CHƯƠNG III
CUỘC KHỦNG HOẢNG DO THÁI-KITÔ
CHƯƠNG III
CUỘC KHỦNG HOẢNG DO THÁI-KITÔ
Vào thời kỳ năm 40 đến năm 70 cộng đồng Kitô được đánh dấu bởi hai sự việc quan trọng. Một đàng đây là lúc lòng ái quốc Do Thái sắp sửa đi đến phẫn nộ (1): Người Do Thái-kitô sẽ phải chịu đựng áp lực nặng nề của lòng ái quốc nầy. Việc thành phố Jerusalem thất thủ năm 70 sẽ mang lại một đòn trầm trọng cho đạo Do Thái nói chung và cho đạo Kitô-do thái nói riêng. Ngoài ra trong thời kỳ ấy, nhờ sự thúc đẩy đặc biệt của Phaolô, Kitô giáo tiến bộ giữa các giới ngoại giáo, cũng vì thế mà các giáo dân thuộc những môi trường nầy đã cùng với thời gian vượt ra khỏi khung cảnh Do Thái, nhưng việc nầy không tránh khỏi gây nên sóng gió. Cuối cùng đã xảy ra một cuộc đảo lộn tình thế. Nền Do Thái-kitô toàn thắng năm 49 sụp đổ; thuyết kitô của Phaolô bước vào giai đoạn thành công. Công đồng Jerusalem là điểm xuất phát của thời kỳ này, nó đánh dấu các sự kiện; cuối cùng biến cố Jerusalem thất thủ sẽ giải quyết các vấn đề.
Năm 49 được đánh dấu bằng hai biến cố chứng tỏ đã có cuộc khủng hoảng giữa các người Do Thái-kitô và các kitô hữu từ ngoại giáo trở lại, đó là công đồng Jerusalem và vụ rắc rối tại Antioche. Hiện nay người ta vẫn còn bàn cãi về quan hệ thời gian giữa hai biến cố nầy (2). Bức thư gửi dân Galát, tài liệu độc nhất nói đến vụ rắc rối tại Antioche, thì kể đến nó như việc thứ hai. Chúng tôi cho là những vấn nạn được nêu lên về việc kế tiếp nầy đã bắt nguồn từ những cấu trúc tiên thiên. Vậy chúng tôi cứ để theo thứ tự ấy. Năm 48 Phaolô cùng với Barnabé trở lại Antioche. Ông đã trần thuật về những kết quả thu nhận được giữa dân ngoại giáo tại Asia (14,27) và những viễn tượng mới mở màn. Các người ngoại giáo trở lại không bị bó buộc phải tuân giữ những giới luật Do Thái và nói riêng là việc cắt bì. Ðây là trường hợp Titô người xứ Asia ông mới dẫn về.
Thế mà ”những người từ Judée xuống” khuấy rối cộng đồng Antioche trong năm 48 vì họ giảng rằng tất cả mọi người đều phải chịu phép cắt bì. Người ta thường cho rằng những người nầy là các Do Thái-kitô thuộc khuynh hướng của Giacôbê, họ chống đối Phao-lô là người tiêu biểu cho các giáo dân ngoại giáo mới trở lại. Gregory Dix đã có lý khi phê bình luận đề đó (3). Các người Do Thái-kitô lúc đó có thể kể là cả Giáo hội, đã thừa nhận từ lúc đầu rằng người ngoại giáo trở lại không bó buộc phải chịu phép cắt bì, như Phêrô sẽ nhắc lại (Cv. 15,10). Như vậy buộc chịu cắt bì là một điều mới mẻ. Phải liên kết nó với cái gì đây ? Hình như là với tình hình chính trị của do thái giáo. Ðạo Do Thái đi vào cuộc tranh luận công khai với Roma. Việc những kitô hữu đang được coi như thành phần của cộng đồng Do Thái chấp nhận những người không chịu phép cắt bì, biểu hiện ra như một lối phản bội đối với đạo Do Thái. Quả là vì những người quốc gia Do Thái thúc bách mà một số người Do Thái-kitô đã cố giữ người kitô lại trong cộng đồng do thái: lễ chịu phép cắt bì là một ấn tín.
