Ðể là những bậc phụ mẫu có thể chấp nhận được - Phần 2
Phan Như-Nguyện
GIÁO DỤC VÀ NHỮNG CHỦ THUYẾT KHOA HỌC
Trong địa hạt Tâm lý nhân gian, có sự tin tưởng rằng mọi việc đều có thể xảy ra miễn là người ta theo những phương pháp khoa học một cách đúng mực. Và điều này đã được diễn tả một cách rõ ràng nhất và cực đoan nhất, với những ngưòi chủ trương thuyết hành vi, như J.B. Watson đã định nghĩa ngay từ thời nguyên thủy của chủ thuyết.
CHỦ NGHĨA HÀNH VI
J.B.Watson cho rằng con trẻ, tùy theo kiểu cách điều kiện hóa mà nó bị áp đặt trong những năm đầu của cuộc đời, có thể đạt tới những hình thức về nhân cách cực độ khác biệt. Nói một cách khác, tùy theo ảnh hưởng của môi trường, đứa trẻ có thể trở thành một kỳ nhân hay côn đồ.
Nếu tin theo chủ nghĩa kỳ lạ này thì tinh thần và nhân phẩm của trẻ sơ sinh là một mặc bàn phẳng băng, trên đó cha mẹ, những nhà mô phạm hay những nhà Tâm lý có thể ghi khắc một cách không bôi xóa được mọi đường nét họ muốn.
Thật không dễ dàng giải thích được vì sao chủ thuyết về con người hoàn toàn bị thao túng, đã có thể và còn đang được chấp nhận một cách rộng lớn. Và những bậc phụ mẫu thường thường đã không ý thức được một cách rõ ràng điều này.
Trong thực tế, kinh nghiệm của cha mẹ đã tỏ rõ rằng, từ lúc mới sinh các con trẻ đã có những phản ứng khác biệt và, ở một lứa tuổi còn rất non dại, trẻ con đã cố gắng xác định một bản tính của riêng chúng, cả trước mặt cha mẹ chúng mà, rất thường, dù họ hết sức cố gắng cũng không làm gì được.
Một số người cho rằng chủ nghĩa hành vi có thể chấp nhận được vì hai lý do :
- Vì đã khẳng định là đời sống của trẻ con là một khởi đầu hoàn toàn mới mẻ, khiến cho bất cứ một mẫu phát triển nào cũng có thể xảy ra được.
- Vì một sự thao luyện cực kỳ cẩn thận và cố ý, là cần thiết, để đạt mục đích mong muốn.
Hiện tại chỉ những người theo chủ thuyết này một cách cực đoan là còn tiếp tục quả quyết thật lạm dụng rằng : bất cứ kết quả mong muốn nào cũng có thể đạt được nhờ sự thao luyện –mà bây giờ mang danh từ khoa học là ‘điều kiện hóa’ hay ‘thay đổi hành vi’- nhưng mà không có gì, hoặc thật ít, thay đổi trong xác tín của chủ nghĩa hành vi căn bản nhất và thịnh hành nhất, theo đó định mệnh của con trẻ hoàn toàn phụ thuộc vào cách thức nó được nuôi dạy lúc còn ấu thơ.
Không thật sự ý thức hẳn, có nhiều người chấp nhận và dùng lý thuyết này, một lý thuyết đã được phát sinh do từ việc nghiên cứu những phản xạ được điều kiện hóa của những con chó của Pavlov và những chim câu của Skinner. Phần đông những người này không ý thức được rằng những phản xạ này được gây ra và được nghiên cứu trên những thú vật của phòng thí nghiệm, đã được huấn luyện để chạy trong mê hồn trận.
Và do chính sự điều kiện hóa này, chúng đã thành bất lực, để sống sót trong nơi sống thiên nhiên của chúng. Nói một cách khác, người ta đã biến chúng thành những vật không thích nghi được, những vật bị rối nhiễu, không còn khả năng phản ứng một cách tự nhiên và theo cách riêng biệt của chúng trước mọi diễn biến, và chỉ còn có thể hành động theo đúng sự điều kiện hóa đã nhận được.
