BÀI ĐỌC I
Lời Chúa trong sách ngôn sứ Giê-rê-mi-a (31,31-34).
Này sẽ đến những ngày - sấm ngôn của Đức Chúa - Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en và nhà Giu-đa một giao ước mới, không giống như giao ước Ta đã lập với cha ông chúng, ngày Ta cầm tay dẫn họ ra khỏi đất Ai-cập ; chính chúng đã huỷ bỏ giao ước của Ta, mặc dầu Ta là Chúa Tể của chúng - sấm ngôn của Đức Chúa. Nhưng đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en sau những ngày đó - sấm ngôn của Đức Chúa. Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta. Chúng sẽ không còn phải dạy bảo nhau, kẻ này nói với người kia : "Hãy học cho biết Đức Chúa", vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta - sấm ngôn của Đức Chúa. Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa.
ĐÁP CA
Tv 50
Đáp : Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng.
Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con,
mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm.
Xin rửa con sạch hết lỗi lầm
tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy.
BÀI ÐỌC II
Lời Chúa trong thư gửi tín hữu Do thái (5,7-9).
Anh em thân mến, khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giê-su đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục ; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người.
TIN MỪNG
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gio-an (12,20-33).
Vào dịp lễ Vượt Qua năm ấy, trong số những người lên Giê-ru-sa-lem thờ phượng Thiên Chúa, có mấy người Hy-lạp. Họ đến gặp ông Phi-líp-phê, người Bết-xai-đa, miền Ga-li-lê, và xin rằng : "Thưa ông, chúng tôi muốn được gặp ông Giê-su." Ông Phi-líp-phê đi nói với ông An-rê. Ông An-rê cùng với ông Phi-líp-phê đến thưa với Đức Giê-su. Đức Giê-su trả lời : "Đã đến giờ Con Người được tôn vinh ! Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình ; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy ; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy". "Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến ! Thầy biết nói gì đây ? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến. Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha". Bấy giờ có tiếng từ trời vọng xuống : "Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa !" Dân chúng đứng ở đó nghe vậy liền nói : "Đó là tiếng sấm !" Người khác lại bảo : "Tiếng một thiên thần nói với ông ta đấy !" Đức Giê-su đáp : "Tiếng ấy đã vọng xuống không phải vì tôi, mà vì các người. Giờ đây đang diễn ra cuộc phán xét thế gian này. Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài ! Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi". Đức Giê-su nói thế để ám chỉ Người sẽ phải chết cách nào.
SUY NIỆM LỜI CHÚA
Lm. Nguyễn Thanh Điển (25.03.2012)
Thập Giá và Giao Ước
Hôm nay, Chúa Giêsu cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha: xin Cha tôn vinh con, vì giờ đã đến. Chúa Giêsu cầu nguyện cho những con cái ở trần gian: « khi Ta được đưa lên khỏi mặt đất, Ta sẽ đưa tất cả mọi người lên với Ta ». Chúa Giêsu tỏ cho nhân loại vinh quang thập giá và mời gọi sống trung thành với giao ước ký kết.
Chúa Cha tôn vinh người con là Chúa Giêsu. Qua cây thập giá, mầu nhiệm cứu chuộc và mầu nhiệm sự sống tỏ hiện cho chúng ta. Người môn đệ chiêm ngắm Chúa, chính là lúc Chúa tỏ vinh quang : « đã đến giờ con Người được tôn vinh ». Chúa Cha tôn vinh con mình là Chúa Giêsu để thiên hạ nhìn thấy, để nhân loại thoả lòng khát khao tìm kiếm. Tôn vinh đó là làm cho mọi người thấy dấu chỉ hy sinh và yêu thương. Tôn vinh đó là làm cho danh Chúa được nhiều người nghe và biết đến. Trong những đau thương của cuộc đời, người kitô hữu tìm được an ủi, nâng đỡ bằng cách chiêm ngắm thập giá. Chúng ta hãy thông phần và cuộc đau thương, cùng vác thánh giá với Ngài.
