CHƯƠNG V
NHỮNG XUẤT XỨ CỦA
THUYẾT NGỘ ÐẠO
CHƯƠNG V
NHỮNG XUẤT XỨ CỦA
THUYẾT NGỘ ÐẠO
Thời kỳ từ năm 70 cho đến năm 140, vừa là thời kỳ phát triển, vừa là thời kỳ khủng hoảng nội bộ trong đạo Do Thái-kitô. Chính vào lúc này xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau một phong trào nhị nguyên mà người ta sẽ gọi chung là thuyết ngộ đạo. Ðây là một sự kiện mới, gắn liền với hoàn cảnh lịch sử. Phải phân biệt thuyết này với trực quan, thông thường là một trào lưu khải huyền Do Thái và Do Thái-kitô. Thuyết ngộ đạo là một trong những hình thức của trào lưu nói trên. Nó không đồng hóa với các khuynh hướng nhị nguyên mà tiêu biểu là một số trào lưu Do Thái, như trào lưu Qumrân; các khuynh hướng này có lẽ chịu ảnh hưởng tư tưởng Iran. Thuyết ngộ đạo tuy có mượn ít nhiều yếu tố của các trào lưu nói trên, nhưng là một thuyết biệt lập về căn bản.
Môi trường ra đời của thuyết này là những luồng tư tưởng bên lề đạo Do Thái và đạo Do Thái-kitô. Trên kia đã ghi nhận sự tồn tại của các luồng tư tưởng này. Trước năm 70, các luồng tư tưởng này được biểu hiện như những hình thức sai lạc của trào lưu cứu thế và lòng trông đợi khải huyền. Nhưng xem ra trong đó chưa có thuyết ngộ đạo thực thụ. R.M. Grant đã minh chứng rằng: Simon người Samaritain, được các nhà khảo cứu trình bày như cha đẻ của trực quan, ông không phải là người ngộ đạo, nhưng các môn đệ của ông đã trở thành ngộ đạo sau năm 70. Thiên niên thuyết tại Asia rất hoạt động vào thời kỳ lúc Phaolô viết thư cho Timothée, nhưng nó chỉ thành tà thuyết ngộ đạo chính thức vào cuối thế kỷ I với Cérinthe. H.J. Schoeps xem ra có lý khi ông coi thuyết Ébionisme như một tà giáo Do Thái-kitô rất cổ xưa. Theo tà giáo này thì đức Kitô là vị ngôn sứ Maisen đã báo trước, chứ không phải là Con Thiên Chúa. Nhưng O. Cullmann cũng có lý khi ông ghi nhận theo Épiphane rằng: chính sau năm 70 nhóm này mới tượng trưng một tà thuyết (1).
Hình như phải theo chiều hướng này để cắt nghĩa một đoạn văn của Hégésippe khi ông nói về những xuất xứ của các tà giáo (H.E.V, 22,5). Hégésippe chép rằng: dưới đời giám mục Siméon, sau khi Giacôbê qua đời, chính Thébouthis đã du nhập vào các tà giáo những điều đã có trong bảy giáo phái do thái. Ông kể tên những người khởi xướng lên các tà thuyết ấy, Simon, Cléobius, Dosithée, Gortheios và nhóm Masbothéens. Ông lại thêm : ”Từ các người này lại nảy ra nhóm Ménandrianistes, nhóm Marcionites, nhóm Carpocratiens, nhóm Valentiniens, nhóm Basilidiens, nhóm Satorniliens”. Một điều rõ ràng là đoạn văn này không thể hiểu theo từng chữ. Nhưng từ đấy có thể rút ra hai ý tưởng: Ý tưởng thứ nhất là việc phân chia làm ba giai đoạn cuộc biến chuyển đưa đến ngộ đạo thuyết. Môi trường khởi thủy là tà đạo Do Thái. Từ tà đạo mới phát triển lên tà đạo Kitô của Simon và của nhóm Nazaréens. Sau cùng, từ Kitô tà đạo này mới phát ra thuyết ngộ đạo thực thụ. Ngoài ra Hégésippe cũng bảo rằng thuyết ngộ đạo xuất hiện vào đời giám mục Siméon, nghĩa là sau khi Giêrusalem thất thủ. Sai lầm của ông là đem Simon và phái Masbothéens đặt vào thời đại này, thực ra đây phải là đợt thứ ba.
