THƠ TIN CẬY MẾN CỦA HÀN MẶC TỬ
Lê Đình Thông
Thư viện Giáo xứ kỷ niệm 100 năm Hàn Mặc Tử
Năm nay, nhóm Thư viện Giáo Xứ thắp 100 ngọn bạch lạp, kỷ niệm sinh nhật thứ 100 của thi sĩ Hàn Mặc Tử (1912-2012). Cảo thơm lần giở trước đèn. Thay cho phong tình cổ lục là thơ văn Hàn Mặc Tử rải rác trong các tác phẩm, từ Lệ Thanh thi tập, Gái quê, Đau thương, Xuân Như ý đến Thượng Thanh Khí, Cẩm Châu Duyên, Chơi giữa mùa trăng. Giáo sư Đỗ Mạnh Tri, người có công in Hàn Mặc Tử anh tôi trong tủ sách Tin Nhà, vừa bàn về Thinh lặng và siêu thoát trong thơ Hàn Mặc Tử. Chúng tôi mạo muội đưa ra vài ghi nhận về vần thơ tin, cậy, mến của Hàn Mặc Tử.
Trong bài ‘‘Đức Tin trong hồn thơ Hàn Mặc Tử’’, giáo sư Đặng Tiến cho rằng : ‘‘Kiến trúc toàn bộ thơ Hàn Mặc Tử đều vang dội lời truyền giảng của Phúc âm (…) Người đọc gặp lại những chủ đề cương lĩnh của Kinh thánh: một vũ trụ ngây thơ đổ vỡ vì nguyên tội, những khổ hạnh của thân xác như một kinh nghiệm của Mơ ước và Huyền diệu ; để vươn tới một thế giới sáng láng, ngoài hư linh, thế giới của Phục sinh, của Khải huyền. Ba giai đoạn đó là cơ cấu của đời thơ Hàn Mặc Tử. Vũ trụ Gái quê đã sụp đổ trong Đau thương mà nhà thơ đã chịu đựng đề đợi sống lại trong mùa Xuân Như ý.’’(1)
Đức Cha Hoàng Văn Đạt S.J. và Linh mục
Đinh Đồng Thượng Sách (thi sĩ Cung Chi)
Bài viết của chúng tôi gồm 5 phần :
1. Tổng quan về Hàn Mặc Tử ;
2. Đức tin của nhà thơ ;
3. Niềm trông cậy vào ơn phước cả ;
4. Lòng mến Chúa yêu người trong thơ Hàn Mặc Tử ;
5. Vần thơ nhập thể.
Trong mỗi phần tin, cậy, mến, chúng tôi đều dẫn chứng bằng một đoản văn và một bài thơ tiêu biểu, trích trong Tuyển tập Hàn Mặc Tử do thi sĩ Chế Lan Viên tuyển chọn và giới thiệu (2), để tránh tình trạng tam sao thất bản (三抄七板).
I - TỔNG QUAN VỀ HÀN MẶC TỬ :
Hàn Mặc Tử, tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh ngày 22 tháng 9 năm 1912 tại Lệ Mỹ, cũng gọi là Tam Tòa ; khu vực công giáo ở Đồng Hới. Theo học giả Thái Văn Kiểm(3), cuộc đời thơ của Hàn Mặc Tử gồm bốn giai đoạn :
- Nhà thơ cổ điển : Bài Đường thi khởi nghiệp của Hàn sáng tác năm 15 tuổi, ký tên Minh Duệ Thị, tiêu biểu cho giai đoạn cổ điển :
Vội vàng chi lắm nhạn lưng mây
Chầm chậm cho mình giữ mối giây (4)
Về đến Thần Kinh khoan nghỉ đã
Ghé miền Gia Hội tỏ tình ngay
Suốt năm canh mộng hồn mê mỏi
Chỉ một lòng son muốn giãi bày
Này nhạn, ta còn quên chút nữa
Con tim non nớt tặng nàng đây.
