Chuẩn bị các bạn trẻ sống đời hôn nhân
Lê Ðình Thông
Gia đình Công Giáo Việt Nam đã từng là chủ đề trong khuôn khổ suy tư mục vụ cộng đồng Công Giáo Việt Nam hải ngoại. Và cho thấy gia đình Công Giáo Việt Nam là trung tâm của các suy tư mục vụ hiện nay. Việc xây dựng gia đình công giáo trong ý hướng thăng tiến gia đình và mục vụ dành cho giới trưởng thành là những bước tiếp nối của việc chuẩn bị các bạn trẻ sống đời hôn nhân. Bài dưới đây nhằm bàn về định hướng mục vụ vừa kể, chủ yếu áp dụng phương pháp chung :
- Trước hết, khởi đi từ các văn kiện của Tòa thánh và Giáo Hội địa phương ;
- Tiếp theo là phần lược trình việc chuẩn bị các bạn trẻ sống đời hôn nhân của cộng đoàn Giáo Xứ ;
- Sau cùng là phần phác họa về dự phóng tương lai.
I. CÁC VĂN KIỆN CHÍNH THỨC
1. Các văn kiện của Tòa Thánh : Trong tông thư Novo Millennio Ineunte (Khởi đầu ngàn năm mới), Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã mệnh danh Giáo Hội là "Nhà chung và trường học hiệp thông có sứ mệnh triển nở mọi ơn gọi" (42-47). Việc "cộng đoàn giúp chuẩn bị các bạn trẻ sống đời hôn nhân" và việc "các bạn trẻ chuẩn bị sống đời hôn nhân" là hai ơn gọi xuất phát từ căn nhà chung và trường học Giáo Hội. Chương : Các chứng nhân tình yêu được dành để triển khai về mục vụ gia đình. Tông thư viết : Thời điểm lịch sử hiện nay ghi nhận một cuộc khủng hoảng sâu rộng về định chế gia đình. Trong cách nhìn Ki tô giáo về hôn nhân, quan hệ nam nữ là mối tương quan qua lại, toàn diện và duy nhất không thể tiêu diệt ; (...) Giáo Hội không thể nhượng bộ trước áp lực của một nền văn hóa nào đó, ngay khi nền văn hóa này được mở rộng và mang tính đấu tranh (47).
Tông thư vừa kể nhắc lại quan tâm của Đức Gioan-Phaolô II ngay khi khai nguyên triều đại Giáo hoàng. Năm 1981, Ngài đã ban hành tông huấn Familiaris consortio (Cộng đồng gia đình công giáo). Ngày 02-02-1994, trong khuôn khổ năm quốc tế về gia đình, Đức Gioan-Phaolô II còn ban hành Thư gửi các gia đình (Lettre aux familles). Bằng một văn thức trực tiếp, Ngài viết : Ta gõ cửa tâm hồn các con. Trong văn kiện này, Đức Thánh Cha đề cao nền văn minh của tình yêu.
Trong các văn kiện của Tòa Thánh về gia đình mang dấu ấn Đức Gioan-Phaolô II, tông huấn Familiaris consortio được coi là văn kiện quan trọng nhất. Phần thứ tư của văn kiện này được dành cho mục vụ gia đình : Giáo Hội đồng hành với mỗi gia đình công giáo. Chính trong ý nghĩa "đồng hành mục vụ" này, Đức Gioan-Phaolô II đã đề cập tới việc "chuẩn bị các bạn trẻ sống đời hôn nhân" như sau :
Trong thời đại chúng ta, việc chuẩn bị các bạn trẻ sống đời hôn nhân, dấn thân vào đời sống gia đình là điều cần thiết hơn bao giờ hết. (...) Các thay đổi phát sinh từ hầu hết các xã hội mới đòi hỏi không những gia đình, nhưng cả xã hội và Giáo Hội nỗ lực tham gia vào việc chuẩn bị thích đáng cho các bạn trẻ về các trách nhiệm trước tương lai của chính họ. (...) Kinh nghiệm cho thấy các bạn trẻ chuẩn bị chu đáo đời sống gia đình nói chung dễ thành công hơn những người khác. Điều đó lại càng quan trọng hơn cho hôn nhân công giáo mà tầm ảnh hưởng nới rộng tới việc thánh hóa cả nam lẫn nữ. Vì vậy Giáo Hội phải cải tiến các chương trình chuẩn bị hôn nhân cho được hoàn hảo và có kết quả, nhằm loại bỏ những khó khăn mà các lứa đôi phải đương đầu, giúp các bạn trẻ thành đạt sung mãn.