I. THUYẾT ÉBIONISME.
Trước hết chúng ta phải ghi nhận là hai khuynh hướng tà giáo Do Thái-kitô tồn tại sau năm 70 không phải là chính thuyết ngộ đạo. Justin, trong cuốn Ðối thoại, ban hành ít lâu sau năm 150, phân tách hai loại người Do Thái-kitô: những người chia sẻ đức tin thông thường, nhưng vẫn trung thành với các giới luật do thái, và là những con cháu của cộng đồng theo Giacôbê; những người khác ”nhìn nhận Chúa Giêsu là đấng Kitô, nhưng lại nói rằng Ngài là thường nhân như mọi người” (2). Về nhóm này, Justin không dùng tiếng Ébionites. Nhưng những bài của Irénée (3), của Origène (4), của Eusèbe (5) cho rằng lời quyết đoán đấng Kitô là một thường nhân, sinh ra bởi Giuse và Maria, là đặc tính của thuyết Ébionisme.
Quan niệm coi ”Chúa Giêsu như vị ngôn sứ Moise đã báo trước, chứ không phải Con của Thiên Chúa”, là điểm chung của nhiều nhóm tà giáo Do Thái-kitô. Rất có thể quan niệm này đã có trước năm 70. Ðó là điều phải đồng ý kiến với H.J. Schoeps (6). Nhưng có thể xác định rõ ràng hơn về giáo phái Ébionites theo đúng nghĩa. Theo Épiphane, phái này xuất hiện sau khi Jerusalem bị chiếm đóng, giữa những người Do Thái-kitô tị nạn tới Pella (7). Chính trong miền này ông đã may mắn cầm đọc cuốn phúc âm của họ, và ông đã trích dẫn nhiều đoạn. Phúc âm này là biến dạng của cuốn Evangile des Nazaréens, viết theo chiều hướng tà giáo. Sách này được soạn thảo vào đầu thế kỷ II, nghĩa là dưới thời Trajan (8). Cách thờ phượng của phái Tẩy Giả lại hướng chúng ta về miền Transjordanie (9).
Épiphane xếp vào loại các sách thánh của họ cuốn Những cuộc hành trình của Phêrô (10). Nội dung cơ bản của cuốn sách này là những Bài giảng và những Mạo hiểm của Clément”. Thế nhưng chính cuốn sách lại dựa vào các Kérygmes de Pierre, là những tài liệu thuộc tiền bán thế kỷ thứ hai (11). Thế rồi tập Các công bố Tin mừng của Phêrô có những tương quan đặc biệt với giáo thuyết Esséni, nhất là các điểm về vị ngôn sứ đích thực, về hai loại thần linh, về việc phế bỏ lễ vật vấy máu. Hơn thế, Cullmann có lý khi đề nghị nên coi phái Ébionites như một nhóm Esséni đã trở lại với Chúa Kitô sau năm 70, khi họ trốn khỏi Qumrân đến ở tại miền Transjornanie, hay khi họ di cư qua Kokba, gần Damas (12). Ðây là những kitô hữu nói tiếng Aram, rất say mê với những tục lệ Do Thái, nhưng đố kỵ với Ðền thờ Jerusalem và trình bày những giáo lý bí truyền như thuyết luân hồi. Chúng ta đứng trước một cuộc phát triển bình thường của nhóm Qumrân. Phái Ébionisme có cùng quan niệm với phái Esséni về sự đối lập của hai nguyên ủy. Nhưng Irénée quả quyết họ không dạy rằng, ”Vũ trụ đã được dựng nên bởi một vị khác ngoài Thiên Chúa” (13). Như vậy họ không phải là người ngộ đạo theo đúng nghĩa.
II. THUYẾT ELKASSAISME.
Một giáo phái khác đã xuất hiện dưới thời Trajan. Người sáng lập là Elxai, người đã nhận được khải thì nhờ có quyển sách mà một thiên thần trao cho ông. Nội dung cuốn sách là ”loan truyền việc tha mọi tội đã phạm sau khi chịu phép rửa tội”. Elxai đã nhận được khải thị tại xứ Parthes vào năm thứ ba của triều đại Trajan, nghĩa là vào năm 100 (14). Quyền bá chủ của người Parthes lúc đó bành trướng khắp miền đông Syrie. Trajan đánh đuổi họ. Công trình phổ biến khải thị nhắc nhớ đến ”Bài hát trân châu” được ghi lại trong những Công vụ của Tôma. Cuốn sách này đã ra đời cùng thời với việc trình bày khải thị đã nói lên những đặc tính của thuyết thần thoại Parthes (15). Ngoài ra, còn những đặc tính Do Thái rất đáng chú ý : Elxai nhắc lại rằng: các tín hữu buộc phải chịu phép cắt bì, và phải sống theo Lề Luật (16). Người phái Elkasaites quay về phía Jerusalem để cầu nguyện (17). Elxai gốc đạo Do Thái và ”suy nghĩ theo đường hướng Do Thái” (18).
