VĂN HOÁ TẾT GIA ĐÌNH
Lm Mai Đức Vinh
Đối với người Âu Mỹ, tết Dương Lịch là những ngày đoàn tụ gia đình. Đặc biệt từ sau thế chiến thứ hai (1940-1945), làn sóng đô thị hóa mỗi ngày một lên cao, kỹ nghệ phát triển mạnh. Giới trẻ tuốn lên thành phố không nguyên vì công ăn việc làm, nhưng còn bao nhiêu mãnh lực thu hút khác… Do đó có hiện tượng : tại đồng quê hay các làng bản quán, chỉ còn lại các bậc cao niên sống chết với nơi chôn rau cắt rún. Vì thế, mỗi năm chỉ còn hai lần để con cái ở xa về thăm bố mẹ già và đoàn tụ anh chị em, là dịp nghỉ hè và đặc biệt dịp lễ Giáng Sinh và đầu năm mới.
‘Tết Gia Đình’ đối với người Việt Nam hiện nay, ở quốc nội và tại hải ngoại, hoàn cảnh cũng tương tự như người Âu Mỹ.
Tại Việt Nam, thôn Thượng Chiểu (Thanh Hóa), xứ đạo nhỏ bé quê quán của tôi : 3/4 người trẻ đi làm việc ở các tỉnh lớn, đặc biệt ở Sài Gòn. Tại làng, chỉ còn các ông bà cao niên. Mỗi dịp Tết đến, người trẻ nao nức về thăm bố mẹ và đoàn tụ gia đình vào dịp Tết Nguyên Đán. Họ về gia đình để cùng bố mẹ sống lại ‘Văn Hóa Tết Gia Đình’ đã có từ xa xưa.
Ai ơi, sắp Tết Ất Mùi,
Vườn đào đỏ thắm đượm mùi hương trong,
Tôi đây cũng thấy nóng lòng,
Làm việc, nhưng trí vẫn mong về làng.
Làng tôi, tuy nhỏ mà sang,
Đón Xuân ra riết, rộn ràng lắm thay.
Ngay tôi, tính tháng tính ngày,
Gia đình sắm sửa món này món kia…
(Du Sinh)
Đối với người Công Giáo Việt Nam, ‘Văn Hóa Tết Gia Đình’ gồm : - Ngày mồng một Tết, đi nhà thờ cùng cả họ đạo dâng lễ ‘Tết Chúa Ba Ngôi’, sau lễ vào nhà xứ ‘mừng tuổi cha sở và thày xứ hay các nữ tu’. Về nhà, con cháu quây quần ‘chúc tuổi ông bà và cha mẹ hoặc người lớn nhất trong gia tộc’. - Ngày mồng hai Tết, đi dâng lễ ‘cầu bình an cho năm mới’, về nhà đi mừng tuổi cô, bác, thày dạy … - Ngày mồng ba Tết đi dâng lễ ‘cầu nguyện cho các linh hồn quá cố trong gia đình, trong làng xóm hay giữa bạn bè…’. Sau đó tập trung tại nhà cha xứ để biểu diễn các trò chơi hay ‘chơi bài’, ‘thi câu đố’… Ngày nay, nội dung của ba ngày ‘Tết Gia Đình’ có phần thay đổi, như lời thơ diễn tả dưới đây :
Mồng một kính Chúa Ba Ngôi,
Mồng hai tưởng nhớ mọi đời tổ tiên.
Mồng ba dâng Chúa nhân hiền,
Nông, Công, Thương, Học…
Tân niên khởi đầu.
Cầu cho mọi việc trước sau,
‘Vinh danh thiên Chúa’ và ‘giàu thành công’
(Du Sinh)
Thật rõ ràng, đối với người công giáo ‘Tết Gia Đình’ mang nhiều màu sắc căn bản của văn hóa tôn giáo và dân tộc.