2. Các văn bản của Giáo hội địa phương : Triển khai từ định hướng mục vụ của Tòa Thánh, mỗi Giáo Hội địa phương đều có những văn bản hướng dẫn việc chuẩn bị các bạn trẻ sống đời hôn nhân. Trong chiều hướng này, Giáo phận Paris đã phát hành tập tài liệu Pour entrer dans le Troisième Millénaire (Để bước vào Ngàn năm thứ Ba) (09-2001). Ngay chương 1 : Phúc âm hóa điều kiện nhân sinh, phần 1.1 đề cập đến Tin mừng hôn nhân (La bonne nouvelle du mariage) như sau : Các nghi thức bí tích của Giáo Hội mang ý nghĩa trọn vẹn về sự phong phú của tình yêu vợ chồng và việc sinh con đẻ cái. Từ ngữ "tin mừng hôn nhân" (không viết hoa) là một cách để nói rằng tin mừng này cần thể hiện trung thực Tin mừng (viết hoa).
Ngày 09-06-2001, Giáo Xứ Việt Nam Paris đã tham dự Đại hội Mục vụ Giáo phận. Trong Đại hội này, Đức Hồng Y Jean-Marie Lustiger đã phát động chiến dịch Trình bầy ý kiến, tương tự như các Suy tư mục vụ trong khuôn khổ Đại Hội Công giáo Việt Nam Hải ngoại (07-2003). Phiếu "Chuẩn bị Bí tích Hôn phối" ghi nhận thành quả mục vụ hôn nhân tại Giáo xứ Saint Joseph des Epinettes (họ đạo Pháp cùng khu phố Epinettes với Giáo Xứ Việt Nam Paris) : Khoảng 40 lứa đôi chuẩn bị hôn nhân trong một năm. Mỗi cặp có một lứa đôi đồng hành (couples accompagnateurs) và một linh mục hướng dẫn. Theo tài liệu vừa kể, mục tiêu của việc chuẩn bị bí tích hôn phối nhằm trình bầy về những ân sủng của bí tích hôn phối và đặt các lứa đôi trong tình trạng ơn gọi (en état de mission). Hội đồng Mục vụ Giáo Xứ Việt Nam Paris là thành viên của tiểu ban 1 : Nuptialité et naissance (Nghiên cứu về Hôn nhân và Khai sinh).
Trên quy mô cộng đoàn, theo định hướng mục vụ của Tòa Thánh và của Giáo phận trong lãnh vực gia đình, Giáo Xứ Việt Nam đã thành lập ban Mục vụ Gia đình (1995). Ngoài các sinh hoạt thường kỳ trong khuôn khổ thăng tiến gia đình (tổ chức Ngày Gia đình, các buổi nói chuyện về gia đình, lễ kỷ niệm hôn nhân hàng năm v.v.), ban Mục vụ Gia đình còn phụ trách diễn giảng các khóa Chuẩn bị Hôn nhân. Sau đây, chúng tôi sẽ lược trình việc chuẩn bị hôn nhân trong khuôn khổ cộng đoàn Giáo Xứ.