Như vậy ta đã thấy tầm vóc đích thực của vấn đề. Mối nguy hại là muốn liên đới Kitô giáo vào vận mệnh trần tục của dân Israel. Phaolô và Barnabé hiểu rõ điều ấy và kịch liệt chống đối lại những yêu sách trên. Trong việc nầy các ông chỉ xuất hiện như những người tượng trưng truyền thống của chính cộng đồng Do Thái-Kitô, chứ không phải tượng trưng của một khuynh hướng. Dù sao, trước tình thế nghiêm trọng của vụ tranh chấp, công đồng Antioche muốn đệ vấn đề lên trước các Tông Ðồ tại Jerusalem (Cv.15,2). Phaolô và Barnabé được gửi đi với Titô (Gl 2,1). Các ông được các Tông Ðồ và kỳ lão đón tiếp. Ở đây cuộc tranh luận lại tái diễn. Một số tín hữu thuộc phái Pharisiêu biện hộ chủ trương phải cắt bì cho dân ngoại. Phêrô nhân danh các Tông Ðồ, Giacôbê nhân danh các kỳ lão, giải quyết thuận lợi cho Phaolô, và nói rõ là những người ngoại giáo chỉ bị ràng buộc vào những giới lệnh có sau đại hồng thủy: kiêng thịt đã cúng thần, kiêng thịt không cắt tiết, và kiêng dâm đãng (4). Phaolô và Barnabé, có cả Silas và Jude biệt hiệu là Barsabbas đi kèm, lãnh trách nhiệm thông đạt quyết định tới Antioche. Quyết định chủ yếu nầy đánh dấu mối đoạn giao giữa Kitô giáo và cộng đồng Do Thái. Sự đoạn giao này càng ngày càng rõ rệt vào các năm tới.
Nếu những giao tiếp giữa đạo Kitô và đạo Do Thái có tầm mức quan trọng trong lịch sử, thì Công Ðồng Jerusalem lại rất quan trọng trong việc phát triển cộng đồng kitô hữu. Thoạt tiên nên ghi nhận những tư cách khác nhau của những người tới tham dự. Phêrô và Gioan đại diện cho nhóm Mười hai. Phêrô đã bỏ Jerusalem năm 43. Sự có mặt của ông tại Jerusalem chỉ là một tình cờ, hoặc vì ông tới đấy để dự công đồng, hoặc vì ông nhân cơ hội lúc người Do Thái bớt gây hấn mà trở về đấy. Giacôbê có đoàn kỳ lão quây quần, đại diện cho cộng đồng địa phương Jerusalem. Silas và Juda gọi là Barsabbas xem chừng như là thành phần giữa các kỳ lão. Người ta gọi các ông là hygoumènes. Danh từ nầy hình như đồng nghĩa với tiếng kỳ lão. Nó lại còn gặp thấy trong Bức thư gửi giáo dân Do Thái (13,7, 17, 24) và trong Bức thư của Clément (1,3) (5). Ngoài ra Công Ðồng gồm có Phaolô và Barnabé là những người đồng hàng với Phêrô và Giacôbê. Tháp tùng các ông có Titô là người trên bình diện truyền giáo ngang hàng với các kỳ lão.
Trong bối cảnh nầy người ta thấy biểu hiện toàn bộ về tổ chức Giáo Phẩm. Nhóm Mười hai cấu thành một cấp bậc riêng, có đặc nhiệm trên toàn thể Giáo Hội, lúc ở một nơi, lúc đi lưu động, và toàn thể Giáo Hội phải hiệp thông với các Ngài. Giữa các ông, Phêrô lại có một địa vị đặc biệt. Phaolô được đồng hóa với các Tông Ðồ. Bên cạnh các vị trên còn có hai cấp bậc song song nhau. Một bên là giáo quyền địa phương, gồm có ban hội đồng các kỳ lão, cũng được gọi là các épiscopes hoặc higoumènes. Ðứng đầu là một chủ tịch. Vị nầy đôi khi là một người thuộc vào cấp thứ nhất, như Giacôbê thành Jerusalem, người nắm giữ tất cả các quyền bính có thể chia sẻ được của các Tông Ðồ, và một mình ông có quyền thiết đặt các kỳ lão. Ngoài ra có cấp bậc truyền giáo, apostoloi, các giảng viên hay ngôn sứ. Loại nầy gồm có những người thuộc cấp thứ nhất như Banabé, họ tham dự các quyền bính của hàng Tông Ðồ. Việc thăng chuyển từ cấp nọ đến cấp kia mà chúng ta ghi nhận giữa Bảy vị Hy Lạp, giữa các higoumènes thành Jerusalem, giữa các kỳ lão trong sách Didachè, nói lên cấp tương đương của họ.
