Bài 8 - Chương 5 : GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN, GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS, 1977-1980
Trần Văn Cảnh
LTS : « LỊCH SỬ BIÊN NIÊN GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS 1787-2013 » là tác phẩm thứ 32 mà Ban Tu Thư Giáo Xứ Việt Nam Paris vừa soạn để mừng 30 năm thành lập Hội Đồng Mục vụ Giáo xứ Việt nam Paris, 1983-2013 và 30 năm phát hành báo « Giáo xứ Việt nam », 1984-2014.
Chúng tôi xin được hân hạnh giới thiệu tác phẩm này với quí độc giả.
Xin Thiên Chúa, Đức Mẹ, Thánh Giuse và các Thánh tiền nhân Tử Đạo Việt Nam chúc lành cho tất cả chúng ta.
CHƯƠNG 5
GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN : GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS, 1977-1980
“Tổ chức Truyền Giáo Việt Nam tại Pháp” chấm dứt vào năm 1977. Có hai lý do cho sự chấm dứt này. Vì số người Việt Nam tỵ nạn cộng sản, sau biến cố 30.04.1975, càng ngày càng đông tại Pháp. Và vì những áp dụng cụ thể của Tự sắc Mục Vụ Di Dân (Pastoralis Migratorum Cura) do ĐGH Phaolô VI ban hành ngày 15.08.1969. Hội Đồng Giám Mục Pháp, trước tình cảnh bi thảm của người Việt Nam nói chung và của người Việt Nam Công Giáo nói riêng tỵ nạn chính trị tại Pháp, đã đưa ra hai giải pháp vào năm 1977: Ở mức độ quốc gia, thành lập một Trung Tâm Mục Vụ Việt Nam, với vị Đại Diện của Ủy Ban Giám Mục Ngoại Kiều bên cạnh các Tuyên Úy Việt Nam tại Pháp; Ở Vùng Paris, biến “Tổ chức Truyền Giáo Việt Nam tại Pháp” thành “Giáo Xứ Việt Nam Paris”, với một cha sở «có trách nhiệm về Cộng Đoàn các người Việt Nam công giáo. Cộng Đoàn này phải thành một cộng đoàn cầu nguyện và sống đời bí tích thánh, một cộng đoàn biết tương thân tương trợ và có tình bác ái anh em, một cộng đoàn ra sức diễn đạt đức tin công giáo qua truyền thống và văn hóa Việt Nam. Công tác này chỉ thể hiện được bằng một lòng cởi mở với tất cả kiều bào của Cha theo tinh thần Phúc âm ». Qui chế “Giáo Xứ Việt Nam Paris” là qui chế cao nhất mà Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam Paris có thể mong đợi. Nó mở ra nhiều thuận lợi cho việc phát triển. Và thực sự nó đã phát triển trông thấy dưới nhiệm kỳ Giám Đốc của cha Trương Đình Hoè và của cha Lương Tấn Hoằng. Đó là lý do, khiến giai đoạn Giáo Xứ Việt Nam Paris cũng được gọi là giai đoạn phát triển. Đến nhiệm kỳ của cha Mai Đức Vinh, từ 1980, thì sự phát triển thành chói sáng. Đó là lý do khiến nhiệm kỳ của cha Mai Đức Vinh đã được xếp vào một thời kỳ mới. Đó cũng là lý do khiến giai đoạn “Giáo Xứ Việt Nam Paris’’, giai đoạn phát triển, khởi đầu vào năm 1977, năm đầu tiên có qui chế giáo xứ và chấm dứt vào năm đầu nhiệm kỳ của cha Mai Đức Vinh, năm 1980.
Giai đoạn Phát triển, Giáo Xứ Việt Nam Paris (1977-1980) gồm hai nhiệm kỳ của hai cha :
Cha Trương Ðình Hoè, 1977-1979
Cha Lương Tấn Hoằng, 1979-1980
51. Nhiệm kỳ của linh mục Trương Ðình Hoè, 1977-1979
1977 : Tòa Tổng Giám Mục Paris thành lập Giáo Xứ Việt Nam Paris, lãnh thổ hạn hẹp vào 8 giáo phận thuộc Tổng Giáo Phận Paris
1. Ngày 13.09.1977, Ðức Cha Daniel Pérézil, giám mục phụ tá Paris, gởi cho cha Samuel Trương Ðình Hoè lá thơ bổ nhiệm cha làm thừa sai với quyền coi sóc các linh hồn người Việt Nam ở Paris kế vị cha Toán. Cũng trong thơ này, Ðức Cha Pérézil xác định : «Giáo Xứ Việt Nam Paris phải là cộng đoàn cầu nguyện, bí tích, tương trợ huynh đệ, sống đạo theo truyền thống và văn hoá Việt Nam». (Xin xem Bài đọc thêm, Tài liệu lịch sử số 6).
