Bài 10 - CHƯƠNG 6 GIAI ĐOẠN XÂY DỰNG CƠ CẤU TỔ CHỨC, 1980-1983
Trần Văn Cảnh
LTS : « LỊCH SỬ BIÊN NIÊN GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS 1787-2013 » là tác phẩm thứ 32 mà Ban Tu Thư Giáo Xứ Việt Nam Paris vừa soạn để mừng 30 năm thành lập Hội Đồng Mục vụ Giáo xứ Việt nam Paris, 1983-2013 và 30 năm phát hành báo « Giáo xứ Việt nam », 1984-2014.
Chúng tôi xin được hân hạnh giới thiệu tác phẩm này với quí độc giả.
Xin Thiên Chúa, Đức Mẹ, Thánh Giuse và các Thánh tiền nhân Tử Đạo Việt Nam chúc lành cho tất cả chúng ta.
Bài 10
CHƯƠNG 6
GIAI ĐOẠN XÂY DỰNG CƠ CẤU TỔ CHỨC, 1980-1983
PHẦN III
THỜI KỲ TRƯỞNG THÀNH, GIÁO XỨ PHÁT TRIỂN MỌI MẶT,
NHIỆM KỲ CỦA ĐỨC ÔNG MAI ĐỨC VINH, 1980- 2013
Biến cố 30.04.1975 đã tạo ra một làn sóng di cư tỵ nạn chưa từng thấy của người Việt Nam đến Pháp.
Đợt 1, từ 1975 đến 1977, có 5.270 người ;
Đợt 2, từ 1978 đến 1980, có 14.146 người ;
Đợt 3, từ 1981 đến 1990, có 23.278 người và đợt 4, từ 1991 đến 1994, có 3.300 người ;
Tổng cộng có 45.990 người đến Pháp xin tỵ nạn cộng sản từ 1975 đến 1994. Số người di cư mới đến này cộng với số người Việt Nam đã đến trước, tính tất cả số người Việt Nam ở Pháp vào năm 1995 khoảng 150.000. (Một vài ước tính khác lại đưa ra con số 200.000, hoặc 250.000).
Riêng ở Vùng Paris, có khoảng 44.769 người Việt Nam, trong đó khoảng từ 17 đến 18.000 sống trong nội thành Paris [1]. Phúc trình mục vụ 2006 của Giáo Xứ Việt Nam Paris ước lượng số người công giáo Việt Nam ở vùng Paris được khoảng từ 13 đến 16.000 người [2]. Số người Đông Dương đến tỵ nạn ở Pháp đã được Hội đồng Giám mục Pháp mở tay tiếp đón.
Ngày 02.06.1976, Ðức Cha André Rousset, Giám Mục Pontoise, Chủ Tịch Ủy Ban Giám Mục Ngoại Kiều, gửi thơ cho các linh mục và tu sĩ nam nữ Việt nam tại Pháp, báo tin thành lập Trung tâm Mục Vụ Việt Nam, yêu cầu Hội Thừa Sai Paris giúp đỡ, và bổ nhiệm cha Etcharren đảm trách. (Xin xem Bài đọc thêm, Tài liệu lịch sử số 5).
Nhiều Giám mục địa phương trên các giáo phận Pháp đã bổ nhiệm tuyên úy Việt Nam. Một quy chế mới đã được thành hình cho Các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp và cho Giáo Xứ Việt Nam Paris.
Trên bình diện quốc gia, lập quy chế Đại Diện Ủy Ban Giám Mục Ngoại Kiều Bên Cạnh Các Tuyên Úy Việt Nam tại Pháp, có trách nhiệm trên các tuyên úy và giáo dân Việt Nam ở Pháp, trực thuộc Ủy Ban Giám Mục Ngoại Kiều trong Hội Đồng Giám Mục Pháp. Ở Vùng Paris, có Cha sở Giáo Xứ Việt Nam Paris, có trách nhiệm trên các giáo dân vùng Paris, trực thuộc Tổng Giám Mục Paris.
Cha Trương Đình Hoè được Đức Cha Sabin Saint Gaudens, Chủ Tịch Ủy Ban Giám Mục Di Dân Pháp gửi thơ ngày 09.06.1977, bổ nhiệm làm Đại Diện Ủy Ban Giám Mục Ngoại Kiều Bên Cạnh Các Tuyên Úy Việt Nam tại Pháp.
