VỆ SINH VÀ DINH DƯỠNG TRONG ĐỜI SỐNG VỢ CHỒNG
Tạ Thanh Minh
VỆ SINH
VÀ DINH DƯỠNG TRONG ĐỜI SỐNG VỢ CHỒNG
I. Đôi vợ chồng trẻ:
A. Lời khuyên về dinh dưỡng
B. Thuốc lá
C. Trạng thái sức khỏe
1/ Áp huyết
2/ Thử nghiệm máu
3/ Tình trạng miễn nhiễm
4/ Tiền căn bệnh lý trong gia đình
D. Luyện thân
E. Luyện tâm.
II. Thời kỳ mang thai
A. Chẩn đoán mang thai:
1/ Những triệu chứng tương đối
2/ Những dấu hiệu chắc chắn
B. Phỏng định ngày sinh
C. Theo dõi thai kỳ:
1/ Theo dõi tổng quát
2/ Theo dõi về phương diện Sản-Phụ khoa
D. Những phương pháp vệ sinh và dinh dưỡng:
1/ Ăn uống
2/ Vận động thân thể
3/ Vệ sinh thân thể
4/ Thuốc men
III. Chăm sóc sức khỏe hài nhi.
I. ĐÔI VỢ CHỒNG TRẺ
A. Lời khuyên về dinh dưỡng:
Thức ăn được cấu tạo bằng 3 loại chất:
° chất bột đường (glucides)
° chất béo (lipides)
° chất đạm (protides)
Thức ăn cần thiết để bảo tồn sức khỏe sẽ được trình bày chi tiết ở đoạn sau. Đại cương, dinh dưỡng lành mạnh dựa trên vài nguyên tắc căn bản sau đây:
1. Không nên ăn quá nhiều chất béo, chất mỡ dù chất nầy cho nhiều năng lượng (calorie):
° 1g chất béo cho ra 9 calories, trong khi
° 1g chất đạm chỉ cho 4 calories
° 1g chất glucides 4 calories.
Mỡ động vật tạo ra nhiều cholestérol, nhất là LDL cholesterol “xấu” mà nếu lượng trong máu cao có thể gây nên chứng sơ động mạch. Chất béo thực vật, như các loại dầu bắp, bông quỳ tournesol, hạt nho hay ô-liu, margarine cũng làm tăng cholestérol nhưng là HDL cholesterol “tốt” có đặc tính che chở các động mạch.
2. Dùng nhiều chất bột đường glucides, khoảng 4 lần chất đạm. Chất glucides có nhiều trong các loại ngũ cốc và sản phẩm biến chế: gạo, nếp, bánh mì, mì sợi, nuôi, bánh lạt… và đường glucose.
3. Chất đạm protides phát xuất từ các loại thịt động vật như bò, gà, heo, cá, cua, tôm, thú rừng và trứng…, nhưng chất đạm luôn luôn pha lẫn với chất mỡ, béo có thể làm tăng lượng cholestérol như tròng đỏ trứng, thịt heo, da gà, tôm… Vì thế không nên ăn hơn 2 hoặc 3 trứng mỗi tuần, mà nên chuộng các loại cá hay chất đạm thực vật protides végétaux trong các loại đậu: đậu hũ, đậu nành, đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen, đậu trắng, mè…
4. Tập thói quen ăn ít mặn.
5. Ăn nhiều rau, cải và trái cây.
6. Uống nhiều nước, vì nhu cầu sinh lý tối thiểu khoảng 1 lít đến 1 lít rưỡi mỗi ngày để giúp thận (les reins) bài tiết hoàn hảo. Các loại nước ngọt, bia, rượu: không nên dùng thường xuyên hay quá độ, vì những nguy hại có thể xẩy ra như làm tăng chất Triglycérides trong máu (là yếu tố phụ với lượng cholestérol cao gây ra sơ động mạch=athéroschérose), chưa kể đến những hậu quả của tình trạng ghiền rượu kinh niên ảnh hưởng trên các tạng phủ như gan, thận, não bộ, bao tử…)
B. Thuốc lá
là yếu tố nguy hại cho sức khỏe, nhất là khi cộng thêm chứng cholestérol cao. Hai mạch vòng tim (artères coronaires) dễ bị sơ sớm, rồi tắt nghẻn gây nên nhiều chứng bệnh trầm trọng như Angor, Infarctus du Myocarde (nhồi máu cơ tim). Hai mạch cổ (artères carotides) bị sơ, nghẻn là nguyên nhân của một số những tai nạn huyết não (Accidents Vasculaires Cérébraux).