Chủ nghĩa hành vi đã trở thành trường phái Tâm lý nổi bật ở Hiệp Chủng Quốc Bắc Mỹ trong 25 năm cuối của tiền bán thế kỷ thứ 20, lúc mà những phương pháp cổ truyền về giáo dục bị ngăn chặn để nhường chỗ cho một cách tiếp cận mới mẻ hơn và khoa học hơn, mà dường như sự phức tạp ngày một tăng của đời sống đòi hỏi phải có. Và từ đó, nó vẫn là chủ nghĩa trội nhất bên Mỹ, đến nỗi phần đông dân chúng đều làm theo ‘hành vi chủ nghĩa’ mà không biết.
THUYẾT TIẾN HÓA VÀ THUYẾT DI TRUYỀN
Sự chấp nhận ngầm và mù quáng của chủ nghĩa hành vi này trái ngược với những nguyên tắc đặc định bởi những lý thuyết khoa học rất khác biệt và được chứng nghiệm tốt hơn nhiều : thuyết tiến hóa và thuyết di truyền.
Cả hai đều cho thấy một cách không chối cải được là con người có vẻ có thể ‘thao túng’ được từ xa thôi. Rằng tâm hồn của con trẻ, lúc sơ sanh không một chút nào là một mặt bàn phẳng lì. Rằng, trái lại, bản tính riêng của trẻ giới hạn một cách chặt chẽ những phát triển cá nhân có thể đến với trẻ sau này. Di truyền học chứng minh rằng tương lai của mỗi cá nhân đã được xác định ngay từ lúc thụ thai, bởi sự pha trộn đặc biệt của những ‘gen’ của cha mẹ đứa trẻ.
Sự pha trộn này thay đổi từ cá nhân này qua cá nhân khác (trừ những cặp sinh đôi thực sự được cung cấp cùng những trang thiết bị (équipement) di truyền. Qua những ‘gen’ của chúng ta, chúng ta cũng hưởng gia tài những thành qủa cuộc tiến hóa lâu đời của nhân loại nữa. Trang thiết bị di truyền và quá trình ‘tiến hóa’, cùng đặt định những giới hạn cho những thay đổi, có thể áp đặt cho một cá nhân, bởi sự giáo dục, và qua mọi kinh nghiệm của đời sống.
THUYẾT TIẾN HÓA CỦA FREUD VỀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA CON NGƯỜI
Là thuyết đã cạnh tranh với chủ nghĩa hành vi, đã được rộng rãi chấp nhận ở Hoa Kỳ vào thời mà chủ nghĩa hành vi đang bành trướng ở đất Mỹ. Lý thuyết của Freud vừa nhấn mạnh về bản chất không tránh được của một phần lớn gia tài ‘tiến hóa’ của chúng ta và về sự quan trọng của những kinh nhiệm thời thơ ấu.
Mặc dù ta không thể biến đổi gia tài này, nhưng những kinh nghiệm đầu đời có thể giúp thay đổi được cách thức mà gia tài này diễn đạt qua nhân cách của một cá nhân. Phân tâm học bổ túc vào lý thuyết tiến hóa ý niệm này : cũng như bào thai sống lại trong bụng mẹ -qua suốt thời kỳ sinh trưởng- một vài chặng đường của cuộc tiến hoá mọi sinh vật, đứa bé sơ sinh và trẻ thơ tóm lược lại những giai đoạn quan trọng của lịch sử nhân loại.
Dựa vào gia tài không hao mòn này và những giai đoạn không tránh được, trong sự phát triển của con người, thuyết Tâm lý của Freud ít lạc quan hơn thật nhiều so với thuyết hành vi về những gì có thể đạt được qua sự giáo dục.
