Ðể là những bậc phụ mẫu có thể chấp nhận được
Phan Như-Nguyện
DÒNG LỊCH SỬ
Theo ‘Histoire de la science’ của Pierre Rousseau, có điều lạ lùng này : loài người mới đầu đã tìm-hiểu những cái viễn-vông xa-xăm ở đâu đâu, còn cái quan-trọng nhất, thiết-thật nhất, là sự phát-triển của chính mình, của con cái mình, của người đồng-loại với mình, thì lại chẳng màng xét đến.
Hàng ức vạn năm trước, môn học đầu tiên của loài người là môn phù-thủy, tức môn cầu-cúng thần-thánh, sai-khiến quỷ-ma, quả là một đối-tượng để nghiên-cứu thật mơ-hồ. Rồi thì tới môn toán. Mà môn toán thời cổ, -cỡ độ ba, bốn ngàn năm trước Công nguyên tây lịch-, sở-dĩ phát-triển mạnh ở Babylonne, ở Ai-Cập, ở Trung-hoa, chính vì người ta muốn tìm-hiểu các ông sao trên trời. Vậy là sau môn phù-thủy đến lượt môn thiên-văn xuất hiện.
Ngành y-học ra đời trễ hơn, mà kỳ-thủy (mới đầu), chỉ là một ngành của môn phù-thủy. Sau Y-khoa, là môn Siêu-hình-học, -một môn trừu-tượng vào bậc nhất-, rồi mới tới Sử-ký và Ðịa-lý, Vạn-vật, Lý-học, Hóa-học. Rồi sau cùng, mãi tới đầu thế kỷ thứ hai mươi, các nhà bác-học mới bắt đầu nghiên-cứu tớí Tâm- lý Con Người, và mới tìm-tòi những định-luật lien-quan đến sự phát-triển của tuổi thơ.
Thành thử trong mấy ngàn năm, về một môn học trực-tiếp liên-quan tới sự dạy-dỗ trẻ em và tới sự tiến-hóa của nhân-loại, chúng ta chỉ biết lờ-mờ. Mà kinh-nghiệm của thế-hệ trước lại không lợi gì mấy cho thế-hệ sau.
Thế nhưng, một trong những vấn đề then chốt ngày nay là việc giáo dục thế hệ trẻ. Ðây là một điều mà mỗi người trong chúng ta đều dễ dàng đồng ý. Vì những truyền thống tốt đẹp của các thế hệ đàn anh hiện đại có được gìn giữ và phát huy hay không, là đều hoàn toàn lệ thuộc vào việc giáo dục những mầm non, sẽ làm chủ tương lai.
GIÁO DỤC VÀ NHỮNG LỜI KHUYÊN CỦA SÁCH VỞ
Những sách mách bảo cho cha mẹ làm sao nuôi dạy con cái không có gì mới lạ cả. Thậm chí chúng lại có cả một lịch sử dài nữa. Nhưng chỉ từ thế kỷ vừa qua, và đặc biệt từ thập niên năm mươi, mới được phổ biến thật sâu rộng. Cha mẹ ngày càng đông đảo, hy vọng từ những sách này kiếm ra những lời khuyên và sự trấn an, mỗi một khi họ gặp khó khăn về giáo dục con cái.
Với sự tan rã về lối sống cổ truyền trong đời sống gia đình –gây ra do sự đô thị hóa và kỷ nghệ hóa thật mạnh từ thế kỷ 20- chúng ta đã mất, giữa mọi thứ khác, sự an toàn vào tục lệ gia tiên và sự vĩnh cữu của một gia đình thật lớn rộng là đại gia đình.
Những người thuộc giới trung lưu thật tân thời là những người không hề phải săn sóc đến trẻ nhỏ trong thời thơ ấu của họ. Khác với thời mà gia đình còn rộng lớn, mà họ hàng còn sống quây quần bên nhau. Lúc bấy giờ những trẻ còn bé được giao cho anh chị lớn hay cho anh chị họ, hay cậu, dì, chú, cô, còn nhỏ, và sống trong nhà, hay bên cạnh nhà. Nếu không có họ hàng cùng máu mủ, thì con cái của hàng xóm cũng được việc cho rồi, theo như tập quán trong làng quê.
