Suy nghĩ về tuổi vị thành niên trên phương diện tâm lý học
Bs Trần Thị Tuyết, Médecin psychiatre
Trong giai đoạn tuổi vị thành niên thì câu hỏi chính là : Tuổi vị thành niên có phải là một lứa tuổi khó hiểu, ngoại lệ, hay chỉ là một giai đoạn đặc biệt và chính yếu trong quá trình biến đổi từ trạng thái trẻ con thành người lớn ?
Tuổi vị thành niên là giai đoạn thay đổi. Nếu việc chào đời là sự biến đổi từ trạng thái bào thai thành trạng thái sơ sinh, thì đối với trẻ vị thành niên, thì nó cũng phải theo một sự biến đổi mà nó không giải thích được. Ðối với người lớn thì nó trở thành đối tượng để người lớn đặt câu hỏi, và từ đó làm cho người lớn lo sợ hơn, hoặc có thái độ dung thứ hơn.
Tuổi vị thành niên có kéo dài hay không thì tùy theo cách đối xử của người lớn đối với chúng nó và tùy theo sự chấp nhận của xã hội đối với chúng nó. Chúng nó thường tìm cách thử thách môi trường xung quanh để tìm tới những giới hạn của chúng nó và những giới hạn của môi trường.
Ðối với trẻ vị thành niên, cha mẹ không còn là biểu tượng của một hệ thống giá trị nào cả.
Trong trường học, chúng nó tuân theo những đứa lãnh đạo của từng nhóm nhỏ. Trong môi trường đó, thế nào cũng có đứa yếu đuối và không được đứa lãnh đạo của nhóm ưa thích. Ðứa đó sẽ bị xua đuổi : « Mày là thằng ốm yếu quá, mày là thằng ngốc quá, mày là thằng mập quá… mày đi chỗ khác chơi ». Cách đối xử ấu trĩ đó làm cho trẻ vị thành niên bị cảm thấy xúc phạm một cách nặng nề hơn, cả khi cha mẹ của chúng nó la rầy, cho rằng « con đừng làm giống con nít quá ».
Những lối nhận xét của những người lớn có nhiệm vụ theo dõi và chăm sóc trẻ vị thành niên cũng dễ làm cho chúng nó cảm thấy bị tổn thương.
Trong giai đoạn thay đổi này, trẻ vị thành niên trở lại tình trạng yếu đuối giống như lúc chúng nó còn sơ sinh, rất nhạy cảm đối với cách nhìn và lời nói của người khác đối với chúng.
Một đứa trẻ sơ sinh mà gia đình lấy làm tiếc rằng nó giống người này, nó không giống người kia, rằng nó có một cái mũi như thế nọ thế kia, thậm chí có người còn phàn nàn về bộ phận sinh dục của nó hoặc mái tóc của nó. Ðứa trẻ có thể in trí suốt đời nó những lời phê bình mà người ta nghĩ rằng nó còn quá nhỏ, chưa nghe được. Ở lứa tuổi sơ sinh đó, tất cả những lời phê bình đều có giá trị đối với chúng nó, kể cả những lời phê bình của kẻ không có uy tín, chẳng hạn như kẻ ganh tị hoặc ganh ghét với cha mẹ chúng nó. Ðứa trẻ sẽ tiếp nhận và bị tổn thương bởi những điều tiêu cực đó. Sự kiện đó, bây giờ chúng ta mới biết được.
Ðiều tương tự như vậy cũng xảy ra đối với trẻ vị thành niên. Chúng nó không phân biệt được phải trái, ngay cả khi nó nghe điều người ta nói xấu về nó, nó cũng cho đó là đúng. Lời nhận xét đó sẽ làm ảnh hưởng đến mối quan hệ về sau của nó đối với xã hội.
Muốn hiểu thật sự tình trạng yếu đuối, thiếu thốn, nghèo nàn của trẻ vị thành niên, chúng ta có thể mượn hình ảnh của những con tôm hùm khi chúng nó lột vỏ. Chúng nó cần phải trốn dưới những ghềnh đá một thời gian để cấu tạo trở lại vỏ mới để đề kháng. Nếu trong thời gian yếu đuối này, mà chúng nó phải chịu những cú đấm đá thì nó sẽ bị tổn thương suốt đời, vỏ được cấu tạo sẽ phủ lên những vết sẹo nhưng không xóa bỏ được.