II. VIỆC SỬA SOẠN CÁC BẠN TRẺ SỐNG ĐỜI HÔN NHÂN TRONG PHẠM VI CỘNG ĐOÀN :
Tập Kỷ yếu 50 Năm Thành Lập Giáo Xứ Việt Nam tại Paris (1947-1997) đã ghi lại quá trình thành lập Ban Mục Vụ Gia Đình như sau : Ngày 27-12-1995, tại Giáo Xứ, Ban Mục vụ Hôn nhân thành hình, triệu họp bàn thảo công việc. Cha Mai Đức Vinh điều hành tổng quát. Bác sĩ Nguyễn Văn Ái điều hành khóa học. Giáo sư Trần Văn Cảnh thư ký của BMVHN. Ban giảng huấn gồm : hai Cha Mai Đức Vinh và Đinh Đồng Thượng Sách, bà giáo sư Tạ Thanh Minh Khánh, các bác sĩ Nguyễn Văn Ái, Tạ Thanh Minh, Nguyễn Ngọc Đỉnh, luật sư Lê Đình Thông, các giáo sư Nguyễn Văn Thạch, Trần Văn Cảnh và Phạm Bá Nha. Mỗi năm mở hai khóa vào Giáng sinh và Phục sinh nhằm đón nhận và hướng dẫn các bạn trẻ chuẩn bị lập gia đình hoặc những ai muốn tìm hiểu thêm. Khóa học được mở tại Giáo Xứ, trong năm buổi vào thứ sáu, từ 20 giờ đến 22 giờ 30. Kết thúc giảng khoá bằng Thánh lễ tạ ơn, phát chứng chỉ và một buổi trao đổi giữa giảng viên và khóa sinh (tr.90). Có thể quy các môn học vào bốn nhóm sau đây :
- Nhóm Tôn giáo : Đức Ông Mai Đức Vinh, Linh mục Đinh Đồng Thượng Sách, Thầy Phó tế Nguyễn Văn Thạch.
- Nhóm Y học : Bác sĩ Nguyễn Văn Ái, Bác sĩ Tạ Thanh Minh.
- Nhóm Tâm lý - Giáo dục : Bà Giáo sư Tạ Thanh Minh Khánh, Bác sĩ Nguyễn Ngọc Đỉnh, Giáo sư Trần Văn Cảnh.
- Nhóm Tài chánh - Luật pháp : Gs Nguyễn An Nhơn, Luật sư Lê Đình Thông.
Trong khuôn khổ Năm Thánh 2000 đồng thời kỷ niệm năm năm hoạt động, Ban Mục vụ Gia đình đã ấn hành tập Đường Vào Tình Yêu, Chuẩn bị Hôn nhân và Đời sống Gia đình Công giáo. Ngoài giảng văn của các vị giảng viên, phần II của tập sách còn in lại các bài thuyết trình ngoại khoá : Một tư tưởng bình dân Việt Nam về hôn nhân và gia đình (Gs Trần Văn Cảnh). Xã hội học Gia đình Công giáo Việt Nam (Ls Lê Đình Thông). Mạn đàm về gia đình (Gs Tạ Thanh Minh Khánh). Chữ Tình và chữ Yêu (Bs Nguyễn Văn Ái).
Trong thời gian từ 1995 tới 1999, có tất cả 183 học viên theo học các khóa Chuẩn bị Hôn nhân :
- Khóa I (8-12-1995 tới 19-1-1996) : 21 học viên.
- Khóa II (12-4 tới 17-5-1996) : 35 học viên.
- Khóa III (15-11 tới 12-12-1996) : 27 học viên.
- Khóa IV (28-2 tới 4-4-1997) : 23 học viên.
- Khóa V (10-11 tới 14-12-1997) : 34 học viên.
- Khóa VI (20-3 tới 17-4-1998) :32 học viên.
- Khóa VII (20-11 tới 20-12-1998) : 16 học viên.
- Khóa VIII (19-3 tới 25-4-1999) : 21 học viên.
- Khóa IX (19-11 tới 19-12-1999) : 21 học viên.
- Khóa X (10-3 tới 10-4-2000) : 17 học viên.
- Khóa XI (20-11 tới 14-12-200) : 10 học viên
- Khóa XII (16-3 tới 17-4-2001) : 21 học viên
- Khóa XIII (16-11 tới 14-12-2001) : 26 học viên
- Khóa XIV (8-3 tới 18-4-2002) : 12 học viên
- Khóa XV (15-11 tới 12-12-2002) : 16 học viên
- Khóa XVI (8-3 tới 11-4-2003) : 17 học viên
- Khóa XVII (7-11 tới 12-12-2003) : 21 học viên
- Khóa XVIII (27-2 tới 28-3-2003) : 16 học viên
- Khóa XIX (12-11 tới 17-12-2004) : 20 học viên
- Khóa XX (4-2 tới 13-3-2005) : 17 học viên
Trong bài Tổng kết các Khóa Chuẩn bị Hôn nhân, Thầy Phó tế Phạm Bá Nha đã nhận định : Thời gian tuy có ngắn nhưng đã đem lại kết quả rất khả quan và đáng khích lệ (sđd, tr. 323).
