Bài 1: Lời giới thiệu của Đức Ông Mai Đức Vinh, Giám Đốc GXVN Paris.
Trần Văn Cảnh
LTS : « LỊCH SỬ BIÊN NIÊN GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS 1787-2013 » là tác phẩm thứ 32 mà Ban Tu Thư Giáo Xứ Việt Nam Paris vừa soạn để mừng 30 năm thành lập Hội Đồng Mục vụ Giáo xứ Việt nam Paris, 1983-2013 và 30 năm phát hành báo « Giáo xứ Việt nam », 1984-2014.
Chúng tôi xin được hân hạnh giới thiệu tác phẩm này với quí độc giả.
Xin Thiên Chúa, Đức Mẹ, Thánh Giuse và các Thánh tiền nhân Tử Đạo Việt Nam chúc lành cho tất cả chúng ta.
Bài được phổ biến :
1. Hôm nay, 04.09.2014, Bài 1: Lời giới thiệu của Đức Ông Mai Đức Vinh, Giám Đốc GXVN Paris.
LỜI GIỚI THIỆU
CỦA ĐỨC ÔNG MAI ĐỨC VINH
GIÁM ĐỐC GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS
Tuy cùng sinh trưởng tại tỉnh Thanh Hóa, cùng xuất thân từ chủng viện Tân Thanh (Bảo Lộc, Lâm Đồng), nhưng vì cách biệt tuổi tác, tôi ra đời năm 1935 và giáo sư Trần Văn Cảnh chào đời năm 1943, nên mãi tới cuối năm 1980 chúng tôi mới thực sự quen biết nhau và cùng nhau dấn thân phục vụ Giáo Xứ Việt Nam, Paris.
Đây là sự may mắn hay là một hồng ân Chúa ban cho tôi. Ngay khi được bổ nhiệm làm Giám Đốc Giáo Xứ, 28. 11. 1980, tôi gặp được Giáo Sư Trần Văn Cảnh. Từ đó, nhiều lần tôi đã tới nhà giáo sư ăn cơm tối và trao đổi về những việc cần làm để ổn định tình hình và phát triển sinh hoạt của Giáo Xứ. Chúng tôi đã đồng ý với nhau: Cần thiết cơ cấu hóa Giáo Xứ bằng việc thiết lập Hội Đồng Mục Vụ tựa trên những địa điểm mục vụ và những hội đoàn, ban, nhóm công giáo tiến hành sẵn có của Giáo Xứ. Để rồi chính Hội Đồng Mục Vụ sẽ đề ra những sáng kiến, những đề nghị thích ứng cho sinh hoạt lâu dài của Giáo Xứ trong tinh thần hiệp nhất, nỗ lực phát triển và liên đới hoạt động.
Cũng kể từ đó mà Giáo Sư Trần Văn Cảnh dần dần không những nắm được các sinh hoạt hiện tại của Giáo Xứ, nhưng còn múc ra những kinh nghiệm sinh hoạt trong quá trình lịch sử của Giáo Xứ, cũng như có một cái nhìn xa cho đời sống của Giáo Xứ.
Điều đó cho phép tôi nói: Cuốn ‘Lịch sử biên niên của Giáo Xứ Việt Nam Paris’ (1787-2013) mà Giáo sư Trần Văn Cảnh hoàn thành nhân năm sinh nhật thứ 30 của Hội Đồng Mục Vụ (1983-2013) và của Báo Giáo Xứ Việt Nam (1984-2014) mang nhiều ý nghĩa : Đánh dấu hai sinh hoạt quan trọng của Giáo Xứ từ 30 năm nay, nêu bật vai trò của Hội Đồng Mục Vụ và của tờ Báo Giáo Xứ, và đồng thời nói lên sự quan tâm của Giáo Sư Trần Văn Cảnh về lịch sử sinh hoạt của Giáo Xứ trong từng niên biểu.
Hân hạnh được đọc trước và viết lời giới thiệu, cảm nghĩ đầu tiên của tôi là thán phục và ghi ơn tấm lòng yêu mến Giáo Xứ và Giáo Hội của Giáo Sư Trần Văn Cảnh, thứ đến tôi xác nhận rằng trong 30 năm qua, Giáo Sư Trần Văn Cảnh đã đóng góp và dấn thân phục vụ Giáo Xứ dưới nhiều công trình mà chính yếu là tham gia tích cực:
* Thành lập Hội Đồng Mục Vụ (1983-).
* Soạn thảo Nội Quy của Hội Đồng Mục Vụ (1983-)
* Tái bản tờ Báo Giáo Xứ Việt Nam (1984-)
* Thành lập Ban Thần Học Giáo Dân (1980-1984)
* Thành lập Phụng Ca Lê Bảo Tịnh (1993-)
* Thành lập Ban Mục Vụ Gia Đình (1995-)
* Thành lập Ban Tu Thư của Giáo Xứ (1997-).
* Thành lập Phong trào Liên Đới Nghề Nghiệp (2000).
* Thành lập Mạng Lưới của Giáo Xứ (2001-)
* Viết phóng sự về những sinh hoạt quan trọng trong năm của Giáo Xứ và phổ biến trên mạng lưới Vietcatholic và mạng lưới Giáo Xứ (2005-).