- Vào làng báo : Theo Thái Văn Kiểm, Hàn Mặc Tử ‘‘mướn một căn phòng trên tầng gác nhà số 107 rue d’Espagne-Saigon (năm 1955 đổi tên thành đường Lê Thánh Tôn), sống với một số bạn bè vong mệnh (5) mà tất cả chi phí đều do Hàn đài thọ’’.
- Nhà thơ lãng mạn : Năm 1936, Hàn Mặc Tử xuất bản tập thơ mới đầu tay mang tựa đề Gái quê, trong đó có bài thơ năm chữ Tình quê :
Trước sân anh thơ thẩn
Đăm đăm trông nhạn về
Mây chiều còn phiêu bạt
Lang thang trên đồi quê
Gió chiều quên ngừng lại
Giòng nước quên trôi đi
Ngàn lau không tiếng nói
Lòng anh dường đê mê
Cách nhau ngàn vạn dặm
Nhớ chi đến trăng thề
Dầu ai không mong đợi
Dầu ai không lắng nghe
Tiếng buồn trong sương đục
Tiếng hờn trong lũy tre
Dưới trời thu man mác
Bàng bạc khắp sơn khê
Dầu ai trên bờ liễu
Dầu ai dưới cành lê
Với ngày xuân hờ hững
Cố quên tình phu thê
Trong khi nhìn mây nước
Lòng xuân cũng não nề
- Nhà thương phung Qui Hòa : Ngày 20-9-1940, xe hồng thập tự đưa Hàn đến nhà thương phong Qui Hòa, ở phía đông nam Qui Nhơn, do các nữ tu dòng Phanxicô Thừa sai Đức Mẹ (Franciscaines Missionnaires de Marie) trông nom. Hàn mang số 1134. Theo ông Nguyễn Văn Xê làm việc ở trại phung, lúc nhập viện, Hàn Mặc Tử ‘‘gắng gượng lắm mới đứng lên được, đầu gối run run bước từng bước một, tay bám vào xe cho khỏi ngã. Mẹ Juetta nói với Hàn: ‘‘Mau đưa tay cho mẹ đỡ’’. Mẹ bước tới, xốc đỡ người bệnh một cách nhẹ nhàng. Đến giường số 3, mẹ nhìn hồ sơ và nói. ‘‘Trí, đây là chỗ của con’’. (…) Thấm thoắt Trí vào Qui Hòa được ba tuần lễ. Nhờ các nữ tu Phanxicô tận tình chăm sóc, bệnh tình Trí thuyên giảm rõ rệt. Đêm 10-11-1940, tôi trực với mẹ Juetta và sœur Julienne. Chúng tôi thăm Trí ba lần. Lần thứ ba khoảng 3 giờ, sœur Julienne cho biết từ giờ đến sáng thì Trí sẽ chết. Ngày 11-11-1940, Trí tắt thở. Tôi thu dọn ‘‘di sản’’ của Trí có cuốn sách 200 trang của Rousseau, di cảo La pureté de l’âme. Tôi suy nghĩ về sự khiêm nhường : Trí không nói một câu tiếng Pháp. Lúc nào tôi cũng là người thông ngôn’’.(6)
Trong ba tháng cuối đời, Hàn Mặc Tử trước tác một đoản văn bằng tiếng Pháp kèm theo bản dịch tiếng Việt, đề tặng các nữ tu Phanxicô. Sau đây là bản tiếng Việt, in trong tập Chơi giữa mùa trăng của Hàn Mặc Tử (7):
‘‘Hỡi các thiên thần, thiên thần của Chúa, thiên thần bình an và hoan lạc, mang cho tôi xin một tràng hoa.
Tôi muốn tắm trong đại dương ánh sáng, trong biển hồn kính mến thiêng liêng.
Nhiều phép lạ bởi trời đưa xuống, người thế gian nghẹn ngào vì cảm mộ khi quan chiêm công trình thần bí Đấng Tối Cao.
