CON MỘT TRONG GIA ĐÌNH (2)
Mai Đức Vinh
(tiếp kỳ trước)
2. Đông anh chị em vẫn hơn.
Sau đây là mấy chứng từ chứng tỏ những đứa con một, tuy lớn lên không có anh chị em, vẫn hạnh phúc, mặc dầu đôi khi đau khổ vì cảm thấy cô đơn … Nhưng dầu sao, đông anh chị em vẫn hơn.
1. Bà Florence, 47 tuổi, có một đứa con độc nhất đã 8 tuổi : ‘Đứa con một thường gặp nguy cơ : cha mẹ quá bảo vệ và quá kỳ vọng nơi nó’.
« Trường hợp của tôi không phải là một chọn lựa. Tôi muốn có nhiều con. Sau ngày hạ sinh Paul, thì ý tưởng ‘chỉ có một đứa con’ ám ảnh tôi. Với bé Paul, tôi cảm thấy đời sống hoàn tòan thỏa mãn, tôi không mong gì hơn nữa, sự hiện diện của Paul đầy đủ cho tôi lắm rồi. Khi Paul mới hai tuổi, tôi đã biết rằng tôi sẽ không theo mẫu hình cổ điển nữa và tôi sẽ chỉ có một đứa con thôi. Chồng tôi cũng không ao ước có thêm đứa con thứ hai. Ước nguyện của chồng tôi ảnh hưởng đến tôi rất nhiều. Tuy chỉ có một đứa con, tôi vẫn giữ nếp sống bình thường cho tôi hay cho Paul. Tôi coi tất cả những định kiến hay những thảo luận tâm lý về ‘đứa con một’ đều vô nghĩa. Tôi nhận thấy Paul là một đứa bé trai quân bình. Nó biết chia sẻ và không có những vấn đề về xã hội tính. Người ta còn bảo tôi rằng Paul có bản tính tốt. Không có lý nào làm tôi lo lắng. Điểm quan trọng là phải trao truyền cho nó những giá trị cao đẹp. Tôi, tôi có một người chị, nhưng tôi lại không có một tuổi trẻ hạnh phúc như của Paul. Ba mẹ tôi du lịch nhiều nên chúng tôi ít sống với bố mẹ. Sự phân cách này là một thảm cảnh. Tôi không muốn ‘tái diễn lại’ cái nếp sống u buồn mình đã trải qua. Trước khi có một đứa con, tôi đã biết tôi sẽ chăm sóc nó, tôi quyết tâm sẽ chu toàn thật nghiêm túc bổn phận làm mẹ. Chính tư tưởng này khuyến khích tôi thèm uớc có con. Những nguy cơ của việc ‘chỉ có đứa con một’ là quá bảo vệ nó và quá kỳ vọng nơi nó. Quả vậy, tôi không để cho Paul làm cái gì một mình, tôi luôn sợ chẳng may có chuyện gì xảy ra cho nó. Nhưng cũng vì tôi không vội vã làm cho con tôi thành một thanh thiếu niên trước tuổi ! Cách xử như vậy đôi khi làm tôi đau khổ, vì nghĩ rằng một ngày kia, chúng tôi không còn nữa thì chẳng còn ai để Paul có thể chia sẻ những kỷ niệm của đời nó. Nhưng chung kết, phải chăng là làm cho Paul có một tuổi trẻ hạnh phúc sao ?».
2. Em Paul lúc 8 tuổi : « Cần có đứa em cùng lứa tuổi ».
‘Thật tốt khi sống một mình. Vì các bạn của tôi kể với tôi rằng ‘chị em chúng luôn làm chúng bực mình’. Nhưng cũng phải thú nhận, đứa con một là đứa con lủi thủi một mình, không có anh em hay chị em để đùa giỡn, trao đổi… Nhưng nếu có một đứa em cách tuổi nhiều quá, cũng khó chơi đùa với nó. Tốt hơn có một anh chị em gần tuổi nhau. Có biết bao nhiêu chuyện cần trao đổi và chung sống với nhau ».
