1. Cộng đoàn gia đình : Là gì ? Ý nghĩa xã hội học
Lê Đình Thông
‘‘Hôn nhân và gia đình là vốn quý của nhân loại. Giáo Hội mong muốn truyền đạt tiếng nói của mình, giúp đỡ những ai sống trung thành với ơn gọi làm cha mẹ cũng như những người đang phải lo âu, gặp trở ngại không thực hiện được dự định mái ấm gia đình.’’ Quan điểm vừa kể của Tòa Thánh ghi trong Niềm vui và hy vọng (Gaudium et spes) của Công đồng Vaticanô II cũng là Niềm vui và Hy vọng của cộng đoàn Giáo Xứ Việt Nam tại Paris. Năm 1995, Giáo Xứ thành lập ban Mục vụ Gia Đình, tính đến cuối năm 2005 đã tổ chức được 20 khóa Chuẩn Bị Hôn Nhân cùng với việc tổ chức Ngày Gia đình hằng năm. Kỷ niệm 10 năm thành lập ban Mục Vụ Gia Đình (1995-2005) và nhân Ngày Gia Đình (13-3-2005) là thời điểm thích hợp để tìm hiểu về cộng đoàn gia đình , một cách cụ thể để bầy tỏ Niềm vui và Hy vọng của Giáo Xứ đối vơi các gia đình công giáo trước 1995 và các gia đình được kết hợp từ 1995. Cộng đoàn gia đình được gồm ba bài (trilogie) nhằm giải đáp câu hỏi : là gì ? (dẫn nhập : introduction), nghĩ gì ? (tri : réflexion), làm gì ? (hành : action).
I. Cộng đoàn gia đình là gì ?
Cộng (bộ Bát ) có nghĩa là cùng nhau, hợp lại.
Đoàn (bộ Khẩu ) có nghĩa là tụ họp lại.
Gia (bộ Miên ) có nghĩa là ngôi nhà ở.
Đình (bộ Nghiễm ) có nghĩa là sân trước.
Theo nguyên nghĩa, cộng đoàn gia đình (gòngtuán jiàtíng ) gồm những người tập họp sống chung một mái nhà. Communauté familiale (Cộng đoàn gia đình) là một nhóm người chung sống có cùng lợi ích. Cộng đoàn gia đình được hình thành bắt đầu từ vợ chồng, kết hợp cùng cha mẹ, họ hàng nội ngoại. Gia đình thêm đông với các con, rồi các cháu.
Hai vợ chồng hình thành cộng đoàn gia đình căn bản. Ông bà, cha mẹ, con cháu là cộng đoàn gia đình mở rộng. Vợ chồng là nhà giáo dục (éducateurs) hướng dẫn con cái. Gia đình là một xã hội đơn giản (société simple). Mối liên hệ trong gia đình chặt chẽ, dựa trên tình yêu và ý muốn sống chung với nhau. Những người chung sống tự nguyện giúp đỡ nhưng không (services gratuits). Cộng đoàn gia đình là :
- một cộng đoàn vật chất (communauté matérielle) : nhà cửa, động sản, tiền bạc.
- một cộng đoàn thể chất (communauté physique) : chung sống dưới một mái nhà, thân mật gần gũi nhau.
- một cộng đoàn tinh thần (communauté spirituelle) : cùng nhau chia sẻ suy nghĩ (pensées), tình cảm (sentiments), cố gắng chung.
- một cộng đoàn tu đức (communauté religieuse) chia sẻ đức tin, đọc kinh chung (prière mutuelle), đồng hành tiến về chân, thiện, mỹ.
Mỗi gìa đình dù ở lầu son hay túp lều tranh, đều là bến đỗ cho mỗi người bỏ neo. Bến đỗ còn là đền thánh yêu thương hiệp nhất trong vinh, nhục, thành, bại của kiếp người. Thành viên của cộng đoàn gia đình là cha, là mẹ, là ông bà, là con, là cháu.
II. Cộng đoàn gia đình gồm những ai ?
Theo Đào Duy Anh, gia tộc Việt Nam xưa nay có hai bực :
- nhà (hay tiểu gia đình) gồm vợ chồng cha mẹ và con cái (vì thế mới có danh xưng : nhà tôi );
- hai là họ (hay là đại gia đình).
- Gia tộc phụ hệ thường gọi là họ nội.
- trên cha mẹ có ông bà nội gọi là tổ phụ mẫu ;
- đồng hàng với mình là anh em chị em ruột.