Thuốc lá còn là nguyên nhân chính gây nên loét dạ dày (ulcère de l’estomac), ung thư thanh quản (cancer du larynx), ung thư phổi (cancer du poumon), thận (du rein), bọng đái (de la vessie) v.v…
C. Trạng thái sức khỏe
được thẩm định bằng:
1. Sự theo dõi thường xuyên áp huyết (tension artérielle). Mỗi người đều nên biết áp huyết của mình: bình thường (normale), giới hạn (limite) hay có khuynh hướng cao (élevée; còn gọi là hypertension artérielle). Chứng cao áp huyết ở người trẻ tuổi hay trung niên thường mang tính cách di truyền, cần được trị liệu hằng ngày để tránh biến chứng sơ động mạch (athéroschérose).
2. Thử nghiệm máu (analyse de sang) để biết:
° lượng đường máu Glycémie,
° lượng Cholestérol, Triglycérides,
° những định lượng khác để biết chức năng gan (fonction hépatique), thận (fonction rénale) v.v… hay sérologie H.I.V. (Human Immunodeficience Virus) để biết có bị nhiễm Hội chứng Siêu vi trùng Liệt Kháng không?
3. Tình trạng miễn nhiễm (état immunitaire) tức là khả năng đề kháng nhờ chủng ngừa:
° bệnh Lao Tuberculose bằng phương pháp B.C.G. (ngày nay thường chích vào da bì intradermique để tạo nên sức đề kháng),
° bệnh Yết hầu Diphtérie, Sài uốn ván Tétanos, Liệt-tũy viêm Poliomyélite (DTPolio hay Revaxis). Ngày nay, còn chủng ngừa thêm bệnh ho gà Coqueluche, vì một số người trưởng thành không còn đủ miễn nhiễm chống lại bệnh nầy, nên phải dùng đến thuốc chủng tứ hóa-trị (vaccin tétravalent) Repevax (DTPolioCoqueluche),
° Viêm gan B, truyền qua đường sinh dục và Viêm gan A do thức ăn bị nhiễm.
4. Tiền căn bệnh lý trong gia đình, ít nữa ở liên hệ cấp độ một như cha, mẹ anh chị em để biết xem có mang những chứng như: cao áp huyết (hypertension artérielle), tiểu đường (diabète), các chứng tim-mạch (angor, infarctus du myocarde), ung thư ruột già (cancer du colon), vú (du sein) v.v…
D. Luyện thân.
Cùng với - lượng cholestérol cao, - chứng cao áp huyết - và thuốc lá, - tình trạng thiếu vận động thân thể (état sédentaire) được xác nhận là một trong 4 yếu tố nguy hại cho Tim-Mạch (les quatre bourreaux du coeur). Vận động thân thể dưới mọi hình thức: làm việc nội trợ suốt ngày, đi bộ 4-5 cây số mỗi ngày, thể dục, chạy bộ và thể thao đều đặn (như bơi lội, xe đạp, múa quyền, các bộ môn thể thao giải trí…) đều mang lại kết quả tốt giúp bảo tồn thân thể tráng kiện, hô hấp bền dai, hệ thống tuần hoàn và cơ tim tránh khỏi chứng sơ mạch (athérosclérose), cũng như làm giảm lượng cholestérol cao và chứng cao áp huyết.
A. Luyện tâm (Thanh tâm).
Làm cho tinh thần thư thái, yên ổn, gạt bỏ lo âu, xúc động thái quá, tránh bớt buồn phiền, giận dữ. Đó là điều kiện cần thiết để giữ gìn sức khỏe. Giao động tâm tư (stress psychique) cũng là yếu tố có thể ảnh hưởng gây ra các bệnh trạng như loét bao tử, đau tim (angor) hay nhồi máu cơ tim (infarctus du myocarde). Thiền hay tĩnh tâm là phương cách hữu hiệu để luyện tâm chống lại giao động tâm tư.
II. THỜI KỲ MANG THAI
A. Chẩn đoán mang thai dựa trên:
1. Những triệu chứng tương đối (không chắc chắn) như:
° Tắt (mất) kinh,
° Nôn, mửa,
° Sụt ký (lúc ban đầu) vì mất ngon. Ở Việt nam thường gọi là “ốm nghén”,
° Ngực căng v.v…
2. Những dấu hiệu chắc chắn:
a. Thử nghiệm sinh học (Examens biologiques):
° Trắc nghiệm mang thai (test de grossesse) dùng nước tiểu, bán tự do ở dược phòng, dễ thực hiện và cho kết quả khá chính xác chỉ vài ngày sau khi tắt kinh.
