Bài 6 - GIAI ĐOẠN THÀNH LẬP LIÊN ĐOÀN CÔNG GIÁO VIỆT NAM TẠI PHÁP, 1947-1952
Trần Văn Cảnh
LTS : « LỊCH SỬ BIÊN NIÊN GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS 1787-2013 » là tác phẩm thứ 32 mà Ban Tu Thư Giáo Xứ Việt Nam Paris vừa soạn để mừng 30 năm thành lập Hội Đồng Mục vụ Giáo xứ Việt nam Paris, 1983-2013 và 30 năm phát hành báo « Giáo xứ Việt nam », 1984-2014.
Chúng tôi xin được hân hạnh giới thiệu tác phẩm này với quí độc giả.
Xin Thiên Chúa, Đức Mẹ, Thánh Giuse và các Thánh tiền nhân Tử Đạo Việt Nam chúc lành cho tất cả chúng ta.
Bài 6
GIAI ĐOẠN THÀNH LẬP LIÊN ĐOÀN CÔNG GIÁO VIỆT NAM TẠI PHÁP, 1947-1952
Chương 3
PHẦN II
THỜI KỲ THÀNH LẬP VÀ PHÁT TRIỂN,
GIÁO XỨ ĐƯỢC TỔNG GIÁO PHẬN PARIS CÔNG NHẬN
1947-1980
Sau Đệ nhị Thế chiến (1939-1945), giữa cảnh hoang tàn đổ nát, hàng hàng lớp lớp di dân tị nạn, vấn đề mục vụ nạn nhân chiến tranh trở nên khẩn trương, Đức thánh cha Piô XII ban hành Tông huấn Gia Đình Xa Cách (Exsul Familia) ngày 01.08.1952 «nhắc nhở các Hội Đồng Giám Mục khẩn thiết quan tâm mục vụ đối với làn sóng di dân tị nạn, cần đề ra những hướng đi mục vụ dành riêng cho các thế hệ người ngoại quốc từ giã quê cha đất tổ đến lánh nạn và sinh sống trên miền đất định cư mới». Chính trong tinh thần tông huấn này mà các Giám Mục Pháp không những đã nhìn nhận sự thành lập "Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp" như một Tổ chức Công giáo Tiến hành từ năm 1947; mà còn cho nó lớn lên bằng cách nâng lên thành "Tổ Chức Truyền Giáo Việt Nam tại Pháp " từ năm 1952. Đồng thời bổ nhiệm Linh mục Việt Nam với năng quyền Cha Xứ «Cura Animarum», mang danh hiệu "Thừa Sai".
Biến cố 1975, Cộng Sản Miền Bắc chinh phục Quốc Gia Miền Nam, tạo ra một cuộc di cư vĩ đại chưa từng thấy của người Việt Nam đến các nước Âu-Mỹ. Những lớp người Việt-Pháp hồi hương. Những đợt người Việt Nam vượt biển, xin tỵ nạn chính trị tại Pháp. Tình cảnh bi thảm của người Việt Nam nói chung và của người Việt Nam Công Giáo nói riêng đã thúc đẩy Hội Đồng Giám Mục Pháp áp dụng những chỉ thị của tự sắc Mục Vụ Di Dân (Pastoralis Migratorum Cura) do ĐGH Phaolô VI ban hành ngày 15.08.1969, đưa ra những áp dụng cụ thể và tích cực cho những qui định của tông huấn Gia Đình Xa Cách (Exul Familia) ban hành ngày 01.08.1952 do ĐGH Pio XII và của những đường hướng mục vụ do Công Đồng Vatican II, 1962-1965.
