Mục vụ hôn nhân dị chủng
Lm. Mai Đức Vinh
Tài liệu xử dụng : Chúng tôi không tìm thấy một tài liệu chính thức nào về ‘Mục VụHôn Nhân Dị Chủng’, trong các tài liệu Công Đồng cũng như trong các văn thư của Hội Đồng Giám Mục Pháp. Văn phòng ‘Mục Vụ Gia Đình’ của Tổng Giáo Phận Paris (7 rue Saint-Vincent, Paris 18) cũng như Văn Phòng Hôn Phối của Giáo Tỉnh Ile de France (9 rue du Docteur Roux, Paris 15) đều không cho chúng tôi tài liệu nào về vấn đề mục vụ này. Bài trình bày hôm nay sắc động lại từ ba tài liệu chúng tôi cậy dựa vào hơn cả là bài đăng trong báo La Croix «Couples binationaux, Familles du mondes » (Những cặp vợ chồng hai quốc tịch, Gia đình của thế giới ) (La Croix, 1er Janvier 2004), bài đăng trong nguyệt san Prêtres Diocésains : «Evolution de la situation sociologique et culturelle du mariage » (Biến chuyển về tình trạng xã hội và văn hóa của hôn nhân) (179, rue de Tolbiac, 75013 Paris, Octobre 2003-1407, p. 355-366), và cuốn «Une sociologie du couple mixte » Ed, economica, coll. Anthropos , 1998, 309 trang (xã hội tính của đôi bạn dị chủng). Ngoài ra chúng tôi dùng điện thoại hỏi ý kiến của một số người đã sống lâu năm tại Pháp và có những cái nhìn xã hội, tôn giáo và chủng tộc về đời sống hôn nhân qua những kinh nghiệm bản thân và đời sống gia đình của nhiều bạn hữu. Nhờ đó chúng tôi có thể trình bày với quý vị những điểm sau đây :
Mấy mốc điểm chung :
Những nguyên nhân : Từ mấy thập niên qua, với làn sóng du lịch, du học, giao lưu văn hóa, thương trường quốc tế, các đợt sóng di tản và tị nạn, hội nhập dễ dàng, tự do tôn giáo, mới nhất và tổng quát nhất là với ‘hiện tượng toàn cầu hóa’, hôn nhân dị chủng mỗi ngày một tăng số đến thành như ‘đạo binh’ (Légion). Hiện tượng này chung cho cả các nước Âu Mỹ. Thực tế, tại Pháp, năm 2001 có 40.000 đôi hôn nhân dị chủng.
Không đồng đều : Phần lớn những người kết hôn dị chủng sống tại Pháp thuộc các nước trong Cộng Đồng Âu Châu, mà đứng đầu là Ý và Tây Ban Nha, rồi đến các nước Phi Châu và Ả Rập (Maghreb), sau cùng Đông Nam Á. Đặc biệt người Bồ Đào Nha và Thổ Nhĩ Kỳ ít kết hôn với người ngoài nước của họ. Tại Pháp, các thành phố lớn có nhiều hôn nhân dị chủng hơn tại các thành phố nhỏ, và tại các miền quê còn ít hơn. Paris và vùng phụ cận Paris nhiều nhất.
Riêng người Việt Nam : Trước 1975, người đàn ông cưới vợ Pháp thường là con trai nhà giầu, gia đình thế giá, sinh viên, trí thức sống tại Pháp hay người xung vào quân đội Pháp trong hai đại chiến. Riêng phụ nữ Việt Nam lấy chồng ngoại quốc, thường cả hai đều ‘không có địa vị cao trong xã hội’. Hiện nay số người phụ nữ Việt Nam lấy chồng ngoại quốc đông hơn số người đàn ông lấy vợ ngoại quốc, đặc biệt có phong trào người Pháp qua Việt Nam cưới phụ nữ Việt Nam. Xét về sự bền vững thì theo nhận định chung tới 60% trường hợp chồng Việt và vợ Pháp đã thất bại, sau 10, 20 năm chung sống. Đang khi chỉ chừng 10% trường hợp chồng Pháp, vợ Việt Nam bị tan rã.
