Bài 7 - Chương 4 : GIAI ĐOẠN LỚN LÊN, TỔ CHỨC TRUYỀN GIÁO VIỆT NAM TẠI PHÁP, 1952-1977
Trần Văn Cảnh
LTS : « LỊCH SỬ BIÊN NIÊN GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS 1787-2013 » là tác phẩm thứ 32 mà Ban Tu Thư Giáo Xứ Việt Nam Paris vừa soạn để mừng 30 năm thành lập Hội Đồng Mục vụ Giáo xứ Việt nam Paris, 1983-2013 và 30 năm phát hành báo « Giáo xứ Việt nam », 1984-2014.
Chúng tôi xin được hân hạnh giới thiệu tác phẩm này với quí độc giả.
Xin Thiên Chúa, Đức Mẹ, Thánh Giuse và các Thánh tiền nhân Tử Đạo Việt Nam chúc lành cho tất cả chúng ta.
Bài 7
Chương 4 : GIAI ĐOẠN LỚN LÊN, TỔ CHỨC TRUYỀN GIÁO VIỆT NAM TẠI PHÁP, 1952-1977
Bài 7
CHƯƠNG 4
GIAI ĐOẠN LỚN LÊN, TỔ CHỨC TRUYỀN GIÁO VIỆT NAM TẠI PHÁP, 1952-1977
Ngày 20.06.1949 cha Trần Văn Hiến Minh, Tuyên Úy của Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp đã đệ lên Hàng Giám Mục Pháp đề nghị «Khẩn thiết xin lập Sở Truyền Giáo Việt Nam tại Pháp». Đề nghị này rơi đúng lúc, vì ba năm sau, ngày 01.08.1952, ĐGH Piô XII ban hành tông huấn Gia Đình Xa Cách (Exsul Familia), «nhắc nhở các Hội Đồng Giám Mục khẩn thiết quan tâm mục vụ đối với làn sóng di dân tị nạn, cần đề ra những hướng đi mục vụ dành riêng cho các thế hệ người ngoại quốc từ giã quê cha đất tổ đến lánh nạn và sinh sống trên miền đất định cư mới». Theo tinh thần tông huấn này, các Giám Mục Pháp đã đáp ứng lời đề nghị khẩn thiết của cha Trần Văn Hiến Minh và muốn nâng "Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp" lên thành "Tổ Chức Truyền Giáo Việt Nam tại Pháp" từ năm 1952. Đồng thời bổ nhiệm linh mục Việt Nam với năng quyền Cha Xứ: «Cura Animarum», mang danh hiệu "Thừa Sai". Sự lớn lên đã thấy rõ qua qui chế mới. Bởi vậy, giai đoạn «Tổ chức Truyền giáo Việt nam tại Pháp» đồng nghĩa với giai đoạn lớn lên của Giáo Xứ Việt Nam, kéo dài từ 1952 đến 1977 và gồm ba nhiệm kỳ của ba cha :
Cha Nguyễn Bình An, 1952-1955
Cha Trần Thanh Giản, 1955-1971
Cha Nguyễn Quang Toán, 1971-1977
41. Nhiệm kỳ của Linh mục Nguyễn Bình An, 1952-1955
1952
1) Trong thư ngày 19.02.1952, gởi cho Ðức Khâm Sứ Toà Thánh Ðông Dương tại Hà nội, Ðức Ông Rupp, cha chính Tổng Giáo Phận Paris, đã mong muốn có một linh mục Việt Nam được các Giám Mục Việt Nam bổ nhiệm để chuyên lo việc thiêng liêng cho người Việt Nam tại Paris.
2) Ngày 29/05/1952 Đức Khâm Sứ Dooley biên thơ cho cha Giản biết rằng Các Giám Mục Việt Nam đã đồng ý góp tiền giúp LĐCGVN-P. Nhưng Ngài tỏ vẻ thất vọng về nhiều bài trong báo LIÊN ĐOÀN không đúng với đường lối của Giáo Hội.
3) Với Thư đề ngày 25.10.1952, Ðức Khâm sứ Toà Thánh John Dooley tại Ðông Dương trả lời cho Đức Ông Rupp hay rằng Ngài đã gặp Các Giám Mục Việt Nam và xin giới thiệu với Ðức Tổng Giám Mục Paris và xin Ngài bổ nhiệm cha Pacifique Nguyễn Bình An. Cũng trong thơ này, Đức Khâm Sứ cho biết rằng theo ngài thì bổn phận của cha An sẽ gồm 5 điểm như sau: 1- Hoàn toàn và chỉ lo mục vụ, trước tiên là đối với đồng bào công giáo, nhưng cũng lo truyền giáo cho đồng bào bên lương; 2- Để tâm đặc biệt đến mọi tín hữu tại Paris; 3- Chăm lo đến mọi tổ chức công giáo tại Pháp; 4- Cũng lưu ý theo dõi các báo chí bằng tiếng Việt phát hành tại Paris; 5- Phải trực thuộc Đức Tổng Giám Mục Paris.
4) Ngày 04.11.1952, Đức Khâm Sứ John Dooley gửi thơ cho cha Giản, xác định rõ trách nhiệm của cha An, không chỉ là Tuyên Úy cho LĐCGVN, mà còn là «Cha Sở», trực thuộc thẩm quyền Tổng Giám Mục Paris, có trách nhiệm mục vụ với giáo hữu Việt Nam Paris, theo tông huấn Exsul Familia.
5) Ngày 24.11.1952, Ðức Ông Rupp, cha chính Ðịa Phận Paris và thư ký của Ủy Ban Giám Mục Ngoại Kiều Vụ đã trả lời cho Ðức Khâm Sứ «Trong buổi hội tháng 10 vừa qua, các Hồng Y và Tổng Giám Mục đã đồng ý ‘ký thác cho cha Pacifique An Sở Tuyên Úy người Công Giáo Việt Nam trên toàn lãnh thổ Pháp. Ðể chứng tỏ rằng Cha An không chỉ là tuyên úy của Liên Ðoàn mà thôi, nhưng còn là « Giám Ðốc Tổ Chức Truyền Giáo », thì từ nay thánh lễ tiếng Việt mỗi tháng sẽ không cử hành ở trụ sở Liên Ðoàn nữa, nhưng là ở trong một nhà thờ, nhà thờ Notre Dame de Liban».
