Cha mẹ em hy vọng một phép lạ, nhưng quan tòa nói : “Giết em bé đi ”
Phan Hữu Lộc
Charlotte, em bé người Anh, được sinh ra quá bé nhỏ, mắt mù, dài chỉ bằng bàn tay và nặng chưa đầy 500 gam. Em không thể sống được nếu không được nhà thương hỗ trợ cho sống nhờ các dụng cụ y-khoa phụ thuộc như lồng kính khử trùng, dưỡng khí tiếp tế để thở v.v. . Nhưng trước thái độ chán nản của bác sĩ bảo sanh muốn chấm dứt cảnh « hỗ trợ y khoa » đó vì không tin là cứu em được nữa, cha mẹ em lại quyết liệt chống đối ý kiến đó, vì còn nuôi hy vọng và thương đứa con tật nguyền !
Cha mẹ em nói : « Con gái chúng tôi là đứa bé quả cảm. Nếu nó sống cho đến bây giờ, là ở trên trời cao, có kẻ đã muốn nó thoát ra cảnh khổ này». Thảm kịch này khó xử, nên cha mẹ Charlotte phải đem ra nhờ tòa án phân định. Tòa đã xử thế nào, sau khi nghe lý lẽ của hai bên ? Cuối cùng, Tòa đã chọn một giải pháp sau hết, được cả hai bên dồng ý. Giải pháp đó ra sao ? Quyền kết liễu trực tiếp sự sống người thân hay kẻ khác, với ý ngay lành nào đi nữa, (cho họ hết khổ đau...) không phải là của ta, nhưng chỉ là quyền của Đấng ban sự sống. Chấp nhận khổ đau trong thời gian trước khi vĩnh biệt trần gian, đối với kẻ có Đức Tin, còn có ý nghĩa cứu rỗi, đền tội và tỏ lòng cậy trông vào Đấng có lòng Xót Thương !
LUÂN ĐÔN
Bà Debbie, người Anh, có mái tóc óng vàng và cặp mắt dịu hiền. Mới 23 tuổi, bà đã có ba đứa con kháu khỉnh. Nhưng đứa thứ tư, Charlotte, khi sanh ra, lại thiếu tháng, phải chịu điều trị trong nhà thương Sainte-Mary. Và có lẽ không bao giờ được ra khỏi nhà thương, về nhà...
Hai vợ chồng hầu như ngày nào cũng vào thăm đứa con xấu số, được đặt nằm trên tầng ba của nhà Bảo sanh. Họ lấy màn che giường Charlotte làm như một cái « phòng » phân chia với các đứa bé khác. Việc đầu tiên là họ lấy ngón tay khẽ rờ đứa con. Hễ thấy đôi chút phản ứng gì của con là họ thấy như em nhận biết là cha mẹ đang có mặt. Thế là họ nghiêng xuống tai em nói chuyện. Họ có xác tín là Charlotte nghe được tiếng nói của mình, cũng như em nghe được tiếng nhạc của đồ chơi mà họ treo trên cái giường nhà thương đầy máy móc. Họ tắm cho em, thoa dầu mịn màng trên làn da tế nhị và xoa bóp tay chân mềm yếu của con. Cạnh giường em, họ đặt một bức hình Chúa Giêsu và ghi hàng chữ : «Lạy Chúa, chúc lành cho con và săn sóc giấc ngủ của con »
Hai vợ chồng tin tưởng, hy vọng. Hy vọng đã một năm qua rồi. Hy vọng từ ngày 21 tháng mười 2003, lúc Charlotte vừa được sinh ra. Lúc ấy, bà mới có thai được sáu tháng. Bác sĩ Esby, đỡ đẻ, thấy đứa bé nhỏ nhoi, lúc mới sanh ra, thai nhi hầu như vừa mới thành hình. Charlotte chỉ dài có 12 tấc 70, dài bằng cái bút máy ! Một đứa bé nhỏ nhoi, màu hồng, không tiếng khóc chào đời, hầu như bất động, chỉ nặng có 450 gam và nằm lọt trong lòng bàn tay. Khi người ta nhìn thấy các tay chân em co vào người, ngực bé nhỏ, người ta khó mà nghĩ rằng em có thể sống sót... Bác sĩ Esby và các cô y tá hộ sinh ái ngại nhìn nhau. Ở các nước Âu châu khác, luật pháp ấn định rõ ràng là một em bé sinh ra thiếu tháng như thế khó có thể sống được. Dẫu vậy, ở đây, bác sĩ quyết định để cho em bé một dịp may ; họ đặt em vào máy dưỡng nhi (une couveuse). Ở trong chụp kính an toàn (plexiglas) đó, Charlotte có thể sống được. Nhưng với giá nào ?
