Hôn nhân và gia đình
Gs. Trần Hữu Khắc
Từ nguyên thủy gia đình là nền tảng, là những đơn vị nhỏ trong cộng đồng nhân loại. Nói cách khác gia đình là tế bào của xã hội như cơ thể con người do nhiều tế bào kết tụ lại. Mọi tế bào liên hệ đến sự sống của con người. Thịnh suy của xã hội dựa trên sự thịnh suy của từng gia đình. Gia đình còn là tương lai của Giáo Hội, nói đúng ra là một Tiểu Giáo Hội. Để củng cố nền móng gia đình được vững chắc tạo một Tổ Am, bản bút mạo muội gợi lên một vài tư tưởng về Tình Yêu, về Hôn Nhân, về Gia Đình.
TÌNH YÊU. Tình yêu tiềm ẩn trong trái tim con người từ lúc lọt lòng mẹ rồi dần dần triển nở theo tuổi đời. Đấng Tạo Hóa phú bẩm như là một báu vật, một nhu cầu cần thiết cho đời sống con người. Có thể nói Tình Yêu là hơi thở vì chính nó làm nên sự sống, là Nhân Tố gắn liền với sự sống. Tình Yêu theo chủ đề này là Tình Yêu nam nữ lúc bước vào tuổi dậy thì. Một thứ tình yêu tự nhiên, thanh tao, cao đẹp không chỉ yêu nhau bằng con tim, bằng lý trí mà nặng về mặt sinh lý trong kế hoạch của Thiên Chúa là truyền sinh để loài người sinh tồn. Thông phần sáng tạo không tuyệt vời sao ? Mối tình yêu mặn nồng được diễn tả trong sách Diệu ca : "Tình Yêu mạnh hơn sự chết. Nước lũ không thể dập tắt, sóng ba đào dù có dữ cũng không thể nhận chìm" (DC 8,7) ? Có tình yêu, ai mà không biết, nhưng yêu chưa đủ mà cần phải thấu đáo thế nào là yêu nếu không chỉ là một thứ tình yêu lãng mạn, rẻ tiền. Tình yêu đi song song với sự tôn kính vị nể nhau. Tình yêu đi đôi với sự chịu đựng, hi sinh cho nhau.
HÔN NHÂN.Tình Yêu nam nữ theo truyền thống đua đến Hôn Nhân. Sợi Tơ Hồng vô hình đã xe duyên kết nghĩa đôi trẻ mà trước kia xa lạ để rồi chàng và nàng rời cha mẹ đi chung sống với nhau "Đời ta là nợ tình, là duyên là kiếp đời mình kết giao". Còn tình sử nào huyền nhiệm hơn ? Còn ân nghĩa nào sâu đậm hơn ? Hôn Nhân với đúng nghĩa của nó là một Giao Ước có đóng ấn bất khả ly. Biểu tượng của giao ước sắt cầm hòa hợp qua lời Thề Đính Hôn :
"Ta sẽ đính hôn với ngươi mãi mãi.
Ta sẽ điính hôn với ngươi bằng Công Chính, bằng Nhân Nghĩa.
Ta sẽ đính hôn với người bằng Yêu Thương, bằng sự Trung Tín" (Hôsuê 2,21)
Hôn Nhân không phải là một nghi lễ trang trọng bề ngoài mà là một Thiên Chức qua nhiệm tích Chúa thiết lập để thánh hóa, để chúc phúc "và trong dòng dõi ngươi mọi gia tộc sẽ được chúc phúc" (CV 3,25).
GIA ĐÌNH. Từ tình yêu đến Hôn Nhân và từ Hôn Nhân đến Gia Đình. Về mặt đạo giáo Gia Đình là một tiểu Giáo Hội, một Giáo Hội thu hẹp. Tuy thu hẹp song trách vụ không khác xa những gì Chúa đòi hỏi phải chu toàn :
- Như Giáo Hội, gia đình nhìn nhận Chúa làm Thủ Lãnh tối cao và duy nhất.
- Như Giáo Hội, gia đình lấy Thánh Chỉ của Chúa làm Ngũ Thường.
- Như Giáo Hội, gia đình lấy Thánh Kinh, Lời Chúa làm kim chỉ nam.
- Như Giáo Hội, gia đình lấy kinh nguyện dâng lên Chúa mỗi ngày.
MỘT THÁCH ĐỐ. Đành rằng ước mơ duy nhất nơi cặp phu thê là Hạnh Phúc nhưng Hạnh Phúc không phải là món quà được ban tặng nhưng không. Hoa trái hạnh phúc cũng không ở dưới tầm tay có thể với hái lấy được. Hôn Nhân cũng không phải là vườn hoa muôn mầu muôn sắc để đôi uyên ương song hành thưởng ngoạn. Sự thật cho ta biết rằng hôn nhân là một Thách Đố vì trước mắt chúng ta đã chẳng phơi bày những cảnh mái nhà êm thật hữu tình và đồng thời cũng có những cảnh chua cay do bội ước, phụ bạc, bất trung. Dù muốn dù không đời sống hôn nhân bị đặt vào một cuộc thách đố khá to lớn không kém gay go. Và có cuộc thách đố nào mà không đòi hỏi phải thận trọng, phải khôn ngoan, phải đối phó. Có một vị dí dỏm nói :"Muốn cho cuộc hôn nhân được hạnh phúc người chồng phải điếc và người vợ phải mù". Vâng, nhiều khi phải giả bộ điếc để khỏi phải nghe những lời chanh chua, lời đay nghiến nhiều khi lỗ mãng. Vâng, phải giả bộ mù để khỏi thu hình nhũng cái lố lăng, những cử chỉ vũ phu, khả ố. Đây cũng là một triết lý sống cần phải học hỏi.