Lá thư của Đức cha André Rousset, Ủy Ban Mục Vụ Di Dân, biên ngày 02.06.1976 cho các linh mục và tu sĩ nam nữ Việt Nam tại Pháp, đã nói đến hai điểm cụ thể cho giáo dân tỵ nạn Việt Nam: Tình hình khẩn trương tại ba nước Việt Miên Lào và tình trạng thê lương của di dân tị nạn của ba nước này tại Pháp ; Hội Đồng Giám Mục Pháp yêu cầu Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris giúp đỡ, thành lập một Trung Tâm Mục Vụ Việt Nam (Xin xem Bài đọc thêm, Tài liệu lịch sử 5, cuối sách). Tiếp tục công việc của ĐC André Rousset, ĐC Sabin Saint Gaudens, tân Chủ Tịch Ủy Ban Mục Vụ Di Dân, đã biên thơ ngày 09.06.1977, bổ nhiệm cha Samuel Trương Đình Hòe làm Đại Diện của Ủy Ban Giám Mục Ngoại Kiều bên cạnh các Tuyên Úy Việt Nam tại Pháp. Ba tháng sau, ngày 13.09.1977, ĐC Daniel Pézéril, GM Phụ Tá Paris, đã gửi thư bổ nhiệm cha Samuel Trương Đình Hòe làm Giám Đốc Giáo Xứ Việt Nam Paris. Quy chế Giáo Xứ đã tạo dịp cho nhiều phát triển.
Như vậy, cha Trương Đình Hòe được bổ nhiệm vào hai chức vụ khác nhau do hai Bề Trên khác nhau. Tổng Tuyên Úy là ở bình diện quốc gia Pháp, có trách nhiệm trên các tuyên úy và giáo dân Việt Nam ở Pháp, có địa chỉ riêng, ở số 70, rue Falguière, 75015 Paris. Giám Đốc GXVN Paris là ở bình diện Tổng Địa Phận Paris và chỉ có trách nhiệm với giáo dân Việt Nam ở Paris, với địa chỉ ở số 15, rue Boissonade, 75014 Paris (báo Hiện Diện, số 13, tháng 12, tr. 7-9)
Tông huấn «Gia Đình Xa Cách», 1952 (Exsul Familia) và Tự Sắc «Mục Vụ Di Dân», 1969 (Pastoralis Migratorum Cura) đã là hai tài liệu nền tảng biến đổi tổ chức sinh hoạt của Giáo Xứ Việt Nam Paris. Nhờ hai tài liệu này, mà Hàng Giáo Phẩm Pháp đã chính thức công nhận sự thành lập «Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp» từ năm 1947, cho nó một qui chế vững hơn để lớn lên với tên gọi mới là «Tổ Chức Truyền Giáo Việt Nam tại Pháp» từ năm 1952 và sau đó, từ năm 1977, đã cho nó một qui chế thuận lợi hơn để phát triển, đó là qui chế «Giáo Xứ Việt Nam Paris».
Ba giai đoạn này sẽ được trình bày qua những ghi nhận chính yếu trong ba chương sau đây :
Chương 3 : Giai Đoạn Thành Lập, LIÊN ĐOÀN CÔNG GIÁO VIỆT NAM TẠI PHÁP, 1947-1952
Nhiệm kỳ của Lm Trần Văn Hiến Minh, 1947-1950
Nhiệm kỳ của Lm Trần Thanh Giản, Tuyên Úy Lâm thời, 1950-1951
Nhiệm kỳ của Lm Nguyễn Quang Lãm, 1951-1952
Chương 4 : Giai Đoạn Lớn Lên, TỔ CHỨC TRUYỀN GIÁO VIỆT NAM TẠI PHÁP, 1952-1977
Nhiệm kỳ của Lm Nguyễn Bình An, 1952-1955
Nhiệm kỳ của Lm Trần Thanh Giản, 1955-1971
Nhiệm kỳ của Lm Nguyễn Quang Toán, 1971-1977
Chương 5 : Giai Đoạn Phát Triển, GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS, 1977-1980
Nhiệm kỳ của Lm Trương Ðình Hoè, 1977-1979
Nhiệm kỳ của Lm Lương Tấn Hoằng, 1979-1980
CHƯƠNG 3
GIAI ĐOẠN THÀNH LẬP LIÊN ĐOÀN CÔNG GIÁO VIỆT NAM TẠI PHÁP,
1947-1952
Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp đã được thành lập năm 1946, nhưng chỉ được Hàng Giáo Phẩm Pháp chính thức công nhận là một Phong trào Công giáo Tiến hành từ ngày 01.10.1947, và sau đó, xác nhận qua văn thơ ngày 10.02.1949 của Đức Cha Henri Chappoulie. Giáo Xứ Việt Nam Paris coi ngày 01.10.1047 là ngày rửa tội của mình, và lấy đó làm ngày thành lập. Giai đoạn Thành lập với tên gọi «Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp» kéo dài đến năm 1952, khi Hàng Giám Mục Pháp cho một qui chế mới.