Trước khi thành mẹ cha, vậy là mọi người đã biết khá đầy đủ về giáo dục, để có thể bước vào việc nuôi dạy con cái mình với niềm tự tin. Họ cần đến lời khuyên ư ? Họ có thể hướng về mẹ cha, họ hàng, dì cô hay bác sĩ của gia đình, hay cha xứ, chắc chắn họ sẽ được giúp đở tận tình.
Ngày nay các bậc phụ mẫu, nếu muốn nuôi dạy đàng hoàng con cái, trong một thế giới phức tạp hơn, đã biết rằng một nhiệm vụ gian nan hơn đang đợi chờ họ. Ngoài ra họ phải nhận lãnh trách nhiệm này mà không hề được hưởng một sự đào luyện nào trước đó. Rủi thay sự cách biệt vật chất và tình cảm, mà ngày nay, thường chia cắt các thế hệ, có thể dẫn đưa những phụ mẫu trẻ tuổi –và phần nhiều là đúng lý- đến chỗ chỉ nhận được của cha me họ những lời chỉ trích hay những lời khuyên mà họ cho là không còn thích hợp nữa.
Yếu tố quan trọng khác : nhiều người cảm thấy cần dựa vào những chuyên gia. Vì họ có khuynh hướng tưởng rằng mọi sự diễn biến rất nhanh và việc nghiên cứu đang tiến bộ không ngừng. Họ nghĩ rằng khả năng của con người sẽ không bị giới hạn, nếu họ cố gắng theo những phương pháp khoa học. Lòng tin tưởng vào khoa học như là nguồn của sự tiến bộ, đã thay vào niềm tin xưa, ở sự khôn ngoan gắn liền với truyền thống cổ điển.
NHỮNG SÁCH VỞ TRÍCH DẪN
Các sách khảo cứu về giáo dục, lý luận về Tâm lý, đã lần lượt được phổ biến trong và ngoài ngành giáo dục. Ðó là những sách nghiên cứu những phương pháp và biện pháp giáo dục, nhất là đối với lứa tuổi nhi đồng. Căn cứ vào những quan điểm lý thuyết, và những công trình thực nghiệm của những nhà Tâm lý học và giáo dục học Mỹ và các nước phương Tây mà nghiên cứu các thành tựu thuộc các trường phái khác nhau. Trong sách, kinh nghiệm và lý thuyết được đúc kết lại một cách nghiêm túc.
Nội-dung những buổi nói chuyện sẽ dựa vào những công-trình khảo-sát, nghiên-cứu và khám-phá của nhiều nhà bác-học, chuyên-môn về nhiều ngành : Chủng-tộc-học, Di-truyền-học, Xã-hội-học, Tâm-lý-học, Phân-tâm-học, Tâm-thần-học v.v.
Bác sĩ Arnold Gesell, lúc còn là giám-đốc cơ- quan nghiên-cứu sự phát-triển của trẻ em, ở Ban Y-khoa trường đại học Yale (Hoa kỳ), đã, -cùng với nhiều bạn đồng nghiệp và nhiều bậc mẹ cha, thầy dạy-, nhận- xét và ghi chép những hoạt-động, cá-tính, tính-tình của trẻ từ hồi mới sinh cho đến khi 10 tuổi, để tìm hiểu đường-lối phát-triển của chúng về thể-chất cũng như về tinh-thần.
Sau những thí-nghiệm trong hàng chục năm, với hàng ngàn trẻ em, ông đã lập được một triết-lý giáo-dục, triết-lý ‘Thuận-phát’ (développementalisme), mà quy-tắc căn-bản là : nhà giáo-dục phải tìm-hiểu cách phát-triển của mỗi trẻ, rồi thuận theo đó mà hướng-dẫn chúng, cho chúng được vui-vẻ nẩy-nở về mọi phương-diện mà vẫn giữ được bản-sắc và cá-tính của mỗi trẻ em. Có nghĩa là thuận theo luật thiên-nhiên về Sinh-lý và Tâm-lý để giup trẻ phát-triển. Và áp-dụng phương-pháp đó trong việc sửa-chữa những tật thong-thường nhất của trẻ).
