Thăng tiến hôn nhân gia đình
Lm Chu Quang Minh S.J.
Có những thực tế không ngờ nhưng vốn xẩy ra, thí dụ bề ngoài ông Tin rất thương yêu vợ là bà Tưởng, bất ngờ ông tới chào cha Quản Nhiệm và xin Lễ để về Quê Nhà bằng an. Cha hỏi đi lâu mau, ông ngập ngừng: "Chừng d-ă-m, b-ẩ-y tháng". Cha nhìn cảm mến : "Ông thật đáng phục ! Nếu vợ chồng không tin tưởng nhau thì ai dám đi lâu vậy ?" Ông Tin cúi mặt trầm ngâm. Cha an ủi : "Vợ chồng nào xa nhau mà chẳng nhớ nhung. Nhưng ông làm Thừa Tác Viên Thánh Thể, còn bà là hội trưởng Hội Các Bà Mẹ, nên tôi biết ông bà lắm. Ông cứ về lo giỗ đoạn tang cho cụ cố, đừng lo".
Khoảng một năm sau thì Cộng Đoàn có Khoá Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình, trong đó có ông Tin và bà Tưởng tham dự 48 giờ tức hai ngày trọn, từ 6 giờ chiều thứ Sáu đến 6 giờ chiều Chúa Nhật. Ông Tin yên lặng, người cứng đơ như cây gỗ suốt tối thứ Sáu và sáng thứ Bẩy. Đến Lễ "Hoà Giải Nhiệm Màu" lúc 4 giờ 30 chiều, sau khi tin tưởng rằng nếu Xả Cõi Lòng thì mọi người thêm lời cầu nguyện và giữ kín đáo các chia sẻ, ông Tin oà lên khóc, bàn tay trái run run đặt lên trên bàn tay phải, làm như đĩa thánh của đời ông, mắt chăm chú nhìn Tượng Chuộc Tội, rồi nghẹn ngào: "Lạy Chúa, Của Lễ Con Dâng là chính cõi lòng nghi ngờ của con. Con đã không tin tưởng vợ con trên hai chục năm nay, không thật lòng "thương yêu gần gũi bằng việc làm ". Nhưng vì tự ái, sợ mất mặt, nên con che đậy, cấm đoán nhà con không được hé răng nói ra với bất cứ ai. Để lẩn trốn cảnh vợ chồng căng thẳng ngấm ngầm, để khỏi phải nhìn mặt nhau, con đã thục mạng vào các việc đạo đức, hàng ngày ở Nhà Thờ nhiều thời giờ hơn ở nhà con".
Rồi ông Tin quay qua bà Tưởng đứng sát bên, cũng đang cảm nghiệm "trời mới, đất mới" (K.H. 21: 1), đang rung động với "trái tim mới, tinh thần mới. Trái tim thịt mềm Ta ban tặng, thay thế trái tim chai đá trong lòng ngươi" (Ez. 36: 26). Ông nói với lòng "khiêm nhường biết lỗi, nhậnlỗi, xin lỗi, và sửa lỗi " :
"Em Tưởng ! Trong Thánh Lễ uy nghiêm này, anh thấy Chúa và Đức Mẹ đã cảm hóa anh. Xin vì Chúa mà em tha cho anh !"
Cách xếp đặt và tên tuổi là giả tưởng, nhưng chi tiết và tâm trạng là sự thật do nhiều hoàn cảnh đã xẩy ra, nếu thấy trùng hợp thì đó là ngẫu nhiên mà thôi. Những thực tế trong đời ông bà "Tin&Tưởng" giải thích tại sao nếu có 100 cặp cưới xin thì ly dị tới 75 cặp. Hoặc nhiều cặp sống chung mà không làm giấy giá thú, nên khi bỏ nhau thì cũng không cần ra toà làm giấy ly dị. Đây là trào lưu thật tai hại cho nền móng gia đình và cho việc giáo dục con cái.