- Họ ngoại gồm những thân thích theo phụ hệ của mẹ mình.
Sau đây, ta sẽ lần lượt trình bầy từng người trong gia đình.
1) Người cha :
Theo Phan Kế Bính, Cha có nơi gọi là Bố, nơi thì gọi là Thầy. Trong Nam gọi Cha là Tía. Nhiều người gọi là Ba, là Cậu.
Nhà văn Charles Pégui cho rằng : ‘‘Làm cha trong gia đình là chấp nhận trở nên khách viễn du trong thế giớI hiện đại.’’ (Devenir père de famille, c’est consentir à devenir un de ces grands aventuriers du monde. Người cha trẻ gánh vác một trách nhiệm mới, làm một việc chưa bao giờ được huấn nghệ, không có người thay thế, cũng không bao giờ về hưu.
Danh hiệu người Cha thật là đẹp vì có trong kinh Lạy Cha.
Người cha cảm thấy hãnh diện và âu yếm nhìn con mình chập chững vào đời. Ngưới cha ngắm con trong nôi. Người cha cầu mong mai sau khôn lớn, đứa con sẽ nhìn mình bằng đôi mắt cảm phục, thay vì thất vọng. Người mẹ giúp con thương yêu cha. Khi vừa bập bẹ nói ‘‘Ba’’ (hoặc ‘‘Papa’’), người mẹ bao giờ cũng vỗ về con : ‘‘Ba sắp về rồi đó con !’’
Trẻ thơ lúc náo cũng mong được chở che. Người cha làm con thôi sợ hãi, gieo vào lòng con niềm vui. Cuộc sống xã hội lấy bớt đi thì giờ của người cha dành cho gia đình. Người cha phải ráng thu xếp để có thể dành thời gian vui sống với vợ con. Ngay khi phải xa nhà kiếm kế sinh nhai, người cha vẫn còn trong tâm tưởng mỗi người. Mỗi khi con phạm lỗi lầm, người mẹ bảo ban con : ‘‘Nếu ba mà thấy con...’’
Cộng đoàn gia đình là một con thuyền mà người cha là thuyền trưởng :
Thuyền ơi, có nhớ bến không,
Bến thì một dạ khăng khăng nhớ thuyền.
Tông huấn Những nhiệm vụ của gia đình công giáo nói đến trách nhiệm của bậc làm cha mẹ. Trước hết là quyền và bổn phận giáo dục con cái.
- Người cha dậy dỗ (le père éducateur) :
Đối với con trẻ, trên đời có hai người biết rõ mọi sự, là cha và mẹ. Để con mình trông cậy vào cha mẹ, người cha phải biết lắng nghe và giải nghĩa cho con những câu hỏi tò mò. Từ đó nẩy sinh thói quen nói chuyện thẳng thắn với nhau. Đó là một gia đình hạnh phúc. Chính người cha hình thành những suy nghĩ chín dần trong tâm trí con. Không cần phải học cao, người cha dễ dàng dạy dỗ con cái vớI tấm lòng cởi mở và tâm hồn trẻ trung.
Người cha là nhịp cầu bắc ngang gia đình và xã hội bên ngoài. Tối tối, người cha kể cho vợ con nghe tin tức thời sự rồi bình luận về những biến cố quan trọng. Đó là bài học vỡ lòng về thế giới xung quanh.
Tuổi thiếu niên (adolescence) là thời điểm quyết định trong liên hệ cha con : lòng tín nhiệm sẽ gắn bó mãi mãi, hoặc sẽ bị mất đi. Người cha quan tâm đoán biết các vấn đề, thấu hiểu niềm xao xuyến của con mình và tìm dịp nói chuyện thân mật với con cái.
Ngưới cha có trách vụ soi sáng con mình về vấn đề tình dục, chỉ cho con biết tôn trọng phụ nữ. Người cha cũng trao đổi với con về tương lai, về ơn gọi.
Người cha tâm sự cho con biết về quá khứ gia đình, về thời trai trẻ với sự giản dị có pha chút hài hước. Ngưới cha thường nhẹ nhàng với con gái. Con gái hiếm khi quên cha mình và cũng không chấp nhận bị cha bỏ quên. Người cha luôn muốn con gái xinh đẹp, được người khác quý mến và hạnh phúc.
- Uy quyền người cha
Người cha có uy quyền để bảo vệ gia đình. Uy quyền ngưòi cha không phải là tuyệt đối, nhưng chia sẻ với người mẹ, ông bà, con trưởng :
Thờ cha mẹ, ở hết lòng,
Ấy là chữ Hiếu dạy trong luân thường.