Chắc chắn ông biết Ðức Kitô. Nhưng quan điểm đạo Kitô của ông có nhiều điểm tương hệ với thuyết Ébionisme. Theo ông, Ðức Kitô chỉ là một vị ngôn sứ. Ông bác bỏ các Thư của Phaolô (H.E.VI, 38). Như vậy phái Elkasaites là một trong các tà giáo Do Thái-kitô (19). Nhưng phái Elkasaites cũng là một trong các tà giáo đối với Do Thái giáo, vì họ bác bỏ lễ vật (20), và chỉ tuân giữ mấy phần của bộ Cựu Ước thôi (H.E.VI,38). Họ cũng theo lối thờ phượng của phái Tẩy Giả (21). Peterson đã minh chứng họ chủ trương phải trừ khử dục vọng xấu, yeser, được coi như của ma quỉ (22). Sau hết người ta ghi nhận điểm tương đồng với Hermas: chính ông này cũng nhận được khải thị nhờ bởi một cuốn sách mà nội dung là ”loan báo việc tha lần chót các tội đã phạm sau khi chịu phép rửa tội”. Thế mà Hermas là một ngôn sứ Do Thái-kitô. Như vậy từ các điểm trên chúng ta có thể kết luận rằng thuyết Elkasaisme là một tà giáo Do Thái-kitô, giống thuyết Ébionisme, nhưng thuộc miền đông Syrie.
III. PHÁI NICOLAS.
Các sách thuộc bộ Tân Ước ra đời sau năm 70 đều diễn tả một phong trào và trong nhiều chỗ có những điểm giống nhau. Bức thư của Jude phát xuất từ những người Do Thái-kitô đã trở lại Jerusalem sau năm 70. Tác giả là người thấm nhuần khoa huyền bí Do Thái. Ông tố giác những người làm nhơ bẩn xác thịt, khinh dể quyền tối cao của Chúa và xúc phạm đến các bậc Uy Linh (8). Họ hay càu nhàu và than trách số phận (16). Họ là những người hay chỉ trích, chủ trương sống tâm linh nhưng không có thần khí của Chúa (18-19). Những kiểu nói như vậy cũng đọc thấy trong bức Thư thứ hai của Phêrô. Những thầy dạy giả hiệu (2,1) khinh chê quyền tối cao Chúa và buông theo dục vọng (2,10). Họ khinh dể vinh dự (2,10). Họ theo đường lối Balaam (2,15). Họ ưa diễu cợt (3,3). Họ hứa hẹn đem lại tự do, mà chính họ lại làm nô lệ cho các đồi bại xác thịt (2,19).
Sách Khải huyền của Gioan diễn tả một nhóm người có khuynh hướng tương tự tại Tiểu Á. Tại Pergame và Thyatire, ông đã trách cứ các cộng đoàn để xâm nhập vào mình ”những người theo tà giáo Balaam, ăn đồ cúng ngẫu thần và mặc sức dâm dật” (2,14 và 20), những người khoe khoang là biết ”những bí mật của Satan” (2,25). Thu thập những đặc tính chung trong các đoạn văn này, chúng ta sẽ thấy ngay sự phi bác hoàn toàn những giới luật hậu đại hồng thủy. Người Do Thái-kitô coi đó là điều vấp phạm. Nhưng còn điều khác tệ hơn: Khinh bỉ quyền tối cao và vinh dự của Chúa. Như vậy là họ lên án Cựu Ước và Thiên Chúa tạo thành. Và đó là giáo lý của Balaam. Do Thái giáo coi Balaam là tổ phụ của các thầy phù thủy và cha đẻ ra thuyết nhị nguyên (23). Ở đây chúng ta gặp thấy những đặc tính chủ yếu của việc thuyết ngộ đạo chống đối Thiên Chúa trong Cựu ước: Người ta buộc tội Thiên Chúa đã lường gạt những niềm hy vọng của khoa khải huyền. Ngoài ra giáo thuyết này chủ trương sống tự do toàn diện, và còn xuyên tạc đời sống tự do thiêng liêng tại các Giáo Hội do Phaolô gầy dựng.
