VUI XUÂN VÌ XUÂN GỢI NHỚ
Du Sinh
Như một truyền thống, ba anh bạn độc thân trên 30 tuổi, Tuấn, Hoàng, Minh, Lễ Giao Thừa ra, là về nhà một trong ba, chung ‘Tiệc Giao Thừa’. Năm nay về nhà Tuấn, cả ba được chiều đãi thịnh soạn, vì mẹ của Tuấn rất giỏi gia chánh lại thực lòng quý mến Hoàng và Minh, bạn của con trai bà. Bữa giao thừa vừa tan, bà Thanh, má của Tuấn vào phòng nghỉ, để ba chàng trai tự do tán gẫu bên chai rượu mạnh, đĩa tôm khô, bát hạt dưa và hộp mứt ngũ vị.
Cả ba anh đều không biết làm thơ, nhưng rất mê thơ và thích đọc thơ. Nên vào những dịp họp mặt như hôm nay, cả ba chỉ lấy thơ làm đề tài trao đổi. Vì họp mặt tại nhà Tuấn nên Tuấn có quyền chọn đề tài. Có lẽ quen với thông lệ, nên Tuấn đề nghị tự nhiên : ‘Vui Xuân vì Xuân gợi nhớ’. Không chối cãi hay sửa đổi, Minh niên trưởng với 34 tuổi đời, bắt đầu ngay.
Vì sống ở đất người cả 20 năm rồi, nên mỗi độ xuân về, Minh nhớ quê hương như một tâm cảm tự nhiên :
‘Quê tôi ở giữa kinh thành,
Có những phố phường nho nhỏ,
Có những buổi chiều xanh xanh,
Bụi loãng trong lòng thương nhớ…
(Kiệt Tấn).
Minh vừa ngưng thì Tuấn tiếp ngay:
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng,
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong,
Màu dân tộc sáng bừng trong giấy điệp …
Đêm nay hết một năm,
Đứng gác đến giao thừa,
Quê hương chừng rét lắm,
Lất phất mấy hàng mưa…
(Hoàng cầm).
Không đợi một giây, Hoàng tiếp lời: Với em bây giờ thì tình mẹ là trên hết. Chẳng quê hương nào bằng. Rồi Hoàng đọc lên cách xuôi chảy, những lời thơ của Trịnh Công Ngân:
Con biết bây giờ mẹ chờ tin con,
Khi thấy mai đào rộn ràng bên nương,
Năm trước con hẹn Mùa Xuân sẽ về,
Nay én bay đầy trước ngõ,
Mà tin con vẫn xa ngàn xa…
Mẹ ơi, con Xuân này vắng nhà…
Thưa hai anh, dầu vậy mẹ vẫn nhớ, vẫn cố sống và tin tưởng vào tương lai của đứa con. Hoàng đọc tiếp :
Mặc gió rụng tóc xanh từng sợi,
Tung ra xa bay với mây trời,
Mặc cho nắng dãi mưa phơi, …
Vẫn đăm một đợi, một chờ,
Mẹ con hóa đá trơ trơ,
Mẹ là tin tưởng, con là tương lai !
(Thụy An).
Thật tâm đắc, em nhất trí với anh Hoàng và em xin tiếp lời bằng bốn câu thơ sau đây:
Thư đầu xuân, vài hàng về thăm mẹ,
Trên đỉnh trời thương nhớ kết thành mây
Lòng như biển, hao gầy trăng viễn xứ
Bao nhớ thương vụt hiện mũi tên bay…
(Hồ Thành Đức)
Minh gật đầu: ‘Hai chú em có lý, như anh đây, tình quê hương tha thiết thật, nhưng đâu bằng tình ‘nhớ người yêu’… Cả ba cười rộ. Minh chấm tôm khô vào rượu, cho vào miệng và ngâm :
Trưa sau mưa (Giao Thừa), trời xanh vời vợi,
Lòng nhớ em, mây trắng rộ ràng bay…
Em có biết? Yêu em anh mới rõ,
Hạnh phúc mới giàu như hầm mỏ,
Của Quê Hương chưa khai phá bao giờ,
Anh yêu em, trăm đợi nghìn chờ,
Em! (Huy Cận).
Một giây yên lặng chia sẻ. Rồi Tuấn lên tiếng hỏi, ‘Vậy Xuân về hai bác có nghĩ gì đến các bậc cao niên không?’ – Minh cười xòa, ‘có chứ, này chú Tuấn hãy nghe anh’:
‘Thất thập cổ lai hy,
Bát thập sẵn sàng đi,
Cửu thập sống hơi lỳ ..
Sống qua ngày, chờ qua đời,
Già như đất, cằn cỗi như cây,
Phất phưởng như mây, dật dờ như gió…
Chúng ta rồi ai cũng sẽ già,
cũng sẽ lên nóc tủ,
nấp sau nải chuối, và …
ngắm con gà khỏa thân ! …
(Phạm Quốc Bảo).
Hoàng xoa tay nói: ‘Ông anh tôi bi quan và tếu quá, các cụ nghe được sẽ lộn tiết vịt’. Tuấn cầm đôi đũa gõ vào miệng bát, ‘em xin trở về đề tài ‘Xuân vui vì xuân gợi nhớ’. Đêm nay, em nhớ đến mảnh vườn xinh xinh của em vào độ Xuân về:
Vườn nhà tôi ấm,
Thơm nong nắng đầy,
Màu hoa lấm tấm.
Vườn vui như hội,
Bếp nhà thơm cối,
(Lâu lắm) vừng rang!...
