Bài 2 - LỜI MỞ : Mục tiêu, phương pháp và nội dung.
Trần Văn Cảnh
LTS : « LỊCH SỬ BIÊN NIÊN GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS 1787-2013 » là tác phẩm thứ 32 mà Ban Tu Thư Giáo Xứ Việt Nam Paris vừa soạn để mừng 30 năm thành lập Hội Đồng Mục vụ Giáo xứ Việt nam Paris, 1983-2013 và 30 năm phát hành báo « Giáo xứ Việt nam », 1984-2014.
LỜI MỞ
Mục tiêu, phương pháp và nội dung
Đây là ấn bản 5 về «Lịch sử biên niên Giáo Xứ Việt Nam Paris, 1787-2013», tổng quát và đầy đủ nhất, sánh với 4 ấn bản trước. Ấn bản này, được soạn để mừng kỷ niệm 30 năm, 1983-2013, thành lập Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ Việt Nam Paris và để mừng 30 năm, 1984-2014, phát hành báo Giáo Xứ Việt Nam.
Ấn bản 1, 1997, dài không tới 3 trang A4, phổ biến trong tập «Kỷ yếu 50 năm thành lập Giáo Xứ Việt Nam tại Paris, 1947-1997», trong các trang 35-36 dưới tựa đề «Những sinh hoạt chính yếu khai sinh mỗi năm, từ 1980 đến 1996», và ở trang 44 dưới tựa đề «Những sáng kiến sinh hoạt nổi bật của Hội Đồng Mục Vụ và Ban Thường Vụ, 1983-1997». Ấn bản 2, 2004, trình bày từ trang 537 đến trang 541, dưới mục «Những hoạt động đã thực hiện 1980-2003 của Hội Đồng Mục Vụ» trong bài «Cây Văn Hóa Việt Nam trồng tại Giáo Xứ Paris», của tập sách «Văn hóa và Đức tin», in năm 2004.
Ấn bản 3, 2008, phổ biến trong báo «Giáo xứ Việt Nam», số 239, Janv. 2008, đặc biệt «Tọa Đàm», Kỷ niệm 25 năm Hội Đồng Mục Vụ, 60 năm Giáo Xứ Việt Nam Paris, từ trang 23 đến 31, dưới tựa đề «Các nhiệm kỳ và những thực hiện» (của HĐMV, từ 1983 đến 2007).
Ấn bản lần 4, 2011, phổ biến trong «Trần Văn Cảnh, Giáo Xứ Việt Nam Paris, 63 năm hành trình Đức Tin, 1947-2010», từ trang 21 đến trang 28, dưới tựa đề «Biên niên những sinh hoạt đã thực hiện, từ 1980 đến 1998» và từ trang 39 đến trang 52, dưới tựa đề «Biên niên những sinh hoạt chính yếu 1998-2011».
Ấn bản 1, 2, 3 và 4 chỉ giới hạn vào nhiệm kỳ Giám Đốc của cha Mai Đức Vinh, là một dụng cụ quản trị mục vụ hơn là một biên khảo lịch sử, vì chính yếu nó là bảng liệt kê những thành quả cụ thể đã thực hiện, mà tựa vào đó, chương trình tương lai sẽ được chọn lựa và thiết kế. Quản trị mục vụ là một tiến trình liên tục gồm ba việc chính: thiết kế chương trình mục vụ, tựa vào những kết quả thực tế khách quan đã đạt, với việc xác định những mục tiêu cụ thể, việc chọn lựa những phương pháp và phương tiện hữu năng và việc lập kế hoạch, xác định những giai đoạn thực hiện; thực hiện chương trình đã thiết kế, quyết chí động viên tất cả những phương tiện và tiềm lực mình có và khôn ngoan uyển chuyển thích ứng vào hoàn cảnh và môi trường chung quanh, hầu đạt được những kết quả mong muốn; theo dõi kiểm kê một cách khách quan sự thực hiện để so sánh những kết quả đã đạt hầu thẩm lượng mức độ thực hiện sánh với những mục tiêu đã xác định khi thiết kế, mà thiết kế việc sửa chữa, cải tiến tương lai. Và cứ thế tiếp tục chương trình quản trị.
