Bẩm sinh và môi trường giáo dục
Nguyễn Văn Thành
Thể theo những công trình nghiên cứu của Douglas M. ARONE, Hội chứng Tự Kỷ, dưới hình thức “Gên”, đã có mặt trong các tế bào của Não Bộ, khi trẻ em đang còn là thai sinh, trong tử cung của bà mẹ. Tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả nầy, cũng như của các nhà khoa học về Hệ Thần Kinh, Gên không phải là số mệnh hay là định mệnh, bao lâu Môi Trường giáo dục bên ngoài không cung ứng cho Gên những điều kiện thuận lợi, để phát huy, triển nở, củng cố và tăng cường. Nói khác đi, Gên chỉ là “hạt giống”. Để có thể đâm chồi nẩy lộc, lớn lên thành cây và kết sinh hoa trái, phải chăng Gên cần sự hợp tác của đất màu, mưa sương, cũng như ánh sáng và hơi ấm của mặt
Hẳn thực, trong những năm đầu tiên, nhất là từ 0 đến 7 tuổi, Hệ Thần Kinh đang còn ở trong tình trạng “mềm dẻo, dễ uốn nắn”. Trong suốt giai đoạn ấy, nếu môi trường giáo dục, bắt đầu từ hai người cha mẹ, có khả năng học tập và tạo cho trẻ em những quan hệ an toàn và tin tưởng, vui tươi và cởi mở, khó khăn nào xảy đến trong cuộc đời, cũng sẽ dần dần được vượt qua. Vấn đề nào, cho dù khốc liệt và trầm trọng đến đâu, cũng có thể được hóa giải một cách tốt đẹp.
Trong tinh thần và lăng kính ấy, bài chia sẻ nầy sẽ lần lượt trình bày hai phần chính yếu sau đây :
Trong phần thứ nhất, chúng ta sẽ cùng nhau khảo sát những thí nghiệm của tác giả Michael MEANEY, tại Đại Học McGill ở Montreal, Canada, nhằm làm nổi bật những quan hệ tương tác giữa Gên và Môi trường giáo dục, bắt đầu từ thể thức nuôi và dạy con cái của các người làm cha mẹ.
Trong phần thứ hai, chúng ta hãy đặt lại vấn đề một cách can đảm và đứng đắn : môi trường xã hội đã và đang chuẩn bị thế nào các thanh niên nam nữ, trong vai trò làm cha, làm mẹ sau này ? Nói khác đi, “những bài học nuôi con và dạy con” được dạy dỗ như thế nào, ở đâu và cho những ai ? Phải chăng đó cũng là những cách “xây dựng và bảo vệ Đất Nước”, mà chúng ta có xu thế coi nhẹ, dồn nén và lảng quên, trong những tầng sâu thăm thẳm của tâm hồn ?
1. Thí nghiệm của tác giả Michael MEANEY
Tại phòng thí nghiệm của Đại Học McGill, giáo sư Michael MEANEY đã quan sát hành vi của những con chuột mẹ đang lo lắng chăm sóc đàn con vừa mới được sinh ra.
Sau nhiều năm làm việc, trải qua nhiều đợt nghiên cứu khác nhau, tác giả đã ghi lại những loại nhận xét sau đây :
Nhận xét thứ nhất : Xét về mặt hành vi khách quan bên ngoài, chúng ta có thể phân biệt hai loại chuột mẹ hoàn toàn khác nhau. Loại số một gồm có những con chuột mẹ sử dụng nhiều thì giờ trong ngày để “liếm và vuốt lông” cho các con của mình, một cách rất chu đáo và cẩn thận. Loại số hai, trái lại, thi hành công việc chăm sóc con, một cách vội vã, lơ là và không đều đặn.
Nhận xét thứ hai : những chú chuột con, sau khi được mẹ liếm và vuốt lông, thường chạy ra xa khỏi vòng ôm ấp của mẹ, để chơi với nhau một cách rất thân tình và náo nhiệt. Khi bị điện giật, chẳng hạn, các chú chuột thuộc loại nầy, tìm cách lánh ra xa và không tỏ ra lo sợ và hốt hoảng. Trái lại, các chú chuột con không được mẹ liếm và vuốt lông một cách chu đáo, thường tỏ ra kinh hoàng và tê liệt, khi gặp khó khăn. Ngoài ra, những chú chuột thuộc loại sau nầy, không biết chơi với nhau hay là không chạy loanh quanh, khám phá, tìm tòi từ chổ nầy qua chỗ khác. Suốt ngày, chúng nó chỉ quanh quẩn và bám sát bên lưng mẹ, hay là tấn công nhau, cắn xé lẫn nhau...