° Phân định kích tố B.H.C.G. (B=bêta) trong huyết thanh (máu), cho kết quả rất chính xác và tùy phân lượng cao thấp có thể giúp định tuổi bào thai.
b. Thai nhi cử động (bruits fœtaux), khiến người mẹ có thể cảm nhận được khoảng từ 4 tháng.
c. Ngày nay, bằng phương pháp Siêu âm ký (Echographie), bào thai có thể được xác định sớm hơn, chỉ độ vài tuần sau khi thụ thai.
B. Phỏng định ngày sinh
Theo công thức “cộng bảy trừ ba” tính từ ngày đầu tiên của kinh kỳ chót (1er jour des dernières règles).
Thí dụ: 17 tháng 12 năm 1995 là ngày đầu tiên của kinh kỳ chót.
° Ngày phỏng định: 17+7 = 24,
° Tháng phỏng định: 12-3 = 9,
° Năm sinh : 1996.
Ngày sinh phỏng định là 24 tháng 9 năm 1996.
Thông thường, lần sinh đầu tiên hay xẩy ra sớm hơn phỏng định vài ngày.
C. Theo dõi thai kỳ.
Bác sĩ y khoa tổng quát có trách nhiệm giới thiệu người mẹ đến bác sĩ Sản-Phụ khoa để theo dõi trọn thai kỳ và làm thủ tục khai báo mang thai.
1. Theo dõi tổng quát:
a. Cân, đo, lấy áp huyết, đếm nhịp tim.
b. Thử nghiệm nước tiểu để tìm:
° lượng đường glucose,
° bạch đản albumine.
c. Thử nghiệm E.C.B.U. (Examen Cyto-Bactériologique des Urines) để săn tìm trường hợp nhiễm trùng đường tiểu mà sớm điều trị.
d. Thử nghiệm máu:
° N.F.S. (đếm cầu và công thức máu), gồm cả phân định Hémoglobine và đo Hématocrite để săn tìm chứng thiếu máu (anémie).
° Phân định lượng sắc (fer sérique).
° Trong đệ tam cá nguyệt, còn phải tìm bệnh Viêm gan do siêu vi trùng Hépatite B (sérologie HVB) để kịp chủng ngừa nếu người mẹ chưa được miễn nhiễm, tức là trong máu không có kháng tố chống lại siêu vi trùng VHB.
Cần truy tìm thêm bệnh viêm gan C (sérologie VHC) nếu có tiền căn được truyền máu hay chất chuyển hóa (dérivés), mổ lớn…
Xin nhắc lại:
Trong giai đoạn tiền hôn nhân, những thử nghiệm máu sau đây được thực hiện theo luật định:
° Phân loại máu groupage sanguin ABO và tìm yếu tố Rhésus (âm hay dương) để truy tìm chứng bất tương đồng giữa thai nhi và người mẹ (incompatibilité feoto-maternelle) trong trường hợp người mẹ mang Rhésus négatif và người cha Rhésus positif.
° Sérologie de la Rubéole et de la Toxoplasmose, là hai bệnh truyền nhiễm có thể gây nên khuyết tật cho bào thai (malformations fœtales) hay làm xẩy thai.
° Sérologie de la Syphilis (truy tìm bệnh giang mai).
2. Theo dõi về phương diện Sản-Phụ khoa:
Thai kỳ 9 tháng được chia làm 3 tam cá nguyệt.
a. Đệ nhất tam cá nguyệt là thời kỳ hệ trọng nhất cho bào thai vừa hình thành, dễ bị sẩy (avortement), đôi khi hình thành ngoài tử cung (grossesse extra-utérine).
b. Đệ nhị tam cá nguyệt là thời kỳ thai nhi tăng trưởng, tương đối an toàn cho cả mẹ lẫn con.
c. Đệ tam cá nguyệt là thời kỳ thai nhi phát triển già dặn, vài biến chứng nguy hiểm có thể xẩy ra như băng huyết, nhau mọc thấp, thai độc (toxémie gravidique) v.v…
Dùng Siêu Âm ký Echographie có thể giúp chẩn đoán trai, gái, thai đôi, thai ba… theo dõi thai nhi tăng trưởng, đo kích thước (và định tuổi), xác định vị thế thai nhi trong tử cung, vị thế lá nhau v.v…
D. Những biện pháp vệ sinh và dinh dưỡng:
1. Ăn, uống: Đầy đủ những thức ăn khác nhau, dựa theo những nguyên tắc đã được trình bày ở đoạn trên.
a. Sữa và sản phẩm biến chế: sữa đặc, sữa bột, sữa tươi (bớt chất béo lait demi-écrémé), yaourt, fromage và bơ (nên dùng ít vì cho nhiều cholestérol, nên thay bằng margarine enrichie à l’Oméga 3).