Ấn bản 5 này có tham vọng vượt lên trên dụng cụ quản trị mục vụ trong một nhiệm kỳ mà vươn lên một tầm nhìn lịch sử về sự khai phá, thành lập phát triển và trưởng thành của Cộng đoàn Giáo xứ Việt nam Paris. Tầm nhìn lịch sử này đòi hỏi phải có cái nhìn lịch sử khách quan và toàn diện; đồng thời cái nhìn ấy không chỉ giới hạn vào việc ghi nhận, mà còn phải hướng tới những mục tiêu văn hóa xã hội cụ thể của công việc lịch sử, nói khác đi, phải có cái nhìn lịch sử thực dụng.
Về cái nhìn lịch sử thực dụng, tức là mục tiêu biên khảo, thì có lẽ bốn mục tiêu sau đây đã ít nhiều được tác giả ý thức và xác định. Mục tiêu thứ nhất là ghi chép, vắn tắt và theo năm, những công việc trọng yếu trong các sinh hoạt mục vụ của giáo xứ, hầu nhận ra, ý thức được những nét đặc sắc và độc đáo của cộng đoàn trong toàn thể lịch sử của nó, cũng như trong mỗi thời kỳ và trong mỗi giai đoạn nhỏ hơn. Mục tiêu thứ hai là sơ lược và vắn tắt gợi ra một phân tích nhỏ, diễn tả cái gốc ngọn, cái căn nguyên của những công việc đã được ghi chép và sự liên quan giữa những công việc ấy với nhau và có lẽ cả với những công việc khác, không được ghi chép. Cái phân tích nhỏ này được gợi ra ở lời mở và lời kết của biên khảo và của mổi thời kỳ liên hệ. Mục tiêu thứ ba là để các thế hệ hậu sinh thấy được những công việc, những sinh hoạt của các thế hệ tiền bối, cha ông đã lao tâm, lao lực, hy sinh, dấn thân thực hiện mà giúp cho giáo xứ được bền vững, phát triển và trưởng thành như ngày hôm nay. Mục tiêu thứ tư là để mọi thành phần trong giáo xứ, giáo sĩ cũng như giáo dân, hiểu biết về Giáo xứ Việt nam Paris của mình, thấy được những cái hay, cái đẹp và cả những cái bất toàn, thiếu sót, mà chấp nhận, yêu thương, quí mến nó, như nó là, hầu cố gắng vun đắp thêm, làm cho Giáo xứ Việt nam Paris của mình được trường tồn mãi, được càng ngày càng rõ là một cộng đoàn đức tin, hiệp nhất, liên đới, tương thân tương trợ, hội nhập vào Giáo hội, gần với linh đạo của các Thánh Tiền Nhân Tử Đạo Việt Nam, với Phúc Âm, với Đức Kitô, với Thiên Chúa Tình yêu.
Về cái nhìn lịch sử khách quan, tức là phương pháp biên khảo, ai cũng biết rằng bốn dữ kiện quan trọng của lịch sử là sự kiện, nhân vật, niên đại và địa danh. Mỗi sự kiện lịch sử đều có những nhân vật hành động vào một thời gian và nơi chốn nhất định. Mỗi nhân vật lịch sử đều có thể thực hiện một hay nhiều hành động là những sự kiện lịch sử, trong một thời gian và một nơi chốn khách quan.
Bốn dữ kiện của Lịch sử Giáo Xứ Việt Nam Paris biến chuyển không đồng đều. Dữ kiện địa danh thuộc Giáo xứ Việt Nam Paris, lúc đầu gồm toàn nước Pháp, rồi từ 1977, giới hạn vào vùng Paris. Ngược lại, dữ kiện sự kiện, là những hành động, lại rất phong phú. Do đó, để ghi lại những sự kiện phong phú trong lịch sử Giáo Xứ Việt Nam Paris, cái khung trình bày sẽ được tổ chức xoay quanh thời gian và nhân vật.