Hỡi các thiên thần, thiên thần của Chúa, thiên thần bình an và hoan lạc, có thấy chăng hào quang tỏ dần, màu sắc trắng tuyết, hình thể đồng trinh, linh hồn hiển hiện giữa loài người ?
Lòng vội ngỡ là hồn á thánh, thơ tinh túy nguyện cầu - dáng bốc lên thành hương thơm, thanh khí, mà xuống trần gian chịu kiếp làm người !
Hỡi các thiên thần, thiên thần của Chúa, thiên thần bình an và hoan lạc, hãy hoan hô mẹ và các chị dòng thánh Phanxicô xuống giữa loài người mà an ủi chúng tôi, những kẻ trầm luân yếu đuối, bệnh tật hủi phong.
Tôi muốn cao ngâm những lời ca ngợi đầm khát khao trong suối ngọt ngào khi các chị, các mẹ cất tiếng hát : Chúa cứu tôi, Chúa cứu tôi !
Tôi muốn trọn đời ngưỡng mộ vẻ trắng trong nguyên vẹn, nguồn tươi, ánh sáng, thơ vì tất cả là hình tượng của :
LINH HỒN THANH KHIẾT
Hỡi các thiên thần, thiên thần của Chúa, thiên thần bình an và hoan lạc, hãy tung hoa hồng, hoa súng, tiếng hát thanh tao, hơi nhạc đẫm hương và tưới tràn trên đức hạnh, can đảm cùng hạnh phúc xuống cho những người hầu Chúa.
Phanxicô TRÍ
Tạ ơn Chúa
đêm thứ tư
24 octobre 1940’’ (8)
Đoản văn ký tên Phanxicô Trí là sự kết hợp giữa nét ‘‘hàn mặc’’ thánh nhân và ‘‘cơn lâm lụy’’ của phàm nhân thi sĩ.
Về bút hiệu Hàn Mặc Tử, tác giả Phạm Chí Thiện kể lại rằng ‘‘trong đời thi sĩ của Nguyễn Trọng Trí, thi nhân tuần tự lấy những bút hiệu : Minh Duệ Thị, Phong Trần, Lệ Thanh, Hàn Mạc Tử và sau cùng là Hàn Mặc Tử :
‘‘Một hôm, thi sĩ Quách Tấn vừa chê vừa đùa :
- Tướng anh mảnh khảnh thế ni, chịu sao nổi cảnh phong trần mà ước ?
Thi nhân mới lấy chữ đầu của sinh quán (Lệ Mỹ) và chữ đầu của chính quán (Thanh Tân) ghép lại thành Lệ Thanh.
Ít lâu sau, Quách Tấn lại chê khéo :
- Bộ anh ngó dễ thương mà cái hiệu Lệ Thanh nghe cũng yếu điệu thục nữ quá ! Âu là tôi gọi là cô Lệ Thanh cho thêm duyên.
Nguyễn Trọng Trí làm thinh và ít lâu sau, người ta thấy ông đổi lại là Hàn Mạc Tử (Hàn Mạc là bức rèm lạnh). Nhưng, Quách Tấn lại nói kháy nữa :
- Kể cũng ngộ thật. Tránh kiếp phong trần, lại đi làm khách hồng nhan. Sợ kiếp hồng nhan đa truân, lại đi làm kiếp ‘‘rèm lạnh’’. Tránh lờ chun vào lưới. Sao mà lẩn thẩn quá thế ?
Nguyễn Trọng Trí nổi xung hầm hừ :
- Anh này thật đa sự Không biết đặt cái ‘‘đếch’’ gì cho vừa lòng anh ?
Quách Tấn cười và nói rất ý nhị, dí dỏm :
- Đã có rèm thì thêm bóng nguyệt vào. Hỏi còn cảnh nào nên thơ bằng ?
