Ðem hạnh phúc đến cho con cái
Trinh Nguyên
Hiện nay, đã đến lúc hay chưa, trong gia đình cần sống hiệp nhất trong tình yêu để tạo hạnh phúc cho con cái ? Tại sao và phải làm thế nào ?
Để trả lời, chúng tôi xin mượn lời của chính Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã nhắc chúng ta, khi ngài gặp 10. 000 người VN tại Đại Hội Giới trẻ, lần thứ 8, tại thao trường Mc Nichols, Denver, Colorado, Hoa Kỳ, ngày 15-8-1993. Ngài nói :
« Hai mươi năm qua, nhiều người trong anh em đã bỏ quê hương cha mẹ đương đầu với mọi thứ đau thương, thử thách, trước khi tới nơi an toàn và định cư. Trong những hoàn cảnh khó khăn đó, anh em cũng đã tìm ra sức can đảm trong niềm tin nơi Chúa Kitô. Ngày nay, mọi điều kiện đã khả quan ; điều khẩn trương trước mắt là bảo toàn luôn trong sáng và linh động cái bản lĩnh người công giáo. Đừng buồn rầu, thất vọng, đừng có thái độ nghịch với lý tưởng tình thương Thiên Chúa. Tôi biết anh chị em đang hăng say bảo tồn truyền thống quốc gia và cố gắng dậy cho con em và thanh thiếu niên học tiếng Việt. Đây là bằng chứng anh chị em còn yêu mến quê hương, tha thiết với nền văn hóa và lịch sử dân tộc. Đây cũng là cách anh chị em phong phú hóa quốc gia mà anh chị em chọn làm quê hương mới. » (GXVN. Số 137. 10-1997. tr.13).
Đã 10 năm (1993-2004), lời căn dặn trên, thiết nghĩ vẫn còn giá trị và đem ra thảo luận và áp dụng trong buổi gặp gỡ, có mặt của các phụ huynh thiết tha tới việc giáo dục con em tại hải ngoại.
Tại sao phải hiệp nhất tình yêu ? Mới có thể giáo dục và thông truyền đức tin cho con em ?
Chúng tôi xin tạm đưa ra ba lý do sau đây :
- Hiện nay, con cháu chúng ta thành công mọi lãnh vực, học giỏi, tài ba và dần dần bước lên những nấc thang và có địa vị cao trong xã hội tây phương. Ngay trong lãnh vực tôn giáo, bên Hoa kỳ và Úc có nhiều ơn gọi làm linh mục và tu dòng. Một em gái 21 tuổi, từ Mỹ qua Toronto, đã phát biểu trong đại hội Quốc Tế Giới Trẻ, rằng : Con xin cám ơn cha mẹ đã giáo dục con trong đức tin và con hãnh diện là người công giáo.
- Rất đông thành công trong trường đời. Nhưng trong trường đạo, con em chúng ta thua kém. Nhà thờ vắng bóng người trẻ. Nhiều người trẻ không biết và hiểu về giáo lý, hay Thánh Kinh, nói gì đến kinh hạt hay giữ giới răn Chúa và Giáo Hội. Thiếu hiểu biết, nên đổ lỗi cho ông bà, cha mẹ, theo đạo là lỗi thời, hủ lậu. Vì thế, trong gia đình có hai thái độ sống đạo như đối nghịch. Sợ mai sau thế hệ cha ông mất đi, quan niệm đạo đức nơi con em mất theo.
- Có nhiều dấu hiệu cho thấy các gia đình trẻ rạn nứt, đổ vỡ. Lối sống trong các gia đình tây phương, như chung sống tạm bợ, vợ chồng xa hay bỏ nhau dễ dàng... đang như vết dầu loang xâm nhập dễ dàng vào các gia đình VN. Mất đi vẻ đẹp gia phong, lễ giáo của Á Đông. Nếp sống văn minh này, ĐGH gọi là ‘‘văn minh chết chóc’’. Ngài muốn con người lấy tình người xây dựng thế giới bằng nền ‘‘văn minh tình thương’’.