Lịch sử biên niên Giáo Xứ Việt Nam Paris, ghi chép theo năm, lấy đơn vị thời gian “Năm” làm đơn vị căn bản 1, để ghi nhận những sự kiện hành động đã xẩy ra với những nhân vật và tác giả liên hệ, ở những địa điểm liên hệ.
Giáo xứ là một đơn vị nền tảng của Giáo Hội, mà giáo dân là những nhân vật chính yếu của giáo xứ, đặc biệt ở Giáo Xứ Việt Nam Paris. Chính họ là những người góp phần thành lập và thực hiện các hoạt động trong giáo xứ. Sự thịnh đạt của giáo xứ tùy thuộc rất nhiều vào sự dấn thân và hành động tích cực của giáo dân. Nhưng giáo xứ cũng là một tổ chức. Mà mỗi tổ chức đều có người thủ lãnh. Người lãnh đạo trong giáo xứ là cha sở. Ngài là nhân vật quan trọng nhất trong giáo xứ, vì ngài là người quyết định thực hiện hay cho phép thực hiện những công việc trong giáo xứ, với những cộng tác viên rõ rệt minh bạch, vào những ngày tháng và địa điểm khách quan, cụ thể. Do đó, nhiệm kỳ giám đốc một năm hay nhiều năm của một cha sở hay giám đốc là một đơn vị bao gồm nhiều năm, được gồm tóm trong đơn vị cao hơn. Đó là đơn vị 2: “Giám Đốc”.
Trong dòng lịch sử, có sự biến chuyển phát sinh, tạo thành những giai đoạn, gồm một hay nhiều giám đốc. Các giai đoạn phát sinh có thể phát sinh theo những đường hướng khác nhau. Do đó, những giai đoạn có thể được xếp đặt, hoặc theo lãnh vực: khai phá, tổ chức; hoặc theo qui chế hay tên gọi: Liên Đoàn, Tổ chức Truyền Giáo, Giáo Xứ; hoặc theo chương trình, dự án: Cơ cấu, Đời sống Thiêng Liêng, Văn hóa Giáo dục, Xã hội Gia đình, Cơ sở Vật chất, Tự lập tài chánh, Hội nhập Mục Vụ Tổng Giáo Phận Paris,... Đó là đơn vị 3 :“Giai Đoạn”.
Ở đơn vị “Giai Đoạn”, có nhiều giai đoạn cùng một loại sẽ tạo thành đơn vị dài hơn. Đó là đơn vị thứ 4: “Thời Kỳ”.
Về cái nhìn lịch sử toàn diện, tức là nội dung biên khảo ghi nhận, ấn bản 5 này rõ rệt không chỉ ghi nhận những hành động trong thời kỳ của Nhiệm Kỳ Giám Đốc hiện nay của Đức Ông Mai Đức Vinh (1980- ), nhưng bao hàm cả thời kỳ của tám Nhiệm Kỳ Giám Đốc trước (1947-1980), nghĩa là ghi nhận toàn thể lịch sử chính thức của Giáo Xứ Việt Nam Paris, từ lúc nó, nói theo tiếng nhà đạo, được «rửa tội», được Giáo Quyền Pháp công nhận vào năm 1947. Nhưng lịch sử không chỉ là lịch sử của những sự kiện chính thức được công nhận. Thực tế cho thấy đã có một thời gian rất dài, với nhiều công việc và nhân vật, từ năm 1787, năm mà có bước chân khai phá đầu tiên đến Pháp của người Việt Nam công giáo, được dẫn đường bởi một giám mục Pháp. Những công việc, niên đại, nhân vật và địa điểm trong thời kỳ 1787-1947, dẫu chưa được công nhận, nhưng khách quan mà nói, đã thực sự là những yếu tố góp phần vào việc làm nên lịch sử chính thức của Giáo xứ. Nếu không có những bước chân khai phá trong 160 năm, 1787-1947, thì có lẽ sẽ chẳng bao giờ có lịch sử chính thức được công nhận của Giáo xứ Việt Nam Paris, trong 66 năm tiếp theo, 1947-2013. Đó là lý do mà, trong tập «Lịch sử biên niên Giáo Xứ Việt Nam Paris, 1787-2013» này, chúng tôi sẽ thêm thời kỳ mà Giáo Xứ chưa được công nhận, 1787-1947, mà không quên thời kỳ Giáo Xứ bắt đầu được thành lập, lớn lên và phát triển, 1947-1980, để đi tới thời kỳ trưởng thành, 1980-2013.
