LỜI MỞ
Thay mặt cho những anh chị em, linh mục, tu sĩ và giáo dân trong Nhóm Dịch Thuật bộ Tân Lịch Sử Giáo Hội, tôi hân hạnh đến qúy Ðộc Giả đôi lời về công việc làm của chúng tôi như sau.
I. Ðôi lời về bộ Tân Lịch Sử Giáo Hội.
Bộ ”Tân Lịch Sử Giáo Hội”: Tiêu đề được dịch ra từ Pháp ngữ ”Nouvelle Histoire de l'Église”. Bộ sách gồm năm cuốn, do nhiều tác giả là những giáo sư đại học danh tiếng quốc tế biên soạn.
* Những người chủ trương: Trước tiên, Tiểu Ban Ðiều Hợp gồm ba người: ông L. J. Rogier (Nimègue), ông Roger Auber (Louvain), và ông M.D. Knowles (Cambridge). Thư Ký Biên Tập là ông A.G. Weiler (Nimègue), Cố vấn riêng về lịch sử Mỹ châu là ông J.T. Ellis (Washington).
* Toàn bộ sách do nhiều nhà xuất bản hợp tác ấn hành và giữ bản quyền: Paul Brand N.V., Hilversum-Antwerpen; Darron, Longman & Todd Ltd., London; Editions du Seuil S.A., Paris; Verlagsanstalt Benziger & Co. AG., Einsledeln-Zurich-Koln. Riêng bản văn Pháp ngữ do Éditions du Seuil ấn hành và giữ bản quyền, cuốn I năm 1963, cuốn II, III năm 1968, IV (?), V năm 1975. Và chính nhà xuất bản này đã cho chúng tôi quyền phiên dịch ra tiếng Việt. Trong mỗi cuốn, ngoài phần nội dung như chúng ta sẽ thấy dưới đây, còn các phần phụ lục: Bản viết tắt, các chú giải, thư mục, niên sử, mục lục phân tích, mục lục nội dung.
* Cuốn I, ”Từ nguồn gốc cho đến Thánh Grégoire cả” (Des Origines à saint Grégoire le Grand (604)), do hai soạn giả là Jean Daniélou (Paris) và D. Henri Marrou (Paris), dầy 615 trang, khổ 14X20. Cuốn này được chia thành 2 phần, phần I, ”Từ nguồn gốc đến cuối thế kỷ III” với 14 chương, do Jean Daniélou soạn; phần II, ”Từ cuộc bách hại thời Dioclétien đến ngày tạ thế của đức Grégoire cả” với 11 chương về thế kỷ IV và 14 chương về thế kỷ V và VI, do Henri Marrou soạn.
* Cuốn II, ”Thời Trung Cổ” (Le Moyen âge) (600-1500), do hai soạn giả M.D. Knowles (Cambridge) và D. Obolensky (Cambridge), dầy 616 trang, khổ 14x20. Cuốn này viết bằng tiếng Anh và dịch ra tiếng Pháp bởi Laurent Jézéquel và André Crépin. Cuốn này được chia ra thành 4 phần: Phần I ”từ năm 604 đến năm 1048” với 13 chương; phần II ”từ năm 1049 đến năm 1198” với 10 chương; phần III ”Từ năm 1199 đến năm 1303” với 12 chương; phần IV, ”Từ 1304 đến năm 1500” với 7 chương.
* Cuốn III, Cải Cách và chống Cải Cách (Réforme et Contre-réforme) (1500-1715), do ba sọan giả Hermann Tuchle (Munich), C.A. Bouman (Nimègue) và Jacques le Brun (Paris), dầy 624 trang khổ 14x20. Nguyên bản tiếng Anh và được dịch ra tiếng Pháp bởi Maurice Barth O.P., Raymond Barthe, André Tintant và Nelly Weinstein. Cuốn này không được chia thành phần, mà chỉ chia thành 12 chương dài.
