ĐÀN BÀ HÚT THUỐC
Du Sinh
1. Tiêu thụ thuốc lá tại Pháp và trên thế giới.
Tại Pháp.
. Nơi người trẻ dưới 18 tuổi: Theo tổ chức 'Quan sát Pháp về ma tuý và độc dược (Observatoire francais des drogues et des toxicomanies, OFDT) thì tuổi đầu tiên hút thuốc là 13,7 cho con gái và 13,4 cho con trai. Khi lên 17 tuổi, người trẻ trai và gái hút thường ngày, 28% thanh nữ và 30% thanh nam. So chiếu trên bình diện Âu Châu, giới trẻ Pháp hút thuốc vào loại trung bình. Tại nhiều nước, giới trẻ còn hút mạnh hơn.
. Nơi người Pháp từ 18 tuổi: 29% hút thuốc thường xuyên mỗi ngày, và 5% chỉ hút khi có dịp vui. Đàn ông hút thuốc nhiều hơn đàn bà, 35,5% và 27,5%. Hiện nay, số người hút thuốc giảm bớt nhiều: Năm 1950, đàn ông 66% và đàn bà 20%; vào năm 1999, đàn ông 36,6% và đàn bà 29,9%.
. Mức độ nghiền thuốc (dépendance au tabac): Người lớn có 31%, trong đó 18% là 'nghiền nặng'. Người trẻ 17-18 tuổi có 30% nghiền nặng.
Trên thế giới:
Cuộc thăm dò cho biết hiện có một tỷ người hút thuốc, trong đó 20% là người nữ. Cơ quan về sức khoẻ thế giới (OMS) ước lượng cứ mỗi ngày có từ 82.000 đến 90.000 người trẻ hút điếu thuốc đầu tiên. Ngoài ra còn một số đáng kể trẻ em chưa đến 10 tuổi đã bắt đầu phì phèo.
Chết vì hút thuốc:
Tại Pháp số người chết vì hút thuốc mỗi năm tới 60.000 người. Trên thế giới mỗi năm có 5.000.000 người tử vong vì hút thuốc. Ngoài ra mỗi năm việc hút thuốc đã gây nên 8.000.000 nạn nhân. Cơ quan OMS báo động: từ đây cho tới 2030 sẽ có 80% người chết vì thuốc lá, phần đông họ là những người ở trong các xứ nghèo và lương bổng, việc làm thấp kém…
2. Đàn bà và thuốc lá.
Số người nữ bị ung thư phổi vì hút thuốc gia tăng.
'Cơ quan sức khỏe thế giới' (OMS) mới đưa sáng kiến tổ chức 'Một ngày không hút thuốc trên cả thế giới' (une journée mondiale sans tabac) với đề tài thảo luận và báo động: 'Kể từ 1920 tới nay số người nữ bị ung thư phổi đã tăng lên gấp bốn lần'. Mục đích tìm ra phương thức phòng ngừa và cản ngăn chứng bệnh nguy hiểm, phát sinh từ việc hút thuốc, nơi giới nữ. Con số ngoạn mục : tại Pháp, từ 15 năm nay, số tử vong vì ung thư phổi đã tăng lên gấp bốn lần hơn nơi nguời nữ vào cỡ tuổi 40.
Theo tài liệu nghiên cứu xuất bản trong tuần báo 'Bulletin épidémiologique hebdomadaire, BEH) của 'Viện Canh chừng sức khoẻ' (Institut de veille sanitaire) ra ngày 25. 05. 2010, thì "trong cỡ tuổi 35-40, năm 1984, người ta nhận thấy 1,4 trong số 100.000 người tử vong vì ung thư phổi. Đến năm 1998, tỷ số này tăng lên 5,6% và năm 2006 lại gia tăng tới 6,3%". Bà Catherine Hill, tác giả bài nghiên cứu, còn cho biết: "Cũng trong khoảng 20-25 năm vừa qua, số người nữ từ 15-25 tuổi hút thuốc lại gia tăng vũ bão". Con số người nam khả quan hơn nhờ họ giảm bớt hút thuốc: Số người nam chết do bệnh ung thư phổi vì hút thuốc chỉ có 1/5 thôi. Điều đáng quan tâm là 'tại nhiều nước, số người nữ hút thuốc bằng số người nam'.
Nguyên nhân nghiền thuốc.