I. Hiệp nhất trong tình yêu
1. Trân trọng giữ nguyên mầu áo trắng khi Rửa Tội.
Màu áo trắng ngày Rửa Tội vô cùng qúi giá. Với thời gian có phôi phai, nhưng vẫn còn vẻ đẹp huy hoàng ban đầu. Đôi khi có lỗi lầm hay sai phạm sẽ được thanh tẩy. Để luôn là con cái Thiên Chúa. Mẩu chuyện em bé dưới làm chúng ta thận trọng giữ nét đẹp thiên thần của tuổi trẻ.
Tại một trường học ở Nagasaki, bên Nhật, có 150 học sinh nội trú, và chỉ có một em Công giáo. Trước và sau bữa ăn em đều chắp tay cầu nguyện. Các em khác thấy thế đều chế diễu và mách với hiệu trưởng. Ngày kia, ông hiệu trưởng gọi và hỏi :
- Tại sao em làm như vậy, không sợ bạn bè cười sao ?
- Em là người Công giáo. Em phải cầu nguyện với Chúa luôn. Em không được vô phép khi lãnh nhận thực phẩm Chúa ban mà không cám ơn Ngài.
Nghe thế, viên hiệu trưởng cúi mặt, hổ thẹn khóc và nói :
- Trời ơi, thày đây cũng tin Chúa, nhưng không dám tỏ cho ai biết ? Từ đây, nhờ ơn Chúa, thày sẽ làm tròn bổn phận người kitô hữu.
2. Trung thành với lời giao ước trong phép Hôn Nhân và sống trọn nghĩa vợ chồng.
Mục đích của hôn nhân Kitô giáo là liên kết hai người nên một để chung sống trọn nghĩa sắt son. Muốn liên kết không phải dễ vì do dị biệt tính tình và hoàn cảnh sinh sống phức tạp. Bình thường hai vợ chồng có thể giải quyết những bất hòa bằng thông cảm, bỏ đi những tự ái. Phương chi với đức tin công giáo, lại càng dễ dàng hàn gắn xây dựng nếp sống mới.
Hai vợ kia thường gây gỗ và cãi nhau như cơm bữa. Tình hình gia đình ngày mỗi căng thẳng và ngột ngạt. Đến một hôm, chịu hết nổi cảnh xào xáo trong nhà, ông chồng đề nghị hai người sẽ viết ra trên giấy tất cả những gì mình không bằng lòng rồi trao cho nhau đọc. Hai người ngồi gần nhau và bắt đầu cầm bút viết. Thấy người chồng viết trước, bà vợ cắm cúi viết theo. Lâu lâu bà lại ngước mắt xem chồng viết. Bà viết nhiều và hết những ‘‘tật xấu’’ của chồng. Trong khi đó ông chồng ôm trán, cắn bút, ngập ngừng. Cuối cùng không còn gì để viết, hai người trao cho nhau trang giấy đã viết. Những trang của vợ dày đặc, kể đủ ‘‘tội’’ của chồng. Bà vợ hết sức bỡ ngỡ và cảm động khi đọc trang giấy của chồng viết lặp đi lặp lại có một câu: ‘‘Anh Yêu Em...Anh Yêu Em ’’. Từ đây, trong nhà hết sóng gió. Hai vợ chồng đã tìm lại được những ngày xuân nồng ấm hạnh phúc. (Báo Reader’s Digest 11/1985).
Cha ông chúng ta đã mách phương thuốc hiệu nghiệm tạo hạnh phúc gia đình. Khôn ngoan và khéo léo vẫn do người phụ nữ :
Chồng giận thì vợ lui lời
Cơm sôi nửa bong, có rơi hột nào
Chồng giận thì vợ làm lành
Miệng cười hớn hở, rằng anh giận gì.
3. Chu toàn bổn phận cha mẹ đối với con cái
Hạnh phúc gia đình thể hiện tình yêu giữa vợ chồng và giữa cha mẹ với con cái. Lối giáo dục phong kiến không còn hợp thời. Ngày nay, đối với con, cần giáo dục bằng tình thương và yêu thương. Lấy đức mà khuyên răn. Lấy nhân mà sửa trị. Lấy nghĩa mà thưởng phạt. Cha mẹ cần theo dõi, chia sẻ tình thương, không đóng kín, mà luôn mở cửa đón nhận ý kiến con cái.
Cha mẹ đồng trách nhiệm đào tạo giáo dục con. Mỗi người cha, hay mỗi người mẹ đều để lại nơi người con mình vẻ đẹp, sức sống cuộc đời. Cha mẹ sống thế nào, con cái sống như thế. Cha nào con ấy. Mẹ nào con ấy.