1. Thứ nhất, ‘Tết Gia Đình’ là ‘Văn Hóa Niềm Tin’.
Tin rằng Chúa là Đấng đã thiết lập gia đình ngay từ khi dựng nên con người. Tin rằng Chúa thánh hiến tình yêu của cha mẹ và ban cho cha mẹ những ơn cần thiết để tạo dựng một gia đình hạnh phúc, đầy tình thương, vượt mọi gian nguy … trong Giáo Hội và giữa xã hội. Tin rằng gia đình hạnh phúc là gia đình có Chúa hiện diện và chia sẻ trong mọi biến cố vui, buồn. Tin rằng nguồn sống của gia đình là ‘Tình yêu Chúa Ba Ngôi’, gương mẫu của gia đình là ‘Thánh Gia Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh giuse’... Sống trung kiên niềm tin này, gia đình sẽ trở nên giống Thánh Gia Thất:
Vườn cây đức hạnh biết bao nhiêu,
Nhà Chúa nở hoa thật mỹ miều,
Chan đổ ơn lành cho thế giới,
Gia đình nhân loại biết noi theo…
Ôi nhà Chúa rạng ngời,
Hoa đức hạnh nở tươi,
Đây nguồn ơn suối phúc,
Tuôn chảy bốn phương trời…
(Thánh Thi Lễ Thánh Gia)
2. Thứ đến, ‘Tết Gia Đình’ là ‘Văn Hóa Lòng Chung Thủy’:
Vợ chồng và cha mẹ chung thủy với nhau, sống cho nhau, sống nhờ nhau, sống vì nhau. Hay, theo lời dạy của Thánh Phaolô: ‘Vợ chồng, cha mẹ ý thức rằng mình là những người được Chúa tuyển chọn, nên mỗi người hãy mặc lấy tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hòa, nhẫn nại, chấp nhận lẫn nhau và tha thứ cho nhau… Trên hết hãy có đức yêu thương, vì tình yêu là dây ràng buộc mọi điều thiện hảo của đời sống vợ chồng’ (Cl 3,12-13). Từ đó cha mẹ sẽ hết lòng lo giáo dục con cái, hướng dẫn chúng trong đời sống đức tin, trong sứ mệnh làm người và trong việc chọn lựa tương lai (xGS 48-52). Sau đây là những lời tuyệt diệu đọc thấy trong ca dao, tục ngữ :
. Chữ ‘hiếu’, chữ ‘trung’ là thày với mẹ,
Chữ ‘nhân’, chữ ‘nghĩa’ là vợ với chồng
Chữ ‘trung’ thì để phần cha,
Chữ ‘hiếu’ phần mẹ, đôi ta chữ ‘tình’.
Yêu nhau, tóc chẻ làm đôi,
Năm sông cũng lội, ba đèo cũng leo…
Có con chịu khổ vì con…
Dạy con từ thuở còn thơ…
Lời nói bay đi, gương lành lôi cuốn…
3. Thứ ba ‘Tết Gia Đình’ là ‘Văn Hóa Đức Hiếu Thảo’.
Ngày Tết là dịp trọng đại con cái bày tỏ đức hiếu thảo với cha mẹ và tổ tiên một cách mặn mà và công khai. Lúc này, con cái ôn lại với lòng mình công ơn của cha mẹ và bổn phận mình phải báo hiếu. Ôn lại ở trước mặt Chúa, trong lời cầu nguyện và bằng lời chúc tuổi, và cụ thể bằng sự từ xa tìm về với cha mẹ, với anh chị em trong gia đình. Đức hiếu thảo được biểu lộ ra trong ngày Tết qua tâm tình biết ơn, xin lỗi, cầu chúc và đoan hứa dâng lên các bậc sinh thành còn sống hay đã quá khuất. Để biết sống như vậy, người con phải ôn lại lời giáo lý: “Tình phụ tử của thiên Chúa là nguồn mạch tình phụ tử của con người. chính tình phụ tử của Thiên Chúa làm cho cha mẹ được trọng kính. Sự tôn kính của con cái, còn nhỏ hay đã trưởng thành, đối với cha mẹ mình, được nuôi dưỡng bởi sự yêu mến tự nhiên giữa cha mẹ và con cái. Sự tôn kính này còn là một điều răn chúa dạy (GLCG 2214). Tuy không cao siêu, nhiều lời dạy của tổ tiên chúng ta thật ý nghĩa và thi vị:
Công cha nghĩa mẹ cao dày,
Cưu mang trứng nước, những ngày còn thơ.
Nuôi con khó nhọc đến giờ,
Trưởng thành con phải biết thờ hai thân.
Thức khuya dậy sớm chuyên cần,
Quạt nồng ấm lạnh giữ phần đạo con…
Tết Ất Mùi, đoàn con vui sướng,
Chúc mừng Mẹ Cha:
Cả năm mới được an hòa,
Sống lâu trăm tuổi, đầy ơn trên …
(Thanh Tùng)
4. thứ bốn, ‘Tết Gia Đình là ‘Văn Hóa Tình Huynh Đệ’.