Công đồng Jerusalem đã giải quyết dứt khoát vấn đề làm phép cắt bì cho các người ngoại giáo. Nhưng các giới Do Thái-kitô còn sôi động vì những vấn đề quốc gia, nên chưa được ổn. Chẳng bao lâu tình thế lại xôn sao, vào năm 49, nhân lúc Phêrô tới Antioche. Phêrô có mặt ở Jerusalem để dự Công Ðồng vào năm 49. Nhưng cục diện của cộng đồng Jerusalem ngày càng thêm khó khăn. Công việc thực sự là ở nơi khác. Nhân một chuyến lại đi truyền giáo, Phêrô dừng chân ở Antioche. Ban đầu hình như ông có đi lại tiếp xúc với cả hai cộng đồng Do Thái-kitô và ngoại giáo-kitô. Nhưng khi một nhóm người thuộc phe của Giacôbê tới, ông không chịu ăn chung với các người ngoại giáo-kitô và Barnabé cũng làm như vậy. Phaolô phản đối hai ông kịch liệt về điểm nầy. Phải chăng là Phêrô có thái độ nhu nhược ? Gaechter xem ra nhận xét đúng sự thực vì ông minh chứng rằng các mối ưu tư của Phêrô và của Phaolô chống đối nhau (op. cit. trg 234-239). Ðối với Phaolô là người nghĩ riêng đến các người ngoại giáo-kitô, điều cốt yếu là giải phóng đạo Kitô khỏi các mối liên hệ Do Thái. Phêrô thì lại sợ các tín hữu Do Thái nhụt chí vị, dưới áp lực của phong trào quốc gia do thái, họ liều mình trở về đạo Do Thái. Ông muốn giữ lại bằng cách cho họ thấy có thể trung thành vừa với Ðức Tin Kitô, vừa với Lề luật Do Thái. Hình như các người thuộc phe của Giacôbê tới đấy là để xin ông có một thái độ như vậy.
Cả hai lập trường đều hợp lý. Nhưng chúng lại không thể dung hòa với nhau. Phaolô ngay từ lúc nầy đã đành tâm đoạt tuyệt với nền Do Thái-kitô. Ông chỉ nghĩ đến tương lai của Giáo Hội giữa thế giới Hy Lạp. Người ta hiểu vì thế mà các người Do Thái-kitô kình địch với ông. Mối thù nghịch nầy sẽ biểu hiện trong những văn kiện giả Clément. Mặc dầu tình thế Giáo Hội Judée là như vậy, Phêrô trái lại xem ra vẫn chưa mất hy vọng trong việc duy trì lại một cộng đồng Do Thái-kitô. Và có lẽ ông nhìn rất xa, cũng xa như Phaolô vậy. Nhưng thực ra, chúng ta có biết được về những biến cố tại Antioche là nhờ nguyên vào Phaolô thôi. Ông chỉ nhìn có một chiều. Ðây là cái nhìn biện hộ. Không kết án ông bóp méo các sự việc, người ta có quyền nghĩ rằng ông chỉ cho thấy có một khía cạnh. Dù sao thì việc nầy cũng đầy ý nghĩa, nếu ta đem đặt nó vào khung cảnh của hai phong trào, một đàng là khuynh hướng muốn bành trướng kitô giáo giữa thế giới Hy Lạp, bên kia là cộng đồng Jerusalem đang tiêu hao dần đi vì chủ nghĩa dân tộc Do Thái chớm nở.
Khuynh hướng trên, việc bành trướng phong trào ngoại giáo-kitô, liên kết chặt chẽ với Phaolô và các cộng tác viên của ông. Ðể theo dõi sự phát triển của phong trào này, chúng ta có một nguồn tài liệu đáng chú ý, đi sát nhất với lịch sử của thời đại ấy, tức là phần thứ hai của sách Công vụ, trong đó Luca một khi đã trở nên bạn đồng hành với Phaolô, xử dụng tập nhật ký cuộc hành trình của ông và toàn bộ các bức thư của Phao-lô. Dưới đây chúng ta chỉ ghi lại những giai đoạn chính yếu. Ðầu năm 50, Phaolô trù định một cuộc hành trình mới, ông băng qua các miền Syrie và Cilicie. Hình như ông có ghé vào Tarse thành phố nơi ông sinh trưởng. Rồi ông đi thăm viếng các giáo dân ở Derbé, ở Lystres, ở Iconium, ở Antioche miền Pisidie. Bắt đầu từ đây ông đi sâu vào những khu vực mới, miền Galatie, bắc Phrygie, Mysie. Lên đường với Silas, một trong những higoumènes ngôn sứ từ Antioche đã tới Jerusalem với ông, ông mang theo Timothée từ Lystres và Luca từ Mysie. Hai người trên sẽ được kết nạp vào công trình truyền giáo của Phaolô và sẽ là những người nối tiếp quyền bính của ông (6).