* Cuốn IV, ”Thế kỷ Ánh Sáng, Cách Mạng và Phục Hưng” (Siècle des Lumières, Révolutions, Restaurations) (1715-1848) do L.J. Rogier (Nimègue), G. de Bertier de Sauwigny (Paris) và J. Hajjar (Damas) biên soạn (phải viết thêm theo cuốn IV cha Khánh đang giữ)
* Cuốn V, ”Giáo Hội trong xã hội tự do và trong thế giới tân tiến” (L'Église dans la société libérale et dans le monde moderne) (1848 cho đến thế hệ chúng ta), do sáu soạn giả R. Aubert (Louvain) và J. Bruls (Louvain), P.E. Crunican (London/Canada), John Tracy Ellis (San Francisco), J. Hajjar (Damas) và F.B. Pike (Notre Dame/USA), dầy 928 trang, khổ 14x20. Cuốn sách được chia thành 6 phần: Phần I ”Giáo Hội Công Giáo từ năm khủng hoảng 1848 cho đến Ðệ Nhất Thế Chiến do Roger Aubert soạn, với 5 chương; Phần II ”Ðạo Công Giáo trong thế giới Anglo-Saxon” do P.E. Crunican và John Tracy Ellis biên soạn với 4 chương; Phần III ”Ðạo Công Giáo tại Châu Mỹ Latinh” do F.B. Pike biên soạn, với 4 chương; Phần IV, ”Truyền Giáo tại các Giáo Hội non trẻ” do J. Bruls biên soạn, với 5 chương; Phần V, ”Các Giáo Hội Ðông Phương Công Giáo” do J. Hajjar biên soạn gồm 3 chương.
Ðể thấy được đường hướng của các tác giả sọan thảo bộ ”Tân Lịch Sử Giáo Hội” này, chúng tôi trích lại đây đoạn cuối của bài ”Dẫn Nhập Ðại Cương” do Roger Auber viết: ”Là lịch sử Giáo Hội duy nhất của Ðức Kitô“, bộ Tân Lịch Sử Giáo Hội không quên thế đứng mà các Giáo Hội khác đã có và sẽ còn tiếp tục duy trì trong Giáo Hội này; là lịch sử của Giáo Hội thánh thiện, nó không che đậy những khuyết điểm rất nhiều tức là phần sản nghiệp của các phần tử và của các vị chăn chiên trong Giáo Hội; là lịch sử Giáo Hội công giáo, nó quan niệm về công giáo tính một cách đúng đắn và muốn thúc đẩy việc học hỏi về toàn thể Giáo Hội hoàn vũ; là lịch sử Giáo Hội được xây dựng trên nền tảng các Tông Ðồ, nhưng nó biết rằng lý do tồn tại của các Tông Ðồ và những vị kế nghiệp các ngài là để phục vụ toàn thể dân kitô; sự sống của dân này là đối tượng phục vụ của các ngài. Lịch sử của một quy chế nhân loại đồng thời cũng là Thân Thể của Chúa Giêsu Kitô và đền thờ của Chúa Thánh Thần, bởi vậy người ta phải đề cập đến với lòng kính cẩn y như lúc giẫm chân lên Thánh địa. Nhưng bộ lịch sử này, vì là một lịch sử dụng tâm muốn trung thành với các luật của việc khảo sát chân lý lịch sử, không sợ lấy cảm hứng trong câu ngạn ngữ của Cicéron mà đức Léon XIII đã nêu lên như phương châm cho các sử gia công giáo: ”Ne quid falsi dicere audeat, ne quid veri non audeat” (Ðừng nói điều gì man trá, cũng đừng sợ nói lên sự thật).
