Trọng tuổi già là sống đạo hiếu
Mai Đức Vinh
Văn hóa Việt Nam vốn đề cao ‘tôn ti đẳng cấp’, vốn ‘kính lão đắc thọ’, vốn coi trọng ‘tuổi già đầy kinh nghiệm’ và ‘đi ra hỏi già về nhà hỏi trẻ’, vốn chúc nhau ‘phúc lộc thọ’…
Người già luôn mong được ‘kính và chiều’. vì lẽ đương nhiên ‘ăn cây nào rào cây ấy’, ‘ăn quả nhớ kẻ trồng cây’, ‘trẻ cậy cha, già cậy con’ hay ‘trẻ dưỡng cây, già cây dưỡng’. Cho nên điều rất tâm lý là ‘già được bát canh như trẻ được manh áo mới’. Hơn thế, người cao niên chỉ muốn ‘lão giả an chi’, nên họ mau cảm thấy bị ‘hất hủi, tủi nhục’ với loại người ‘trẻ không tha già không thương’. Một điều tâm lý khác là dù ‘sống lâu lên lão làng’, nhưng thực tế chẳng ai muốn ‘trẻ chưa qua già đã đến’ hay ‘cảnh cha già con mọn’ bởi lẽ ‘lão lai tài tận’ hay ‘già vừa lấm lén, thân đã ra hèn’… Hơn thế, người ta còn chú ý đến cái ‘tật’ của tuổi già. ‘Tật’ đây hiểu là ‘bệnh hoạn’ hay ‘nết xấu’, như người ta thường nói : ‘Trẻ đeo hoa, già mang tật’, ‘tuổi già sinh tật như đất sinh cỏ’ hay ‘tuổi già trái chứng’.
Thời nay người ta càng sợ tuổi già. Bởi thời nay người ta đã đánh mất sự kính trọng đối với tuổi già. Trước tiên là do ảnh hưởng tinh thần dân chủ, bình đẳng, không còn tinh thần kính trên nhường dưới, tôn ti đẳng cấp… nữa. Thứ đến, chúng ta đang ở vào thời điểm ‘chạy đua với kỹ thuật, với tiền bạc, với lợi nhuận’, nên trong thực tế, khi đánh giá một người, người ta thường chỉ để ý đến ‘tuổi trẻ tài cao’, ‘tuổi trẻ hợp thời’, ‘tuổi trẻ lanh lẹ và tháo vát’… Còn ‘tuổi già lỗi thời’, ‘tuổi về vườn’… Bởi những lý do trên, ‘tuổi già mất thế, người già mất chỗ’.
Thậm chí trong gia đình, con cái nhiều khi thiếu hiếu thảo đối với cha mẹ già. Thiếu gì cảnh ‘cha mẹ nuôi con như trời như bể, con nuôi cha mẹ con kể từng ngày’, hay ‘Cha mẹ xiêu vẹo lều tranh, đói no không biết, rách lành chẳng hay’. Tệ hơn nữa là ‘cha mẹ nói một, con cãi bốn năm’, ‘nói lời xấc xược, cá mè một lứa’. Đâu còn ‘con người có bố có ông, như cây có cội, như sông có nguồn’ !
Lễ mừng thượng thọ là dịp tốt nhắc nhở chúng ta suy nghĩ về tuổi già, về đạo hiếu của người Việt Nam. Chính đạo hiếu là cơ sở cho tâm đức kính trọng tuổi già của người Việt Nam :
Mẹ cha trọng quá ngọc vàng,
Đền bồi sao xiết muôn ngàn công ơn.
Cha già như chuối chín cây,
Gió đưa cha rụng con này mồ côi.
Mẹ già như tấm lều tranh,
Sớm thăm tối hỏi mới đành dạ con.
Đói lòng ăn hạt chà là,
Để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng.
Cây khô chưa dễ mọc chồi,
Cha già chưa dễ ở đời với con.
Ba tiền một khứa cá buôi,
Cũng mua cho được mà nuôi mẹ già,
Tôm rằn lột vỏ bỏ đuôi,
Gạo thơm mua lấy mà nuôi cha già.
Kính thương cha mẹ cao niên lão tuổi như vậy thật đáng quý ! Kính thương cha mẹ già khi còn sống và cả khi đã quá vãng, thật là ‘sống tết, chết giỗ’. Đức hiếu thảo đẹp biết bao ! Âu cũng là một ý nghĩa sâu sắc của ngày ‘Lễ Mừng Thượng Thọ’ vậy.
Mai Đức Vinh