GIA ĐÌNH CÔNG GIÁO SỐNG ĐẠO
Ô. VŨ ĐÌNH KHIÊM
B. NGÔ KIM ĐÀO
GIA ĐÌNH
CÔNG GIÁO SỐNG ĐẠO
Từ nhiều năm qua, vâng lời Đức Ông Giuse Mai Đức Vinh, chúng tôi tham gia vào Ban Mục Vụ hôn nhân và gia đình của Giáo xứ Việt Nam Paris, để chia sẽ và trao đổi về đề tài ‘Sống đạo trong gia đình’, cùng với các đôi bạn đang chuẩn bị tiến tới đời sống hôn nhân, dấn thân trong “ơn gọi” lập gia đình. Đề tài ‘Sống đạo trong gia đình’ đã được Thầy Phó tế Inhaxiô Nguyễn Văn Thạch đảm trách trước đây.
‘Sống đạo trong gia đình’, là một đề tài rất phong phú, cần những trãi nghiệm cá nhân và chúng ta có cả một đời người để thực hiện. Thật ra, qua mỗi khóa chuẩn bị hôn nhân cho các bạn trẻ, chúng tôi cảm nghiệm và nhận thấy rằng: chính chúng tôi cùng được học hỏi, cùng tìm kiếm, cùng đào sâu, nhờ đó đã và đang thúc đẩy bản thân chúng tôi cùng gia đình mình sống đức Tin.
Trong dịp tái bản sách “Đường vào Tình Yêu”, dành cho việc chuẩn bị hôn nhân và đời sống gia đình Công Giáo, chúng tôi lại vâng lời Đức Ông để viết về đề tài ‘Gia đình Công Giáo sống đạo’. Những điều chúng tôi chia sẽ dưới đây chỉ là những tóm lược, được lấy ra từ Kinh Thánh, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, các giáo huấn của Giáo Hội, các Thông điệp, các sách tu đức cùng những trao đổi kinh nghiệm sống đạo của các Kitô hữu khác.
Trong lời giới thiệu chương trình của Năm Đức Tin (11/10/2012 - 24/11/2013), Đức cha Rino Fisichella, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về việc thăng tiến Tân Phúc Âm hóa, đã nhắc lại bối cảnh: “Chúng ta đang trải qua một cuộc khủng hoảng lan rộng, mà cũng liên quan đến đức tin. Vì một chủ nghĩa duy thế tục, nhân danh quyền tự trị cá nhân, đòi hỏi sự độc lập đối với mọi quyền bính và có mục tiêu sống như thể Thiên Chúa không tồn tại”. Mục tiêu của Năm Đức Tin là tạo cơ hội thuận lợi để đưa toàn Giáo hội bước vào một giai đoạn suy tư đặc biệt, tái khám phá đức “Tin” và muốn “nâng đỡ đức tin của các tín hữu, để trong những khó khăn hằng ngày, họ không ngừng hiến dâng, cách can đảm và xác tín, cuộc sống của mình cho Chúa Giêsu-Kitô”.
Vậy dưới ánh sáng của Tin Mừng, chúng ta cùng nhau suy nghĩ với những câu hỏi đã được đặt ra:
- Làm thế nào để các gia đình Công Giáo kiên trì phấn đấu, vượt lên trên hết những khó khăn của cuộc sống để gìn giữ nét đẹp gia đình Kitô giáo, theo khuôn mẫu đời sống hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi?
- Làm thế nào để các gia đình Công Giáo tự ý thức, tích cực tham gia các chương trình học hỏi và nhất là chủ động canh tân đời sống gia đình bằng đổi mới chính bản thân?
- Làm thế nào để các gia đình Công Giáo trở thành sứ giả loan báo Tin Mừng về gia đình cho thế giới hôm nay, và để các “gia đình Kitô hữu trở nên tin mừng cho Thiên niên kỷ thứ ba”?
- Làm thế nào để các gia đình Công Giáo không bị những tiện nghi vật chất và cuộc sống văn minh lôi cuốn họ đến chỗ chỉ biết sống hưởng thụ ích kỷ, sống buông thả, từ đó làm gia tăng những trường hợp ly dị và làm suy giảm ý thức về phẩm giá sự sống?
- Làm thế nào để các gia đình Công Giáo không bị tiêm nhiễm bởi các phương tiện truyền thông xã hội, tác hại đến nếp sống đạo đức gia đình như tự do luyến ái, đồng tình luyến ái, sống chung không cưới xin, dễ dàng sử dụng bạo lực ...?
“Hỡi các gia đình, hãy trở nên chính mình!”