Ngày 13.09.1977, Ðức Cha Daniel Pérézil, giám mục phụ tá Paris, gởi cho cha Samuel Trương Ðình Hoè lá thơ bổ nhiệm cha kế vị cha Toán, làm thừa sai với quyền coi sóc các linh hồn người Việt Nam ở Giáo Xứ Việt Nam Paris.
Cha Trương Đình Hoè đã góp phần làm cho các linh mục và tu sĩ làm việc cho giáo xứ đều rõ rệt trực thuộc vào Tổng Giáo Phận Paris hơn, vì tất cả đều được bổ nhiệm rõ rệt qua văn thơ, được trả lương theo quy chế và có bảo hiểm an sinh xã hội. Ngoài ra, giáo xứ còn được Toà Giám Mục trợ cấp quỹ điều hành. Và với một Ban Giám Đốc hùng hậu, ngài đã đưa ra một chương trình hành động có tiên liệu và tổ chức hơn, phân bổ trách nhiệm rõ ràng hơn, theo khả năng hơn, trong một tổ chức tổng quát thống nhất hơn. Ngài đã chỉnh trang lại cơ sở giáo xứ cho ngăn nắp, sạch sẽ và khang trang hơn. Tiếc rằng nhiệm kỳ 2 năm quá ngắn, các kết quả khác chưa kịp đến.
Được bổ nhiệm kế vị cha Hoè, qua văn thơ ngày 11.09.1979 của ĐC Georges Gilson, Giám mục Phụ tá Paris, cha Lương Tấn Hoằng chỉ giữ trách nhiệm Giám Đốc Giáo Xứ chưa được 1 năm, công việc thực hiện rất giới hạn.
Cha Giuse Mai Đức Vinh được bổ nhiệm Giám Đốc Giáo Xứ vào cuối năm 1980, qua sự tuyên bố công khai của Đức cha Daniel PÉZÉRIL, Giám Mục Phụ Tá Paris, trong thánh lễ chủ nhật 16.11.1980, và bằng văn thư chính thức ngày 28.11.1980 của Toà Tổng Giám Mục Paris.
Dự án quan trọng đầu tiên, mà cha Giuse quyết định thực hiện là quy tụ một số giáo dân để làm việc cho giáo xứ, có phương pháp, có mục tiêu chung, có chương trình, có phân chia trách nhiệm và công việc, nghĩa là có tổ chức trong một Hội Đồng Mục Vụ.
Dự án này đã được thực hiện trong 3 năm, 1980-1983, với bốn việc chính yếu :
1- Tìm người và lập danh sách sơ khởi Hội Đồng Mục Vụ trong 2 năm 1980-1981;
2- Tìm những điểm đồng tâm và mục tiêu chung, trong các năm 1980-1982 ;
3- Soạn nội quy sơ thảo cho Hội Đồng Mục Vụ 6 tháng dầu năm 1983; và
4- Bầu Ban Thường Vụ của Hội Đồng Mục Vụ vào ngày 30.10.1983.
Hội Đồng Mục Vụ có văn bản Nội Quy làm chỉ nam, có nhân viên thực hiện tận tâm và đông đủ, từ 30 đến 50 cán bộ, qui tụ từ các địa điểm mục vụ và hội đoàn, ban, nhóm mục vụ, có Ban Giám Đốc chỉ hướng đi, Ban Cố Vấn tư vấn kế hoạch, Ban Thường Vụ điều hành, tổ chức phối hợp và lên chương trình. Các công việc cứ thế nối tiếp nhau được nối dài và mở rộng trong nhiều dự án khác nhau, mà chung kết lại, có thể qui vào 6 dự án chính đã được Đức Ông Giuse Mai Đức Vinh quyết định thực hiện. Sáu dự án cũng là 6 giai đoạn xây dựng và phát triển, do Cha Giám Đốc Giuse Mai Đức Vinh quyết định, được Ban Giám Đốc, Hội Đồng Mục Vụ, Ban Cố Vấn và Cộng Đoàn đồng tâm tư vấn, thiết kế, thực hiện và cải tiến. Giáo xứ phát triển về mọi mặt. Sáu giai đoạn này sẽ được trình bày trong 6 chương sau đây :
Chương 6: Giai đoạn Xây dựng cơ cấu tổ chức, 1980-1983
• 1980: Thành lập Ban Thần Học Giáo Dân để vận động và thành lập các ban đại diện cho các địa điểm và đơn vị mục vụ
• 1981: Thành lập và tổ chức các địa điểm mục vụ
• 1982: Thành lập và tổ chức các Hội đoàn, Ban, Nhóm mục vụ.