2. Lãnh thổ hoạt động của Giáo Xứ từ nay hạn hẹp vào lãnh thổ của 8 giáo phận thuộc Giáo Tỉnh Paris, trừ những nơi mà Giáo Quyền địa phương đã bổ nhiệm một tuyên úy Việt Nam khác.
3. Cha Trương đình Hoè đã qui tụ được một nhóm linh mục khá hùng hậu cộng tác : cha Hoàng Quang Lượng lo phó giám đốc, cha Ngô Duy Linh lo phụng Vụ, cha Lương Tấn Hoằng và nữ tu Huỳnh Thị Na lo xã hội, cha Mai Ðức Vinh lo giáo lý và Tiếng Việt, cha Ðinh Ðồng Thượng Sách và nữ tu Sophie Nguyễn thị Phú lo giới trẻ.
4. Theo lời yêu cầu của cha Trương Đình Hòe, Cha Mai Đức Vinh đã đưa ra với Ban Giám Đốc một bản văn nêu lên những nét chính yếu về ‘các bộ môn giáo lý, những hình thức tổ chức các lớp giáo lý, việc biên soạn tài liệu, vai trò của các giáo lý viên…’
5. Niên khóa 77-78, nhận thức lối sinh hoạt theo tính cách Đoàn thể Công Giáo tiến hành, dành cho sinh viên không còn thích hợp với thực trạng của giới trẻ «tị nạn» và nhất là thiếu sự gắn bó với tổ chức sinh hoạt cho giới trẻ tại Giáo Xứ. Nhóm sinh viên còn lại đã đồng ý thay đổi danh xưng và phương thức sinh hoạt. Sau khi hợp thỉnh cùng Tuyên Úy Giới Trẻ, Cha Giuse Đinh Đồng Thượng Sách, Đoàn SVCG Việt Nam tại Paris đã chính thức giải thể và trở thành một nhóm trẻ trong GXVN mang tên «Thiện Gẫm». Đây là tên ghép của hai Thánh Tử Đạo Việt Nam, quan thày của nhóm : Thánh Tôma Trần Văn Thiện vị chủng sinh trẻ tử đạo và Thánh Matthêu Lê Văn Gẫm tử đạo.
Sinh hoạt chính thường xuyên của nhóm Thiện Gẫm vẫn là hát lễ cộng đoàn đầu tháng tại Giáo Xứ, sinh hoạt thể thao và tham gia các chương trình chung của giới trẻ tại Giáo Xứ. Sau 3 năm sinh hoạt một số thành viên trong nhóm đã ngưng hoạt động vì lập gia đình, số còn lại đã gia nhập vào các nhóm trẻ khác mới được thành lập tại Giáo Xứ.
6. Năm 1977, Cha Giuse Đinh Đồng Thượng Sách được giao trách vụ làm Tuyên Úy Giới Trẻ (Ban Thanh Thiếu Niên) đầu tiên trong giai đoạn mới, với sự trợ giúp của nữ tu Sophie Nguyễn Thị Phú. Sau thời gian trao đổi và bàn bạc với một số bạn trẻ, Cha Sách đã lập ra các nhóm chuyên mục để dễ dàng đáp ứng được nhu cầu của lớp người thanh niên trẻ vừa sang. Tùy theo khả năng của mỗi người, các bạn trẻ có thể tham gia vào các nhóm: Ca Đoàn Giáo Xứ, Cầu Nguyện, Sống Đạo, Đạo binh Đức Mẹ trẻ, Xã hội, Văn nghệ, Nhạc động, Trang trí, Thư viện, Hành hương, Thể Thao. Mỗi nhóm có một sinh hoạt riêng.