Thuyết của Freud ước lượng rằng con người luôn bị bủa vây bởi những xung đột nội tâm sâu thẩm, đến từ những mâu thuẫn, đã khiến cái mà con người ‘là’, do bản thể, chống chõi với cái mà chính người ấy ‘muốn là’. Hay cái mà cha mẹ và những nhà giáo dục mong ‘muốn’ người ấy ‘thành’.
Học thuyết của Freud cho rằng định mệnh không thể tránh thoát được của con người, là phải cùng lúc chống chọi với khuynh hướng ích kỷ, hung hăng và phi xã hội –mà là một thành phần của gia tài tiến hóa, và của bản chất cá nhân-, và với những đòi hỏi phải có những mối liên hệ tình cảm thân thiết của con người.
Thuyết Tâm lý của Freud cũng qủa quyết rằng bản năng ích kỷ của tự vệ thường hay xung đột, -và một cách khổ sở-, với những khuynh hướng vị tha, có thể đòi hỏi những hy sinh để bảo tồn và duy trì nòi giống, cùng để mưu hạnh phúc cho những người mình thương qúy.
Chủ thuyết Phân tâm tin tưởng sâu xa rằng : những kinh nghiệm đã sống của con người có một ảnh hưởng trên những đặc tính di truyền này. Di truyền và lịch sử tiến hóa tạo nên những năng lực tiềm tàng (énergie potentielle) nhưng những hình thức mà những năng lực tiềm tàng này thành hình trong cuộc sống thực, lại tùy thuộc một phần lớn vào lịch sử riêng biệt trong thời ấu thơ của mỗi cá nhân.
Vậy thời việc tôn trọng cá tính độc nhất của con trẻ ở mọi hoàn cảnh, thật là một vấn đề rất quan trọng. Thay vì điều kiện hóa đứa trẻ, để bé trở thành con người mà họ, cha mẹ, mong muốn, nếu họ là người có ý thức và có trách nhiệm, họ sẽ hành động với sự mẫn cảm vào bất cứ lúc nào, để sao cho phù hợp tối đa với con trẻ. Và do vậy, giúp cho con trẻ thành người mà chính con trẻ muốn trở thành.
Những bậc cha mẹ ấy không chỉ hài lòng có ý thức và tôn trọng những phấn đấu của con cái ở vào giai đoạn của cuộc phát triển của chúng, họ còn giúp con cái tìm thấy những giải pháp tốt lành.
Những giai đoạn phát triển gồm có :
1- Sự khám phá ra chính mình và sự tiến tới việc cá biệt hóa (individualisation) và tách rời khỏi mẹ.
2- Việc chầm chậm đi từ một cuộc sống do nguyên tắc ‘khoái lạc cơ bản’ chế ngự -thúc dục con trẻ phải thỏa mãn tức thì mọi đòi hỏi, mà không cần để ý đến những hậu qủa có thể xảy ra- để bước qua một cuộc sống với nguyên tắc thực tế là động lực -dựa trên ý nghĩ : là tốt hơn, nên thay đổi những đòi hỏi, hay dời lại sự thỏa mãn chúng, để được hưởng một cách lâu bền những lợi ích quan trọng hơn : Ðạt đến sự tự chủ chẳng hạn -không thể thiếu được- để tập cho hết tiêu/tiểu tiện trong quần.
3- Sự khởi công những cơ sở căn bản của việc cá biệt hóa trong thời kỳ Ơ-đíp.
- Sự thích nghi của con trẻ với những luật lệ phải tuân giữ.
- Sự nhập nội (intégration) những luật này dưới hình thức của cái Siêu tôi (lương tâm đạo đức).
4- Những phát triển nhờ đó thiếu niên đạt đến sự chín chắn (maturité), sự độc lập (autonomie) và một bản sắc cá biệt độc nhất (identité personnelle unique).