• 1983: Thành lập Hội Ðồng Mục Vụ tiên khởi
Chương 7: Giai đoạn Phát triển văn hoá giáo dục, 1984-1989
• 1984: Phát hành Báo Giáo Xứ, bộ mới
• 1985: Tu bổ cơ sở, Lập sổ vàng và kế hoạch vận động xin một nhà nguyện lớn hơn
• 1986: Thành lập Ðoàn Thiếu Nhi Thánh Thể, Phát huy lễ hội văn hoá, khởi xướng bữa tiệc xuân giáo xứ
• 1987: Ðào tạo nhân sự giáo sĩ, đề nghị phong chức phó tế vĩnh viễn cho thầy Girard Xavier thuộc cộng đoàn Sarcelles.
• 1988: Tham dự Lễ phong 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam tại Rôma
• 1989: Lập « Hội yểm trợ ơn gọi tận hiến ».
Chương 8: Giai đoạn Phát triển đời sống thiêng liêng gia đình, 1990-1996
• 1990: Thư Viện Giáo xứ chính thức khai trương.
• 1991: Tăng cường nhân viên giáo sĩ trong Ban Giám Đốc
• 1992: Phát triển ơn gọi tận hiến
• 1993: Khai trương phong trào CURSILLO.
• 1994: Kế hoạch vận động với nhà dòng và Tòa Giám Mục làm lại hai nhà ngoài sân
• 1995: Thành lập Ban Mục Vụ Gia Ðình
• 1996: Khai trương Khánh Nhật Kỷ Niệm Hôn Nhân
Chương 9 : Giai đoạn Phát triển đời sống văn hoá, cơ sở vật chất và liên đới xã hội, 1997-2001:
• 1997: Tu thư tập thể, viết sách chung.
• 1998: Nhận cơ sở mới và dâng thánh lễ đầu tiên tại cơ sở mới ngày 15/08; Chuyển giao cơ sở Boissonade cho cộng đoàn công giáo Triều Tiên ngày 31.08.1998.
• 1999: chuẩn bị thành lập Phong Trào Liên Đới Nghề Nghiệp. Khai trương Lễ Mừng Thọ các bậc cao niên.
• 2000: Thành lập Liên đới nghề nghiệp trong 5 ngành có nhiều người việt nam : Chuyên Gia, Thân Hữu Taxi, Doanh Thương, Dịch Vụ, Xây Dựng.
• 2001: Tu chính Nội Quy Hội Đồng Mục Vụ lần IV.
Chương 10: Giai đoạn Phát triển và tự lập tài chánh, 2002-2007:
• 2002: Mạng lưới đầu tiên của Giáo Xứ chào đời với tên gọi www.giaoxuvnparis.org trong Đại hội liên đới nghề nghiệp lần thứ 3, ngày 01.05.2002
• 2003: Lập nhóm đặc trách «Tiền giúp Giáo Hội», Giáo xứ hoàn toàn tự lập về tài chánh
• 2004: Năm truyền giáo, xuất bản sách “Văn hóa và Đức Tin »
• 2005: Thành lập điạ điểm mục vụ mới ở Antony
• 2006: Năm Liên đới Tin Mừng, xuất bản sách «Văn Hóa Gia Đình »
• 2007: Năm Hồng Ân kỷ niệm 60 năm Giáo Xứ được Giáo Quyền công nhận
Chương 11: Giai đoạn Phát triển hội nhập mục vụ Tổng Giáo Phận Paris, 2008-2013 :
• 2008: Tình Liên Đới Tin Mừng : lập Tuần Lễ các bệnh nhân, Tuần lễ Bác Ái, Tuần lễ Truyền giáo, Hội Tobia
• 2009: Năm của Linh Mục: Chỉnh đốn lại « Nhóm các em giúp lễ » và « Hội Yểm trợ Ơn gọi », Cổ võ Ơn gọi với những « Chứng từ Ơn gọi »
• 2010: Mừng Năm Thánh 2010 với Giáo Hội Mẹ Việt Nam
• 2011: Năm « Gia đình và Tuổi trẻ »
• 2012: Năm Liên đới Niềm Tin
• 2013: Năm Đức Tin và Kim Khánh Lễ Phong 117 Hiển Thánh Tử Đạo Việt Nam; Sevran là địa điểm mục vụ thứ 8 của Giáo Xứ
________________________________________________________________
[1] Lam Thanh Liem et Jean Maïs, LA DIASPORA VIETNAMIENNE EN FRANCE UN CAS PARTICULIER : LA REGION PARISIENNE, dans Bulletin EDA, n° 207, octobre 1995.
