Bài 3 : CHƯƠNG 1 : GIAI ĐOẠN NHỮNG BƯỚC CHÂN KHAI PHÁ, 1787-1942
Trần Văn Cảnh
LTS : « LỊCH SỬ BIÊN NIÊN GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS 1787-2013 » là tác phẩm thứ 32 mà Ban Tu Thư Giáo Xứ Việt Nam Paris vừa soạn để mừng 30 năm thành lập Hội Đồng Mục vụ Giáo xứ Việt nam Paris, 1983-2013 và 30 năm phát hành báo « Giáo xứ Việt nam », 1984-2014.
Chúng tôi xin được hân hạnh giới thiệu tác phẩm này với quí độc giả.
Xin Thiên Chúa, Đức Mẹ, Thánh Giuse và các Thánh tiền nhân Tử Đạo Việt Nam chúc lành cho tất cả chúng ta.
bài 3 :
CHƯƠNG 1 : GIAI ĐOẠN NHỮNG BƯỚC CHÂN KHAI PHÁ, 1787-1942
PHẦN I
THỜI KỲ KHAI PHÁ, GIÁO XỨ CHƯA ĐƯỢC CÔNG NHẬN, 1787-1947
Giáo sĩ Âu châu đầu tiên đến rao truyền đạo Công Giáo cho người Việt Nam có tên là I-nê-khu. Ông đến giảng đạo ở làng Ninh Cường, làng Quần Anh, thuộc huyện Nam chân và ở làng Trà Lũ, thuộc huyện Giao Thủy vào năm 1533, thời vua Trang Tông nhà Lê. Một số giáo sĩ khác đã theo chân Inêkhu vào giảng đạo ở Việt Nam.
Trong những người Việt Nam đầu tiên đã trở lại đạo Công Giáo, có nhiều người quan quyền hay hoàng tộc, có hiểu biết. Công tử Đỗ Hưng Viễn, con quan đại thần triều Lê trung hưng, là người Việt Nam đầu tiên nhập đạo công giáo vào khoảng những năm 1560-1570. Người thứ hai là công chúa Mai Hoa, chị của Hoàng Tử Lê Thái Tông, được rửa tội vào năm 1591. Sau đó, Năm 1624, tại Thuận Hóa, Giáo sĩ De Pina dạy giáo lý cho bà Minh Ðức Vương Thái Phi (1568-1648), vợ của chúa Nguyễn Hoàng và ban phép Thánh Tẩy cho bà với thánh hiệu Maria Madalena. Năm 1627 tới thủ đô Kẻ Chợ (Hà Nội), Cha Đắc Lộ đã được tiếp kiến chúa Trịnh Tráng hồi đó xưng hiệu là Thanh Ðô Vương. Trong quãng thời gian ở tại thủ đô, ngài đã khuyên được em gái chúa Trịnh Tráng trở lại đạo Công Giáo mang thánh hiệu là Catarina, còn chính chúa Thanh Ðô Vương đã cho phép ngài lập nhà thờ bên cạnh đền vua.
Theo gương những vị hoàng tộc, những trí thức và những sư sãi tân tòng này, nhiều người dân bình thường khác đã nhập đạo. Đến năm 1659, kết quả truyền giáo thật là quan trọng, dẫu chưa có giám mục và giáo phận nào, nhưng đã có khoảng 100.000 tín hữu công giáo Việt Nam, 20.000 trong Nam ; 80.000 ngoài Bắc, qui tụ quanh 340 nhà thờ. Cùng với các thừa sai khác, cha Đắc Lộ đã khai sinh ra Chữ Quốc Ngữ. Đến năm 1802, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đã có một cơ cấu tổ chức, gồm 3 địa phận : Hà Nội (1659), Qui Nhơn (1659) và Hải Phòng (1679), với 121 linh mục Việt Nam và 320.000 tín hữu.
Những bước chân Việt nam đầu tiên khai phá đến Pháp là 45 người trong phái đoàn ngoại giao, do Nguyễn Vương sai sang cầu viện nước Pháp vào năm 1787. Phái đoàn này có hai giáo sĩ công giáo : giám mục công giáo Bá Đa Lộc làm trưởng đoàn và linh mục Phaolồ Hồ Văn Nghi làm thông ngôn. Không thành công nơi chính phủ Pháp, Đức cha Bá Đa Lộc đã vận động riêng nơi những người quen biết của mình sang giúp Nguyễn vương. Nhờ vậy, Nguyễn Vương đã thắng nhà Tây Sơn và xưng đế hiệu năm 1802.