Giai đoạn này gồm ba nhiệm kỳ của ba cha:
Cha Trần Văn Hiến Minh, 1947-1950
Cha Trần Thanh Giản, Tuyên úy lâm thời, 1950-1951
Cha Nguyễn Quang Lãm, 1951-1952
31. Nhiệm kỳ của Linh mục Trần Văn Hiến Minh, 1947-1950
1947,
1) Cha Cao Văn Luận và nhiều linh mục sinh viên tuyên úy hồi hương về Việt Nam.
2) Ngày 05.04.1947, Bản Ðiều Lệ Liên Đoàn, đã được toàn thể Đại Biểu làm và chuẩn y tại Toulouse ngày 01.04.1946, được sửa đổi tại Fontenay-sous-Bois.
3) Ngày 01.10.1947, Bản Nội Quy sửa đổi mới tại Fontenay-sous-Bois này đã được Hàng Giáo Phẩm Pháp xem và duyệt y, do Đức Cha Chappoulie, Tổng Thư Ký Hàng Giám Mục Pháp. Người Công Giáo Việt Nam tại Pháp coi ngày 01.10.1947 trên đây là ngày mà Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp được «rửa tội», hay được Giáo Hội chính thức cộng nhận. Đó là lý do khiến ngày này đã được Giáo Xứ Việt Nam Paris chọn để mừng sinh nhật 50 hay 60 năm của mình, vào hai năm 1997 và 2007.
4) Không kể 13 tiểu đoàn địa phương đã được thành lập, 4 đoàn thể và chi nhánh sau đây đã được thành lập sau đại hội Toulouse 1946 :
a) Ðoàn Sinh Viên Công Giáo Việt Nam ra đời ngày 22.06.1947. Rồi 2 tháng sau, ngày 07-08-1947, "Bản Điều Lệ" bao gồm 6 Khoản và 21 Điều, được biểu quyết chuẩn y tại Paris.
Khoản I : Mục đích (Điều 1-2-3)
Ngoài các mục đích của Liên Đoàn, Đoàn Sinh Viên còn nhằm ý huấn luyện các hội viên trở thành các chiến sĩ công giáo theo các phương châm sau đây :
A- Tổ chức các cuộc hội họp, du lịch, cắm trại để tăng phần thân mật giữa hội viên.
B- Giao thiệp với các cơ quan Công Giáo tại Pháp và trên thế giới.
C- Tiếp tay với Liên Đoàn về mọi mặt, nhất là công việc trí thức, viết báo, diễn thuyết... Vì thế cũng như Liên Đoàn, Đoàn Sinh Viên Công Giáo đứng ngoài và trên các đảng phái chính trị.
Khoản II : Hội viên (Điều 4).
Khoản III : Quản Trị và Tổ Chức (Điều 5-6-7-8-9-11) .
Khoản IV : Tài Chánh (Điều 12-13). Khoản V : Nhập Đoàn và Ra Đoàn (Điều 14-15-16).