6) Ngày chúa nhật 14/12/1952, cha Nguyễn Bình An đã dâng thánh lễ tại nhà thờ Đức Bà Liban, trong dịp khánh thành «Tổ Chức Truyền Giáo Việt Nam tại Pháp». Đức Ông Rupp, Giám Đốc trách nhiệm giáo hữu ngoại bang ; Đức Ông Testa, Cố vấn Tòa Khâm Sứ Tòa Thánh tại Pháp; Đức Ông Bertin, Giám đốc Hội Truyền Bá Đức Tin chủ tọa. Hàng giáo sĩ và các anh em giáo hữu Viêt kiều, cùng các bạn hữu ngoại quốc đã tới dự lễ đông đúc. Sau lễ, có buổi hội họp thân mật (Nhận Định, số 01, ngày 01.02.1953, tr. 6).
7) Ðược bổ nhiệm chính thức, cha An được sự cộng tác và sự giúp đỡ của một số linh mục, trong đó có cha Trần Thanh Giản.
8) Ban Trị Sự Trung Ương LĐCGVN-P Nhiệm kỳ III, 1952-1953 gồm 6 vị :
Chánh Hội Trưởng Trần Ngọc Oành
Phó Hội Trưởng Nguyễn Tín
Tổng Thư Ký Nguyễn Văn Đạt
Phó Thư Ký Nguyễn Thị Mỹ
Phó Thư Ký Nguyễn Xuân Thiên
Thủ Quỹ Nguyễn Văn Khoa
1953
1) Cha Gustave Boulet, đại diện Cha Bề Trên Tỉnh dòng Phanxicô biên thơ ngày 01/01/1953 cho Đức Ông Rupp biết rằng bề trên dòng đã bằng lòng cho cha An được bổ nhiệm làm tuyên úy của Tổ Chức Truyền Giáo Việt Nam tại Pháp, theo quy định của Tông Hiến «Exsul Familia» (Gia đình xa cách).
2) Ngày 01/02/1953, phát hành tờ báo «NHẬN ĐỊNH» thay thế tờ LIÊN ĐOÀN đã bị đình bản. In khổ A4, hàng tuần, nội dung Nhận Định xoay quanh 3 phần 1- Lời cha tuyên úy, cắt nghĩa Phúc Âm; 2- Sinh hoạt nội bộ; 3- Tin tức Việt Nam và thế giới.
3) Ngày 07/02/1953, Đức Khâm Sứ Dooley biên thơ cho cha Giản, khuyên ngài hy sinh nhận lời mời của cha An, lãnh trách nhiệm tuyên úy cho sinh viên.
4) Ngày 10/04/1953, Đức Khâm Sứ Dooley lại biên thơ cho cha Giản, cám ơn cha đã bằng lòng nhận làm tuyên úy sinh viên.
5) Trại hè của Việt Kiều, từ 20 tháng 7 đến 04 tháng 8 năm 1953, tại Loppem, gần Bruges (thành phố tục gọi là Venise ở phương bắc), Bỉ. Trại hè này tổ chức cho anh em việt kiều, không phân biệt giai cấp, tôn giáo. Ngoài những buổi hội họp, gặp gỡ có tính cách văn hoá hay xã hội, do những nhà chuyên môn điều khiển, sẽ có nhiều cuộc du ngoạn nơi các vùng thắng cảnh ở Bỉ, như Bruges, Gand, Anvers, Namur, Louvain và ở Hoà Lan, như Rotterdam, La Haye . Nhiều trại hè khác cũng đã được tổ chức : tại Áo, từ 15 đến 30 tháng bảy 1954;
1954
1) Ngày 27.03.1954, thuyết trình hội thảo về «Đời sống thôn quê Việt Nam với vấn đề điền địa» do anh Ngô Đình Luyện trình bày.
2) Ngày 03.04.1954, thuyết trình hội thảo về «Sứ mệnh người thanh niên trong xã hội Việt Nam» do anh Nguyễn Văn Ái trình bày.
3) Ngày 10.04.1954, thuyết trình hội thảo về «Tai nạn các chứng bệnh nguy hiểm cho dân tộc Việt Nam» do anh Bửu Hội trình bày.
4) Ngày 30.04.1954, thuyết trình hội thảo về «Đời sống tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam» do anh Trương Công Cừu trình bày.
5) Ngày 29.05.1954, thuyết trình hội thảo về «Thi ca dân tộc» do anh Lê Doãn Kim trình bày.
6) Sau hiệp định Genève, gần 1 triệu người Bắc di cư vào Nam. Một số gia đình Việt Nam đi thẳng qua Pháp, tìm cơ hội cho con cái đi du học ở Âu Châu.
7) Ngày 08.08.54, ở Trụ Sở Liên Đoàn, mở lại quán cơm xã hội và đặt lại bàn pingpông.
1955
1) Cha An được bề trên dòng gọi về Việt Nam. Từ ngày 9-1-1955, cha trở thành vị Tỉnh ủy người Việt Nam đầu tiên, lúc mới 34 tuổi.
42. Nhiệm kỳ của linh mục Trần Thanh Giản, 1955-1971
1955
1) Cha Giản được tuyên bố thay thế cha An, hồi hương. Tiếc rằng trên văn khố Tòa Tổng Giám Mục Paris, không tìm thấy một văn bản chính thức nào về việc bổ nhiệm cha Giản. Chính cha Giản cũng khẳng định rằng: «Ngài không có một tờ bổ nhiệm chính thức nào. Lý do vì Đức cha Urutia, giám mục địa phận Huế bấy giờ không bằng lòng. Tuy nhiên việc bổ nhiệm cha có phổ biến trên tờ « Semaine religieuse của Paris». Và Đức cha Rupp, lúc đó là Giám mục phụ tá Paris, đã tuyên bố công khai trong một bữa cơm» !
2) Sự nghiệp đầu tiên của cha Giám Đốc Trần Thanh Giản là cải tổ Liên Đoàn dựa trên ‘nền tảng pháp lý của Công Giáo Tiến Hành’. Bản nội quy mới được Đại Hội biểu quyết chúa nhật 08. 04. 1955 có ghi: Liên Đoàn lo huấn luyện đoàn viên về mọi phương diện: tôn giáo, văn hóa công dân, xã hội. Và Ban Trung ương gồm ba tiểu ban: Ban Tổ Chức, ban Xã Hội và ban Truyền Giáo. Kể từ đây trụ sở của Tổ Chức Truyền Giáo đương nhiên cũng là ‘trung tâm sinh hoạt xã hội: thăm viếng các gia đình, giúp đỡ các sinh viên…’.
3) Hai sinh hoạt xã hội nổi bật của nhiệm kỳ cha Trần Thanh Giản là tổ chức Quán Cơm Xã Hội dành cho sinh viên và thợ thuyền (1964-1971) và hàng năm (1955-1964) tổ chức các Trại Hè dành cho sinh viên và linh mục tu sĩ, đông nhất là hè năm 1962 với 120 người tham dự.