[2]Trần Văn Cảnh, Giáo Xứ Việt Nam Paris 63 năm hành trình đức tin, 197-2010, GXVN-P, 2011, tập I, tr. 61-62.
Bài viết khác
BÀI 20 : LỜI PHI LỘ, LỜI CÁM ƠN và MỤC LỤC.
Bài 19 PHỤ LỤC 2 GIỚI THIỆU GIÁO SƯ TRẦN VĂN CẢNH VÀ NHỮNG SINH HOẠT CỦA ÔNG TẠI GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS
Bài 18: PHỤ LỤC 1 ẢNH HƯỞNG SÂU RỘNG CỦA NHỮNG BÀI TƯỜNG THUẬT CỦA GS TRẦN VĂN CẢNH
Bài 17 - LỜI KẾT
Bài 16 - TÓM KẾT THỜI KỲ III, THỜI KỲ TRƯỞNG THÀNH, 1980-2013
Bài 15 - CHƯƠNG 11 - GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN HỘI NHẬP MỤC VỤ TỔNG GIÁO PHẬN PARIS, 2008-2013
Bài 14b - CHƯƠNG 10 - GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN VÀ TỰ LẬP TÀI CHÁNH, 2002-2007
Bài 14 - CHƯƠNG 10 - GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN VÀ TỰ LẬP TÀI CHÁNH, 2002-2007
Bài 13 - CHƯƠNG 9 : GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA, CƠ SỞ VẬT CHẤT VÀ LIÊN ĐỚI XÃ HỘI, 1997-2001
Bài 12 - CHƯƠNG 8 : GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN VĂN HOÁ GIÁO DỤC, 1984-1989
Bài 11 - CHƯƠNG 7 GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN VĂN HOÁ GIÁO DỤC, 1984-1989
Bài 10b - CHƯƠNG 6 GIAI ĐOẠN XÂY DỰNG CƠ CẤU TỔ CHỨC, 1980-1983
Bài 10 - CHƯƠNG 6 GIAI ĐOẠN XÂY DỰNG CƠ CẤU TỔ CHỨC, 1980-1983
Bài 9 - TÓM KẾT THỜI KỲ II, THỜI KỲ THÀNH LẬP VÀ PHÁT TRIỂN, 1947-1980
Bài 8 - Chương 5 : GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN, GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS, 1977-1980
Bài 7 - Chương 4 : GIAI ĐOẠN LỚN LÊN, TỔ CHỨC TRUYỀN GIÁO VIỆT NAM TẠI PHÁP, 1952-1977
Bài 6 - GIAI ĐOẠN THÀNH LẬP LIÊN ĐOÀN CÔNG GIÁO VIỆT NAM TẠI PHÁP, 1947-1952
Bài 5 - TÓM KẾT THỜI KỲ I, THỜI KỲ KHAI PHÁ, 1787-1947
Bài 4 - CHƯƠNG 2 : GIAI ĐOẠN NHỮNG TỔ CHỨC SƠ BỘ, 1942-1947
Bài 3 : CHƯƠNG 1 : GIAI ĐOẠN NHỮNG BƯỚC CHÂN KHAI PHÁ, 1787-1942