. Chiến lược của các nhà kỹ nghệ thuốc lá và những người buôn bán thuốc lá. Họ đã khéo léo 'quảng cáo' 'lôi kéo' giới nữ thi nhau hút thuốc, bằng những bài tuyên truyền và những tờ quảng cáo thật hấp dẫn, đúng tâm lý đàn bà. Họ biết tìm đúng 'khối khách hàng đông đảo với cách trình bày đủ loại thuốc nhẹ nhàng, thơm ngon, với những bao bọc thu hút tâm lý các bà… Họ đã kéo được một mẻ lưới thật ngoạn mục…
. Nam nữ bình quyền: Một trong những ý tưởng then chốt khiến ngưòi nữ thi nhau hút thuốc công khai, và càng công khai càng chứng tỏ sức mạnh của nữ giới, là: Hút thuốc là biểu hiệu sự tân tiến, hợp thời đại, là dấu chỉ cụ thể nam nữ bình quyền… từ trong gia đình đến môi trường xã hội… Người nữ đi làm việc, họ làm chủ đồng lương của họ, họ độc lập trong cách sống của họ … Hút thuốc đối với họ là một trong những thành công lớn về quyền tự do của nữ giới (une des grandes conquêtes de la liberté des femmes).
Những ý kiến đáng ghi nhận.
. Giáo sư Chantal Raherison, bệnh viện Bordeaux: "Thật vậy, số người nữ bị ung thư phổi mỗi ngày một gia tăng. Đặc biệt nơi những người trên 50 tuổi. Ngay những người 35-45 tuổi cũng mỗi ngày một thêm nhiều. Những người nữ bắt đầu hút từ 13-14 tuổi, thì sau 20-25 năm hút thuốc, họ sẽ khó tránh khỏi ung thư. Hút thuốc cũng ảnh hưởng nhiều đến việc lên ký và xuống ký của người nữ, cũng có thể là nguyên nhân của bệnh ung thư vú… tuy nhiên trong phạm vi này còn nhiều ý kiến trái ngược… Một điều chắc chắn là tại Pháp, mỗi năm có 16.000 người chết vì bệnh đau cuống phổi (bronchite), trong số đó người nữ bị bệnh mỗi ngày một gia tăng đáng sợ: từ 1979 đến 1999 bệnh gia tăng 21% trong giới nam và 78% trong giới nữ. Tóm lại, trong việc hút thuốc, nữ giới bị tổn thương nhiều hơn nam giới".
. Bác sĩ Emmanuelle Béguinot, giám đốc Ủy Ban Quốc Gia chống hút thuốc (CNCT): "Ngay từ đầu thế kỷ XX, hút thuốc luôn là hình ảnh xấu đối với thế giới phụ nữ. Cho dù xã hội ngày nay không chấp nhận quan điểm đó, hút thuốc vẫn không đẹp (mal vu) đối với một người phụ nữ".
. Ký giả Sylvain Dulac đã viết việc hút thuốc ở Trung Hoa: Bà Li điều hành một tiệm ăn bình dân cho biết: "Cho dù cả thế giới muốn giảm bớt việc tiêu thụ thuốc lá, chuyện đó thật khó đối với Trung Quốc. Chính tôi đây, tôi chống thuốc lá, nhưng tôi không cản khách hàng của tôi mua hút thuốc lá. Hiện nay có 350.000.000 người Trung Hoa hút thuốc và không ai đặt vấn đề. Giá một gói 10 bao thuốc lá là 187e (tức 1.600 yuans). Đàn ông từ 15-59 tuổi có tới 60% hút thuốc, và cách chung 'dân chúng không lấy làm đẹp (bien vu) khi thấy một cô gái có điếu thuốc ngậm trên miệng hay cầm ở tay'. Cả Trung Hoa có 190 nhà máy sản xuất thuốc lá, nhưng phải chịu cho nhà nước độc quyền. Hy vọng vào năm 2011, nhà nước sẽ cấm hút thuốc tại các môi trường công cộng, như nơi làm việc, trên xe bus, tàu hỏa, ngoài công trường, đường phố….".
. Terry Douclis, 19 tuổi, làm việc trong một 'quán ăn mau lẹ' (restaurant rapide): "Tôi bắt đầu hút từ lúc 15 tuổi. Tôi chỉ hút những thứ thuốc nhẹ và ướp thơm (menthe hay trái cây…) giống như mẹ tôi. Thường mỗi ngày tôi hút một bao. Ba tôi cũng hút nhiều và hút loại thuốc nặng. Ba mẹ tôi đã thử bảo tôi ngưng hút thuốc, nhưng khổ nỗi, cả hai đều hút nên lời chỉ bảo không có hiệu lực bao nhiêu. Dầu sao, bây giờ có thai, tôi cố bớt hút thuốc, tôi chỉ hút 5 điếu thay vì một bao mỗi ngày. Nhưng khó lắm. Nhiều lúc tôi đã tự nhủ 'mình sẽ hút lại sau khi sinh con'. Thú thực tôi không bao giờ nghĩ đến ung thư hay các bệnh khác. Có lẽ khi nào xem hình chụp phổi, lúc đó tôi sẽ ngưng hút thuốc…".( Viết theo báo La Croix 25.05.2010)
Du Sinh