CON MỘT TRONG GIA ĐÌNH
Mai Đức Vinh
‘Ai chỉ có một đứa con, thì kể như không có đứa con nào. Tốt hơn nên có nhiều con. Vì đông con, chúng sẽ chia nhau những ‘cái điên rồ’ của cha mẹ. Còn khi chỉ có đứa con một, nó phải giữ hết cho mình nó’ – André Prévot.
I. Đứa con một có giống những đứa con khác không ?
Người ta nói rằng : đứa con một hay đứa con độc nhất trong gia đình thường lủi thủi một mình, cô đơn, không có xã hội tính, được cưng chiều, sống ích kỷ… Từ xa xưa, đứa con một bị nhiều thành kiến tiêu cực, bị đóng khung vào một ‘quy chế’ là ‘đứa con không bình thường’ (anormal). Quả vậy, từ bao thế kỷ, đứa con độc nhất không có anh em hoặc chị em, là một trường hợp ngoại lệ, còn gia đình đông anh chị em ‘mới đúng quy luật’. Nữ lịch sử gia Marie-France Morel viết : «Thời xưa, người ta không tưởng tượng được một gia đình chỉ có một đứa con. Vì nhiều lý do : vì một gia đình không thể chỉ có một hậu duệ hạn chế đến như vậy. Làm sao tiếp nối dòng giống đông đúc được ?» (1).
Vì thời xưa người ta không chắc rằng ‘đứa con độc nhất ấy có thể sống đến tuổi trưởng thành ». Được coi như hồng ân Thiên Chúa trao ban, (và Ngài có thể lấy lại), các con bảo đảm sự giúp đỡ quý báu dành cho cha mẹ suốt cả đời, nhất là khi đến tuổi già. Trong mọi ý nghĩa, con cái là nguồn sung túc của cha mẹ. Vì thế, người ta coi thường và hoài nghi những cha mẹ chỉ có một đứa con.
Sau những lý do tôn giáo và kinh tế, còn có những lý do chính trị và dân số. Người ta chế giễu hay thóa mạ những trường hợp chỉ có một đứa con duy nhất. Bà Catherine Rollet (2), chuyên môn về lịch sử và dân số, đã viết : « Từ cuối thế kỷ XIX đến Đại Thế Chiến II, các chính phủ hết sức khích lệ các gia đình sinh con để gia tăng dân số. Người ta kêu gọi mỗi gia đình hãy có ít nhất ba đứa con. Không như vậy, thì không phải là một gia đình đích thực. Bấy giờ rất hiếm những gia đình chỉ có một đứa con. Chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng nếu gia đình đông con quá, dư luận xã hội cũng không ủng hộ mấy, người ta cho rằng ‘đi quá quy luật ».
Mãi tới năm 1970, sau cách mạng văn hóa 1968, mẫu hình ‘gia đình một con độc nhất’ mới được dư luận chấp nhận và còn được coi như một lựa chọn. Tuy nhiên thành kiến vẫn chưa hết. Ngày nay, tại Pháp, mới chỉ 10% gia đình ‘có con một’. Và các gia đình này vẫn còn bị nhìn với ‘cặp mắt khinh khi’. Thèm muốn có con và từ chối có con. Đâu là lời trách móc đúng đắn? Đâu là những điểm đặc trưng của ‘đứa con một’, của gia đình chỉ có một đứa con ?. Chỉ muốn có một đứa con, có phải là một ước muốn dị thường không ? Bà Daniele Laufer, tác giả của một cuốn sách về ‘Con Một’ (Enfant unique) (3) đặt câu hỏi như vậy.
Bà Emmanuelle Rigon, một nhà tâm lý và phân tâm học phát biểu : « Những đứa con một không chia sẻ tình thương của bố mẹ với anh chị em khác. Nhưng, đó không phải là yếu tố xác định nhân cách của chúng, nhân cách của chúng lệ thuộc trước tiên vào việc giáo dục, vào lịch sử của gia đình và vào những lý do xui khiến đôi bạn chọn lựa ‘con một’ hay không chọn ».
Giữa nhiều điểm khác biệt, những đứa con một cũng có một vài điểm chung, mà đầu tiên là sống lẻ loi (solitude). Chúng thường chơi một mình, tắm một mình, đi ngủ một mình… Chắc chắn chúng cảm thấy và để lộ ra tâm tình này. Nhưng liệu tâm tình này có làm chúng đau khổ không ? Bà Emmanuelle Rigon trả lời : «Không nhất thiết. Cho tới 5-6 tuổi, tâm tình lẻ loi không ảnh hưởng gì xấu nơi chúng. Tiếp đến, khi chúng bắt đầu phát triển các liên quan xã hội, hay ít ra khi chúng lẻ loi một mình, nhất là khi cha mẹ mời thường xuyên các bạn bè hay anh cị em thân thuộc đến nhà. Những lúc đó chúng mới cảm thấy lẻ loi thực sự. Nhưng những lúc sống như vậy có thể biến thành cơ may (atout) cho chúng, nếu chúng được hướng dẫn cẩn thận để đương đầu với hoàn cảnh sống’.