Nhưng biến cố đánh dấu cuộc truyền giáo nầy là việc Phaolô ghé tới châu Âu, để thành lập các giáo hội Macédoine và Achaie (1Ts 1,7-8) từ lúc nầy. Tại miền Macéđoine, ông dừng lại ở Philippes. Nơi đây ông làm cho nhiều người ngoại giáo trở lại. Bị tố giác và bị các nhà cầm quyền Roma bắt, Phaolô viện lý mình là công dân Roma để gỡ tội (Cv.16,37; 1Ts 2,2). Tại Thessalonique, ông giảng trong hội đường và làm cho mấy người Do Thái trở lại, và cũng có mấy người Hy-Lạp nữa (17,4). Tại Bérée cũng thế. Từ đây ông đi Athènes (Cv. 17,16-34; 1Ts 3,1) là nơi ông giảng tại hàn lâm viện, trước mặt những người thuộc phái Stoiciens và Epicuriens (17,19). Nhưng ở đây ông thu lượm được ít kết quả. Sau cùng ông đến Corinthe. Ông ở lại đây một năm rưỡi (18,11). Có thể xác định chắc chắn niên đại về cuộc cư trú nầy. Một đàng ông gặp hai người Do Thái, Aquila và Priscille, là những người có xưởng dệt và ông làm cho họ. Aquila và Priscile mới bị Claude trục xuất khỏi Roma. Suétone có nói đến sắc lệnh nầy, nó ra đời năm 49. Mặt khác vị tổng đốc ở Achaie là Gallion (18,12) mà một bi ký tại Delphes cho biết ông phục vụ trong năm 52. Cuộc cư trú tại Corinthe như vậy bắt đầu từ năm 51 cho đến mùa hè năm 52. Chính từ nơi nầy Phaolô viết hai Bức thư gửi dân Thessalonica Rồi ông trở về Antioche, dọc đường có ghé vào Ephèse và Jerusalem.
Mùa xuân năm 53, ông mở một cuộc hành trình mới. Ông lại đi qua miền Galatie và Phrygie. Nhưng đích điểm cuộc truyền giáo lần nầy là Ephèse. Ông đến giảng trong hội đường; nhưng cũng có giảng trong một trường học cho các người ngoại giáo (19,9). Ông ở lại đây gần ba năm (54 đến 57). Chính từ nơi nầy ông đã viết Bức thư gửi giáo dân Galates và Bức thư thứ I gửi giáo dân Corinthe. Ông dự tính trở về Jerusalem, dọc đường sẽ ghé vào Corinthe và Roma (19,21). Thực ra ông đã dừng lại ở Macédoine (1 Cr 16,5) và chỉ tới Corinthe vào cuối năm 57 (20,2) sau khi Titô đã đến với ông (2Cr 7,6). Mùa đông năm 57-58, ông viết Bức thư gửi dân Rôma. Rồi ông tới Philippes, xuống tàu đi Troas và tới Tyr bằng đường biển dọc đường ông ghé vào Milet. Ông tới Jerusalem kịp lễ Hiện Xuống năm 58 (20,16).
Như vậy thành tích những cuộc truyền giáo của Phaolô là tích cực. Giữa các năm từ 50 đến 59, ông đã sáng lập các giáo hội miền Macédoine (Philippes, Thessalonique) và miền Achaie (Corinthe). Nhưng điều mà sách Công Vụ tiết lộ cho chúng ta thấy và cũng là điều mà các Bức thư đã trình bày với giọng điệu bi thảm, là sức phản kháng càng ngày càng gia tăng mà thời kỳ nầy ông luôn vấp phải từ phía các người Do Thái-kitô. Việc chống đối nầy là do tinh thần quốc gia Do Thái xúi giục: thoạt tiên nó làm cho ông bị bắt năm 58, rồi sau đưa ông đến việc tử đạo năm 67. Theo lời nhận xét đúng thực của Brandon và Reicke, tất cả các khó khăn Phaolô gặp phải đều cùng bởi một nguyên do độc nhất ấy. Chúng đã bắt đầu ngay từ khi khởi sự cuộc truyền giáo năm 49. Barnabé và Máccô từ chối không đi với ông và đáp tàu đi Chypre (15.39). Nếu nhớ rằng liền trước đó, ”vì sợ những người chủ trương phép cắt bì”, Barnabé đã tách khỏi Phaolô (Gl 2,14), thì thật rõ ràng là cùng một lý do đã thúc đẩy ông chia tay lần nầy. Tại Lystres, ”vì các người Do Thái” (16,3), Phaolô đã cắt bì cho Timôthée, đây là một cử chỉ nhượng bộ. Tại Thessalonique người Do Thái ”vì ghen tương” đã xui bẩy dân chúng chống đối ông. Nhưng còn tệ hơn thế nữa. Giáo Hội bị khuấy động ”bởi những người nhố nhăng”, họ không chịu làm lụng và ”pha mình vào những truyện nhảm nhí” (2Tm 3,11). Ðây là những phần tử của cộng đồng. Họ bảo rằng ngày của Chúa trở lại đã gần đến (2Tm 2,2). Khó mà không coi đó như một cuộc khuấy động chính trị trong bình diện cứu thế, nó làm liên tưởng đến điều Josèphe cho chúng ta biết về các người Do Thái phiến loạn trong thời kỳ ấy. Phaolô viết hai bức thư chính là để ngăn ngừa ảnh hưởng của họ.