Cái nhìn toàn diện như vậy về “Lịch sử biên niên Giáo Xứ Việt Nam Paris” tôn trọng sự biến đổi của lịch sử. Lịch sử biến đổi liên tục, biến đổi có thể không theo một hướng cấu trúc duy nhất nào, nhưng tất cả các biến đổi lịch sử đều biến đổi theo thời kỳ phát sinh. Nói khác đi, mỗi thời kỳ biến chuyển theo một hướng phát sinh cá biệt của nó, trong đó, có những giai đoạn khác nhau. Thời kỳ I, thời kỳ Giáo Xứ chưa được công nhận, chưa có giám đốc, chưa có tổ chức, sẽ được gọi là Thời kỳ Khai Phá. Trong thời kỳ II, Giáo Xứ đã được công nhận, có giám đốc, có tổ chức, có ba tên gọi diễn tả sự thành lập, lớn lên và phát triển sẽ được gọi là Thời kỳ Thành lập và Phát triển. Thời kỳ III, dưới quyền Giám Đốc của Đức Ông Mai Đức Vinh, đi theo một hướng hoàn toàn khác, hướng phát triển về các lãnh vực khác nhau: cơ cấu tổ chức, thiêng liêng, văn hóa, giáo dục, xã hội, cơ sở, tài chánh, hội nhập Tổng Giáo Phận Paris,…sẽ được gọi là Thời Kỳ Trưởng Thành.
Xác định ba cái nhìn lịch sử như vậy, cấu trúc của tài liệu “Lịch sử biên niên Giáo Xứ Việt Nam Paris 1787-2013”, ấn bản thứ năm này, khởi đầu từ bước chân khai phá của người Việt Nam công giáo đầu tiên đến Pháp vào năm 1787, và tạm kết thúc vào ngày 31.12.2013, sẽ được xây dựng qua ba thời kỳ.
Thời kỳ I: Khai Phá. Đây là thời kỳ dài 160 năm, 1787-1947, trong đó Giáo Xứ Việt Nam Paris chưa được công nhận. Nhưng là thời kỳ quan trọng, vì nhờ những bước chân khai phá, ban đầu chỉ đến rồi đi, dần dà, đến và ở lại, rồi tiến tới việc tổ chức sơ bộ, chuẩn bị cho thời kỳ thứ hai. Thời kỳ thứ nhất này sẽ được phân tích theo hai giai đoạn là những bước chân khai phá và những tổ chức sơ bộ.
Thời kỳ II: Thành lập và phát triển. Thời kỳ thứ hai dài 33 năm, 1947-1980, trong đó, Giáo Xứ Việt Nam Paris đã chính thức được Tổng Giáo Phận Paris công nhận với ba tên gọi khác nhau. Ba tên gọi này sẽ là ba giai đoạn của thởi kỳ thứ hai : Thành lập với Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp từ năm 1947, rồi Lớn lên với Tổ Chức Truyền Giáo Việt Nam tại Pháp từ năm 1952, và Phát triển với Giáo Xứ Việt Nam Paris từ năm 1977.
Thời kỳ III: Trưởng Thành. Dài 33 năm, 1980-2013, thời kỳ thứ ba được điều khiển do Đức Ông Giuse Mai Đức Vinh, qua nhiều Nhiệm Kỳ Giám Đốc được tái bổ nhiệm liên tục. Giáo Xứ hoàn toàn trưởng thành và tự lập. Sáu chương trình đã được thiết kế và thực hiện. Mỗi chương trình sẽ là tên của một giai đoạn trong thời kỳ thứ ba này. Xây dựng và Phát triển cơ cấu tổ chức từ 1980; Xây dựng và Phát triển mục vụ văn hóa giáo dục từ 1983; Xây dựng và Phát triển mục vụ thiêng liêng gia đình từ 1990; Xây dựng và Phát triển mục vụ cơ sở vật chất và liên đới xã hội từ 1997; Xây dựng và Phát triển mục vụ tự lập tài chính từ 2002; và Xây dựng và Phát triển mục vụ hội nhập Tổng Giáo Phận Paris từ 2008.
