GIÁO HUẤN CỦA CÔNG ĐỒNG VỀ GIA ĐÌNH
Mai Đức Vinh
Chúng ta đang ở trong ‘Năm Thánh Hóa Gia Đình và Giới Trẻ’. Báo Giáo Xứ đã lần lượt đề cập đến những đề tài liên quan tới gia đình ‘Kinh Mân Côi, Nguồn Sống Gia Đình’, ‘Đạo Hiếu trong Gia Đình’, ‘Gia Đình Mừng Lễ giáng sinh’, và tháng này ‘Gia Đình Xây Dựng Cộng Đoàn’. Thật là những chủ đề căn bản và đạo đức… Để nắm bắt những giá trị của gia đình, nhất là để xác định vị trị và bổn phận của gia đình đối với giáo xứ và đối với Giáo Hội, cũng như để nêu bật những trách nhiệm của ‘những người thiện chí’ trong việc thăng tiến gia đình, tôi xin dựa vào hai văn kiện của Công Đồng vatican II (Hiến chế Mục Vụ ‘Niềm Vui và Hy Vọng’ (GS) và sắc lệnh ‘Tông Đồ Giáo Dân’) và tông huấn ‘Cộng Đồng Gia Đình’ (FC), trình bày vắn gọn những điểm sau đây :
1. Là đơn vị cơ bản của giáo xứ (Cộng Đoàn), nên gia đình phải xây dựng giáo xứ.
Trong sắc lệnh Tông Đồ Giáo Dân, các Nghị Phụ Công Đồng đã xác định rõ : « Giáo xứ là nơi tập họp nhiều thứ người khác nhau để làm cho họ thành một cộng đoàn và dẫn họ đi vào tinh thần hiệp nhất đại đồng của Giáo Hội. Vì giáo xứ là tế bào của Giáo Phận và của Giáo Hội, nên giáo dâncó bổn phận xây dựng giá xứ, và xây dựng giáo xứ là xây dựng Giáo Phận và xây dựng Giáo Hội’ (TĐGD 10).
2. Cách thức gia đình xây dựng Giáo Xứ.
Gia đình có thể xây dựng giáo xứ bằng nhiều thể cách: « Gia đình hay giáo dân sống trong giáo xứ phải gạt bỏ mọi hình thức ganh tị và chia rẽ, phải tôn trọng lẫn nhau và phối hợp với nhau (TĐGD 23), phải cộng tác với các linh mục làm việc trong giáo xứ hay trong cộng đoàn mình sống. Giáo dân còn phải rộng rãi đóng góp vào công việc của giáo xứ về cả phạm vi vật chất. Đó vừa là bổn phận, vừa là danh dự cho một gia đình khi được trả lại cho Thiên Chúa một phần của cải Ngài đã ban cho» (TĐGD 10).
3. Gia đình là ‘Giáo Hội thu nhỏ’ hay ‘Giáo Hội tại gia’.
Là đơn vị cơ bản của giáo xứ, gia đình đương nhiên cũng là đơn vị của Giáo Hội. Hiểu như thế nên thánh Aucơtinh đã xác quyết : «Gia Đình là một Giáo Hội thu nhỏ, tại đây Chúa Giêsu tiếp tục hiện diện và sống động » ( Sermon XXIX).
Cũng theo một đường hướng, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong tông huấn ‘Cộng Đồng Gia Đình’ (Familiaris Consortio, 1981) đã gọi gia đình là ‘Hội Thánh tại gia’. Ngài viết : «Gia đình Kitô hữu được mời gọi cảm nghiệm một sự hiệp thông mới mẻ và độc đáo, củng cố cho sự hiệp thông tự nhiên và nhân bản. Thật vậy, ân sủng của Đức Giêsu Kitô, ‘Anh cả của một đàn em đông đúc’ theo bản tính và sức mạnh nội tại của ơn ấy, là một ơn sủng của tình huynh đệ, hay một thể hiện đặc biệt mối hiệp thông trong Giáo Hội. Vì thế, gia đình Kitô hữu có thể và phải được gọi là ‘Giáo Hội tại gia’ (FC 21).
4. Gia đình tham dự vào sứ mệnh của Giáo Hội.
Nói rằng gia đình là ‘Giáo Hội thu nhỏ’, là ‘Giáo Hội tại gia’ phải chăng là nói đến những bổn phận mà gia đình phải tiếp tay thực hiện với Giáo Hội ? Đúng vậy. Theo Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II :
- “Gia đình Kitô hữu được mời gọi theo hình ảnh của Giáo Hội hoàn vũ, trở nên dấu chỉ hiệp nhất cho thế giới, thực hiện vai trò tiên tri, làm chứng cho vương quốc hòa bình của Đức Kitô, mà cả thế giới đang tiến tới” (FC 48).