Mahatma Gandhi (1869-1948) khi còn nhỏ hay trốn học đi chơi. Sợ mẹ biết sẽ mắng chửi rày la, nên Gandhi thường bày chuyện nói dối mẹ. Một hôm biết được cậu trốn học, bà không chịu ăn cơm. Cậu khóc lóc xin mẹ ăn cơm, nhưng bà nhất quyết nhịn ăn. Gandhi năn nỉ hỏi tại sao mẹ giận. Bà rả lời : ‘‘Mẹ thà thấy con chết còn hơn nói dối. Vì nói nói dối là tỏ ra tâm hồn yếu đuối, hèn nhát. Có con như thế là cái nhục cho mẹ. Mẹ không thiết sống’’. Ganghi đứng lên xuống bếp lửa, lấy cục than hồng đặt trên bàn tay và nói : ‘‘Con hứa với mẹ cho đến chết con sẽ không nói dối nữa.’’ Người mẹ mừng quá ôm trong nước mắt : ‘‘Bây giờ mẹ thấy đời đáng sống.’’
Về sau, khi trở thành vị lãnh đạo tinh thần dân tộc Ấn Độ, Ganghi thường nói : ‘‘Vết phỏng trên tay tôi là hình bóng của mẹ tôi. Đây là ‘‘thiên thần’’ phù trợ tôi với danh dự và thành thật.’’ (ĐMHCG. số 192, tháng 7-2002, tr. 9). Được biết, trong cái tên bà mẹ đã đặt cho Gandhi có chữ ‘‘Mahatma’’ có nghĩa là ‘‘tâm hồn cao thượng’’.
II. Đem hạnh phúc
Nói cho đúng và cụ thể là làm thế nào thông truyền đức Tin cho con cái. Có rất nhiều cách, nhưng chúng tôi xin đề nghị 3 điểm căn bản. Một công việc cần về sống đạo song song với hai phương cách duy trì truyền thống văn hóa dân tộc.
1. Nêu gương sáng về sống đức tin.
Tuyên xưng đức tin bằng việc làm mới quan trọng. Trẻ em rất thực tế, lời dạy bảo phải kèm theo việc làm. Một vài thí dụ nhỏ : Nhắc con đi lễ Chủ nhật, trong khi cha ở nhà xem đá banh. Hoặc cha mẹ kéo nhau đi chợ, hay ở nhà tiếp đón vui chơi với bạn bè.
Đây là mẩu chuyện có thật.
Một em trai khác con của bác nông phu, sinh sống trong thôn nấp, nhà gần đường xe lửa mới làm, sáng hôm ấy, em thấy một chiếc xe hơi ngừng trước cửa nhà. Ông giám đốc sở hỏa xa bước xuống ngắm nhìn chiếc cầu mới xây cất. Em tò mò đi theo. Viên giám đốc quay lại hỏi :
- Này, em có biết tôi là ai không?
- Thưa, chắc là người của sở hỏa xa.
- Vậy, em có biết tôi cần gì không ?
- Thưa ông, cháu nghĩ ông cần phải xin lỗi Chúa, vì ông đang vi phạm luật ngày Chúa nhật, hôm nay là ngày của Chúa.
- Ai bảo em nói thế ?
- Thưa, chẳng ai bảo cả, cháu mới chợt nghĩ ra.
- Cám ơn cháu đã nhắc tôi nhớ lại bổn phận người công giáo…
Hãy tuyên xưng Chúa bằng việc làm, bằng cuộc sống. Như lời Chúa hứa : Ai xưng Ta trước mặt người đời, thì Ta cũng sẽ nêu danh người đó trước mặt Cha Ta trên trời.
Là cha mẹ, chắc chắn chúng ta không vào phe chống đối, mà vào phe bênh vực Chúa. Đừng làm trẻ em mất niềm tin, lạc hướng vì cách sống vô trách nhiệm của người lớn.
2. Dạy con học lễ phép trước, học văn chương chữ nghĩa sau.
Gia tài của cha mẹ để lại không hệ ở tiền của. Mà là ở sự học hỏi và hiểu biết với đời, cách sống với đời. Một hôm có một bà đến thăm một gia đình. Đứa con được cha mẹ dạy là ra chào khách. Đứa bé lễ phép nói : thưa chào bà. Bà khách tưởng đứa bé không biết tiếng Việt, vô tình buông lời : Con nhỏ kỳ này mập quá, hà. Con bé vào phòng khóc và nói với mẹ : Lần sau con không ra chào bà ấy đâu nhé.