Vì nhiều vợ chồng căng thẳng, kể cả những vợ chồng bề ngoài có vẻ đạo đức như ông Tin và bà Tưởng, nên gia đình là môi trường đáng e ngại hàng đầu (Ông bà Tin&Tưởng "đạo đức" nhưng theo nghĩa nào ? Nghĩa thành thật "thương yêu gần gũi bằng việc làm", hay nghĩa khéo léo che đậy? Động lực nào thúc đẩy "làm việc đạo đức" ? Vì Chúa ? Vì mình ? Vì xả kỷ hay ích kỷ ?
Đức Thánh Cha đã nhiều lần tỏ mối ưu tư về các gia đình. Thí dụ khi viếng thăm Ba Tây ngày 17.10.1991, ngài tuyên bố : "Gia đình là yếu tố nền tảng cho mọi hoạt động mục vụ của Giáo Hội".
Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận viết trong cuốn Đường Hy Vọng, câu 477 : "Nếu giáo dân đặt nặng nhiệm vụ trần thế của mình, thì nhiệm vụ trần thế quan trọng nhất, quyết định nhất của họ, là đời sống gia đình". Ngày 21 tháng 01, 2001, ngài được công bố là hồng y, thì ngày 23 đài phát thanh Little Saigon tại California, USA, phỏng vấn ngài. Trong lần nói chuyện đầu tiên với tư cách là hồng y, ngài nhắc tới quốc gia, gia tộc, và gia đình. Có cảm tưởng như Đức Hồng Y là hiện thân của Đức Gioan Phaolô II, coi gia đình là khởi điểm của các việc trong lòng Hội Thánh.
Tháng 10, 1994, Đ.Ô. Trần Văn Hoài tổ chức Đại Hội Mục Vụ CGVNHN ở Roma, lúc đó Đ.Ô. Mai Thanh Lương muốn có tiếng nói từ Mỹ về Mục Vụ Gia Đình, nên đã liên lạc để người viết tham dự. Dịp này, nhờ Đ.Ô. Trần Ngọc Thụ tâu trình, nên Đức Gioan Phaolô II đã đặt bút ký trên Huy Hiệu của Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình. Cùng dịp này, "Đức Tổng Thuận" vui lòng cho thâu video hình ảnh và lời ngài nhắn nhủ các "song nguyền" đã dự Khóa cũng như các gia đình.
Mùa Vọng Giáng Sinh 1999, người viết về Bắc thăm quê sau 46 năm xa cách, và trình lên Đức Hồng Y Phạm Đình Tụng sách Nền Tảng Và Nội Dung Của Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình . Ngài lắng nghe với tâm tình phụ tử, và trước đó đã biên những hàng chan chứa yêu thương để khích lệ Mục Vụ Gia Đình.
Hoà theo ưu tư của Cha Chung, Đ.Ô. Đinh Đức Đạo đã mấy lần liên lạc để giới thiệu Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình trên Internet cùng với các mục vụ khác. Đ.Ô. Mai Đức Vinh, PSS., cũng gửi thư hai lần để có bài này về "Thăng Tiến Gia Đình".
Xin Thánh Gia tuôn tràn Hồng Ân trên các Vị Ân Nhân đáng tôn kính của mọi gia đình !
Từ 1987 đến 2002, người viết đã hướng dẫn chừng 450 cuối tuần về Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình, trong đó có 215 Khóa Căn Bản, còn lại là nhiều khóa cao cấp, tĩnh huấn, và hội thảo về gia đình. Trên 10,000 người hay trên 5,000 cặp đã dự Khóa Căn Bản 48 giờ, tức hai ngày trọn. Có tám vị Tổng Giám Mục và Giám Mục đến Khóa để chủ tọa Lễ hoặc cầu nguyện, khích lệ, hay dùng bữa. Khoảng 150 linh mục, nam nữ tu sỹ đã dự Khóa, trong đó có chừng 20 vị từ Quê Nhà đi tham quan rồi dự Khóa. Khoảng 200 vị là bác sỹ, nha sỹ, tiến sỹ, kỹ sư, v.v., và khoảng 100 người không biết viết tiếng Việt. Cặp trẻ nhất thì vừa cưới xong là dự Khóa ; cặp già nhất, khi dự Khóa thì cụ ông 91 tuổi, cụ bà 86 tuổi. Người viết đặt chân tới trên 40 tiểu bang ở Hoa Kỳ, nhiều tiểu bang ở Canada và Úc châu. Ở Âu châu thì Thánh Gia thương để Chương Trình giúp nhiều gia đình bên Anh, Đức, Đan-Mạch, Thuỵ Điển, Phần Lan, Na Uy, v.v.