(ĐTC Gioan Phaolô II)
“Hãy trở nên chính mình!” có nghĩa là các gia đình Kitô hữu sống, thể hiện “căn tính” và “ơn gọi” của gia đình Công Giáo. Gia đình Công Giáo sống đạo là gia đình sống đức Tin, thể hiện niềm tin Kitô giáo và sống đời sống chân chính của người Kitô hữu. Chính vì thế mà mỗi người Kitô hữu, mỗi gia đình Công Giáo cần phải không ngừng củng cố và tăng cường đời sống đức tin của mình cho đến mức hoàn thiện cách sống đạo.
Người Kitô hữu được tái sinh trong sự sống siêu nhiên qua ba bí tích khai tâm: bí tích Rửa Tội, bí tích Thêm Sức và bí tích Thánh Thể. Nhờ bí tích Rửa Tội, con người có thể được tái sanh như con Thiên Chúa, như vậy con người trở nên một tạo vật mới, được tham dự vào thiên tính và được mời gọi để được thánh hiến. Bí tích Rửa Tội là suối nguồn của đức tin, mở đầu trong chúng ta sự sống siêu nhiên, đó là đời sống đức tin, đức cậy và đức mến. “Ơn Đức Tin”, được trao ban cho trong bí tích Rửa Tội, phải làm chúng ta càng ngày càng gắn bó vào Đức Kitô, kết hợp trọn vẹn với Đức Kitô. Như Thánh Phaolô nói: “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là Ðức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20a).
ĐTC Phanxicô nói rằng: Qua Thánh Thần chúng ta được sinh vào một đời sống mới khi chịu phép rửa. Tuy nhiên, đây là một đời sống cần phải được phát triển; thay vì tự nhiên mà có. Chúng ta phải làm tất cả mọi sự trong khả năng để đảm bảo rằng đời sống chúng ta phát triển thành một đời sống mới.” Ngài công nhận đây có thể là một “hành trình khó nhọc”, nhưng ngài nhắc nhớ rằng điều này tùy thuộc nhiều nhất vào Thánh Thần, cũng như vào khả năng chúng ta có thể “cởi mở cho thần khí” tác động. (Bài giảng ngày 9/4/2013)
Thánh Phêrô viết: “Còn anh em, anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Ðấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền” (1Pr 2,9). Chính Thiên Chúa đã chọn chúng ta, chứ không phải chúng ta chọn Ngài, “để được hưởng gia tài không thể hư hoại, không thể vẩn đục và tàn phai. Gia tài này dành ở trên trời cho anh em” (1Pr 1,4).
Thánh Phanxicô de Sales viết trong cuốn “Khởi Ðầu Ðời Sống Ðạo Ðức”: “Ðó là điều sai lầm, hoặc đúng hơn là một tà thuyết, khi nói rằng việc đạo đức không thích hợp với đời sống của một binh sĩ, một thương gia, một thái tử hay một phụ nữ có chồng...”. Vậy kẻ nào trước hết đi tìm nước Thiên Chúa, đi tìm sự thánh thiện, kẻ ấy sẽ tìm thấy được, cũng như sẽ tìm thấy các ân huệ thiêng liêng hay các ân huệ trần thế khác cần thiết cho đời sống.
Sống đời sống chân chính của người Kitô hữu
Bài Giáo Lý thứ hai của ĐTC Phanxicô về Năm Đức Tin ngày 10/4/2013: Chính Chúa Thánh Thần mà chúng ta nhận được trong Phép Rửa dạy chúng ta và thúc đẩy chúng ta thưa cùng Thiên Chúa: “Lạy Cha”, hay đúng hơn, “Abba”, có nghĩa là “Cha” (Rm 8,15). Vì vậy, Thiên Chúa của chúng ta cũng là một người Cha đối với chúng ta. Chúa Thánh Thần tạo ra trong chúng ta tình trạng làm con cái Thiên Chúa mới này, và đây là món quà lớn nhất mà chúng ta nhận được từ Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu. Và Thiên Chúa đối xử với chúng ta như những người con, Ngài hiểu chúng ta, tha thứ cho chúng ta, ôm ấp chúng ta và yêu thương chúng ta ngay cả khi chúng ta lầm lỗi.