Trên đây là những ý lực hướng dẫn thực hiện cuốn sách này. Tuy nhiên lực bất tòng tâm, dẫu đã cố gắng hết sức, vẫn còn nhiều vụng về, thiếu sót, chưa thực hiện được như ý muốn. Xin quý độc giả rộng lượng và khoan dung thứ lỗi cho ; Và xin đón nhận cuốn sách này như một món quà quý mà tác giả muốn kính biếu, nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ Việt Nam Paris, 1983-2013 và 30 năm phát hành báo «Giáo Xứ Việt Nam», 1984-2014.
Xin Thiên Chúa, Đức Mẹ, Thánh Giuse và các Thánh tiền nhân Tử Đạo Việt Nam chúc lành cho tất cả chúng ta.
Paris, ngày 30 tháng 10 năm 2013
Trần Văn Cảnh
MỤC LỤC
|
|
|
|
|
|
|
|
LỜI CÁM ƠN
|
7
|
MỤC LỤC
|
8
|
LỜI GIỚI THIỆU CỦA ĐỨC ÔNG MAI ĐỨC VINH, GIÁM ĐỐC GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS
|
11
|
LỜI MỞ
|
15
|
PHẦN I : THỜI KỲ KHAI PHÁ, GIÁO XỨ CHƯA ĐƯỢC CÔNG NHẬN, 1787-1947
|
33
|
Chương 1 : Giai Đoạn Những bước chân khai phá, 1787-1942
|
26
|
Chương 2 : Giai Đoạn Những tổ chức sơ bộ, 1942-1947
|
33
|
Tóm kết Thời kỳ I, Thời kỳ Khai phá, 1787-1947
|
41
|
Những tấm hình đáng ghi nhớ 1
|
45
|
PHẦN II : THỜI KỲ THÀNH LẬP VÀ PHÁT TRIỂN, GIÁO XỨ ĐƯỢC CÔNG NHẬN,
1947-1980
|
47
|
Chương 3 : Giai Đoạn Thành lập, Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp,
1947-19521
|
51
|
Nhiệm kỳ của Linh mục Trần Văn Hiến Minh, 1947-1950
|
51
|
Nhiệm kỳ của Linh mục Trần Thanh Giản, Tuyên Úy Lâm Thời, 1950-1951
|
56
|
Nhiệm kỳ của Linh mục Nguyễn Quang Lãm, 1951-1952
|
59
|
Chương 4 : Giai Đoạn Lớn Lên, Tổ Chức Truyền Giáo Việt Nam tại Pháp,
1952-1977
|
61
|
Nhiệm kỳ của Linh mục Nguyễn Bình An, 1952-1955
|
62
|
Nhiệm kỳ của Linh Mục Trần Thanh Giản, 1955-1971
|
65
|
Nhiệm kỳ của Linh mục Nguyễn Quang Toán, 1971-1977
|
73
|
Chương 5 : Giai Đoạn Phát Triển, Giáo Xứ Việt Nam Paris, 1977-1980
|
83
|
Nhiệm kỳ của Linh mục Trương Đình Hoè, 1977-1979
|
84
|
Nhiệm kỳ của Linh mục Lương Tấn Hoằng, 1979-1980
|
90
|
Tóm kết Thời kỳ II, Thời kỳ Thành Lập và Phát Triển, 1947-1980
|
93
|
Những tấm hình đáng ghi nhớ 2
|
100
|
PHẦN III : THỜI KỲ TRƯỞNG THÀNH, GIÁO XỨ PHÁT TRIỂN MỌI MẶT, NHIỆM KỲ CỦA
ĐỨC ÔNG MAI ĐỨC VINH, 1980-2013
|
103
|
Chương 6 : Giai Đoạn Xây dựng cơ cấu tổ chức,1980-1983
|
109
|
Chương 7 : Giai Đoạn Phát triển văn hoá giáo dục, 1984-1989
|
130
|