Khoản VI : Sửa đổi Điều Lệ-Giải tán Đoàn (Điều 17-18-19-20-21)
Tuyên Úy và Ðoàn trưởng Ðoàn Sinh Viên Công Giáo (Paris), 1947-1948 : Lm Nguyễn Huy Mai, anh Ðặng Vũ Cảnh (Y khoa)
b) Đoàn Lao Ðộng (1947) gồm 13 chi nhánh: Paris, Mazargues, Tarascon, Villeurbanne, Privas, Grenoble, Moulins, Carcassonne, Toulouse, Agen, Albi, Bergerac và Bordeaux. Người Trách Nhiệm tiên khởi là anh Bùi Thùy (1947-1949). Sau đó, 1949-1952, có Ban Phụ Trách gồm các anh Đỗ Đình Nến, Đoàn Trưởng; Cao Văn Phát, Thư Ký; Nguyễn Kim Trọng, Thủ Quỹ.
c) Ðoàn Phụ Nữ (1947) cũng gồm 13 chi nhánh như Đoàn Lao Động. Người Trách Nhiệm ban đầu là chị Bùi Thị Như Kha (1947-1949). Về sau, 1949-1952, có Ban Phụ Trách gồm các chị: Nguyễn Tuyết Lan, Đoàn Trưởng; Võ Thị Nhàn và Ngô Thị Tuyết, Thư Ký; Lê Thị Thơ: Thủ Quỹ.
d) Ðoàn Chức Nghiệp (1951), do anh Nguyễn Huy Bảo khởi xướng nhằm tập họp những bạn đã học xong, hoặc đã lập gia đình vì các bạn ấy khó lòng gia nhập vào các đoàn khác.
5)Năm 1946 và 1947, trong những cuộc lạc quyên để giúp đỡ đồng bào bên quốc nội, anh em hết thảy càng hăng hái tham dự bằng đủ mọi cách. Thậm chí có người vì lòng yêu nòi thương nước quá nồng nàn, đã hy sinh triệt để, không giữ lại cho mình một xu, chỉ mong làm sao cho Tổ Quốc được độc lập và giống nòi được hạnh phúc. (báo LIÊN ĐOÀN, số 83, 15-09-1952, trang 6-7)
6)Trong kỳ nghỉ hè 1947, ban xã hội Doàn SVCG có giúp gần ba chục nam và nữ sinh viên qua nghỉ hè trong những gia đình Bỉ, khỏi trả tiền ăn uống và chỗ ở. Cha tuyên úy TRẦN ĐỨC MINH và một số sinh viên công giáo và không công giáo có tổ chức một trại nghỉ hè ở SOISY sur ETIOLES. Nhiều học sinh bên nhà mới qua đã được ban xã hội lo lắng cho chỗ ở và những công việc khác trong những bước đầu ở Paris. Có vài sinh viên được học bổng qua du học ở Bỉ.”
1948
1.Ngày chủ nhật 14 mars 1948, tại nhà thờ 80 đường Vaugirard, Đại Hội Đồng của Đoàn Sinh Viên Công Giáo có cử anh NGUYỄN VĂN ÁI làm đoàn trưởng. Ban trị sự gồm có hai phó hội trưởng (V.N. HOÀNG và L.T. THUC), một thư ký (L.V. DUC), cố vấn (T.C. CỪU), một thủ quĩ (Đ.N. LIEM), ban xã hội (N.V. THO), ban lễ lạc (V.N. TIÊN), ban báo chí (T.B. KHÁNH).
2.Lm Trần Văn Hiến Minh Tuyên Úy, anh Nguyễn Văn Ái (Y khoa) Chủ tịch Liên Đoàn. Những sinh hoạt điển hình chung của Liên Ðoàn là : Cấm phòng, Hội học diễn thuyết và trại hè.
3.Năm 1947 và 1948, chính Liên Đoàn đã đứng ra tổ chức một cuộc lạc quyên giữa anh em công giáo. Số tiền thu được(24 420, 00 quan), một phần (15 000, 00 quan) đã giúp cho Cô Nhi Viện tại Hà Nội và, một phần mua thuốc gửi về các địa phương bên nhà.