Tuy nhiên, mối quan hệ hiếu thảo này với Thiên Chúa không giống như một kho báu được cất giữ trong một xó của cuộc đời chúng ta, nhưng phải được phát triển, phải được cho ăn mỗi ngày bằng cách lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện, tham dự các bí tích, đặc biệt là bí tích Hòa Giải và Thánh Thể, và qua đức ái. Chúng ta có thể sống như những người con! Và đó là phẩm giá của chúng ta - chúng ta có phẩm giá của những người con. Hành xử như con cái thật! Điều này có nghĩa là mỗi ngày chúng ta phải để cho Đức Kitô biến đổi mình thành hình ảnh của Ngài; điều ấy có nghĩa là cố gắng sống như những Kitô hữu, cố gắng theo Ngài, ngay cả khi chúng ta thấy những giới hạn và những yếu điểm của mình.
Chúng ta được mời gọi theo Chúa Kitô, để sống như Đức Kitô, luôn cảm nhận tình yêu của Chúa Cha và nhắc nhở mình đáp trả lại tình yêu ấy từng giây phút. Bước theo Chúa Kitô không phải tùy hứng hay theo mùa. Sống đời Kitô hữu là một dấn thân không ngừng. Người Kitô hữu thì phải trở nên giống Đức Kitô, nhân đức như Đức Kitô, hành động, yêu mến và thực thi Thánh Ý Chúa Cha như Đức Kitô để ngày càng trở nên hình ảnh trọn vẹn và giống Thiên Chúa.
Khi chúng ta có tâm hồn khó nghèo là chúng ta có đức tin. Chỉ khi nhờ đức tin mà chúng ta biết nhìn nhận mình yếu đuối, lúc đó chúng ta mới có tâm hồn khó nghèo và sẳn sàng để quyền năng Chúa hoạt động trong ta. Ngôn từ “khó nghèo” theo nghĩa Kinh Thánh không hẳn là sự nghèo nàn về phương diện vật chất. Người có tâm hồn khó nghèo là người không dính bén gì cả, biết rằng mình yếu đuối, bất tài, bất lực, không thể nào tự tin vào chính sức mạnh của mình. Một người như thế không bám víu vào cuộc đời trần tục này, mà chỉ trông cậy mọi sự nơi Thiên Chúa.
1. Sống yêu mến Thiên Chúa và yêu thương anh em
Tất cả chỉ là yêu thương, yêu mến Thiên Chúa và yêu thương anh em. Chúa Giêsu dạy rằng: “Ðiều răn đứng đầu là: Ngươi phải yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Ðiều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác, lớn hơn các điều răn đó” (Mc 12,29-31).
Nhiều người trong chúng ta tự công nhận mình là con cái Thiên Chúa, nhưng không sống đạo!!! Không sống đạo nghĩa là không sống mối tương quan với Thiên Chúa. Khi dạy cho các Tông Đồ cầu nguyện, Chúa Giêsu bảo họ: “anh em hãy cầu nguyện như thế này: Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (Mt 6,9-10). Phần đầu của Kinh Lạy Cha là hoàn toàn nói về mối tương quan với Thiên Chúa như tình Cha - con thắm thiết.
Trong Lời Tiền Tụng IV: “Tuy Chúa không cần chúng con ca tụng, nhưng việc chúng con cảm tạ Chúa lại là một hồng ân Chúa ban, vì những lời chúng con ca tụng chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ”. Thật vậy, những lời kinh ca ngợi của chúng ta không mang thêm vinh quang gì cho Chúa cả, bởi vì chính Chúa đã vinh quang trọn vẹn rồi, vậy khi chúng ta tôn vinh, ngợi khen Thiên Chúa là để đem lại ơn cứu độ cho chính chúng ta, để vinh quang và tình thương của Thiên Chúa đến với chúng ta.
Cuộc đời này rồi sẽ qua đi và mọi sự khác rốt cuộc cũng sẽ tiêu tan. Chỉ có Thiên Chúa mới trường tồn và tuyệt đối. Chính các mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa, mối tương quan yêu thương hài hòa với tha nhân và môi trường xung quanh, chứ không phải những thành đạt hay nhiều của cải là điều quan trọng nhất trong cuộc sống. Đó là lý do chúng ta phải sống một đời gắn bó với việc thờ phượng, phụng sự Chúa, phụng sự tha nhân, trưởng thành trong đời sống thiêng liêng, thi hành sứ vụ và hoàn tất sứ mệnh trên trần gian để chuẩn bị cho cuộc sống đời đời.
2. Sống Lời Chúa
Người Công Giáo chân chính, người con cưng của Thiên Chúa là những người biết thờ phượng, yêu mến Ngài một cách chân thành, tin tưởng nơi Ngài và sống theo Lời Ngài chỉ dẫn trong Kinh Thánh. Thánh Gioan Tông Đồ bảo: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,16). Vậy để sống sao trở thành con cái của “Tình Yêu” thì chỉ cần yêu mến Ngài. Mà cách thức biểu tỏ tình yêu ấy là vâng giữ Lời Ngài.