II. Diễn tiến công việc phiên dịch bộ Tân Lịch Sử Giáo Hội ra tiếng Việt Nam.
Cuốn thứ I của bộ lịch sử này ra đời năm 1963, và ấn bản Pháp ngữ của cuốn V năm phát hành năm 1975, thì ngay 1968, cha Giuse Phạm Phúc Khánh, bấy giờ làm việc tại Cannes đã viết thư xin phép phiên dịch ra tiếng việt. Trong thư phúc đáp, ngày 23. XII. 1969, nhà xuất bản Paul Brand, với tư cách điều hợp giữa các nhà xuất bản, đã viết những lời phấn khởi như sau: ”La Nouvelle Histoire de l'Eglise est un projet international entre les éditions suivantes: Uitgeverij Paul Brand (édition néerlandaise et coordinatrice), Éditions du Seuil (édition francaise - comme vous savez), Benziger Verlag, Einsiedeln, Suisse (édition allemande), Darton, Longman & Todd (édition anglaise), Il y a aussi une édition américaine, italienne, espagnole et portugaise. Nous sommes sur que tous les éditeurs approuveront une traduction vietnamienne... Ainsi, il n'y a aucune objection pour vous de continuer votre traduction... Nous vous souhaitons un bon résultat et nous vous prions de croire, Monsieur l'Abbé, en attendant le plaisir de vous lire, à l'expression de nos sentiments dévoués”. (Bộ Tân Lịch Sử Giáo Hội là một phương án quốc tế giữa các nhà xuất bản sau đây:... Chúng tôi chắc chắn rằng mọi nhà xuất bản khác sẽ chấp nhận bản dịch Việt ngữ... Như vậy, không có gì cản trở việc cha tiếp tục phiên dịch. Chúng tôi cầu chúc cha gặt hái thành quả tốt đẹp và trong khi chờ đợi hân đọc bản dịch của cha, chúng tôi xin cha tin tưởng vào những tâm cảm nhiệt tình của chúng tôi).
Dịch xong nội dung cuốn I, cha Phạm Phúc Khánh, phần vì bận rộn sinh hoạt mục vụ, phần vì cảm thấy ”đây phải là việc làm chung của nhiều người”, nên Cha dừng bút và tâm niệm sẽ khởi sự lại một ngày nào đó...
Ngày đó là dịp Ðại Hội Liên Tu Sĩ 1991 do cha Mai Ðức Vinh triệu tập. Ðề tài trao đổi của Ðại Hội là ”Hướng về Giáo Hội Mẹ Việt Nam”, được khai triển qua các khía cạnh: ”Chuẩn bị Bản Thân”; ”Chuẩn bị nhân sự”, ”Chuẩn bị phương tiện”. Trong phần ”Chuẩn bị nhân sự”, cha Trần Ðịnh đưa ra nhiều kế hoạch, trong đó có kế hoạch phiên dịch những sách cơ bản và trong số các sách được liệt kê có bộ Tân Lịch Sử Giáo Hội”. Thực ra trước Ðại Hội, cha Mai Ðức Vinh đã vận động xin được cha Jean-Marie Aubert và nhà xuất bản Fleurus-Mame cho phép phiên dịch cuốn ”Abrégé de la Morale catholique” (Sơ lược về Luân Lý Công giáo) và cũng được cha Philippe Ferlay và nhà xuất bản Desclée cho phép dịch cuốn ”Abrégé de la Foi Catholique”. (Sơ lược về Ðức tin Công giáo) Và mọi người đều thấy là hai cuốn sách này cần thiết và vắn gọn hơn. Nhưng khi công việc vừa bắt đầu thì hay tin bên nhà đã có người dịch rồi. Do đó Ðại Hội Liên Tu Sĩ được cha Khánh nhường lại cho việc ”tiếp tục phiên dịch bộ Tân Lịch Sử Giáo Hội. Công việc được bắt đầu ngay: Cha Phạm Phúc Khánh trách nhiệm cuốn II, Cha Trần Ðịnh cuốn III, cha Mai Ðức Vinh cuốn IV và cha Vũ Mộng Thơ cuốn V. Và như vậy, việc phiên dịch bộ Tân Lịch Sử Giáo Hội chính thức là việc làm chung của Hội Liên Tu Sĩ Việt Nam tại Pháp.