Chúa Giêsu ví Ngài như hạt lúa gieo vào đất, hạt lúa mục lát đi mới sinh nhiều hoa trái dồi dào. Hình ảnh thật dễ hiểu và gần gũi trong cuộc sống. Hạt lúa sinh hoa kết trái, chính là nhờ ruộng đất sẵn sàng đón nhận. Chúa Giêsu đến với nhân loại bằng tình yêu hiến mạng sống cho người mình yêu. Thiên Chúa yêu con người và tỏ cho nhân loại giao ước được ký kết bằng ngôn từ, bằng lời nói, bằng điều luật. Giao ước Chúa thiết lập với dân Israel, một dân tộc mà Chúa đã chọn và ở lại giữa họ. Chúa Giêsu yêu thương nhân loại tới cùng và hiến chính mạng sống vì người khác. Tình yêu cao cả của Chúa được ký kết với nhân loại bằng máu thánh của Ngài đổ ra để đưa nhiều người về với Chúa Cha. Chúa Giêsu đã ký kết với nhân loại một giao ước, đó là giao ước của sự thật, giao ước vĩnh cửu. Chúa tuyền lại giao ước: « Các con hãy cử hành bí tích Thánh Thể để nhớ tới Chúa », « Các con hãy uống chén này, đây là máu đổ ra để nhiều người được tha tội ». Cử hành bí tích Thánh Thể là cử hành giao ước thiết lập và cử hành biến cố vượt qua của Chúa Giêsu thập giá.
Thập giá là mầu nhiệm trọng đại, chính Chúa tỏ cho nhân loại và mời gọi hiệp thông vào màu nhiệm cao cả. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta đang vác thập giá của mình và vác cho người xung quanh. Xin Chúa thánh hoá những tình cảnh đau thương của cuộc sống để chúng con đi tới cùng hành trình cuộc đời. Xin cho mỗi người chúng con biết suy tôn Thánh Giá Chúa, cùng đóng đinh tính xác thịt yếu đuối, tội lỗi của chúng con vào thánh giá để sinh hoa trái dồi dào. Xin vinh quang Chúa chiếu toả trên chúng con, để chúng con luôn ở trong tình yêu và sự bao bọc của Chúa. Xin biến đổi đau thương nơi chúng con thành bài ca tôn vinh thánh danh Chúa đến muôn đời. Amen.
Pt. Tạ Ðình Chung (2009)Các tâm tình của Đức Kitô, khi giờ ấy đến, được tỏ bày ra cho chúng ta như thể đầy mâu thuẫn trái ngược. Nếu Đức Giêsu còn phản ứng như vậy, huống chi chúng ta khi ý thức mình phải đương đầu những gì. Đi vào giờ ấy đối với chúng ta như vô nghĩa, có khi còn đầy phẫn uất, chối từ, hay cả phẫn nộ. Chúng ta không thể nghe bình thản những Lời Chúa nói trên đây, chúng ta chỉ hiểu được khi chúng ta chấp nhận nhập cuộc như thể bước vô một con đường hẹp hay xông pha ngoài chiến trường. Nếu không, người ta chỉ đứng ngoài nhìn xem rồi bỏ chạy.
Những Lời Chúa nói hoàn toàn tối nghĩa cho người bàng quan đứng ngoài nhìn, như thể đám đông, chẳng muốn tìm hiểu. Khi xưa, dân chúng thành Giêrusalem ít ra cũng đã có phản ứng như người đạo hạnh : « Đó là tiếng sấm » - như khi Thiên Chúa trả lời cho Môisen trên núi, qua tiếng sấm sét, diện đối diện, mà dân chúng không ai nghe được tiếng Chúa phán. Hay « Đó là tiếng của thiên thần khích lệ ông ta ». Ngày nay thì nôm na chúng ta bảo là chúng ta nghe đọc những lời khô khan nhàm chán khó hiểu. Nhưng chúng ta đã được cảnh báo. Những Lời này không phải là những Lời tùy thích để chúng ta « tùy ý lựa chọn » như những món hàng trưng trên quày bán ; những Lời đó sẽ phân xử chúng ta như chính Chúa Kitô đã nói : «Tiếng đó phán ra không phải vì Ta, mà vì các người. Chính bây giờ là lúc thế gian bị xét xử, bây giờ là lúc thủ lãnh thế gian bị khai trừ và khi nào Ta được giương cao lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta».
Điều gì làm chúng ta sửng sờ, sợ hải như thế ? Cái chết của Đức Kitô và của chúng ta. Khi Chúa Kitô loan báo Con Người sẽ chịu khổ hình và giết chết, các tông đồ đã phản ứng mạnh mẽ tìm cách ngăn can, chống đối. Các tông đồ phản ứng như chúng ta phản ứng ngày nay. Chúng ta ý thức cái chết của mình như một sự mất mát, như cái gì diệt bỏ mọi nguyên do hy vọng và sống. Nhưng đôi khi cái chết mang bộ mặt hấp dẫn, lôi cuốn, quyến rũ tinh vi cho một số người, lôi cuốn họ chọn cái chết như là một sự giải thoát, như một phương thức để siêu thoát.