Tinh ý, Nguyễn Trọng Trí khoái trá, giằng bút vạch thêm ‘‘vành trăng non’’ trên đầu chữ a thành hiệu Hàn Mặc Tử (翰墨子). Chỉ thêm một dấu (ă) mà ý nghĩa đã biến hẳn : chữ ‘‘Hàn’’(寒) trước kia có nghĩa là ‘‘lạnh’’, nhưng rồi ghép với chữ ‘‘mặc’’ (mực) thì trở thành nghĩa là ‘‘bút’’ (翰).
Nguyễn Trọng Trí sửa xong, rồi nói một câu bất tử:
- Đã có bóng trăng rọi vào, thì từ nay danh tôi cũng cũng như văn chương của tôi sẽ mỗi ngày mỗi rạng ngời như bóng trăng !’’ (9)
Tác giả Thiện Nam Nguyễn Bá Tin diễn nghĩa bút hiệu của anh mình như sau : ‘‘Bút hiệu Hàn Mặc Tử, trước hết vì anh tự nhận là nhà thơ nghèo nàn : chữ Hàn của anh là nghèo, không phải là lạnh : chữ Mặc là thỏi mực, ngụ ý tao nhân mặc khách.
Anh Trí vốn ngưỡng mộ triết gia Mặc Địch (墨翟)thời Chiến Quốc, nổi tiếng chủ trương thuyết Kiêm Ái (兼愛), nên anh cũng tự nhận thuộc môn phái Mặc Địch, thương yêu hết mọi người. Chữ Mặc Tử khi ghép đôi mới có ý nghĩa là môn đồ Mặc Địch. Chữ Hàn Mặc Tử nói lên ý nghĩa một thi sĩ nghèo nàn, nhưng tình thương rộng rãi bao la’’.(10)
Nhà văn Buffon cho rằng : ‘‘Văn là người’’. Bút hiệu của Hàn diễn tả ý nguyện ‘‘Kiêm Ái’’ ; còn công trình văn học của nhà thơ thể hiện ‘‘tin cậy mến’’. Nói khác đi, thơ Hàn Mặc Tử là thi ca đối thần (poésie théologale), vì hồn thơ luôn hướng về Thiên Chúa.
II - ĐỨC TIN TRONG THƠ HÀN MẶC TỬ :
2.1. Tổng quan về đức tin :
‘‘Trong các ân huệ của Thiên Chúa, anh em cứ tha thiết tìm những ơn cao trọng nhất. Nhưng đây tôi xin chỉ cho anh em con đường trổi vượt hơn cả.’’ (1 Cr 12,31). Trong văn bộ (corpus) thánh Phaolô, thánh nhân thường sử dụng các thuật từ tin, cậy, mến, vừa là danh từ: πίστις (pistis), ελπίς (elpis), άγάπη (agapè), lại vừa là động từ: πιστεύω (pisteuo), ελπίζω (elpizo), άγαπάω (agapáô). Theo thánh Thomas d’Aquin, ‘‘tin, cậy mến là các nhân đức nhằm vâng phục thánh ý Chúa, nên được gọi là đối thần’’(11).