Chúng thường lủi thủi một mình nhưng không nhất thiết là cô độc (solitaire) hay thiếu tinh thân xã hội. Bà Anne Marie Merle-Béral, phân tâm học cho biết : « Trái với ý nghĩ của nhiều người, những đứa con một có nhiều khả năng cao đẹp, hướng về những đứa trẻ khác. Chúng muốn thoát ra khỏi cảnh sống lẻ loi, chúng rất quan tâm đến những người chung quanh ». Sự khao khát gặp gỡ và trao đổi có thể bị hãm lại bởi sự thiếu kinh nghiệm. Vì không có anh chị em để va chạm nên những đứa trẻ này ít được chuẩn bị để đối phó những trường hợp bất trắc phải tranh đấu ngoài xã hội. Bà Emmanuelle Rigon còn nhận định : « Chúng quan tâm đến việc tìm bạn bè, chúng dấn thân hết mình. Chúng có khuynh hướng coi mọi tương quan như nhau, đôi khi không đặt vấn đề ‘chiếm hữu hay độc quyền’.
Tuy nhiên ‘chiếm hữu’ không có nghĩa là ích kỷ, như người ta thường yên trí xấu về những đứa con một. Đứa con một không chia sẻ tình yêu của cha mẹ, nhưng điều đó không nhất thiết làm cho đứa trẻ trở thành cá nhân chủ nghĩa. Nếu các phụ huynh biết « giáo dục nó cách bình thường, tỏ cho nó biết ‘nó rất quan trọng đối với họ’, và ‘mỗi người cần đến nhau’, thì tính ích kỷ mà người ta giả thiết không tương quan gì với tình trạng gia đình, nhưng trước hết chúng phải được giáo dục nghiêm túc. Như vậy, đứa con một cần được nhắc nhở về những giá trị trao đổi và cởi mở, hơn là về khuynh hướng muốn chia sẻ để thoát khỏi thành kiến ». Bà Marie Merle-Béral còn quả quyết: « Gia đình đông anh em thì dễ có tính ganh tị, nhất là khi cha mẹ tạ thế và khi phân chia gia tài».
Gia tài, thường là một nguyên do gây đụng chạm giữa anh chị em. Nhưng đứa con một thì không gặp phải, vì nó chẳng phải chia sớt cho ai, tình thương của cha mẹ và cả gia tài vật chất. Một trong những thành kiến vốn có mà tới ngày nay vẫn còn : ‘đứa con một là đứa con được cưng chiều’. Điều đó không tương ứng với thực tế. Bà Emmanuelle Rigon khẳng định : ‘quan niệm trên đây lỗi thời rồi. Nếu so chiếu các môi trường xã hội tương đương, ngày nay không còn sự khác biệt giữa gia đình một đứa con với gia đình hai đứa con nữa’.
Tuy nhiên vị trí của đứa con một vẫn còn có tính cách riêng biệt, bởi vì nó được hưởng mọi quan tâm. Vì được cha mẹ rất mực chăm lo, nên nó chỉ tìm cách sống ‘yên thân’ (soi- solide). Nhưng dần dần nó sẽ giác ngộ, bởi vì ngoài đời nó sẽ có những kinh nghiệm khác với trong nhà. Sống trong ‘quy chế đặc thù’, đứa con một thường muốn thành công và muốn là ‘con người ngoại thuờng’. Bà Anne-Marie Merle-Lebel nhận xét : «Ngần nào có thể, nó sẽ chọn những con đường củng cố tính tự phụ của nó ».
Nhu cầu muốn thành công có thể biến thành bổn phận : phải làm vừa lòng chứ không làm thất vọng gia đình. Là ‘hậu duệ duy nhất’, đứa con một rất ý thức về mọi chờ đợi và hy vọng của cha mẹ. Nhiều khi, cha mẹ bảo vệ đứa con một cách quá đáng, coi nó là đứa con quý (enfant précieux) và cứ nôn nao sợ mất). Điều đó có nguy cơ làm lụi bại những tương quan xã hội của đứa trẻ, khiến nó phải khổ tâm, nhất là khi nó sống xa cách gia đình.
Như vậy đứa con độc nhất sẽ phải đương đầu với một vài khó khăn gắn liền vào quy chế của nó. Nhưng chuyện đó không ảnh hưởng nhiều đến tương lai và nhân cách của nó. Nếu các phụ huynh biết quan tâm đến những nét đặc thù, gắn liền vào quy chế của đứa con, họ sẽ giúp cho nó lớn lên trong hạnh phúc và thoải mái như bất cứ một trẻ nào khác. (Viết theo Paula Pinto Gomes, bài trong báo La Croix, 9.11.2011, tr.13-14) (Còn tiếp).
Mai Đức Vinh
---------------------------------------------------------------------------------------------------------
‘L’Enfant Unique. La mauvais réputation’, công trình tập thể dưới sự phối hợp của Marie Claude Tarnero-Pansart, nxb Autrement, 09.1999.
‘Les familles nombreuses en France – Une question démografique, un enjeu politique 1880-1940’ Virginie De Luca-Barrusse et Catherine Rollet, Presses Universiteires de Rennes, 2008.
‘Enfants uniques, des Petites Familles sous le regard des autres’, de Daniele Laufer, Bayard, 1999.
et 5 : Có thể tham khảo các tác phẩm : ‘Enfant unique, Entre isolement et solitude’ của Anne-Marie Merle-Béral et Rémy Puyelo, Ed. Eres, 9.2011 – ‘L’Enfant Unique’ de Carolyn White, Éd De l’Homme, 2008. - ‘Comment survivre quand on est enfant unique’ d’Emmanuelle Rigon et Marie Auffret-Pericone, Éd. Albin Michel Jeunesse, 2006.