Nhưng để hiểu và biết Ngài muốn nói với ta điều gì, muốn ta sống như thế nào và phải làm gì, thì điều cần là chăm chỉ đọc và suy gẫm Kinh Thánh. “Ðã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4). Chúng ta phải xem Lời Chúa cần cho đời mình như của ăn. Lời Chúa là của ăn thiêng liêng chúng ta cần phải có để hoàn thành các sứ vụ và sứ mệnh của đời mình.
Lời Chúa tạo sự sống, ban niềm tin, giúp biến đổi, làm khiếp sợ Quỷ Ma, thực hiện các phép lạ, chữa lành các vết thương, xây dựng nhân cách, thay đổi hoàn cảnh, ban niềm vui, lướt thắng nghịch cảnh, đánh bại cám dỗ, gieo rắc hy vọng, tẩy sạch tâm trí và bảo đảm cho tương lai đời đời của chúng ta. “Như trẻ sơ sinh, anh em hãy khao khát sữa tinh tuyền là Lời Chúa, nhờ đó anh em sẽ lớn lên để hưởng ơn cứu độ” (1Pr 2,2).
Kinh Thánh là bức thư tình hay nhất mà Thiên Chúa viết cho loài người. Người tín hữu Việt Nam chúng ta không có thói quen đọc Kinh Thánh. Xưa kia việc đọc Kinh Thánh xem ra chỉ dành riêng cho hàng giáo sĩ, nhưng ngày nay mỗi người trong chúng ta đều có thể đọc. Tiếp xúc với Kinh Thánh mỗi ngày giúp chúng ta gần gũi hơn với tiếng nói của Thiên Chúa, đó chính là chúng ta được gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng yêu thương chúng ta, Đấng muốn ân huệ của Ngài hoạt động trong lòng chúng ta.
Nếu chịu khó học hỏi và nghiên cứu chúng ta sẽ thấy Kinh Thánh là cả một kho tàng vô cùng quý giá, cũng là một cách giúp chúng ta sống với Chúa Kitô hiện diện trong Lời Chúa, chúng ta sẽ trở nên một với Ngài. Lời Chúa là Sự Thật, là Chân Lý nên từ xưa đến nay nó vẫn giá trị, không bị sụp đổ, khác với bao nhiêu lý thuyết, chủ nghĩa khác của con người. Ích lợi biết bao khi chúng ta tìm hiểu sâu xa về Kinh Thánh giúp chúng ta chống lại cám dỗ, chọn cho mình những quyết định khôn ngoan, mang lại niềm tin vững mạnh hơn, đưa ra những lời khuyên tốt lành và nhờ đó chúng ta chia sẻ niềm tin cho những anh chị em khác.
Để thiết lập một tình bạn thắm thiết với Thiên Chúa là nhớ đến Lời Ngài trong từng giây phút của cuộc sống. Điều này được gọi là suy gẫm. Kinh Thánh không ngừng thúc giục chúng ta suy gẫm Thiên Chúa là ai, Ngài đã làm gì và đã nói gì. Đọc, học thuộc lòng và suy gẫm Lời Chúa sẽ vô ích nếu không đem ra thực hành. Đức Giêsu nói: “Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá” (Mt 7,24). Ngài cũng nêu rõ, ân huệ của Thiên Chúa đến từ việc vâng phục chân lý, chứ không chỉ nhận biết chân lý. “Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì phúc cho anh em!” (Ga 13,17).
Để biến đổi đời sống gia đình chúng ta ngày càng nên giống Đức Giêsu thì không có thói quen nào hiệu quả hơn việc suy gẫm Lời Chúa mỗi ngày. Khi dành thời giờ chiêm niệm chân lý của Chúa, nhìn ngắm gương lành của Đức Giêsu, “chúng ta được biến đổi nên giống cũng một hình ảnh đó, ngày càng trở nên rực rỡ hơn, như do bởi tác động của Chúa là Thần Khí” (2Cr 3,18b). Gẫm suy chân lý của Chúa Giêsu cách nghiêm túc là bí quyết để có một cuộc sống thành công.