- “Gia đình có bổn phận cộng tác với Giáo Hội trong sứ mạng loan báo Tin Mừng. Tương lai của việc loan báo Tin Mừng nằm trong tay của gia đình là Giáo Hội tại gia” (FC 52).
- “Gia đình, nhất là vợ chồng, cha mẹ phải sống chung thủy, tín nhiệm lẫn nhau và đồng tâm nhất trí trong mọi sinh hoạt mỗi ngày, giữa những vui mừng và hy sinh, làm chứng về sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu’ (GS 52).
5. Bảo vệ và thăng tiến gia đình:
Càng nhìn thấy vai trò quan trọng của gia đình đối với giáo xứ và Giáo Hội, chúng ta càng ý thức đến mức độ khẩn trương phải bào tồn và thăng tiến gia đình. Ai là những người có trách nhiệm? Xin thưa:
- Chính vợ chồng hay cha mẹ: “Gia đình là một trường học phát triển nhân tính. Nhưng để gia đình có thể chu toàn sứ mện của mình, cần phải biết hòa hợp tâm hồn: vợ chồng phải cùng nhau bàn định cũng như cha mẹ phải ân cần cộng tác trong việc giáo dục con cái” (GS 52).
Chính con cái trong gia đình: “Được cha mẹ hướng dẫn bằng gương sáng và kinh nguyện gia đình, con cái và tất cả những ai sống trong khuôn khổ gia đình, sẽ gặp được con đường nhân ái, cứu độ và thánh thiện dễ dàng hơn. Con cái là phần tử trong gia đình nên cũng góp phần riêng vào việc thánh hóa cha mẹ. Thực vậy, con cái sẽ đáp lại công ơn cha mẹ với lòng tri ân, tâm tình hiếu thảo và cậy tin. Chúng sẽ theo đạo làm con mà phụng dưỡng cha mẹ trong nghịch cảnh cũng như trong tuổi già cô quạnh…” (GS 48).
- Chính Giáo Hội: Trước những thay đổi của xã hội, văn hoá, chính trị và kinh tế… đang làm ‘rung chuyển các giá trị cơ bản của gia đình’, “Giáo Hội phải cấp bách can thiệp mục vụ để nâng đỡ gia đình (…). Vì chắc chắn trong tương lai, việc loan báo Tin Mừng phần lớn tùy thuộc nơi Hội Thánh tại gia đình” (FC 65).
- Riêng các linh mục: “Các linh mục có bổn phận nâng đỡ ơn gọi của vợ chồng trong đời sống hôn nhân và gia đình bằng những phương tiện mục vụ khác nhau, như rao giảng Lời Chúa, lễ nghi phụng vụ hay những trợ lực thiêng liêng khác. Các ngài cũng phải nhân hậu và nhẫn nại nâng đỡ họ trong lúc gặp khó khăn, và khích lệ họ trong tình bác ái, tạo nên những gia đình thật gương mẫu rạng ngời” (GS 52).
- Xã hội và quốc gia: “Xã hội và đúng hơn là quốc gia, phải nhận rằng ‘gia đình là một xã hội được hưởng những quyền lợi riêng biệt và ưu tiên’. Do đó, trong những gì liên hệ tới tương quan giữa họ và gia đình, họ có nghĩa vụ trọng yếu phải theo đúng nguyên tắc yểm trợ gia đình… Quốc gia phải hết sức tạo điều kiện thuận lợi và khơi động những sáng kiến làm thăng tiến gia đình” (FC 45).
6. Tóm lại: ‘Việc làm thận trọng và khẩn cấp’.
Nếu gia đình là đơn vị chủ yếu và nền tảng của Giáo Xứ, của Giáo Hội, của quốc gia và của xã hội, thì tất cả mọi tổ chức Giáo Hội, hay quốc gia, cũng như tất cả mọi người trong gia đình hay ngoài gia đình, nghĩa là “tất cả những người có thiện chí, đều phải thận trọng và cấp bách, dấn thân hết sức mình để bạo vệ và thăng tiến các gia trị và các đòi hỏi của gia đình” (FC 86). Bởi vì “tương lai của nhân loại sẽ đến qua gia đình” (FC 86).
Mai Đức Vinh