4) Cộng tác với cha Giản, có một số linh mục cho phát hành tờ báo HỪNG ĐÔNG, từ năm 1955, do Thanh Hải làm chủ nhiệm và chủ bút, với sự cộng tác của Lý Thái An, Phạm Phúc Điền, Trịnh Viết Hiền, Thanh Lãng, Ngô Tấn Luật, Thanh Sơn, và Nguyễn Định Tường. Cha Thanh Hải hồi hương năm 1957, và tờ Hừng Đông vẫn tiếp tục đến năm 1964.
1956
1) Từ 28/03 đến 01/04/1956: Tĩnh tâm cho Anh Chị Em Công Giáo Việt Nam tại Villa Manrèse, Clamart, Pháp. Ở đây, anh chị em đã dành hai ngày 30 và 31/03/1951, để bàn về sinh hoạt của cộng đoàn. Tất cả đều đồng ý cải tổ Liên Đoàn Công Giáo cho hợp với thời thế và danh xưng mới là «Tổ chức Truyền Giáo Việt Nam tại Pháp». Liên đoàn Công Giáo hoàn toàn ở trong khuôn khổ «Truyền Giáo Mission Catholique» và phải có một quy chế hoàn toàn dựa trên nền tảng giáo luật của Công Giáo Tiến Hành. Vì vậy, bản Điều Lệ do Đại Hội Toulouse quyết định năm 1946 không còn thích ứng nữa, phải thay thế bằng một Bản Điều Lệ Mới.
2) Chủ nhật 08/04/1956: Toàn thể anh chị em kiều bào Công Giáo đã họp Đại Hội Bất Thường tại Paris, trụ sở của Liên Đoàn, số 36bis, Bd Raspail, 75007-Paris, để thảo luận về Bản Điều Lệ do Ban Chấp Hành Lâm Thời dự thảo. Bản Điều Lệ mới này đã được chấp thuận với những điều chính yếu như sau:
a) Liên Đoàn Công Giáo là một hội đoàn Công Giáo Tiến Hành, thuần túy công giáo, đứng trên và ngoài các đảng phái chính trị, kết nạp tất cả những người công giáo cũng như không công giáo, nhưng có thiện cảm với công giáo và thành tâm xây dựng Liên Đoàn.
b) Công việc của Liên Đoàn nhằm vào những việc sau đây: a- Giúp nhau làm tròn nhiệm vụ người công giáo; b- Cộng tác với nhau để làm nhiệm vụ tông đồ; c- Huấn luyen đoàn viên về mọi phương diện.
c) Các Hội viên đóng nguyệt liễm 100FF.
d) Ban Trung Ương lâm thời giữ nguyên vị cho tới tháng 06/1956, sẽ có cuộc bầu cử. Giúp đỡ Ban Trung Ương có ba ban khác: Ban Tổ Chức, Ban Xã Hội và Ban Truyền Giáo.
3) Ngoài việc tu chính Bản Ðiều Lệ Liên Ðoàn Công Giáo, cha Giản còn qui tụ được một số linh mục cộng tác tại Paris: cha Nguyễn Ngọc Lưu, cha Nguyễn Ðịnh Tường, Cha Nguyễn Văn Long, Cha Nguyễn Quang Toán, Cha Nguyễn Tiến Huynh, Cha Phan Ðình Thành.
4) Ở các tỉnh có sự cộng tác của các cha Nguyễn Quang Cảnh ở Marseille, cha Phạm Phúc Khánh ở Nice, cha André Courtois (Lịch) ở Toulon.
5) Mùa đông 1956, một trại khác tiếp cư người Pháp từ Đông Dương được mở tại Sainte-Livrade, tiếp nhận 1.156 người, đa số gốc Việt Nam các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn. Cha Jean-Marie Viry, MEP, trước làm tuyên úy quân đội Pháp ở Việt Nam, đến làm tuyên úy giúp những người công giáo ở Sainte-Livrade và Bias kế bên.
1957
1) Phải trả nhà ở 36bis, Bd Raspail, Tổ chức Truyền Giáo VN tại Pháp đã được Đức cha Rupp giúp đỡ rất nhiều. Trước tiên ở quận 5. Sau đó về quận 14, ở Ave de l’Observatoire, của dòng Visitandines.
1962
1) Năm 1962 nhà dòng Visitandines đòi lại nhà ở Ave de l’Observatoire.
2) Một bản điều tra thực hiện năm 1962 còn được lưu trữ trong Văn khố Tổng Giáo Phận Paris ghi nhận 3 Tổ chức Truyền Giáo VN tại Pháp, được thiết lập như một giáo xứ theo giáo luật 216, 4 :
a) Paris, Địa chỉ : 32, Ave de l’Observatoire, 75014 với 3 cha Trần Thanh Giản, Nguyễn Văn Long và Nguyễn Tiến Huynh ; cả ba cha đều có phép của Bộ Giám Mục theo tông huấn Exsul Familia.
b) Seine et Oise, Địa chỉ: 2, Ave Ed Branly, Lochères và 15 rue de la République, Ermont, với cha Nguyễn Mạnh Tân, dòng Phanxicô, có phép của Bộ Giám Mục theo tông huấn Exsul Familia, và một nữ tu Phanxicô phụ tá. Có 101 gia đình ở Sarcelles Lochères, 56 gia đình ở Ermont ; Đa số là những gia đình Việt-Pháp, hoặc có quốc tịch Pháp, hồi hương năm 1954.
c) Sud Est de la France, địa chỉ: Vin sur Caramy, (nhà ở của thừa sai) với cha André Courtois (Bùi Xuân Lịch), được bổ nhiệm như là 1 linh mục thừa sai theo tông huấn Exsul Familia và một nữ tu Bác Ái phụ tá ở Marseille. Tại Marseille, Cannes, Nice, có các linh mục cựu Thừa sai Paris, từ VN về, hay các cha Việt Nam qua đường giúp đỡ tự nguyện. Số người Việt tại Aix có 80 gia đình, Marseille chừng 2000 gia đình, Nice 240 gia đình, Toulon 340 gia đình.