Ở đâu cũng vậy, tư cách con người vẫn giá trị lâu bền hơn.
- Con ơi muốn nên thận người
Học ăn, học nói cho tày người ta
Con đừng học thói chua ngoa.
Trong làng ngoài ngõ, nguời ta chê cười.
- Ăn vóc học hay.
- Học ăn học nói học gói đem về’’
3. Đừng quên cho con theo học giáo lý và dạy con tiếng Việt.
Học Giáo lý và học tiếng Việt là hai điểm căn bản xây dựng con em trở thành người công giáo VN. Trải qua bao thế kỷ, cha ông chúng ta giữ đạo và hành đạo tốt. Vì đã học đạo kỹ lưỡng và có căn bản. Ở hải ngoại, các cộng đoàn đều có lớp Giáo lý và tiếng Việt. Có nhiều hy vọng con cháu giữ được nếp sống đạo như xưa.
Lịch sử VN đã 3 lần bị tổn thương về tính độc lập dân tộc, do ảnh hưởng bởi tiếng Tàu, tiếng Pháp và tiếng Mỹ. Ngày nay, trường hợp đặc biệt, con cháu chúng ta : sinh ra bởi cha mẹ VN, lại đang sống trong quốc gia, phải nói tiếng không phải tiếng mẹ đẻ ra. Gốc và sống theo phong tục Việt, mà không nói tiếng Việt. Sống trong gia đình Việt. Đi làm giao tiếp xã hội tây phương. Mà gia đình mới là chính. Đây là điểm làm nhiều gia đình VN suy nghĩ. Con không nói được tiếng Việt là một thiếu xót lớn. Tại Giáo Xứ Việt Nam - Paris, từ trên 10 năm, đã có chương trình về Giáo lý và tiếng Việt cho 200 trẻ em vào chiều thứ bảy, kết quả rất tốt.
III. tấm gương qúi giá
Con cái tốt xấu là do môi trường và giáo dục gia đình. Chứng từ xin chọn một gương phụ nữ VN, một người cha gia đình và một cặp vợ chồng. Đây là những gương tốt cho chúng ta noi theo để gieo truyền và nuôi dưỡng đức tin con em.
Một cặp vợ chồng hiếm có
Vào thập niên 60, tại tỉnh Fermo, miền Marche, trung nước Ý, có cậu Marco Luciani và cô Clara, thuộc thành phần gia đình khá giả và có danh tiếng. Hai người quen nhau và nuôi mộng thành luật sư. Năm 1966, linh mục Franco Monterubbiannesi đã dẫn đến miền này một số trẻ em khuyết tật để nuôi và giáo dục trong một ngôi biệt thự bỏ hoang ở Capodarco. Chạnh lòng thương đám trẻ em xấu số, Marco xin tiếp tay với Cha Franco giúp đỡ trung tâm nuôi trẻ em. Việc đầu tiên là Marco đi đến các gia đình xin quần áo cũ đem về bán lại cho những người buôn giẻ rách. Đây là nguồn thu nhập lớn của trung tâm, để trên bàn ăn các em có những món ăn thay đổi. Năm 1975, anh mở được tiệm bán đĩa nhạc và nhạc khí, trao cho các em tàn tật trông coi.
Ít năm sau, Marco và Clara thành hôn trong nghi lễ đơn giản. Cô dâu từ chối chiếc áo cưới đắt tiền lộng lẫy, và tiệc cưới linh đình. Gia đình phản đối vì không hiểu được mong muốn của hai vợ chồng trẻ dành tiền phục vụ trẻ em nghèo khổ. Ngày nay, Clara vẫn buồn vì gia đình chưa thực sự thông cảm về quyết định của nàng trong việc phục vụ này. Sau ngày cưới, vợ chồng Marco-Clara quyết định mở rộng cánh cửa gia đình đón nhận trẻ em gặp khó khăn. Họ sẵn sàng nhận và chăm sóc những em trong ít ngày, vì hoàn cảnh cha mẹ các em bị chia cách, thiếu thốn hay khủng hoảng vật chất. Khi nào gia đình các em ổn định, họ lại trả về cho cha mẹ chúng. Như đã có một em trai bướng bỉnh, mồ côi. Thay vì cho em trú ngụ một đêm, cậu đã ở đây 9 năm, cho tới khi lập gia đình, mới chịu đi ở riêng.
