Fourniret đã đưa lý do một cách « bệnh hoạn » để biện minh cho hành động bỉ ổi thèm khát gái vị thành niên còn trinh tiết của hắn. Nhưng dẫu với lý do nào đi nữa, hành động lừa đảo, dụ dỗ rồi hãm hiếp và trói tay chân vất xuống ao hồ là hành động dã man, không thể tha thứ được ! Cũng như Emile Louis đã lợi dụng là tài xế xe ca để chuyên chở rồi hãm hiếp những cô gái mang « bệnh tâm thần » mà vợ y được cơ quan xã hội gửi gắm là những con người thiết tưởng xã hội không thể dung tha ! Mong nhà chức trách sẽ khám phá ra hết những vụ thủ tiêu các cô gái nạn nhân đó để trừng phạt cho xứng đáng như lời Phúc Âm nói về kẻ làm cớ gây sa ngã cho những kẻ bé mọn tin vào Người « ... thà treo cối đá lớn vào cổ nó mà xô cho chìm xuống đáy biển còn hơn » (Mt 18, 6)
Johanna Parrish
Tháng năm 1990, trời nóng nực. Ông Jacques đang ngồi câu cá trên một con sông của vùng Yonne (89), bỗng ông ngạc nhiên khi thấy cách đó không bao xa, một cái gì nổi lên đang trôi theo dòng nước. Ông vừa cầm câu vừa đi theo ven bờ. Bỗng ông ngạc nhiên khi thấy đó là một xác chết, và nhìn rõ nữa, thì đó là xác của một người đàn bà.
-Tôi nghĩ đó là xác của một đứa bé, về sau ông cho biết. Trước hết tôi thấy một bả vai, sau đến cái lưng trắng bóc. Rồi cuối cùng, tôi thấy rõ đó là xác của một thiếu nữ. Một người đàn bà trẻ, đẹp, trần truồng.
Về sau, người ta khám nghiệm tử thi, thì thấy nạn nhân bị hãm hiếp và bị xiết cổ. Vài giờ sau, người ta xác nhận là thi thể của một cô gái người Anh, ngụ tại Auxerre. Cô ta 21 tuổi làm giáo sư dạy Anh ngữ cho ngôi trường Lycée Jacques-Amyot ở Auxerre. Cô tên là Johanna Parrish.
Được biết, vài ngày trước khi bị mất tích, cô ta có đăng mấy dòng trên báo tìm dạy anh ngữ tại tư gia. Ngày 9 tháng năm 1990, ngày cô mất tích, cô có hẹn với một người nói là muốn học tiếng Anh. Anh này là thủ phạm ? Cảnh sát theo dõi điều tra ngay kẻ nghi ngờ này. Nhưng rồi ngày qua tháng lại, năm tới, cuộc điều tra bế tắc, không tìm ra thủ phạm. Ai xiết cổ và hãm hiếp cô ta ? Người ta không có lời giải đáp trong nhiều năm trời ! Trong 15 năm. Thân sinh cô ta có qua Pháp, đến Auxerre để tìm cách gây dư luận tại chỗ, cho dán hình cô gái, con mình, khắp nơi để yêu cầu dân chúng cho biết tin tức. Nhưng biệt vô âm tín !
Cho đến khi một sự kiện bất ngờ xảy ra, vào ngày 14 tháng Hai 2005...
Cho nhẹ lương tâm
Hôm đó, trong phòng thẩm vấn của Cảnh sát cuộc Dinant, bên Bỉ, ông Francis Nachbar, biện lý của tỉnh Charleville-Mézières (Ardennes), người Pháp, đang thu thập mọi tài liệu để lên án Michel Fourniret, tên hãm hiếp và giết các thiếu nữ không gớm tay. Ngồi trước mặt ông là một người đàn bà, khoảng 50 tuổi, trông thiểu não. Đó là Monique Olivier, vợ cũ của tên quái đản Michel Fourniret.