Xác tín Thánh Gia còn nâng đỡ các gia đình lâu dài, nên người viết đã soạn và in 22 cuốn sách, chia làm bốn loại, thứ nhất, ba sách về Chương Trình TTHNGĐ ; thứ hai, bốn sách về "Biết Mình" ; thứ ba, mười sách về Cảm Thông, thí dụ sách Vợ Chồng Căng Thẳng Làm Sao Hoà Hợp ?, sách Cảm Thông Để Vơi Đau Khổ, sách Sống Khôn Bớt Dại , v.v; và thứ tư, năm sách về Tâm Lý Giáo Dục. Nếu chia đều thì mỗi sách khoảng 350 trang.
Mục đích của Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình là giúp mỗi người tăng thêm "thương yêu gần gũi bằng việc làm" trong từng việc cụ thể, to cũng như nhỏ, ngắn hạn cũng như dài hạn, việc một đời cũng như đời đời, việc giữa người với người cũng như giữa người với Chúa. Thí dụ chị Tình pha ly cà phê cho anh Nghĩa, chị lại ở sát cạnh nên trao tận tay. Như vậy là có việc làm cụ thể và có sự gần gũi, nhưng có bảo đảm anh Tình và chị Nghĩa có ...tình nghĩa vợ chồng chân thật không ? Có bảo đảm hai người được hạnh phúc với nhau không ?
Vậy nếu muốn "giữ lòng chung thuỷ khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khoẻ, để yêu thương và tôn trọng mọi ngày suốt đời" như lời Thề Hứa khi cử hành Bí Tích Hôn Phối, thì rất cần việc làm cụ thể, lại cần liên tục lâu dài, theo câu "nhân đức là do thói quen, mà thói quen là do lặp đi lặp lại". Vậy nếu chị Nghĩa thương anh Tình chân thật thì chị cần cố gắng làm. Cả khi không thể làm thì chị cũng vốn ao ước pha cà phê cho anh. Một năm là 365 ly. Mười năm 3,650 ly. Nếu thọ như cụ ông khi dự Khóa 91 tuổi và khi qua đời 96 tuổi, thì cụ bà đã pha cho cụ ông gần 30,000 ly trà tàu. Ngoài ra, "việc làm cụ thể" có khi tưởng là nhỏ bé nhưng lại đòi ý chí lớn lao. Thí dụ anh Hy và chị Sinh có con đầu lòng được ba tháng, vợ chồng ngủ say sưa lúc ba giờ sáng thì con làm ướt giường. Vợ hiền lay chồng dậy: "Anh yêu ! Cái tã em đã cân thử lúc ban ngày, cầm lên nhẹ lắm. Xin anh dậy lấy cái tã nhẹ nhàng để thay tã cho con". Nhưng chồng lại cảm nghiệm trong cơ thể rất khác : "Em thương ! Em nói đúng về cái tã nhưng không đúng về cái xác, vì tã cho con thì nhẹ nhưng xác của anh thì nặng. Nhất là xác này đang ngủ say sưa, ngáy o o lúc ba giờ sáng mà bị lay thức dậy ! Anh phải tâm niệm liên tục 'chung thuỷ khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khoẻ' mới đủ sức để em nằm nhắm mắt thoải mái, còn anh dậy mở mắt kèm nhèm", v.v.