Đức tin đồng nhất với κερυγμα (kerygma), có nghĩa là thuyết giảng (prédication), cao rao (proclamation à voix haute), người tín hữu làm chứng cho việc Chúa chịu chết và sống lại : ‘‘Vì nếu chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã chết và đã sống lại, thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an giấc trong Đức Giêsu sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giêsu’’. (1 Tx 4,14). Tin cậy mến có liên hệ khắng khít với nhau. Theo thánh Augustinô, ‘‘Không có tình yêu nếu không có hy vọng. Ngược lại, không thể có hy vọng nếu không có tình yêu. Sau cùng, nếu không có tình yêu và hy vọng thì cũng không có đức tin’’.(12)
2.2. Đức tin trong văn xuôi Hàn Mặc Tử :
Hàn Mặc Tử đã chuyển hóa đức tin tôn giáo thành sự tin tưởng vào sứ mệnh của nhà thơ : ‘‘Đức Chúa Trời đã tạo ra trăng, hoa, nhạc, hương là để cho người đời hưởng thụ, nhưng người đời u mê, phần nhiều không biết tận hưởng một cách say sưa, và nhân đấy, chiêm nghiệm lẽ mầu nhiệm, phép tắc của Đấng Chí Tôn. Vì thế, trừ hai loài trọng vọng là thiên thần và loài người ta, Đức Chúa Trời phải cho ra đời một loài thứ ba nữa : loài thi sĩ. Loài này là những bông hoa rất quí và rất hiếm, sinh ra đời với một sứ mạng rất thiêng liêng: phải biết tận hưởng những công trình châu báu của Đức Chúa Trời đã gây nên, ca ngợi quyền phép của Người, và trút vào linh hồn người ta những nguồn khoái lạc đê mê, nhưng rất thơm tho và rất tinh sạch. Bởi muốn cho loài thi sĩ làm tròn nhiệm vụ ở thế gian này, nghĩa là tạo ra những tác phẩm tuyệt diệu, lưu danh lại muôn đời. Người bắt chúng phải mua bằng giá máu, luôn luôn có một định mệnh tàn khốc theo riết bên mình’’. (13) Với đức tin công giáo, Hàn Mặc Tử cao rao tin, cậy, mến bằng những vần thơ.
Ý kiến của Hàn Mặc Tử cho rằng thi sĩ ‘‘luôn có một định mệnh tàn khốc theo riết bên mình’’ nhắc lại thuyết tài mệnh tương đố (才命相妒) trong truyện Kiều, hoặc câu nói của triết gia công giáo Blaise Pascal :‘‘Con người ‘‘linh ư vạn vật’’ nhận biết sự bất hạnh, khác với cỏ cây’’ (la grandeur de l'homme est grande en ce qu'il se connaît misérable. Un arbre ne se connaît pas misérable). Sau này, Hàn Mặc Tử nói đến mật đắng trong kiếp sống, mật ngọt trong thơ văn là muốn nói đến định mệnh éo le của nhà thơ : ‘‘Thi nhân đã đổ hết bao nhiêu nguồn máu lệ, đã từng uống mật đắng trong khi miệng vẫn tươi cười sốt sắng’’. (14)
Định mệnh tàn khốc và giá máu của nhà thơ đi đôi với sự cô liêu, buồn bã. Nhưng để đền bù, nhà thơ có cả mùa xuân ấm áp hằng ủ ấp trong lòng : ‘‘Thi sĩ rơi xuống cõi đời, bơ vơ, bỡ ngỡ và lạ lùng. Không có lấy một người hiểu mình. Thi sĩ đã ngất ngư trong khi nuốt hết khí vị thanh tao của mùa xuân ấm, của tất cả những lương thực ngon ngọt mĩ vị làm bằng hương báu, làm bằng nhạc thiêng, làm bằng rượu say, làm bằng châu lệ’’. (15)
Hàn Mặc Tử sử dụng các thuật từ ‘‘ngất ngư’’, ‘‘nuốt hết’’, hoặc là ‘‘ăn’’ trong Lang thang :
Trời hỡi nhờ ai cho khỏi đói
Gió trăng có sẵn làm sao ăn ?
Làm sao giết được người trong mộng
Để trả thù duyên kiếp phũ phàng ?
Thơ của Hàn Mặc Tử là vần thơ nuốt chữ (nghĩa), là cắn thơ, là nuốt trăng, là cắn cắn cắn cắn, nghĩa là nhai ngấu nghiến nỗi xót xa khổ lụy, khiến hơi thở đứt quãng, đớn đau :
Anh nuốt phứt hàng chữ
Anh cắn vỡ lời thơ
Anh cắn cắn cắn cắn
Hơi thở đứt làm tư !
- Tôi toan hớp cả ráng trời
Tôi toan đớp cả miếng cười trong khe.
- Có ai nuốt ánh trăng vàng,
Có ai nuốt cả bóng nàng tiên nga ?