Cũng thế, công-trình nghiên-cứu khổng-lồ của một nhà giáo-dục lão-thành, ông Bruno Bettelheim, đã đi theo cùng một đích nhắm, nhưng với thêm một cứu-cánh nữa, ngoài việc giáo-dục còn thêm mục-đích chăm-chữa và băng-bó những vết-thương trầm-trọng của những trẻ đại bất-hạnh, đến nỗi đi đến chỗ rối-loạn cả tâm- thần.
Ông đã cống-hiến suốt cuộc đời, trong 70 năm ròng-rã, dành để cố-gắng khám-phá những điều căn-bản, thiết-yếu, cho một nền giáo-dục hữu-hiệu cho con trẻ. Phương-pháp giáo-dục con trẻ này, dựa trên Phân-tâm-học. Ông đã đào tạo, trong 40 năm trường, những người cộng-sự với ông trong công-việc khó-nhọc, là chăm-chữa những thiệt-hại, những thảm-họa Tâm-lý trầm-trọng, đã giáng xuống trên những trẻ em rất rối-loạn. Chính ông đã đích-thân dạy-dỗ những cộng-sự-viên, cách-thức tốt nhất, để giải-quyết những vấn-đề khó-khăn về giáo-dục, để chăm-chữa các trẻ đã mắc phải căn-bệnh rất trầm-trọng nặng này.
Ðem áp-dụng những phương-pháp giáo-dục dựa trên những nguyên-tắc Phân-tâm-học, mà ông cho là tốt đẹp, ông đã thử chữa bệnh được một, và có lúc hai, trẻ em mắc chứng ‘tự-tỏa’ (autisme). Những bé này đã sống với ông, trong nhà ông.
Từ thập niên 40 vừa qua, trong bối cảnh của Ðại học Chicago, Hoa-Kỳ, ông dấn thân với những người cộng sự để chăm chữa cho một số đông đảo trẻ em bị rối loạn trầm trọng, sống và được chăm chữa ngay tại trường Sonia Shankman, cách ly hẳn với gia đình.
Sau hết, không thể nói tới giáo-dục và chăm-chữa con trẻ, mà không nhắc đến bà Françoise Dolto. Bà là B.S Nhi-khoa và là nhà phân-tâm cho nhi-đồng nổi tiếng. Ngay từ năm 1939, bà đã bắt đầu chăm-chữa cho con trẻ dựa vào phương-pháp phân-tâm. Bà đã nhiều năm diễn-thuyết để giảng dạy -cho bác-sĩ, phụ- mẫu, giới mô-phạm, và nói chung, cho tất cả những ai có bổn-phận giáo-dục hay dìu-dắt con trẻ,- cách tìm-hiểu để tiếp-cận con trẻ trong những điều-kiện thuận-lợi nhất cho cả hai bên.
Bà nhấn mạnh về tầm-vóc của vô-thức trong những rối-loạn về sự phát-triển( trouble du développement) của con trẻ : rối-loạn về tâm-thể (trouble somatique) cũng như về tính-tình (trouble caractériel). Qua những trường-hợp (‘ca’) của trẻ em được theo dõi trong khuôn-khổ ‘khám Tâm-lý’ ở nhà thương tổng-quát (hôpital général), bà đã nói rõ những gì đã xảy ra trong những xuất chữa bằng liệu-pháp Tâm-lý, làm chứng cho độc-giả thấy sự ăn-khớp liền-lạc giữa lý-thuyết và thực-hành, bà đã áp-dụng để chăm-chữa. Bà đã mở đường vào địa-hạt phân-tâm cho những trẻ được gọi là ‘sớm không thích-nghi’.
CHƯƠNG I
I. VAI TRÒ QUAN TRỌNG
CỦA NHỮNG KINH NGHIỆM ÐẦU ÐỜI VÀO THỜI MĂNG SỮA
CON NGƯỜI VÀ NHỮNG MÔ HÌNH XÃ HỘI
Loài người là động vật sống thành tập đoàn gọi là xã hội nên mỗi người trong chúng ta đều có trong đầu những kiểu mẫu của xã hội. Cốt cách đạo đức (éthique de caractère) và nhân phẩm đạo đức (éthique de personnalité) đều là những ví dụ của kiểu mẫu xã hội.
Chẳng hạn, một bản đồ là sự giải thích đơn giản một vài khía cạnh của một địa hạt, một vùng, một miền hay một lãnh thổ quốc gia (territoire). Ðó chính là cái gọi là kiểu mẫu. Ðó là một lý thuyết, một dẫn giải, hay một kiểu mẫu của một cái gì khác nữa.