Xét như vậy, Giáo Sư Trần Văn Cảnh không phải chỉ là người viết sử, nhưng là một trong những người đã liên đới làm nên lịch sử của Giáo Xứ, ít ra trong ba chục năm qua. Vì thế, cuốn ‘Lịch Sử Biên Niên của Giáo Xứ Việt Nam Paris’ mà Giáo Sư muốn trao vào tay của Quý Độc Giả, thật là món quà quý hóa đáng trân trọng, đáng cầm đọc, là tài liệu lịch sử đáng tin cậy cho những ai, hôm nay và ngày mai, muốn tìm hiểu về Giáo Xứ Việt Nam, là sức sống hào hùng tồn tại mãi trong thời gian của Giáo Xứ…
Với những điều nói trên đây, tôi rất hân hạnh giới thiệu cùng Quý Độc Giả cuốn ‘LỊCH SỬ BIÊN NIÊN CỦA GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS’ mà Giáo Sư Trần Văn Cảnh đã dày công biên sọan. Xin Quý Vị đón nhận như một món quà lịch sử quý giá và thân thương của ngày lễ ‘30 năm Hội Đồng Mục Vụ’ và ’30 năm tái bản tờ Báo Giáo Xứ Việt Nam’. Xin Thánh Giuse, quan thày của Giáo Xứ chúc lành cho chúng ta.
Paris, ngày đầu Mùa Chay 2014
Lm Mai Đức Vinh
LỜI CÁM ƠN
Đức Ông Mai Đức Vinh là người đã khuyến khích, giúp ý tưởng và tài liệu cho việc thực hiện biên khảo này. Ngài cũng đã đọc lại bản thảo. Xin chân thành cám ơn Đức Ông.
Thầy phó tế Phạm Bá Nha, Giáo sư Nguyễn Long Thao (Vietcatholic) và Bác sĩ Nguyễn Ngọc Đỉnh, Chủ tịch Hội Đồng Mục Vụ, đã cho phép phổ biến những bài viết trong phần phụ lục. Xin chân thành cám ơn ba vị.
Thầy phó tế Phạm Bá Nha và bà Bùi Thị Lý đã đọc lại và tu chính bản thảo. Xin chân thành cám ơn hai vị.
Sơ Thân Thị Kim Liên đã chỉ dẫn và giúp trình bày nội dung. Xin chân thành cám ơn Sơ.
Họa sĩ Trúc Tiên, Đức Ông Mai Đức Vinh và Thầy phó tế Phạm Bá Nha đã gợi ý và giúp trình bày bìa. Xin chân thành cám ơn ba vị.
Với tất cả những người đã cộng tác xa gần khác, chúng tôi xin chân thành cám ơn.
Với quý độc giả có thịnh tình đón nhận cuốn sách này, chúng tôi xin chân thành cám ơn, và xin niệm tình cho những thiếu sót, lầm lẫn và xin chỉ bảo cho, hầu cải tiến. Mong sao, những bàn tay mới sẽ tiếp tay xây dựng, viết tiếp những trang sử đúng hơn, tốt hơn, đẹp hơn về Giáo Xứ Việt Nam Paris.
Trần Văn Cảnh
canhparis@gmail.com
Bài viết khác
BÀI 20 : LỜI PHI LỘ, LỜI CÁM ƠN và MỤC LỤC.
Bài 19 PHỤ LỤC 2 GIỚI THIỆU GIÁO SƯ TRẦN VĂN CẢNH VÀ NHỮNG SINH HOẠT CỦA ÔNG TẠI GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS
Bài 18: PHỤ LỤC 1 ẢNH HƯỞNG SÂU RỘNG CỦA NHỮNG BÀI TƯỜNG THUẬT CỦA GS TRẦN VĂN CẢNH
Bài 17 - LỜI KẾT
Bài 16 - TÓM KẾT THỜI KỲ III, THỜI KỲ TRƯỞNG THÀNH, 1980-2013
Bài 15 - CHƯƠNG 11 - GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN HỘI NHẬP MỤC VỤ TỔNG GIÁO PHẬN PARIS, 2008-2013
Bài 14b - CHƯƠNG 10 - GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN VÀ TỰ LẬP TÀI CHÁNH, 2002-2007
Bài 14 - CHƯƠNG 10 - GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN VÀ TỰ LẬP TÀI CHÁNH, 2002-2007
Bài 13 - CHƯƠNG 9 : GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA, CƠ SỞ VẬT CHẤT VÀ LIÊN ĐỚI XÃ HỘI, 1997-2001
Bài 12 - CHƯƠNG 8 : GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN VĂN HOÁ GIÁO DỤC, 1984-1989
Bài 11 - CHƯƠNG 7 GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN VĂN HOÁ GIÁO DỤC, 1984-1989
Bài 10b - CHƯƠNG 6 GIAI ĐOẠN XÂY DỰNG CƠ CẤU TỔ CHỨC, 1980-1983
Bài 10 - CHƯƠNG 6 GIAI ĐOẠN XÂY DỰNG CƠ CẤU TỔ CHỨC, 1980-1983
Bài 9 - TÓM KẾT THỜI KỲ II, THỜI KỲ THÀNH LẬP VÀ PHÁT TRIỂN, 1947-1980
Bài 8 - Chương 5 : GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN, GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS, 1977-1980
Bài 7 - Chương 4 : GIAI ĐOẠN LỚN LÊN, TỔ CHỨC TRUYỀN GIÁO VIỆT NAM TẠI PHÁP, 1952-1977
Bài 6 - GIAI ĐOẠN THÀNH LẬP LIÊN ĐOÀN CÔNG GIÁO VIỆT NAM TẠI PHÁP, 1947-1952
Bài 5 - TÓM KẾT THỜI KỲ I, THỜI KỲ KHAI PHÁ, 1787-1947
Bài 4 - CHƯƠNG 2 : GIAI ĐOẠN NHỮNG TỔ CHỨC SƠ BỘ, 1942-1947
Bài 3 : CHƯƠNG 1 : GIAI ĐOẠN NHỮNG BƯỚC CHÂN KHAI PHÁ, 1787-1942