình thư thái, hạnh phúc và ăn uống đầy đủ của người mẹ, để con được bình thường về tâm sinh lý; 2-Giai đoạn sơ sinh: săn sóc việc ăn, ngủ, và bao che bé bằng tình yêu thương để bé được nuôi dưỡng, vuốt ve, bú mớm, chăm nom, truyện trò, nói cười, cử động, lẫy lộn, đi đứng, chạy nhảy,… hầu khoẻ mạnh và phát triển bình thường; 3-Giai đoạn mẫu giáo: giáo dục xã hội và luân lý được khởi đầu với việc trẻ được tiếp cận, truyền thông với người lớn và trẻ em khác, sống trong nhóm và khám phá thế giới chung quanh, đặc biệt việc tiếp thâu và xử dụng được một ngôn ngữ pháp văn phong phú, có cấu trúc và có thể làm cho người khác hiểu được; 4-Giai đoạn tiểu học: trí dục, đức dục, thể dục & thể thao, công dân được đi vào tổ chức rõ rệt và tiệm tiến, qua các môn học như tiếng Pháp, Toán, Thể dục thể thao, Ngoại ngữ, Nghệ thuật, khám phá thế giới, Khoa học thực nghiệm và Kỹ thuật, Văn hóa nhân bản, Nghệ thuật và Sử - Địa - Giáo dục công dân và luân lý; 5-Giai đoạn Trung học đệ I cấp: tiếp tục, phát triển và nâng cao 4 lãnh vực giáo dục ở tiểu học, đồng thời mở rộng ra về các lãnh vực khoa học tự nhiên, vật lý, hóa học, tin học, kỹ thuật, và khai trương việc giáo dục nghề nghiệp; 6-Giai đoạn Trung Học đệ II cấp: Việc giáo dục đi vào chuyên biệt trong các ngành khác nhau: Văn (L), Kinh tế Xã hội (ES) và Khoa học (S), Kỹ thuật với 8 ngành chuyên biệt, Chuyên nghiệp trong rất nhiều ngành nghể, và Học nghề trong các trung tâm dậy nghề (CFA). Việc giáo dục nghề nghiệp đã được nâng cao và phát triển rất nhiều, thậm chí đã có nhiều học sinh đã bắt đầu vừa học vừa làm. 7-Giai đoạn Đại Học: Việc giáo dục chuyên biệt được phát triển tối đa. Không kể việc đào tạo thiên về tri thức lý thuyết trong các trường đại học, còn có việc đào tạo hướng về thực tế và tài năng chuyên nghiệp trong các trường kỹ sư, quản trị và chuyên ngành đặc biệt.
4. Hành động bất khả khuyết thứ hai trong việc quản lý giáo dục con cái là thầm lượng việc giáo dục.
Xác định mục tiêu, đối tượng và phương pháp thẩm lượng. Về đối tượng và mục tiêu, việc thẩm lượng có thể là theo dõi và kiểm soát xem có làm không và làm thế nào. Đồng thời thẩm lượng xem công việc theo đúng mục tiêu như thế nào và đạt được kết quả nào; đúng như mục tiêu xác định, yếu hơn hay trội hơn; hoặc đi ngoài mục tiêu. Về phương pháp thẩm lượng, thì có nhiều hình thức, nhưng tựu trung có hai cách quan trọng, một là cha mẹ nghe xem, báo cáo và trao đổi với nhau, hai là quan sát và nói truyện thẳng với con cái. Điều quan trọng là việc thẩm lượng không bao giờ chỉ tuyệt đối nhìn theo mục tiêu, nhưng phải xét theo hoàn cảnh và khả năng, tính khí của con cái nữa. Rồi sau đó cha mẹ phải thống nhất về nhận định kết quả đã đạt được và về đường hướng chương trình tương lai; đồng thời cũng phải cho con cái biết việc nó đã và đang làm là đúng sai thế nào và nên sửa đổi hoặc phát triển làm sao.
Tóm lại, quản lý việc giáo dục con cái phải được ý thức và hoạch định ngay từ lúc còn thơ, thậm chí ngay từ lúc thai nhi, như ông bà ta dậy: «Dạy con từ thuở còn thơ, Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về». Mục tiêu vẫn gắt gao và đòi hỏi: «Cha muốn cho con hay; Thầy muốn cho trị khá. Mà sự theo dõi mắng phạt phải tùy người, tùy lúc, tùy việc mà áp dụng: «Mẹ đánh một trăm, Không bằng cha ngăm một tiếng».