Nhận xét thứ ba : sau khi trưởng thành chung quanh lứa tuổi 2 năm và đến lúc sinh con, những con chuột con ngày trước, bây giờ trong hành vi làm mẹ và nuôi con, lặp lại tập tục giống y hệt những gì mẹ của mình đã làm cho mình. Những con đã được mẹ liếm và vuốt chải lông một cách cẩn thận, bây giờ cũng siêng năng trong công việc liếm và vuốt lông cho con. Những con có mẹ lơ là, bây giờ cũng lơ là với những đứa con của mình.
Nhận xét thứ bốn : Sau bao nghiêu ngày tháng quan sát những hiện tượng thường xuyên “lặp đi lặp lại” như vậy, giáo sư Michael MEANEY có sáng kiến chuyển đổi những cặp mẹ con với nhau. Trong những chiếc lồng riêng biệt, M. MEANEY nhốt những con chuột con sinh ra từ những con chuột mẹ có hành vi “liếm và chải lông” cho con, với những con chuột mẹ có hành vi lơ là. Cũng vậy, những con chuột con sinh ra từ những con chuột mẹ lơ là, được nhốt lại với những con chuột mẹ siêng năng cần mẫn, có hành vi liếm và chải lông thường xuyên cho con. Và những con chuột con nầy, đến lúc trở thành chuột mẹ, thay vì bắt chước con chuột “mẹ tự nhiên” đã thực sự sinh ra mình, lại có hành vi nuôi con, giống y hệt con chuột “mẹ nuôi” của mình.
Cách thuyên giải của tác giả Michael MEANEY :
Sau khi tổng hợp bốn loại nhận xét trên đây lại với nhau, giáo sư Michael MEANEY đã rút ra những kết luận sau đây :
Chính cách “Nuôi con” của các con chuột mẹ là nguyên nhân chính yếu đã tạo ra những nét khác biệt cơ bản và bền vững, trong thể thức sinh hoạt và giải quyết vấn đề, nơi các con chuột con, thậm chí sau khi đã trưởng thành và có khả năng làm mẹ, sinh ra những đoàn con.
Nét khác biệt không phải chỉ có mặt trong những hành vi cụ thể và khách quan bên ngoài mà thôi. Những biến đổi sâu xa đã thực sự xảy ra, trong Hệ Thần Kinh Trung Ương, tại cơ quan Hải Mã (Hippocampus), còn mang tên là Trung Tâm Học Tập và Lưu Giữ Hoài Niệm.
Hẳn thực, xuyên qua hành vi “liếm lông và chải lông”, con chuột mẹ đã kích thích và phát huy cấu trúc Hải Mã của các con chuột con. Càng được kích thích, Trung Tâm Học Tập nầy càng có khả năng sản xuất thêm nhiều những “bộ phận tiếp nhận” hóa chất glucocorticoid hay là cortisol. Nhờ được khoanh vùng và lưu giữ một cách ổn định, trong các “bộ phận tiếp hận” (receptor), loại hóa chất hay là hóc-môn nầy không lan tràn, di chuyển khắp nơi và hủy diệt các tế bào khác.
Cũng vì lý do nầy, những con chuột con sống thảnh thơi, thoải mái, hồn nhiên, không phải lo sợ và bị tê liệt, giống như những con chuột con “không được mẹ liếm và chải chuốt thường xuyên”. Thêm vào đó, khi những “bộ phận tiếp nhận” càng được nhân ra nhiều trong cấu trúc Hải Mã, thì các chú chuột con càng tỏ ra thảnh thơi, sung sướng và càng ngày càng gia tăng khả năng vui đùa và khám phá môi trường sinh sống chung quanh.
Trong cuộc sống của loài người, không có người mẹ nào nuôi con và giáo dục con, bằng phương pháp liếm con như các loài chuột hay là các loài có vú khác… Thay vào đó, cách làm tương đương là tạo quan hệ an toàn và vui thích cho con, chơi với con và sẵn sàng phản ảnh cho con, nghĩa là kêu tên hay là gọi ra ngoài những xúc động lo sợ, giận hờn và buồn phiền đang được cưu mang và ấp ủ trong nội tâm của con. Khi các bà mẹ học tập “nuôi con và dạy con” như vậy, thể theo nhận xét của các nhà khoa học về não bộ, cấu trúc Hải Mả ngày ngày tiết ra hai loại hóa chất Oxytoxin và Endorphin, khả dĩ tăng cường mức độ tự tin, vui thích và hiếu kỳ của đứa con.
Ngoài ra, nhờ được mẹ dạy dỗ và giáo dục, trẻ em từ từ phát huy và mở rộng khả năng hoạt động của Vỏ Não, nhất là của Thùy Trán. Lúc bấy giờ, Cấu Trúc Hạnh Nhân không còn phản ứng một cách tự động, máy mốc và bốc đồng, hay là tạo nên những tình huống khủng hoảng và lo sợ… Thay vào đó, Trung Tâm đặc trách đời sống xúc động nầy, được Thùy Trán điều hướng, điều hợp và giáo hóa, để dần dần có thể trở nên một động cơ thúc đẩy và giúp đỡ con người thực hiện những lý tưởng, mộng mơ và hoài bảo chính đáng của mình.