7.30.10.1977 : Phát hành hàng tuần báo « Giáo Xứ Việt Nam – Mission Catholique Vietnamienne », số 1.
8. Ngày 19.11.1977, báo GXVN, số 4 loan thông báo rằng «Ngày 03.12.1977, hồi 16 giờ, tại GXVN, Lm Mai Đức Vinh sẽ thuyết trình về tài «Hội Đồng Mục Vụ theo Công Đồng Vatican 2».
Mục tiêu là: 1-để ý thức hơn về nhiệm vụ sống đạo và truyền đạo; 2-để có sự hợp tác tông đồ chặt chẽ hơn giữa cộng đoàn và các linh mục phục vụ tại giáo xứ; 3- Và để chuẩn bị tích cực cho việc thành lập HỘI ĐỒNG MỤC VỤ của giáo xứ ta».
9. Ngày 16.12.1977, ‘‘Đoàn Thanh Niên Sinh Viên Việt Nam Công Giáo Tại Paris’’, mới được thành lập, cho phát hành số 1 ra mắt tờ ‘Vào Đời’.
1978
1.Thứ tư hàng tuần, từ 11.01.1978, sẽ có Lớp Giáo Lý do cha Mai Đức Vinh đứng đầu, cho các các em từ 5 tuổi trở lên: tại GXVN Paris, từ 10g30 đến 11g30; tại Sarcelles, từ 14g00 đến 15g00. Từ chúa nhật 05.02.1978, lớp giáo lý ở Paris được làm vào chúa nhật, từ 10g đến 11 giờ. Có 3 cấp giáo lý: 1- cho các em khai tâm; 2- cho các em dọn mình rước lễ lần đầu và chịu phép thêm sức; 3- cho các em lớn, học hỏi thêm về Phúc Âm và Phụng Vụ.
2. Tổ chức Giáo Lý cho trẻ em và thanh thiếu niên năm 1978. Tờ báo cáo mục vụ năm 1978 cho biết: Có 8 lớp giáo lý cho các em :
2.1). Hai lớp ở giáo xứ Paris với 21 em do nữ tu Suzanne Xinh và nữ tu Marie Hương dạy.
2.2). Hai lớp tại dịa điểm mục vụ Sarcelles với 24 em, do nữ tu Louise Duran và chị Mỹ Phước dạy.
2.3). Hai lớp tại trại tị nạn Villiers sur Marne với 36 em do hai nữ tu Christiane Hiền và Sophie Phú dạy.
2.4). Một lớp tại trại tị nạn Osoir với 12 em do chị Lucie Quế dạy. 5).Một lớp tại trại tị nạn Bonneville với 16 em do chị Nguyễn Thị Thoa và chị Nguyễn thị Mai dạy.
3.Kể từ 1978, số thanh niên tỵ nạn từ các trại quanh Paris đến Giáo Xứ mỗi ngày thêm đông. Nhóm Xã Hội thành hình từ đây. Khởi đầu chỉ có mấy anh, sau thêm các chị, nhóm hoạt động vui hơn. Công việc của anh chị em trong nhóm là cuối tuần đến các trại phụ cận Paris như Créteil, Trévise, L’Hay les Roses. Tìm gặp người tị nạn thăm hỏi, làm giúp giấy tờ, giới thiệu văn phòng Xã Hội Giáo Xứ làm thủ tục, kiếm việc làm. Chủ nhật đem xe đến đón anh chị em về xem lễ tại Giáo Xứ, hoặc xem lễ giới trẻ rồi ở lại dùng cơm và sinh hoạt… Cũng có thể dẫn họ đi tham quan Paris, giúp họ biên thư liên lạc về Việt Nam… Đêm Giáng Sinh là kỷ niệm đáng vui nhất của những bạn trẻ cũ và mới. Năm 1991 có tới 90 người đến Giáo Xứ dự lễ đêm Giáng Sinh rồi ca hát, ăn uống, rút quà, vui nhộn… Năm ấy, các bạn trẻ Giáo Xứ đã góp quỹ nhóm Xã Hội 3.250ff để mua quà Giáng Sinh….Nhóm Xã Hội chuyên nghề làm ‘bánh cơm tay cầm’ và lo càfê ‘Quán Nhớ’ cho giới trẻ.
