CHƯƠNG IV
ÉPHÈSE - ÉDESSE – ROMA
CHƯƠNG IV
ÉPHÈSE - ÉDESSE – ROMA
Việc thành Giêrusalem thất thủ trong khi phong trào Cứu Thế Do Thái cáo chung, đã giải phóng đạo Kitô khỏi áp lực hoành hành của phong trào này và, về phương diện xã hội học, đã giải phóng đạo Kitô khỏi đạo Do Thái. Mệnh chung rồi, Phaolô mới mang lại chiến thắng. Nhưng Giáo hội đã dấn thân quá sâu vào thế giới Do Thái nên không phải trong khoảnh khắc mà gỡ được chân khỏi vòng phong tỏa hầu tìm ra thế đứng trong thế giới Hy Lạp. Từ năm 70 cho đến năm 140 là thời kỳ nghiên cứu. Những hình thức tư tưởng Do Thái-Kitô vẫn còn tồn tại như cũ. Tinh thần Kitô-Hy Lạp còn quá non nớt chưa xuất phát được những phần tử ưu tú khả dĩ suy tư về đạo Kitô theo phạm trù riêng của mình. Ðây cũng là thời kỳ mà bên cạnh các ranh giới đạo Do Thái và đạo Kitô mọc lên nhan nhản những giáo thuyết ”ngộ đạo”. Những giáo thuyết này đưa những người thất đảm về niềm hy vọng cứu thế đi vào một thế giới hư ảo và cực lực lên án thế giới hiện tại. Sau cùng đến việc đối phó đầu tiên với Ðế quốc Roma đang thành hình.
I. PHONG TRÀO KITÔ ASIA
Trong phần đầu cuốn thứ III bộ Lịch sử giáo hội của mình (1), sau khi đã tường thuật việc Jerusalem thất thủ, Eusèbe nói rằng ”trái đất có người ở” được chia ra từng khu vực chịu ảnh hưởng của các Tông Ðồ: Tôma giữa người Parthes, Gioan tại Asia, Phêrô tại miền Pont và ở Roma, Anrê tại miền Scythie. Khẳng định như trên bao hàm một phần sự thực lịch sử. Ðó là nói riêng đến trường hợp của Gioan và Phêrô. Còn những trường hợp khác, khó lòng biết đúng sự thực. Dầu sao còn có một dữ kiện khác bổ khuyết vào điều ông quyết đoán: Các văn kiện ngụy Tân Ước được chia ra từng truyền thống: truyền thống của Phêrô, truyền thống của Tôma, truyền thống của Philíp, truyền thống của Gioan. Các truyền thống này xem ra lại trùng hợp với những khu vực địa lý nhất định. Riêng cuộc truyền giáo Do Thái-kitô vào đầu thế kỷ thứ hai xem ra đã trình bày những loại hình khác nhau: loại hình Mésopotamie liên kết với Giacôbê và Tôma; tinh thần kitô Asia lệ thuộc vào Philippe và Gioan; nhóm Phêrô gồm những miền Phénicie, Pont, Achaie và Roma.
Tiểu Á là miền mà Kitô giáo trong thới kỳ này đã biểu lộ một sức sống phi thường. Nó được chia ra từng miền ảnh hưởng. Phía cực đông, Lycaonie và Cilicie, là khu vực chúng ta có ít tài liệu nhất. Miền này còn giữ được kỷ niệm việc Phaolô đến đó giảng, mà sách Công vụ của Phaolô sẽ làm chứng sau này. Trái lại, chúng ta biết rõ hơn cả về miền Phrygie. Quả nhiên chúng ta nắm được một nhân chứng quí giá là Papias, giám mục Hiérapolis tại miền này. Irénée nói ông là người đồng hành với Polycarpe. Và bằng chứng của Irénée thì tuyệt hảo vì chính ông đã quen biết Polycarpe trong tuổi thiếu thời. Irénée cũng tuyên bố là Papias là môn đệ của Tông Ðồ Gioan (2). Có thể đó là Tông Ðồ Gioan mà Papias đã chỉ tên như vị linh mục mà ông là môn sinh (H.E.III,39,4).
EXTENSION DU CHRISTIANISME À LA FIN DU PREMIER SIÈCLE
Papias đã chép cuốn Chú giải các lời của Chúa, trong đó ông đã thu thập truyền thống liên hệ đến các Tông Ðồ, do những người đa tiếp xúc với các vị ấy cung cấp cho. Thế mà ông nói cách riêng là đã được nghe chính các con gái của tông đồ Philippe giảng tại Hiérapolis. Như vậy chúng ta kể được là chắc chắn điều ông nói: Philippe đã sống tại Hiérapolis. Sau này Proclus thuộc phái Montan sẽ quả quyết đây không phải là tông đồ Philippe, nhưng là thầy phó tế trùng tên, người mà sách Công Vuï bảo đã từng trú ngụ tại Césarée lại có bốn con gái giữ mình đồng trinh và nói sấm ngôn (H.E.III,31,4). Nhưng Polycrate thành Ephèse vào cuối thế kỷ thứ hai, xác nhận là Papias nói đúng. Chính là Tông đồ Philippe đã qua đời tại Hiérapolis (H.E.III,31,3). Hai con gái của ông ở bậc đồng trinh và cũng chết tại Hiérapolis. Một cô thứ ba đã lấy chồng (H.E.III,3,3). Bà này chết ở Ephèse (III,31,3).
Một số sự việc khác xem ra liên kết Philippe với miền Phrygie. Khu vực này gần khu vực của Tông đồ Gioan. Một điều đáng chú ý là Philippe giữ một địa vị khá quan trọng trong Phúc âm của Gioan, chép vào cuối thế kỷ thứ nhất. Ngoài ra người ta đã tìm thấy tại Nác Hammadi một cuốn Phúc âm của Philippe, có tính cách ngộ đạo và chắc chắn là đã chép trước, nhưng các liên hệ với nền thần học Asia của Irénée và với ngộ đạo thuyết Asia của Mátcô người phù thủy, thì rất đáng chú ý. Chúng ta cũng nắm được các ngụy Công vụ của Philippe, chúng đề cao bậc đồng trinh. Sau cùng có thể thêm là Hiérapolis không nhận được một thư nào của Phaolô hay của Gioan, trong khi ấy thì những thành phố lân cận của miền Colosse và Laođicée đã nhận được thư: lý do phải chăng vì Hiérapolis là địa bàn của Philippe.