Sữa đậu nành, gốc thực vật, rất bổ dưỡng (cho nhiều chất đạm thiết yếu) và dễ tiêu hóa.
b. Thức ăn chứa nhiều chất đạm: thịt bò, gà, heo (nạc), trứng, cá, cua, tôm, thịt rừng v.v…
c. Về chất béo, chỉ cần rất ít bơ, mỡ, có thể thay bằng margarine hay dầu ăn, tốt nhất là ô-liu (vì cho ra cholestérol loại “tốt”).
d. Ngũ cốc và sản phẩm biến chế (céréales et dérivés), với cân lượng khoảng 4 lần chất đạm, sẽ mang lại đầy đủ chất bột đường cần thiết.
e. Các loại rau, cải và trái cây cung cấp nhiều sinh tố và khoáng chất (vitamines et minéraux) thiết yếu cho sự phát triển của thai nhi, đặc biệt là não bộ, xương, răng, da, tóc, mắt, tai, các hạch và các tuyến. Phải kể đến :
° Rau dền, rau muống, tất cả các loại rau tươi như tía tô, măng, quế, ngò, húng v.v…
° Cải salade, cải bẹ, cải rổ, cải Tàu, cresson, giá, măng Tây, măng ta, cà rốt, nấm rơm, nấm hương v.v…
° Cam, quít, đào, táo, lê, xoài, chuối, nhãn, các loại dưa, nho, pomme v.v…
° Các loại khoai: lang, mì, môn, trắng, Tây v.v…
Đặc điểm của thức ăn Việt Nam là dùng nhiều rau, cải tươi hay xào nấu và tráng miệng thì thường là trái cây.
Để tóm kết về dinh dưỡng lúc mang thai, xin nhắc lại vài nguyên tắc căn bản đã được trình bày:
* ăn ít mặn, ít mỡ và chất béo động vật,
* uống nhiều nước,
* cữ rượu vì ảnh hưởng tác hại trực tiếp trên thai nhi: làm kém phát triển và giảm ký, kém thông minh và suy nhược tâm trí.
* cữ thuốc lá vì hiểm họa gây ra sinh sớm, hài nhi thiếu cân…
2. Vận động thân thể vừa phải, tốt nhất là đi bộ, thể dục, tập luyện hô hấp (như yoga), bơi lội, múa quyền…
Nên tránh tất cả những bộ môn thể thao đấu chọi, lao sức hay thi đua, dễ đưa đến chấn thương.
3. Vệ sinh thân thể thường xuyên.
4. Tránh dùng thuốc men, nếu không được bác sĩ theo dõi, đặc biệt là trong đệ nhất và đệ tam cá nguyệt.
5. Cữ ăn nằm trong sáu tuần cuối cùng.
III. CHĂM SÓC SỨC KHỎE HÀI NHI
Đó là trọng trách của cơ quan P.M.I. (Protection Maternelle Infantile) và của bác sĩ nhi khoa, đặc biệt hướng dẫn về dinh dưỡng và vệ sinh. Điểm quan trọng nhất để bảo vệ sức khỏe trẻ em là bảo đảm một tình trạng miễn nhiễm hoàn hảo nhất có thể đạt được bằng chủng ngừa theo lịch trình (calendrier vaccinal), cần tuân giữ đúng tháng năm và (được bác sĩ) ghi chép cẩn thận trong số sức khỏe (carnet de santé). Với đà tiến bộ, ngày nay có thể ngừa những bệnh truyền nhiễm như:
- Diphtérie, Tétanos, Poliomyélite, Coqueluche và các bệnh do vi trùng Hemophilus Influenzae B (gây bệnh Viêm màng não Méningite) mà chỉ cần dùng một thuốc chủng tổng hợp, ngủ hóa trị (vaccin pentavalent): Pentacoq, Infanrix Penta…
- R.O.R. tức là Rougeole, Oreillons và Rubéole cũng bằng một thuốc chủng tổng hợp, tam hóa trị: ROR vax (MMR vax Pro), Priorix…
- B.C.G. (bacille de Calmette et Guérin) để ngừa lao, thường chủng vào nội bì (vaccin intradermique) - ngày nay ở Pháp không còn bó buộc nữa.
- Hépatite B (Genhevac B hay Engerix B). Giới chức y khoa thẩm quyền nhiều lần lên tiếng trấn an không có liên quan giữa chủng ngừa Viêm gan B và một bệnh thần kinh suy thoái, đưa ra những luận cứ chứng nhận (dựa theo OMS, kinh nghiệm của các quốc gia khác) nhất là chủng ngừa các em lúc tuổi còn nhỏ hoàn toàn vô hại. Do đó, có thể dùng 2 liều thuốc lục hóa trị Infanrix Hexa ở tuổi 2 và 3 tháng.