3. Pascal, 48 tuổi, con một trong gia đình và hiện đã có vợ và ba mặt con. : « Đôi khi tôi cảm thấy lẻ loi».
«Tôi là đứa con độc nhất, và được cha mẹ giáo dục chu đáo. Cha mẹ tôi mở tiệm ăn, làm việc vất vả, ít giờ rảnh rỗi nên cũng ít giờ dành cho tôi. Vì thế tôi không phải là đứa trẻ được cưng chiều và chăm sóc đặc biệt. Lúc mới đi học, nhiều lúc tôi cảm thấy lẻ loi. Tuy nhiên tôi không đau khổ về việc đó, tôi sống vô tư. Về sau, khi lên trung học, thì mọi sự thay đổi. Tôi bắt đầu có tự do, đi chơi với nhiều bạn bè. Tôi đi chơi nhiều nên không phải chịu cảnh cô đơn, sống một mình với bố mẹ, ngay cả lúc bố mẹ đã nghỉ việc về hưu rồi. Sống tuổi trẻ, tôi không có cảm nghĩ bất hạnh vì tôi là đứa con một. Tôi biết có nhiều đứa bất hạnh vì là con một. Nhìn lại, tôi quan tâm nhiều đến ‘quy chế phức tạp’ khi tôi giao tiếp với người khác : tôi khó thích ứng và không bền chí. Khi trưởng thành, lập gia đình, tôi không muốn có con trước 35 tuổi, nhưng khi quyết định có con, tôi nhất tâm phải có ít là hai đứa . Ngày nay khi nhìn thấy con gái và con trai của tôi, tôi tự nhẫm ‘chúng có duyên may’. Cả khi chúng cãi nhau hay ganh tị, tôi thấy đó là một ‘tương quan lành mạnh’. Tôi tự nhủ giá tôi có một anh hay một chị hẳn tốt hơn cho tôi ».
4. Mathilde, 18 tuổi, : «Đối với mẹ tôi, tôi là điểm trung tâm của thế giới. Điều đó làm tôi nghẹt thở ».
«Tôi là đứa con độc nhất bất đắc dĩ (une fausse enfant unique). Tôi có một người em trai cùng mẹ khác cha, lúc tôi đã 10 tuổi. Tôi chỉ gặp em vào dịp hè, bởi vì ba mẹ tôi ly dị. Tuy nhiên tôi rất hạnh phúc vì có đứa em. Cho dù nó ít tuổi hơn tôi, tôi cũng hài lòng vì có một người để trò chuyện, để chia sẻ hoàn cảnh sống. Từ khi có cậu em, tôi it cảm thấy lẻ loi, cô độc. Quả thật, đôi khi tôi rất khó tìm thấy chỗ đứng của tôi trong gia đình ‘bố ghẻ này’, giữa mẹ ruột và đứa em khác cha. Nhưng người cha ghẻ của tôi nhấn mạnh nhiều đến liên hệ giữa em tôi và tôi. Điều đó làm tôi rất hài lòng. Nếu em đã có ở đó, lúc cha mẹ tôi ly dị, hẳn tôi đã chia sẻ nhiều với em về cái mà tôi đã sống với mẹ tôi. Tôi là ‘cái rốn vũ trụ’ của bà, điều đó làm tôi ngột ngạt… Nếu một ngày nào đó tôi có con, thì tôi sẽ có ít nhất hai đứa chứ không chỉ có một đứa. Có anh có chị, theo tôi tốt hơn cả trăm ngàn lần. Cả khi anh chị em không hòa thuận với nhau đi nữa, sự hiện diện vẫn quý hóa rồi ».
3. Giúp cho đứa con độc nhất sống thoải mái.
1. Đề cao xã hội tính.