Từ miền Phrygie vào cuối thời kỳ chúng ta đang bàn đây sẽ phát xuất ra thuyết Montan. Cũng nên lưu ý là Papias đã thuật lại cho chúng ta, như là từ các vị linh mục mà ra, những truyền thống về các niềm hy vọng thiên niên thuyết có tính cách khải huyền phát xuất từ các giáo sĩ. Chính từ Papias mà Irénée đã thừa kế giáo thuyết này. Lòng phấn khởi mang tính cách huyền bí này xem ra là một trong những nét đặc trưng của môi trường Asia. Chúng ta sẽ gặp thấy nó nơi người tà giáo Cérinthe. Sách Khải Huyền của Gioan trình bày nhiều vết tích ấy. Như vậy, tinh thần Do Thái-Kitô tại Asia nói lên một sắc thái rất riêng biệt, khác hẳn với sắc thái của tinh thần Do Thái-kitô trong môi trường Palestine của Giacôbê hoặc môi trường Syrie của Phêrô. Các niềm hy vọng của thuyết cứu thế trần tục vẫn còn tồn tại ở đây sau khi Jerusalem thất thủ và chưa biến chuyển thành ngộ đạo thuyết. Dường như cũng do lòng phán khởi ấy mà vào thời kỳ này, Tiểu Á đã thành một miền có nhiều vị tử đạo hơn cả, cùng với những miền đã có liên hệ với nó, như miền Gaule của Irénée hay Châu Phi của Tertullien (3).
Miền tây Phrygie và miền duyên hải Asia xem ra là lãnh vực của Gioan dưới triều đại của Domitien, của Nerva và Trajan. Chúng ta đã gặp tông đồ này tại Jerusalem cùng với Phêrô, người được coi là một trong những rường cột của Giáo Hội (Gal. 2,9). Ông có mặt tại công đồng Jerusalem năm 49. Sau đấy chúng ta mất hẳn dấu vết của ông cho tới khi ông bị lưu đày tại Patmos dưới đời Domitien (Kh 1,9). Hình như ông có mặt tại Éphèse, trước khi bị phát vãng. Chắc chắn là ông có đến ở đấy lúc được thả về. Về điểm này chúng ta có một chứng nhân bậc nhất, thánh Irénée, cũng xuất xứ từ Asia và là người đã biết Polycarpe, môn đệ của Gioan (4). Thế mà Irénée nhiều lần nói đến lối giảng dạy của Gioan tại Éphèse (5). Ông nói rõ là ngài đã sống cho tới triều đại Trajan (6). Ngoài ra Clément thành Alexandrie tường thuật là Gioan thiết đặt các giám mục tại những giáo đoàn mới (7). Polycarpe và Papias là môn đệ của ông (8).
Gioan không phải là người thứ nhất tới giảng tại miền này. Chúng ta đã thấy là Phaolô đến Éphèse trước. Nhưng cũng không phải ông này đã mang Phúc âm tới đấy, ông đã gặp thấy tại chỗ một cộng đồng Do Thái-kitô. Và chúng ta biết họ làm khó dễ cho ông biết bao. Chính giới Do Thái-kitô này, với ảnh hưởng của Gioan đã có một đường lối đặc biệt như P. Braun viết: ”Gio-an đứng về phía những người chủ trương từ bỏ những điểm trung thực trong đạo Do Thái càng ít càng hay” (9). Thái độ này được biểu lộ rõ ràng trong sách Khải Huyền. Nơi đây ông lên án gắt gao những giáo dân nhận chịu ăn đồ cúng thần (2, 14 và 20). Thế mà chúng ta biết Phaolô trái lại tỏ ra tự do về điểm này. Gioan xem ra nghiêng nhiều hơn theo lập trường Apollo. Như vậy Asia sắp thấy phát triển lên một loại đặc thù của nền Do Thái-kitô. Chính tại đây còn tồn tại những niềm hy vọng thiên niên thuyết. Asia sẽ tiếp tục mừng lễ Phục Sinh vào cũng một ngày với người Do Thái. Sách Khải huyền và Phúc âm của Gioan về mặt văn chương tùy thuộc vào giới Do Thái-kitô này, là nơi xem ra có những nét sâu đậm về ảnh hưởng của phái Esséni. Khải Huyền còn mang dấu vết cảnh rối loạn do việc xâm phạm Ðền Thờ năm 70 đã gây nên. Tác giả coi biến cố đó như hình phạt giáng xuống Israel. Nhưng nó vẫn hướng về Jerusalem, nơi ông trông đợi thành Jerusalem mới xuất hiện. Trong Phúc âm, Ðền thờ Jerusalem vẫn là đề tài chủ yếu, nhưng qui tụ vào Ngôi Lời nhập thể.
Chúng ta gặp thấy bằng chứng đối lập với bằng chứng của Gioan trong những Bức thư của Inhaxioâ thành Antioche. Ông này đã rảo qua miền Asia vào cuối đời Trajan. Những bức thư ông gửi cho các Giáo Hội làm chứng về sự tồn tại của những khuynh hướng Do Thái hóa này. Nhưng chính ông tìm cách giảm thiểu những thái quá ấy. Các khuynh hướng ấy xuất hiện tại Éphèse (10). Tại Magnésie chúng được diễn tả một cách rõ rệt hơn: ”các truyện biến ngôn cũ kỹ” (11) mà Inhaxiô nói đến là lối diễn tả cổ điển để chỉ về những niềm hy vọng thiên niên thuyết (12); các giáo dân không tuân giữ ngày Saba, nhưng ngày của Chúa (13); vừa nói về Chúa Giêsu Kitô vừa theo phong tục Do Thái là một truyện phi lý (14). Những khuynh hướng Do Thái này ngăn cản việc trở lại của những người ngoại giáo tại Tralles (15). Các kitô hữu theo phong tục Do Thái giảng rằng Chúa Kitô chưa chết thật (16), điều đó liên hệ với việc trông đợi thiên niên thuyết. Tại Philadelphie cần phải coi chừng đối với những người cắt nghĩa Thánh Kinh theo lối đạo Do Thái (17). Chúng ta sẽ thấy việc đối lập trước tinh thần Do Thái-kitô đi đôi với những lời kêu gọi khẩn cấp trong Inhaxiô đòi hỏi thống nhất chung quanh giám mục. Người ta có lễ để tự hỏi, phải chăng riêng tại Éphèse lúc ấy có sự chung sống sát cạnh của hai cộng đồng Do Thái-kitô và ngoại giáo-kitô?