Monique Olivier mới ra khỏi tù ở Dinant ngày 14 tháng hai và bị gọi đến để chịu tra hỏi về việc ông chồng là Fourniret hãm hiếp một cô Marocaine. Vụ này có thấm gì với những vụ hãm dâm xiết cổ tầy trời mà Fourniret đã thú nhận bấy lâu. Monique nhìn thẳng vào ông biện lý, rồi nhún vai và nói :
- Tôi chẳng muốn nói đến chuyện đó với ông làm chi. Có chuyện khác đáng nói hơn.
Rồi Monique thêm : « Tôi muốn nói ra để nhẹ lương tâm.» Ông biện lý biết trước đây sẽ là chuyện quan trọng sắp được tiết lộ, nên ông đáp : «Tôi sẵn sàng nghe ».
Sau nhiều lần im lặng để gây hồi hộp như bao lần trước bà kể lại để kết tội ông chồng cũ, bà ta cho biết một cách rõ ràng :
- Bấy giờ Michel (Fourniret) và tôi ở tại St-Cyr-les-Colons, gần Auxerre. Sau đó, vào đầu tháng năm 1990 chúng tôi sắp rời bỏ hẳn nơi này.
Những gì thuật lại sau đó là cuộc diễn tiến như một cuốn phim đầy ác mộng mà Fourniret thủ vai, và bà ta là đồng lõa, nếu không nói tòng phạm.
Ngày 9 tháng năm 1990. Như thường lệ, Fourniret và bà vợ lái chiếc camiônét đi rảo quanh vùng. Bà vợ lái, Fourniret đảo mắt tìm kiếm bóng hình những cô con gái. Bất ngờ, nó nhìn thấy một cô trẻ đẹp đang đi gấp ra bến xe buýt Auxerre.
- Đi chậm lại coi, Fourniret ra lệnh cho bà vợ.
Rồi :
- Ngừng lại.
Bà vợ ngoan ngoãn làm theo lời Fourniret như mọi lần trước, ngừng xe cạnh cô gái chưa hề quen. Rồi có lẽ láo lếu giả vờ hỏi đường sá và thuyết phục thế nào mà cô gái ngây thơ và không chút đề phòng, bước lên xe...
Ta có thể tưởng tượng một cách dễ dàng đoạn khổ đau nhục nhã sau đó của cô giáo người Anh, đầy tin tưởng ở nền văn hóa của nước Pháp. Cô bị hãm hiếp và tay chân bị trói, nói được, trước con mắt của Olivier Monique. Rồi vẫn theo lời Monique kể, cặp ác ôn đó lái xe đi tiếp theo con sông Yonne độ 4 cây số nữa, rồi ngừng lại. Cô Parrish trần truồng, tay chân bị trói rồi bị vất xuống sông. Nơi mà hai ngày sau, người đi câu tìm thấy xác nổi trôi nói trên…
Ông biện lý cho biết lời khai đó trùng với ngày giờ và cái chết đau thương của cô Parrish, giáo sư Anh văn cho ngôi trường Pháp, mà 15 năm qua, không ai tìm ra thủ phạm !
Angele Domece
Nhưng Monique còn thú nhận một vụ hãm hiếp giết người khác nữa của Fourniret, đã xảy ra hai năm trước đó, vào tháng bảy 1988, cũng quanh vùng Auxerre.
Thứ sáu 8 tháng bảy, 1988, ngày mà Monique Olivier không hề quên. Thì cũng là chuyện bà ta lái chiếc camiô-nét và tên Fourniret bắt gặp một người con gái đứng cạnh lề đường xin đi quá giang.
- Nó bắt tôi phải ngừng xe và dụ cho cô con gái lên xe.
Không cần nghe kể lại những gì xảy ra sau đó. Cô bé bị hiếp trong xe rồi bị xiết cổ. Nhưng lần này, hắn ta đem bà vợ về nhà ở St-Cyr-les-Colons, rồi lấy xe đi một mình để vất xác cô gái.