Giáo sư Bùi Xuân Bào đã gọi cách dụng ngữ trong thơ Hàn là ‘‘khẩu cảm’’ (17). Theo ý chúng tôi, thơ Hàn Mặc Tử không chỉ là ‘‘khẩu cảm’’, nhưng còn là giác quan hóa thi tứ. Vì ngoài vị giác còn là thị giác, thính giác, khứu giác và xúc giác.
2.3. Đức tin trong thơ Hàn Mặc Tử:
Ngoài văn xuôi, Hàn Mặc Tử diễn tả đức tin qua nhiều bài thơ như Nguồn thơm, Điềm lạ, Xuân đầu tiên, Đêm xuân cầu nguyện. Bài Nguồn thơm có câu:
Tôi van lơn, thầm nguyện Chúa Giêsu
Ban ơn xuống cho mùa xuân hôn phối
Theo học giả Thái Văn Kiểm, ‘‘Xuân Như Ý là mùa xuân của sáng thế ký, lúc mà vũ trụ sơ khai, linh khí của Thượng đế chập chờn trên nước’’. Mùa xuân vĩnh viễn đó đầy rẫy những lời nguyện cầu của thánh kinh, hương lạ mê ly, âm thanh mầu nhiệm, tất cả chìm ngập trong bể hào quang và trong tinh hoa của thi vị.
‘‘Lòng tin tưởng ở Thượng đế đã chứng giám, an ủi cho những nỗi thống khổ của Hàn Mặc Tử và giúp cho thi tài được hoàn toàn thành tựu. ‘‘Mùa xuân như ý được xem như tập thơ có giá trị hơn hết trong tất cả những thi phẩm của Hàn. Bài Ave Maria cũng đủ chứng minh điều đó’’.(18)
Thái Văn Kiểm trong Un grand poète vietnamien : Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên trong Tuyển tập Hàn Mặc Tử và Nguyễn Bá Tín trong Hàn Mặc Tử anh tôi đều cho rằng tên bài thơ là Ave Maria. Quách Tấn trong Đôi nét về Hàn Mặc Tử lại cho rằng bài trường thi 8 chữ này là Thánh nữ Đồng trinh. Bản hợp xướng của nhạc sư Hải Linh lấy tên Tấu lạy Bà là muốn chuyển nhạc đề từ vầng trăng khuyết lẻ loi của thi nhân sang trăng rằm chung khúc ngất ngây, nốt nhạc chắp cánh cho phượng hoàng bay bổng, chiêm ngắm triều thiên Đức Mẹ Chúa Trời.
Về xuất xứ bài thơ, Quách Tấn cho rằng ‘‘một đêm Tử nằm mộng, thấy Đức Mẹ Maria lấy ngành dương nhúng nước thánh rảy khắp mình Tử, Tử cảm thấy ‘‘mát đến ớn lạnh’’. Cho nên khi cầm viết viết được, Tử soạn bài Thánh nữ Đồng trinh để tạ ơn Đức Mẹ’’.(19)
Tác giả Nguyễn Bá Tín lại cho rằng :
* ‘‘Từ ngày anh suýt chết ngoài bờ biển Qui Nhơn, anh thu mình lại, sống nội tâm, trầm mặc xa vắng. Bài Ave Maria mà anh đã xuất thần sáng tác, có những lời tạ ơn nồng nàn tha thiết’’.
* ‘‘Anh nói : Phượng Trì, cái tên thật là tuyệt, nghe như bay lên cao, bay lên cao, hay quá. Hai tiếng đó đã tạo cho anh một ý niệm bay về trời mà trong bài thơ Ave Maria ở đoạn cuối, anh lặp lại bốn lần một cách tha thiết.’’