3) Từ 1962, Làng Việt Nam ở Noyant, tỉnh Allier, có cha Paul Nguyễn Văn Long về làm tuyên úy. Đây là một khu nhà thợ mỏ do người Balan xử dụng từ năm 1921, sau đó bị bỏ hoang, rồi được dùng để đón tiếp những gia đình Pháp Việt hồi hương từ Việt Nam sau Hiệp Định Genève. Chuyến đầu tiên đến làng vào đêm 28 rạng ngày 29.10.1955. Đến ngày 02.01.1966, làng có 440 gia đình, gồm 3.000 người. Đa số là người công giáo. Cha Giản có nhờ sơ Bellecombe về lo mục vụ giúp làng, rồi nhờ cha Claudel đến giúp làng các mùa Giáng Sinh. Chính cha Giản, cũng thỉnh thoảng ghé thăm làng, rồi cùng cha Claudel đi thăm các giáo hữu Việt Nam khác tại Nice, Cannes, Toulon và Marseille.
1963
1) Từ 1963, một «Làn sóng» người Việt Nam khác đã đến Pháp. Đó là các sinh viên Việt Nam, con cái những gia đình quyền thế, giầu có, sang Pháp du học. Sau khi đỗ đạt, đa số là y khoa, 80% ở lại Pháp.
2) Ngày 14.09.1963, Hoàng Hậu Nam Phương qua đời. Đám tang của bà được tổ chức một cách sơ sài lặng lẽ, thưa thớt, vắng vẻ, không tiếng khóc than, không lời ai điếu. Ngày tang lễ, ngoài hai Hoàng tử và ba Công chúa đi bên cạnh quan tài của mẹ không có một người bà con nào khác. Về phía quan chức Pháp thì chỉ có hai Quận trưởng của Brive la Gaillarde và Chabrignac. Mộ Hoàng Hậu Nam Phương nằm ở làng Chabrignac, cách tỉnh Brive la Gaillarde ba mươi cây số. Ngôi mộ đơn sơ với tấm bia đá hai mặt ghi hai hàng chữ bằng hai thứ tiếng khác nhau, mặt trước viết chữ Hán, mặt sau viết chữ Pháp như dưới đây: Bia chữ Hán: ĐẠI NAM NAM PHƯƠNG HOÀNG HẬU CHI MỘ (Mộ phần của Hoàng hậu Nam Phương nước Đại Nam). Bia chữ Pháp: ICI REPOSE L'IMPÉRATRICE D'ANNAM NÉE MARIE THÉRÈSE NGUYEN HUU THI LAN (Đây là nơi an nghỉ của Hoàng hậu Việt Nam nhũ danh Marie Thérèse NGUYỄN HỮU Thị Lan)
1965
1) Tiểu đội Praesidium đầu tiên, Đức Mẹ Việt Nam, của Legio Mariae GXVN/P đã được thành lập ở Paris. Linh Giám: Cha Trần Thanh Giản; Trưởng: Paul Diệp Văn Minh; Phó: Alphonse Anh; Thư ký: Jacqueline Trương; Thủ Quỹ: Maria Hiệp.
1968
1) Sau nhiều khó khăn và can thiệp giúp đỡ, Tổ Chức Truyền Giáo VN tại Pháp được chuyển về cơ sở mới, do dòng Visitandines mới xây, số 15, rue Boissonade, 75014-Paris. Đức Hồng Y F. Marty dặn rằng «Tu viện Visitandines là ân nhân lớn của Cộng Đoàn Việt Nam».
2) Trong bối cảnh sôi động nổi dậy cuộc cách mạng gọi là ‘Révolution culturelle Mai-Juin’ 1968, ở Giáo xứ VN cũng có luồng gió cách mạng theo lối đòi hỏi thay đổi. Tòa Tổng Giám Mục mời Linh mục Tu sĩ Việtnam hợp tác để lập Hội đồng Mục Vụ Giáo xứ.
3) Ngày 14-10-1868 Hội Đồng Mục Vụ ra mắt tại Giáo xứ. Giám đốc Giáo xứ là Cha Trần thanh Giản với Chủ tịch Liên Tu Sĩ là Ðồng Chủ Tịch của HĐMV.
a) A/ Thành phần đương nhiên theo chức vụ là: -Lm Chánh Phó Giáo xứ: Hai cha Trần thanh Giản và Phan đình Thành. -Lm Chánh Phó Chủ tịch Liên tu sĩ: Nguyễn xuân Phong và Trần học Hiệu.
b) B/ Thành phần tuyển cử theo tiêu chuẩn: kinh nghiệm và nhiệt thành về Mục vụ: 8 vị: LmTrần ngọc Bích, Sh Trịnh Hảo, Lm Nguyễn Hưng, Lm Đinh quang Tịnh, Lm Trần minh Chiêu, Lm Nguyễn quang Toán, Lm Hồng kim Linh, Lm Đinh quang Trung. Thời nầy không thấy ghi giáo dân có mặt trong Hội Đồng Mục Vụ.
4) Ngày 01.11.1968 : phát hành tờ «BÁO GIÁO XỨ VIỆT NAM», số 1, do cha Nguyễn Hưng làm chủ nhiệm, với sự cộng tác của các cha Phan Đình Thành, Trần Học Hiệu, Đinh Văn Trung, và Trần Ngọc Bích.
1969
1) Ngày 15.02.1969 : Tiểu đội Praesidium thứ hai Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp của Legio Mariae GXVN/P đã được thành lập ở Sarcelles-Garges, ngoại ô Paris. Linh Giám: Cha Michel Toán; Trưởng: Chị Linguet; Phó: Chị Marcel Zébina; Thư ký: Chị Motais; Thủ Quỹ: chị Bastard. Sau nhiệm kỳ 1995, Tiểu đội đã ngưng hoạt động vào năm 1998.
1970
1) Ngày 24.01.1970: Tiểu đội Praesidium thứ ba Đức Mẹ Lộ Đức của Legio Mariae GXVN/P đã được thành lập ở Ermont, ngoại ô Paris. Linh Giám: Cha Michel Toán; Trưởng: Chị Anna Lefèvre; Phó: Chị Marie Thérèse Montoucarpin; Thư ký: Chị Marie Sorel; Thủ Quỹ: chị Phú. Tiểu đội đã chính thức xin giải tán qua đơn gửi cho Curia ngày 21.02.1999.
2) Ngày 21.04.1970: Tiểu đội Praesidium thứ bốn Đức Mẹ Vô Nhiễm của Legio Mariae GXVN/P đã được thành lập ở Villiers-le-Bel, Arnouville và Gonesse, ngoại ô Paris. Linh Giám: Cha Michel Toán; Trưởng: Chị Maria Théodon; Phó: Chị Catharina Wisnieuski; Thư ký: Chị Roff; Thủ Quỹ: chị Anna Basta. Tiểu đội đã chính thức xin giải tán qua đơn gửi cho Curia ngày 08.11.1998.