Sự thuần thục của con trẻ ở mỗi giai đoạn mới trong sự tiến triễn tâm lý và xã hội, đòi hỏi sự cảm thông và cả sự giúp đỡ ân cần từ phía mẹ cha, sao cho nhân cách sắp tới của con trẻ khỏi bị hằn những vết sẹo của những thương tổn Tâm lý.
Cha mẹ không được nhượng bộ cái đòi hỏi tạo dựng nên đứa con mà họ muốn có, trái lại, nên giúp con được phát triển đến mức tối đa, khi thời cơ tới, và theo ước mong riêng của con, thích hợp với những khả năng tự nhiên và theo với lịch sử độc đáo của đời con.
Hai hệ thống lý thuyết ‘hành vi’ và ‘Phân tâm’ của Freud chấp nhận rằng những đổi thay có thể và phải can thiệp vào cả cuộc đời ta, trong thái độ, trong cách cư xử, và trong cá tính của ta.
Nhưng theo với thời gian, những đổi thay lâu bền trở thành càng ngày càng khó thực hiện. Vì từ năm này qua năm khác, cách ta nhìn sự vật và hành động trở thành thủ cựu và theo thói quen (routinier) do đó sẽ ít mềm dẽo hơn. Những thay đổi có thể xảy đến ở một tuổi nào đó, chỉ ảnh hưởng đến những địa hạt thật giới hạn trong cá tính ta và đời sống ta mà thôi.
SỰ QUAN TRỌNG CỦA NHỮNG KINH NGHIỆM ÐẦU ÐỜI
Vì thế, sự quan trọng của những kinh nghiệm đầu đời, đến từ việc những kinh nghiệm này đã đặc định bối cảnh (définir le cadre) của những gì sẽ đến sau này : kinh nghiệm càng đến sớm, ảnh hưởng càng sâu đậm.
Theo chủ nghĩa hành vi, những kinh ngiệm rất sớm hoàn toàn xác định chúng ta trong cương vị con người. Nhưng thuyết Phân tâm thì cho rằng chúng quan trọng, nhưng với một lý do khác hẳn, liên quan đến vai trò mà ý thức và vô thức tác động trong đời ta.
Ý thức tác động chậm rãi, và, trên một số phương diện nào đó, luôn bị vô thức kềm chế. Bao nhiêu lâu chúng ta còn sống, theo Phân tâm học thuyết, vô thức của ta làm ta lý giải một phần lớn những gì xảy đến cho ta, dưới ánh sáng của những kinh nghiệm từ thời còn thơ dại nhất.
Chẳng hạn, vô thức của ta, -dựa trên căn bản những gì ta nghĩ về những kinh nghiệm đầu tiên có với mẹ cha-, và đã dẫn dắt ta đến chỗ nghĩ rằng, một cách chủ yếu, cha mẹ ta đã chấp nhận ta hay chối bỏ ta. Thái độ này được nới rộng ra thành ý nghĩ là ta tốt hay ta xấu. Nó cho ta cảm tưởng ta có khí lực hay bất lực để đối đầu với cuộc sống. Là ta đáng hay không đáng được thương yêu, và cả đến chuyện, ta sẽ được thưởng hoặc sẽ thất vọng.
Những thái độ này với thời gian, được xây dựng trên những cảm tưởng vô cùng mơ hồ, mặc dù được cảm nhận thật mạnh mẽ ở một thời điểm mà, chưa có khả năng để lý luận, ta đã không thể hiểu được ý nghĩa của những gì xảy đến cho ta lúc ấy.
Và vì những thái độ này -vẫn đang tiếp tục kềm chế những kinh nghiệm của ta- có nguồn gốc trong vô thức của ta, ta không biết chúng từ đâu đến và vì lý do gì chúng rất cuốn hút ta (convaincantes).