- Khi nó trở lại, nó chỉ nói với tôi : «Nơi tao cất giấu, trời tìm cũng không ra ». Monique Olivier không quên lời nói ngạo mạn đó.
Một lần nữa, ngày giờ thủ tiêu đều ăn khớp. Chỉ cần lật giở hồ sơ sổ sách những cô con gái mất tích ở Yonne thì biết là Monique Olivier không mơ. Đây cũng là một trường hợp mất tích chưa bao giờ tìm ra. Ngày đó cách nay cũng đã 17 năm qua, cô Angèle Domece bị mất tích ở chặng đường từ Cư-xá Leclerc Fourolles (Auxerre) và ngôi nhà bà mẹ nuôi ở Migennes, mà cô ta đi về đó, cách xa 15 cây số. Ba năm sau (2001), bà mẹ nuôi đã đến gặp các nhà báo nói về vụ mất tích này rồi, nhưng cảnh sát điều tra không tìm thấy gì. Cô bé hoàn toàn biến mất khỏi trái đất này như không hề có mặt trên địa cầu ! Còn sống chăng ? Bấy giờ bà mẹ nuôi còn nuôi hy vọng.
Nhưng một sự trùng hợp bỉ ổi khác đã xảy ra : người ta bắt được một tên tài xế ở vùng Yonne. Đó là Emile Louis, bắt gái bị bệnh tâm thần và thủ tiêu, làm người ta hy vọng tìm ra cái chết của Angèle Domece. Nhưng theo các cuộc điều tra, thì không kết tội tên này được, vì hắn là tài xế lái xe không hề đi trên chặng đường đó (tuy rằng Emile Louis đã thú nhận giết chết 6 cô gái do cơ quan xã hội gởi cho vợ y săn sóc !). Thế thì tên quỉ quái nào đã gặp Angèle và thủ tiêu !
Trời tìm cũng không ra
Còn Fourniret thì đã bị giam cầm vì tội giết 6 cô gái mà anh ta nhận tội. Nhưng anh ta không nhận những tội khác mà Monique Olivier đã tố cáo với nhà chức trách. Tại sao tên Fourniret nhận tội này mà chối tội kia ? Thực ra người ta nghĩ có thể nó đã giết đến 10, 20 cô gái trong trường hợp như thế. Nhưng nó là một tên trí óc thông minh khá hơn người, nên nhiều mưu mô để nhận tội từng giọt một, làm cho cuộc điều tra còn cần đến lời thú nhận của nó. Nó gan lì cho đến bao giờ ? Trong khi đó thì Monique Olivier không hề quên lời Fourniret nói trước kia, khi nó đi vất xác một mình : «chỗ tao cất giấu nó, trời tìm cũng không ra ! » Ngoài việc vất xác xuống sông, nó còn chôn xác trong vườn rộng thênh thang của nó hay đem đi vất vào những vùng mà những tên sát nhân hãm hiếp khác (Doutroux, Pierre Chanal) đang bị chính quyền lùng bắt vạch tội để « đánh lận con đen » !
Fourniret cất giấu Angèle Domece ở đâu ? Đó là điều bí mật của hắn, và hắn ngoan cố chối dài, không nhận tội. Và nếu không phải Fourniret thì tên thủ phạm nào ?
Có lẽ «hồn thiêng» của những nạn nhân chết oan, sẽ «trở về» báo mộng cho ta biết, nhất là những thiếu nữ thơ ngây, dễ tin người ! Nhưng ta cũng mong công cuộc điều tra của cảnh sát phải được tiếp tục và tích cực hơn nữa !
Hy vọng những chuyện kinh hoàng này cũng có thể đánh thức, cảnh tỉnh những thiếu nữ hay đón xe dọc đường, xin quá giang ! Một điều ít thấy nơi các thiếu nữ người Việt ! Tant mieux.
Đoạn phim kinh hoàng đầy máu me, chết chóc còn nhiều ẩn khúc làm ta đau lòng thương tiếc không biết đến bao giờ !
Phan Hữu Lộc