Trong đức tin, món quà của Thiên Chúa, một nhân đức siêu nhiên được Ngài truyền cho chúng ta, chúng ta nhận ra rằng một Tình Yêu cả thể đã được ban cho chúng ta, một Lời nhân lành đã được nói với chúng ta, và khi chúng ta chào đón Lời này, là Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể, Chúa Thánh Thần biến đổi chúng ta, soi sáng con đường đi đến tương lai và làm lớn lên trong chúng ta đôi cánh hy vọng để nó đồng hành với chúng ta. Trong một sự đan kết tuyệt vời, đức tin, đức cậy và đức mến tạo thành động lực của đời sống Kitô hữu hướng đến sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa.
3. Sống gắn bó với các Bí Tích
Cách duy nhất để gia nhập gia đình Thiên Chúa là được tái sinh trong phép rửa. Nhờ bí tích Rửa Tội, chúng ta đã trở nên con cái Thiên Chúa, Ngài mời gọi mỗi người chúng ta tham dự vào chức vị làm con Chúa. Vậy chúng ta phải làm thế nào để sống xứng đáng là con cái Thiên Chúa?
Chúng ta cần Chúa trong đời sống của chúng ta, là những kẻ phàm nhân với thân phận mỏng giòn yếu đuối, chúng ta luôn cần được tăng trưởng, trợ giúp bằng sức mạnh của Thiên Chúa, bằng sự hiệp thông với Chúa qua các bí tích, vì chúng ta không thể tự trở nên thánh thiện được nếu chúng ta không có ơn của Ngài. Những bí tích mà chúng ta lãnh nhận, đó là những ơn Chúa ban cho chúng ta.
Nhờ bí tích Rửa Tội, Hôn Phối và Thánh Thể, vợ chồng Kitô hữu có dư điều kiện để sống quên mình và hy sinh trọn vẹn cho nhau. Bí tích Rửa Tội và Hôn Phối chúng ta chỉ lãnh nhận một lần, nhưng chúng ta phải sống hai bí tích ấy mỗi ngày. Bí tích Thánh Thể chúng ta có thể lãnh nhận mỗi ngày và chúng ta phải sống mỗi giây phút trong ngày.
Sống bí tích Rửa Tội là sống tư cách là chi thể của Thân Mình Mầu Nhiệm Chúa Kitô, là sống thân phận cành nho ghép vào thân cây nho. Sống bí tích Hôn Phối là sống Tình Yêu và Giao Ước Thập Giá, là sống quên mình và hy sinh “đến cùng” cho người mình yêu. Sống bí tích Thánh Thể là đón nhận lương thực thần linh là chính Chúa Kitô để trở thành bánh, thành rượu, thành lương thực nuôi sống gia đình mình.
a) Bí tích Thánh Thể
Theo Thánh Thomas d’Aquinô, hy lễ của Chúa Kitô chỉ đem đến những hiệu quả tốt cho những ai kết hợp đức tin và tình yêu của mình với cuộc khổ nạn của Chúa Kitô. Tin, tức là sống trong Thiên Chúa, là sống các bí tích cách đặc biệt, càng tin và càng yêu phép Thánh Thể thì bí tích này càng có hiệu quả trong đời chúng ta.
Khi đi đến nhà thờ, nhiều người tưởng rằng mình đã hy sinh thời giờ cho Chúa, hy sinh là khi nào mình bị thiệt thòi cái gì đó cho người khác. Nhưng đây thì ngược lại, chúng ta là những người được lãnh nhận vì chính Chúa Giêsu mời chúng ta đến tham dự bàn Tiệc Thánh Thể, Ngài chờ đợi và mong muốn ngự đến trong lòng chúng ta, vì qua bí tích Thánh Thể, Ngài tự hiến trọn vẹn và trao ban cho chúng ta mọi ân sủng của Ngài.
ĐTC Gioan Phaolô II đã nói: “Trong khi bạn rước lễ, không phải chính bạn rước Chúa Kitô, mà chính Ngài tiếp nhận bạn, dù bạn thế nào đi chăng nữa. Ngài tiếp nhận bạn, có nghĩa là Ngài chấp nhận bạn và yêu thương bạn”. Vậy điều quan trọng là do thái độ tin của chúng ta, càng tin Chúa Giêsu yêu thương chúng ta với một tình yêu vô tận và Ngài hằng chờ đợi chúng ta nơi bàn Tiệc Thánh. Điều đó sẽ giúp chúng ta yêu mến phép Thánh Thể, luôn khát khao đến gặp Chúa Giêsu một cách nồng nàn, ước mong rước Chúa vào lòng mỗi ngày và chúng ta sẽ không còn rước lễ theo thói quen nữa.
“Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày” (Mt 6,11), việc Rước Lễ của chúng ta, không chỉ là của ăn, là sức mạnh cho riêng mình, nhưng cũng là của ăn cho vợ, chồng, con cái, anh chị em, bạn hữu của chúng ta, cho xứ đạo, cho Giáo Hội và cho cả thế giới. Vì vậy, chúng ta hãy bắt đầu bằng chính bản thân mình, bằng chính việc mở tâm hồn mình cho Chúa Kitô. Chúa muốn rằng, nhờ sự thánh hiến của chúng ta mà môi trường sống, cùng những người thân thương của chúng ta, Giáo Hội và thế giới được thánh hóa.
b) Bí tích Hòa Giải
Tội lỗi làm chúng ta lìa xa Chúa và hủy diệt đời sống thần linh trong chúng ta. Lòng sám hối đưa chúng ta về với Chúa và khôi phục lại trong chúng ta đời sống siêu nhiên. Trong bí tích Hòa Giải Chúa Giêsu ban cho chúng ta ơn tha tội để giao hòa chúng ta lại với Chúa và anh em. Ngài cũng ban sức mạnh giúp chúng ta chừa cải tội lỗi để sống xứng đáng con cái Chúa hơn. Bí tích Hòa Giải là cơ hội để Chúa ban ơn giúp sức cho chúng ta lánh xa dịp tội và vững mạnh hơn để đối đầu với cám dỗ.
Đôi khi chúng ta nghĩ cám dỗ vây quanh chúng ta, nhưng Đức Giê-su nói, nó bắt đầu bên trong chúng ta. Cám dỗ luôn bắt đầu từ trong tâm trí, “Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng” (Mc 7,21-22). Các cơn cám dỗ khiến chúng ta biết tựa nương vào Chúa như rễ cây bám chặt vào đất mỗi khi gió đánh vào thân; vì thế, mỗi lần đứng lên chống lại cám dỗ, mỗi lần lướt thắng một cám dỗ, chúng ta trở nên giống Đức Kitô hơn.
c) Bí tích Hôn Phối
Không phải vô tình mà khi lên đường rao giảng Tin mừng, Đức Kitô đã dành phép lạ đầu tiên cho một đám cưới: tại Tiệc cưới Cana, Chúa đã biến nước thành rượu. Việc này mang hai ý nghĩa:
I/ Đức Kitô đến khai mạc thời Thiên sai: Đó là thời Thiên Chúa và nhân loại vĩnh viễn sánh duyên với nhau trong một giao ước mới,
II/ Ngài đến để củng cố sự chung thủy trong cuộc sống hôn nhân, bằng cách phục hồi nét đẹp nguyên thủy của nó, và tô thêm cho nó một phẩm giá mới là nâng lên hàng bí tích, tức là biến hôn nhân thành một phương tiện để giúp người tín hữu nên thánh.
Bí tích Hôn Phối là phương tiện cho vợ chồng gặp gỡ Đức Kitô trong chính tình yêu của họ. Tình yêu của họ được bén rễ trong tình yêu Thiên Chúa, không sợ bị tàn phai, trái lại có khả năng tồn tại vĩnh cửu. Đức Kitô là nguồn mạch ân sủng đặc biệt này, Ngài ở lại với họ, ban cho họ sức mạnh để họ vác thập giá theo Ngài, để họ chỗi dậy sau khi sa ngã, để họ tha thứ cho nhau, để mang gánh nặng cho nhau, để họ “phục tùng nhau vì lòng kính sợ Đức Kitô” (Ep 5,21).
Khi tích cực tham dự và sống các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể sẽ đưa chúng ta vào mối hiệp thông yêu thương với Thiên Chúa, với những người thân trong gia đình và với tha nhân. Cùng được chia sẻ một nguồn sống là ơn Chúa qua các kinh nguyện và hoa quả của các bí tích, ơn thiêng giúp chúng ta tăng nguồn sinh lực sống đạo. Như cành nho nối kết với cây để có sự sống, khi chúng ta liên kết với Chúa và với nhau, chúng ta có khả năng để truyền lan sự sống thiêng liêng và giúp chúng ta trở thành những máng chuyển ơn Chúa đến cho mọi người. Mọi điều thiện chúng ta thực hiện đều có tác động trên những người khác, sự trung tín của chúng ta có một sức mạnh đối với những người chúng ta mến yêu.
Gia đình Công Giáo sống đức Tin Kitô giáo
Gia đình chúng ta phải là một gia đình mà Thiên Chúa có một địa vị tối thượng tuyệt đối trong bậc thang các giá trị. Bởi lẽ, gia đình được dựng nên và phát xuất từ gia đình yêu thương của Thiên Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa thể hiện tình yêu thương bằng cách Ngài đã tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài. Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất” (St 1,26).