5. Cha mẹ, mà thường là mẹ, có bổn phận phải thực hiện việc giáo dục con cái.
Thánh Công Đồng Vatican II đã xác định rõ rệt về bổn phận của cha mẹ phải thực hiện việc giáo dục con cái: «Vì là người truyền sự sống cho con cái, nên cha mẹ có bổn phận hết sức quan trọng là giáo dục chúng và vì thế họ được coi là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của chúng. Vai trò giáo dục này quan trọng đến nỗi nếu thiếu sót thì khó lòng bổ khuyết được… Nhưng đặc biệt trong gia đình Kitô giáo, vì đã nhận ân sủng cũng như bổn phận của bí tích hôn phối, nên cha mẹ phải dạy dỗ con cái ngay từ nhỏ, để chúng nhận biết và thờ kính Thiên Chúa cùng yêu mến tha nhân theo đức tin chúng đã lãnh nhận khi chịu phép rửa tội» [10].
Vợ chồng là nghĩa tào khang,
Chồng hòa vợ thuận nhà thường yên vui.
Sinh con mới ra thân người,
Làm ăn thịnh vượng đời đời ấm no.
6. Để thực hiện việc giáo dục con cái, hành động nền tảng đầu tiên là dậy bảo.
Dậy bảo cái gì, lúc nào, trong lãnh vực nào và để làm gì thì đã được người quản lý giáo dục đạo và đời định hướng và thông báo cho cha mẹ rồi. Vấn đề quan trọng ở đây là dậy làm sao cho hữu hiệu, cho con cái thâu nhận được những điều phải biết, và bắt chước, thực hiện được những việc phải làm trong đời sống đạo đời hằng ngày. Dậy, trước nhất là trao truyền những kiến thức, những cư xử, những hành động. Để việc trao truyền được thực hiện hữu hiệu, trước nhất cha mẹ phải biết điều mình muốn trao truyền, định hình được nội dung trao truyền, rồi trao truyền bằng lời nói hay cử chỉ. Thí dụ muốn dậy con biết ngũ quan bằng tiếng việt, thì nói cho con nghe và chỉ cho biết cái mắt, cái mũi, cái lưỡi, cái tai, và tay chân và bảo nó lặp lại theo mình. Muốn dậy con làm dấu, thì vừa nói vừa cầm tay con mà đọc và làm dấu cho con và bảo nó làm theo mình. Con cái sẽ dễ thâu nhận, nếu cha mẹ biết chuẩn bị trước, nói rõ ràng mạch lạc, thái độ vui vẻ, điềm tĩnh và thương mến.
7. Hành động nền tảng thứ hai trong việc thực hiện giáo dục là uốn nắn.
Song song với việc dậy bảo, trao truyền là việc uốn nắn. Uốn nắn trước nhất là sửa chữa cho đúng. Nếu con nói tiếng «mắt» không đúng, thì lên giọng cho con nghe và uốn môi cho con thấy, và cứ thế uốn giọng cho đúng. Uốn nắn sau nữa là ôn tập liên tục, bảo con nói đi nói lại tiếng «mắt», «mũi», «tai»,… bảo con làm dấu nhiều lần một ngày. Uốn nắn sau nữa là hướng dẫn con tìm ra câu trả lời, hoặc bằng cách hỏi, như «mắt con đâu»? Chỉ vào mũi và hỏi «Cái gì đây»? Sờ vào tai mà hỏi «Cái gì đây? Tai để làm gì»? Uốn nắn sau nữa là tạo những màn kịch xã hội, để xem con phản ứng thế nào, rồi sửa chữa. Thí dụ dẫn con đến thăm ông bà, tập cho nó khoanh tay, cúi đầu và chào hỏi cho đúng «Cháu chào ông ạ». Uốn nắn sau cùng là tạo dịp để con cái gặp gỡ, quan sát người khác, để rồi tự nhiên nó sẽ bắt chước. Uốn nắn cốt yếu là làm sao để con cái thâu thập được một văn hóa hiểu biết và ứng xử đúng như mô hình văn hóa của xã hội mà nó sống.