Thành công lập lên cơ đồ Nhà Nguyễn, vua Gia Long giữ ba người đã theo Đức Cha Bá Đa Lộc sang giúp mình làm quan trong triều là các ông Vannier, Chaigneau và Despiau. Về vấn đề tôn giáo, vua Gia Long không phá hoại đạo công giáo, nhưng cũng không bỏ những dụ cấm đạo thời trước và cũng không nâng đỡ đạo. Còn ba vua kế nghiệp Gia Long thì đã thẳng tay cấm và giết đạo. Đó là các vua Minh Mệnh, Thiệu Trị và Tự Đức.
Như vậy, bước chân của những người Việt Nam công giáo đầu tiên đến Pháp là giáo sĩ công giáo, cha Phaolô Hồ Văn Nghi. Ngài đến Pháp do sứ mệnh quốc gia và vào năm 1787. Những người Việt nam công giáo khác kế tiếp đến Pháp, là những ai? Có cùng một lý do không, hay vì những lý do khác? Những lý do nào?
Khi những người Việt Nam công giáo đến Pháp đông hơn, thì sinh hoạt của họ là thế nào? Có gặp gỡ nhau và quy tụ lại với nhau không? Trong những tổ chức nào? Vì những mục tiêu nào? Có những hành động nào?
Đặt vấn đề như vậy, trong phần I này, về Thời Kỳ Khai Phá, ghi nhận những bước chân khai phá Công giáo Việt Nam tại Pháp, chúng ta sẽ tìm kiếm và ghi nhận những hành động của những người Công Giáo Việt Nam đầu tiên đến Pháp, khởi đầu vào năm 1787, với một giáo sĩ và kết thúc vào năm 1947, khi tổ chức «Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp» được Giáo Hội Pháp công nhận.
Hai loạt câu hỏi trên đây sẽ lần lượt được trả lời qua những ghi nhận trong chương 1 và 2 dưới đây :
Chương 1: Giai đoạn Những bước chân khai phá,1787-1942: Đức cha Bá Đa Lộc, Hoàng Tử Cảnh, Cha Phaolô Hồ Văn Nghi, Thầy Lê Húc, Ông Nguyễn Trường Tộ, Cha Nguyễn Hoàng, Ông Trương Vĩnh Ký, Thầy Nguyễn Ngọc Tuyên, Thầy Nguyễn Hữu Thơ, Cụ Nguyễn Hữu Bài, Đức cha Nguyễn Bá Tòng, những lính thợ, những sinh viên, học sinh, Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy, Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan, …
Chương 2: Giai đoạn Những tổ chức sơ bộ,1942-1946: Hội Công Giáo Việt Nam ở Paris, Hội Việt Nam Du Học Giáo Sĩ Đoàn, Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp.
CHƯƠNG 1
GIAI ĐOẠN NHỮNG BƯỚC CHÂN KHAI PHÁ, 1787-1942
1787
1.Ngày 28.11.1787, Đức cha Bá Đa Lộc (Pierre Pigneaux de Béhaine) đại diện phái đoàn Việt Nam, được ủy quyền của Nguyễn Phúc Ánh, ký hiệp ước Versailles, ở nước Pháp. Phái đoàn gồm Đức Cha Bá Đa Lộc, Hoàng tử Cảnh và những người sau đây : Quan phó vệ úy Phan Văn Nhân, Chánh cai cơ Nguyễn Văn Liêm, 40 binh sĩ và Linh mục Phaolô Hồ Văn Nghi. Phái đoàn Việt Nam 45 người này đã được Nguyễn Vương trao quốc ấn và quốc thư, sai « sang thương nghị với chính phủ Pháp để xin viện binh »[1].