3) Họp khoáng đại ngày 13.12.1970, tất cả anh chị em sinh viên Công Giáo Việt Nam vùng Paris đã ý thức rõ tầm quan trọng về sự hiện hữu của tổ chúc sinh viên.
4) Ngày 15.12.1970, Đoàn Sinh Viên Công Giáo Việt Nam vùng Paris đã biểu quyết nội quy mới. Bản nội Quy này gồm sáu mục: I. Nhận định; II. Mục đích; III. Thành phần (gồm 4 điều: 1) Đoàn viên chính thức, 2) Đoàn viên cảm tình, 3) Không còn là đoàn viên 4) Phiếu gia nhập). IV. Tổ chức điều hành (gồm 10 điều: 1) Ban chấp hành, 2) Thành phần Ban chấp Hành, 3) Thể lệ bầu cử, 4) Quyền ứng cử, 5) Quyền bầu cử, 6) Các ban chuyên môn, 7) Phận vụ của trưởng ban, 8) Linh mục tuyên úy, 9) Trụ sở của đoàn là giáo xứ, 10) Cơ quan ngôn luận là tờ Xuyên Việt). V. Tổ chức và điều hành (gồm 8 điều: 1) Ban Điều hành, 2) Chủ tịch, 3) Phó chủ tịch, 4) Tổng thư ký, 5) Thủ quỹ, 6) các trưởng ban 7) linh mục tuyên úy, 8) Đoàn viên. VI. Tương quan và sinh hoạt nội bộ (gồm 7 điều: 1) Đoàn sinh viên là đoàn thể tôn giáo, 2) Hợp tác giữa Ban Chấp Hành và Tuyên Úy, 3) Đại hội đoàn. 4) Thường trực ; 5) Sinh hoạt bất thường. Nội quy này đã được tu chính hai lần, lần 1 ngày 30.10.1972 và lần 2 ngày 14.06.1975.
1971
1) Ngày 05.03.1971: Hội Các Bà Mẹ Công Giáo đã được chính thức thành lập tại GXVN và sinh hoạt dưới sự hướng dẫn của cha Nguyễn Quang Toán và cha Hoàng Quang Lượng.
43. Nhiệm kỳ của linh mục Nguyễn Quang Toán, 1971-1977
1971
1) Ngày 17.08.1971, Đức cha Bình biên thơ báo tin cho ĐC Pézéril rằng trong phiên họp tháng 07.1971, Hàng Giáo Phẩm Việt Nam đã nhất chí biểu lộ mong muốn được cha Toán thay thế cha Giản. (Xin xem Bài đọc thêm, tài liệu lịch sử 4).
2) Ngày 14.12.1971 Ðức cha Daniel Pérézil gửi cho cha Nguyễn Quang Toán một lá thư, nội dung như sau : «Tôi sung sướng chính thức báo tin cho cha về việc bổ nhiệm cha như là Giám đốc tạm thời (directeur intérimaire) của Tổ Chức Truyền Giáo Việt Nam, cả trên bình diện quốc gia và bình diện địa phương. Việc bổ nhiệm này đã được sự đồng ý của các Giám Mục Việt Nam. Tôi cũng sẽ gửi la thư này báo tin cho cha Giản. Lá thư này có hiệu lực kể từ khi cha nhận được. Tôi có ý đên dâng lể đêm Giáng Sinh và công khai chủ tọa lễ bàn giao».
1972 : Lập Curia Legio Mariae Nữ Vương Nước Việt Nam
1) Linh mục Lê Thanh Hoàng, Tuyên Uùy Đoàn Sinh Viên Công giáo, trong một phương án đề ngày 24.05.1972, cho chúng ta biết cụ thể về sinh hoạt của Đoàn Sinh Viên trong niên khóa 72/73 như sau:
a) «Hướng sinh hoạt :’Tâm hồn an lành trong thân xác cường tráng’ (Mens sana in corpore sano).
b) Cấm phòng Phục Sinh: Chủ đề ‘Đức Kitô Phục Sinh’ – Số tham dự: chừng 30 – Tại: Taizé – Thời gian: Dịp lễ Phục Sinh – Phần đóng góp: 1.000ff.
c) Hành hương Chartres: Đề tài và ngày tháng sẽ theo Văn Phòng Tuyên Uùy Quốc Gia - Tham dự: 30-40 – Phần đóng: 800ff. –
d) Thánh Lễ mỗi tháng: Họp mặt, chia sẻ (đề tài theo năm Phụng Vụ) – số tham dự chừng 40 – Phí tổn cho một năm: 1.000ff.
e) Trại hè: Đề tài: «Sinh viên Vn và vấn đề tái thiết Quê Hương’ – Thời gian: Hai tuần đầu tháng bảy – Địa điểm: Côte d’Azur – Tham dự 30/40 – Phí tổn: 2.800ff.
f) Sinh hoat thể thao: - Nhóm Footballeurs (22 người) và nhóm tennismen (4 người). – Phí tổn: 1.300ff
g) Báo Xuyên Việt (nằm trong sinh hoạt mục vụ chung).
h) Hoạt động xã hội: Cộng tác với Van phòng Xã hội của Giáo Xứ).
i) Tối văn nghệ Tết tại Paris và ngoại ô – Phí tổn: 1.000ff (4).
2) Khởi sự từ 29.05.72, Chiến dịch ‘Ngày Cho Việt Nam’ đã được tòa Tổng Giám Mục cho phép và được Secours Catholique nhiệt liệt yểm trợ và giúp in bán các ‘thiếp ảnh nghệ thuật việt nam’, và thiết lập một ‘Văn phòng thường trực’ về chiến dịch này, và người trách nhiệm là cha Nguyễn Quang Toán. Kết quả chiến dịch đầu tiên này thật mỹ mãn. cha Nguyễn Quang Toán đã trao cho Secours Catholique số tiền 11 triệu tiền quan cũ (ancien franc) để Secours Catholiques chuyển về giúp các nạn nhân chiến tranh tại Việt Nam.
3) Tháng 07/1972, Hội Đồng Curia Maria Nữ Vương Nước Việt Nam đã được thành lập ở GXVN/P Paris, do Curia Pháp Paris khuyến khích và nhờ cha Giám Đốc Michel Nguyễn Quang Toán chấp thuận. Curia có 4 presidia, đã được lập ở GXVN/P: Đức Mẹ Việt Nam 1965, Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp 1969, Đức Mẹ Lộ Đức tháng giêng 1970 và Đức Mẹ Vô Nhiễm tháng tư 1970. Thành phần Quản Trị Hội Đồng Curia đầu tiên gồm: Linh giám: cha Nguyễn Quang Toán, Trưởng: Chị Maria Virgitti, Phó: chị Agatha Villaréal, Thư ký: Chị Lucia Chu Đức Tích, Thủ Quỹ: chị Maria Hiệp.