Sách Khải huyền tách biệt nhóm Nicolas khỏi các cộng đoàn ở trên. Éphèse được ca tụng vì đã tẩy chay họ (2,6). Pergame nêu tên những người gia nhập giáo phái (2,15). Irénée nói rõ, người đầu đảng là một người tân tòng Do Thái ở Antioche, mà sách Công vụ bảo là thuộc nhóm Bảy vị (24). Eusèbe tỏ vẻ hoài nghi về sự liên kết này (H.E III,29,1) và coi đó chỉ là sự giải thích một giai thoại do Clément thành Alexandrie thuật lại: Nicolas cho các người khác mượn vợ (25). Thật ra, chúng ta biết rất ít về phái Nicolas. Từ Nicolas thời đó là một từ hy lạp, tương đương với từ Balaam (26). Nhận định này bổ túc cho việc sách Khải Huyền liên kết phái Nicolas với phái trên và cho phép chúng ta nghĩ rằng: Phái này cũng chỉ là một trào lưu lên án Thiên Chúa trong Cựu Ước và phóng túng về luân lý.
IV. CÉRINTHE
Như vậy, các phong trào ngộ đạo đầu tiên đã xuất hiện trong các giới Do Thái-kitô tại Palestine và Asia, dưới thời Domitien. Nhóm ngộ đạo thứ hai là nhóm của Cérinthe (27). Irénée nói ông sống đồng thời với Gioan (28). Ông là người Do Thái-kitô giữ phép cắt bì và ngày Saba (29). Ông chờ đợi một vương quốc thế tục và duy vật của đức Kitô sau ngày Phục Sinh, và chính Ngài sẽ khôi phục việc phụng tự ở Jerusalem (H.E.III,28, 2,5). Mặt khác, ông dạy rằng thế gian được dựng nên không phải bởi Thiên Chúa, nhưng bởi một sức mạnh rất xa xăm và thế gian không biết Thiên Chúa là Chúa tể mọi loài; Chúa Giêsu là con của Giuse và Maria, và chỉ là một người siêu phàm. Ðấng Kitô đã đỗ xuống trên ngài dưới hình một chim bồ câu lúc ngài chịu phép rửa tội. Ngài đã loan truyền một Chúa Cha mà ngài không biết đến rồi ngài trở lên với Chúa Cha, trước hồi Thương khó (30).
Nếu người ta phân tách những yếu tố khác nhau của các đoạn này, người ta nhận thấy hai điểm chính. Một đàng Cérinthe tiếp nối một trào lưu tà giáo của đạo Do Thái-kitô. Ông tự liên kết vào một thuyết cứu thế có đặc tính rất vật chất (31). Thiên niên thuyết này làm cho ông giống nhiều kitô hữu tại Asia (32). Nhưng ông chối cãi việc thụ thai đồng trinh của Chúa Giêsu và bản tính thiên chúa của Ngài. Giêsu chỉ là một ngôn sứ lớn đã nhận được một sức mạnh của Thiên Chúa từ trên xuống. Ở đây chúng ta gặp thấy một tà thuyết của nền Do Thái-kitô, cũng như trong thuyết Ébionisme (33). Cũng vì thế mà Épiphane liên kết Cérinthe với phái Ébionites (34). Sau cùng Cérinthe cho rằng thế giới được dựng nên không phải bởi Thiên Chúa, nhưng bởi một vị bán thần không biết Chúa thật. Ðây là thuyết ngộ đạo đích thực mà chúng ta gặp thấy lần đầu tiên phát biểu rành mạch. Với nét đặc trưng này, đặc tính của thời đại Trajan, Cérinthe sửa đổi một luồng Do Thái-kitô đã có từ trước. Ông là người tà giáo đối với đạo Do Thái cũng như đối với đạo Kitô (35).
V. PHÁI SIMON
Chắc chắn là Hégésippe đã nhầm lẫn khi ông bảo Simon là một môn đệ của Théboutis sau năm 70. Nhưng điều xem ra đúng thực, như R.M. Grant đã nhận xét, là phong trào xuất tích từ Simon, thoạt tiên là một thuyết cứu thế Samaritain, sau năm 70 lại có những nét mới (36). Cũng có thể cho rằng sự phát triển này hoặc là do Ménandre mà sau này chúng ta sẽ nói đến, hoặc là do Cléobios, người mà Hégésippe kể vào nhóm theo tà thuyết của Théboutis sau năm 70 và cũng là nhân vật ta thấy đồng hội đồng thuyền với Simon trong nhiều văn kiện (37). Chúng ta đứng trước một cuộc diễn tiến tương tự với cuộc diễn tiến cứu thế ở Asia, sau năm 70. Tác giả thứ nhất cho chúng ta biết về các cuộc diễn tiến của phong trào Simon là Justin. Vì ông cũng xuất thân từ Samarie, bằng chứng của ông đáng tin cậy. Irénée viết một bài dài về Simon.