Vào thời điểm ban Mục vụ Gia đình được thành lập tại Giáo Xứ Việt Nam Paris, ban Mục vụ Gia đình của Giáo Phận Paris công bố kết quả điều tra về mục vụ hôn nhân. Theo cuộc điều tra này, 85% hôn nhân công giáo trong Giáo phận do các linh mục giúp chuẩn bị. Tài liệu mục vụ cho rằng việc suy nghĩ về bí tích không thể tách khỏi việc chuẩn bị cho đời sống lứa đôi trong đó các giáo dân có một vị trí bổ sung. Sự cộng tác của họ khiến bí tích hôn nhân bén sâu vào đời sống hàng ngày của lứa đôi (La Croix, 13-2-1996). Bản điều tra này cho phép ghi nhận các thanh niên nam nữ của Giáo Xứ Việt Nam có trong số 15% lứa đôi theo học khóa chuẩn bị hôn nhân, trong đó linh mục và giáo dân cùng chia xẻ trách nhiệm “chuẩn bị các bạn trẻ sống đời hôn nhân”.
Kết quả mục vụ gia đình của cộng đoàn Giáo Xứ Việt Nam Paris đạt được là nhờ ban Giám đốc Giáo Xứ “phát hiện ơn gọi riêng của các giáo dân” được nói tới trong Tông thư Novo Millennio Ineuntei. Các thành quả nói trên không riêng của Giáo Xứ Việt Nam Paris, nhưng chung của các cộng đoàn công giáo Việt Nam tại Hải ngoại. Khía cạnh mục vụ này được trình bầy trong phần bàn về dự phóng tương lai.
III. DỰ PHÓNG TƯƠNG LAI
Cho tới nay, việc chuẩn bị các bạn trẻ thường chỉ giới hạn trong việc chuẩn bị hôn nhân. Trong thực tế, việc chuẩn bị này cần được mở rộng cả về mục tiêu lẫn thời gian :
Về mục tiêu, ngoài việc chuẩn bị hôn nhân (nói riêng) còn cần chuẩn bị đời sống gia đình (nói chung). Vì hôn lễ chỉ diễn ra trong một ngày, trong khi đời sống gia đình được tiếp nối trong suốt đời người. Ngoài ra, sự chuẩn bị cần được mở rộng trong thời gian. Tông huấn Familiaris consortio nhấn mạnh ngoài hình thức chuẩn bị tức thời còn cần thiết phải chuẩn bị xa ngay từ thuở ấu thơ và chuẩn bị gần vào lứa tuổi thích hợp, qua việc học giáo lý. Việc chuẩn bị này mang tính toàn diện, bao quát.
Các đôi bạn được chuẩn bị trong điều kiện vừa kể mang hành trang vững chắc, có khả năng vượt qua mọi khó khăn thử thách trong cuộc sống hiện tại. Đó là nhiệm vụ của tất cả cộng đoàn : từ vị chủ chăn tới toàn thể giáo dân, từ các giáo lý viên tới các bậc làm cha mẹ v .v. Hình thức chuẩn bị này đòi hỏi sự dấn thân của mỗi thành phần trong cộng đoàn.
Trong dự phóng vừa kể, việc chuẩn bị tức thời được coi là hành trang cần thiết, giúp các bạn trẻ bước vào đời sống gia đình một cách vững vàng, tránh được nhiều khó khăn, thử thách. Kỷ nguyên mới mở ra triển vọng cho các bạn trẻ trong cuộc sống lứa đôi, đồng thời đặt ra nhiều khó khăn mới, phát sinh từ cuộc sống mà tông thư Novo Millennio Ineunte mệnh danh là “một nền văn hóa mới nào đó”.
Các đe dọa đời sống gia đình xuất phát từ khung cảnh xã hội và mang tính tập thể. Trận cuồng phong này không thể tác động đến các gia đình công giáo trẻ, nếu mỗi cộng đoàn địa phương biết “chuẩn bị các bạn trẻ sống đời hôn nhân” theo đúng tinh thần Phúc Âm và những văn kiện của Tòa Thánh.
Lê Ðình Thông