Chúng ta có một lối biểu thì đạo do thái-kitô Asie trong các tập V, VI và VII của bộ Sấm ngôn Sibyllins. Tập V mang nặng tính cách Do Thái. Nhưng lại nhắc đến một cách rõ ràng việc Chúa Kitô giáng sinh làm cho ta quyết được rằng tài liệu này thuộc giới Kitô giáo (18). Geffcken đặt tài liệu này vào thời đại Domitien. Lý do là vì tập ấy nói đả động đến Aicập. Nhưng nó cũng kể tên đến các thành phố Asia, Pergame, Smyrne, Éphèse, Sardes, Tralles, Laodicée, Hiérapolis (19). Nhưng nó có nhiều tinh thần Asia hơn tinh thần Aicập. Tập thứ VI mang nặng tính cách Do Thái-kitô và chứng tỏ rằng đã có những liên lạc với thiên niên thuyết của Cérinthe. Tập thứ VII cũng vậy. Tập trước ra đời vào đầu thế kỷ thứ hai, tập sau ra đời muộn hơn một ít.
Qua sách Khải Huyền, qua những Bức thư của Inhaxiô, qua Papias, Polycarpe, chúng ta có thể hình dung một phần nào mấy trung tâm Kitô giáo khác nhau tại Asia. Trung tâm thứ nhất chúng ta gặp là Éphèse. Gioan đã mệnh chung tại đấy. Thoạt tiên ông nói tới thành phố này trong sách Khải huyền (2,1-8). Ðiểm tích cực ông nêu lên là thành phố ấy đã chịu đau khổ. Ðiều này xem ra ám chỉ về cuộc bắt đạo của Domitien, mà chính Gioan là nạn nhân. Ông thêm rằng Éphèse ghét người phái Nicola nghĩa là một tà giáo Do Thái-kitô lúc đó đã trở thành ngộ đạo thuyết và từ khước hoàn toàn Cựu ước. Ông cũng trách cứ họ đã sút kém lòng nhiệt thành thuở ban đầu. Ba mươi năm sau, Inhaxiô vẫn còn thừa nhận ưu thế ấy tại Éphèse (20). Ông ca tụng vì thành này không ngả theo tà thuyết chút nào (21). Ông kể tên giám mục của họ là Onésime (22). Khoảng năm 190, giám mục Éphèse là Polycarte sẽ nói là bảy người thuộc dòng tộc của ông đã làm giám mục trước ông (H.E. V, 24,6). Khoảng năm 196, Apollonius sẽ làm chứng về việc hiện hữu của các truyền thống Gioan tại Éphèse (H.E. V,18,14).
Khi Gioan viết sách Khải Huyền thì Giáo Hội Smyrne đã có rồi. Vào đầu thế kỷ thứ hai, Smyrne giữ một địa vị quan trọng khác thường nhờ thế giá của giám mục họ là Polycarpe. Ông lên làm giám mục năm 110, vì Inhaxiô trên đường đi Roma đã ghé thăm ông tại Smyrne (23). Từ Troas ông viết về cho Polycarpe một bức thư. Ông này ít lâu sau sẽ viết thư cho dân Philippes để gửi cho họ toàn bộ các thư của Inhaxiô (24). Chúng ta cũng biết rõ về Polycarpe nơi khác, nhờ ở bằng chứng của Irénée là người đã sống gần ông tại Smyrne lúc còn ít tuổi và đã nói về ông trong Bức thư gửi Florin (H.E.V,20,4-8). Polycarpe hình như đã tử đạo năm 155, dưới đời Antonin. Chúng ta nắm được các Công vụ về cuộc tử đạo của ông.
Về những Giáo Hội ở phía trong, chúng ta có ít tài liệu hơn. Sách Khải huyền nhắc đến Pergame. Có nói là ngai vàng của Satan ở đấy. Có thể đây là một lối nói ám chỉ thành phố lúc đó là trung tâm cúng tế hoàng đế. Một giáo dân, Antipas, đã bị tử đạo. Vả nữa, phái Nicola có những tín đồ tại đấy (Kh 2, 12-16). Thành phố Thyatire cũng vậy, nơi đây một nữ tiên tri phái Nicola, biệt hiệu là Jézabel, ngang nhiên hoạt động (Kh. 2,20). Giáo hội Sardes quan trọng hơn. Ðây là một hoàng triều cương thổ cũ. Sau này tại đây sẽ có một vị giám mục thời danh vào hậu bán thế kỷ thứ hai là Méliton. Ði sâu hơn vào đất liền thì có Philadelphie. Cả Gioan và Inhaxiô đều làm chứng đây có một Giáo hội. Gioan căn dặn thành phố coi chừng đối với những người trong Hội đường Satan, họ giả danh là người Do Thái (3,9). Hình như đây vẫn còn là nhóm phiến loạn ngộ đạo. Inhaxiô trái lại căn dặn phải dè chừng đối với những người giữ tục lệ Do Thái và gây chia rẽ. Bức thư cuối cùng của Gioan được gửi cho thành phố Laodicée, gần Hiérapolis.
Những Bức thư của Inhaxiô cho chúng ta biết vào thời ông Giáo Hội đã phát triển tại miền nam tỉnh Éphèse, trong lưu vực sông Méandre. Có một giáo hội tại Magnésie, mà giám mục tên là Damas (25), và một giáo hội khác tại Tralles mà giám mục là Polybius (26). Inhaxiô lại dặn các người Magnésie coi chừng những người giữ tục lệ Do Thái. Người ta nhận thấy các Bức thư của Inhaxiô khiêu chiến về hai điểm. Một đàng, chúng nhấn mạnh đến sự thống nhất chung quanh vị giám mục, đàng khác đến việc chống đối các người giữ tục lệ Do Thái. Chắc chắn đây chỉ là cùng một vấn đề. Vậy thì hình như tại Asia lúc này, khuynh hướng do thái hóa còn rất mãnh liệt. Ðiểm này cũng giống như điều chúng ta gặp thấy trong tác phẩm của Papias.
