Quà Giáng Sinh
Đoàn Thị
Nghi thức đêm Giáng Sinh bao giờ cũng bắt đầu với hoạt cảnh Thánh Guise và Đức Mẹ lang thang tìm nơi ngã lưng dưới màn đêm lạnh giá, theo chân đôi uyên ương này là đám mục đồng và các thiên thần đang bước vào nhà thờ mờ tối. Giọng ai đó kể lể gia đình Chúa đêm đông đang tìm nơi trú ẩn, đoàn người lầm lũ bước vào giáo đường, trong tiếng nhạc đệm như dìu bước giáo dân trở về hang Bê Lem hơn hai ngàn năm về trước.
Tôi biết đêm nay cũng là đêm huyền diệu với mấy em đang tham gia hoạt cảnh này và gia đình các em, vì khi đoàn người tiến dần lên cung thánh, đèn flash mấy ảnh nháy sáng cả một góc nhà thờ.
Trên màn hình lớn sau cung thánh, chuổi sao băng xuất hiện lấp lánh qua bài thánh ca du dương, rồi gia đình Chúa tiến vào hang vắng, Chúa hài đồng được đặt vào máng lừa, đèn nhà thờ bật sáng, giáo dân tắt nến.
Nhà thờ sáng tỏa, chật cứng người, mấy hàng băng ghế tăng cường sát cửa chánh cũng không chứa hết giáo dân đi trẩy hội đêm nay, đông vui, nhộn nhịp đến hơi náo nhiệt vì tiếng con nít cười, khóc, í ớ gọi nhau.
Người cẩn thận thủ sẳn bánh kẹo chực chờ cán họng đám thiếu nhi hiếu động để trả lại « thanh bình cho đêm Thanh Bình ». Một bí kíp tuyệt vời, vì vào giờ này bố mẹ có trừng mắt, tát nhẹ vào mông tụi con nít vẫn không sợ, thôi thì ngọt mật cho đám ruồi ngồi yên.
Chờ mọi người an vị, con nít ngậm kẹo, nhà thờ yên lặng, dàn nhạc trổi lên bài ca nhập lễ, thế là người lớn được dịp hát hò thỏa chí coi như bù lại từ nẩy giờ chịu trận đám con nít la hét mà mình không được lên tiếng la mắng chúng nó, tôi cũng hát hết ga vì bài hát quá hay.
Sau bài phúc âm, cha khách cầm micro không dây đứng trước cung thánh mở lời, hôm nay tôi nói ngắn gọn để quý vị ra về sớm, đón Chúa vào nhà và cùng gia đình ăn tiệm đêm, mở quà và vui chơi đến sáng.
Tuần trước, các bạn trẻ hỏi tôi, Chúa giáng trần hơn hai ngàn năm rồi, cũ xì, mắc chi mà thiên hạ nhắc hoài, bộ trên đời này không còn gì mới mẻ để nói sao ? »
Để hạ nhiệt cơn sốt ruột của các bạn, tôi hỏi, thế các bạn sống hơn mười mấy năm trên đời, sao mỗi năm cứ phải tổ chức sinh nhật ? Bọn trẻ suy tư ú ớ, sướng chưa, nãy giờ hùng hổ lắm, bi chừ bí tỉ, tôi nói khích, sao các bạn đã tìm ra giải đáp rồi chứ.
Có đứa ngoan cố, Chúa chết rồi, tụi con còn sống nên tổ chức sinh nhật, đúng quá đi chứ.
Chính xác, sinh nhật là dịp nhắc lại ngày bạn chào đời, và bạn sống sót đến ngày hôm nay, nên phải ăn mừng và tạ ơn Chúa, bạn là niềm vui của bố mẹ, bạn là quà tặng của thượng đế.
Mỗi năm Chúa chết một lần trong Thánh Kinh, nhưng Chúa chưa bao giờ chết, Người đang đồng hành với chúng ta cho đến Ngày Sau Cùng.
Còn chuyện cũ xì hơn hai ngàn năm mà sao mọi người ai cũng thích nhắc lại hàng năm, đó là cái cớ để các bạn được nhận quà, để mọi người có dịp ăn chơi, và tôi cũng được chung vui với quý vị hiện diện trong thánh lễ này.
Đó là chuyện đời, chuyện đạo là thế này, ngài cầm micro đi tới đi lui, giọng trầm ấm như đưa mọi người vào cuộc. Mấy hôm trước có hai bà gõ cửa nhà xứ, tôi mở cửa và thầm nghĩ chắc hai giáo dân muốn được giải tội đây.