TÌNH NGHĨA. Trong cái Đạo học làm người các bậc thánh hiền có nêu lên một châm ngôn bằng câu : "Sống sao cho có Tình có Nghĩa" và "Sống phải có trước có sau". Về mối tương quan giữa con người với con người có tình nghĩa cha con, có tình nghĩa vợ chồng, anh em, thày trò, bạn bè. Hai chữ tình nghĩa mà đạt được Tình Sâu Nghĩa Nặng thì trọn vẹn coi như đắc đạo, cái đạo làm người. Bằng thiếu nó thì đời sống quả vô vị, buồn tẻ, trống rỗng. Tình nghĩa nào cũng quý cũng cần nhưng tình nghĩa vợ chồng mới thực sự quan trọng vì phải sống đời ở kiếp với nhau. Đã đi vào hôn nhân tình yêu đương nhiên phải có, song muốn hôn nhân bền vững lâu dài thì phải nuôi dưỡng bằng tình nghĩa như chiếc đèn nếu thiếu dầu thì lửa tình yêu sẽ tắt. Trong đời sống lứa đôi mà thiếu tình nghĩa thì thật buồn thảm,một bầu trời ảm đạm bao phủ cái thế giới riêng tư đáng lẽ vui tươi trong sáng. Bất hạnh là ở chỗ đó !
THƯƠNG YÊU CON CÁI. Cha mẹ nào lại không thương yêu con cái, giống vật thuộc loại dữ còn biết đùm bọc con của chúng phương chi là con người ngoài quả tim, khối óc còn có lương tri. Quan trọng là làm sao yêu thương một cách đồng đều, không vì đứa này lúc sinh ra gặp may, đẻ đứa kia xui xẻo, quý đứa này vì nó xinh đẹp, ghét đứa kia vì nó xấu hay mang tật. Đáng lẽ những đứa xấu hay tật bệnh oán lại cha mẹ vì đã sinh ra chúng, chúng cũng tủi phận lắm chứ. Tưởng cũng nên nói ở thời đại này con cái hiếu để với mẹ cha không phải vì cha mẹ đã sinh ra chúng mà vì chúng cảm thấy cha mẹ yêu thương và hi sinh cho chúng. Trên lãnh vực giáo dục nếu đem áp dụng "Chiến Thuật Con Tim" thì kết quả đạt được mức cao. Tình yêu như cục đá nam châm có sức thu hút rất mạnh. Nói tắt tình thương con cái là Dưỡng Khí là Huyết Mạch mang lại sức sống cho gia đình. Suy cho cùng hai tiếng Tình Thương là một Diệu Thuyết đem hương sắc, tạo sinh khí, đáp ứng cho mọi cảnh ngộ dù có bi đát. Nơi nào vắng bóng Tình Thương nơi đó đa đoan.
Ngoài Tình Thương trao ban bậc cha mẹ cần phải nêu gương sáng sống đạo, tuân giữ luật Chúa và luật Giáo Hội. Làm sao dạy bảo con cái hai chữ Thật Thà mà cha mẹ gian tham trợ cấp, giật hụi quịt nợ. Làm sao hướng dẫn con cái về luật hôn nhân không dâm dãng, không cờ bạc say sưa mà mình thì bê tha đủ thứ ?
TÌNH GIA TỘC. Ngoài gia đình mình, mỗi người còn có sự liên kết với những ngôi thứ cùng trong quyến thuộc từ ruột thịt anh chị em họ hàng nội ngoại đến thông gia. Theo gia phả đây là một chi họ, một đại gia đình ràng buộc với nhau bằng tình nghĩa gia tộc. Đời sống ly hương sẽ rất nặng nề buồn tẻ nếu không có họ hàng xa gần. Nhưng tiếc rằng tình nghĩa gia tộc xem ra đã nhạt phai cộng thêm những va chạm, nhũng sứt mẻ, những đoạn giao... thật mủi lòng. Không lẽ cứ để cái màn Cain đối xử với Abel tái diễn làm tổn thương đến mối giao hảo cần phải có giữa những phần tử cùng một dòng họ, cùng một huyết nhục.
ĐỂ ĐỨC LẠI CHO CON CHÁU . Ông Guérin đã vọng lên một câu hỏi : "Chúng ta sẽ để lại gì cho con cái, một biển chết hay một mảnh đất cằn cỗi ?". Nếu chỉ có vậy thì đời sống chúng ta quả là vô dụng. Người ta thường nói Phúc Đức tại Mẫu, bây giờ ta phải bổ túc thêm Phúc Đức tại Thân Phụ nữa. Chẳng may cha mẹ nào để lại cho con cái những điều thất đức thì ôi thôi ba bốn đời có lãnh hệ lụy thì đừng lấy làm lạ. Làm sao ghi được vào tâm khảm câu : "Chẳng nên sợ mình thiếu gì hơn là thiếu ĐỨC".
Gs. Trần Hữu Khắc