II. CUỘC TRUYỀN GIÁO TẠI PALESTINE.
Sau khi Jerusalem thất thủ, cộng đồng kitô, lúc trước tị nạn tới Pella năm 67, một phần lại trở về Palestine và hình như đến cả Jerusalem. Eusèbe thuật lại là, tới lúc người Do Thái bị bao vây dưới đời Hadrien, tại Jerusalem đã có mười lăm đời giám mục, mà người ta bảo rằng hết thảy đều là người Do Thái thuần túy (H.E. IV,5,2). Tất cả đều chịu phép cắt bì. Người ta tự hỏi một số đông giám mục như thế đã kế tiếp nhau thế nào được trong một thời gian vắn vỏi như vậy? Carrington đề nghị coi danh sách Eusèbe để lại là danh sách các giáo sĩ tại Jerusalem trong đó một vị được chọn làm giám mục (27). Con số Eusèbe truyền lại hình như muốn nhắc đến các giáo sĩ đó là nhóm Mười hai. Có lẽ Giáo Hội Jerusalem được quản trị bằng một hội đồng gồm mười hai giáo sĩ, mà một vị có ưu quyền, điều này trình bày một quan niệm cổ đại về cộng đồng. Tại Antioche, Inhaxiô so sánh các giáo sĩ như ”thượng viện của các Tông Ðồ”, điểm này làm cho người ta nghĩ rằng họ cũng làm thành con số mười hai (28).
Eusèbe ghi lại là cộng đồng Jerusalem hoàn toàn gồm những người Do Thái trung thành (H.E.IV,5,2). Cộng đồng gồm những phần tử trong gia đình Chúa Kitô, nhất là những con cháu của Jude (H.E.III 19 và 20), là những người sống cho đến triều đại của Trajan (29). Có lẽ Bức thư của Jude có mầu sắc Do Thái-kitô rất sâu đậm đã từ môi trường này mà ra. Như vậy, Giáo Hội Jerusalem là như nối tiếp giáo hội Do Thái-kitô đầu tiên mà Giacôbê đã chủ tọa. Ðặc tính của giới này là trung thành triệt để với những giới luật Do Thái. Vào giữa thế kỷ II, Justin còn làm chứng về sự hiện hữu của những người Do Thái-kitô theo loại ấy (30). Họ xem ra cũng không được lòng các người Do Thái, bởi vì Bar Koseba sẽ bắt bớ họ như những người Do Thái bất chính. Theo Épiphane thì Akila, người dịch bộ Thánh Kinh, có gặp các người kitô hữu tại Jerusalem khoảng năm 120. Hégésippe là người lưu truyền lại cho ta hết các tài liệu về môi trường này, cũng xuất xứ từ đấy. Cuốn Phúc âm của Giacôbê, với các khuynh hướng khổ hạnh, chắc cũng phát sinh từ môi trường này khoảng năm 135.
Về nguồn gốc thì Giáo Hội Ai Cập vốn có liên hệ với Giáo Hội Jerusalem. Bảo rằng Ai Cập không có các vị thừa sai kitô thì quả là điều không đúng thực tế. Chúng ta không biết đến Ai Cập chẳng qua vì miền này không thuộc khu vực hoạt động của Phaolô, chúng ta chỉ biết nguyên về khu vực trên, mà Ai Cập thì lại thuộc khu truyền giáo Palestine (31). Những vị truyền giáo đầu tiên rất có thể là những người Hy Lạp hóa. Bức thư gửi dân Do Thái, hầu chắc xuất phát từ Ai Cập, tŕnh bày nhiều liên hệ với bài diễn văn của Étienne. Chúng ta còn giữ được mấy đoạn của hai cuốn ngụy Phúc Âm ra đời tại Ai Cập. Clément thành Alexandrie trích dẫn từ Phúc âm của người Ai Cập, Clément và Origène thì trích dẫn từ Phúc âm của người Do Thái. Hình như đây là những Phúc Âm của hai cộng đồng Ai Cập, một cộng đồng gồm những người Do Thái trở lại, một cộng đồng gồm những người Ai Cập trở lại (32).
Hai cuốn Phúc Âm này có những đặc tính Do Thái-kitô rất rõ ràng. Cuốn Phúc Âm của người Ai Cập trình bày nhiều đặc tính khổ hạnh như việc lên án hôn nhân, mà chúng ta gặp thấy trong những khu vực khác chịu ảnh hưởng truyền giáo từ Jerusalem. Ðịa vị của mấy phụ nữ trong Phúc âm, như Salomé hay Madeleine xem ra cũng liên hệ với môi trường Jerusalem nữa. Người ta ghi nhận là Tân Ước chỉ nói về Alexandrie có nguyên một lần nhân khi bàn đến Apollo mà thuyết rửa tội của ông xuất phát từ Palestine(33). Hình như Pantène là thầy dạy đầu tiên tại Alexandrie cũng là một người Do Thái-kitô gần gũi giới Palestine. Ông biết tiếng Do Thái, có lẽ nhờ ông mà Clément đã hấp thụ được những truyền thống Do Thái-kitô liên hệ đến Giacôbê và những giáo lý khải huyền. Cuối thế kỷ thứ hai, qua môi giới giám mục Jerusalem, Narcisse và các người Alexandrie đã chuyển thư trả lời sang Roma, trong vụ tranh chấp về lễ Phục sinh.
