CÚM HEO (Grippe Porcine)
DU SINH
Chỉ bùng lên trong mấy tuần tại Mễ Tây Cơ, bệnh cúm heo đã làm náo động cả thế giới và đã đột nhập vào 15 nước của bốn châu lục. Các chuyên viên y tế công cộng trên thế giới đã nhóm họp khẩn cấp tại Genève để thảo luận về tình trạng nguy hại của cúm heo và tìm phương cách đối phó. Lần họp mới đây là ngày 28.04.2009. Người ta cho biết : cúm heo đã đột nhập vào hơn 300 người và vật chết trên 20 người, trong đó 15 người là dân Mễ Tây Cơ. Riêng ở Pháp có 27 trường hợp khả nghi, 3 trường hợp ‘có thể bị nhiễm cúm’ và 2 trường ‘chắc chắn bị cúm heo’ (confirmés). Hai bà bộ trưởng Michèle Alliot-Marie và Roseline Bachelot tuyên bố: “Chúng tôi không muốn giấu giếm cái gì, nhưng chúng tôi cũng không muốn bi đát hóa vấn đề”, cần phải canh chừng với những biện pháp khả dĩ, như khám nghiệm những khách từ Mễ Tây Cơ đến Pháp. Sau đây chúng tôi dựa theo báo ‘Le Parisien, thứ bảy 02.05.09, trang 2-5’, gửi đến quý đọc giả những thông tin cần thiết :
1. Định nghĩa : Cúm heo là bệnh hô hấp của loài heo do các vi trùng (virus) nhóm cúm A gây ra. Bình thường con người không bị cúm heo, nhưng cũng đã có trường hợp cúm heo xẩy ra nơi những người tiếp cận với heo.
2. Vi trùng cúm heo : Người ta nhận diện ra vi trùng cúm heo là vi trùng H1N1. Vi trùng này thành hình do sự phối hợp của vi trùng cúm gà, cúm heo và cúm người.
3. Cúm heo khác cúm gà: Vì vi trùng của cúm gà (aviaire) là được nhận diện là H5N1, còn vi trùng cúm heo (porcine) là H1N1. Vi trùng cúm gà độc hơn vi trùng cúm heo.
4. Có chắc là vi trùng H1N1 phát xuất từ heo không ? Hiện nay Sở y tế thế giới (OMS) đang nghiên cứu xem vi trùng cúm heo có thực phát xuất từ heo ở Mễ Tây Cơ hay không. Nhưng người ta chưa xác định được vi trùng H1N1 được truyền nhiễm đi từ loài chim, hay loài heo , hay loài người.
5. Khởi điểm của cúm heo : Một giả thuyết đáng tin cậy cho rằng cúm heo lần này đã phát xuất từ một làng chăn nuôi ở Mễ Tây Cơ mà điều kiện vệ sinh quá thấp kém, khiến cho người ‘tiếp cận heo’ bị lây nhiễm rồi truyền đi… Bộ y tế cho biết, từ đầu năm 2009 đã có 1.600 người vào bệnh viện điều trị và 81 người chết vì ‘bệnh cúm’ nhưng chỉ 20 trường hợp được xác định là bị cúm heo với vi trùng H1N1.
6. Đã từng có cúm heo với vi trùng H1N1 : 1976 tại New Jersey Hoa Kỳ, có 200 người bị cúm và 4 người chết. 1988 tại Wisconsin (Hoa Kỳ) một người chết. Năm 2007 có cúm heo tại Phi Luật Tân. Đầu năm 2009 này, người ta cũng đã thấy cúm heo xuất hiện tại California, Texas, Kansas (Hoa Kỳ).
7. Triệu chứng bị cúm heo : tương tự như bệnh cúm vì thời tiết (grippe saisonnière): sốt, ho, chảy nước mũi, đau nhức khớp xương và bắp thịt, mệt mỏi, khó thở…
8. Nguy cơ lây nhiễm : Vì tiếp cận với heo bị cúm, hay với môi trường có vi trùng H1N1, hay với người mắc bệnh cúm heo. Nguy cơ lây bệnh này tương tự như lây ‘cúm thời tiết’ (grippe saisonnière): người bị cúm ho, hắt hơi hay thở và nhả vi trùng vào không khí… và người khác hít thở vi trùng vào miệng…
9. Những người dễ lây bệnh : người cao niên, người đang bệnh sẵn, trẻ em.
10. Thời gian nhiễm bệnh và làm lây bệnh : Một tuần sau khi nhiễm vi trùng H1N1, người ta sẽ lâm bệnh và có thể làm lây bệnh sang người khác.
11. Phòng bệnh : Ngậm miệng khi người bị cúm ho, đừng dùng chung khăn lau miệng, hạn chế việc bắt tay, ôm hôn…người bị cúm heo… cần rửa tay sạch sẽ… cần mang ‘băng bịt miệng’ (masque de bouche).
12. Khi thấy có triệu chứng nhiễm cúm heo, đi vắng, có thể gọi điện thoại số 15.
13. Thuốc điều trị : Sở y tế Hoa Kỳ (CDC) đề nghị dùng thuốc Tamiflu hay Relenza dạng nước, viên, hít để phòng bệnh và trị bệnh cúm heo. Hai loại thuốc này khá hiệu nghiệm để ngăn cản bệnh, giết vi trùng H1N1 và tránh các biến chứng của bệnh.
14. Ăn thịt heo không nguy hiểm bị lây nhiễm, kể cả thịt của ‘heo bị cúm’, vì vi trùng H1N1 không lây nhiễm qua thực phẩm. Tuy nhiên cần nấu chín và cất giữ đúng tiêu chuẩn vệ sinh.
15. Lời kết : Cúm heo hiện nay có phần bị chặn đứng. Cúm heo cũng giống như cúm thời tiết, có thể nhẹ và có thể gia trọng… Tục ngữ Việt Nam thật quý hóa : ‘Phòng bệnh hơn chữa bệnh’ và tục ngữ Pháp cũng rất thâm thúy : ‘Il ne faut pas se dire malade trop tard, ni guéri trop tôt’ (Đừng để liệt giường rồi mới nói mình bệnh, cũng đừng vội nói mình được chữa lành khi chưa hết bệnh).
Du Sinh