4) Trong thơ ngày 03/11/1972, Đức cha Daniel Pérézil, Giám mục phụ tá Paris, gửi thư bổ nhiệm chính thức cha Nguyễn Quang Toán làm Giám đốc Tổ chức Truyền Giáo Việt Nam tại Pháp và xác nhận hai nhiệm vụ của cha Toán là: 1- Người thừa sai với quyền coi sóc các linh hồn cho vùng Paris; 2- Người trách nhiệm quốc gia về Tổ Chức Truyền Giáo Việt Nam tại Pháp. (Xin xem Bài đọc thêm, Tài liệu lịch sử số 4)
5) Cha Toán qui tụ được 4 linh mục cộng tác là các cha Hoàng Quang Lượng, Lê Huy Bảng, Ðoàn Thanh Dũng và Phan Thanh Văn.
6) Vào cuối năm 1972, các sinh viên thuộc Tổ Chức Truyền Giáo phát động ‘một ngày quyên giúp’ (Une journée de collecte) đã thu được 4.650ff gửi về cho các em cô nhi ở Việt Nam.
7) Chính Giáo Sở đã giúp một sinh viên tật nguyền và một linh mục sinh viên 6.000ff trong niên khóa 72/73. Sau cùng Tổ Chức Truyền Giáo tổ chức một tuần nghỉ hè cho sinh viên tại Bretagne và một cuối tuần cho những ai muốn đi biển.
8) Năm 1972, thời cha Nguyễn Quang Toán làm Giám Đốc Giáo Xứ Việt Nam, tại Sarcelles mới có một lớp giáo lý đầu tiên bằng tiếng Việt do chị Trần Thị Nguyệt tức Minh Tâm phụ trách với trên 10 em, đủ mọi trình độ và lớn nhỏ, vào mỗi chiều thứ tư, từ 15 đến 17giờ. Sau đó chị Minh Tâm bận học, nên chị Nguyễn Thị Mỹ Phước thay thế. Đến năm 1975, số các em tị nạn khá đông, nữ tu Têrêsa Huỳnh Thị Na nhờ chị Mỹ Phước mở một lớp tại Giáo Xứ Việt Nam Paris, mỗi sáng Chúa nhật từ 10 giờ dến 11 giờ. Học xong, các em dự lễ chung với Cộng Đoàn” .
1973
1) Kể từ niên khóa 1973-1974, cha Lê Huy Bảng được cử lo về việc dạy giáo lý, nhưng không nói rõ là giáo lý cho trẻ em hay giáo lý cho người lớn.
2) Những sinh hoạt nổi bật được ghi lại thời Cha Toán là :
a) Phát triển ba hội đoàn cơ bản là Hội Ðạo Binh Ðức Mẹ, Hội Các Bà Mẹ Công Giáo và Hội Sinh Viên Công Giáo
b) Tổ chức các cuộc hành hương
c) Tổ chức những sinh hoạt xã hội cứu trợ các vụ lụt và các nạn nhân chiến tranh bên Việt Nam.
1974
1) Cho đến năm 1974, sau nhiều đợt đến Pháp, theo một thống kê Bộ Nội Vụ, tổng số người Việt Nam ở Pháp là 11.802.
2) ĐHY Giuse Maria Trịnh Như Khuê ghé thăm Cộng Đoàn GXVN.
3) Cuối năm 74, những biến chuyển chính trị trên quê hương Việt Nam đã làm cho các sinh hoạt của Đoàn Sinh Viên Công Giáo (SVCG) bị ảnh hưởng ít nhiều.
1975 : Đồng bào Việt Nam tỵ nạn cộng sản, trong đó có nhiều người công giáo bắt đầu đến Pháp đông đảo.
1) Trong giai đoạn «giao thời 74-75» này, Đoàn SVCG biểu lộ nhiều triệu chứng không thích hợp với giới trẻ "tị nạn".
2) Từ 1975 cha Giám Đốc Nguyễn Quang Toán cho ấn hành tờ báo «Vào Đời». Sau đó, đổi tên thành tờ «Xuyên Việt».
3) Đáp lại lời kêu gọi của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam phổ biến ngày 12.02.1975 giúp đỡ nạn nhân chiến cuộc, các trẻ em mồ côi, và yểm trợ các tổ chức COREV và Caritas tại Việt Nam, Giáo Xứ đã phát động một chiến dịch kể từ tháng 3.1975, ‘kêu gọi lòng quảng đại của người Pháp, người ngoại quốc và của người Việt hải ngoai’. Chiến dịch này kết quả mỹ mãn. Cuối tháng 4.1975, Giáo Xứ đã chuyển về cho Đức Giám Mục Sài gòn 200.000NF. Chiến dịch này còn tiếp tục để giúp thương phế binh, các em mồ côi, những gia đình di tản vì chiến tranh… Chiến dịch này thành công một phần lớn là nhờ sự yểm trợ của Cơ quan Cứu Trợ Công Giáo (Secours Catholique) và nhờ lá thơ của Đức Cha D. Pézéril gửi đến các cha Quản Hạt Paris… Dưới sự bảo trợ của Đức Hồng Y Francois Marty, Tổng Giám Mục Paris, Giáo Xứ đã tổ chúc: -hai ngày Kermesse tại 71 đại lộ Denfert-Rochereau, Paris 14 (3 và 4.05.1975); - Thánh lễ đại trào ‘cầu cho hòa bình Việt Nam’ (4.5.75) tại nhà nguyện các nữ tu Notre Dame de Joie; - một bữa ăn liên đới tại nhà hàng La Colombe và Vientiane; - một tối văn nghệ tại số 3 rue de la Santé (do đoàn Sinh Viên Công Giáo chủ động).
4) Đặc biệt cho đồng bào tị nạn Việt Nam : Như vừa nói ở trên, trước 30.04.1975, Giáo Xứ đã có nhiều hoạt động xã hội nhằm giúp đồng bào nạn nhân chiến cuộc, nạn nhân bão lụt (nhất là tại giáo phận Huế). Số tiền chuyển về Việt Nam lên tới 300.000NF. Nhưng kể từ sau 30.04.1975, hoạt động của Văn phòng Xã Hội lại đặc biệt hướng về các trại tị nạn tại Pháp.
5) Trong và sau biến cố 30.04.1975, rất nhiều người Việt Nam bỏ nước ra đi, trốn chạy đi tỵ nạn, tìm tự do trong một nước khác. Tính tới 1979, hơn 700.000 người Việt Nam đã rời quê hương, trong số đó, 51.515 đã được tị nạn tại Pháp.