Một đặc điểm nữa xem ra liên kết Aicập với cuộc truyền giáo Do Thái-kitô, đó là cơ cấu quyền bính tại đây. Nhiều tác giả thế kỷ thứ IV, đặc biệt Jérôme và Ambrosiaster, cho biết tại Ai Cập, giám mục chỉ là thủ lãnh của cộng đồng giáo sĩ, một người trong họ và được họ bầu lên. Ðây là đường lối Do Thái-kitô về chức giáo sĩ mà giám mục là vị chủ tọa của cộng đoàn. Ðây cũng là lối tổ chức chúng ta đã gặp thấy tại Jerusalem. Tại Tiểu Á, tổ chức này lại được phối hợp với đường lối Hy Lạp hóa, trong đó các phó tế trực thuộc giám mục. Tổ chức của Aicập không nhất thiết như thế, nhưng như Jérôme gợi ý, chức giám mục không phải là một cấp bậc khác chức linh mục. Việc các giáo sĩ bầu giám mục không có nghĩa là giám mục không cần thụ phong bởi tay các giám mục khác ở một nơi nào đó (34).
Cũng nhờ vào cuộc truyền giáo từ Palestine mà sau này còn có những giáo đoàn khác được thành lập giữa những giáo đoàn nói tiếng Aram, đó là giáo đoàn Osroène và Adiabène. Nói về giáo đoàn Osroène, Eusèbe kể lại cho ta biết, theo Nhật ký của Addai, là Vua thành Édesse, Abgar, hình như đã viết thư cho Chúa Giêsu và Ngài đã phái Thaddée đến với ông (H.E. 1,13,1-22). Truyền thuyết này đặt sớm hơn một thế kỷ những biến cố sẽ xảy ra sau: đây là Abgar thứ IX, làm vua từ năm 179 đến năm 186, là vua thứ nhất người công giáo tại Édesse. Nhưng có đủ lý do để đoán rằng, ngay từ cuối thế kỷ thứ nhất, những giáo dân Aram đã từ Palestine đến Osroène và giảng trong những cộng đồng Do Thái đang sẵn có tại đấy. Có một dấu tích về điều này là người Do Thái đã đón tiếp Addai, vị truyền giáo Do Thái-kitô (35). Người ta cũng ghi nhận là các giáo dân Osroène mừng lễ Phục Sinh như các giáo dân ở Palestine chứ không như các người miền Asia (H.E.V, 23,4).
Vả chăng cũng cần ghi một điểm Origène cho biết mà Eusèbe đã thuật lại (H.E.III, 1,1), số là Tôma có thể là tông đồ của dân Parthes, là những người thời ấy nắm chủ quyền tại miền Ðông Syrie (36). Kỷ niệm của Tôma còn liên hệ với Édesse, là nơi hài cốt của ông được sùng kính trong thế kỷ thứ IV. Truyền thuyết của Tôma đã được dựng nên ở Édesse, cũng như truyền thuyết về Philippe được dựng nên ở đông Phrygie, hoặc truyền thuyết về Gioan được dựng nên ở Asia. Các Công vụ của Tôma ra đời trong thế kỷ thứ III cũng vậy. Những Thánh vịnh của Tôma, sau này được người phái Manichéisme (phái nhị nguyên) thừa nhận, một phần (từ số 14 trở đi) (37) là do các người Do Thái-kitô thuộc khu vực Édesse soạn ra và đã được chép vào thế kỷ thứ hai. Phúc âm của Tôma, tìm thấy tại Nag Hammadi, hình như cũng dính líu tới môi trường Do Thái-kitô Édesse (38). Người ta chú ý đến địa vị quan trọng dành cho Giacôbê ở trong đó và nó làm chứng là giáo hội Édesse xuất sứ từ Jerusalem.
Cuốn Phúc âm của Tôma ra đời vào giữa thế kỷ thứ hai. Có lẽ chúng ta cũng còn một cuốn sách khác nữa hình như đã ra đời trước và từ Édesse mà đến, đó là cuốn Ðoản ca của Salomon. Chắc chắn là chúng có đặc tính Do Thái-kitô. Thế mà chúng xem ra có từ cuối thế kỷ thứ nhất (39) và mặc hình thức Esséni (40). Không chối được rằng những bài thánh thơ phụng vụ này có liên hệ đáng chú ý với các Hodayoth của Qumrân. Như vậy thì những tác phẩm này đã được chép bởi những vị thừa sai Do Thái-kitô, từ Palestine tới và nói riêng ra họ thuộc phái Esséni. Cuốn sách gọi tên là Phúc âm của chân lý, mà nhiều người cho là một bài giảng phụng vụ, biểu hiện những thể văn giống hệt như cuốn Ðoản ca (41). Người ta sẵn sàng liên hệ nó vào Édesse (42). Nhưng nếu nó không phải là chính cuốn Phúc âm của chân lý mà Irénée nói đến và bảo là của Valentin, những liên hệ của nó với tư tưởng của ông này làm cho chúng ta nghĩ rằng nó xuất xứ từ Ai cập. Bài hát trân châu duy trì trong tập Công vụ của Tôma (43) cũng nằm trong môi trường này và vào cùng một thời kỳ ấy.
Cũng vào cuối thế kỷ thứ nhất người ta thấy Kitô giáo lan tràn tới bên kia sông Tigre tại miền Adiabène. Về phương diện này chúng ta có một tài liệu xem ra đáng tin cậy (44), tập Nhật ký của Arbèle, viết vào thế kỷ thứ IV bằng tiếng Syrie bởi Mishiha Zkha. Việc truyền giáo miền Adiabène vào cuối thế kỷ thứ nhất là công trình của Addai. Kahle cho rằng chỉ có một mình miền Adiabène được ông rao giảng vào thời kỳ này và việc truyền giáo miền Osroène sau mới có. Nhưng có thể là Harnack có lý khi ông chủ trương rằng Addai rửa tội một người tên là Pekhidha là người sẽ làm giám mục đầu tiên tại Arbèle. Ông này làm giám mục từ năm 105 đến năm 115. Hình như có lúc tòa giám mục khuyết vị. Ðó là thời kỳ Trajan đến chinh phạt Chosroès năm 116. Năm 121, Samson được truyền chức giám mục. Ông tử đạo năm 123.