Tiếc là bầu khí hăng say nồng nhiệt của Ðại Hội 1991 mau xuống cấp, và việc phiên dịch bộ Tân Lịch Sử Giáo Hội bị chùng lại; thêm vào đó cha Trần Ðịnh, một người điều hợp hăng say, bị trọng bệnh và không thể tiếp tục thêm nữa. Dự án được trao lại cho cha Mai Ðức Vinh, tiếp tục điều động. Và từ đó, dự án phiên dịch bộ Tân Lịch Sử Giáo Hội trở thành ”việc làm chung của một ”Nhóm Linh Mục, Tu Sĩ và Giáo Dân”.
Nhóm Linh Mục, Tu Sĩ và Giáo Dân hiện nay trên 20 người:
* Chủ trương: Cha Phạm Phúc Khánh, cha Mai Ðức Vinh, cha Trần Ðịnh.
* Ðiều hợp: Cha Trần Ðịnh (1991-1997), Cha Mai Ðức Vinh (1997-).
* Cộng tác phiên dịch: Cha Phạm Phúc Khánh, cha Mai Ðức Vinh, sư huynh Trần Văn Nghiêm, cha Dương Như Hoan, cha Nguyễn Ất, ông Nguyễn Khắc Xuyên, chị Bùi Thị Lý, bà Phan Lệ Nga, ông Bùi Bá Lư, ông Phan Hữu Lộc, ông Tạ Ðình Chung, ông Huỳnh Chánh Thinh, thày Nguyễn Văn Thạch, Ông Trần Ðức Tường, thày Phạm Bá Nha, bà Nguyễn Thị Lành, chị Nguyễn Thị Hảo, ông Diệp Văn Minh, anh Phạm Hòa Hiệp.
* Ðánh máy: Ông bà Phan Văn Lạ, nữ tu Thân Kim Liên, cha Mai Ðức Vinh.
* Ðọc để hiệu chính, thống nhất danh từ và nhuận văn: cha Phạm Phúc Khánh, cha Mai Ðức Vinh.
* Ðọc bản thảo: Chị Phúc Hậu, bà Ngọc Anh, cha Mai Ðức Vinh, nữ tu Thân Kim Liên.
* Trình bày nội dung: nữ tu Thân Kim Liên, phó tế Nguyễn Văn Thạch, linh mục Mai Ðức Vinh.
* Trình bày bìa và kỹ thuật hình ảnh: Anh Vũ Ðình Khiêm, chị Ngô Kim Ðào.
Cũng nên ghi lại ở đây những khó khăn gặp phải trong công việc dịch thuật: Vì đây là bộ sách do nhiều tác giả biên soạn và mỗi tác giả có một lối trình bày, một cách hành văn khác nhau. Ðến khi phiên dịch từ tiếng Pháp qua tiếng Việt lại cũng do nhiều dịch giả khác nhau. Vì thế xin độc giả thông cảm cho khi thấy không hoàn toàn thống nhất về cơ cấu trình bày và về cách hành văn. Vì có quá nhiều tên riêng, về nhân vật, về quốc gia, về thành phố, về địa lý... nên sau khi suy nghĩ chúng tôi giữ nguyên chữ Pháp, trừ ra một vài từ quá quen thuộc. Như thế cũng tiện cho việc làm Mục Lục Phân Tích và để quý độc giả dễ tra cứu. Vì mỗi cuốn bằng Pháp văn dài trung bình 620 trang khổ 14x20, khi dịch ra tiếng Việt và cũng in theo khổ 14x20, cuốn sách sẽ thành hơn 800 trang. Do đó, để tiện cầm tay khi đọc hay tra cứu, chúng tôi in mỗi cuốn sách Pháp thành 2 cuốn sách Việt: Cuốn IA và cuốn IB, cuốn IIA, cuốn IIB..., mỗi cuốn trên dưới 400 trang. Như vậy, vừa tay cầm hơn.