Vì mục đích của Chương Trình là "thương yêu gần gũi bằng việc làm", nên tuy gần gũi và việc làm là cần thiết nhưng cũng chỉ là phương tiện, còn mục đích là thương yêu. Nếu ở gần để trao ly cà phê, nhưng vừa trao chị Nghĩa vừa hét "Ngày nào cũng cà phê ! Đây, cầm lấy ! Chỉ muốn ...phê vào mặt anh !", như vậy thì vì ly cà phê mà anh Tình thấy chị Nghĩa có tình hay dứt tình ? Vậy mục đích của Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình, đặc biệt mục đích của 48 giờ trong Khóa, là nhờ thực tập, nhờ có việc làm giữa vợ chồng mà sau đó hai người có thói quen làm những việc cụ thể cho nhau trong thương yêu, có hồn, chứ không máy móc, vô hồn.
Ngoài ra, mục đích không phải chỉ "thương yêu gần gũi bằng việc làm" một ngày hay một đời, mà tiến tới đời đời, nên Chương Trình chú trọng tới "thương yêu gần gũi bằng việc làm đối với Chúa" qua việc Cầu Nguyện và Linh An, biết cách dùng Kinh Thánh, cả KT trong Lễ Chúa Nhật. Qua KT, mỗi người cần thực sự cảm nghiệm thấy "Chúa thương yêu gần gũi con", lúc đó mình mới dễ "thương yêu gần gũi lại Chúa". Mục đích của cầu nguyện là "thương yêu gần gũi" thì tuy cần đọc, như đọc kinh, đọc sách, nhất là đọc Sách Thánh, nhưng nếu đọc mà được "Cảm Nghiệm Thương Yêu" thì cần ngưng lại để thương yêu, chứ không đọc máy móc cho hết năm chục kinh. Tuy nhiên nếu chia trí thì thay vì đọc năm chục, lúc đó cần lấy ý chí để đọc thêm chục thứ sáu, v.v. Thờ phượng với tư cách Chúa là Vua thì cần ít là một lần vào mỗi Chúa Nhật, trung bình ba giờ nghiêm chỉnh ; với tư cách Chúa là Cha, thì trung bình ba lần một tuần, mỗi lần chừng 15 phút, nhất là khi nhà có con cháu còn nhỏ. Trong 15 phút thì "đọc kinh" chừng dăm, sáu phút, như kinh Tin, Cậy, Mến, một chục Mân Côi và Kinh Hôn Nhân Gia Đình. Còn 8 hay 9 phút thì phối hợp với Kinh Thánh do việc suy nghĩ sau đây khi cầu nguyện với tư cách Chúa là Bạn, tức là "cầu nguyện không ngừng" (IThess. 5: 17), 24 trên 24. Thí dụ sáng sớm đọc đoạn Tin Mừng "Chúa chữa con bà goá thành Nain" (Lk. 7: 11-16), rồi cả ngày "24/24" luôn lặp đi lặp lại câu "Động lòng thương. Động lòng thương. Động lòng thương. v.v." Đến tối trước khi ngủ, cầu nguyện chung trong gia đình với tư cách Chúa là Cha, sau khi đọc kinh như vừa nói, thì đọc lại đoạn Tin Mừng trên cho cả nhà cùng suy niệm giây lát. Sau đó mình chia sẻ cảm nghiệm trong ngày cầu nguyện với tư cách Chúa là Bạn. Thí dụ : "Nhờ lặp đi lặp lại 'Động lòng thương' mà ông nội xin lỗi cháu vì đã la cháu trưa nay. Và cháu cũng hãy đến xin lỗi má vì cháu không tắm rửa theo lệnh của má lúc chiều, v.v."
Từ mục đích "thương yêu gần gũi bằng việc làm đối với Chúa" đi tới mục đích "thương yêu gần gũi bằng việc làm đối với người" dưới bốn khía cạnh. Trong Khóa Căn Bản thì bốn khía cạnh này được diễn tả bằng cách dùng Kinh Thánh làm nền tảng, rồi Diễn Giải theo tâm lý xã hội ; sau đó là tạo bầu khí trầm lặng qua việc giải thích câu hỏi và viết trả lời ; đến phần tích cực, là khóa viên tình nguyện Xả Cõi Lòng qua phương pháp " Mời Tự Nói ". Đại cương bốn khía cạnh này như sau :
Thứ nhất, tối thứ Sáu dành để nhìn vào Bản Thân (Một Mình, Biết Mình), qua chủ đề "Cái Hay Ban Đầu".