Một biển đau thương
Ở trong cái chụp, dưới ánh sáng đèn nhân tạo, em nằm đó chờ đợi, mắt nhắm lại. Xung quanh em, cả một ê kíp ngày đêm túc trực. Em sống, thở và ăn uống đều nhờ ống cao su tiếp sức. Phổi không thở được một mình, bú sữa cũng không, không tự ăn uống được. Chưa kể là em bị đủ thứ bệnh : nhiễm trùng đường tiểu tiện, thận hư hỏng, tim cũng lệch. Một phần óc não cũng bị hư hại. Bác sĩ thì cho rằng tình trạng của Charlotte hoàn toàn vô hy vọng. Chỉ là một biển đau thương. Nhưng bà mẹ thì cứ còn hy vọng. Đã năm lần rồi, máy móc báo hiệu là Charlotte ngừng thở. Năm lằn rồi, họ phải cầm lấy tấm thân bất động và lấy ống cao su nhỏ nhoi cắm sâu vào cổ họng em để đưa dưỡng khí vào giúp em thở… Năm lần rồi, họ phải đặt em lại vào nôi, tuy còn sống, nhưng kiệt sức…
Bác sĩ Esby không thể chịu nỗi thêm đươc nữa. Ông đã cố gắng hết sức rồi. Ông và toàn êkíp của ông đã báo cho cha mẹ Charlotte : họ không có thể giúp cho Charlotte lần thứ sáu nữa đâu. Cha mẹ em hoảng sợ, kêu cầu tòa án can thiệp. Thế là một câu chuyện tư riêng của gia đình đã trở thành chuyện quốc gia và một nố lương tâm cho cả nước Anh.
Quan tòa phân vân
Ngày 30/9/2004, phòng xét xử số 47, đã mở cửa một cách bất thường cho công chúng tham dự, vì là căn phòng chuyên xét xử những vụ quan trọng và tranh luận gắt gao. Trong khi tại nhà thương Sainte-Mary, nhiều cây số cách đó, Charlotte đang chiến đấu một mình trong lồng kính khử trùng, giữa các bức tường trắng để sống còn, thì tại tòa án, nơi đây, cha mẹ Charlotte đang phải chiến đấu một cách gắt gao để bảo vệ cho em. Ông chánh án yêu cầu bác sĩ Esby trình bày. Bác sĩ nói về kỹ thuật thì khó hiểu, nhưng ông nói một cách bình tĩnh và với cả tấm lòng :
- Charlotte hình như không ý thức được bầu khí quanh mình. Em không có phản ứng khi có người đụng đến mình và hình như cũng không nhận biết những ai đứng vây quanh em. Lúc có máy móc giúp em thuốc men thì làm cho em còn sống, nhưng có hậu quả là làm cho phổi của em yếu thêm đi. Chúng tôi cho em dưỡng khí cần thiết, nhưng em bị nhiễm bệnh phổi mà chúng tôi xưa nay chưa hề thấy.
- Charlotte có hy vọng sống không ? ông chánh án hỏi.
- Dù em có sống được, thì em chỉ ở tình trạng phát triển tối thiểu và không bao giờ biết được người nhà và liên lạc với họ được.
- Charlotte có bao nhiêu hy vọng để mừng ngày sinh nhật thứ hai ?
- Hầu như không có chút nào, bác sĩ Ebsy nói với vẻ mặt buồn rầu trông thấy. Charlotte đã chịu đau đớn bấy lâu bằng người ta chịu khổ đau trong vòng một năm trời ! Đối với tôi cũng như các cọng sự của tôi, phải hồi sinh em thêm một lần nữa là điều không thể chịu được.
Bầu khí tòa án trở nên khó thở. Ai nấy đều hiểu ý lời bác sĩ nói. Sau đó, ông chánh án tuyên bố :
- Sáng mai, chúng ta sẽ họp bàn tiếp.
Điều gì có lợi cho Charlotte ?
Mồng 1 tháng mười. Hai vợ chồng bà Debbie dẫn một bác sĩ độc lập về trẻ em đi theo đến tòa. Và họ cho biết là hôm qua, họ thấy Charlotte có phản ứng khi họ vuốt ve em.
Ông chồng nói, trong khi bà vợ nhìn ông với hai hàng nước mát :
-Theo tôi thì phải thử làm hết mọi cách cho Charlotte có chút hy vọng. Con gái chúng tôi là đứa bé quả cảm. Nếu nó sống cho đến bây giờ, là ở trên trời cao, có kẻ đã muốn nó thoát ra cảnh khổ này.