Chúa Kitô cũng lo âu xao xuyến trước cái chết. Về giờ chết, Người nói : « Đã đến giờ Con Người được tôn vinh. » Và lời cầu nguyện của Người là : « Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha !» Và tiếng từ trời vọng xuống đáp : « Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa. » Nội dung của Giờ ấy, -Người nói về giờ này : « Lạy Cha xin cứu con khỏi giờ này. Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến. Thấy biết nói gì đây ? »-, nội dung của Giờ mà Chúa Kitô không có lời để nói, không còn từ để diễn tả : « Nói gì đây ? », nội dung Người truyền lại cho chúng ta về Giờ ấy, đó là Thiên Chúa Cha đầy lòng nhân từ được tôn vinh, nghĩa là sự sống sung mãn của Thiên Chúa được biểu hiện nơi con người. Chúa Kitô đã cảm thông nỗi lo âu sợ hãi của chúng ta khi sống cái chết không như là một sự mất mát nhưng như là một con đường cứu độ phong phú.
Chúa Kitô đã không đòi hỏi chúng ta thay đổi thái độ về cái chết, nhưng hãy đi vào cái chết của Người, bước theo Người, không phải lo lắng vế cái chết của mình nhưng hãy đón lấy cái chết của Chúa Kitô, nghĩa là đón lấy sứ vụ của Người, sứ vụ mà Người đã được giao phó : « Ai muốn phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy…» Câu này, Người nói ngay sau khi nói về cái chết của Ngườì : « Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình ; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời ».
Chúng ta đừng quên lời tiên tri 9Giêrêmia. Chỉ Thiên Chúa mới ban cho chúng ta Thần Khí và khắc sâu trong tim ta Lề Luật của Người. Thần Khí làm chúng ta cùng với Đức Kitô, thành một Bánh, một thân. Thần Khí cho chúng ta hiểu thế gian được cứu độ thế nào khi Đức Kitô và tất cả anh chị em của Người chấp nhận làm biểu hiện trong cuộc sống mình tình yêu của Đấng đã vì tình yêu và vâng lời mà nhập thể cứu độ…
--------------------------------------
Lm. Mai Đức Vinh (2006)
Chủ yếu : Qua bài Phúc Âm chúng ta thấy : Biết Chúa Giêsu cùng với các môn đệ lên Giêrusalem dự lễ, mấy người Hy Lạp muốn được gặp Chúa Giêsu qua trung gian các tông đồ. Chúa lợi dụng cơ hội, bày tỏ thành quả vinh quang của cái chết Ngài sắp chịu : «Đã đến giờ Con Người được tôn vinh. Nếu hạt lúa rơi xuống đất mà không thối đi thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thối đi, thì nó sẽ trổ sinh nhiều bông hạt... »
Suy niệm : Đối với những ai tin theo Chúa Kitô, và quyết tâm phục vụ tha nhân chỉ có một con đường phải đi : con đường hy sinh, quên mình, tự hiến, thành hạt lúa thối... Chúa Giêsu đã trả giá đó để cứu rỗi nhân loại... Nếu đi theo Chúa bạn không có con đường nào khác. Đây không phải con đường trống vắng, nhưng là con đường đầy hoa tươi, không phải con đường tiêu diệt, vô vọng, nhưng là con đường hy vọng, dẫn đến sự sống và đầy tràn vinh quang.
Áp dụng : Bạn hãy nằm lòng lời của Chúa Giêsu «Muốn trổ sinh thành cây lúa đầy bông mộng vàng, hạt lúa phải vùi vào đất, thối đi... ». Bạn suy nghĩ thêm và áp dụng vào những ngày sống Mùa Chay còn lại.
Cầu nguyện : Lạy Chúa, xin ban cho con ơn can đảm quên mình vì vinh danh Chúa, vì ích lợi của Giáo Hội và vì phần rỗi các linh hồn. Xin cho con can đảm đi đến tận cùng con đường Chúa muốn dẫn con đi. Con đã tin chọn Chúa, xin cho con luôn can đảm đi theo Chúa. Amen.
Lời hay : Đồng lúa xanh tươi vì những hạt lúa gieo xuống đã thối nát (Th. nữ Catherine).