6) Tình trạng của đồng bào tị nạn Việt Nam tại Pháp : Các trại tiếp đón đồng bào tị nạn được thiết lập trên khắp nước Pháp, cách riêng tại vùng Paris (Ile-de-France) được chia ra thành hai loại:
a) Các trung tâm chuyển tiếp (Transit), có sáu trại, đón những người vừa đến, ở tối đa trong 4 tuần. Sau đó, những người chưa có việc làm và nhà ở sẽ được chuyển đến một trại ‘tạm cư’ (centres provisoires d’hébergement), được chính phủ cho cơm ăn, tiền túi, giúp giấy tờ, giúp tìm nhà, tìm việc làm. Thời hạn ở đây, thường chỉ trong sáu tháng.
b) Có tới 60 trại tạm cư đón nhận chừng 5.000 dân tị nạn. Trước sau có trên dưới 30.000 người tị nạn Việt Nam tới Pháp, trong số đó 40% tìm được việc làm sớm.
7) Giáo Xứ giúp đỡ đồng bào tị nạn : Bằng nhiều hình thức hoạt động, Giáo Xứ đã giúp người tị nạn : a) xin thẻ cư trú (carte d’hébergement). b) tiếp người mới tới ngay tại văn phòng. c) Tìm việc làm và nhà ở. d) Giúp trẻ em, tìm ‘gia đình’ bảo trợ cho các em. e) Tiếp tế thực phẩm. g) Cho quần áo. h) Tổ chức lớp học tiếng Pháp. i) Giúp tiền (vé xe, giấy thư, tem thư…)
8) Phạm vi mục vụ: a) Thăm viếng các trại Bonneville, Sevran, Noisy le Grand, Sarcelles, Créteil, Herblay, Osoir… b) Dạy giáo lý cho trẻ em, dâng thánh lễ mỗi thứ bảy hay chủ nhật… c) Cung cấp tràng hạt, sách kinh, sách giáo lý, sách Tân Ước …
9) Trong hai năm 1975-1976 nhiều Giám Mục địa phương đã bổ nhiệm tuyên Úy Việt Nam:
a) Cha Courtois Bùi Xuân Lịch Cộng Đoàn Marseille, từ 1960;
b) Cha Phạm Phúc Khánh, tuyên úy Cộng Đoàn Canne –Nice từ 1962;
c) Cha Nguyễn Quang Toán, Cộng Đoàn Ermont từ 1969;
d) Cha Nguyễn Văn Long và Nguyễn Quang Toán Cộng Đoàn Sarcelles-Garges từ 1969 ;
e) Cha Nguyễn Văn Tự Cộng Đoàn Aix-en-Provence từ 1975;
f) Cha Hồ Tấn Phát Cộng Đoàn Amiens, Lille và Reims từ 1975;
g) Cha Raymond Wolf Cộng Đoàn Metz từ 1975;
h) Cha Đinh Đồng Thượng Sách, Cộng Đoàn Cergy Pontoise, từ 1975;
i) Cha Võ Quang Linh Cộng Đoàn Colmar từ 1975;
j) Cha Trần Ngọc Hải Cộng Đoàn Lyon từ 1975 (đã được sinh viên Phạm An Khang và Gs tu nghiệp Trần Văn Cảnh thành lập với cha Khiêm từ 1974);
k) Cha Võ Quang Linh Cộng Đoàn Strasbourg từ 1975;
l) Cha Jean-Marie Mousset Cộng Đoàn Toulouse từ 1975;
m) Cha Phạm Văn Nam Cộng Đoàn Bordeaux từ 1976;
n) Cha Lê Văn Lang Cộng Đoàn Nantes từ 1976;
o) Cha P. Bouré, S.J., Cộng Đoàn Troyes từ 1976.
1976 : Thành lập Ủy Ban Mục Vụ Việt Nam tại Pháp
1) Ngày 28.05.1976, với tư cách là Giám Mục đặc trách các đồng bào Á Châu, Ðức Cha André Rousset biên thơ cho cha Toán báo tin rằng trước tình hình khẩn trương và bi thương của dân tị nạn ba nước Việt Miên Lào, Ủy Ban Mục Vụ Ngoại Kiều yêu cầu Hội Thừa Sai Paris giúp đỡ, cha Etcharren đã được bổ nhiệm làm việc với hai cha Guillard và Couessin, và xin cha Toán liên lạc với cha Guillard để xác định phận vụ của mình.
2) Thơ ngày 02.06.1976 của Ðức Cha André Rousset, Giám Mục Pontoise, Chủ Tịch Ủy Ban Giám Mục Ngoại Kiều, gửi các linh mục và tu sĩ nam nữ Việt nam tại Pháp, báo tin thành lập Trung tâm Mục Vụ Việt Nam, yêu cầu Hội Thừa Sai Paris giúp đỡ, và bổ nhiệm cha Etcharren đảm trách. (Xin xem Bài đọc thêm, Tài liệu lịch sử số 5).
3) Ðại Hội ngày 21.10.1976 tại Tòa Tổng Giám Mục Paris, số 8, rue de la Ville l’Evêque, 75008, qui tụ trên 30 linh mục Việt Nam từ nhiều tỉnh khác nhau về họp tại Toà Tổng Giám Mục Paris, dưới quyền chủ tọa của cha Trương Ðình Hoè, do đại hội bầu lên, để bàn về các vấn đề và hành động mục vụ khẩn cấp cho kiều bào Việt Nam. Ba cha được bầu làm thơ ký : Đinh Đồng Thượng Sách, Hồng Kim Linh và Trần Ngọc Hải. Sáu đề tài đã được đưa ra bàn thảo, mà sự thực hiện và tổ chức đã được trao cho một Ủy Ban 9 Linh Mục : Đinh Đồng Thượng Sách, Hồng Kim Linh, Huỳnh Ngọc Tiên, Hồng Phúc, Lương Tấn Hoằng, Ngô Duy Linh, Nguyễn Trọng Quý, Trần Ngọc Hải, và Trương Đình Hoè.
4) Ngày 16.11.76, Ủy Ban 9 Linh Mục họp phiên đầu tiên tại Trung Tâm Mục Vụ Việt Nam tại Pháp, 20, rue de l’Abbé Derry, 92130, Issy-les-Moulineaux. Bốn điều đã được quyết định : 1- Danh xưng của Ủy Ban 9 Linh Mục sẽ là ỦY BAN MỤC VỤ VIỆT NAM/pháp : 2- Lm Ngô Duy Linh được bầu làm chủ tịch ; 3- Ban Phụng Vụ đề nghị cấp thời in lại : Nghi thức Thánh Lễ, Sách Kinh, Tân Ước ; 4- Ban Báo Chí đề nghị cấp thời ra tờ TIN 4 trang A4.