Thiên Chúa giáo là tôn giáo của ân sủng, một tôn giáo mở đường cho chúng ta hướng về việc “để Chúa Kitô hành động”, hướng về việc “càng ngày chúng ta càng mở lòng cho những hoạt động của Ngài”. Như thế, giúp chúng ta đón nhận và để Chúa sống trọn vẹn trong ta. Chúa Giêsu đã nói với Thánh Phaolô: «Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối». Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Ðức Kitô ở mãi trong tôi (2Co 12,9). Quan trọng là mức độ của lòng tin và sự gắn bó vào Chúa Kitô của chúng ta. Chính sự sống của Đức Kitô phải được lớn mạnh trong mỗi người, giúp chúng ta luôn luôn sẳn sàng đón nhận các ân sủng và làm điều lành để giúp những người khác hoán cải.
Có Chúa, gia đình sẽ là một gia đình cầu nguyện. Trước hết, mỗi người trong gia đình cần cầu nguyện riêng với Chúa. Đời sống đức tin phải được đặt nền tảng trên việc trải nghiệm cá nhân với Chúa. Kế đến là cố gắng dành thời giờ để cầu nguyện chung giữa hai vợ chồng, tiếp theo là việc thực hiện những giây phút cầu nguyện chung trong gia đình. Một trong những món quà quý báu nhất mà cha mẹ có thể ban tặng cho con cái là tập tành, dạy dỗ và làm cho chúng biết yêu thích, cùng thưởng thức những giây phút cầu nguyện một mình. Không cách nào để thực hiện điều đó tốt hơn là dùng chính những gương sáng qua cách cầu nguyện của mình.
Gia đình có trách nhiệm giáo dục con cái nên người (giáo dục nhân bản) và nên người Kitô hữu (giáo dục Đức Tin). Vì là nơi con cái được sinh ra và được lớn lên, nên gia đình là môi trường đầu tiên, tức là môi trường trước nhất trong đó con cái được giáo dục. Sau gia đình mới là các môi trường khác như trường học, cộng đồng, giáo xứ, xã hội. Chẳng những là môi trường đầu tiên mà gia đình còn là môi trường chính yếu của việc giáo dục con cái nữa, vì trách nhiệm giáo dục Đức Tin cho con cái chủ yếu là trách nhiệm của cha mẹ như Công đồng Vatican đã khẳng định trong Tuyên Ngôn về Giáo Dục Kitô giáo và trong Sắc Lệnh Tông Đồ Giáo Dân. Đức Tin được cha mẹ chuyển giao cho con cái phải là Đức Tin sống động và trưởng thành. Đức Tin có sống động mới thu hút được con cái sống theo cha mẹ. Đức Tin có trưởng thành mới làm cho con cái chúng ta nên người Kitô hữu, sốt sắng tích cực, dấn thân.
Vậy hơn bao giờ hết, chúng ta cần phải lưu tâm đến vấn đề truyền đạt đức tin trong gia đình, cần phải ý thức tầm quan trọng của việc hình thành những mẫu khuôn giáo dục nhân cách, đạo đức cho con cái. Gia đình phải là nơi sống đạo thực sự, siêng năng tham gia vào việc phụng vụ của Hội Thánh, nghĩa là siêng năng tham dự Thánh Lễ, lãnh nhận các bí tích và sống các bí tích ấy trong gia đình và ngoài xã hội, làm gương sáng đức tin cho nhau, gương sáng cầu nguyện, gương sáng yêu thương quên mình. Vì thế, trong đời sống gia đình Kitô hữu, cha mẹ phải biết trân trọng và tuân giữ Luật Ngày Chúa Nhật và đặt Thánh Lễ Tạ Ơn vào trung tâm của Ngày Chúa Nhật và phải tích cực tham dự các Cử Hành khác. Có như thế cha mẹ mới dễ chuyển giao lòng tôn kính và việc tuân giữ Luật Ngày Chúa Nhật của mình cho con cái.