4.Ngày 23.02.1978, Lm Giám Đốc Trương Đình Hòe đi Manila tham dự Đại Hội Các Giám Mục vùng Á Châu.
5.Ngày 08.03.1978, Presidium thứ 5 Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam của Legio Mariae GXVN/P ở Paris 14. Linh Giám: cha Michel Toán; Trưởng: anh Paul Diệp; Phó: chị Marie Chapuis; Thư ký: chị Jeanne Ngoạn; Thủ Quỹ: chị Marie Thérèse Boniface. Sau 26 năm sinh hoạt, ngày 15.02.2004, Présidium Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo VN sát nhập vào Presidium Đức Mẹ Chúa Trời.
6.22.04.1978, đêm văn nghệ «Tiếng ru muôn đời».
7.Ngày 25.06.1978, kết thức Năm Giáo Lý 1977-1978 cho 109 em đã theo học. 16 em đã xưng tội rước lễ lần đầu, 32 em lãnh bí tích thêm sức. Ngoài ra còn 12 ông bà anh chị tân tòng đã lãnh nhận bí tích Rửa tội và Thêm sức.
8.01.07.1978, Văn phòng Xã Hội GXVN đã giới thiệu và tổ chức cho 40 em thuộc các gia đình đông con đi hè ở Miền Nam nước Pháp: cha Mai Đức Vinh và sơ Têrêxa Na đã đích thân đưa các em tới trại.
9.10.08.1978 Presidium thứ 6 Đức Bà an ủi kẻ âu lo của Legio Mariae đã được thành lập tại GXVN/P, do Presidium Đức Mẹ Việt Nam đông quá tách ra.
10.Từ 12.08 đến 16.08.1978, 105 người ở Giáo xứ đã tham dự HÀNH HƯƠNG LỘ ĐỨC, theo chương trình Hành Hương Toàn Quốc lần thứ 105.
11.Những ngày 28, 29, 30-11-1978, cuộc họp mặt đầu tiên của các Tuyên úy Việt Nam tại Pháp được tổ chức tại Orsay, ngoại ô Paris. Ngoài các Linh mục và nữ tu tuyên úy còn có sự hiện diện của Đức Cha Saint Gaudens, chủ tịch Ủy Ban Giám Mục Ngoại Kiều Vụ và Cha Etcharren. Đề tài được trao đổi trong kỳ họp này là : Hiện tình mục vụ Việt kiều tại Pháp - Vị trí mục vụ Việt kiều trong Giáo hội Pháp. Sau phiên họp, các tuyên úy còn thảo một bức thư chung gởi cho các anh chị em giáo dân toàn quốc, gửi lời chào mừng đến các cộng đoàn, lời cầu nguyện đặc biệt là nhớ đến đồng bào trên đường tỵ nạn, giữa biển cả. Về tương lai, cha Trương Đình Hoè mong mỏi sẽ tiến đến HỘI ĐỒNG MỤC VỤ XỨ, miền và HỘI ĐỒNG MỤC VỤ TOÀN QUỐC (Hiện diện, số 14, tháng 01.1979, tr. 1-3).
1979
1.Ban Giám Đốc GXVN niên khóa 1978-1979 như sau: Cha Samuel Trương đình Hoè giám đốc, cha Benoît Hoàng Quang Lượng phụ tá giám đốc và phụ trách Huynh Trưởng và Phụ Nữ, cha Denis Lương Tấn Hoằng phụ trách Xã Hội kiêm Ngoại vụ, cha Joseph Mai Ðức Vinh lo phụ trách giáo lý và Tiếng Việt, cha Joseph Ðinh Ðồng Thượng Sách phụ trách Thanh Thiếu Niên kiêm Phụng vụ, nữ tu Têrêxa Huỳnh Thị Na lo xã hội, và nữ tu Sophie Nguyễn thị Phú lo Thanh thiếu niên và phụng vụ.
2.vào các ngày 28-30.04.1979, Cha Vinh và hai nữ tu Têrêsa Nguyễn Thị Tuất và Fêlicita Phúc đã đi tham dự Đại Hội Giáo Lý toàn nuớc Pháp.