Đạo hiếu trong giới răn của Chúa cũng như trong văn hóa Việt Nam không chỉ thu hẹp vào lòng biết ơn của con cái đối với cha mẹ, nhưng còn trải dài xuống anh chị em trong gia đình. Vì không thể hiếu thảo với cha mẹ khi không thương anh chị em. Anh chị em biết thương yêu và đùm bọc lẫn nhau, thì đó là biểu thị lòng hiếu thảo đối với cha mẹ. Tôi nhận ra hai trường hợp điển hình trong Tin Mừng:
: “Thưa Thầy, nếu Thày ở đây thì emBa chị em Matta, Maria và Lazarô, vắn gọn không có nhiều chi tiết nhưng thật thiết nghĩa và thương yêu. Niềm tin gắn bó ba chị em. Chỉ một câu Maria nói với Chúa Giêsu, cũng đủ để chúng ta cảm nghiệm được ‘mối tình chị em một nhà, một lòng đạo’ con đã không chết" (Ga 11,1-44)
* Người cha có hai con trai : Con thứ nhất có hiếu, ở nhà hầu hạ cha, con thứ hai bỏ nhà cha ra đi trác táng. Đến lúc xài phí hết tiền bạc, phải đi làm thuê kiếm sống. Lúc đó mới nghĩ đến tình thương của cha, đến nếp sống sung túc ở gia đình… lúc đó mới hồi tâm, nhất quyết trở về… Thấy con về, người cha sung sướng quên hết lỗi lầm của đứa con… chỉ biết tha thứ và vui mừng, liên hoan… Nghe vậy người con trưởng giận không muốn vào nhà, vì ganh tỵ… Người cha phải ra năn nỉ cắt nghĩa cho con trưởng: ‘Mọi sự của cha là của con, hãy vui lên con, vì em con đã về khỏe mạnh… tưởng nó chết mà nay thấy nó sống’… Vốn hiếu thảo với cha, người con cả đã nghe lời cha, đi vào nhà đón nhận đứa em… (Lc 15,11-32). Tình anh chị em thật gắn bó, đậm đà vì một máu huyết, nhưng nếu có lúc nó rơi xuống vực thẳm thì chính đức hiếu thảo đối với cha mẹ lại nâng nó lên!
‘Tết Gia Đình’ là dịp anh chị em trong một nhà về quây quần bên cha mẹ và gần gũi bên nhau. Tôi nhớ trong gia đình tôi ‘Tết là dịp anh chị em được đánh bài tam cúc tới khuya, vui làm sao!’. Tết là dịp bố mẹ chúc tuổi các con, và nói một lời vừa cầu chúc vừa khuyên răn là: ‘Bố mẹ không mong gì hơn là thấy các con thương yêu nhau’. Quả thật, các ngài đã lặp lại lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Các con hãy thương nhau, như Thày đã thương các con” (Ga 13,34). Cũng vậy, mấy câu ca dao tục ngữ dưới đây rất gần với Thánh kinh:
Anh em như thủ túc,
Chữ ‘nghĩa’ là chữ ‘nhường’
Nhường anh nhường chị
là nhường người trên.
Ghi lòng tạc dạ chớ quên,
Con em phải giữ lấy nền con em.
Phải chăng vì ‘Văn Hóa Tết Gia Đình’ đã đi sâu vào tâm não của người Việt Nam, nên cái đau khổ dày vò nhiều người Việt ở hải ngoại hay ở những nơi xa xôi, hoặc vì những lý do bất khả kháng, đã nhiều năm không thể về dự ‘Tết Gia Đình’. Họ cảm thấy nhớ nhung, xao xuyến và đôi khi mang mặc cảm bất hiếu. Thật đáng thông cảm và chia sẻ. Hãy nghe những lời thơ sau đây:
Con biết bây giờ mẹ chờ tin con,
Khi thấy mai đào rộn ràng bên nương,
Năm trước con hẹn mùa Xuân sẽ về,
Nay én bay đầy trước ngõ,
Mà tin con vẫn xa ngàn xa …
Mẹ ơi, con Xuân này vắng nhà …
(Trịnh Công Ngân)
Xưa từng có xóm có làng,
Bà con cô bác họ hàng gần xa,
Ra đi bốn bể không nhà,
Lấy ngay tiếng nói xem là quê chung…
(Võ Phiến)
Xét như vậy ‘Tết Gia Đình’ mang một tính chất văn hóa vừa xinh đẹp vừa phong phú, đáng chúng ta quan tâm đào sâu. Mong thay.
Lm Mai Đức Vinh