Thứ hai, trọn ngày thứ Bẩy dùng để nhìn vào Vợ Chồng (Hai Mình), ban sáng với chủ đề "Giữa Lòng Đời", nam nữ khác biệt nên cần Lắng Nghe và Kính Trọng nhau ; ban chiều với chủ đề "Hoà Giải Nhiệm Màu" để Cảm Ơn và Xin Lỗi ; và tối thứ Bẩy là "Bông Hồng Cảm Thông" để Quyết Định ba việc làm liên quan đến "Đạo Đức Bản Thân, Giúp Đỡ Vợ chồng, Đời Sống Chăn Gối".
Thứ ba, sáng Chúa Nhật tìm hiểu và thực hành tâm lý giáo dục con cháu (Ba Mình) với chủ đề "Song Nguyền Cho Con". Khía cạnh này rất quan trọng nên sẽ trở lại ở dưới.
Thứ tư, chiều Chúa Nhật nêu lên "Tông Đồ Song Đôi", với Lễ "Thệ Hôn Một Đời" mà nhiều người cảm nghiệm sâu xa hơn ngày cưới. Kết thúc là "Tiệc Mừng Cana" để các "tân song nguyền" phấn khởi lên đường, đem "yêu thương gần gũi bằng việc làm" trao tặng mọi người, bắt đầu từ con cháu trong nhà.
Về mục đích "thương yêu gần gũi bằng việc làm" đối với tha nhân, thì Chương Trình nhấn mạnh tới ý nghĩa vừa bao la vừa cụ thể. Bao la vì cần thành tâm cầu nguyện cho cả bẩy tỷ người, không loại trừ bất cứ ai trong nhân loại. Cụ thể, vì đó có thể là một thổ dân "mọi rợ" trong rừng sâu, đang đi săn đầu người, bắn được ai là móc tim, uống máu tươi, rồi đem sọ đầu lâu về xếp quanh lều, càng nhiều càng là dấu được quỷ thần che chở. Hoặc thành tâm cầu nguyện cho người mình lượm tờ báo dưới đất để lau bùn dính vào chân, nhưng lại thấy tấm hình xấu xa. Cần gớm ghét cái hình có thể thúc đẩy mình sa ngã, nhưng cần thương yêu linh hồn ở trong thân xác đã chụp tấm hình dơ bẩn đó ; v.v. Đại cương mục đích là như trên, nhưng làm thế nào, dùng phương pháp nào để đạt mục đích đó ?
Về phương pháp thì Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình nhấn mạnh tới "ý chí cảm nghiệm cụ thể để thay đổi đời sống", khác với lý luận trừu tượng để thoả mãn lý trí phân tích. Về tâm lý, nếu không xả ra bên ngoài thì những bực dọc ấm ức còn nung nấu bên trong, từ đó đi tới mất ngủ, hằn thù, bị bệnh thần kinh. Nếu nhận chìm xuống trong lòng thì bất ngờ có lúc bị bùng nổ, biến thành cãi vã hoặc đánh nhau mà không hiểu cơn giận từ đâu tới. Vì vậy rất cần được hướng dẫn để "Xả Cõi Lòng", để "Tự Nói" ra những "yếu đuối mình đang chiến đấu".
Nếu khoe khoang điều tốt đẹp mình đã làm được thì có hai thiệt thòi : thứ nhất, mình không tiến triển vì mình đã ngưng lại để tự mãn với kết quả của mình. Thứ hai, dễ khoe khoang kênh kiệu, coi mình hơn người, nên người bị chạm tự ái vì thấp kém, do đó bới móc để dìm mình xuống, đi tới ghét bỏ mình vì mình không đồng cảnh ngộ với người.