Ngày nay, đứa con độc nhất sớm phải đương đầu với hai thách đố : nhà trẻ (crèche) hay vườn trẻ (halte-garderie). Nhưng các phụ huynh có thể đề cao tinh thần xã hội : - bằng cách năng mời bạn hữu hoặc bà con thân thuộc đến chơi gia đình cách thường xuyên, - bằng cách ghi danh cho em dấn thân vào những sinh hoạt ngoài học đường hay gửi chúng đi trại hè. Xin các phụ huynh hãy quan tâm đến những công việc đó. Bà tâm lý học Anne Marie Béral đã viết : «Có những bậc phụ huynh đi theo một chiều hướng khác, là mời bạn bè đến nhà thường xuyên để đứa trẻ khỏi buồn tẻ. Như vậy, sự buồn tẻ cũng có ích lợi, là kích thích óc sáng tạo. Tuy nhiên, vì quyết tâm chống lại mọi định kiến, một số phụ huynh đã đi đến chỗ làm mất tính cách bộc phát trong việc liên hệ với đứa con’.
2. Gây ý thức việc chia sẻ và thông cảm với người khác.
Đối với đứa con độc nhất, cũng như đối với đứa trẻ nhà đông con, tinh thần chia sẻ không luôn tự mình mà có. Lòng quảng đại không phải là một đức tính thiên phú. Chúng là thành quả của việc giáo dục. Chính cha mẹ có bổn phận trao truyền những giá trị chia sẻ bằng cách dạy con sớm biết cho mượn đồ chơi và không chọn miếng bánh ngọt lớn. Một cách chung, phải dạy cho đứa trẻ biết quan tâm đến người khác. Vì một cách tự nhiên, lối sống của đứa con độc nhất là ‘chỉ biết quan tâm đến chính mình thôi’. Là đối tượng của mọi quan tâm, nó có thể gặp nhiều thử thách trong việc giao tiếp. Phải nhấn mạnh về những ý niệm tương trợ và trao đổi (biết cho và nhận, biết dung hòa). Nhờ đó nó sẽ tạo nên những tương quan quân bình hơn với người khác.
3. Đừng quá kỳ vọng cũng đừng quá chăm lo nó.
Đứa con duy nhất phải một mình gánh chịu những chờ đợi và hy vọng của cha mẹ. Vậy chi, một sức ép quá đáng có nguy cơ đóng chặt nó trong bổn phận phải làm vui lòng cha mẹ và có thể gây nên mặc cảm tội lỗi, nếu nó không đáp ứng được lý tưởng kỳ vọng của cha mẹ. Vậy điều quan trọng là cha mẹ để cho nó cái quyền không thành công gì cả (cũng như trong gia đình đông anh chị em) và sẵn sàng hy sinh những kỳ vọng vào đứa con một. Cha mẹ còn phải tỉnh thức không quá ‘ấp ủ’ đứa con quý của mình (người xưa đã chẳng nói : ‘người chỉ có một đứa con là không có đúa con nào’ ?). Thực tế, việc quá chăm lo đứa con độc nhất, sẽ làm cho nó thành yếu đuối, sợ sệt, không dám hay thật khó đối phó với những thử thách của thế giới bên ngoài.
(còn một lần nữa).
Mai Đức Vinh
---------------------------------------------------------------------------------------------------------
‘L’Enfant Unique. La mauvais réputation’, công trình tập thể dưới sự phối hợp của Marie Claude Tarnero-Pansart, nxb Autrement, 09.1999.
‘Les familles nombreuses en France – Une question démografique, un enjeu politique 1880-1940’ Virginie De Luca-Barrusse et Catherine Rollet, Presses Universiteires de Rennes, 2008.
‘Enfants uniques, des Petites Familles sous le regard des autres’, de Daniele Laufer, Bayard, 1999.
et 5 : Có thể tham khảo các tác phẩm : ‘Enfant unique, Entre isolement et solitude’ của Anne-Marie Merle-Béral et Rémy Puyelo, Ed. Eres, 9.2011 – ‘L’Enfant Unique’ de Carolyn White, Éd De l’Homme, 2008. - ‘Comment survivre quand on est enfant unique’ d’Emmanuelle Rigon et Marie Auffret-Pericone, Éd. Albin Michel Jeunesse, 2006.