Trăm lần không quý vị ạ, hai bà tự giới thiệu là nhân chứng đạo Jehovah. Tôi bèn đính chính, quý bà gõ nhầm cửa rồi. Lại trăm lần không đúng, hai bà chắc mẫm phán, chúng ta cùng đạo nhưng khác phái, vì thế chúng tôi chỉ nhờ cha nhắn với giáo dân của ngài đêm Giáng Sinh, Chúa xuống trần mang thông điệp Tình Yêu đến cho nhân gian, dù quý vị là ai, chọn tôn giáo gì đi nữa, hãy yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng ta.
Các bạn trẻ hiểu Giáng Sinh là gì rồi nhe, đừng thắc mắc nữa, mùa Noël ngoài cuộc vui trần thế, đoàn tụ gia đình, chúng ta đừng quên chúng ta là phiên bản của Chúa, nên chúng ta cũng sẽ mang Tình Yêu đó chia sớt với anh em đồng loại.
Nhưng Giáng Sinh đôi khi chưa chắc là ngày vui đối với những người cô đơn, đau ốm, vô gia cư, bất hạnh vì vừa mất người thân trong gia đình, chúng ta dâng lời cầu nguyện cho họ.
Nghe đến đây chắc quý vị sẽ thấy mình còn may mắn hơn khối người, vậy mà có một ông thật ấm ớ than phiền, thưa cha Noël năm nay cứ như cơn ác mộng.
Tôi trợn mắt, ông vừa bị mất trộm hay vừa chia tay với một người thân ? Ông lắc đầu, chưa tệ đến thế, nhưng con muốn điên đầu vì tìm mãi không ra món quà thằng cháu ngoại xin ông già Noël, lục tung hết bao nhiêu tiệm bán đồ chơi mà vẫn chưa mua được món quà theo đơn đặt hàng.
Hú viá, tôi thở phào nhẹ nhỏm, an ủi ông, dù có gặp gì đi nữa, ông chưa bị mất một thứ gì quí giá trước đêm Noël đã là hạnh phúc rồi, sao không tạ ơn Chúa mà lại rên rỉ.
Ông lắc đầu thểu não, đúng là con chưa bị mất mác cái gì, nhưng con sợ làm mất niềm tin với thằng cháu.
Đấy quý vị thấy chưa, tình yêu mãnh liệt có thể đánh gục ông lão hai thứ tóc vượt bao sóng đời, vậy mà ông lại « thất thế » trước một đứa bé. Không biết ông đã vượt cơn ác mộng này chưa, xin Chúa soi sáng để ông tìm một món quà khác có sức hấp dẫn hơn thứ thằng bé yêu cầu.
Thấy ông già siễng niễng vì mối tình ông cháu, chưa đến độ điên cuồng như tình yêu trai gái, chưa thâm sâu như tình nghĩa lứa đôi, nhưng tình nào cũng có thể làm chúng ta đau khổ, rây rứt, hoang mang.
Vậy mà mấy khi chúng ta thấy Chúa chơi vơi, rồ dại vì yêu chúng ta, bởi vì con người đến với Chúa cũng chỉ để vòi quà. Đấy Chúa cũng rơi vào cơn ác mộng như ông ngoại kia, vì chúng ta đòi những thứ mà Chúa không có trong kho, mặt hàng của thế gian trần tục, tiền tài danh vọng, mà Chúa chỉ có loại hàng độc nhất « Tình Yêu ».
Hai bà Jéhovah kia tự nhận là khác phái, nhưng chính tông là con Chúa, vì đạo của Chúa nằm gọn trong chữ « Yêu ».
Nhân gian có câu, khi yêu người ta mù lòa và không biết toan tính, biết ngay mà, yêu là mù quáng, cả tin, rồ dại …những tỉnh từ bi quan nói lên sự thua thiệt của kẻ chịu chơi, dám yêu dám chịu thiệt.
Chúa là thế đó quý vị, đêm nay chúng ta mừng vui đón Chúa, hay mừng vui ăn chơi với gia đình bạn bè, cuộc vui qua đi đâu lại vào đấy, hết lễ hết Chúa, cuộc sống lại quay cuồng với cơm áo gạo tiền. Chúng ta chạy theo cơm áo cũng đúng thôi, vì những thứ đó có rơi từ trên trời xuống đâu, phải bỏ công sức làm lụng mới có của ăn, nhưng cũng đừng vì thế mà quên của ăn thiêng liêng, vì ai trong chúng ta đã mua được linh hồn của mình trước mặt Chúa chưa ?
Câu giải đáp quý vị tùy nghi thích ứng, tôi chỉ muốn nhắn với quý vị, thiên đàng không hẳn ở bên kia thế giới, nó đang ở bên ta nếu mình chấp nhận « thánh giá » trong đời, và cũng đừng nói Chúa gửi thập giá đến cho chúng ta, có oan cho Người không, nếu thánh giá đó, đôi khi do ta tự tạo.