Trước Phaolô, Apollo đã tới Ephèse. Ông nầy là một người Do thái Alexandrie đã ”học biết đường lối của Chúa”, nhưng ”chỉ biết phép rửa tội của Gioan” (Cv. 18,25). Ông đã thiết lập một cộng đồng (Cv. 18,26). Ông tới miền Achaie khoảng năm 54. Chúng ta lại gặp thấy ông tại Corinthe. Hình như ông là đầu mối những nỗi khó khăn mà Phaolô đã nói đến (1Cr 1,12). Thế thì Apollo đã dạy những gì Ông minh chứng Ðức Kitô là Minh Triết (Sophia) đã xuống thế gian, nhưng các hung thần không nhận ra Ngài (1Cr 2, 6-11). Phaolô không lên án các suy tư ấy. Nhưng ông trách cứ Apollo đã biến Kitô giáo thành một trực quan. Vậy lúc ấy đối với người Do Thái trực quan là gì, nếu không phải là khoa huyền khải tiết lộ những bí mật thượng giới, tên các thiên thần. Trực quan nầy đã phát triển trong các môi trường Esséni. Nhưng người ta cũng gặp thấy nó tại Ai Cập giữa nhóm y sĩ, những người na ná như phái Êsséni. Apollo là người thuộc về giới nầy (7). Ðược Priscille và Aquila làm cho trở lại, ông vẫn giữ lối suy luận nầy trong đạo Kitô, là lối suy luận người ta gặp thấy trong những sách Do Thái-kitô, chẳng hạn như cuốn Thăng thiên của Isaie.
Những điều trên giúp ta hiểu hơn về nền kitô Asia. Trong cuộc hành trình thứ hai, Thánh Linh đã ngăn cản Phaolô đừng tới Asia (Cv.16,6). Lúc ông đến đấy, quãng các năm từ 54 đến 57, ông gặp tại đây những giáo dân Do Thái-kitô, thuộc khuynh hướng của Apollo. Ông gặp một sức đối lập gay gắt từ phía các giới chủ trương giữ Luật Do Thái (Cv. 19,33). Ông sẽ nói đến các đối phương ông gặp tại đây (1Cr 16,9). Hình như Phao-lô phải đương đầu với một cộng đồng Do Thái-kitô rất thế lực, ông tìm cách dựng lên một cộng đồng các người ngoại giáo kitô để đối lại. Ông sẽ bị quăng vào giữa các thú dữ (1Cr 15,32) vì các người Do Thái-kitô tỏ ra lòng thù ghét ông. Năm 61, ông còn va chạm với các người Do Thái-kitô tại Ephèse (1Tm 1,3), rồi năm 63 ông phàn nàn là mọi người tại Asia đã bỏ ông (2Tm 1,15).
Tiếp sau những người Ephèse, trong lúc người Corinthe đang hoang mang vì ảnh hưởng của Apollo thì miền Galatie lại bị xáo trộn. Tình thế ở đây còn rõ ràng hơn nữa. Các người Galates quay lại với những tục lệ do thái; đã được Chúa Kitô giải phóng rồi, họ lại quay cổ về với ách nô lệ (Gl 5,1). Và cuộc nô lệ nầy là bắt buộc những người ngoại giáo kitô tuân giữ Lề luật Do Thái (Gl 5,2). Họ chú trọng cách riêng đến “ngày, tháng, mùa năm” (Ga 4,10). Nghiên cứu môn khải huyền do thái thời ấy chúng ta biết người Do Thái rất coi trọng niên lịch, như thể là Thiên Chúa đã ấn định thời giờ rồi (8). Tầm quan trọng nầy liên kết với việc chờ đợi biến cố thế mạt. Không thể hình dung rõ hơn về những tâm tình đang nung nấu lòng cuồng tín Do Thái lúc bấy giờ. Nó hàm xúc hai điều: cuồng tín tuần thủ các quy tắc luật lệ; phẫn nộ trong việc đợi thời kỳ sau hết. Các người Galates nặng lòng với những khuynh hướng nầy. Ðây là một phong trào chủ trương Do Thái hóa đạo Kitô.