Ví dụ ta muốn đến một nơi nào đó của trung tâm Nha Trang. Một tấm bản đồ của thành phố Nha Trang sẽ ích lợi cho ta biết bao. Nhưng giả tỉ ta có một cái bản đồ in sai tên, viết là Nha Trang nhưng thật ra là bản đồ của thành phố Ðà Lạt. Vậy thời dù cố gắng đến đâu, dù tích cực đến đâu, dù lạc quan đến đâu, ta cũng chỉ càng ngày càng đi xa đích hơn. Vấn đề là ta vẫn đi lạc mãi. Thái độ và cung cách của ta không giúp gì được ta với cái bản đồ sai trong tay.
Có bản đồ đúng của Nha Trang thì sự lanh lợi, sự tháo vát trở thành quan trọng, thái độ tích cực lúc ấy cũng đem đến những khác biệt thật sự. Nhưng, điều quan trọng nhất là phải có sự chính xác (exactitude) của bản đồ.
Mỗi người trong chúng ta có thật nhiều, rất nhiều bản đồ trong đầu mà có thể đem chia làm hai loại chính : một bên là những bản đồ vẽ ra sự vật -hay thực tế- là gì (ce qu’il est). Một bên là bản đồ vẽ ra sự vật –hay thực tế- phải là thế nào hay phải đáng giá gì (ce qu’il faut être). Và ta lý giải (interpréter) mọi kinh nghiệm sống, qua những bản đồ có sẵn này. Ta ít khi tự hỏi về sự chính đáng của chúng và thường thường ta cũng không biết là ta có chúng trong đầu nữa.
Ta chỉ, một cách tự nhiên, cho rằng cách ta thấy sự vật là chính sự vật đúng như thế, hay sự vật phải như thế. Và mọi thái độ cùng hành động của chúng ta, đều thành hình qua những giả sử này. Vậy thời cách ta nhìn sự vật là nguồn gốc của cách ta suy nghĩ và cách ta hành động.
CHỨNG NGHIỆM VỀ ẢNH HƯỞNG CỦA MÔ HÌNH, KIỂU MẪU XÃ HỘI (TRÊN CÁCH SUY NGHĨ VÀ CƯ XỬ CỦA TA)
Trước khi đi xa hơn, xin mời qúy vị lấy một kinh nghiệm tri thức và cảm xúc : hãy lấy vài giây nhìn qua tấm ảnh này. Ðây là một bài tập mà các giảng viên của trường kinh doanh hàng đầu của Hoa Kỳ, Ðại Học Havard, thường dùng để chứng minh một cách rõ ràng và hùng biện rằng hai người có thể cùng nhìn một vật và bất đồng ý kiến về cái mình nhìn thấy. Dầu vậy cả hai đều có lý. Sự kiện này không thuộc về lý luận mà đã đi vào địa hạt tâm lý.
Sau khi chia lớp học ra thành hai nhóm, giảng viên phát cho mỗi người trong mỗi nhóm một tấm ảnh. Tiếp đến, giảng viên mời các sinh viên tập trung nhìn vào bức ảnh trong tay, chỉ trong vòng mười giây, rồi thu lại ngay. Sau đó ông bảo họ nhìn vào tấm ảnh được chiếu lên màn ảnh và mời mỗi sinh viên tả ra mình đã thấy gì.
Hai nhóm sẽ thấy hai ảnh khác nhau. Bây giờ mời một người trong một nhóm cắt nghĩa cho nhóm kia cái mình thấy. Hai bên sẽ cãi cọ một hồi và đi tới chỗ gây gỗ. Dù rằng trước đó phần đông sinh viên đã có ưu thế quan trọng, là biết được rằng, có những quan điểm khác thật sự hiện hữu trong thực tế. Ðiều mà nhiều người trong chúng ta không bao giờ có thể chấp nhận được.
