CON MỘT TRONG GIA ĐÌNH (3)
Mai Đức Vinh
(Tiếp kỳ trước và hết)
4. Tại Pháp, gia đình có một con không phải là mẫu hình tích cực lắm.
Sau đây là bài ký giả báo LA CROIX (LC) phỏng vấn ông FRANCOIS DE SINGLY (FS), giáo sư xã hội học của đại học Paris-Descartes. Ông cũng là tác giả hai cuốn sách giá trị : ‘Sociologie de la famille contemporaine’, éd. Armand Colin (4e édition 2010) – ‘ Séparée, vivre l’expérience de la rupture’, éd. Armand Colin, 3.11.2011.
LC - Ngày nay tại Pháp số con một chiếm 10%, và tỷ số này tương đối vững kể từ năm 1970, tại sao ?
FS - «Hiện tưởng các bà sinh ít con bắt đầu vào năm 1960-1970 và làm suy giảm dần chế độ sinh nhiều con. Chế độ này hầu như đã biến mất. Tuy nhiên việc bớt sinh sản không làm tăng giá trị của mọi gia đình nhỏ bé. Trái với nhiều nước âu châu như Đức hay Bắc Ý, mô hình có một con không được ái mộ lắm tại Pháp. Ở đây lý tưởng của gia đình là có hai con, một trai một gái.
LC - Từ đâu phát xuất những thành kiến xấu về ‘mẫu hình con một’ ?
FS - Có một đứa con chưa bao giờ là một mẫu hình lý tưởng. Một phần là bởi những lý do quốc gia và tôn giáo. Chẳng hạn hai sự kiện nổi bật trong lịch sử nước Pháp : Sự kiện thứ nhất, vào thời chiến tranh 1870, người ta đã miệt thị ra mặt những gia đình chỉ có một đứa con. Sự kiện thứ hai, sau đại chiến 1914, người công giáo đề cao các gia đình đông con như những hình ảnh của gia đình cởi mở, đối lập với gia đình bé nhỏ ích kỷ, sống thu rút lại, không biết quan tâm đến ích lợi quốc gia và giáo hội. Thật buồn cười, ngày nay có nhiều trường hợp nổi bật lý tưởng ‘cởi mở’ này, ngay trong một số gia đình tái hôn (recomposées) : đôi bạn đón nhận các con riêng của họ, và cả những đứa con mỗi người đã có trong hôn phối trước. Điều đó cho phép nghĩ rằng thành kiến về ‘đứa con một’ chưa hoàn toàn biến mất. Cho dù thành kiến này đã giảm bớt nhiều dưới danh nghĩa ‘bao dung’ (tolérance), nhưng ‘mẫu hình con độc nhất vẫn không phải là mẫu hình tích cực tại Pháp’.
LC - Ngày nay, mẫu hình gia đình tại Pháp có điểm đặc trưng nào ?
FS - Tại Pháp cũng như tại nhiều nước tây phương, đàn ông đàn bà đều muốn có con, nhưng đồng thời cũng muốn một đời sống vợ chồng thoải mãn và hạnh phúc. Đôi khi cái viện chứng này làm cho đời sống thường nhật trở thành phức tạp. Những cuộc thăm dò tại các nước tây phương chứng tỏ rằng sự thoả mãn của đời sống vợ chồng giảm sút một cách thê thảm khi có nhiều con cái. Cũng vậy, những áp lực mạnh mẽ của xã hội về việc cha mẹ phải chuyên lo giáo dục và phát triển tâm lý của những con cái, chiếm hết thời gian vợ chồng sống riêng cho nhau. Tuy nhiên, các bà vẫn là động cơ của gia đình, họ vừa muốn thành công trong đời sống vợ chồng, vừa muốn phát triển bản thân trong thiên chức làm mẹ gia đình và làm việc ngoài xã hội đúng theo ngành nghề và sở thích. Mỗi bà mẹ phải giữ quân bình những ước vọng khác biệt này. Riêng tại Pháp, người ta ưu tiên cả hai phạm vi làm mẹ và nghề nghiệp. Như vậy, người chồng phải ‘dễ dàng hy sinh’. Điểm đặc trưng này được cắt nghĩa đặc biệt bởi một truyền thống phân tâm làm cho địa vị của người mẹ sáng giá hơn nhiều, nhưng cũng bởi việc thực thi đường lối chính trị gia đình và học đường của Pháp. Đường lối chính trị này là những yếu tố giúp người đàn bà có con cái mà vẫn làm việc cách thoải mái, trái hẳn với những cái đang xảy ra bên Đức hay bên Bắc Ý. Tại các nước láng giềng này, gia đình cũng được đề cao nhưng không có đường lối chính trị nâng đỡ. Các bà phải chọn giữa làm việc và sinh con. Và nhiều người nữ đã chọn ‘chỉ có một đứa con’, vì nếu có nhiều con hơn, họ phải ngưng làm việc.
LC - Phải chăng tại Pháp, những cha mẹ có ‘đứa con một’ muốn đặt đời sống riêng vợ chồng ưu tiên hơn đời sống làm cha mẹ?
FS – Sau những vấn đề sức khoẻ và đời sống cá nhân, cứ nhìn vào người mẹ ở tuổi sinh con, người ta có thể nghĩ rằng : những cặp vợ chồng chủ trương ‘chỉ có một đứa con’, muốn coi đời sống đôi bạn (conjoints) là ưu tiên. Cho dù đứa con sinh ra là nguồn suối lớn lao về hạnh phúc gia đình, họ vẫn không muốn coi thiên chức làm cha mẹ trọng hơn đời sống riêng của vợ chồng. Điều đó không có nghĩa là ‘những cặp vợ chồng chỉ có một con’ yêu thương nhau thắm thiết hơn những ‘cha mẹ có đông con’ hay họ ít ly dị hơn. Điều đó khẳng định rằng : họ muốn bảo toàn phẩm chất đời sống lứa đôi của họ trước tiên (Hết).
Mai Đức Vinh