Chúng ta thấy Phaolô ở trong một tình thế bi thảm. Bức thư gửi dân Roma, vào mùa đông năm 57, diễn tả rõ ràng nhất về cảnh huống ấy. Một phong trào phản loạn mãnh liệt đối với Roma làm thế giới Do Thái xao xuyến. Nhiều giáo dân bị dao động. Cuộc tranh luận giữa họ và Phaolô không đứng trên bình diện tín lý. Không có hai thứ Kitô giáo. Nhưng vấn đề là tình trạng của các giáo dân đối với cộng đồng Do Thái là môi trường quá khứ của họ. Khước từ phép cắt bì xem ra như bị gán vào tội phản bội chính trị chứ không phải là một thất tín tôn giáo. Phản bội cộng đồng Do Thái, đây là một tình trạng nan giải đối với các giáo dân dòng giống Do Thái, họ có thể vì đây mà bị người Do Thái bắt bớ, liều mình tuyệt vọng và chối đạo. Ðây cũng vẫn là một vấn đề đang xẩy ra ở Antioche. Nhưng ở đây có phần quyết liệt hơn. Những người khôn ngoan và lỗi lạc, như Phêrô, Barnabé và một số người khác nữa, chủ trương nên nhân nhượng để giữ lại đoàn Do Thái-kitô vì lúc đó đa số giáo dân còn là người Do Thái. Thấy vắng mặt Titô, Phaolô sinh nao núng. Ông cũng lại bị các người ngoại giáo khủng bố tại Philippes và Ephèse, bị các triết gia Athènes đem ra chế diễu. Có lẽ ông đã tự hỏi phải chăng ông lầm lẫn. Thật ra ông đã sẵn sàng để nhượng bộ ít điều. Ông khuyên người Corinthe đừng ăn thịt đã cúng thần để tránh gương xấu. Nhưng ông không thể nhu nhược được vì lòng ông son sắt với tiếng nói ông đã nghe.
Cuộc tranh chấp nầy kết thúc bằng một biến động thê thảm vào năm 58. Khi tới Jerusalem, Phaolô biết trước là tính mạng của ông bị đe dọa (Cv.20,22). Ông được Giacôbê và các kỳ lão đón tiếp. Các vị nầy cho ông biết trước về những điều người Do Thái đang tố cáo ông: ngăn trở người Do Thái chịu phép cắt bì và tuân giữ Lề luật (21,21). Họ khuyên ông nên có một tác động công khai để tỏ dấu vẫn trung thành với đường lối Do Thái. Thế là Phaolô vào Ðền Thờ. Nhưng người Do Thái miền Asia nhận diện ra ông và xui dục dân chúng gây hấn. Họ bắt lỗi ông đã xúc phạm Ðền thánh vì dẫn một người ngoại đạo vào đấy. Ông bị lính Roma bắt, nhưng ông nại cớ có quốc tịch Roma nên ông không bị hành hung gì. Một cuộc tranh luận diễn ra trước pháp đình, tiếp sau đó có huyên náo. Một nhóm người Do Thái chủ mưu ám sát ông. Viên sĩ quan bảo an giải áp ông tới Césarée để gặp ông tỉnh trưởng Félix đương chức từ năm 52 đến năm 59. Félix biết ông vô tội nhưng cũng giam giữ ông trong tù hai năm. Năm 59, Festus được phái đến làm tỉnh trưởng thay thế Felix (24,27). Người Do Thái yêu cầu phải giải Phaolô về Jerusalem. Nhưng ông kháng cáo lên tận César. Festus định gửi ông sang Roma. Trước khi ông đi, Agrippa II và em gái của ông là Bérénice có lấy khẩu cung, cả hai đều công nhận ông vô tội.
Từ năm 60 trở đi, các biến cố xẩy ra dồn dập. Ở Roma, Phaolô bị quản thúc tại gia từ năm 61 đến năm 63. Lúc đó ông soạn những Bức thư gửi giáo dân Colossiens, gửi giáo dân Ephésiens, gửi giáo dân Philíppiens. Bức thư gửi dân Colossiens làm chứng về những hoạt động của các người Do Thái-kitô tại Phrygie: họ đặt ra những vấn đề cấm kỵ thức ăn, những vấn đề về niên lịch và gây hoang mang trong đoàn thể (2,16). Phaolô không lên án bảo các tục lệ ấy là xấu, nhưng cho rằng chúng thuộc về một mệnh lệnh đã lỗi thời. Ngoài ra ông còn căn dặn các người Colossiens cảnh giác trong việc tìm hiểu về các thiên thần, một trong những đặc tính của khoa huyền khải Do Thái (2,18). Trên Thập Giá Chúa Kitô đã chiến thắng các lãnh thần và các uy thần (2,10). Phaolô còn nói rõ rằng: những điều ông viết cũng liên hệ đến các thành phố lân cận tại miền Laodicée và Hiérapolis. Dưới đây chúng ta sẽ thấy các thành phố ấy là những thái ấp của người Do Thái-kitô. Phaolô báo trước ông sẽ gửi một bức thư cho người Laodicée (4,16). Hình như ông chưa kịp viết bức thư nầy.