Justin chứng minh rằng hầu hết các người Samaritains tôn thờ Simon như Thiên Chúa nhất đẳng và họ liên kết ông với một người đàn bà tên là Hélène được coi như là tư tưởng thứ nhất của ông (38). Chúng ta đứng trước một cuộc diễn tiến rất xa nếu đem đối chiếu với các điều mà sách Công Vụ nói về Simon. Như Grant đã chú giải, Simon xuất hiện như Thiên Chúa bậc nhất, đối lập với các thiên thần là những vị đã dựng nên thế gian và thổi linh ứng vào Cựu Ước, như Irénée xác định (39). Thiên Chúa nhất đẳng đến giải thoát con người khỏi cách điều khiển sai lạc của các thiên thần. Ở đây quả là chúng ta đứng trước thuyết ngộ đạo với việc lên án Thiên Chúa trong Cựu ước và tạo vật là công trình của Ngài. Các Thánh giáo phụ có lý khi các ngài cho rằng giáo thuyết Simon là khởi điểm của phong trào ngộ đạo. Nhưng thuyết nhị nguyên ngộ đạo này không phải bắt nguồn từ chính Simon. Nó tiêu biểu cho sự phát triển của giáo thuyết của ông sau năm 70. Vào lúc này thuyết ngộ đạo xuất hiện cùng một lúc tại Asia và Syrie.
Người ta liên kết nhân vật Hélène với Simon có lẽ là tại vì ở Samarie có việc tôn sùng Hélène (40), hay chẳng qua vì muốn theo đường lối Hy Lạp hóa, như Grant đã nghĩ. Dù sao ở đây chúng ta cũng bắt gặp từ ban đầu một nét điển hình của tình trạng tôn giáo hỗn hợp là nét đặc thù của thuyết ngộ đạo. Justin cũng cả quyết rằng trong thời kỳ ông chép sách (khoảng năm 145), còn tồn tại một cộng đồng Simon ở Roma, có lẽ giữa các người Samarie. Ông liên kết việc thành lập cộng đồng này với việc Simon tới Roma vào thời đại Claude (trước năm 54), cùng một lúc với Phêrô. Những văn kiện giả Clémentins đã làm chứng về các vụ tranh chấp tại Roma giữa Phêrô và Simon. Ðây chỉ là truyền thuyết về việc bành trướng của phái ngộ đạo suốt thời kỳ này và về những vụ tranh chấp giữa phái này với các cộng đồng Kitô. Sau cùng Justin kể rằng tại đảo sông Tibre có một bàn thờ để kính Simon. Thật ra đây là một bàn thờ dành cho một nữ thần gốc Sabine coi việc mùa màng tên là Semo Sancus. Người ta đã tìm lại được bàn thờ này năm 1574. Nhưng có thể là môn đệ của Simon đã vội nhận bàn thờ này là nơi sùng kính vị sáng lập và vị thần của họ.
VI. MÉNANDRE
Hégésippe kể đến phái Ménandre trong đợt thứ hai của những giáo phái phát xuất từ tà giáo do thái. Justin cho chúng ta biết Ménandre là người Samarie, như Simon, và là môn sinh của ông này (41). Ông thêm rằng ông ấy có tới Antioche. Như vậy là qua môi giới của ông mà thuyết ngộ đạo phát triển tại miền tây Syrie. Miền này đã trở nên một trong những trung tâm quan trọng của tà thuyết. Justin cho biết thoạt tiên ông làm nghề phù thủy, đặc thái chung của các người ngộ đạo Samarie. Ngộ đạo thuyết không phải chỉ là một khoa thần học, nhưng còn là một thuật thông thần. Eusèbe ghi lại rằng những bộ điệu của thầy phù thủy làm cho giáo dân mất tín nhiệm đối với dân ngoại đạo. Hơn thế, vào thế kỷ II, Lucien và Celse thường giới thiệu Chúa Kitô như một nhà phù thủy.
Mặt khác, theo lời của Justin, Ménandre giảng rằng ”ai theo ông thì sẽ không phải chết”. Có lẽ đó là một lối nói ám thị về những niềm hy vọng cứu thế. Phaolô căn dặn người thành Thessalonique phải coi chừng ”những lời sấm ngôn, những truyện huyền hoặc, những thư từ người ta bảo là của chúng tôi gửi đến và làm cho bạn nghĩ rằng ngày của Chúa đã gần bên” (2Ts. 2,2). Tại Éphèse, Hyménée và Philète giảng rằng: ”Sự sống lại đã thực hiện rồi” (2Ti 2,17). Với Ménandre, chúng ta vẫn ở trong việc nối tiếp thuyết cứu thế của Simon và của Cérinthe. Ngoài ra Irénée còn nói là Ménandre tự giới thiệu mình như vị Cứu thế từ trên phái xuống, từ thế giới các loài vô hình mà đến, để cứu chuộc loài người (42). Nhờ phép rửa tội của ông, người ta trở nên cao trọng hơn các thiên thần đã dự phần vào việc sáng tạo. Những giáo thuyết này rất gần với giáo thuyết mà Irénée gán cho Simon. Có thể là Ménandre đã mang đến cho thuyết cứu thế Samarie của Simon các đặc tính thần học ngộ đạo này.