Hiện nay Gia đình Marco và Luciani có ba con : Simone 23 tuổi, Stefano 17 tuổi, và Serena 11 tuổi. Ngoài ra trong nhà còn bé Andrea 4 tuổi. Andrea sinh ra thiếu tháng, bị cha em bỏ rơi khi biết em bị bệnh có nước trong óc. Nhà thương đã trao cho gia đình Luciani. Nhờ được chăm sóc nuôi nấng kỹ lưỡng, nay Andrea đi lại nhanh nhẹn gần như bình thường. Mỗi khi Clara đem em trở lại nhà thương, nơi em sinh ra, nhân viên bu lại thăm hỏi. Ai nấy đều cảm động bỡ ngỡ, không thể tưởng tượng được, vì nay em đã tự lập. Em không còn là trẻ gửi nuôi, mà là người con út trong gia đình Luciani.
Trên 20 năm qua, hàng 100 trẻ em đã tới gia đình Luciani. Ba người con của ông bà vẫn nhớ tên từng em đã đến sinh sống tạm trú trong nhà. Dù ngày nay các em đang sống khắp nơi trên thế giới, vẫn ôm ấp hình ảnh thân yêu của gia đình Luciani. Trước sự thắc mắc, thán phục của nhiều người, Ông Marco tuyên bố : Chúng tôi là những người hết sức bình thường.Tiếc là nhiều người cho chúng tôi là người phi thường nên xa lánh. Gia đình chúng tôi là một gia đinh mở rộng. Vợ chồng chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi đã chọn cho mình một lối sống. (Viết theo Mai Anh, MV.TS. 9/2001, tr. 40)
Để kết luận, một lần nữa, cho thấy ĐGH đã tỏ ra quan tâm hơn nữa về giáo dục gia đình. Trong bài giảng đại lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, ngày 8-6-2003, ngày ngài thực hiện chuyến viếng thăm mục vụ thứ 100, ngoài nước Ý, tại quảng trường Rijeka, ở Croate. Trước 100.000 người dự thánh lễ, trời nóng tới 35 độ C, ĐTC tha thiết kêu gọi : « Hỡi các gia đình công giáo, xin đừng sợ trình bày cho các gia đình khác, nhất là bằng chứng tá đời sống, biết được chương trình của Thiên Chúa cho gia đình như một công đoàn sự sống được thiết lập trên hôn nhân. Nghĩa là trên sự kết hợp bền vững và trung thành giữa người nam và người được lien kết với nhau bởi mối dây được thể hiện cách công khai và được nhìn nhận. »
Những bậc làm cha mẹ có trách nhiệm cung cấp một nền giáo dục nhân bản và kitô cho con cái, vừa tin tưởng và sự trợ giúp chuyên môn của những nhà giáo dục và những giáo lý viên... Những bâc làm cha mẹ cần giúp con cái đến gặp Chúa Giêsu và theo mẫu gương Người, cả giữa những cám dỗ thu hút họ trên con đường tiến đến niềm vui đích thực.
Xã hội ngày nay bị rạn nứt cách bi thảm. Nhưng người kitô không nên có thái độ ‘‘đành chịu vậy’’ đối với những điều phiền muộn, hoặc trở nên ‘‘bất động’’ không làm gì cả. Ước gì anh chị em trở thành những con người của niềm hy vọng, những con người cầu xin Thiên Chúa thổi hơi xuống trên ‘‘bộ xương khô’’ để họ được sống. Ước gì anh chị em trở thành những kẻ tin vào Lời đã được Thiên Chúa phán ra, và được hoàn thành nơi Đức Kitô : ‘‘Ta sẽ đặt Thánh Thần Ta xuống trên các người và các người được sống. Ta sẽ đưa các người vào phần đất dành sẵn. Và các người sẽ nhận biết rằng Ta là Chúa. Ta đã nói như vậy, và Ta đã làm như thế’’ (Ed. 37,14). (DCÂC. số 250, 7+8 - 2003. tr. 7)
Trinh Nguyên