5) Ngày 14.12.76, Lm Ngô Duy Linh, Chủ Tịch UBMV-VN/P ra thông báo khởi in cuốn SÁCH LỄ GIÁO DÂN và báo TIN sẽ ra số đầu tiên vào lễ Giáng Sinh 25/12/1976.
1977 : Hội Đồng Giám Mục Pháp thành lập Tuyên Úy Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp
1) Ngày 09.06.1977, Đức Cha Sabin Saint Gaudens, Chủ Tịch Ủy Ban Giám Mục Di Dân Pháp gửi thơ bổ nhiệm Cha Trương Đình Hoè làm Đại Diện Ủy Ban Giám Mục Ngoại Kiều Bên Cạnh Các Tuyên Úy Việt Nam tại Pháp. Ngài nêu ra 2 lý do: 1- Tình hình và những nhu cầu của Cộng Đồng Việt Nam hiện nay đòi hỏi; 2- Áp dụng nghiêm chỉnh những quy khoản và tinh thần của tự sắc «Mục Vụ Di Dân» (Pastoralis Migratorum cura cửa ĐGH Phaolô VI, 1969).
2) Cùng ngày, ĐC Gabin Saint Gaudens gửi thư báo cho cha Toán về việc bổ nhiệm cha Hoè làm Đại Diện Ủy Ban Giám Mục Ngoại Kiều Bên Cảnh Các Tuyên Úy Việt Nam tại Pháp. Trong thơ, ĐC nói: 1- Cám ơn cha Toán đã hơn 5 năm lo mục vụ cho người Việt Nam tại Pháp; 2- Những nhu cầu thiêng liêng, văn hóa và xã hội của người Việt Nam tha hương hôm nay đòi phải có một cơ cấu mục vụ mới phù hợp với tự sắc «Mục Vụ Di Dân» 3- Ngưng những trách nhiệm mục vụ trên bình diện quốc gia, cha Toán vẫn là người trách nhiệm mục vụ cho Cộng Đoàn Việt Nam ở Paris.
3) Ngày 29.09.1977, Ðức Cha Pérézil gởi thơ báo tin cho cha Toán biết rằng: 1- ĐHY Tổng Giám Mục Paris đã bổ nhiệm cha Trương Đình Hoè đứng đầu Giáo Xứ Việt Nam thay cha Toán; 2- Lý do là để đổi mới Giáo Xứ; 3- Ngài cám ơn cha nồng nhiệt về những việc cha đã làm cho Giáo Xứ trong những năm qua; 4- Ngài xin cha Toán giúp cha Hoè dễ dàng bắt đầu công việc tông đố tại Giáo Xứ; 5- Ngài ước mong sẽ đến thăm Giáo Xứ. (Xin xem Bài đọc thêm, Tài liệu lịch sử số 7).
4) Ngày 13.10.1977 là ngày bàn giao công vụ giữa cha Nguyễn Quang Toán và cha Trương Ðình Hoè, với sự chứng kiến của cha J.B. Etcharren, cha Bernard le Franc và cha Robert Gilbert. (Trong tờ bàn giao công vụ, đề ngày 01.10.1977, số tiền còn lại cho Cộng Đoàn là 218.931,00 FF, số tiền của quỹ xã hội là 255.721,00 FF).
5) Đầu tháng XI 1977, phát hành số 1, Bán Nguyệt San HIỆN DIỆN, Nội san Công Giáo Việt Nam tại Pháp, Bulletin d’information des Catholiques Vietnamiens en France.
Bài viết khác
BÀI 20 : LỜI PHI LỘ, LỜI CÁM ƠN và MỤC LỤC.
Bài 19 PHỤ LỤC 2 GIỚI THIỆU GIÁO SƯ TRẦN VĂN CẢNH VÀ NHỮNG SINH HOẠT CỦA ÔNG TẠI GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS
Bài 18: PHỤ LỤC 1 ẢNH HƯỞNG SÂU RỘNG CỦA NHỮNG BÀI TƯỜNG THUẬT CỦA GS TRẦN VĂN CẢNH
Bài 17 - LỜI KẾT
Bài 16 - TÓM KẾT THỜI KỲ III, THỜI KỲ TRƯỞNG THÀNH, 1980-2013
Bài 15 - CHƯƠNG 11 - GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN HỘI NHẬP MỤC VỤ TỔNG GIÁO PHẬN PARIS, 2008-2013
Bài 14b - CHƯƠNG 10 - GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN VÀ TỰ LẬP TÀI CHÁNH, 2002-2007
Bài 14 - CHƯƠNG 10 - GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN VÀ TỰ LẬP TÀI CHÁNH, 2002-2007
Bài 13 - CHƯƠNG 9 : GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA, CƠ SỞ VẬT CHẤT VÀ LIÊN ĐỚI XÃ HỘI, 1997-2001
Bài 12 - CHƯƠNG 8 : GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN VĂN HOÁ GIÁO DỤC, 1984-1989
Bài 11 - CHƯƠNG 7 GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN VĂN HOÁ GIÁO DỤC, 1984-1989
Bài 10b - CHƯƠNG 6 GIAI ĐOẠN XÂY DỰNG CƠ CẤU TỔ CHỨC, 1980-1983
Bài 10 - CHƯƠNG 6 GIAI ĐOẠN XÂY DỰNG CƠ CẤU TỔ CHỨC, 1980-1983
Bài 9 - TÓM KẾT THỜI KỲ II, THỜI KỲ THÀNH LẬP VÀ PHÁT TRIỂN, 1947-1980
Bài 8 - Chương 5 : GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN, GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS, 1977-1980
Bài 7 - Chương 4 : GIAI ĐOẠN LỚN LÊN, TỔ CHỨC TRUYỀN GIÁO VIỆT NAM TẠI PHÁP, 1952-1977
Bài 6 - GIAI ĐOẠN THÀNH LẬP LIÊN ĐOÀN CÔNG GIÁO VIỆT NAM TẠI PHÁP, 1947-1952
Bài 5 - TÓM KẾT THỜI KỲ I, THỜI KỲ KHAI PHÁ, 1787-1947
Bài 4 - CHƯƠNG 2 : GIAI ĐOẠN NHỮNG TỔ CHỨC SƠ BỘ, 1942-1947
Bài 3 : CHƯƠNG 1 : GIAI ĐOẠN NHỮNG BƯỚC CHÂN KHAI PHÁ, 1787-1942