Trong tinh thần và lăng kính ấy, khi một trẻ em sinh ra khỏi lòng mẹ, “Chương trình hay là Gên Tự Kỷ” có thể đã được cài đặt và ghi khắc”, trong các tế bào của Hệ Thần Kinh Não bộ. Thế nhưng, trong tình huống ấy, chưa có chi là “sự đã rồi”, một cách vĩnh viễn. Nói cách khác, Gên Tự Kỷ, trong những năm đầu tiên của cuộc đời, chưa phải là Số mệnh hay là Định mệnh. Trái lại, Môi Trường giáo dục – hay là cách dạy dỗ trong gia dình và xã hội - còn có khả năng chuyển biến, hóa giải mức độ ảnh hưởng và tác động của Gên.
2. Những bài học “Nuôi con và dạy con”, nhằm chuyển hóa Gên của trẻ em có nguy cơ Tự Kỷ
Thể theo những công trình nghiên cứu của Douglas M. ARONE, kéo dài trong vòng 10 năm, thai nhi, từ tháng thứ ba trở đi, khi đang còn sống trong tử cung của bà mẹ, đã mang Gên Tự Kỷ trong các tế bào thuộc Thần Kinh Não Bộ của mình.
Tuy nhiên, từ ngày đứa con đi ra khỏi tử cung, nếu bà mẹ có khả năng sáng tạo cho con những quan hệ hài hòa, an toàn, vui thích và đồng cảm… trong suốt thời gian 7 năm đầu tiên của cuộc đời, Gên Tự Kỷ lúc bấy giờ sẽ không có môi trường và điều kiện phát triển. Với những điều kiện như vậy, Gên sẽ bị vô hiệu hóa và tàn lụi.
Nói một cách rõ ràng và chính xác hơn, nhiều lý do giải thích hiện tượng tàn lụi nầy :
Lý do thứ nhất : Gên không được môi trường giáo dục và xã hội bên ngoài kích hoạt, cho nên không thiết lập được những đường dây Thần Kinh trong Não Bộ, với nhiều khớp Xi-Nắp giao thoa chằng chịt, để tác động và tạo ảnh hưởng trên toàn cơ thể và các bộ phận khác nhau.
Lý do thứ hai : Vì không được kích hoạt, Gên không có khả năng tiết ra những loại hóa chất hay là những hốc-môn, để tác động lâu dài trên toàn diện Hệ Thần Kinh, cũng như trên hai Hệ Giao Cảm và Đối Giao Cảm. Nói rõ hơn, Gên nào không có môi trường sinh hóa (Biochemical) để hoạt động, Gên ấy sẽ bị các loại hốc-môn khác tấn công và hủy diệt.
Lý do thứ ba : Vì không nhận lãnh được sự tiếp tay của ba loại môi trường khác nhau – giáo dục, thần kinh và sinh hóa – Gên bị khoanh vùng nghĩa là bị nhốt lại, giam tù tại chính nơi được sinh ra. Và khi một tế bào thần kinh không có điều kiện và môi trường hoạt động, tế bào ấy sẽ bị tàn lụi và loại thải.
Trong thực tế của cuộc sống làm người, không bao giờ có hai đối lực hoàn toàn mâu thuẫn và đấu tranh quyết liệt với nhau, để rồi “một mất một còn”, như tôi vừa phác họa trên đây. Vì lý do sư phạm, tôi đã cố tình đơn giản hóa vấn đề, đến mức độ dễ hiểu tối đa.
Chẳng hạn, trước đây tôi đã nói đến những mâu thuẩn gay go, giữa Hạnh Nhân và Thùy Trán. Tuy nhiên, tôi đã kết luận : Vì hạnh phúc và ý nghĩa làm người, chúng ta không thể giải phẩu và loại thải Hạnh Nhân ra ngoài, khi cấu trúc nầy gây ra những tình huống khó khăn và khổ đau, trong cuộc đời.
Cũng vậy, vì lý do hạnh phúc và ý nghĩa làm người, Thùy Trán không thể quyết định một mình, tất cả mọi vấn đề. Trái lại, để thành công trong vai trò sáng soi và hướng dẫn toàn diện cơ thể, Thùy Trán cần lắng nghe và tham khảo từng mỗi bộ phận lớn bé của con người. Con mắt, bàn tay hay bàn chân cũng có giá trị ngang bằng tim, phổi, lá gan và bao tử… Không một thành phần nào bị quên sót hay là khinh miệt.