VII. SATORNIL
Ménandre giống như bản lề giữa thuyết cứu thế Samarie của Simon và thuyết ngộ đạo. Ông truyền bá tư tưởng tại Antioche trong khoảng từ 70 đến 100. Theo lời chứng của Justin, người kế nghiệp của ông là Satornil. Ông này là nhân vật thế giá của thuyết ngộ đạo chính cống. Hoạt động của ông chủ yếu tại Antioche từ năm 100 cho đến khoảng năm 130. Lúc ông mới bắt đầu hoạt động, giám mục của ông là Inhaxiô. Giáo thuyết của ông bao gồm các điều chúng ta đã gặp trong Ménandre. Ông đối lập bảy vị thiên thần hóa công, mà vị thủ lãnh là Thiên Chúa của người Do Thái, với vị Thiên Chúa ẩn tàng. Bảy thiên thần dựng nên con người nhưng con người còn bò sát đất, bao lâu Thiên Chúa ẩn tàng không thông cho con người một phần ánh sáng từ ngài tỏa ra (43). Ðàng khác, Satornil lên án hôn nhân, ông cho là bởi Satan mà ra (44). Một số môn đệ của ông không ăn thịt.
Irénée ghi rằng ông là người thứ nhất đã phân chia nhân loại ra hai giống người, những người có dự phần ánh sáng thượng giới và những người không được dự phần. Chính lý thuyết này đã kết cấu nên thuyết nhị nguyên ngộ đạo, là thuyết triệt để chủ trương Thiên Chúa không dính líu gì đến việc sáng tạo các thiên thần trên hành tinh. Nhưng người ta nhận thấy tư tưởng của ông còn mầu sắc Do Thái. Ông tựa theo bài trình thuật việc sáng tạo trong sách Sáng Thế. Thời ấy, trình thuật này là một trong các đề tài suy cứu của Do Thái giáo. Tinh thần khổ hạnh của ông là do ảnh hưởng thứ đạo Do Thái bên lề. Lý thuyết về bảy đẳng cấp thiên sứ là lý thuyết của khoa khải huyền do thái. Nhưng đồng thời ông chủ trương đức Giavê là vua của các thiên thần có trách nhiệm sáng tạo. Vậy đây là một cuộc khủng hoảng nội bộ của đạo Do Thái-kitô, một cuộc phản loạn chống đối Thiên Chúa của Israel.
VIII. NGỘ ÐẠO BARBEL
Trong chương XIX tập I của bộ Adversus haereses, Irénée tóm lược giáo lý của một giáo phái mà ông gọi là phái ngộ đạo Barbel. Hiện nay chúng ta có cuốn sách ông đã tóm lược phần thứ nhất. Ðó là cuốn Ngụy Gioan, mà hiện có một bản tại Berlin và ba bản tại Nag Hammadi. Nguyên một việc có nhiều bản như vậy, chứng tỏ đây là cuốn sách quan trọng. Nó được giới thiệu như cuốn sách về cuộc khải thị mà Chúa Kitô Phục Sinh thông truyền cho Gioan trên núi Cây dầu. Phần thứ nhất là gia phả các thần của thượng giới. Rồi từ 45,5 là phần giải nghĩa sách Sáng thế ký. Bảy vị quan tòa muốn dựng nên một người giống hình ảnh của Thiên Chúa. Người này không cử động được. Nhưng Minh triết, Sophia, thông ban cho con người ấy một sức mạnh, khiến ông trở nên cao trọng hơn các vị hung thần. Vì thế các hung thần ghen tức, nhất là Iahweh thủ lãnh, đức Giavê của Do Thái.
Sách này đầy dẫy những lời ám chỉ đến các ngụy thư Do Thái. Lý thuyết trong sách cũng giống như lý thuyết tường thuật trong Bức thư của Eugnoste, tìm thấy tại Nag Hammadi. Hình như đây là tác phẩm của một đồ đệ Satornil hơn là của chính Satornil. Rõ ràng xuất xứ của nó là Syrie. Ở đây chúng ta nắm được một tài liệu nguyên văn của thuyết ngộ đạo lúc khởi thủy. H. Ch. Puech đặt niên đại của nó vào tiền bán thế kỷ II (45). Trong tài liệu ấy, có đủ các đề tài về ngộ đạo, kể từ các thần của thượng giới, đến vai trò của Sophia. Thống nhất tính của giáo lý ngộ đạo đã xuất hiện qua rất nhiều lối phát biểu và nhiều trào lưu khác nhau.