Đối với những đồng bào bất hạnh, Liên Đoàn cũng cắt người đi thăm viếng anh em đau ốm hoặc bị giam cầm, giúp tìm nhà cho người lỡ bước, kiếm việc cho người thất nghiệp, hoặc tìm nơi cho học nghề,...
1949
1. Ngày 10.02.1949, ĐC Henri Chappoulie biên thơ cho cha Trần Văn Hiến Minh, theo đó, Cha Trần Văn Hiến Minh đã là Tuyên Úy LĐCGVN tại Pháp từ lúc đầu, với Ông Trần Hữu Phương là Hội trưởng, từ năm 1947 (Xin xem Bài đọc thêm, Tài liệu lịch sử số 2).
1. Bản Nội Quy sửa đổi mới tại Fontenay-sous-Bois được khai ở Bộ Nội Vụ ngày 22.02.1949 (số công văn 13-579), và được công nhận trong báo journal officiel ngày 24.03.1949.
2. Ngày 20.06.1949 Liên Ðoàn Công Giáo Việt Nam, qua ba Cha Trần Văn Hiến Minh, Ðinh Văn Hưởng và Nguyễn Quang Lãm đã đệ lên Hàng Giám Mục Pháp bản tường trình 5 điểm : Về chương trình mục vụ đã và đang thực hiện và nhu cầu tương lai
a. Tiếp đón các sinh viên
b. Huấn luyện các chiến sĩ sinh viên và trí thức
c. Huấn luyện các chiến sĩ thợ thuyền
d. Giúp đỡ các gia đình việt nam : thăm viếng các người đau yếu, giúp hợp thức hóa các đôi bạn sống chung ngoài hôn nhân hoặc vợ chồng khác tôn giáo, có con cần học tiếng việt và giáo lý
e. Khẩn thiết xin lập Sở Truyền Giáo Việt Nam tại Paris
3. Cũng trong bản tường trình đề ngày 20.06.1949 này của Liên Đoàn gửi lên Đức Cha Henri Chappoulie, thư ký của Hàng Giám Mục Pháp và Giám đốc quốc gia về tổ chức Giáo Hoàng Truyền Giáo, có ghi như sau : Một trong bốn sinh hoạt chính yếu của Liên Đoàn là « Giúp đỡ các gia đình Việt Nam : thăm viếng người đau yếu, giúp hợp thức hóa các đôi bạn ‘sống chung ngoài hôn phối’, ‘vợ chồng khác tôn giáo’, ‘gia đình có con cần học tiếng việt và giáo lý’ .
4. Theo bản tường trình này, thì lúc ấy, tại Paris có chừng 2000 sinh viên, trí thức và hơn 3000 thợ Việt Nam. Còn cả nước Pháp thì có chừng 12.000 thợ thuyền, 5.000 quân nhân và 3.000 sinh viên Việt Nam.
5. Ngày 19.11.1949, thuyết trình hội thảo về ‘Cộng sản Việt Nam công kích người công giáo Việt Nam ở những điểm lý thuyết nào ?’ do anh Bùi Thúc Duyên trình bày (Báo Thông Tin, số 56, 12.1949, trang 22-23)
6. Ban Trị Sự Trung Ương LĐCGVN-P Nhiệm kỳ II, 1949-1952 gồm 10 vị :
Chánh Hội Trưởng
|
Nguyễn Văn Ái
|
Phó Hội Trưởng
|
Nguyễn Tín
|
Tổng Thư Ký
|
Trần Văn Phong
|
Phó TổngThư Ký
|
Trương Đình Kim
|
Thủ Quỹ
|
Nguyễn Văn Đạt
|
Thư Viện
|
Trần Ngọc Oánh
|
Báo Chí
|
Trương Bửu Khánh
|
Báo Chí
|
Bùi Xuân Bào
|
Quán Cơm Xã Hội
|
Nguyễn Hoặc
|
Quản Lý Trụ Sở
|
Vũ Văn Ca
|
7. Tuyên Úy và Ðoàn trưởng Ðoàn Sinh Viên Công Giáo (Paris, 1949-1950) : lm Nguyễn Bình An, anh Lâm Trọng Thức (Y khoa) ;
32. Nhiệm kỳ của Linh mục Trần Thanh Giản, Tuyên Úy lâm thời, 1950-1951
1950
1) Cha Trần Văn Hiến Minh về nước, làm giáo sư, giám đốc Đại Chủng viện thánh Tôma Địa Phận Bùi Chu. Cha Trần Thanh Giản làm tuyên úy lâm thời.