Thực tế nếu muốn tâm trí lành mạnh, không bị căng thẳng thần kinh, thì bất cứ ai cũng cần xả ra. Có lẽ vì vậy mà Đức Giêsu lựa ba môn đệ để chia sẻ huy hoàng trên núi Taborê, và chia sẻ đau buồn đến đứt mạch máu trong Vườn Cây Dầu, v.v. Báo chí đăng bà Bobitt xẻo đứt "của quý" của chồng mà được toà án cấp trên tha bổng. Hội bảo vệ phụ nữ tại Hoa Kỳ đã sôi nổi về vụ này khi toà án cấp dưới phạt bà. Hội bỏ ra hàng triệu mỹ kim để tìm hiểu nguyên nhân, nhờ vậy biết rằng trong 27 năm chung sống, bà Bobitt luôn bị chồng đe dọa, buộc phải nói rằng chồng thương yêu, nhưng thực tế thì ông nhẫn tâm hành hạ. Vì bị dồn nén vào bên trong mà không được xả ra bên ngoài, nên lần nọ ông uống rượu say, để ...tơ hơ. Sẵn con dao thái thịt trong tay, bà như hôn mê xẻo đứt rời. Choàng tỉnh, ông vội quơ lấy, chạy ra đường, kêu xe chở vào nhà thương, may khâu dính lại được. Truyện có nhiều tình tiết éo le ngoài phạm vi bài này, nên chỉ lặp lại rằng nếu có khó khăn tâm lý mà không "tự nói", không tự xả ra trong xây dựng, thì sẽ xả ra trong tai hại.
Cần thiết là không làm mất danh dự, trái lại thành thật bày tỏ lòng kính trọng chồng, vợ, con, hay bất cứ ai khi mình xả ra. Nói ra điều khác biệt thì tốt nhưng bới móc điều xấu thì mình ...xấu, không giúp để thêm thương yêu gần gũi mà chỉ gia tăng uất ức xa cách. Vì vậy cần xả ra theo Kinh Cáo Mình "lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng", mà không cáo người, không cáo chồng, cáo vợ, cáo con, kẻo mình là ...cáo già. Ai cáo người thì tỏ ra mình tự ái, tự cao, tự kiêu, nên dẫn mình đến ...tự tử. Người này cho mình là quan trọng, quan sang, quan cách, nên người khác cho mình vào ...quan tài. Vậy để giảm bớt bệnh tâm trí thì cần có một nền tảng để xả ra, lại xả ra với Thánh Gia khi xả ra với người. Nếu có ý chí và khiêm nhường để chấp nhận hướng dẫn và đọc sách, rồi tự tập luyện, thì xả ra một mình cũng rất ích lợi. Vì cần "xả ra một mình", mình chịu trách nhiệm về tâm lý mình vui hay buồn, nên Chương Trình và Khóa giúp "Tự Nói" chứ không thể nói thay mình, và phương pháp giúp mình tự nói được gọi là "Mời Tự Nói".
Nền tảng để xả ra mà không làm mất danh dự người khác, nên tảng này là "Khiêm nhường biết lỗi, khiêm nhường nhận lỗi, khiêm nhường xin lỗi, và khiêm nhường sửa lỗi". Nói ngắn là " Khiêm nhường Biết lỗi, Nhận lỗi, Xin lỗi, Sửa lỗi ". Nói dài là "Khiêm nhường biết lỗi mà không kiêu ngạo chạy lỗi. Khiêm nhường nhận lỗi mà không kiêu ngạo chối lỗi. Khiêm nhường xin lỗi mà không kiêu ngạo đổ lỗi. Khiêm nhường sửa lỗi mà không kiêu ngạo hạch lỗi". Tuy kết quả thuộc lãnh vực tâm lý, nhưng việc tổ chức dựa trên Niềm Tin, vì vậy cần xả ra với Thánh Gia để Chúa, Đức Mẹ, và Thánh Cả Giuse giúp mình được tâm lý bình an, rồi mình đem lại bình an cho người khác.