Nếu những lý thuyết của Freud đúng, thì rõ ràng là những kinh nghiệm của thuở ấu thơ chẳng những ảnh hưởng đến sự phát triển của tự ái (amour-propre) và sự nhận thức về mình trong tương quan với những người khác, mà chúng còn quyết định sự lý giải của ta về những kinh nghiệm sau này và dẫn dắt ta tổ chức những diễn biến của đời ta sao cho chúng được hòa hợp với những ý nghĩ định trước (idées préconçues).
CHIỀU HƯỚNG CỦA GIÁO DỤC
Tóm lại, mọi sự có ảnh hưởng đến đến đời sống của con trẻ, đều phải hướng về việc đem đến cho con trẻ một cái nhìn tích cực về chính mình và về thế giới của mình. Hạnh phúc tương lai và khả năng đối đầu với cuộc sống, cũng như khả năng giao tiếp với người khác, đều tùy thuộc vào đó.
Freud đã nói rằng cái kết quả mong muốn nhất của phương pháp Phân tâm, -nghĩa là một nền giáo dục biết thừa nhận vai trò quan trọng của vô thức và sự cần thiết phải vận động những lực lượng hùng hậu của nó để phục vụ những mục đích hữu ích cho xã hội và cho chính mình-, là làm cho con người có khả năng biết thương yêu và biết làm việc (bien aimer et bien travailler).
Ðối với Freud, điều đó buộc ta phải có khả năng đạt đến sự thỏa mãn tối đa trong địa hạt công cộng cũng như riêng tư :
- Yêu thương những người chia xẻ cuộc đời và được họ yêu thương.
- Hữu ích cho xã hội, để rút ra được đúng độ kiêu hãnh, về những gì mình đã thực hiện ở đấy, dù bao thử thách không tránh được, bất chấp mọi di nghị không chánh đáng.
Ta có thể giúp con trẻ đạt được những mục tiêu này bằng cách cho phép chúng đạt những phương tiện để trực diện với những thăng trầm (aléas) của cuộc đời. Lúc bấy giờ, thay vì tự thú bấc lực, con trẻ sẽ tăng thêm hiểu biết về bản thân để có thể hiểu thêm về đời sống nội tâm của chúng.
Như vậy, hai chủ thuyết chính về Tâm lý con trẻ đều nhấn mạnh trên sự quan trọng của những gì trẻ đã sống, trải qua những giai đoạn khác biệt dẫn trẻ từ tuổi ấu thơ đến tuổi trưởng thành, và trên điều mà, cách thức cha mẹ xử lý những hoàn cảnh này không những chỉ cực kỳ quan trọng, mà còn có thể nguy hại (fatale) một khi mọi chuyện không được tốt lành.
Ngày nay, vậy là phụ mẫu được thông tin rõ ràng về những gì làm họ phải lo lắng trong cách cư xử của họ đối với con cái trong thời kỳ phát triển của con cái. Và rủi thay, họ lo lắng thật.
Do những chủ thuyết này và do sư kiện là trong thời thơ ấu, phần đông không có những kinh nghiệm trực tiếp về giáo dục, không có gì đáng ngạc nhiên khi những bậc cha mẹ ân cần cảm thấy lo sợ khi nghĩ rằng mình có thể làm hại đứa con mà mình yêu thương.
WINNICOTT VÀ NGƯỜI MẸ ‘TỐT VỪA PHẢI’
Winnicott, với quan niệm của ông về ‘người mẹ có thể chấp nhận được’ (từ đó sanh ra đề tựa của buổi nói chuyện này), nói rằng đứa bé thơ, khi nhìn gương mặt của mẹ, nhận ra chính mình trong đó -thậm chí có thể nói rằng kiếm ra trong đó chính mình- và được vậy, là nhờ người mẹ ‘tốt vừa phải’ (suffisamment bonne), hiểu thấu và cảm nhận sâu xa với con thơ của mình, đã phản ảnh được lên mặt mình, những tình cảm của con thơ.