Sau một hồi đôi chối, một sinh viên bước đến màn ảnh chỉ vào một nét vẽ và bảo rằng : ‘đây là dây chuyền của cô thiếu nữ’. Một sinh viên của nhóm kia tức thì cãi lại : ‘không, đó là miệng của bà cụ…’
Rồi thì từ từ họ bình tĩnh bàn cãi về những điểm khác biệt và sau cùng, mỗi bên kinh nghiệm ra sự nhận diện, khi hình ảnh của cả hai đã thành hình. Bình tĩnh và tôn trọng nhau, mỗi người trong phòng sau cùng đã có thể nhìn thấy quan điểm của bên kia. Nhìn lại với nhãn giới khách quan, phần đông chúng ta đã nhìn thấy ngay tức khắc hình ảnh mà ta đã bị luyện tập trong khoảng thời gian mười giây thôi để nhận ra nó.
Thử nghiệm này đã có, để thấy rằng, một kiểu mẫu nho nhỏ có biết bao là ảnh hưởng trên cách ta nhìn thấy mọi chuyện và cũng cho ta thấy rằng kiểu mẫu ta có, là nguồn của mọi tư tưởng và hành vi của ta.
Cho nên cố gắng thay đổi thái độ và cách sử sự bên ngoài, không thể đem lại điều tốt đẹp lâu dài, nếu ta bỏ qua việc nghiên cứu và duyệt lại những mô hình kiểu mẫu, mà từ đó, thái độ và hành vi của ta được tạo ra. Ðiều này đã chứng nghiệm ảnh hưởng mạnh mẽ của những mô hình kiểu mẫu trên cách ta tương tác, giao thiệp với người khác.
Vậy thì ảnh hưởng của môi trường sống qua trung gian của nền giáo dục sẽ đưa ta đến đâu, sẽ ảnh hưởng thế nào trên cách ta vào đời ? Ảnh hưởng của gia đình, của trường học, của xã hội, của văn hóa, của truyền thống, của tín ngưỡng, của tôn giáo, sẽ sâu đậm biết bao trên mỗi người chúng ta.
NHẬP THẾ CUỘC
Những nước cờ -phức tạp và biến động- của một bàn cờ tướng cho ta một ẩn dụ thật đơn giản về những phức tạp phiền toái, hiện hữu trong những tác động qua lại giữa người với người, mà mối quan hệ xã hội đầu tiên của con người là quan hệ mẫu tử, bắt đầu từ khi người mẹ hoài thai con. Phân tâm học gọi mối quan hệ đầu đời này là quan hệ hợp nhất (hay đồng hóa, fusionnelle). Con trẻ sống nhờ mẹ, qua mẹ và bởi mẹ cho nên cũng, vì mẹ. Khi ra đời người đầu tiên có liên hệ mật thiết với bé cũng là mẹ.
Lúc bấy giờ lại tiếp tục mối quan hệ hợp nhất và tay đôi giữa hai mẹ con. Lần lần người cha đi vào trong quan hệ này và dự phần chia xẻ yêu thương cùng trách nhiệm trong việc nuôi dạy con. Theo phân tâm học, sự có mặt của người cha, do lời giới thiệu của người mẹ với con thơ, đưa bé vào sự cá biệt hóa (individualisation) với mẹ và bước vào đời sống tượng trưng với ngôn ngữ và lề luật. Khi liên hệ đã thành một liên hệ tam giác giữa mẹ, cha, và bé thơ, là bé đã hoàn thành sự cá biệt hóa và chấm dứt mối liên hệ hợp nhất bắt đầu từ lúc con là bào thai trong bụng mẹ.
Cho nên vào đời là giao tiếp, giao tiếp là có tương tác (tác động qua lại, interaction), nghĩa là mỗi người trong cuộc đều qua hành động của người kia mà phản ứng lại. Mối quan hệ giữa Mẹ Cha và con cái cũng không ra ngoài thông lệ này.
Giao tiếp phải được xây dựng trên lòng tin cậy. Có tin cậy mới có dấn thân. Và tin cậy xây dựng trên nền tảng của yêu thương. Nơi nào không có yêu thương không thể có tin cậy.
Mọi cuộc cờ đều bắt đầu như nhau. Những điều lệ và phép tắc đều y hệt. Chúng không thay đổi, được hiểu rõ ràng và được chấp nhận một cách tự do bởi hai đối thủ mà phải hoàn toàn tôn trọng chúng. Mục đích theo đuổi cũng rất rõ ràng : ‘làm cho đối thủ bó tay thua cuộc’.