Thực tế, thế nào là tự nói, là "khiêm nhường nói ra điều yếu đuối mình đang chiến đấu" ? Lại nói ra cụ thể ? Xin đưa ra một thí dụ :
Anh Tin thành kính cầm tay vợ là chị Cậy để lấy việc làm biểu lộ "sự gì Thiên Chúa liên kết, con người không được phân ly" (Mt. 19:6). Hai vợ chồng tiến lên bàn có đặt sẵn Tượng Thánh Giá, Ảnh Thánh Gia và Huy Hiệu Hôn Phối. Anh chị cùng đặt tay lên Tượng để biểu lộ "thương yêu gần gũi bằng việc làm với Chúa". Rồi anh Tin cất tiếng thưa : "Xin Thánh Gia giúp con khiêm nhường nói thẳng với vợ con điều yếu đuối con đang chiến đấu". Rồi nghiêng qua phía chị Cậy, anh thành thật nói : "Trước ngày cưới, em khen anh là hiền lành. Nhưng sau anh đã cộc cằn tới mức đánh em có sẹo ở mang tai. Vậy mà anh độc tài, bắt em phải nói là anh dẫn em đi tắm biển, rồi em vấp phải đá, chứ không phải anh đá em", v.v.
Chị Cậy cũng "khiêm nhường nói ra điều yếu đuối mình đang chiến đấu". Thí dụ: "Thưa Chúa, do tự ái mà con không đổ rác, nên nhà đầy rác, vì linh hồn con là đống rác ! Con hứa đổ rác tối nay trước khi ngủ để cả nhà được thơm !", v.v.
Những hàng này không thể thay thế việc tham dự Khóa, vì nếu không thể đọc về thức ăn mà bao tử hết đói, thì cũng không thể đọc mà biến chuyển hiệu nghiệm về tâm lý. Đọc là cần nhưng chưa đủ. Đọc thường chỉ thoả mãn lý trí hiểu biết trừu tượng trên óc não. Vì vậy có người mau hiểu có người chậm hiểu, người nhớ lâu người mau quên. Người giỏi thì dễ kiêu ngạo tự tôn, còn người dốt thì dễ mặc cảm tự ti. Vì vậy Chúa quở "Khốn cho các ngươi, hỡi các biệt phái và luật sỹ" vì họ nói hay mà làm dở.
Vì phương pháp của Khóa và của Chương Trình là "ý chí cảm nghiệm cụ thể để thay đổi đời sống", nên cách thức mình cư xử được thay đổi không phải vì mình "biết rồi" mà không làm, nhưng vì mình "cứ làm". Vừa hiểu vừa làm thì tốt mà không hiểu cũng không thiệt. Vì vậy người không biết chữ ngồi cạnh vị bác sỹ mà cả hai đều "được ơn", tâm trí nhẹ nhàng sau khi dự Khóa.
Trở lại khía cạnh giáo dục, đây là chủ đề sáng Chúa Nhật trong Khóa Căn Bản, gọi là "Song Nguyền Cho Con" hay "Gương Lành Cho Con" nhiều hơn là "Giáo Dục Con", tuy rất cần hiểu biết Phương Pháp Giáo Dục Con (đây là đầu đề của hai cuốn sách về giáo dục). Thí dụ bà Vị nói với bà Kỷ rằng "Con trưởng có hiếu, xin vợ chồng tôi ở chung để hầu hạ chứ không đẩy vào viện dưỡng lão. Thật bõ công dậy con !" Hoặc anh Bản dặn bé Thân : "Ba đưa con sang thăm ông bà ngoại. Bên đó đông các dì, nên con phải khoanh tay cúi đầu thật sâu kẻo mất mặt ba !" Nếu bà Vị "bõ công dậy con" để con hầu hạ lại mình, hoặc anh Bản dặn con để không "mất mặt ba", thì động lực nào thúc đẩy cha mẹ dậy con ? Trọng tâm là bản thân con hay bản thân mình ? Đây là giáo dục vị kỷ hay vị tha ? Vì con hay vì mình trước ? Như vậy là thương con vô điều kiện hay có điều kiện ? Cần dậy con có hiếu, nhưng con có hiếu hay không là tuỳ con chứ không cưỡng bức, vì cha mẹ và con đều có nhân vị, đều "được dựng giống hình ảnh Chúa" (KN. 1: 27). Làm gương cho con, giúp con có lương tâm để hưởng tự do của người có tinh thần trách nhiệm, thì đó là "Song Nguyền Cho Con".