Những khó khăn cần ý thức trước :
Sự chấp nhận của gia đình : cách chung cha mẹ Việt Nam cũng như Pháp không muốn hay rất khó chấp nhận con cái mình kết hôn với người ngoại quốc. Thường chỉ vì kính trọng tự do của con cái, hay ‘phải chịu vậy’, ‘con ngồi đâu cha mẹ chịu đó’. Cha mẹ Việt Nam không dễ chấp nhận vì họ cảm thấy trước những khác biệt về quan điểm hôn nhân, về văn hóa, về ngôn ngữ, về cách sống trong gia đình, và về đời sống tôn giáo...
Khác biệt về ngôn ngữ : về điểm này, một người Pháp lấy một người Anh, Ý, Tây Ban Nha... dễ dàng hơn lấy một người Việt Nam. Bình thường tiếng Việt phải nhường chỗ cho tiếng Pháp (Anh , Ý...). Nhiều trường hợp, ‘ngôn ngữ tình yêu’ thay thế cho các ‘ngôn ngữ thông thường’ của đôi bên !
Khác biệt về phong tục, cách sống : nhất là về ‘tương quan với gia đình đôi bên’. Dù ở trong gia đình hay họ hàng, người Pháp ‘lý lẽ’ mạnh hơn tình cảm, người Việt ‘tình cảm’ mạnh hơn ‘lý lẽ’. Cha mẹ không tự do đến thăm con, không tự do bồng bế cháu, khó được con trai, con dâu giúp đỡ mỗi khi cần đến... Cô dâu đầm thường hay nói với chồng Việt «Hoặc anh chọn tôi, hoặc anh chọn mẹ anh !». Bếp núc, món ăn cũng là một vấn đề lớn. Đồng tiền tiêu xài còn phức tạp hơn... Quan niệm ‘hiếu thảo’ của người Việt rất khác với quan niệm ‘hiếu thảo’ của người Pháp! Tuy sống trong gia đình, tự do cá nhân luôn là cái gì thánh thiêng (sacré).
Quan niệm ‘tình yêu’ và ‘tình dục ‘ cần được ý thức : người Pháp, kể cả đàn bà tình dục mạnh hơn tình yêu, đối với người Việt Nam tình yêu mạnh hơn tình dục. Đây là một trong những nguyên nhân lớn khiến cho đôi ‘chồng Việt vợ Pháp’ tan rã sau 10, 15 hay 20 năm chung sống. Một điểm thực tế khác là người đàn bà Pháp bề ngoài ‘xem ra mau già cả’ trước tuổi, khiến người chồng Việt không còn ‘ham muốn’ hay ‘hãnh diện’ nữa...
Khác biệt về tôn giáo : Phật giáo đã khó, nhưng Hồi giáo càng khó hơn... Hạnh phúc khi cả hai vợ chồng đồng đạo và cùng quan điểm sống đạo. Tuy kính trọng tự do cá nhân, hiếm có người đàn bà Pháp chấp nhận cho ông chồng ‘tự do thực hành đạo’. Sớm muộn sẽ có lời than phiền, rồi chỉ trích, rồi ‘thách đố chọn đạo hay chọn bà’. Từ đó đưa ra bao nhiêu khó khăn trong vấn đề giáo dục con cái : con nhỏ gần gũi mẹ nhiều hơn, người trẻ thích lối sống ‘tự do không tôn giáo của người mẹ’ hơn... Người chồng phải ấm ức nhượng bộ, đợi một ngày sóng gió là ‘tan rã, ra đi’.
Trình độ học vấn và tuổi tác : Thiếu trình độ học vấn sẽ thiếu sự hiệp thông, thiếu sự đối thoại, sẽ tạo nên lối sống khép kín, mặc cảm và gia tăng hiểu lầm. Về tuổi tác quá chênh lệch cũng vậy. Lúc đó nếu còn bền vững, đôi bạn sống ‘vì nghĩa hơn vì tình’. Ngày nay không thiếu người đàn ông thuộc tưổi 40 cưới cô vợ mới 18 – 20.
Phải thấy được ‘sự bổ túc phong phú’, và ‘tình yêu vượt mọi ngăn cách’. Chúng ta không nói đến những ‘hôn nhân dị chủng vì nghề nghiệp, vì kinh tế, vì giấy tờ’. Chúng ta nói đến các đôi hôn nhân dị chủng ‘nghiêm chỉnh, vì yêu thương, vì duyên trời’. Cả đôi bên phải ý thức rõ ràng và xác tín mạnh mẽ trước rằng : Mỗi yếu tố dị biệt giữa vợ với chồng luôn là một yếu tố phong phú đòi họ phải biết bổ túc cho nhau. Câu ‘hiệp nhất trong khác biệt’ (l’unité dans la diversité) là châm ngôn sống của họ. Không thể có sự hiệp nhất này, nếu không có tình yêu chân thật. Tình yêu sẽ giúp họ vượt lên trên mọi khác biệt để sống hiệp nhất với nhau và gây hạnh phúc cho nhau...