Sau cùng ba mục đích thúc đẩy chúng tôi làm công việc này: Trước tiên là muốn đóng góp một phần nhỏ mọn vào việc cung ứng tài liệu cơ bản cho việc học hỏi và nghiên cứu trong kho tàng văn hóa của Giáo Hội và của Quê Hương, đặc biệt và thực tế cho các Chủng Viện tại Quê Nhà. Thứ đến chúng tôi muốn chọn phần Lịch Sử Giáo Hội, bởi vì cho tới nay tại Việt Nam chưa có một bộ ”Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo Hoàn Vũ” nào đầy đủ. Có lẽ hiện nay Bộ Lịch Sử Giáo Hội do cha Bùi Ðức Sinh soạn là duy nhất, nhưng cũng thu gọn vào hai cuốn. Thứ ba chúng tôi nhận thấy đây là bộ lịch sử mới mẻ, đầy đủ, biên soạn công phu, đúng đắn và kỹ thuật khoa học nhất hiện nay trong bộ môn sử học về Giáo Hội. Thứ bốn, chúng tôi muốn thể hiện một hình thức làm việc chung giữa linh mục, tu sĩ và giáo dân trong phạm vi văn hóa và mục vụ, là hình thức làm việc đã có nhiều tại các nước Âu Mỹ. Chúng tôi muốn học điểm hay của họ.
Vì thế, trước nhiều khó khăn về tâm lý, về thời gian, về những công việc ”bổn phận chính yếu khác”, chúng tôi gắng hết sức để đi tới cùng, để có một thành quả văn hóa dâng về Giáo Hội Mẹ Việt Nam và cho tất cả những ai muốn tìm hiểu về Lịch Sử của Giáo Hội hoàn vũ.
Mặc dầu đã cố gắng hết mình, chắc chắn chúng tôi không tránh hết những thiếu sót trong công việc chuyển ngữ bộ Tân Lịch Sử Giáo Hội này. Vì thế chúng tôi thành thật cáo lỗi trước cùng quý Ðộc Giả, đồng thời chúng tôi rất ghi ơn những chỉ bảo quý giá của mọi người.
Nhìn lại việc làm của mình, tuy chưa đạt đích toàn vẹn, chúng tôi vui mừng cám ơn Thiên Chúa, Ðức Mẹ và các Thánh Tử Ðạo Việt Nam. Chính ơn thiêng của các Ðấng đã hướng dẫn và nâng đỡ chúng tôi.
Chúng tôi thành tâm gửi về các Nhà Xuất Bản và các Tác Giả đáng kính của bộ Tân Lịch Sử Giáo Hội những lời cám ơn nồng nhiệt của chúng tôi. Chúng tôi cảm nghiệm rằng, Quý Vì đã dễ dàng dành cho chúng tôi những cử chỉ hào hiệp như vậy, chính vì Quý Vị thương Giáo Hội hoàn vũ và Giáo Hội Việt Nam. Chúng tôi xin ghi ơn Quý Vị.
Chúng tôi cám ơn Giáo Xứ Paris đã dành một ngân khoản đáng kể để ấn hành bộ Tân Lịch Sử Giáo Hội này. Tất cả chỉ vì muốn phục vụ Giáo Hội Mẹ Việt Nam và nền Văn Hóa Dân Tộc.
Sau cùng, chúng tôi ước mong quý Ðộc giả đón nhận bộ Tân Lịch Sử Giáo Hội này như một món quà ”làm việc chung trong tình liên đới huynh đệ” của chúng tôi. Thân ái.
Thay mặt cho tất cả anh chị em.
Lễ Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam, 24.11.2002
Lm MAI ÐỨC VINH.