Nếu mẹ bảo con cần sống khó nghèo vì Chúa dậy "Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó" (Mt. 5: 3), nhưng mẹ lại dối trá, gian lận tiền trợ cấp, v.v. Hoặc bố la gắt các con : "Chúng bay(!) không được cãi nhau vì Chúa dạy 'Phúc cho ai có lòng hoà thuận'. Đứa nào(!) cãi nhau thì tao(!) ...đá chết". Ngưng giây lát rồi bố la tiếp: "'Thằng'(!) chú ruột của chúng bay sẽ đến mượn đồ sửa xe. Cấm không được cho nó(!) mượn. Tao ghét(!) nó lắm". Ai cư xử tương tự như cha mẹ này, thì mang "Phúc" theo Lời Chúa dạy, hay mang họa theo lời mình ...dạy ? Tổ tiên bảo "Cây xanh thì lá cũng xanh, Cha mẹ hiền lành để đức cho con", nhưng cha mẹ này là cây khô, nên "Cây khô thì lá cũng khô, Cha mẹ điên rồ khốn khổ cho con".
Em Nhân bỏ nhà lúc 13 tuổi. Ra phố gặp băng đảng cho ăn, cho chơi, cho ...nên có thai. Sinh con, đem liệng trước cửa nhà cho bà ngoại nuôi cháu mà không tốn tiền lo đám cưới, không biết mặt con rể. Em Nhân tiếp tục bỏ nhà đi, đồng loã ăn cướp ngân hàng, bị bắt trọn ổ. Người hướng dẫn hỏi : "Sao em thông minh, đẹp đẽ, mà dại dột trốn nhà, bỏ học, đi hoang ?" Em ấm ức xả ra : "Tại ba má cãi nhau"(!). Vì vậy trong bộ sách Phương Pháp Giáo Dục Con, người viết đặt tựa đề cho một chương là "Con Cãi Chồng Vì Mẹ Cãi Bố". Em Nhân không có hình ảnh nhân từ, mà chỉ có hình ảnh ...bất nhân mà cha mẹ làm cho nhau cũng như làm cho bản thân em.
"Lời nói lung lay, Gương bày lôi kéo", nên nếu 10 lần cha mẹ cộc cằn ra lệnh, thì con có thể làm theo chừng ba lần, nhưng luôn bực tức. Còn nếu 10 lần cha mẹ nhã nhặn "Xin con làm", và nếu có lỗi thì "Xin lỗi con", lúc đó con có thể làm sáu, hay bẩy lần; lại mến phục cha mẹ hơn ; nhất là khi cha mẹ chết rồi, con còn "Nhớ lời ngọt ngào ba má nói, nhớ gương nhân từ cha mẹ làm", v.v.
Việc giáo dục quá mênh mông trong khi bài này chỉ là giới thiệu Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình, nên đành ngưng tuy khập khiễng. Thôi thì "Có hoa mừng hoa, Có nụ mừng nụ", "Được tới đâu hay tới đó, Méo mó có hơn không", nhưng là sự méo mó có ý chí để cố gắng "hết lòng, hết trí, hết linh hồn".
Thật e ngại khi trình bày về Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình vì không tốt khi nói về mình, nhưng là một mục vụ trong Hội Thánh, nên xin tha thứ. Biết mình sai lỗi, nên sau 15 năm cầu nguyện và thâu thập kinh nghiệm mới dám in cuốn Nền Tảng Và Nội Dung Của Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình (740 trang), và bộ Hướng Dẫn Sinh Hoạt Trong Chương Trình TTHNGĐ (trên 800 trang). Kiên tâm thực tập theo tài liệu, nhiều nơi đã và đang tự tổ chức các Khóa. Với Ơn Thánh Gia và sự nâng đỡ bổ khuyết của những Vị thâm sâu, mong Mục Vụ Gia Đình luôn thêm ích lợi.
Lm Chu Quang Minh S.J.