Chữ Nghĩa là nhịn là nhường,
Nhường anh nhường chị và nhường người trên.
Ghi lòng tạc dạ chớ quên,
Con em phải giữ lấy nền con em.
Việc người cha không còn quyền làm cha là sự từ nhiệm (démission) vô cùng tai hại. Nếu người vợ không nghe lời chồng, cả gia đình sẽ phải chia lìa, phân tán. Người vợ goá thường tỏ ra đau lòng trước sự thiếu vắng uy quyền người cha.
Theo cổ luật Việt Nam (luật Hồng Đức, luật Gia Long), gia đình Việt Nam theo phụ quyền (patriarcal). Trong văn hóa dân tộc, chữ Hiếu là đức tính căn bản của cộng đoàn những người có chung huyết thống (communauté consanguine) mà ngày nay được gọi là cộng đoàn gia đình.
- Người cha dẫn dắt sống đạo
Người cha còn có thiên chức sống đạo. Theo thánh Augustinô, các bậc làm cha cần thấu hiểu bổn phận với gia đình. Nhờ lời dạy dỗ, người cha dẫn gia đình đến với Chúa. Trong thâm tâm, người cha là môn đệ của Chúa, là thừa tác viên của Giáo Hội.
2) Người mẹ :
Ngoài tiếng Mẹ, có nơi gọi mẹ là Đẻ , là U , có nơi gọi là Bầm, là Bụ. Trong Nam gọi Mẹ là Má. Có gia đình gọi mẹ là Mẹ là Mợ. Ngày xưa có nơi gọi Mẹ là Cái.
Tục ngữ Do Thái có câu : ‘‘Ai đong đưa chiếc nôi (ru con) là vỗ về nhân trần’’ (Quiconque balance un berceau berce le monde). Đức Mẹ đã đong đưa võng ru Hài Nhi và yên ủi loài người. Mỗi bà mẹ bồng con thơ ầu ơ đều noi gương sáng Đức Mẹ.
Làm mẹ là thiên chức phụ nữ. Người mẹ cưu mang mọi người trong nhà như cưu mang con cái, cốt nhục tình thâm. Người chồng là như cốt nhục từ người vợ. Thơ văn thời nào và bất cứ đâu đều ngợi ca người mẹ. Tình yêu của mẹ chiếu sáng cuộc đời và là ngọn hải đăng soi đường giữa cơn phong ba bão tố :
U tôi ngày ấy mỗi mùa xuân,
Dặm liễu mây bay sắc trăng ngần.
Lại dẫn chúng tôi về nhận họ,
Bên miền quê ngoại của hai thân.
Tôi nhớ đi qua những rặng đề,
Những dòng sông trắng lượn ven đê.
Cồn xanh bãi tía kề liên tiếp,
Người xới ngô khoai rộn bốn bề.
Thúng cắp bên hông nón đội đầu,
Khuyến vành yếm thắm, áo the nâu.
Trông u chẳng khác thời con gái,
Mắt sáng, môi hồng, má đỏ au.
Chiều mát đường xa nắng nhạt vàng,
Đoàn người về ấp gánh khoai lang.
Trời xanh cò trắng bay từng lớp,
Xóm chợ lều phơi xác lá vàng.
Tà áo nâu in giữa cánh đồng,
Gió chiều cuốn bụi bốc sau lưng.
Bóng u hay bóng người thôn nữ,
Cúi nón mang đi cặp má hồng.
Tới đường làng gặp những người quen,
Ai cũng khen u nét thảo hiền.
Dẫu phải theo chồng thân phận gái,
Đường về quê mẹ vẫn không quên. (Đoàn Văn Cừ)
- Lòng mẹ
Lòng mẹ êm ái, đẹp đẽ, nhẫn nại, tế nhị, tận tụy, độ lượng, can đảm :
Cô gái Việt Nam ơi !
Nếu chữ Hy Sinh có ở đời.
Tôi muốn nạm vàng bao khổ cực
Cho lòng cô gái Việt Nam tươi. (Hồ Dzếnh)
Trong các tình cảm nhân thế, lòng mẹ là đẹp nhất, cao sâu nhất, chung thủy nhất. Lòng mẹ vô vụ lợi và bao la. Lòng mẹ hướng về bản năng có khuynh hướng chiếm đoạt.