Tình yêu thương trong gia đình sẽ được trọn vẹn khi chúng ta, ngoài việc lo cho con cái mình đầy đủ từ cái ăn đến cái mặc về phần xác, cho chúng các phương tiện để đạt được những thành tựu cá nhân, thì cũng nên nghĩ đến cuộc sống vĩnh cửu của chúng mai sau. Chưa kể là niềm tin Kitô hữu giúp chúng ta sống hạnh phúc đích thực ngay cả đời này. “Ai tin vào Ðức Kitô thì trở nên con cái Thiên Chúa. Ơn nghĩa tử này biến đổi con người bằng cách giúp họ sống theo gương Ðức Kitô. Nhờ đó, họ có khả năng hành động đúng đắn và thực thi điều lành. Sống kết hiệp với Ðấng Cứu Ðộ, người môn đệ đạt tới đức ái hoàn hảo, tới sự thánh thiện. Ðời sống luân lý được trưởng thành trong ân sủng, sẽ triển nở thành đời sống vĩnh cửu trong vinh quang Nước Trời.” (GLHTCG 1709)
Muốn gia đình nên thánh thì gia đình Kitô hữu cần chăm lo việc học hỏi, suy niệm, sống theo Lời Chúa, và thực hành bằng cách sống bác ái, cư xử bác ái, và hành động bác ái với mọi người. Lời Chúa và những giáo huấn của Giáo Hội giúp chúng ta sống đúng nghĩa của con người trong mọi hoàn cảnh, là câu trả lời cho nhiều khúc mắc của nhân sinh, giải quyết được các khủng hoảng xã hội của mọi thời đại, ngay cả những vấn đề liên hệ đến giáo dục, sinh lý, môi sinh... Vì tất cả những giây phút tăm tối trong đời sống đức tin, ân sủng Chúa chính là nguồn sức mạnh giúp cho mỗi người vượt qua.
Bổn phận làm con Thiên Chúa là mỗi người Kitô hữu chúng ta phải dùng mọi phương thế để đón nhận Tin Mừng cách sâu sắc và loan báo Tin Mừng cách tích cực. Nếu trong gia đình hai vợ chồng, cha mẹ và con cái sống và làm chứng cho Tình Yêu, nếu mọi người và cả gia đình là “thừa tác viên” của công cuộc Phúc âm hóa, hay nếu gia đình thể hiện đầy đủ “giáo hội tính” trong đời sống của mình, thì gia đình đã và đang trở nên thánh thiện. Nên thánh hay sống thánh là một tiến trình và từng bước tiến gần tới Chúa.
Thiên Chúa muốn chúng ta có được sự trưởng thành thiêng liêng và trở nên giống Đức Kitô! Tiến trình biến đổi chúng ta càng ngày càng nên giống Đức Kitô hơn được gọi là thánh hoá. Việc nên giống Đức Kitô không do bắt chước, nhưng do việc sống bên trong với Ngài. Chúng ta để Đức Kitô sống trong tâm hồn chúng ta, sống giữa gia đình chúng ta: “đó là chính Ðức Kitô đang ở giữa anh em, Ðấng ban cho chúng ta niềm hy vọng đạt tới vinh quang” (Cl 1,27b).
Làm thế nào để nhận ra rằng Chúa Giêsu đang ở giữa gia đình chúng ta? Ngang qua những chọn lựa của chúng ta đó! Mỗi lần chúng ta chọn làm điều lành thay vì phạm tội, là chúng ta đang lớn lên trong nhân đức của Chúa Kitô. Chọn làm điều lành trong mọi hoàn cảnh và tin chắc Thần Khí Thiên Chúa sẽ ban sức mạnh, tình yêu, lòng tin và khôn ngoan của Ngài để chúng ta làm điều ấy. “Thưa anh em, hãy đề phòng, đừng để người nào trong anh em lòng dạ xấu xa chối bỏ đức tin mà lìa xa Thiên Chúa hằng sống” (Dt 3,12).
Gia đình sống giây phút hiện tại này trong tình yêu của Thiên Chúa là một hồng ân. Chính trong yêu thương mà chúng ta nên giống Thiên Chúa hơn cả. Trong Tin Mừng Thánh Gioan, Đức Kitô nói về chính mình rằng: “Tôi, là ánh sáng, Tôi đến thế gian, để bất cứ ai tin vào Tôi, thì không ở lại trong bóng tối” (Ga 12,46). Sống trong Thiên Chúa là sống trong ánh sáng, vốn sẽ soi chiếu cho chúng ta cách ứng xử với từng mối tương quan, từng bổn phận và từng hoàn cảnh. “Con người được tham dự vào ánh sáng và sức mạnh của Thánh Thần Thiên Chúa. Nhờ lý trí, họ hiểu được trật tự muôn loài do Ðấng Sáng Tạo thiết lập. Nhờ ý chí, họ có khả năng hướng tới sự thiện hảo đích thực. Con người đạt tới sự viên mãn của mình bằng cách «tìm kiếm và yêu mến những gì là chân, là thiện» (GLHTCG 1704).