3.Cha Giám Ðốc Trương Ðình Hoè đã làm được hai việc quan trọng sau đây : chỉnh trang lại cơ sở giáo xứ cho ngăn nắp, sạch sẽ và khang trang hơn và nhất là đã vận động với Toà Tổng Giám Mục để những linh mục hay tu sĩ làm việc cho Giáo Xứ đều được bổ nhiệm trên giấy tờ, được trả lương và có bảo hiểm xã hội.
52. Nhiệm kỳ của linh mục Lương Tấn Hoằng, 1979-1980
1979
1) Cha Trương đình Hoè từ chức vì dòng Phanxicô cần đến ngài để lo các công tác văn hoá và huấn luyện của dòng.
2) Ngày 11.09.1979, Cha Lương Tấn Hoằng được ĐC Georges Gilson, Giám mục Phụ tá Paris bổ nhiệm làm Giám Đốc GXVN Paris (Xin xem Bài đọc thêm, Tài liệu lịch sử số 8).
3) Ngày 29.10.1979, ĐHY Trịnh Như Khuê đến thăm và dâng lễ tại GXVN Paris, 15, Boissonade, 75014-Paris. Ngài chia sẻ Lời Chúa với Cộng Đoàn rằng: «Thiên Chúa là tình thương. Chúng ta hãy hòa thuận thương yêu nhau, không làm phiền cho ai. Chúng ta hãy cố gắng sống như vậy. Nếu sau này thiên hạ nói về chúng ta rằng : Người Việt Nam không nói dối, không biết ăn cắp, không cãi cọ nhau, .. thì thật là danh thơm đáng quý. Tôi cầu chúc các cha và anh chị em được như vậy».
4) Ngày 02.12.1979, báo Giáo Xứ Việt Nam, số 86 loan báo : «Lớp tiếng Việt : Tại Giáo Xứ, mỗi sáng chủ nhật từ 9 giờ đến 10 giờ có lớp vỡ lòng và trau dồi tiếng Việt cho các em muốn học đọc và học viết tiếng Việt».
5) Lớp Giáo Lý cho các em do cha Mai Đức Vinh khởi xướng và điều hành. Báo cáo mục vụ 1979 cho biết: tại Paris phải mở thêm lớp giáo lý cho các em, vào mỗi chủ nhật lúc 10g.
6) Tổng kết hoạt động xã hội 1979 của GXVN rất sầm uất với người tỵ nạn Á châu: Tiếp đón tại phòng xã hội: 10-30 người mỗi ngày; Tiếp tế nhu yếu quần áo: 1210 người; Xin việc làm nơi các hãng sở: được 1532 việc; cho việc làm: 1105 người; Lễ Noël: 800 người; Đi trại hè: 150 người; Đỡ đầu: 50 người, Nhóm xã hội tham gia: 8 nhóm.
1980
1) Năm 1980 Nhóm Sống Đạo ra đời với chủ đích tạo dựng nên một khuôn khổ tại giáo xứ để các bạn trẻ có thể tìm đến, trước hết là học hỏi, đào sâu đức tin công giáo, cầu nguyện và sau được gặp gỡ các bạn Việt Nam để chia sẻ kinh nghiệm sống và nâng đỡ nhau trong mọi môi trường làm việc cũng như trong gia đình, xã hội. Tuy nhóm không có cha linh hướng nhất định, nhưng mỗi buổi họp đều được hướng dẫn bởi một linh mục hoặc một nữ tu do nhóm mời… Thường mỗi năm xoay quanh đề tài do chính Giáo phận hay Tòa Thánh nêu lên làm ‘hướng đi của mục vụ… Không kể buổi họp hai tháng một lần, nhóm cũng có một ngày xuất du và cấm phòng mỗi năm…»
2) Chủ nhật 27.01.1980 khai giảng lớp Giáo lý cho người lớn, gồm Lớp Thánh Kinh do cha Hoàng Quang Lượng và Lớp Sống Đạo và Truyền Đạo do cha Lương Tấn Hoằng.
3) Ngày 25.05.1980, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Đức cha Daniel PÉZERIL, phụ tá Paris, đến Giáo Xứ ban phép thêm sức cho 34 anh chị em trưởng thành.