- Ngày nay, còn nên chủng ngừa Phế cầu trùng Pneumocoque (gây bệnh Sưng Phổi cấp tính trầm trọng) bằng thuốc Prevenar (7 hay 13 hóa trị).
Và từ 1 đến 2 tuổi, chủng ngừa Méningocoque C (sinh bệnh Viêm màng não).
Hiện nay, Bộ Y Tế Pháp đưa ra lịch trình chủng ngừa đơn giản hóa, tùy theo tuổi:
° 2 tháng: Infanrix Hexa và Prevenar 13,
° 4 tháng: Infanrix Hexa và Prevenar 13,
° 11 tháng: Infanrix Hexa và Prevenar 13 (tái chủng rappel),
° 12 tháng: ROR vax (MMO vax Pro) hay Priorix, Meningo C,
° 16-18 tháng: ROR vax (MMO vax Pro) hay Priorix,
° 6 tuổi : Tetravax (DTPCa),
° 11-13 tuổi: Tetravax (DTPCa),
(thiếu nữ: HPV human papillovirus để ngừa một số ung thư cổ tử cung),
° 25 tuổi: DTPCa (Repevax),
° 45 tuổi: DTP (Revaxis),
° 65 tuổi : DTP (Revaxis), sau đó tái chủng mỗi 10 năm;
Ngoài ra, trường hợp cần thiết như cha mẹ công tác hay du lịch ở những xứ nhiệt đới, cũng nên chủng cho con ngừa một số bệnh khác như Sốt thương hàn (Fièvre Typhoïde), Viêm gan A (Hépatite A) v.v…
Trách nhiệm của đôi vợ chồng trẻ là gìn giữ cho bản thân đạt được một sức khỏe lành mạnh để góp phần xây dựng một hiện tại bảo đảm và mai sau trao truyền cho con cái một gia tài vô giá - một tinh thần minh mẫn trong một thể xác tráng kiện.
RÉSUMÉ:
HYGIÈNE ET NUTRITION DANS
LA VIE DU COUPLE
I. Dans la vie quotidienne du jeune couple:
A. Quelques conseils nutritionnels:
- Savoir limiter les apports lipidiques, surtout d’origine animale, souvent riches en cholestérol et compléter par des lipides d’origine végétale (huiles de tournesol, d’olive, de colza…, les margarines enrichies à l’oméga 3).
- Augmenter les apports glucidiques autres que le glucose, surtout par des céréales.
- Quant aux protides surtout d’origine animale, souvent contenant des lipides cachés, il est conseillé d’en limiter l’apport au quart du poids des glucides – sauf les poissons. Il faut penser aux protides d’origine végétale, provenant des graines de soja, des pois, des haricots…
- Apprendre à manger très peu salé.
- Penser à consommer beaucoup de légumes et de fruits.
- Boire de 1 litre à 1 litre 500 par jour.
B. Le tabac est l’un des facteurs majeurs de risque cardio-vasculaire.
C. L’état de santé par:
1/ Un contrôle de la Tension Artérielle personnelle,
2/ Des analyses de sang périodiques pour surveiller les taux de: glycose, cholestérol, triglycérides…
3/ Un état immunitaire acquis par des vaccinations – mettre à jour les rappels Revaxis (Diptérie, Tétanos et Poliomyélite) ou Repevax (DTP et Coqueluche).
4/ Une connaissance des antécédents médicaux de la famille: Hypertension Artérielle, Diabète, affections cardiaques (Angor, Infarctus Du Myocarde), Cancer du colon, du sein….
D. La pratique des activités physiques et sportives régulières.
E. Un équilibre psychique à acquérir.
II. La période de grossesse:
A. Le diagnostic de grossesse:
1/ Des symptômes subjectifs
2/ Des signes objectifs
B. Prédiction de la date de délivrance.
C. Le suivi de la grossesse:
1/ Surveillance générale
2/ Surveillance gynéco-obstétrique
D. Les conseils d’hygiène et nutritionnels:
1/ Le boire et le manger
2/ Les activités physiques et sportives
3/ L’hygiène corporelle
4/ Les médicaments (à éviter).
III. Surveillance de l’état de santé du bébé - rôle de la P.M.I. et des pédiatres: L’importance des conseils diététiques, d’hygiène et de l’observance du calendrier vaccinal.
BS TẠ THANH MINH.