Trong vấn đề dậy bảo và uốn nắn ở trường học, các giáo viên hay áp dụng 5 phương pháp giáo dục sau đây: 1-huấn dụ (hay giảng bài), 2-đối thoại (hay hỏi thưa), 3-thực hành (cắt nghĩa, thử nghiệm thực hiện, rồi trình bày; hay dùng cho những TD, TP), 4-hành động phát minh (hình thức dự án, khám phá), 5-quan sát (học bằng làm). Cha mẹ cũng có thể dùng những phương pháp này để dậy con [11]
Năm 1991, hai nhà nghiên cứu giáo dục Arthur Chickering et Zelda Gamson đã đưa ra 7 nguyên tắc giáo dục tốt. Cha mẹ có thể đem áp dụng trong việc giáo dục con cái: 1-Năng gặp gỡ con cái; 2-Phát triển sự cộng tác và hỗ tương giữa các con cái; 3-Hỗ trợ việc học tập năng động của con cái; 4-Giúp con cái có những phản ứng nhanh, tự biết cách học tập tốt và học tập gì; 5-Khuyến khích xử dụng tốt (nhanh) thời giờ học tập; 6- Tạo dịp để con cái chia sẻ cho nhau, gây hứng thú học tập; 7-Tôn trọng các mức độ học tập khác nhau và cách học tập khác nhau của con cái (12).
8. Để việc giáo dục được tốt đẹp, người quản lý và người thực hiện phải thường xuyên liên lạc.
Muốn cho việc giáo dục con cái đạt được kết quả tốt, cha và mẹ phải liên lạc với nhau thường xuyên để công việc được hữu lý, mạch lạc, liên tục, thống nhất, bất kể ai là người quản lý, ai là người thực hiện. Lý do vì hai việc quản lý giáo dục là định hướng và thẩm lượng quấn quyện vào hai việc thực hiện giáo dục là dậy bảo và uốn nắn. Cha mẹ liên lạc và liên kết với nhau để hỗ trợ và bổ xung cho nhau hầu giáo dục con hiệu quả hơn. Ông bà ta vẫn bảo: «Cha sinh, mẹ dưỡng; Cha đưa, mẹ đón».
Gia đình là đơn vị căn bản của xã hội và của giáo hội. Chẳng những trong gia đình cha mẹ phải liên kết với nhau mà họ còn phải liên lạc với giáo hội và xã hội bên ngoài nữa, vì đó là những tổ chức và môi trường mà trong đó họ sinh sống. «Ngoài những quyền lợi của cha mẹ và của những người được cha mẹ ủy thác cho một phần công việc giáo dục, chắc chắn xã hội dân sự cũng còn có những quyền lợi và bổn phận vì xã hội dân sự có nhiệm vụ tổ chức những gì đem lại lợi ích chung trong phạm vi thế tục. Một trong những gì đem lại lợi ích chung trong phạm vi thế tục. Một trong những bổn phận của xã hội dân sự là đẩy mạnh công cuộc giáo dục giới trẻ bằng nhiều phương cách, như bảo vệ quyền lợi cha mẹ và những người góp phần vào việc giáo dục và phải giúp đỡ họ trong công tác đó. Theo nguyên tắc đồng trách nhiệm, khi cha mẹ và các đoàn thể khác thiếu sáng kiến, xã hội dân sự phải kiện toàn công việc giáo dục, nhưng cũng phải để ý đến nguyện vọng của cha mẹ. Ngoài ra còn phải thiết lập các trường ốc và cơ sở giáo dục riêng theo lợi ích chung đòi hỏi» [13].
9. Con cái có quyền được hưởng một nền giáo dục xứng hợp.
Phúc âm ghi rõ thái độ của Chúa đối với các trẻ nhỏ ấu thiếu nhi. «Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: "Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Ðấng đã sai Thầy" (Marcô, 9, 36-37). "Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời» (Mathêu, 18, 10). «Người ta dẫn trẻ em đến với Ðức Giêsu, để Người chạm tay vào chúng. Nhưng các môn đệ xẵng giọng với chúng. Thấy vậy, Người bực mình nói với các ông: "Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa thuộc về những ai giống như chúng. Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào". Rồi Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng» (Marcô, 10, 13-16).