- Bà mẹ gia đình :
‘‘Như chim làm tổ, người vợ vun trồng tổ ấm’’ (Comme l’oiseau fait son nid, la femme fait son foyer). Bà mẹ tận hiến cuộc đời cho mái ấm gia đình. Là nội trợ, người mẹ sắp xếp mọi việc trong nhà. Bà mẹ nấu nướng nuôi dưỡng chồng con. Bà mẹ tạo sự ấm cúng để cả nhà sống vui. Người vợ lắng nghe chồng kể cho nghe mộng ước chưa thành. Trong khi làm việc nhà, bà mẹ suy nghĩ chín chắn đủ điều. Những việc khó khăn nhiều khi ru vào giấc ngủ, sáng mai ngủ dậy có khi tìm ra giải đáp :
Người mẹ đầu tiên lặng ngắm con,
Nao nao nghe tự đáy tâm hồn.
Nỗi niềm xương thịt tan như nước,
Sự sống nhân đôi, sóng dập dồn.
Mới mẻ người mang một mối tình,
Bàng hoàng cơ thể chói tâm linh.
Cò trắng tâm hồn mẹ trinh trắng,
Người đứng cao hơn số phận mình.
Trông đứa hài nhi thịt thắm tươi,
Y nguyên người gặp lại thân người.
Tưởng đà chia sẻ trong sinh hóa,
Nay lại giầu thêm hạt máu rơi.
Người bế con lên trong ánh sáng,
Vui mừng bầy tỏ với xa khơi.
Từ trong vật chất vô tri giác,
Sự sống vươn lên ánh mặt trời. (Tế Hanh)
Bà mẹ biết rõ tính tình và khả năng mỗi người, biết tính tốt, tính xấu, thấu hiểu dĩ vãng đã qua, khuyến khích công việc của mỗi người. Bà mẹ sửa soạn cho con bước vào trường đời.
Mẹ là gạch nối giữa cha và con. Là người dạy dỗ đầu đời, cộng tác với thầy cô và linh mục. Mẹ là thầy thuốc hồn, xác. Mẹ độ lượng, biết cười trong thất vọng, thương nhận đứa con hoang đàng. Bà mẹ là mái ấm gia đình, là chức nghiệp đẹp nhất trên đời, vẹn toàn nhất, mẹ vô cùng hệ trọng cho nhân quần xã hội.
Noi gương Đức Mẹ, Mẹ ‘‘gìn giữ nâng niu mọi kỷ niệm và sống kỷ niệm trong tâm hồn’’ (Luc, 2, 51) :
Mẹ đẹp càn khôn mờ nhật nguyệt
Mẹ hiền lương đức ngất trời mây
Ave Maria
Trái tim Mẹ là trùng dương bát ngát
Nơi chảy về muôn suối lệ của trần gian
Trái tim Mẹ là ngọc tuyền lai láng
Nước cam lộ ướp dịu mảnh hồn đau
Trái tim Mẹ là chiếc thuyền Bát Nhã
Vớt hồn con phiêu dạt biển trầm luân
Trái tim Mẹ là nguyện đường Mầu Nhiệm
Nơi hồn con chiêm ngưỡng Chúa Tình Yêu (Nguyễn Khắc Dương)
- Mẹ gìn giữ nền nếp đạo đức :
Theo Gertrude von Le Fort, ‘‘mẹ dẫn con vào đường đạo đức, gìn giữ các giá trị thiêng liêng’’ (la mère est l’initiatrice et la gardienne préposée aux valeurs spirituelles). Nền nếp gia phong thường do người cha tạo dựng, nhưng bén rễ trong tâm hồn người mẹ. Mẹ là dầu thắp sáng gia đình.
Mẹ không lãng quên biến cố vui buồn nào trong gia đình : sinh nhật của mỗi người, ngày thi, ngày cưới, ngày tang chế... Giáng sinh và Phục sinh : mẹ tạo không khí vui tươi. Mùa chay và mùa vọng là thời gian suy nghĩ, cầu nguyện.
Mẹ giữ gìn thói quen đọc kinh chung. Mẹ thưa với Chúa về con mình. Mẹ khai tâm đức tin và sửa soạn các bí tích cho các con.