Việc giảng đạo miền Adiabène vào một niên đại sớm như thế không có gì làm chúng ta ngạc nhiên, nếu chúng ta nhớ rằng miền này đã trải qua một cuộc truyền giáo quan trọng Do Thái vào thế kỷ thứ nhất. Vua miền Adiabène là Izates, và mẹ ông là hoàng hậu Hélène, trở lại đạo Do Thái, đã được chôn táng tại Jerusalem trong một ngôi mộ hiện nay còn thấy được. Chính từ trong giới Do Thái này mà cuộc truyền giáo Do Thái-kitô được mở rộng. Một điều đáng chú ý là tất cả các giám mục Adiabène trong thế kỷ thứ hai đều mang tên do thái: Samson, Isaac, Abraham, Moise, Abel. Giám mục Arbèle, Noé tiếp đón bà con từ Jerusalem tới. Vào cuối thế kỷ thứ hai, Tatien sẽ xuất thân từ chính miền này. Chính ông tự xưng là người Assyrien. Nền Kitô giáo của Adiabène sẽ được đánh dấu rất sâu đặm bởi những khuynh hướng Do Thái Kitô.
Ðường truyền giáo Do Thái-kitô có chạy dài đến các nước thuộc miền Ấn-độ không? Eusèbe kể lại là Pantène làm tròn sứ mệnh trong những miền này và đã tìm thấy một cuốn Phúc âm của Mathêu bằng tiếng Do Thái (H.E.V,10,3). Có nên giả định rằng Kitô giáo đã vào tới các miền Ấn-độ qua môi giới những vị thừa sai Do Thái-kitô, vào nửa đầu của thế kỷ thứ hai không? Ðiều đó không phải là điều không thể có. Truyền thống sau này đã gán cuộc truyền giáo Ấn-độ cho Barthélémy. Có thể lãnh vực truyền giáo của Barthélémy là Arabie và sứ mệnh ấy đã nối dài ra và đem Phúc Âm cho tới các nước thuộc miền Ấn-độ. Mặt khác, Pantène có lẽ là một vị truyền giáo Do Thái-kitô, từ Ai-cập tới, điểm này xác nhận điều chúng ta đã nói trên kia về tính cách thuần túy Palestine của cộng đồng sơ khởi tại Ai-cập.
III. CUỘC TRUYỀN GIÁO CỦA PHÊRÔ.
Khu vực thứ ba của Kitô giáo trong thời kỳ này có thể gọi được là khu vực của Phêrô. Thoạt tiên nó gồm miền ven bờ biển Ðịa-trung-hải của Palestine, Phénicie, Syrie và Cilicie. Các thành phố Césarée, Joppé, Tyr, Sidon liên kết rất chặt chẽ với việc tông đồ của Phêrô. Những tập Công bố Tin Mừng của Phêrô, nằm trong toàn bộ ngụy-Clément thuộc thế kỷ III, có thể đã ra đời vào đầu thế kỷ II. Chúng có đặc tính Ébionite. Những điều trong đó nói về việc giảng dạy của Phêrô tại Césarée, tại Tyr và tại Sidon, không có giá trị lịch sử, nhưng ít ra chúng chứng tỏ rằng vẫn có việc kính nhớ Phêrô tại miền này.
Các tác phẩm thuộc chính chu kỳ của Phêrô có thể phát xuất từ miền này. Như trường hợp Bức thư thứ hai của Phêrô (45). Sách Phúc âm của Phêrô cũng vậy. Những chứng tích cổ xưa nhất của Sérapion, người Antioche vào cuối thế kỷ thứ II, về Phúc âm này và về sách Huấn đường (Didascalie) vào thế kỷ III, đều viết bằng tiếng Syrie. Ở đây chúng ta gặp được các đề tài quen dùng trong khoa thần học Syrie: đề tài Chúa Giêsu xuống ngục tổ tông và đề tài Chúa Kitô vinh danh trên các phẩm thiên thần. Cuốn Khải huyền của Phêrô cũng thuộc vào thời kỳ này và xuất xứ trong cùng một miền. Sách này đã được Pháp điển Muratori nhắc đến và được Clément thành Alexandrie trích dẫn trong cuốn Eclogoe propheticoe. Cũng đầu thế kỷ II, đã ra đời tập Bài giảng của Phêrô mà Clément thành Alexandrie đã dẫn chứng. Cả hai cuốn này được Théophile thành Antioche trích dẫn, khoảng năm 170. Ðiều này cam kết các sách ấy thuộc miền Syro-Phénicie (46). Những thành phần đầu tiên trong cuốn Công vụ của Phêrô cũng liên hệ đến miền này. Nhưng cuốn sách mang tên là Các văn kiện ngụy-Clément xử dụng nó, thì ra đời sau.
Tình hình tại Antioche thì đặc biệt. Ngay từ đầu nó đã tỏ ra rất phức tạp. Giáo Hội được thành lập tại đấy bởi nhóm Hy Lạp hóa. Nhưng, từ rất sớm Giáo Hội gồm có: Một bên là những giáo dân thuộc khuynh hướng của Giacôbê và một bên là những người ngoại giáo-kitô được Phaolô làm cho trở lại. Những tác phẩm liên hệ tới Giáo Hội ấy trong thời kỳ chúng ta bàn đây xem ra thuộc về một nền Do Thái-kitô vừa khác với nền Do Thái-kitô Palestine vừa khác với nền Do Thái-kitô tại Asia. Bức thư của Barnabê, ngay chính cái tên của nó cũng đã mang dấu hiệu về xuất xứ từ Antioche. Sách này là một phần của toàn bộ, cũng như cuốn Didachè. Trong phần giáo lý, nó thuộc vào cùng một loại giải nghĩa thánh kinh đặc mùi Do Thái-kitô. Cùng vào loại ấy, có cuốn Thăng thiên của Isaie, trong đó gặp thấy đề tài về descensus và về ascensus là đề tài tiếp nối khoa huyền bí Do Thái. Hai cuốn sách vừa kể đều thuộc thời đại Domitien. Thuộc thời đại này còn có cuốn ngụy Giacôbê tìm thấy tại Nag Hammadi (47) và Bức thư của mười hai Tông Ðồ cùng theo một dòng tư tưởng (48).