IX. PHÁI SÉTHI.
Chương XXX tập I của bộ Adversus haereses, Irénée trình bày cho chúng ta về phái Séthi. Khi so sánh đoạn lý thuyết này với phần thứ hai tập Ngụy Gioan mà Irénée bỏ qua không tóm lược trong chương trước, thì thấy đây cũng là cùng một trực quan biến thể ra, nhưng đậm đà mầu sắc Do Thái-kitô hơn. Các thần của toàn bộ thượng giới, sau Ngôi Cha, là Ngôi Con và Thánh thần, rồi đến Ðấng Kitô và Giáo hội. Các thần của toàn bộ sinh ra Sophia. Vị này phối hợp với nước hạ cấp và sinh ra bảy con trai, Ialdabaoth, Iao, Sabbaoth, Adonai, Elohim, Astaphain và Horaios (I,30,5). Các thiên thần này dựng nên con người theo hình ảnh của mình. Ðấng Kitô qua bảy tầng trời mà hạ giáng, làm cho các thần năng hoảng hốt, vì mặc lấy những hình thức thiên thần của mỗi tầng trời (I,30,11).
Ở đây chúng ta có những đề tài chủ yếu như trong cuốn Apocryphon. Người ta sẽ ghi nhận là bảy thiên thần mang bảy tên khác nhau của đức Giavê trong Cựu Ước. Ngoài ra, người ta còn gặp thấy những đề tài của nền thần học Do Thái-kitô, như khoa thần học chúng ta đã gặp thấy trong cuốnThăng thiên của Isaie, Bức thư của các Tông đồ, Người chăn chiên của Hermas: việc đấng Kitô và Giáo hội đã có từ trước, việc đấng Kitô ẩn tàng đỗ xuống qua các tầng lớp thiên thần, khiến các quyền thần hoảng hốt. Chúng ta đứng trước thuyết ngộ đạo Do Thái-kitô đặc biệt nhất. Nó đồng thời với khoa thần học Do Thái-kitô. Mối liên hệ của nó với Antioche thật là khăng khít. Nhiều sách tìm thấy tại Nag Hammadi, như cuốn Sách của Seth đại nhân, thuộc vào chính toàn bộ này.
X. CARPOCRATE.
Từ Asia và Syrie, ngộ đạo Do Thái-kitô lan tràn sang Ai-cập, và nơi đây nó được bành trướng lạ thường. Chúng ta biết Cérinthe đã tới Alexandrie. Khoảng năm 120, tại đây một giáo thuyết trên đà phát triển tương tự như giáo thuyết của ông, đó là giáo thuyết của Carpocrate. Ông này cũng dạy thế gian đã được dựng nên bởi các thiên thần; Giêsu đã từ Giuse mà sinh ra và một sức mạnh đã đổ xuống trên Ngài (46). Người nào được chia sẻ sức mạnh ấy thì sẽ nên ngang hàng với Ngài. Hắn có thể khinh chê các hung thần đã sáng tạo ra thế gian và hắn có thể thực hiện những việc kỳ diệu như Giêsu. Ðặc tính này không gặp thấy nơi Cérinthe. Nhưng nó có thể được liệt vào thuyết ngộ đạo tại Asia dưới hình thức sâu đậm nhất.
Nơi Carpocrate không hiện dấu vết nào về thiên niên thuyết cứu thế của Cérinthe. Ông chỉ gây được ảnh hưởng tại Asia và ở thế giới Tây Phương. Trái lại trong sách của ông, chúng ta gặp thấy quan niệm cho rằng: Con người chỉ có thể được giải phóng khỏi các hung thần sau khi đã làm nô lệ các tật xấu do hung thần chủ trương. Nếu không thì hắn phải đầu thai lại để trả nợ. Lý thuyết về ma quỉ của những tật xấu, về việc đầu thai lại, do từ tà thuyết của đạo Do Thái mà đến. Carpocrate còn chủ trương phi luân lý, như nhóm phản kháng ngộ đạo vừa muốn chống Thiên Chúa của Do Thái, vừa muốn chống đối Lề Luật. Với đặc tính ấy và với lòng khinh chê các thiên thần, ông Carpocrate nhắc ta nhớ đến phái Nicolas. Hình như ông chủ trương thuyết ngộ đạo thuần túy, vì ông gay gắt bác bỏ việc sáng tạo.