4) Ngày 01.06.1980, hai chuyến xe car khởi hành từ giáo xứ đi phi trường Le Bourget để nghênh đón Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Nhiều Thanh niên Giáo Xứ tham dự buổi canh thức cầu nguyện với ĐTC tại Parc des Princes, từ 20g 30 cùng ngày. ĐTC đến thăm Paris từ thứ sáu 30.05 đến 02.06.1980.
5) 15 người Việt Nam xin học Lớp Pháp Văn, lần đầu tiên được mở do cha Sách và Sơ Phú.
6) Thứ sáu, 17.10.1980, Lm Giám Đốc Giáo Xứ, Cha Lương Tấn Hoằng đã lên đường đi mục vụ ở Ý Đại Lợi. Ngài cư ngụ tại Nhà Quản Lý Việt Nam ở Rôma.
7) Chủ Nhật 02.11.1980 Thông báo của tờ GXVN, số122: Vì lý do sức khỏe, từ tháng bảy, cha Denis Lương Tấn Hoằng đã đệ đơn xin từ chức Giám Ðốc Giáo Xứ. Nay Ðức Giám Mục chấp nhận đơn của Cha và đồng thời bổ nhiệm cha Giuse Mai Ðức Vinh thay thế. Vậy hôm nay, chủ nhật 02.11.1980, cha Bernard LE FRANC, thay mặt Ðức Cha Daniel Pérézil, đến đồng tế và chính thức công bố sự thay đổi này.
Bài viết khác
BÀI 20 : LỜI PHI LỘ, LỜI CÁM ƠN và MỤC LỤC.
Bài 19 PHỤ LỤC 2 GIỚI THIỆU GIÁO SƯ TRẦN VĂN CẢNH VÀ NHỮNG SINH HOẠT CỦA ÔNG TẠI GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS
Bài 18: PHỤ LỤC 1 ẢNH HƯỞNG SÂU RỘNG CỦA NHỮNG BÀI TƯỜNG THUẬT CỦA GS TRẦN VĂN CẢNH
Bài 17 - LỜI KẾT
Bài 16 - TÓM KẾT THỜI KỲ III, THỜI KỲ TRƯỞNG THÀNH, 1980-2013
Bài 15 - CHƯƠNG 11 - GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN HỘI NHẬP MỤC VỤ TỔNG GIÁO PHẬN PARIS, 2008-2013
Bài 14b - CHƯƠNG 10 - GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN VÀ TỰ LẬP TÀI CHÁNH, 2002-2007
Bài 14 - CHƯƠNG 10 - GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN VÀ TỰ LẬP TÀI CHÁNH, 2002-2007
Bài 13 - CHƯƠNG 9 : GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA, CƠ SỞ VẬT CHẤT VÀ LIÊN ĐỚI XÃ HỘI, 1997-2001
Bài 12 - CHƯƠNG 8 : GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN VĂN HOÁ GIÁO DỤC, 1984-1989
Bài 11 - CHƯƠNG 7 GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN VĂN HOÁ GIÁO DỤC, 1984-1989
Bài 10b - CHƯƠNG 6 GIAI ĐOẠN XÂY DỰNG CƠ CẤU TỔ CHỨC, 1980-1983
Bài 10 - CHƯƠNG 6 GIAI ĐOẠN XÂY DỰNG CƠ CẤU TỔ CHỨC, 1980-1983
Bài 9 - TÓM KẾT THỜI KỲ II, THỜI KỲ THÀNH LẬP VÀ PHÁT TRIỂN, 1947-1980
Bài 8 - Chương 5 : GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN, GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS, 1977-1980
Bài 7 - Chương 4 : GIAI ĐOẠN LỚN LÊN, TỔ CHỨC TRUYỀN GIÁO VIỆT NAM TẠI PHÁP, 1952-1977
Bài 6 - GIAI ĐOẠN THÀNH LẬP LIÊN ĐOÀN CÔNG GIÁO VIỆT NAM TẠI PHÁP, 1947-1952
Bài 5 - TÓM KẾT THỜI KỲ I, THỜI KỲ KHAI PHÁ, 1787-1947
Bài 4 - CHƯƠNG 2 : GIAI ĐOẠN NHỮNG TỔ CHỨC SƠ BỘ, 1942-1947
Bài 3 : CHƯƠNG 1 : GIAI ĐOẠN NHỮNG BƯỚC CHÂN KHAI PHÁ, 1787-1942