Các khuynh hướng thần học ấy lại gặp thấy trong những bức thư của Inhaxiô giám mục Antioche vào đầu thế kỷ thứ hai. Chúng cũng cho thấy những liên hệ với các tác phẩm miền đông Syrie, Ðoản ca của Salomon hay Phúc âm của chân lý (49). Như vậy thì một nền thần học Syrie đã khai hoa vào thời kỳ này. Mặt khác, những bức thư của Inhaxiô làm chứng về tầm quan trọng của qui chế các thầy phó tế tại Antoche. Phó tế được kể tên cùng với các giáo sĩ trong hàng giáo phẩm. Nhưng họ cũng còn cộng tác chặt chẽ với Inhaxiô trong cuộc hành trình của ông qua miền Asia. Ðiều đó lại cho chúng ta thấy rằng, khác với các giáo sĩ là những người tượng trưng một cộng đoàn về quyền giáo phẩm, các phụ tế là những cộng tác viên của giám mục. Hai nhóm có óc chống đối nhau. Có lẽ vì đấy mà Inhaxiô nhấn mạnh đến việc họ phải đoàn kết chung quanh giám mục duy nhất.
Cho rằng Giáo hội Antioche không thuần túy theo tinh thần của Phêrô, nó cũng có nhiều liên hệ với Phêrô. Chúng ta thấy Phêrô đến Antioche rất sớm. Các tác phẩm ngụy Phêrô được phổ biến nhiều tại Antioche, như Théophile và Sérapion làm chứng. Cuốn Thăng thiên của Isaie là sách thứ nhất nói đến cuộc tử đạo của Phêrô. Nền Do Thái-kitô Antioche như vậy xem ra tượng trưng cho khuynh hướng của Phêrô. Chúng ta đã nhận thấy những liên hệ giữa nền Kitô giáo này với khu vực Pétrinienne là miền thuộc riêng về Phêrô. Chúng ta sẽ gặp thấy các liên hệ ấy tại những miền khác thuộc vùng hoạt động của Phêrô và có tiếp xúc với Antioche.
Eusèbe nói miền Pont và những miền phụ cận Bithynie, Capadoce và Galatie đều thuộc lãnh vực của Phêrô. Một số sự việc cũng quả quyết như vậy. Bức thư I của Phêrô đã được gửi cho các giáo dân những miền này. Có lẽ Eusèbe đã căn cứ vào địa chỉ của người nhận thư mà truyền lược lại như thế, nhưng truyện chưa chắc đã đúng bởi vì có những bằng chứng khác về mối liên hệ này. Xét theo địa lý, miền Pont và Cappadoce nối dài theo miền bắc Syrie và dĩ nhiên là có chịu ảnh hưởng việc bành trướng của nó. Nhờ một bức thư của Denys, giám mục Corinthe vào giữa thế kỷ II, chúng ta biết những liên hệ giữa Corinthe và Pont. Lúc đó Corinthe gồm có những cộng đồng đã chịu ảnh hưởng Phêrô (1Cor. 1,12). Trong vụ tranh chấp về lễ Phục Sinh, các giám mục miền Pont đồng tình với giám mục Roma và đối lập với các giám mục miền Asia.
Về Kitô giáo miền Bithynie dưới triều đại của Trajan (98-117), chúng ta có một tài liệu rất đặc biệt là Bức thư của Pline con (X,96). Thời đó đã có nhiều giáo dân, chẳng những tại các thành phố mà cả các miền thôn quê nữa. Họ thuộc đủ mọi giai cấp xã hội. Có một điểm rất đáng chú ý: Pline nói đến hai nữ phó tế (ministrae). Danh từ trên cũng được áp dụng cho Phoebé, quê quán tại Cenchrées, gần Corinthe (Rm. 16,1). Hình như nó chưa chỉ định hẳn một chức vụ giáo phẩm, như trong thế kỷ IV. Nhưng nó nhấn đến việc các phụ nữ tích cực tham gia vào việc truyền giáo và có lẽ vào cả mấy phần việc phụng vụ, chẳng hạn như xức dầu cho phụ nữ trước khi rửa tội, như Clément thành Alexandrie nói đến sau này. Cũng nên lưu ý đến điều Tertullien kể lại: trong những cộng đồng của Marcion, người miền Pont, các phụ nữ được quyền giảng dạy, trừ quỉ, rửa tội.
Nước Hy Lạp là trung tâm lớn trong công cuộc truyền giáo của Phaolô. Những Giáo Hội miền Macédoine, miền Thessalie, miền Athènes cũng thuộc về Phaolô. Hình như Luca, thông ngôn của Phaolô, đã chép Phúc Âm và sách Công Vụ tại Hy Lạp. Vào đầu thế kỷ II, Athènes là một trung tâm phục hưng văn hóa quan trọng, về triết lý thì có Taurus và Atticus, về khoa hùng biện học thì có Quadratus. Chính tại đây Quadratus đệ trình lên Hadrien cuốn hộ giáo thứ nhất, có lẽ vào dịp lúc hoàng đế qua thành phố này vào năm 124. Quadratus cho chúng ta biết vào thời ông, nhiều người được Chúa Kitô chữa khỏi bệnh vẫn còn sống (H.E.IV,3,2), điểm này biểu thị một niên đại xưa hơn. Tại Corinthe, giám mục Denys bao giờ cũng nhắc đến tên Phêrô sát liền với tên Phaolô. Nhờ có bức thư của Clément thành Roma viết cho các phần tử của Giáo Hội vào đầu thế kỷ II, chúng ta biết có những liên lạc giữa Corinthe và Roma. Trong đó Phêrô và Phaolô cũng được liên kết với nhau. Bức thư làm chứng có những mối chia rẽ đang xâu xé thành phố, chúng đối lập các giáo sĩ với một nhóm khác, có lẽ là nhóm các phó tế.