Chương 8 : Giai Đoạn Phát triển Ðời sống thiêng liêng gia đình, 1990-1996
|
145
|
Chương 9 : Giai Đoạn Phát triển đời sống văn hóa, cơ sở vật chất và liên
đới xã hội, 1997-2001
|
163
|
Chương 10 : Giai Đoạn Phát triển và tự lập tài chánh, 2002-2007
|
188
|
Chương 11 : Giai Đoạn Phát triển hội nhập mục vụ Tổng Giáo Phận Paris,
2008-2013
|
234
|
Tóm kết thời kỳ III, Thời kỳ Trưởng Thành, 1980-2013
|
294
|
Những tấm hình đáng ghi nhớ 3
|
304
|
LỜI KẾT
|
309
|
BÀI ĐỌC THÊM, TÀI LIỆU LỊCH SỬ
|
327
|
PHỤ LỤC
|
389
|
TÀI LIỆU THAM KHẢO
|
407
|
Bài viết khác
BÀI 20 : LỜI PHI LỘ, LỜI CÁM ƠN và MỤC LỤC.
Bài 19 PHỤ LỤC 2 GIỚI THIỆU GIÁO SƯ TRẦN VĂN CẢNH VÀ NHỮNG SINH HOẠT CỦA ÔNG TẠI GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS
Bài 18: PHỤ LỤC 1 ẢNH HƯỞNG SÂU RỘNG CỦA NHỮNG BÀI TƯỜNG THUẬT CỦA GS TRẦN VĂN CẢNH
Bài 17 - LỜI KẾT
Bài 16 - TÓM KẾT THỜI KỲ III, THỜI KỲ TRƯỞNG THÀNH, 1980-2013
Bài 15 - CHƯƠNG 11 - GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN HỘI NHẬP MỤC VỤ TỔNG GIÁO PHẬN PARIS, 2008-2013
Bài 14b - CHƯƠNG 10 - GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN VÀ TỰ LẬP TÀI CHÁNH, 2002-2007
Bài 14 - CHƯƠNG 10 - GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN VÀ TỰ LẬP TÀI CHÁNH, 2002-2007
Bài 13 - CHƯƠNG 9 : GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA, CƠ SỞ VẬT CHẤT VÀ LIÊN ĐỚI XÃ HỘI, 1997-2001
Bài 12 - CHƯƠNG 8 : GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN VĂN HOÁ GIÁO DỤC, 1984-1989
Bài 11 - CHƯƠNG 7 GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN VĂN HOÁ GIÁO DỤC, 1984-1989
Bài 10b - CHƯƠNG 6 GIAI ĐOẠN XÂY DỰNG CƠ CẤU TỔ CHỨC, 1980-1983
Bài 10 - CHƯƠNG 6 GIAI ĐOẠN XÂY DỰNG CƠ CẤU TỔ CHỨC, 1980-1983
Bài 9 - TÓM KẾT THỜI KỲ II, THỜI KỲ THÀNH LẬP VÀ PHÁT TRIỂN, 1947-1980
Bài 8 - Chương 5 : GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN, GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS, 1977-1980
Bài 7 - Chương 4 : GIAI ĐOẠN LỚN LÊN, TỔ CHỨC TRUYỀN GIÁO VIỆT NAM TẠI PHÁP, 1952-1977
Bài 6 - GIAI ĐOẠN THÀNH LẬP LIÊN ĐOÀN CÔNG GIÁO VIỆT NAM TẠI PHÁP, 1947-1952
Bài 5 - TÓM KẾT THỜI KỲ I, THỜI KỲ KHAI PHÁ, 1787-1947
Bài 4 - CHƯƠNG 2 : GIAI ĐOẠN NHỮNG TỔ CHỨC SƠ BỘ, 1942-1947
Bài 3 : CHƯƠNG 1 : GIAI ĐOẠN NHỮNG BƯỚC CHÂN KHAI PHÁ, 1787-1942