Để kết thúc bài giảng đêm nay, đêm Giáng Sinh, đêm An Bình, xin quý vị mở lòng đón nhận tình yêu Chúa và mang đi san sẻ với mọi người, và hãy tiếp tục chia sẻ đến mùa Noël năm sau.
Hy vọng quý vị sẽ hài lòng về những ý tưởng vụng vặt của tôi, ai còn thắc mắc xin hẹn sau thánh lễ này chúng ta cùng hàn huyên. Hẹn thì cứ hẹn, chứ tôi biết quý vị đang sốt ruột trở về nhà, hâm nóng con gà quay, khui chai rượu, mở gói quà, sum họp gia đình, quý vị cứ thế mà vui mà sống nhe.
Sau thánh lễ tôi sẽ nhập tiệc với các cha và một số bạn trẻ ở lại chung vui với chúng tôi đêm nay.
Linh mục chúng tôi, đêm Giáng Sinh không có cơ hội sum họp với gia đình, không sao vì cuộc đời linh mục theo nguyên tắc là « vô gia đình » nhưng không hề cô đơn, vì gia đình của chúng tôi là giáo hội, giáo dân và lúc nào cũng có Chúa đồng hành.
Giời ạ, những ý tưởng vụng của cha khách làm tôi suy tư miêng mang, bài giảng của ngài là quà tặng đêm nay, sao có thể gọi là « vụng » được, có chăng là chúng ta vụng tính, mờ mắt trước đèn hoa mà quên sự kiện « Chúa đến » đã là quà rồi, chớ có dại dột mà vui theo kiểu ông ngoại kia để phải lở hẹn với ngày vui Chúa xuống trần vì chúng ta.
Có phải tại cụ sân si quá đà mới ra nông nổi, ở tuổi này được sống sum vầy với con cháu là phúc lớn, nhưng lớn hơn nữa nếu cụ biết phần phúc của mình là có Chúa trong ta, những thứ phù vân kia rồi cũng sẽ qua.
Ai biết được cụ cất công tìm món quà cả tháng, thằng bé chơi vài phút rồi vứt vào xó, chi bằng cụ tặng cháu một quyễn sách hoạt hình nói về đêm Noël để thằng bé hiểu ra, đêm nay, mùa này là mùa Yêu Thương và Chia Sẻ, niềm vui sẽ lớn hơn nếu có nhiều người cùng chung vui với mình.
Đang chìm lắng suy tư chuyện đời, dàn nhạc trẻ kéo tôi về với thánh lễ, tiếng kèn đồng, đàn dây, dương cầm …hòa tấu bài « Chú bé đánh trống » khiến thánh lễ rộn hẳn lên.
Lòng tôi cũng rộn lên theo tiếng nhạc, thánh lễ Giáng sinh đầu tiên gia đình ba thế hệ chúng tôi đến nhà Chúa để chiêm nghiệm tình yêu của Chúa đang tràn ngập nhân gian.
Thánh lễ kết thúc với bài « Đêm Thánh Vô Cùng », trước khi ra về người ta kéo đến hang đá cầu nguyện, đám con nít thi nhau sờ mó mấy tượng đất trang hoàng máng cỏ.
Nhà thờ lại rộn lên như hội chợ, con nít tung tăng chạy nhảy, bố mẹ đang tay bắt mặt mừng bạn bè hàng xóm nên có đứa bị lạc đàng khóc như mưa, ông từ nhà thờ phải vào vai vú em, vừa dổ em và dắt em đi tìm mẹ, đêm nay vui thiệt.
Hai bên cửa chính nhà thờ, các cha tiếp khách, giáo dân tha hồ tâm tình, mặc cho người đứng sau lưng mòi mõi chờ đến phiên mình bắt tay cha, thăm hỏi cha.
Tôi cũng không ngoại lệ, muốn gặp cha khách để nói lời cảm ơn, nhưng nhìn hàng người chờ ngài, nhìn thằng cháu nội trong xe đẩy, tôi đành hẹn ngài dịp khác.
Chúng tôi đi bộ về nhà, trời đen mịt không một ánh sao, Noël thường được gọi là « Mùa sao sáng », đêm Giáng Sinh cũng được đặt tên là « Đêm sáng sao », những danh từ hoa mỹ đôi khi không chính xác như bầu trời đêm nay, có sáng chăng là lòng ta có Chúa ngự đến, ngôi sao sáng của riêng ta.
Tạ ơn Chúa đã cho chúng ta sống qua một năm, buồn vui có đủ, nhưng điều dư đầy trong ta không phải là quà bánh lễ hội, mà như cha khách nói, « Tình Yêu » ta nhận từ Chúa và mang đi san sẻ với anh em, món quà Giáng Sinh mà chúa đem cả sinh mạng mình để hiến tặng chúng ta.
Déc. 2013
ĐOÀN THỊ