2) Nhờ tấm thịnh tình giúp đỡ của Đức cha Henri Chappoulie, Liên Đoàn Công Giáo thuê được "Trụ Sở" tọa lạc tại số 36 bis Boulevard Raspail, Paris 7è. Cơ sở mới khang trang thuận tiện cho việc hoạt động, bao gồm nhà nguyện, phòng hội, nhà ngủ chung, phòng chơi và tòa soạn tờ thông tin ; thuận tiện di chuyển, địa thế rất gần Nhà Nguyện Đức Mẹ Ban Ơn (Chapelle de la Médaille Miraculeuse) và Nhà Nguyện Hội Thừa Sai Paris (Société des Missions Étrangères de Paris tại 128 rue du Bac).
3) Năm Canh Dần (1950), sinh hoạt Liên Đoàn Công Giáo khởi sắc và phát triển, từ lúc sáng lập Liên Đoàn vẫn giữ một khối duy nhất, nhưng muốn cho hoạt động đi sát với nhu cầu nên Liên Đoàn chia ra từng Tiểu Đoàn. Khởi sự có hai Đoàn : Lao Động và Sinh Viên.
4) Ngày 22-01-1950, gần 60 phụ nữ công giáo Việt Nam và ngoại quốc : Trung Hoa, Anh quốc, Pháp, Bỉ, Na Uy, Ý đại lợi... họp mặt vào lúc 16giờ30 tại nhà các Cô A.L.M. (Hội giáo dân giúp các xứ truyền giáo) tại phố Bernadins. Bà Nguyễn Văn Ái, Đoàn trưởng Phụ nữ Công giáo trình bày mục đích : Đoàn kết các chị em phụ nữ Việt Nam công giáo và không công giáo tại Pháp, nhằm tạo bầu không khí thân mật giúp chị em xa quê hương, khỏi thiếu thốn về tinh thần, khỏi phải sống bơ vơ, dễ bị sa ngã hay lợi dụng. Bà Ái cũng yêu cầu các gia đình công giáo Âu châu tiếp đón giúp chị em Việt Nam học hiểu nền giáo dục gia đình phương Tây. Buổi hội kết thúc bằng những bài hát do Cô Vị rất thân mật, vui vẻ và chân tình.
5) Ngày 19.04.1950, thuyết trình hội thảo về « Công giáo và tư bản » do anh Trần Quang Ngọc trình bày.
6) Ngày 18.05.1950, thuyết trình và hội thảo về « Công giáo tiến hành là gì ? » do 2 anh Nguyễn Huy Bảo và Mai Văn Hàm trình bày (Báo Thông Tin, số 60, 1950, trang 13).
7) Kỳ Giáng sinh 1950 đã tổ chức một cuộc xổ số và bán đấu giá, lấy tiền mua quà bánh gửi cho anh em trong các bệnh viện và phát đồ chơi, quà bánh cho trẻ em. Lại cũng kiếm được quần áo gửi về Việt Nam giúp mấy miền đói rét.
1951
1) Ngày 13/03/1951, cha Giản đã biên thơ mời các cha trong « Hội Việt Nam du học Giáo sĩ Đoàn » đến trụ sở Liên Đoàn để họp bàn về « Việc tuyên úy Liên Đoàn ».