Nhưng sự việc không có chút nào thật sự xảy ra như thế giữa mẹ cha và con cái. Toàn bộ những liên hệ giao tiếp của họ đến từ một câu chuyện đời dài dằng dẵng và phức tạp của họ. Khởi đầu của mỗi đoạn đời khác với khởi thủy của những đoạn đời trước. Không có những điều lệ được chấp nhận bởi phía này và phía kia. Dù rằng thường thường cha mẹ cố gắng áp đặt những điều luật, mà con trẻ vì sự yếu đuối của mình, không thể phản đối lại. Nhưng sự ưng chịu do cha mẹ muốn và có được, đã ngăn cản con cái đối đầu với những khó khăn một cách sáng tạo (constructivement).
Cho nên trong loạt nói chuyện này, tôi sẽ tránh đề nghị những giải đáp gọi là ‘phương thức huyền diệu’ (recettes magiques), để chỉ gợi ý những phương pháp tiếp cận, giúp củng cố tính tự nhiên (tự phát, naturel, spontané) của cha mẹ và con cái, trong toàn bộ giao tiếp giữa họ. Và nhân đó, khuyến khích con trẻ đối đầu một cách hữu hiệu với thực tế, bằng phương tiện của chính mình.
GIÁO DỤC LÀ MỘT NGHỆ THUẬT SÁNG TẠO
Khi một trong hai cha mẹ cho rằng mình có lý và những lề luật của mình phải được tôn trọng, thì không có gì bảo đảm rằng con trẻ sẽ tâm phục. Trên phương diện kinh nghiệm nội tâm, con trẻ và mẹ cha theo những luật lệ riêng biệt mà thường không thể hiện ra, cả dưới chính con mắt riêng của mỗi người. Ngoài ra họ còn có thể đương trường đổi thay những luật lệ này nửa chừng, mà không báo trước và cả không ý thức được sự đổi thay ấy nữa.
Cho nên có một khác biệt lớn lao giữa sự giáo dục con cái và cuộc cờ. Ấy là đời sống thực không phải là một ván cờ, mà là một điều gì đó rất nghiêm trọng. Tuy vậy ta có thể đẩy xa hơn chút nữa sự so sánh này, một cách tích cực hơn.
Trên cuộc cờ, người mới tập tành sẽ đi theo bài toán của mình, mà không tính đến những lối đánh trả của đối thủ, do đó sẽ sớm bị đánh bại. Cũng thế, mẹ cha sẽ gặt lấy thất bại, nếu họ theo dự tính trước, -dựa trên những lời khuyên bảo của sách vở, hay của chuyên viên- để dạy dỗ con cái.
Cha mẹ phải luôn thích nghi uyển chuyển cách cư xử của mình, theo với phản ứng của con trẻ. Và lần lần xét lại hoàn cảnh theo chuyển biến của nó. Như trên cuộc cờ, họ phải để ý đến những ý định và những phản ứng của con trẻ.
Có điều con trẻ, một khi đã bất bình với mẹ cha, thường dấu đi tình cảm của mình, vì sợ phản ứng của mẹ cha. Khiến nên cha mẹ thường bị vây vào ngõ bí.
Vì đã tập được thói quen suy ngẫm lại toàn bộ cuộc cờ, người cao cờ, sau mỗi nước đi, có thể tính trước một số nước sắp đi được, từ phía mình lẫn từ phía đối thủ. Những phụ mẫu có khả năng sử sự cùng một cung cách ấy, trong quan hệ của họ với con cái, sẽ không cần đến lời khuyên bảo. Với mỗi hành động, hay mỗi phản ứng của con, họ đã biết đánh giá lại hoàn cảnh và kiếm ra cách sử sự đúng mực.
Vậy có thể nói rằng những bậc phụ mẫu có khả năng xử dụng một cách tốt lành những lời khuyên bảo về sự dưỡng dục con cái, lại đều không cần đến những lời khuyên này. Còn những người không có khả năng đánh giá và đánh giá lại một cách đúng mực, và đứng đắn các hoàn cảnh, lại không thể rút ra một cách sáng suốt những lợi ích của lời khuyên.
