TIẾNG VÕNG TRONG GIA ĐÌNH
Du Sinh
Em ơi, em ngủ cho say,
Để cho mai ngày em lớn em khôn,
Em có tâm hồn, mến Chúa thương dân, à ơi…
Em ơi, em ngủ cho ngon,
Năm tháng vuông tròn, đào nở Mùa Xuân,
Tuy sống thanh bần, mọi người an khang, à ơi …
Em ơi, Tết của Gia Đình,
Nhưng chỉ một mình, mẹ gói bánh chưng,
Hạt dưa, mứt gừng … chỉ mình mẹ lo, à ơi… (1)
Tôi có chị hai thật ngoan. Chị chuyên giữ em thay cho má trong những tuần Tết Nguyên đán. Vì má tôi phải lo đủ chuyện, sắm sửa, mua bán và nấu nướng nhiều món ngon cho gia đình ăn tết. Cũng vì có nhiều tài gia chánh nên má tôi được bà con lối xóm chiếu cố thật nhiều trong những tuần trước tết.
Vì thích giữ em nhỏ nên chị hai được ưu tiên nằm võng ru em, và cắn hạt dưa. Chị ru em bằng những bài ‘văn hóa bình dân’ mà mẹ tôi đã dạy thuộc lòng cho chị.
Nắng Xuân êm đềm,
Nhà tre, mái lá,
Tiếng võng nhà trên ru trẻ,
Nhẹ nhàng, nhịp điệu đong đưa,
Giữa trưa Xuân về,
Thu hút hồn em… (1)(1)
Nhờ bà ngoại và má dạy cho, chị tôi cũng thuộc nhiều câu hát ru em thật tình nghĩa, đúng điệu chị hai. Chị vừa ru vừa nựng em nhỏ :
Em ơi, chị bảo em này,
Em đừng có quấy, kẻo thày đánh cho…
Em ngủ, em ngáy o,o,
Khi em thức dậy, chị cho em tiền… à ơi
À ơi, em chị ngoan lắm đây mà,
Nó không có quấy như là đứa nao.
Đứa nào, đứa nảo, đứa nao,
Đứa nào hay quấy thì tao đánh đòn.. à ơi. (2)
Vâng, tiếng võng cót két đều đều, đã quen tai người dân Việt qua bao thế hệ, từ Nam chí Bắc, từ giàu tới nghèo, từ thành thị đến thôn quê, từ già tới trẻ. Thật vui, thật đẹp, thật tâm tình…
Ta say sưa,
Nghe tiếng võng đưa,
Ru hồn mơ trong lời thơ dân tộc.
Dân tộc Việt Nam
Lớn trong tiếng võng,
Dân tộc Việt Nam,
Già trong lời ru,
Êm đềm thay tiếng võng đưa,
Nhip thơ dân tộc
Của thời măng sữa xa xôi… (3)
Nhiều lần, chị hai đi học, ba má tôi đi làm ngoài đồng xa, một mình bà ngoại ở nhà. Bà giữ cháu. Vào những trưa hè nắng gắt, bà cũng thường nằm võng, đong đưa ru cháu ngủ với những lời ru vận điệu, dễ hiểu như ca dao tục ngữ bình dân. Em nhỏ của tôi nằm gọn trong vòng tay của bà, ngủ say không cụ cựa.
À ơi, cháu này, cháu ngủ cho lâu,
Mẹ cháu đi cấy đồng sâu chưa về,
Khi về bắt được cá trê,
Chưng khô với khế, cả nhà cháu ăn… à ơi (2)
Nếu em tôi giật mình dậy, khóc oa oa. Bà tôi lại tiếp tuc đưa võng và ru theo điệu kẽo kẹt của võng. Tay bà vỗ nhẹ em tôi, bà ru với giọng buồn buồn ngái ngủ :
À ơi, con cò mày đi ăn đêm,
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao,
Ông ơi, ông vớt tôi nào,
Tôi có lòng nào, ông hãy xào măng,
Có xào thì xào nước trong,
Đừng xào nước đục đau lòng cò con…
à ơi. (2)(2)
Nhưng có lẽ người ngồi võng ru con nhiều nhất trong nhà chính là má tôi. Bà đảm đương mọi việc nội trợ, nhưng bà cưng chiều các con lắm. Bà đúng là mẫu người chỉ biết sống cho chồng và cho con. Càng lớn lên tôi càng cảm thấy tình mẫu tử sâu đậm này. Khác với bà ngoại, má tôi ru con bằng vè, bằng ca dao tục ngữ thì ít, nhưng bằng những bài thánh ca thì nhiều. Tuy ít học, má tôi lại biết ru con bằng những bài Thánh ca của từng mùa phụng vụ, đặc biệt là Mùa Giáng Sinh. Vào dịp Tết Nguyên Đán, má tôi thường nhắc chị tôi phải ru em bằng bài ‘Nâng chén rượu mừng’ hay bài ‘Chúa ôi, nay ngày xuân’. Má tôi ngâm nga theo giọng điệu riêng của má.
À ơi… Ru con, con ngủ cho say,
Để u dệt tấm vải dày, nhuộm nâu.
Cắt quần, cắt áo, u khâu,
Cho thày con mặc cày bừa mùa chiêm…à ơi
Gặp lúc em tôi nổi chứng, đã không ngủ ngoan, lại khóc dai dẳng… Lúc đó, tiếng võng đu đưa của má tôi nghe não nuột làm sao… Không gắt gỏng nhưng giọng má ru con trở nên não nề, chậm rải… không kém những lời ca dao tục ngữ sau đây:
Á ơi… Bước chân vào ngõ tre làng,
Lòng buồn nặng trĩu nghe nàng ru con.
Bước lên thềm đá rêu mòn,
Lòng buồn nặng trĩu nghe buồn võng đưa.
Mái nhà thủng lỗ, mưa rơi,
Vách tường mục nát đến hồi phải thay…
à ơi (2)
‘Nằm võng’, ‘đưa võng’ mỗi ngày một phổ biến. Võng Việt Nam không chỉ có một công dụng là ru con. Các cụ già cũng thích ‘nằm võng ngủ trưa’, khi mệt mỏi ‘cũng ưa ngả lưng nằm võng’. Vì thế nhiều người Việt Nam sống ở hải ngoại về thăm quê Hương cũng cố mua cho được chiếc võng đem về. Nhiều người Âu Mỹ du lịch tham quan Đất Việt cũng tậu một võng sợi, võng vải đem về kỷ niệm hay làm quà… Nhưng đối với gia đình Việt Nam, thú ‘đưa võng ru con’ mới mang nhiều ấn tượng văn hóa.
Đố ai nằm võng không đưa,
Ru con không hát, đò đưa không chèo? (2)
DU SINH
-----------------
(1) Du Sinh
(2) Ca dao tục ngữ
(3) Bàng bá Lân