3) Anh em ruột thịt :
Các con lứa tuổi khác nhau tạo dấu ấn đặc biệt cho gia đình. Con thứ chưa phải là út là thuận lợi nhất. Gia đình đông con có lợi về mặt giáo dục, không khí thường vui tươi. Các con sống với nhau, có cùng kinh nghiệm vui chơi. Anh chị chỉ dẫn em, gieo ý thức xã hội. Mỗi người phân biệt điều tốt, xấu. Anh chị em cùng nhau chia sẻ các ngày lễ lớn : ngày sinh, rửa tội, lớn lên, bệnh hoạn, đi học, thêm sức, thành, bại, cưới xin rồi tang chế.
Dần dà, khi lớn khôn gặp khó khăn trong đời, anh chị em nhắc cho nhau nghe những kỷ niệm tuổi thơ : Em có nhớ không... Anh chị em là người đồng hành. Đôi khi có chuyện bực mình rồi cũng bỏ qua. Anh chị là nơi nương tựa của em nhỏ.
4) Ông bà :
Ngày nay chỉ có khoảng 20% ông bà sống chung với con cái. Nhiều ông bà ở tuổi năm mươi, con cháu chưa thấy tóc bạc da mồi, lưng còng chống gậy. Ông bà là niềm hạnh phúc cho con cháu. Ông bà an nhiên tự tại, mang lại an hòa cho con cháu. Ông bà kể chuyện cổ tích, nhắc lại những chuyện ngày xưa. Ông bà hát những cổ ca thất truyền. Ông bà không tiếc gì con cháu, là gương sáng cho con cháu. Ông bà tuổi đã về chiều nghĩ về cõi đời đời. Ông bà ra đi để lại tiếc thương và thường là cái tang đầu đời của con cháu.
Ông bà là nơi nương tựa cho tuổi thiếu thời đầy xáo trộn. Ông bà lắng nghe con cháu. Khi ông bà mất đi, con cháu thổ lộ tâm can : ‘‘Tôi vừa mất đi người bạn quý; trên đời chỉ có ông (bà) là tôi có thể tâm sự.’’
5) Bạn bè :
Tình bạn phát sinh từ tuổi thanh niên, trong sở làm, khi sinh hoạt tại Giáo Xứ. Ta mến giọng nói, dáng điệu của người bạn. Vợ chồng đôi khi phải chấp nhận bạn bè của nhau. Tình bạn giữa nam phái thường bền vững và sâu sắc. Tình bạn giữa nữ phái nâng đỡ nhau lúc gặp khó khăn.
6) Những người nâng đỡ gia đình :
Gia đình không thể sống riêng rẽ mà cần đến sự giúp đỡ tận tình của thầy cô, các giáo lý viên, linh mục, y sĩ. Cha mẹ nên gặp gỡ thầy cô, các giáo lý viên của con mình.
Các gia đình công giáo dạy dỗ con phải kính trọng các linh mục thay mặt Chúa Kitô, ban phát Lời Chúa và các bí tích. Các linh mục từ bỏ cuộc sống gia đình để phục vụ tha nhân, đồng hành ta từ lúc sinh ra đến khi nằm xuống. Linh mục tận tình nâng đỡ dạy dỗ, khuyên bảo những lúc khó khăn.
Mỗi gia đình nên có bác sĩ, nhất là ngày nay quỹ an sinh buộc mỗi người phải có bác sĩ điều trị (médecin traitant). Bác sĩ gia đình hiểu rõ vấn đề y tế của mỗi người, đưa ra các lời khuyên thích hơp.
7) Các bậc tổ tiên :
Chúng ta đều là người Việt tha hương, lìa bỏ đất mẹ thân yêu. Nhưng tha hương không có nghĩa là mất gốc. Gia đình là nơi gìn giữ gốc rễ tổ tiên qua tiếng mẹ đẻ và các giá trị văn hóa dân tộc. Mỗi gia đình không đơn độc trong cố gắng gìn vàng giữ ngọc. Họ hàng, bạn bè và cộng đoàn Giáo Xứ là điểm tựa chắc chắn giúp con em gìn giữ hồn Việt tươi mát. Đừng làm mất trái tim Việt Nam. Người xưa thường bảo : Mens sana in corpore sano (Tâm hồn trong sáng trong cơ thể tráng kiện). Còn chúng ta tự nhủ lòng : Hồn Việt trong cơ thể Việt tộc.
8) Những người đã khuất :
Những người đã khuất sống mãi trong ta và trong kỷ vật, quanh quẩn nơi chốn xưa. Tổ tiên thông hiệp với chúng ta qua kinh nguyện, khẩn cầu cho chúng ta trước tòa Thiên Chúa.