Ðược phóng thích năm 63, Phaolô lại tiếp tục hoạt động truyền giáo. Chúng ta biết về giai đoạn cuối cùng này là nhờ Bức thư gửi cho Timothée và Bức thư gửi cho Titô. Mối xung đột với người Do thái-kitô ngày càng trầm trọng. Phaolô đến đảo Crète. Sau đó ít lâu ông viết thư cho Titô, là người ông đã để lại đấy để thiết đặt các kỳ lão cho mỗi thành phố (1,5). Ông dặn Titô phải dè chừng đối với người Do Thái-kitô (1,10). Họ ham nghe những truyện hoang đường (mythoi) do thái. Chúng ta đã thấy rằng đây là một cách diễn tả chuyên môn để chỉ các điều hão huyền của thiên niên thuyết. Họ nhấn mạnh những mệnh lệnh về các đồ ăn uống (1,4-15). Titô cần phải để ngoài tai những vụ tranh chấp liên quan tới các phả hệ, nghĩa là đến những vụ truy cứu về các thiên thần và tới Lề luật, nghĩa là đến những điều luật Do Thái buộc phải giữ (3,9).
Hai Bức thư gửi Timothée nhằm vào tình trạng ở Ephèse. Có lẽ là sau khi qua Crète, Phaolô đã tới đấy. Ông mang theo Timothée là người được ông giao Giáo hội Ephèse cho, lúc ông đi đến miền Macédoine. Chính từ Macédoine ông đã gửi các điều giáo huấn về. Ðây là bức thư thứ nhất trong hai bức thư đó. Cần đả phá những kẻ dạy về truyện hoang đường và các phả hệ (1,4); chúng là đầu mối gây ra những mối chia rẽ. Timothée phải thận trọng duy trì lấy kho tàng và xa lánh ”thứ khoa học giả hiệu” đó (pseudonymos) (6,21). Danh từ trên chỉ về những cuộc nghiên cứu Do Thái-kitô. Nó sẽ được Irénée dùng để chỉ tên ngộ đạo thuyết là một ngành truy cứu của các người Do Thái-kitô. Ngoài ra họ còn lên án hôn nhân và một số thức ăn (4,3). Có lẽ Timothée đã bị nao núng phần nào vì thấy Phaolô dặn ông cứ việc uống rượu (5,3). Ở đây chúng ta lại gặp thấy một đặc tính mới nữa của tinh thần Do Thái-kitô là Thuyết encratisme bác bỏ hôn nhân và cấm uống rượu. Thuyết ấy vốn là một thực tế trong tinh thần Do Thái-kitô miền Palestine và miền Mésopotamie. Nó chứng tỏ các vị truyền giáo Do Thái-kitô vẫn tiếp tục hoạt động tại Ephèse.
Còn một điểm quan trọng khác nữa trong Bức thư gửi Timothée: Phaolô ra những chỉ thị về việc tổ chức cộng đồng miền Asia, tương tự với những chỉ thị ông đã ra cho Titô về đảo Crète. Có một hội đồng linh mục. Hội đồng này có vị chủ tịch vốn là một người giữa các thành phần của hội đồng. Người ta đặc cách tôn cho ông tước hiệu giám mục (episcopos) cốt chỉ về việc làm hơn là vinh dự (9). Ngoài ra còn có các thầy phó tế, trực thuộc quyền giám mục. Chúng ta đứng trước hai hệ thống quyền bính song song, một bên tập đoàn hơn, một bên quân chủ hơn, giám mục là dây liên lạc giữa hai bên và hai bên thường có chuyện xung khắc. Việc Phaolô nhấn mạnh về chế độ quyền bính trong các bức thư mục vụ đặt ra vấn đề có thật Phaolô là tác giả của chúng hay không. Có người đem tình trạng miêu tả trong các thư này đối lập với tình trạng chúng ta gặp thấy trong các Bức thư gửi giáo dân Corinthe. Nhưng tình trạng trình bày ở đây xem ra phù hợp với khung cảnh lịch sử của nó (10). Chúng ta thấy chỉ có điều mới là quyền bính địa phương thường xuyên lên thay thế cho quyền bính truyền giáo. Vào thời kỳ này chúng ta gặp cùng một diễn tiến ấy tại Syrie trong sách Didachè.