Quyền bất khả nhượng được hưởng một nền giáo dục xứng hợp. Tuyên Ngôn Giáo Dục Kytô Giáo của Thánh Công Đồng Vatican II đã xác định rằng: «Tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, giai cấp và tuổi tác, do phẩm giá con người, đều có một quyền bất khả nhượng là phải được hưởng một nền giáo dục đáp ứng với sứ mệnh riêng, phù hợp với cá tính của từng phái, thích nghi với văn hóa và truyền thống dân tộc, đồng thời mở rộng sự hợp tác huynh đệ với các dân tộc khác, để hỗ trợ công cuộc hợp nhất chân chính và hòa bình trên mặt đất. Vậy nền giáo dục chân chính là việc đào tạo con người, nhằm đạt tới cùng đích của mình cũng như lợi ích của các đoàn thể mà họ là đoàn viên, và họ sẽ tham gia phục vụ khi đến tuổi trưởng thành» [14].
Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền 1948 công nhận: «Mọi người đều có quyền được giáo dục. Giáo dục phải được miễn phí, ít nhất là ở bậc tiểu học và căn bản. Giáo dục tiểu học phải bắt buộc. Giáo dục kỹ thuật và chuyên nghiệp phải được mở rộng và giáo dục đại học phải được mở rộng bình đẳng cho mọi người, trên căn bản tài năng xứng đáng» (điều 26).
Công ước Liên Hiệp quốc về quyền trẻ em 1989 công nhận: trẻ em có quyền được sống cùng cha me (Đ.9), được gia đình chăm sóc và nuôi dưỡng (Đ.18), được giáo dục (Đ. 28).
10. Quyền được giáo dục đòi hỏi con cái một bổn phận là học tập.
Trẻ em luôn cố gắng trau dồi, học tập. «Phải để ý đến những tiến triển của khoa tâm lý, sư phạm và giáo khoa, hầu giúp trẻ em và thanh thiếu niên phát triển điều hòa những năng khiếu thể xác, luân lý và tinh thần, ý thức dần dần trách nhiệm cách rõ rệt hơn, nhờ luôn cố gắng trau dồi đúng mức đời sống cá nhân và theo đuổi sự tự do chân chính, với lòng can đảm và kiên nhẫn lướt thắng mọi trở ngại. Phải tích cực và thận trọng giáo dục chúng về phái tính tùy từng lứa tuổi. Ngoài ra, phải huấn luyện cho chúng biết tham dự đời sống xã hội, để sau khi được chỉ dẫn đầy đủ về những phương tiện cần thiết và thích hợp, chúng có thể tích cực dấn thân vào những đoàn thể khác nhau của cộng đoàn nhân loại sẵn sàng đối thoại với người khác cũng như hăng say hoạt động để góp phần thực hiện lợi ích chung» [15]. Cha Trần Lục khuyên con cái: «Nỡ nào bác mặt làm ngơ, Lời cha mẹ bảo hững hờ làm thinh» [16].
Mỗi trẻ em có một kiểu cách học tập khác nhau. Năm 1978, Dunn et Dunn đã ghi nhận 3 kiểu cách học tập khác nhau là kiểu thị giác, kiểu thính giác và kiểu xúc giác. Năm 1984, trong tác phẩm «Experiential Learning», David A. Kolb đã dựa vào 4 yếu tố căn bản trong tính khí con người là cụ thể, trừu tượng, háo động và suy tưởng để trình bày 4 kiểu cách học tập khác nhau: phát minh, phân tích, thực dụng và năng động [17].
Học tập với tiến trình bảy bậc: Giáo sư Khoa Học Giáo Dục ở Đại Học Chicago, tiến sĩ Benjamin BLOOM (1913-1999), đã phân các tiến trình học tập của người được giáo dục tiến lên theo 6 bậc kết quả như sau : nhận biết, hiểu, áp dụng, phân tích, tổng hợp và thẩm lượng. Học trò ông là Lorin Anderson đã cải tổ lại, đưa những mục tiêu này vào cụ thể hơn với 6 nhóm động từ hành động: ghi nhận, hiểu, áp dụng, phân tích, thẩm lượng và sáng tạo [18]. Bậc cao nhất là sáng tạo, nhắm sản xuất, cải tiến.