Tại mùa xuân về,
Vườn nhà thơm quá,
Hay tại nhớ quê,
Mà nghe khắp cả,
Hương đồng nội kia?
(Khánh Minh).
Minh muốn nói. Hoàng ngắt lời ‘Tôi đồng ý với anh Tuấn’. Và đây bài ‘Thơ Chúc Tết’ tôi còn nhớ:
Tết này vui hơn mấy tết qua,
Tài lộc rủ nhau tới đầy nhà,
Gia đình vui vẻ và hạnh phúc,
Con cháu đông vui tình đậm đà,
Năm nay chắc chắn khỏe thêm ra,
Công thành, danh toại đến với ta.
Trọn năm tươi đẹp như đào hoa,
Bình an mạnh khỏe đặng toàn gia,
Tiền tài danh vọng đua nhau tới,
Vui cả đại gia cùng hát ca…
(Hoàng Hải).
Vừa cho lên miệng chén rượu đầy, Tuấn gật gù ngâm thơ của Phùng Minh Tiến:
Mất hút thời gian đôi bờ nhật nguyệt,
Trang kinh chưa đọc, lễ đã đầy vơi,
Một tiếng chuông ngân, một lời nguyện nhỏ,
Một cánh hoa đưa, lặng lẽ nụ cười…
Trăng của ngày xưa vẫn còn đây,
Từ trong tiền kiếp đến vơi này,
Biển dâu đã mấy lần dâu biển,
Mùa đến, mùa đi, khuyết lại đầy…
Chiều nay đi giữa rừng thay lá,
Lòng bỗng lao xao gió chuyển mùa…
‘Ồ, chú Tuấn nghe xem mơ mộng qúa hè! Anh xin về với Mùa Xuân tại đất Pháp đang mùa tuyết. Không phải thơ của anh đâu, đây là thơ của Cao Tiêu đấy:
Đông về lạnh tuyết bay phơi phới,
Màu tuyết in trắng với hoa mai,
Tuyết mai kết nghĩa lâu dài,
Cùng ông đầu bạc, người ngoài thế nhân
Hẹn trăng gió ân cần bao vẻ,
Ngắm khói mây bức vẽ nên thơ …
Cao hứng, Hoàng nối lời của Minh bằng những vần thơ của Giao Yên:
Tha phương ta đón Tết ta,
Dẫu cho tê nhạt vẫn là tình quê
Tựa vào hương rượu lê thê
Tuyết sương mình với bạn bè hát vang
Hoa bung bừng cánh rỡ ràng
Giao thừa mai nở rộ vàng, hên ơi !
Đầu ngất ngư với miếng mứt gừng trong tay, Tuấn nói giọng khè khè : ‘Em xin về với chính đồng bào tha hương cùng ngôn ngữ’ :
Xưa từng có xóm có làng,
Bà con cô bác họ hàng gần xa.
Ra đi bốn bể không nhà,
Lấy ngay tiếng nói xem là quê chung.
Cùng ngôn ngữ, một giống dòng,
Câu thơ, trang sách, mặn nồng tình thân.
(Võ Phiến)
Minh vừa cười đắc ý, vừa vỗ tay đèn đẹt ‘Đúng tụi mình rồi, em Tuấn ơi, Anh miền Trung, em miền Bắc, chú Hoàng miền Nam, chúng mình kết thân vì đồng tiếng nói, vì cùng màu da, chứ đâu có đồng làng, đồng họ …Hơn nữa chúng mình họp mặt đâu có vì tiền bạc hay chính trị… mà chỉ vì mấy câu thơ, vài trang sách… hoàn toàn vì văn hóa và văn chương thuần túy… Anh nghĩ như vậy, có đúng ý chú Hoàng không ?’ – ‘Thưa anh Minh, đúng mà chưa hết… Em muốn nói rằng : ba anh mình nên bạn thân còn vì chúng ta có chung một tôn giáo, một niềm tin… Anh Minh và chú Tuấn đồng ý không ?’ – ‘Em hoàn toàn nhất trí’, Hoàng trả lời mau lẹ. Minh giơ tay, ‘vậy thi chúng ta phải trở về vườn thơ đạo ‘Mùa Xuân’. Hoàng nhanh miệng : ‘vâng, em xin đọc thơ Xuân Li Băng’ :
Đất nước đã vào Xuân,
Tiếng pháo nổ xa gần…
Thương Nước lại thương Dân,
Lầm than còn lắm kẻ,
Không biết đến mùa Xuân.
Ta rưng rưng giọt lệ,
Cầu nguyện với Chúa Xuân:
Đoái thương người dương thế,
Tình quân, hỡi tình quân.
‘Là dân Việt sống ở nước ngoài, em nghĩ bài ‘Xuân Hy Vọng’ của cha Lê Xuân Mầng sau đây là hợp tình hợp cảnh nhất. Xin mời hai anh đứng lên và em sẽ đọc như một lời kinh:
Đón Xuân, giữa Kiều Bào,
Chào Xuân, nơi Hải Ngoại,
Hy vọng sẽ ra sao,
Thấy Xuân vừa trở lại!
Hy vọng lắm điều hay,
Xuôi may và thành bại,
Tiến tới, mỗi một ngày,
Tròn đầy cả Năm Mới.
Hy vọng, ở Tha Phương,
Quê Hương, lo nhớ đến,
Cách trở, dẫu đôi đường,
Tình thương, mong thể hiện.
Hy vọng khắp muôn nơi,
Được nghe Lời Hằng Sống,
Phúc Âm đến tự Trời,
Đầy tràn Nguồn Hy Vọng.
Du Sinh