Từ một số nhận xét trên, và đúc kết sơ khởi về buổi nói chuyện giữa các bậc cha mẹ và tôi vào tháng 12 năm 2002, tôi xin mạn phép ghi lại một ít suy nghĩ về thái độ của cha mẹ và người lớn đối với trẻ vị thành niên.
Người lớn đóng một vai trò quan trọng trong vấn đề giúp đở trẻ vị thành niên tiến vào linh vực nhận lãnh trách nhiệm, để tránh tình trạng mà chúng nó trở thành những đứa trẻ mà xã hội thường gọi là trẻ chậm trễ hay chậm phát triễn.
Xã hội sẽ có lợi hơn nếu trẻ vị thành niên không kéo dài đời sống được cứu trợ giúp đỡ của chúng.
Quan niệm tương đối hợp lý đó có thể dẫn đến thái độ quá tích cực là thúc đẩy một đứa trẻ 11, 12 tuổi không được kéo dài tình trạng trẻ con. Thử hỏi, nếu ta không buồn ngủ thì có cần phải hấp tấp chạy vô giường hay không ?
Những lời nói có tính cách thông thường mà chúng ta nghĩ là vô tội vạ, chẳng hạn : « Con làm giống con nít, nhưng con không còn là con nít nữa » lại có mang một tính cách buộc tội đối với trẻ vị thành niên. Tuy nhiên, chúng ta hãy yên tâm bởi vì trẻ vị thành niên không chú ý đến. Chúng nó chỉ chú ý khi mà những lời nói tương tự như vậy được phát biểu từ bạn bè của chúng nó.
Những người lớn khác ngoài gia đình và có quan hệ với chúng nó, về mặt trường học hay xã hội, đều có vai trò quan trọng với chúng nó trong giai đoạn này. Những người lớn đó có vai trò giáo dục quan trọng đối với trẻ vị thành niên trong giai đoạn yếu đuối này. Trên thực tế, mặc dầu họ không trực tiếp lãnh nhận việc giáo dục chúng nó, tuy nhiên tất cả những chuyện gì họ làm được cho trẻ vị thành niên đều đóng góp vào việc giúp đỡ chúng nó phát triễn, tự tin và làm cho chúng nó can đảm và vượt qua những sự khó khăn. Ngược lại những thái độ tiêu cực của họ có thể làm cho chúng nó chán nãn và suy nhược tinh thần (dépression).
Có điều không được may mắn lắm, là người ta không biết rõ ràng là lúc nào giai đoạn yếu đuối sẽ xảy đến cho mỗi cá nhân riêng của từng đứa trẻ vị thành niên.
Hiện nay, có nhiều trẻ vị thành niên ở lứa tuổi 11, 12, đã trải qua tình trạng suy nhược tinh thần và bị cuồng ám (paranoïa). Chúng nó có hành vi tấn công người khác hoặc chính chúng nó một cách vô cớ. Trong những cơn khủng hoảng đó, thì trẻ vị thành niên sẽ chống lại tất cả mọi luật lệ, bởi vì nó nghĩ rằng những người đại diện cho luật pháp không có tạo điều kiện cho nó hiện diện và sinh tồn trong xã hội. Phản ứng tự vệ đó làm cho nó trở nên thụ động hơn, bởi vì chính trong lúc đó, chúng nó sẽ chống lại người chung quanh, hoặc chống lại tình trạng suy nhược của chúng. Những thái độ tự vệ đó càng gây ảnh hưởng trầm trọng hơn cho tình trạng yếu đuối sẵn có của chúng.
Tôi xin mạn phép kết thúc phần đầu của vấn đề ở đây, và hẹn sẽ gặp lại quý ông bà và anh chị em trong những buổi gặp gỡ sau. Một số tài liệu tham khảo về mặt lý thuyết trong bài này đều dựa vào Françoise Dolto, và phần còn lại, là kinh nghiệm hành nghề của chính tôi trong 15 năm qua.
Bs Trần Thị Tuyết, Médecin psychiatre