Còn Giáo Hội Roma, chúng ta không có tài liệu của thời kỳ tiếp theo cuộc Néron bắt đạo. Hầu chắc, vào thời kỳ này Mátcô bắt đầu viết khoa giảng giáo lý của Phêrô. Theo danh sách các giám mục Roma mà Irénée để lại thì trong thời kỳ này có Lin và Clet, và người ta chỉ biết đến tên thôi. Tình thế bắt đầu thay đổi từ khoảng năm 88, lúc Clément lên cầm đầu Giáo Hội. Thật ra, chúng ta biết về Clément thoạt tiên là nhờ Bức thư ông viết cho người Corinthe khoảng năm 100. Ông viết nhân danh Giáo Hội Roma. Ông khẳng định tại Giáo Hội Roma có giám mục và giáo sĩ (XLII,4-5; XLIV, 4-5) Ông nhắc đến các thầy phó tế hai lần (XL,5; XLII,5). Như vậy, cơ cấu của cộng đồng Roma xem ra rất giống cơ cấu của Giáo Hội Antioche. Giám mục vừa là vị đứng đầu các linh mục vừa là thủ lãnh các phó tế. Ðối với Roma, Clément xem ra là một nhân vật giống như Polycarpe tại Asia. Irénée nói là ông này đã biết các Tông Ðồ. Chắc đầu tiên phải kể đến Phêrô và Phaolô. Những liên lạc với Phêrô mà các văn kiện ngụy-clément nói đến có thể hiểu theo nghĩa này. Bức thư có nói xa xa đến các cuộc tử đạo của Phêrô và Phaolô ở Roma. Clément là người nối nghiệp truyền thống hai Tông Ðồ.
Ngoài ra người ta cũng nhận thấy bức thư có mầu sắc Do Thái-kitô (50). Nó biểu hiện tầm quan trọng gán cho các nhân vật của Cựu Ước, cho đường lối ”haggada” Do Thái. Clément gọi Chúa Kitô là ”Bạn quí mến” cũng như cuốn Thăng thiên của Isaie. Ông dùng những midrashim Do Thái-kitô rất cổ. Các nét đặc trưng ấy làm liên tưởng đến nền Do Thái-kitô của Phénicie và xem ra thuộc truyền thống Phêrô, mà hai cực là miền bờ bể Ðịa-trung-hải Syrie và Roma. Người ta cũng nhận thấy các lời của Chúa Kitô mà Bức thư lặp lại, xem ra không phải rút từ các Phúc Âm đã chép, nhưng từ khẩu truyền (51). Ðặc tính ấy cũng lại gặp thấy trong cuốn Didachè và trong Bức thư của Barnabé. Ðiều đó không có ý bảo rằng các tác giả này không biết đến những Phúc Âm viết thành văn, nhưng có ý nói điều giảng dạy của Chúa Kitô được truyền tụng lại vừa bằng các văn kiện viết vừa bằng truyền thống giáo lý. Một nhân vật khác tại Roma được chúng ta biết đến về thời kỳ này là Hermas.
Ông này quả quyết đã theo mệnh lệnh của Clément mà viết ra các điều mạc khải đầu tiên của mình. Ông đã sống tại Roma cho đến đời giáo hoàng Piô, khoảng năm 140, thời kỳ ông công bố bản văn chung cục của các điều khải thị, như pháp điển Muratori cho chúng ta biết. Nhiều đặc thái chắc chắn trùng hợp với tình trạng của cộng đồng Roma vào thời Clément. Chính Hermas làm chứng trong thời kỳ ấy còn có các ngôn sứ. Ðiều này tương hợp với một tình trạng tối cổ của cộng đồng. Cuốn Thăng thiên của Isaie than phiền vì miền Syrie không còn các ngôn sứ nữa. Ngoài ra người ta còn gặp thấy những điểm tương đồng đáng chú ý giữa cuốn Người Mục Tử và giáo thuyết Esséni: giáo lý về hai loại linh tính, tinh thần khổ hạnh nhiệm nhặt, lối chú trọng nhiều đến khoa thiên thần học (52). Chúng ta đứng trước một môi trường Roma thấm đậm tinh thần khổ hạnh Do Thái-kitô. Cũng vì tinh thần khổ hạnh này mà Hermas tỏ ra có đố kỵ với các thầy phó tế.
Chúng ta biết rất ít về hai chục năm đầu của thế kỷ II. Danh sách của Irénée cho biết lúc đó có hai giám mục Évariste và Alexandre. Dưới đời vị sau, khoảng năm 115, Inhaxiô viết thư gửi giáo dân Roma và đề cao uy thế của Giáo Hội Roma. Dưới đời giáo hoàng Xyste (115-125) đã xảy ra tại Roma những cuộc tranh luận về niên đại mừng lễ Phục Sinh, giữa các kitô hữu xuất xứ từ Asia và các giáo dân khác. Ðây lại thêm một điểm mới cho chúng ta thấy Giáo Hội Roma vào niên đại ấy rất phức tạp. Có lẽ phải gắn vào thời kỳ này văn kiện gọi là Bức thư thứ hai của Clément. Thật ra đây là một bài giảng trình bày nền thần học về Giáo Hội, giống nền thần học của Hermas. Hình như đây là một phần trong toàn bộ các văn kiện được duy trì tại Giáo Hội Roma cùng với Bức thư của Clément. Và đây là lý do người ta gọi ”bài giảng kia” là Bức thư hai của Clément. Télesphore lên thay thế Xyste năm 125 và chịu tử đạo năm 136.
Những thành tích khảo cổ học mang lại cho chúng ta ít nhiều tài liệu bổ khuyết về Giáo Hội Roma vào thời kỳ ấy. Các cuộc khai quật thực hiện dưới tòa đức tin của Phêrô tại Vatican đã cho thấy là vào khoảng năm 120 người ta đã bắt đầu kính nhớ tông đồ Phêrô tại đây. Cũng có thể nhận là người ta đã tìm thấy mộ của Phêrô. Nhưng điều này chắc chắn là ở đó có dựng bia để kỷ niệm ông. Vào cuối thế kỷ, linh mục Caius tuyên bố ông đã trông thấy các vinh tích (tropaia) của các Tông Ðồ Phêrô và Phaolô tại Vatican và trên đường Ostie (H.E.II, 25,7). Nguyên đài kỷ niệm này nằm ngay trong một nghĩa địa cũng đủ minh chứng rằng đây là di tích kỷ niệm Phêrô ở Roma. Các nét lưu bút còn lại trên tường chỗ tìm thấy bia kỷ niệm chứng minh rằng người ta đã sùng kính Phêrô tại đấy.