Trong đời sống sau ngày cưới :
1. Giữa vợ chồng :
Kính trọng khác biệt của nhau : đây là điểm tế nhị cơ bản. Ông bà chúng ta bảo ‘chửi cha không bằng pha tiếng’. Đây cũng là hình thức ‘hội nhập văn hóa’ ngay trong gia đình. Cần tránh những lời nói bông đùa vô bổ, tuy bông đùa, nhưng nói nhiều lần nó sẽ gây mặc cảm và tức giận cho người cứ phải nghe hoài !
Biết lắng nghe :Thái độ lắng nghe sẽ làm cho người bạn của mình hài lòng, thán phục, và thêm yêu thương. Lắng nghe để biết phân biệt và nhận định đúng đắn. Lắng nghe là hình thức kính trọng và học hỏi.
Khám phá và học hỏi : Vợ chồng sống với nhau mỗi ngày sẽ khám phá thêm một cái hay mới về ngôn ngữ, về phong tục… Nhưng cần phải biết quan tâm. Khám phá ra được là đã học hỏi và tiếp thu rồi.
Biết nhượng bộ : Đừng cố chấp cho ‘cái của mình’ (phong tục, ngôn ngữ...) là hay, là đẹp hơn. Phải biết nhìn nhận cái ‘hay hơn’ ở nơi người bạn đời, nơi mình sinh sống. Nhập giang tùy khúc, xuất gia tùy tục. Sống khiêm tốn là nhìn nhận sự thật.
Giữ vững lập trường hay có bản lãnh : Nhượng bộ không có nghĩa là bỏ cái hay, cái tốt của mình để chạy theo hay hàng phục cái dở của người khác. Nhất là những điều tương quan đến đức tin, đến đạo lý gia đình. Sách rách phải giữ lấy lề. Vợ chồng phải trách nhiệm về nhau đặc biệt trong đời sống bổn phận và đạo lý.
Nhẫn nại và đối thoại : Trong đời sống vợ chồng, dù đồng chủng hay dị chủng, dù đồng đạo hay dị giáo, đức nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, để từ đó biết thông cảm và chia sẻ, đối thoại chân thành với nhau là điều cần thiết. Một nhịn chín lành. Không gì nặng nề trong đời sống lứa đôi ‘cho bằng thái độ lầm lỳ, khép kín’. Chúng ta đang ở vào thời đại có nhiều chứng bệnh suy nhược (dépression).
Cầu nguyện : Luôn luôn cầu nguyện là phương dược cơ bản cho đời sống gia đình. Càng ở vào hoàn cảnh éo le, việc cầu nguyện càng khẩn trương. Vợ chồng thương nhau là phải lấy nhau làm đối tượng cầu nguyện mỗi ngày.
2. Đối với con cái :
Những vấn đề pháp lý và thực tế : quốc tịch của con cái, đặt tên cho con... Bố mẹ Việt Nam và nhất là con cháu dễ dàng mất gốc không nguyên vì ‘thay đổi quốc tịch’, mà nhất là vì ‘tên gọi’ : Nếu cha là Pháp, con cái hoàn toàn tên Pháp ; nếu cha là Việt, cũng ít khi còn mang tên ‘Nguyễn hay Lê...’
Ảnh hưởng ngôn ngữ và tôn giáo : Thường con cái học theo tiếng nói, sống theo tôn giáo của người mẹ, trừ trường hợp ‘trình độ và tác phong văn hóa và tôn giáo của người cha cao hơn của người mẹ’ hay sức ép của gia đình và xã hội, phong tục.
Giáo dục con cái : Không ai phủ nhận vai trò người mẹ trong việc trao truyền đức tin và văn hóa. Nhưng dĩ nhiên, con cái sinh ra, lớn lên ở Pháp, thì chính yếu phải theo giáo dục của Pháp, nhưng không quên những gì là thâm thúy của nền giáo dục Việt Nam : Tiên học lễ hậu học văn ; Lễ, Nghĩa, Trí Tín. Phải quân bình cả ba ‘Đức dục, trí dục và thể dục’. Phải khôn khéo và tế nhị để vợ chồng không xích mích hay chia rẽ về cách giáo dục con cái, khiến chúng lạm dụng điểm yếu của bố mẹ hay trở thành nạn nhân của sự giằng co giữa hai văn hóa, hai quan niệm giáo dục của bố mẹ...