1824
1. Ngày 11.12.1824, Ông Chaigneau, công thần khai quốc của Vua Gia Long, đến Việt Nam từ năm 1794, có vợ Việt Nam công giáo là bà Hồ Thị Huề, công giáo thuộc họ Phường Đúc, đã chết, đã mang 11 con về Pháp. 2. Cùng ngày,Ông Vannier, cũng là công thần khai quốc của Vua Gia Long, đến Việt Nam từ năm 1789, đã cùng vợ công giáo Việt Nam là bà Madeleine Nguyễn Thị Sen, công giáo đạo dòng, và 10 con về Pháp. 3. Như vậy, vào năm 1824-1825, một cộng đoàn công giáo Việt Pháp đầu tiên đã được thành lập tại Pháp với 24 người, trong đó 12 người của gia đình Vannier-Nguyễn và 12 người thuộc gia đình Chaigneau-Hồ.
1840
1. Ngày 02.11.1840, Thầy giảng Lê Húc đã được vua Minh Mạng gửi đi làm thông ngôn trong Phái Đoàn Việt Nam do Tư Vụ Trần Viết Xương làm trưởng đoàn, gồm có thư lại Tôn Thất Thường và 2 thông ngôn, mà một là thầy giảng Lê Húc. Phái đoàn có mục đích tìm hiểu thái độ của Pháp đối với Việt Nam, đã đi trên tàu l’Alexandre, cập bến Locmarvaquer, Vannes [2].
1859-1860
1. Ông Nguyễn Trường Tộ được giám mục Gauthier đưa qua Hương Cảng, Singapore, Thụy Sĩ. Trên đường đi ông có ghé Rôma yết kiến Đức Giáo hoàng rồi cuối cùng sang Paris theo học trong gần 2 năm. Ông đã tận dụng thời gian này để học hỏi các khoa học kỹ thuật thực dụng của Pháp. Nhờ đó, ông đã soạn thảo 58 tập điều trần từ 1863 đến 1871.
1863 1. Một linh mục, cha Nguyễn Hoàng, và 1 giáo dân, Ông Trương Vĩnh Ký, đã được vua Tự Đứcgửi đi làm thông dịch viên trong phái đoàn Phan Thanh Giản sang Pháp thương thuyết việc chuộc lại 3 tỉnh miền Đông, Nam Việt là : Biên Hòa, Gia Định và Định Tường.
2. Phái đoàn cũng đã tiếp xúc với Michel Đức Chaigneau (tác giả cuốn « Souvenir de Huê) và 2 mẹ con bà Vannier Nguyễn Thị Sen là bà Sen và con gái út là Marie Vannier, từ Lorient lên Paris.
1864
1. Hai thầy Ignatiô Nguyễn Ngọc Tuyên và Antôn Maria Nguyễn Hữu Thơ được GM Joseph Sohier Bình, MEP, dẫn sang Rôma triều yết ĐGH PIÔ IX, rồi đến Pháp học tiếp.
1865
1. Hai thầy Tuyên và Thơ đã được thụ phong linh mục ngày 5/04/1865 tại Le Mans.
1867
1. Ngày 10 tháng 1 năm 1867, phái đoàn Nguyễn Trường Tộ đáp tàu L’orne đi Pháp. Trong 8 tháng ở đây, họ đã mua sách vở, dụng cụ, máy móc...để lập trường học kỹ thuật ở Huế, (theo lệnh vua Tự Đức [ ]). Ngoài ra, Giám mục Gauthier cũng đã tới Bộ Ngoại giao Pháp, Bộ Hàng hải và Thuộc địa Pháp để xin tài trợ cho các chương trình của mình; đồng thời tiếp xúc với một số thương gia và kỹ nghệ gia người Pháp. Ngày 25.11.1867, phái đoàn trở về Việt Nam [ ].
1868
1. Ngày 29.02.1868, phái đoàn Giám mục Gauthier và Nguyễn Trường Tộ về tới Huế. Cùng theo về còn có hai Linh mục, một giáo dân (bác sĩ Hemaiz) và một người thợ máy (tất cả đều là người Pháp, và đều do Giám mục Gauthier vận động được). Sau khi xem xét các thứ mua về cho trường học và các thứ mà Bộ Hàng hải Pháp gửi tặng, vua Tự Đức cho phép Giám mục Sohier được xây trường học kỹ thuật trên mảnh đất đã đề nghị (nằm giữa nhà thờ Kim Long và Tòa Giám mục Huế). Theo tờ tấu của Viện Cơ mật, đề ngày 04.03.1868, thì sau đó các thành viên trong đoàn đều đã được nhà vua ban thưởng tiền và lụa [ ].