Cũng trong tình thần và lăng kính ấy, bà mẹ không phải là nhân vật duy nhất có nhiệm vụ nuôi dạy con cái thành người. Hẳn thực, bà là người gần gũi với đứa con, hơn mọi người khác. Tuy nhiên, không có những người khác tiếp tay nâng đỡ, bà sẽ ngã quị, trầm cảm, kiệt quệ và bị thiêu rụi (Burn-out), nhất là khi đứa con của bà đang có những nguy cơ Tự Kỷ, với những triệu chứng “Bùng Nổ”, hay là “Sống bít kín”, gần như suốt ngày và mỗi ngày.
Nhằm nâng đỡ và soi sáng bà mẹ một phần nào, trong vai trò nuôi nấng và giáo dục con cái, nhiều bài chia sẻ của tôi đã cố gắng cung cấp những tin tức hiện đại, thuộc môi trường khoa học nghiên cứu tại các Đại Học ở Âu Mỹ. Một cách đặc biệt, tôi đã đề nghị những động tác cụ thể có liên hệ đến Trí Thông Minh Xã Hội, nhằm thiết lập những quan hệ đồng cảm, an toàn, tôn trọng và lắng nghe… với trẻ em, nhất là với những em đang gặp một vài khó khăn, trong những giai đoạn tăng trưởng và phát triển.
Thay vì lặp lại ở đây toàn bộ tin tức đã được trình bày, tôi chỉ muốn nhấn mạnh hai loại động tác cơ bản phải có mặt, khi chúng ta giáo dục con cái :
Thứ nhất là đồng cảm, có nghĩa là có mặt với con, lắng nghe con, tôn trọng con, khám phá nhu cầu của con, nhằm tạo cho con một cuộc sống an toàn, vui thú và hồn nhiên.
Thứ hai là biết từ chối, nói KHÔNG, để giúp trẻ em có khả năng phân biệt điều nào làm được, điều nào không có phép làm. Tuy nhiên, để tiếng KHÔNG của chúng ta có khả năng “cấu trúc hóa” tư duy của trẻ em như vậy, mỗi tiếng KHÔNG phải được kèm theo bằng ba tiếng CÓ. Ví dụ : Con không được làm điều A. Thay vào đó, con có thể và có phép làm B, C. và Đ…
Thiếu hai bài học rất quan trọng ấy, trong lãnh vực giáo dục, tại trường học cũng như tại gia dình, tất cả những gì chúng ta làm cho con cái, chỉ là “Nước rơi đầu vịt”, hay là “Dã tràng xe cát Biển Đông”.
Nhằm tóm lược bài chia sẻ nầy, tôi lắng nghe và chọn làm của mình tư tưởng của John GRAY. Thể theo tầm nhìn của tác giả nầy, giáo dục không phải chỉ là công việc của cha mẹ và thầy cô mà thôi. Đó cũng là trách nhiệm của tất cả mọi người có trách nhiệm lãnh đạo, và nhất là có tinh thần trách nhiệm, trong lòng xã hội và Quê Hương.
Giáo dục là gì, nếu không phải là không ngừng sáng tạo và xây dựng cho con cái và các thế hệ tương lai, năm KHUNG TRỜI MỞ RỘNG :
Trong khung trời thứ nhất, chúng ta CHO PHÉP trẻ em trở nên khác biệt, độc đáo, chọn lựa và quyết định con đường làm người của mình.
Trong khung trời thứ hai, chúng ta cho phép trẻ em sai lầm và ý thức đến sai lầm của mình, để vươn lên, đổi mới.
Trong khung trời thứ ba, chúng ta cho phép trẻ em diễn tả, trình bày ra ngoài những xúc động như giận hờn, buồn bực và lo sợ… Những lúc trẻ em phát biểu, chúng ta lắng nghe, với tất cả tấm lòng chân thành, đón nhận và nhìn nhận.
Trong khung trời thứ tư, chúng ta cho phép trẻ em trình bày những nhu cầu, nguyện vọng hay là những vào những điều kiện thực tế của cuộc sống ngày hôm nay.
Trong khung trời thứ năm, chúng ta cho phép trẻ em từ chối, nói KHÔNG với chúng ta, khi chúng ta yêu cầu, đề nghị một ý kiến chủ quan, mộng mơ của mình. Tiếp theo sau, chúng ta tìm cách đáp ứng hay là từ chối, tùy.
Trong lòng Đất Nước, nếu trẻ em, con cái, giới trẻ… mỗi người có phép LÀM NGƯỜI, trong năm khung trời vừa tự do, vừa an toàn, vừa sung sướng và hạnh phúc, việc học không còn là một gánh nặng. Trái lại, đó là một niềm vui và hứng khởi. Đó cũng là một cách “GIỮ NƯỚC và DỰNG NƯỚC », ngày ngày chuyển biến Quê Hương thành “Vạn Xuân và Đại Việt”, bất diệt và cao cả.
Nguyễn Văn Thành