Trái lại, người ‘mẹ không tốt vừa phải’, sẽ không có khả năng để phản ảnh lên mặt mình những tình cảm của con thơ. Bởi vì bà ấy đang quá ưu tư về những bận tâm của chính mình, chẳng hạn mình có đối xử phải cách với con không, cách mình nuôi con có làm hại con không, làm sao tránh những lỗi lầm có thể hại cho con , v.v…
Vì không thể tìm thấy bóng mình trên khuôn mặt mẹ, bé thơ phản ứng lại sự lo sợ của mẹ và trở nên lo sợ luôn. Tệ hơn nữa, bé nhìn thấy một khuôn mặt xa lạ và thay vì cảm thấy liên hệ chặt chẽ với mẹ, bé thơ lại cảm nhận một tình cảm vô cùng cô đơn.
Do đó, để là một người mẹ, hay một người cha, có thể chấp nhận được, thì nên phải tự mình cảm thấy an toàn trong đấng bậc mẹ cha và trong liên hệ với con trẻ, khiến cho mình tránh được sự lo âu và những mặc cảm tội lỗi. Sự an tâm của mẹ cha sẽ sớm cho phép chính tự con trẻ cũng được cảm thấy an toàn.
Từ đó, cũng đến được niềm hy vọng của tôi là, sau những buổi nói chuyện này, không những chẳng làm cho cha mẹ lo sợ hay có mặc cảm tội lỗi, mà còn đưa họ đến chỗ nghĩ được rằng ‘mình đã làm những gì mình nên làm’ hoặc ‘đúng là điều mình đã muốn làm’.
HIỆU LỰC CỦA NHỮNG LỜI KHUYÊN
Tiếc thay, thời buổi này, có quá nhiều cha mẹ lo lắng về giáo dục con cái, đến nỗi mang cảm tưởng là trách nhiệm của họ đôi khi quá nặng nề. Những khó khăn thật tầm thường và không tránh được, vì vậy, đã mang những tầm thước đáng sợ, khi họ nghĩ đến tương lai đứa trẻ tùy thuộc vào cách giải quyết một vài hoàn cảnh. Do vậy, ta dễ dàng hiểu được những cha mẹ tân thời, -những người không còn tin rằng định mệnh con người được quyết định bởi Thiên Chúa, hoặc phó cho sự ngẫu nhiên- mong ước nhận được những lời chỉ thị tốt đẹp nhất có thể có, liên quan đến sự giáo dục của con trẻ, và cần biết bao cho tương lai của trẻ.
Vậy thời câu hỏi thật lớn được đặt ra là : Những chỉ thị tốt lành nhất là gì ?
- Có phải phận sự của một nhà chuyên môn là phải bảo cho cha mẹ những gì phải làm và những gì không được làm chăng ?
- Hay họ có nhiệm vụ giúp cho cha mẹ tự mình đạt được những quyết định thích đáng ?
Không có một quyển sách nào có thể bao trọn trước được hằng triệu khó khăn, mà sự giáo dục con cái có thể đem đến. Ðể đạt đến điều tốt đẹp cho chính mình và cho con cái, bậc phụ mẫu phải làm sao giải quyết khó khăn gặp phải, theo cách của mình, và tùy từng mỗi khó khăn một, theo nhịp đến của chúng. Nếu không vậy, thì cách giải quyết sẽ không đem đến sự thỏa mãn cho họ lẫn cho con cái.
Thiết tưởng việc quan trọng nhất của mẹ cha là đặt mình vào chỗ con cái, để có thể cảm nhận những gì mà con có thể cảm nhận. Và từ đó, cư xử cách nào có lợi ích nhất cho chính mình lẫn cho con cái. Chỉ có cách cư xử này là có thể cải thiện mối quan hệ cha mẹ / con cái mà thôi. Phân tâm học gọi đó là tha hóa (empathie) tức tài năng đồng nhất hóa, để cảm với con những gì con cảm thấy.