Khi còn sống, ta không thấy tính tốt của nhau. Chỉ khi mất rồi mới thấy sót sa tiếc nuối.
Bài này viết gần xong thì nghe tin cháu Jérémy Trần Khánh Trung học lớp Giáo lý và tiếng Việt qua đời ngày 10-3-2005, tháng có nhiều mưa tuyết, đúng 10 hôm trước ngày lập xuân (20-3-2005). Cháu Jérémy Trung sinh năm 1990, là con trai thứ của ông bà Trần Kế Nguyên, cả hai đều hết lòng phục vụ cộng đoàn, có công trong việc trang bị hệ thống âm thanh trong thánh đường và tại hội trường. Trong thánh lễ truyền hình (23-3-2003), cháu Trung có trong số các thiếu niên giúp lễ. Không riêng gia đình ông bà Nguyên khóc cháu Trung, mà các bạn đồng học ở Lycée Emilie-Brontë (Lognes) và ở Giáo Xứ đều đau buồn. Ban Giám đốc, Hội đồng Mục vụ, các huynh trưởng và giáo lý viên vô cùng tiếc thương cháu Jérémy Trần Khánh Trung : người con hiếu thảo, học sinh xuất sắc lớp Seconde - Lycée Emilie-Brontë (nhật báo Le Parisien, 12-3-2005), học sinh chăm ngoan trong lớp Giáo lý của Thầy Tạ Đình Chung, một người bạn chân thành đầy tình thân ái với các bạn cùng lớp, cùng trường.
Gia đình, Giáo Xứ tiếc thương,
Chào Trung lần cuối thắp hương lệ thầm.
Trung đi tuổi mới mười lăm,
Mùa chay tuyết trắng tháng năm thật thà.
Nhớ Trung lời khấn thiết tha :
‘‘Cầu xin Thiên Chúa hải hà đoái thương’’.
Trung đi là hết vô thường,
Hành trình cát bụi đoạn đường cỏ may.
Mùa xuân đến muộn mười ngày,
Trung về cõi phúc đường mây trắng ngần.
(Lê Đình Thông viết thay HĐMV)
Những người nằm xuống như Jérémy viết nên trang sử của cộng đoàn gia đình. Không những giữa cha mẹ con cái với nhau, giữa trẻ già. Mà còn giữa người sống và người chết. Giữa quá khứ và hiện tại. Giữa hiện tại và tương lai. Trong gia đình, người qua đời bao giờ cũng là keo sơn khiến tình thương thêm mặn mà. Người qua đời khiến mỗi người trong gia đình hướng về Chúa nhiều hơn. Ngoài sự mất mát thông thường, cái chết đền bù khiến gia đình được viên mãn. Trong đạo Công giáo, chết đi không có nghĩa là hết. Chết là sống một cách khác : người chết vẫn sống trong tâm tưởng, sống trong kỷ niệm. Khi về với Chúa, linh hồn người qua đời luôn cầu bầu cho mỗi người trong gia đình.
Cộng đoàn Gia đình là túp lều tranh che mưa nắng, là đất mầu nuôi măng non, là trúc xanh vi vu tiếng sáo diều, là nắng vàng xua đuổi tháng ngày buồn, là gió mát giữa trưa hè oi ả, là trăng thanh trong đêm tối hiền hòa, là mật ngọt quên đắng cay sầu muộn, là nụ cười lau nước mắt buồn đau, là hiện tại nhưng không quên quá khứ, là tương lai ta góp nhặt từng ngày, là đường dài lo tiếp nối trung kiên, là mồ hôi khó nhọc cuộc hành trình, là niềm vui đồng hành trong cuộc sống, là lời kinh lạy tạ lúc chiều tà, là thánh đường thêm ấm cúng câu kinh, là trường đời quên sót sa trách móc, là thương yêu là chín bỏ làm mười, là no ấm không quên người thiếu thốn, là Phúc Âm thể hiện mỗi việc làm. Cộng đoàn gia đình là bản trường ca yêu thương nối liền quá khứ, hiện tại và mai sau. Chúng ta hiệp ý với Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong lời nguyện cho gia đình : ‘‘Lạy Chúa, xin tỏ cho chúng con biết tình yêu mạnh hơn yếu đuối và thử thách. Xin giúp Giáo Hội hoàn thành sứ mạng phục vụ gia đình và nhờ gia đình mà phục vụ.’’
(Trong bài, chúng tôi có ghi chú tiếng Pháp để tiện dụng cho các bạn trẻ)
Lê Ðình Thông