1900
1. Phương tiện di chuyển hàng hải Việt-Pháp dễ dàng hơn. Nhiều người Việt Nam lợi dụng việc thâu nhận người Việt Nam làm cho các tầu bè Pháp, đã xin làm bồi tầu để sang Pháp.
2. Hồ chí Minh đã xin được làm bồi cho tầu l’Amiral Latouche–Tréville vào năm 1911.
1914-1918
1. Đệ I thế chiến. Khoảng 50.000 người Việt Nam đã được mang sang Pháp để tham chiến với «Mẫu Quốc», trong đó có nhiều người công giáo.
2. Báo cáo ngày 11.01.1916 của ông Sauvin ghi nhận 8.550 người Miền Nam bị bắt sang Pháp, trong đó, 2.000 lính pháo thủ, 3.250 giúp việc quân y, 250 lo việc quân nhu, 3.000 thợ không chuyên môn, và 50 thông dịch viên.
3. Trong Chiến Tranh, vào những năm 1916-1918, cha Emile Jean Raynaud, MEP, đã được điều động từ Hà Nội về Pháp làm Tuyên Úy quân đội ở Mautauban và Toulouse. Cha Raynaud cùng thượng sĩ công giáo Đổ Văn Khánh đã phục vụ đắc lực cho những lính thợ ở 2 xưởng kỹ nghệ Arsenal và Poudrerie ở Toulouse. Đây là Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam thứ hai ở Pháp.
4. Chiến tranh kết thúc, một số người đã ở lại Pháp, tạo thành những cộng đoàn Việt Nam mới ở Pháp: Toulon, Marseille, Montpellier, Avignon, Lyon, Clermont-Ferrand, Bordeaux, Paris, Rouen. Chắc hẳn có nhiều người công giáo trong các cộng đoàn này.
1919
1. Sau thế chiến 1914-1918 và trước chiến tranh 1939-1945, khoảng 1500 sinh viên Việt Nam sang du học tại Pháp, trong đó có một số sinh viên công giáo.
1922
1. Cụ Nguyễn Hữu Bài theo vua Khải Định đi Pháp vận động Pháp trao trả Bắc Kỳ lại cho Triều Đình Huế.
2. Ngày 15.06.1922, theo vua cha Khải Định sang Pháp dự triển lãm Marseille, Bảo Đại ở lại đây học trường trung học Condorcet từ 1922 đến 1932, và trường Sciences Po từ 1930 dến 1932. Trong thời gian học tập 10 năm này, hai lần Ngài trở về Việt Nam. Lần một, từ tháng 2 đến tháng 11.1924, để dự lễ tứ tuần vua cha Khải Định. Và lần hai, từ tháng 11.1925 đến tháng 03.1926, để thọ tang vua cha Khải Định mất ngày 06.11.1925, và để kế vị làm vua ngày 08.01.1926, với niên hiệu Bảo Đại.
1926
1. Năm 1926, Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan (Nam Phương Hoàng Hậu tương lai), công giáo, khi đó 12 tuổi, được gia đình cho sang Pháp học tại trường Couvent des Oiseaux, một trường nữ danh tiếng ở Paris do các nữ tu điều hành. Tháng 09 năm 1932, sau khi thi đậu tú tài toàn phần, Nguyễn Hữu Thị Lan về nước trên con tàu D’Artagnan của hãng Messagerie Maritime.
1932
1. Tháng 09.1932, Bảo Đại hồi loan trở về nước, chính thức làm vua.
1933 (02/07)
1. Là Giám Mục Việt Nam đầu tiên và được thụ phong tại Rôma do Đức Giáo Hoàng PIÔ XI ngày 11/06/1933 cùng với 4 Giám mục Á châu khác (1 Ấn Độ và 3 Trung Hoa), Đức cha Nguyễn Bá Tòng đã được Đức Hồng Y Jean Verdier, Tổng Giám Mục Paris, mời đến Nhà Thờ Đức Bà Paris.
2. Ở đây, ngài đã lên tòa giảng, ngỏ lời cám ơn Giáo Hội Pháp và Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris (MEP) đã góp công rất lớn vào việc truyền giáo ở Việt Nam.