XI. BASILIDE
Basilide cũng là người Alexandrie, sống đồng thời với Carpocrate. Nhưng Épiphane cho chúng ta biết ông là môn đệ của Ménandre. Thật ra thuyết ngộ đạo của ông rõ ràng là nối tiếp thuyết ngộ đạo của người Syrie. Nhưng ông là người đầu tiên đã hệ thống hóa các giáo thuyết của phái Simon thành một tổng hợp lớn. Ông quan niệm rằng: các thiên thần đã sáng tạo nên thế gian và chia nhau thống trị. Một trong các thiên thần ấy là Thiên Chúa của Do Thái, ngài tìm cách khuất phục những thiên thần khác thụ quyền mình (47). Basilide không quan tâm đến việc ăn thịt đã cúng thần. Gioan trong sách Khải Huyền trách cứ phái Nicolas về điểm này. Việc giải phóng toàn diện khỏi Lề luật là nét đặc trưng của ngộ đạo. Ðây là cách diễn tả quá khích quan niệm của Phaolô đối nghịch với khuynh hướng Do Thái-kitô của Gioan.
Ðiều đáng chú ý là nơi Basilide, khoa khải huyền do thái xuất hiện dưới hình thức chuyển dịch ngộ đạo rõ ràng hơn nơi bất cứ người nào khác. R.M. Grant đã cho thấy việc suy tư về niên lịch thánh là một trong những cách trình bày khoa thần học lịch sử của các nhà huyền bí Do Thái, đã chuyển sang bình diện vũ trụ học, và đã tạo nên khuôn khổ về học thuyết các thần linh. Như vậy, theo Basilide, có ba trăm sáu mươi lăm tầng trời, mỗi tầng có một hệ thống thiên thần tương ứng. Vả lại chính Basilide cũng tự xưng mình là môi giới giữa người Do Thái và Kitô hữu. Ông đã mượn trong đạo Do Thái lý thuyết về các tật xấu là ma quỉ cư ngụ trong linh hồn. Chúng ta đã thấy điểm này nơi Carpocrate.
Liên kết các phong trào khác nhau này lại, chắc chắn sẽ nhận ra mối liên tục căn bản của chúng. Yếu tố căn bản là sự đối lập giữa Thiên Chúa ẩn tàng đã tự tỏ mình ra qua đấng Kitô, với các thiên thần sáng tạo ra thế gian, trong đó có đấng Giavê. Xét về quan niệm, có thể một số yếu tố đã có từ trước, do truyền thống do thái với vai trò dành cho các thiên thần trong việc sáng tạo con người và trong việc ban Lề Luật. Nhưng sau năm 70, đối với một số người đạo Do Thái và Do Thái-kitô, thì quan niệm này trở thành một hình thức nổi loạn chống đối Thiên Chúa, đã làm họ thất vọng trong cảnh chờ đợi một thế giới khác và chống đối tạo vật là công trình của Ngài. Nguồn gốc đạo Do Thái và Do Thái-kitô của phong trào này là hiển nhiên, vì những yếu tố sau đây đều đến từ khoa học khải huyền: các suy luận về sách Sáng thế ký, lý thuyết về bảy thiên thần, niên lịch thánh, các thần của tật xấu, việc hiện xuống qua các tầng trời.
Ðường lối phát triển lịch sử của phong trào cũng rõ rệt. Sau năm 70, phong trào này xuất hiện đồng loạt trong các giới Do Thái-kitô còn trông đợi đấng Cứu thế, tại Asia thì do Cérinthe, tại Antioche thì do Ménandre. Trào lưu Asia có phần thực tế hơn. Nó nêu lên rõ nhất tính cách nổi loạn đối với Lề Luật. Có thể nói, đây là mấy khuynh hướng của Phaolô đẩy đến độ quá khích. Nó mang lại một số hình thức phi luân lý. Trào lưu Antioche nghiêng về lý thuyết nhiều hơn. Với cuốn Apocryphon của Gioan, nó đã dựng nên tác phẩm lớn đầu tiên về ngộ đạo thuyết ta còn biết được. Cả hai trào lưu đều phát triển tại Alexandrie vào cuối thời kỳ chúng ta đang nghiên cứu đây. Nhưng chẳng bao lâu trào lưu Asia đã bị sức bồng bột cuối cùng của phong trào Cứu Thế Do Thái bóp chết, còn trào lưu Antioche thì gặp được trong môi trường Alexandrie những điều kiện để bành trướng lên cách phi thường.