Hai năm sau, lúc Phaolô gửi cho Timothée bức thư thứ hai, tình thế lại càng nguy kịch hơn nữa. Phaolô thật là rầu rĩ. Người ta không chịu đựng nền giáo lý lành mạnh nữa: họ lắng tai nghe những chuyện hoang đường (mythoi) (4, 3-4). Những tông đồ giả xâm nhập vào các gia đình làm cho đàn bà say nghe (3,3). Một trong những nét đặc trưng của các giáo phái Do Thái-kitô là việc phụ nữ giữ một vai trò khá quan trọng. Nét đặc trưng này cũng lại gặp thấy trong thuyết ngộ đạo. Các tông đồ giả cũng tương tự như Jannès và Jambrès, các đối thủ của Maisen và Aaron trong truyền thống Do Thái (3,8). Riêng Hyménée và Philète giảng rằng sự sống lại đã xảy ra rồi (2,18). Sau này chúng ta sẽ gặp thấy điều quyết đoán trên trong tác phẩm của Cérinthe. Nó là cách bày tỏ lòng phẫn nộ trong việc chờ đợi khải huyền. Mọi người đều bỏ rơi Phaolô tại Asia (1,15). Không lúc nào phong trào Do Thái-kitô xem ra thắng thế bằng lúc này. Thế nhưng phong trào ấy lại sắp đến ngày tàn.
Lúc đó tại Roma thảm kịch bắt đầu bùng nổ. Tháng bảy năm 64 là niên đại vụ hỏa hoạn ở Roma. Néron lên cầm quyền từ năm 54. Ông đổ trách nhiệm hỏa hoạn này trên đầu các giáo dân. Có thể là ông nhằm đánh vào cuộc xách động cứu thế của mấy giới Do Thái-kitô. Nói cho cùng lần tố giác nào cũng không ra ngoài bầu không khí nói trên. Hình như Phêrô là một trong những nạn nhân của cuộc bắt bớ này. Toàn thể các sử gia hiện nay công nhận điều ấy. Rất có thể là những người Do Thái-kitô đã tố giác ông, như theo điều ám chỉ trong thư Clément I. (V,2) (11), và hơn nữa trong bài tường thuật của Tacite lại nói đến việc những giáo dân bị bắt trước tố giác những ngừơi đồng đạo. (12). Phaolô lại bị tống ngục ở Roma. Mọi cái làm cho người ta phỏng đoán là những hoàn cảnh cũng y hệt như lần trước. Lúc này ông viết Bức thư II gửi cho Timothée. Có thể xác định ông qua đời năm 67, hình như ông cũng bị người Do Thái-kitô tố giác với nhà cầm quyền Roma về tội gây náo loạn (2Tm 4,16; 1Cm V,4).
Trong lúc ấy thì tình hình tại Palestine cũng trở nên trầm trọng. Năm 62 Giacôbê giám mục Jerusalem bị ném đá. Niên đại này được Josèphe làm chứng, ông nói đến biến cố ấy hai lần và đặt nó vào năm lúc Albinus đến thay thế Festus trong chức toàn quyền (13). Niên đại này trùng vào lúc một người dòng tộc Anna, Anna con, lên nhận chức thầy cả thượng tế (14). Hégésippe có ghi chép một bài tường thuật tỉ mỉ hơn về cuộc tử đạo của Giacôbê, bài này được Eusèbe lưu truyền lại (H.E.II,23, 1-25). Như thế thì ra cũng tại các người Biệt phái sợ Giacôbê có ảnh hưởng trên quần chúng. Như vậy chúng ta lại có thêm một bằng chứng để biết lòng thù ghét đối với các giáo dân đang trào lên: Có lẽ là vì họ từ chối, ngay chính giữa các người do thái-kitô, không chịu gia nhập phong trào cứu thế để phản đối Roma.
Năm 66 tinh thần ái quốc này đã đạt tới cực độ. Cuộc chiến tranh Do Thái bắt đầu. Cộng đồng Kitô lúc đó tị nạn tới Pella, tại miền Transjordanie. Như thế là cộng đồng cắt đứt dây liên đới với vận mệnh quốc gia Israel (H.E.III,5-3). Ðứng đầu cộng đồng là Siméon, anh em họ của Chúa Giêsu, cũng là người đã lên thay thế cho Giacôbê (H.E.III,11). Cử chỉ này, hơn bất cứ việc nào khác, đánh dấu cuộc đoạn tuyệt của Giáo Hội đối với đạo Do Thái. Cộng đồng Jerusalem cho tới phút cuối cùng đa cố tiếp xúc với người Do Thái và cố làm thế nào để họ trở lại với Chúa Kitô. Dù thế cộng đồng đã bị bắt bớ. Từ đây trở đi, cộng đồng để mặc Israel lăn theo vận mệnh của mình. Năm 70, Titus chiếm đoạt Jerusalem, tàn sát dân chúng Do Thái và phá hủy đền thờ.