Rồi ông nói tiếp một cách khôn ngoan :
- Chúng tôi không trách gì nhà thương hết. Ở đó ai cũng muốn điều ích lợi cho Charlotte. Nhưng điều nào là lợi ích cho em ? Đó là điều mà họ và chúng tôi mỗi người nghĩ khác nhau. Điều nhà thương muốn là được phép tháo dây nuôi dưỡng ra. Nếu thế thì con tôi sẽ không sống được sau đó. Tôi còn có đứa con trai hai tuổi. Làm sao giải thich cho nó hiểu được là các bác sĩ đã quyết định là Charlotte, em nó, không có quyền sống nữa ?
Giải pháp cuối cùng
Thấy cha mẹ em cương quyết như thế, ông chánh án cũng khó nghĩ. Ong ta biết được lý lẽ của cha mẹ Charlotte sẽ đưa ra sau đó là nhắc đến trường hợp của David Glass, mà ai cũng còn nhớ. Câu chuyện xảy ra cách đó sáu năm rồi. David bấy giờ mới 12 tuổi, bị tàn phế nặng và sắp chết vì bị nhiễm trùng phổi cũng trong nhà thương Sainte-Mary này. Bác sĩ chuẩn bị cho em chết, vì không còn cách nào cứu chữa đựơc nữa. Họ chích một mũi thuốc làm cho bệnh nhân lịm đi, trước khi tháo ống dây giúp hô hấp. Nhưng Carol, mẹ của em, không chịu. Bà rứt bỏ ống nước biển, xoa bóp lồng ngực cho con và ghé vào tai con nói chuyện cho đến lúc em tỉnh dậy. Rồi bà đưa em ra khỏi nhà thương, mặc đầu các bác sĩ trong nhà thương không đồng ý. Ngày nay, David vẫn còn sống và đã mừng sinh nhật 18 xuân xanh. Và Hội đồng Âu châu vừa lên án nhà thương.
Nhưng trường hợp Charlotte, ta có thể chờ một « phép lạ » như thế xảy ra không ? Cha mẹ Charlotte yêu cầu ông chánh án hãy nghe ông bác sĩ độc lập, chuyên về hồi sinh mà họ đem theo. Bác sĩ này được mời ra trước vành móng ngựa. Nhưng bất ngờ, không như cha mẹ Charlotte tưởng, ông này đứng về lập trường của các bác sĩ nhà thương. Ông dằn từng tiếng :
- Cho thở bằng máy móc quá năm ngày liền mà không khá, là điều quá đau đớn và không thể chấp nhận được.
- Thế thì không có cách nào cả sao ? Ông chánh án đầy xúc động, hỏi.
- Có lẽ có một : giải phẫu nơi ống khí quản cho Charlotte khi em ngừng thở sau này. Rạch một đường nhỏ nơi cuống họng. Đó là một cách thí nghiệm. Nếu em thở được với chút lỗ nhỏ đó thì tốt, còn nếu không thở được, thì không làm gì hơn được nữa.
- Đó là giải pháp cuối cùng ? Ông chánh án hỏi.
Gió nhẹ mơn trớn làn da.
Cả phòng im lặng. Và sau một vài phút, « phép lạ » đã xảy ra. Không phải điều như mọi người mong muốn. Nhưng là trong tâm hồn của cha mẹ Charlotte. Trong khi nghe các bác sĩ trình bày nãy giờ, lần đầu tiên họ nhận thấy rằng sống như Charlotte là một cực hình dã man cho em. Ông chồng, nắm tay bà vợ đứng lên. Với giọng nói đầy thổn thức, ông xin ông chánh án một điều cuối cùng :
- Chúng tôi xin, sau này khi Charlotte ngừng thở thì giải phẫu khí quản cho Charlotte. Sự mổ xẻ đó giúp cho chúng tôi đem em ra khỏi nhà thương vài phút ; cho em cảm thấy được, lần đầu và lần chót, luồng gió nhẹ mơn trớn làn da của em...
Các bác sĩ bị xúc động, còn ông chồng nói tiếp :
- Chúng tôi sẵn sàng chấp nhận. Nếu năm ngày nữa mà Charlotte không thở được một mình, thì bấy giờ thực đúng lúc để dẹp máy móc. Chúng tôi sẽ có mặt bên cạnh em để phẩn khởi cho em... ẵm em trên tay vào giây phút cuối cùng, rồi để em ra đi...
Thứ năm 7 tháng mười. Tòa quyết định : khi Charlotte ngưng thở một lần nữa, thì không còn hồi sinh cho em nữa.
Khi nghĩ đến chuyện Charlotte, tất cả nước Anh đều nói rằng sự chết có khi là một cách khác để thương yêu.
(Theo Le Nouveau Détective 13/10/04)
Phan Hữu Lộc