Cách tốt đẹp nhất để đạt được cách cư xử này, là nhớ lại những gì chính mình cảm nhận lúc còn thơ ấu, và trong cùng những hoàn cảnh ấy. Và nhớ lại lúc bấy giờ mình đã mơ ước thấy mẹ cha mình sẽ giải quyết vấn đề ấy cách nào.
Nuôi dạy con cái là cả một công trình sáng tạo, một nghệ thuật điêu luyện, hơn là một khoa học chính xác. Ý định của tôi khi mở ra những buổi nói chuyện này, là trình bày những đề nghị về việc nên quan niệm gì về nghệ thuật dưỡng dục. Sau đó áp dụng nó vào thực tế cách nào cho có hiệu lực tối đa.
Cách làm thế nào để tiếp cận với nghệ thuật này, là một vấn đề hết sức riêng tư, thuộc về cá nhân mỗi người. Làm sao dùng những điều biết được, qua buổi nói chuyện này, cho có ích lợi thiết thực ? Xin trích dẫn nơi đây lời của nhà thơ T.S. Eliot :
‘Có thể có rất nhiều điều để biết, qua bài thơ này, hay bài thơ khác. Có nhiều sự việc mà những nhà bác học uyên thâm có thể thổ lộ cho tôi hay và do đó, sẽ giúp tôi tránh những hiểu lầm. Nhưng theo thiển ý, để đạt đến một lý giải tốt (bonne interprétation), tôi phải cùng lúc đang đọc, lý giải những cảm nghĩ của chính riêng tôi.’
Có cùng một thái độ như thi hào Eliot, độc giả / thính giả sẽ thấy hành vi của mình thú vị (intéressant) và thỏa lòng (gratifiant) hơn. Và cũng sẽ khám phá ra rằng : việc giáo dục con trẻ có thể là một kinh nghiệm say mê và hạnh phúc hơn thật nhiều, cho chính mình và cho cả con mình.
KẾT LUẬN
Theo Bettelheim, người thành-nhân, không nhất thiết phải là một mẫu mực thành công trưóc con mắt người đời. Mà, nghĩ cho cùng, người thành đạt phải thỏa mãn về cách mình đã được dưỡng dục, cảm thấy mình xứng đáng được yêu thương, bất chấp sự hiện hữu của những khuyết điểm mà không ai tránh được cả.
Một chứng minh khác của sự dưỡng dục thành công là : sự chắc chắn có niềm tự tin đủ, nơi chính mình, để đối phó một cách hữu hiệu những thử thách và khó khăn của cuộc sống. Niềm tự tin này không phải là không lung lay được, -chỉ có kẻ ngu dại hay kẻ hợm hĩnh, ngông cuồng, mới tin thế-, nhưng người đã được hưởng một nền giáo dục thích đáng đúng mực, sẽ có một đời sống nội tâm phong phú và thỏa lòng, và họ chỉ có thể hoan hỉ về diễm phúc này mà thôi.
Sau cùng, và có thể là điều quan trọng nhất, sự lớn khôn lên trong một gia đình mà những giao tiếp giữa Mẹ Cha, và giữa các đấng với con cái, thường thường được tốt đẹp, giúp cho cá nhân xây dựng những giây liên hệ lâu bền và hài hoà với người khác, và, nhờ đó, đem đến một ý nghĩa cho cuộc sống của mình.
Người ấy cũng có khả năng đặt một ý nghĩa cho việc làm của mình, và cảm thấy công việc đáng cho mình nỗ lực cố gắng, thay vì người ấy chỉ hài lòng với một công việc nhàm chán, không có một chút vui thú nào.
Cũng theo Bettelheim, những phương pháp giáo dục có thể, -và phải được-, cải thiện. Ðặc biệt là dưới ánh sáng của những tư tưởng -tuy là hoàn toàn mới lạ, mà đã thường đem lại nhiều thành quả- của Phân tâm học, trong việc chăm chữa được cả những bệnh mà y khoa đã đành bó tay thúc thủ.
Phan Như-Nguyện