Cởi mở để có thể thông hiểu thấu đáo nhờ phát triển tình cảm tha hóa (empathie, capacité de s’identifier à quelqu’un, de ressentir ce qu’il ressent)
Cho nên cần có cái gì khác với những lời giải thích và những lời khuyên nhủ : phải giúp cha mẹ làm sao tự mình hiểu được điều gì đang trải qua trong tâm tư của con cái. Nếu họ tập đặt mình vào tâm tưởng của con cái cùng lúc cố gắng tìm hiểu động lực nào thúc đẩy chính họ. Lúc bấy giờ họ sẽ chọn được một cách tự nhiên theo bản năng, trực giác của mình, cách ứng xử thích đáng nhất.
Cho nên những buổi nói chuyện này được xây trên điều mà tôi nghĩ là cách thực tiễn hữu hiệu nhất để giúp đỡ mẹ cha dưỡng dục con cái : cổ võ họ để họ phát triển những ý tưởng của họ trên vấn đề giáo dục và lấy những thái độ thích hợp -không những chỉ với mục đích họ nhắm- mà với cả con người của họ và của con cái nữa. Ðể giúp họ đi đến một sự thông cảm và một thái độ có lợi cho mọi người.
Ðể đạt đến đích này ta nhận thấy rằng điều quan trọng nhất là tránh nghĩ rằng ta biết những giải pháp tốt lành, -dù chúng hiển nhiên nhất-, trước khi quan sát thật kỷ xem hoàn cảnh đã đặt hai bên vào tình thế nào. Ngoài ra đừng ráng tìm hiểu con mà quên để ý đến lòng mình.
Nếu ta cố công tìm hiểu mình trong tình huống của một hoàn cảnh nào đó, nếu ta thử tìm xem bằng cách nào ta đã góp phần tạo nên hoàn cảnh đó -vô tình hay cố ý, có ý thức hay vô thức- thời lúc bấy giờ cách ta nhìn nhận mọi việc đã đổi thay cùng với lối cư xử theo sau.
Không phải lúc nào ta cũng theo được nguyên tắc này, nhất là khi mà ta phải đương trường hành động để giải quyết khó khăn. Dù vậy nếu ta muốn đi đến một giải pháp lâu dài, thì khi sóng gió qua rồi, ta phải xét lại tư tưởng của ta và nguồn gốc của những phản ứng của ta. Rồi sau đó, dò xem những gì đã xảy ra trong đầu con.
TỰ LỰC CÁNH SINH
Chỉ bằng cách này mà bậc phụ mẫu có thể có cách cư xử ích lợi cho chính mình và con cái mình. Ðây là phương pháp liên quan đến sự thấu hiểu những tương tác mẹ cha / con cái. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh thật rõ ràng là cách duy nhất hữu hiệu, để giúp đở những người có tâm huyết và tinh tế -đang làm hết sức mình để nuôi dạy con cái- là khuyến khích họ hãy trông vào chính họ thay vì cậy vào ý kiến của kẻ khác một cách mù quáng.
Việc nghiên cứu thật cặn kẽ trong giới hạn một số vấn đề đặc sắc là để chứng minh rằng : vì lợi ích của cha mẹ và con cái, người lớn phải chính mình suy nghĩ về hoàn cảnh, và khám phá ra một mình, những gì quan trọng quyết định đang được đòi hỏi lúc ấy.
Ta phải ráng nhớ rằng phải đi từ nguyên tắc là : dù con cái có làm gì đi nữa, thì chúng tin rằng -dù không phải lúc nào cũng đúng thế- là cái gì chúng làm, hay sắp làm, thì đối với chúng, cũng là cách hay nhất để đối phó trong hoàn cảnh này hay hoàn cảnh kia.
Những trường hợp được giải bày trong phạm vi buổi nói chuyện này chỉ là một vài ví dụ trong muôn ngàn khó khăn mà con trẻ đem lại trong quá trình phát triển của chúng.
Ưu tư chính của tôi là giúp đở qúy vị phụ mẫu được càng ngày càng có khả năng suy nghĩ về những khó khăn sẽ xảy đến cho họ bất cứ lúc nào. Những kinh nghiệm lâu năm đã từng trải cho phép tin rằng những gì được trình bày ở đây sẽ giúp mọi người, nếu muốn, có thể thành thạo phương pháp tiếp cận này. Và nhờ đó có thể nuôi dưỡng con cái tốt lành hơn và có với chúng những liên hệ vừa ý và thỏa lòng (satisfaisantes et gratifiantes).
Phan Như-Nguyện