1939
1. Rất đông người Việt Nam đã được tuyển chọn sang Pháp tham dự chiến tranh, làm « lính thợ ».
2. Cuối 1939 đầu 1940, số thợ Việt Nam đã lên tới 20.000 và lính là 14.000, tổng cộng là 34.000, trong đó có những người công giáo.
1941
1. Một số người Việt Nam được gửi đến vùng Camargue để khai thác việc trồng lúa.
2. Một số khác được gửi đi xây dựng các công thự, pháo đài phòng thủ dọc theo bờ biển.
3. Vào tháng 08 năm 1941, theo một thống kê về người Việt Nam ở vùng Vaucluse, thì ở Marseille có 4.200 người, ở Agde có 3.000, ở Bergerac có 2.400, ở Sorgue có 4.100, ở Lyon-Vénissieux có 1.300; Tổng cộng là 15.000 người tất cả. (đến đầu tháng giêng, năm 1951, sau nhiều đợt hồi hương, còn lại khoảng 3000 lính thợ đến Pháp trong Đại Chiến thứ II. Tất cả đều xin ở lại Pháp).
______________________________________________________________
[1] Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Q. 2, tr. 109-111
[2] Phan Phát Huồn, Việt Nam Giáo Sử, 1997, tr. 461
Bài viết khác
BÀI 20 : LỜI PHI LỘ, LỜI CÁM ƠN và MỤC LỤC.
Bài 19 PHỤ LỤC 2 GIỚI THIỆU GIÁO SƯ TRẦN VĂN CẢNH VÀ NHỮNG SINH HOẠT CỦA ÔNG TẠI GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS
Bài 18: PHỤ LỤC 1 ẢNH HƯỞNG SÂU RỘNG CỦA NHỮNG BÀI TƯỜNG THUẬT CỦA GS TRẦN VĂN CẢNH
Bài 17 - LỜI KẾT
Bài 16 - TÓM KẾT THỜI KỲ III, THỜI KỲ TRƯỞNG THÀNH, 1980-2013
Bài 15 - CHƯƠNG 11 - GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN HỘI NHẬP MỤC VỤ TỔNG GIÁO PHẬN PARIS, 2008-2013
Bài 14b - CHƯƠNG 10 - GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN VÀ TỰ LẬP TÀI CHÁNH, 2002-2007
Bài 14 - CHƯƠNG 10 - GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN VÀ TỰ LẬP TÀI CHÁNH, 2002-2007
Bài 13 - CHƯƠNG 9 : GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA, CƠ SỞ VẬT CHẤT VÀ LIÊN ĐỚI XÃ HỘI, 1997-2001
Bài 12 - CHƯƠNG 8 : GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN VĂN HOÁ GIÁO DỤC, 1984-1989
Bài 11 - CHƯƠNG 7 GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN VĂN HOÁ GIÁO DỤC, 1984-1989
Bài 10b - CHƯƠNG 6 GIAI ĐOẠN XÂY DỰNG CƠ CẤU TỔ CHỨC, 1980-1983
Bài 10 - CHƯƠNG 6 GIAI ĐOẠN XÂY DỰNG CƠ CẤU TỔ CHỨC, 1980-1983
Bài 9 - TÓM KẾT THỜI KỲ II, THỜI KỲ THÀNH LẬP VÀ PHÁT TRIỂN, 1947-1980
Bài 8 - Chương 5 : GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN, GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS, 1977-1980
Bài 7 - Chương 4 : GIAI ĐOẠN LỚN LÊN, TỔ CHỨC TRUYỀN GIÁO VIỆT NAM TẠI PHÁP, 1952-1977
Bài 6 - GIAI ĐOẠN THÀNH LẬP LIÊN ĐOÀN CÔNG GIÁO VIỆT NAM TẠI PHÁP, 1947-1952
Bài 5 - TÓM KẾT THỜI KỲ I, THỜI KỲ KHAI PHÁ, 1787-1947
Bài 4 - CHƯƠNG 2 : GIAI ĐOẠN NHỮNG TỔ CHỨC SƠ BỘ, 1942-1947
Bài 3 : CHƯƠNG 1 : GIAI ĐOẠN NHỮNG BƯỚC CHÂN KHAI PHÁ, 1787-1942