Đáng tự vấn : Nhiều người nhận định rằng hôn nhân dị chủng Việt Pháp đã có tới năm sáu thế hệ rồi, nhưng cho đến nay chưa có những nhân vật xuất sắc hay những gia đình nổi bật (về chính trị, tôn giáo, kinh tế, văn học, kỹ thuật...). Tất cả chỉ ở trong mức độ ‘bình thường’. Nếu sánh với các chủng tộc khác ‘hội nhập vào xã hội Pháp bằng con đường hôn nhân dị chủng’ như Tây Ban Nha, Ý, các nước Đông Âu hay Phi Châu, Ả Rập và ngay cả Trung Hoa... người Việt Nam phải tự vấn về các giáo dục con cái ! Chỉ lo an cư lạc nghiệp mà không tiến xa hơn...
Một ướm thử mục vụ : Nhận thấy số hôn nhân dị chủng, đặc biệt Việt-Pháp, mỗi ngày một thêm số, từ năm 2000, Giáo Xứ Việt Nam Paris đã nghĩ đến việc lập một ‘Nhóm Gia đình Việt Pháp’, với mục đích mỗi năm hai lần họp mặt trao đổi kinh nghiệm sống... Tuy nhiên vì nhiều lý do tâm lý và xã hội cũng như tôn giáo, cho tới nay Nhóm chưa thành hình. Dầu vậy chúng tôi vẫn coi đây như một nhu cầu mục vụ đáng quan tâm. Trong hai mươi lăm năm làm việc tại Giáo Xứ Việt Nam Paris, tôi đã chuẩn bị cho quãng 30 đôi hôn nhân dị chủng (Việt Lào, Việt Cambodge, Việt Ấn, Việt Trung Hoa, Việt Ý, nhất là Việt Pháp). Đã 4 đôi tan rã. Đa số vẫn đến giáo xứ dâng lễ và rất hạnh phúc. Theo tôi, dù hôn nhân đồng tôn hay dị tôn, đồng chủng hay dị chủng, lời thánh Phaolô sau đây vẫn là kim chỉ nam cho các đôi bạn muốn sống chung thủy và hạnh phúc trong đời sống lứa đôi : «Như những người được chọn của Thiên Chúa, những người được yêu thương và được gọi nên thánh, anh chị em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hòa nhẫn nại và hãy tha thứ cho nhau, nếu người này có chuyện phải oán trách người kia. Như Chúa đã tha thứ cho anh chị em, anh chị em cũng hãy tha thứ cho nhau. Trên hết mọi sự, anh chị em hãy có đức yêu thương, đó là giây ràng buộc mọi điều toàn thiện. Nguyện cho bình an của Đức Kitô làm chủ trong lòng anh chị em, sự bình an mà anh chị em được kêu gọi tới hưởng thụ hầu làm nên một thân thể. (Cl 9,12-14).
Câu hỏi để thảo luận :
- Theo Bạn, quan niệm của người Việt Nam về ‘hôn nhân dị chủng’ đã thay đổi nhiều hay chưa ? Trước năm 1975 như thế nào và bây giờ như thế nào ? Thử nêu ra những nguyên nhân cụ thể của sự thay đổi đó ?
- Theo Bạn, cha mẹ nên xử trí thế nào khi có người con muốn kết hôn với người ngoại quốc ? Cha mẹ cần nhắc cho con mình những gì ?
- Theo bạn, đồng tôn hay đồng chủng có phải là yếu tố cơ bản để hôn nhân bền vững và hạnh phúc không ? Bạn hãy nêu lên những yêu tố cơ bản để xây dựng và bảo vệ hạnh hôn nhân dị chủng.
- Theo bạn, ngày nay trong môi trường Việt Nam tại Pháp, «mục vụ hôn nhân dị chủng » có cần thiết không ? Các Tuyên Úy có thể sinh hoạt thế nào về điểm mục vu này trong khuôn khổ Cộng Đoàn ?
Lm Mai Đức Vinh