2) Từ 23 đến 26 tháng 03.1951, tĩnh tâm mùa Phục Sinh, tại Villa Mansère, Clamart. Có 55 người tham dự, gồm linh mục, giáo dân và một số thân hữu chưa công giáo.
3) Rồi ngày 07/04/1951, cha Giản lại biên một thơ cho Đức Khâm Sứ John DOOLEY ở Hà Nội, trình bày 3 điểm :
a) Đề cao Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam ở Paris như một xứ đạo ;
b) Liên Đoàn cần có một tuyên úy, được bổ nhiệm chính thức và các cha Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam có dư nhân lực để đảm nhiệm ;
c) Xin yểm trợ tài chánh cho Liên Đoàn, đặc biệt về tiền thuê trụ sở.
4) Trong Đại hội 01/07/1951, anh Trần Hữu Phương đã làm một bản bá cáo tổng quát về hai năm sinh hoạt của Liên Đoàn, 1949/1950-1950/1951. Về “Việc giúp đỡ nhau“, anh viết : “Tuy chỉ có những phương thế rất hẹp hòi, Liên Đoàn cũng không quên việc giúp đỡ lẫn nhau, dựa vào những ban chuyên môn. Ban cứu trợ : Lo tổ chức việc tiếp đón các bạn đỗ trọ tại phòng ngụ chung, trong lúc đợi tìm nhà ở hay việc làm. Trong năm học vừa qua, mỗi tháng Liên Đoàn rước non 15 bạn qua đàng. Ban xã hội : Giữ việc giao dịch với các cơ quan công giáo hay xã hội khác, giao thiệp với các gia đình Pháp-Bỉ hảo tâm, muốn rước những anh chị em trong các kỳ nghỉ phục sinh, sinh nhật và hè. Trong năm 1949, có hơn 60 gia đình rước các bạn trong các dịp nghỉ ấy. Việc vào các gia đình như vậy, giúp các bạn vừa nghỉ khoẻ, vừa có thể quan sát cách tổ chức nội trợ bên trong, cách nuôi nấng giáo dục con cái, và nhờ thế mà hiểu đặng tinh thần gia đình các xứ văn minh Âu Tây. Trái lại, như đã nhận thấy trong nhiều bức thơ ; các gia đình ấy cám ơn ảnh hưởng tốt các bạn đã gieo vào gia đình trong lúc nghỉ. Liên Đoàn hiện đang có những giao thiệp với những cơ quan công giáo, như Pax Romana.
33. Nhiệm kỳ của Linh mục Nguyễn Quang Lãm, 1951-1952
1951
1) Ngày 01/07/1951, Hàng Giáo Phẩm Việt Nam đã chính thức cử linh mục Nguyễn Quang Lãm làm tuyên úy của Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp và cử ĐC Hoàng Văn Đoàn, GM Bắc Ninh, làm Đại Diện Hàng Giáo Phẩm Việt Nam để bảo trợ Liên Đoàn. (Xin xem Bài đọc thêm, Tài liệu lịch sử số 3)
2) 01.07.1951, Đại Hội Nghị của Liên Đoàn tại trụ sở, số 36 bis, Bd Raspail. Ban Trung Ương quyết định đổi tên tờ « Thông Tin » thành tờ « Liên Đoàn », cơ quan thông tin và ngôn luận chính thức của Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp, do Lm Lương Kim Định làm chủ nhiệm và anh Trần Phong làm chủ bút.
3) Ngày 24/07/1951, Đức Khâm Sứ Dooley trả lời cho cha Giản và cho biết: Ngài rất thán phục sinh hoạt của Liên Đoàn. Ngài đã vận động, và được sự đồng ý của ĐC Phạm Ngọc Chi cho cha Nguyễn Quang Lãm làm tuyên úy cho Liên Đoàn. Ngài cũng đề nghị với Đức Tổng Giám Mục Paris về việc này.