* ‘‘Bốn chữ song lộc triều nguyên, Hàn Mặc Tử mượn trong khoa tử vi đẩu số có từ đời Đại Tống bên Tầu, nói về đại quý cách của người được trời ban nhiều ân sủng cao trọng không ai bằng : Song lộc là Hóa Lộc và Lộc Tồn đều là phúc lộc tinh. Hóa lộc nói về lợi lộc trần thế và vinh quang. Lộc tồn là sao thiên lộc, lộc bởi trời vô tận, có một ý nghĩa thiêng liêng gồm ơn phù trợ và cứu giải. Ngoài ra còn ban ơn thông tuệ và văn chương uyên thâm quán thế. Triều là hướng về, chầu về. Nguyên là bản mệnh. Hàn Mặc Tử rất thích bộ sao này, vì chính anh cũng có bộ sao đó trong bản số. Suốt bài thơ, anh không bày tỏ một lời nào bi lụy có thể làm mất đi nét trong sáng huyền diệu’’.(20)
Bài Ave Maria là kinh Kính mừng : ‘‘lạy Bà là Đấng tinh tuyền thánh vẹn’’ ; lại vừa là lời kinh Tin kính, ‘‘tổng lãnh Thiên thần quỳ lạy Mẹ, tung hô câu đường hạ ngớp châu sa’’.
Ave Maria
Như song lộc triều nguyên ơn phước cả
Dâng cao dâng thần nhạc sáng hơn trăng
Thơm tho bay cho đến cõi Thiên đàng
Huyền diệu biến thành muôn kinh trọng thể.
Và Tổng lãnh Thiên thần quỳ lạy Mẹ
Tung hô câu đường hạ ngớp châu sa
Hương xông lên lời ca ngợi sum hòa
Trí miêu duệ của muôn vì rất thánh.
Maria ! Linh hồn tôi ớn lạnh
Run như run thần tử thấy long nhan
Run như run hơi thở chạm tơ vàng
Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến.
Lạy Bà là Đấng tinh tuyền thánh vẹn
Giàu nhân đức, giàu muôn hộc từ bi
Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy
Cơn lâm lụy vừa trải qua dưới thế.
Tôi cảm động rưng rưng hai dòng lệ
Dòng thao thao như bất tuyệt của nguồn thơ
Bút tôi reo như châu ngọc đền vua
Trí tôi hớp bao nhiêu là khí vị Và trong miệng ngậm câu ca huyền bí
Và trong tay nắm một vạn hào quang
Tôi no rồi ơn võ lộ hòa chan
Tấu lạy Bà, Bà rất nhiều phép lạ.
Ngọc Như Ý vô tri còn biết cả
Huống chi tôi là Thánh thể kết tinh
Tôi ưa nhìn Bắc đẩu rạng bình minh
Chiếu cùng hết khắp ba ngàn thế giới.
Sáng nhiều quá cho thanh âm vời vợi
Thơm dường bao cho miệng lưỡi không khen
Hỡi Sứ thần Thiên Chúa Gabriel
Khi người xuống truyền tin cho Thánh nữ
Người có nghe xôn xao muôn tinh tú
Người có nghe náo động cả muôn trời ?
Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời
Để ca tụng bằng hương hoa sáng láng
Bằng tràng hạt, bằng Sao Mai chiếu rạng
Một đêm xuân là rất đỗi anh linh.
Đây rồi ! Đây rồi ! Chuỗi ngọc vàng kinh
Thơ cầu nguyện là thơ quân tử ý
Trượng phu lời là Tông đồ triết lý
Là Nguồn Trăng yêu mến Nữ Đồng Trinh
Là Nguồn Đau chầu lụy Nữ Đồng Trinh
Cho tôi thắp hai hàng cây bạch lạp
Khói nghiêm trang sẽ dâng lên tràn ngập
Cả Hàn giang và màu sắc thiên không
Lút trí khôn và ám ảnh hương lòng
Cho sốt sắng, cho đê mê nguyền ước.
Tấu lạy Bà, lạy Bà đầy ơn phước
Cho tình tôi nguyên vẹn tợ trăng rằm
Thơ trong trắng như một khối băng tâm
Luôn luôn reo trong hồn, trong mạch máu
Cho vỡ lở cả muôn ngàn tinh đẩu
Cho đê mê âm nhạc và thanh hương.
Chim hay tên ngọc, đá biết tuổi vàng
Lòng vua chúa cũng như lòng lê thứ
Sẽ ngây ngất bởi chưng thơ đầy ứ
Nguồn thiêng liêng yêu chuộng Mẹ Sầu Bi.
Phượng Trì ! Phượng Trì ! Phượng Trì ! Phượng Trì !
Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu,
Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu
Trên triều thiên ngời chói vạn hào quang ?
Ave Maria là bản trường ca tám chữ. Khác với kinh Kính mừng gồm hai đoạn đối xứng :
* đoạn 1 nói về trăng tròn phước cả của Đức Mẹ ;
* đoạn 2 trở về với thân phận phàm nhân tội lỗi.
Ave Maria của Hàn Mặc Tử là hành trình nhân thế với bao khổ lụy, thương đau. Nhà thơ là Thánh thể kết tinh, dâng nhạc thơ tấu lạy Đức Bà. Nhờ có đức tin, thơ của Hàn tuy ‘‘cấu, cào, nhai ngấu nghiến ; thịt da sượng sần và tê điếng’’ nhưng luôn vững niềm cậy trông.
Chất liệu Ave Maria là trăng (sáng hơn trăng, trăng rằm, nguồn trăng) ; là sao (song lộc, bắc đẩu, tinh đẩu, sao mai) ; là ánh sáng (sáng hơn trăng, hào quang, sáng nhiều quá, hào quang) ; là ngọc ngà châu báu (châu ngọc, ngọc như ý, chuỗi ngọc).
Ave Maria là kinh thơ tụng ca Thánh mẫu (muôn kinh, huyền diệu, nhân đức, từ bi, cảm tạ, phò nguy, huyền bí). Trong bài thơ, tác giả định nghĩa kinh thơ là :
nguồn trăng (siêu việt) + nguồn đau (nhân thế) = nguồn thơ
Tác giả sử dụng kỹ thuật láy âm (assonance) và điệp tự (répétition), vừa tạo nhạc tính, lại vừa là lời thở vắn than dài của nhân thế : run như run (hai lần), dòng thao thao, đây rồi đây rồi, tấu lạy Bà, lạy Bà, trong hồn, trong mạch máu, cho vỡ lở, cho đê mê. Ngoài ra là phép cân xứng (symétrie) và sánh đôi (parallélisme) : song lộc, hai dòng lệ, hai hàng cây bạch lạp.
Phượng trì ! Phượng trì ! Phượng trì ! Phượng trì ! là phượng hoàng bay miết, được lập lại bốn lần, như tiếng gõ cửa của định mệnh, âm hưởng giống như bốn nốt nhạc của bản giao hưởng số 5 của Beethoven.
Khi viết : Tôi no rồi ơn võ lộ hòa chan, Hàn Mặc Tử so sánh ơn trời với võ lộ (雨露) là sương mai ướt sũng. Sách Lã Thị Xuân Thu (呂 氏 春 秋) có câu : Tuyết sương vũ lộ thì, tắc vạn vật dục hĩ (雪 霜 雨 露 時 , 則萬 物 育 矣) (Khai xuân luận 開 春 論).
Thân phận phàm nhân còn được cực tả qua ngũ quan :
. khứu giác (odorat) : thanh hương, thơm tho, hương xông lên, thơm dường bao ;
. thính giác (ouïe): thần nhạc, nghe xôn xao, reo trong hồn ;
. thị giác (vue) : sáng hơn trăng ; sáng nhiều quá ;
. vị giác (goût) : miệng lưỡi không khen, trong miệng ngậm câu ca ;
. xúc giác (toucher) : chạm tơ vàng, nắm một vạn hào quang.
Hàn Mặc Tử cho những vần thơ nhân thế nương náu trong đức cậy.
Xem tiếp ->