4) Tuyên Úy và Ðoàn trưởng Ðoàn Sinh Viên Công Giáo (Paris): lm Nguyễn Quang Lãm, anh Trần Ngọc Oành (Kỹ sư). Những sinh hoạt điển hình chung của Liên Ðoàn là: Cấm phòng, Hội học diễn thuyết và trại hè.
5) Sau đó, Đức Khâm Sứ cũng thông báo cho cha tuyên úy biết rằng trong Đại Hội Đống 16 giám mục tại Việt Nam, tại Hà Nội, 5-9/11/1951, Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp là 1 trong những vấn đề đã được đem ra bàn luận và đã có quyết định là cử Đức Cha Hoàng Văn Đoàn, GM Bắc Ninh, làm Đại Diện Hàng Giáo Phẩm VN để bảo trợ Liên Đoàn. Như vậy, Bản Ðiều Lệ LĐCGVN-P cuối cùng, cũng đã được Hàng Giám Mục Việt Nam nhìn nhận ngày 09.11.1951.
Trần Văn Cảnh
Bài viết khác
BÀI 20 : LỜI PHI LỘ, LỜI CÁM ƠN và MỤC LỤC.
Bài 19 PHỤ LỤC 2 GIỚI THIỆU GIÁO SƯ TRẦN VĂN CẢNH VÀ NHỮNG SINH HOẠT CỦA ÔNG TẠI GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS
Bài 18: PHỤ LỤC 1 ẢNH HƯỞNG SÂU RỘNG CỦA NHỮNG BÀI TƯỜNG THUẬT CỦA GS TRẦN VĂN CẢNH
Bài 17 - LỜI KẾT
Bài 16 - TÓM KẾT THỜI KỲ III, THỜI KỲ TRƯỞNG THÀNH, 1980-2013
Bài 15 - CHƯƠNG 11 - GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN HỘI NHẬP MỤC VỤ TỔNG GIÁO PHẬN PARIS, 2008-2013
Bài 14b - CHƯƠNG 10 - GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN VÀ TỰ LẬP TÀI CHÁNH, 2002-2007
Bài 14 - CHƯƠNG 10 - GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN VÀ TỰ LẬP TÀI CHÁNH, 2002-2007
Bài 13 - CHƯƠNG 9 : GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA, CƠ SỞ VẬT CHẤT VÀ LIÊN ĐỚI XÃ HỘI, 1997-2001
Bài 12 - CHƯƠNG 8 : GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN VĂN HOÁ GIÁO DỤC, 1984-1989
Bài 11 - CHƯƠNG 7 GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN VĂN HOÁ GIÁO DỤC, 1984-1989
Bài 10b - CHƯƠNG 6 GIAI ĐOẠN XÂY DỰNG CƠ CẤU TỔ CHỨC, 1980-1983
Bài 10 - CHƯƠNG 6 GIAI ĐOẠN XÂY DỰNG CƠ CẤU TỔ CHỨC, 1980-1983
Bài 9 - TÓM KẾT THỜI KỲ II, THỜI KỲ THÀNH LẬP VÀ PHÁT TRIỂN, 1947-1980
Bài 8 - Chương 5 : GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN, GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS, 1977-1980
Bài 7 - Chương 4 : GIAI ĐOẠN LỚN LÊN, TỔ CHỨC TRUYỀN GIÁO VIỆT NAM TẠI PHÁP, 1952-1977
Bài 6 - GIAI ĐOẠN THÀNH LẬP LIÊN ĐOÀN CÔNG GIÁO VIỆT NAM TẠI PHÁP, 1947-1952
Bài 5 - TÓM KẾT THỜI KỲ I, THỜI KỲ KHAI PHÁ, 1787-1947
Bài 4 - CHƯƠNG 2 : GIAI ĐOẠN NHỮNG TỔ CHỨC SƠ BỘ, 1942-1947
Bài 3 : CHƯƠNG 1 : GIAI ĐOẠN NHỮNG BƯỚC CHÂN KHAI PHÁ, 1787-1942