Phong hóa Việt Nam về Tương thân Tương ái
Thi Chương
Tại Việt Nam chúng ta qua nếp sống giữa làng nước, đã có những tổ chức, dưới nhiều hình thức để tương thân tương ái.
Trên bình diện quốc gia, những năm mất múa, bão lụy, đói kém, thóc cao gạo kém... động lực nào thúc đẩy người Việt ra tay xả thân cứu vớt những người cùng khổ. Chẳng qua là chúng ta có sẵn tình đồng hương nghĩa đồng bào. Hay vì ‘‘người trong một nước phải thương nhau cùng’’.
Trong xóm làng, những lúc tắt lửa tối đèn, đau ốm ngặt nghèo, những ngày túng thiếu bần cùng... lấy ai giúp đỡ ủi an ? Chẳng vì ‘‘anh em xa không bằng láng giềng gần’’.
Đôi dòng nghiên cứu sau đây là câu trả lời.
Đời sống dân làng cực nhọc, nhưng nhờ vào sự tương trợ giữa mọi người, sự mệt nhọc giảm bớt đi nhiều. Sống gần nhau, quen biết thân thiện ‘‘thứ nhất cận thân, thứ nhì cận lân’’, nên người trong làng lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ nhau. Từ việc nhỏ đến những sinh hoạt chung hay việc lớn.
1. Hương ước.
Ngay việc thành lập làng xóm tại VN về phân chia hành chánh và kinh tế đã nói lên tính cách quây quần xum họp, tương trợ lẫn nhau, là thiên tính sinh tồn. Mỗi làng đều có ‘‘Hương ước’’ là những qui định, giao ước sinh hoạt và an ninh trong làng. Trong bàn này có 2 điều khoản nói về việc ân và việc nghĩa.
- Ân : Ai có ân đức với dân, như xuất của nhà ra làm trường học, cho trẻ em trong làng học chữ, học nghề hoặc cúng ruộng cho dân chúng làm học điền, hay là xuất của làm việc công ích cho dân, cùng là học được nghề gì trọng về dạy cho dân cho có nghề nghiệp hoặc dân làng chẳng may gặp phải khi tai biến lưu ly mà xuất tài xuất lực giúp đỡ cho dân hồi lại làm ăn như cũ. Vậy các việc như thế là ân. (Tiết 2).
- Nghĩa : Dân làng đêm hôm có cướp đến phá làng ăn cướp, dân ai có sức đánh cướp giữ làng, chẳng may bị chết vì việc dân. Vậy như thế là nghĩa. (Tiết 3). (1)
2. Những việc nho nhỏ trong làng
- Đến bữa một nhà có thiếu muối, mắm, cả rau rợ hay ít gạo, dầu đèn... có thể chạy qua nhà hàng xóm xin, hay mượn tạm, trả hay không cũng không hệ gì.
- Bố mẹ có đi vắng, tới bữa, mấy đứa con chưa có cơm ăn, qua nhà bên cạnh ăn cơm chung với con hàng xóm. Chẳng may mấy cháu này có cảm, ho, đổ máu cam...đã có bà hàng xóm trông coi hộ.
- Một nhà bị cháy, bão làm đổ nhà, bị ăn trộm, tát ao, một em bé bị té sông, té ao, ngã cây, đi chơi lạc, một con lợn xổng chuồng, con gà lạc chuồng... cả xóm biết, tận tình đến giúp, tiếp cứu, không tính tiền công.
- Ai không biết chữ, đã có người đọc những : giấy quan đòi, viết đơn minh oan, thảo văn tự, mua bán ruộng, bán trâu. Có ai bị oan khuất điều gì, dân làng tìm cách minh oan.
- Ai đi thi, cả làng mừng rỡ, chúc mừng thi may đỗ đạt, để mai sau cả làng được nhờ
- Có đi đâu xa về, khách từ xa đến, ngày lễ, giỗ... không quên người lối xóm, vui vẻ đem ngay quà sang biếu ‘‘ăn lấy thảo’’.
- Trong làng có qũi riêng để gúp người bệnh không có việc, cô nhi quả phụ, giúp học trò nghèo.
- Thấy gì có lợi, có ích, dân làng mách bảo nhau. Chợ nào bán rẻ, sông lạch nào nhiều cá, rủ nhau đến mua hay khai thác.
- Ngay cả những người xấu, say rượu, hay lăng nhăng, cũng bị làng vạch mặt, chỉ tên bằng những câu vè dí dỏm.
Làng ta có sự nực cười,
Có ông nhiêu Bút là người rượu say !
Mỗi ngày một lít như bay,
Rượu say, ông mới làm bày giở trò!
Bà nhiêu sao chẳng biết lo,
Mướn lũ thợ cấy ông mò một cô,
Nhưng mà hư hỏng cơ đồ,
Bà nhiêu bắt được liền vồ cả hai.
Xưa đâu có báo chí. Những ca vè loan truyền nhanh và có hiệu nghiệm. Làm bớt hay ít ra cho những người có tật giật mình, sửa đổi. Như vè gửi các viên chức trong làng vừa sợ vợ ra mặt, vừa ăn mặc thiếu đứng đắn.
Làng ta sợ vợ nhất ai
Có ông Lý cựu là người đời xưa
Đầu ông búi tó trơ trơ,
Hỏi ông giữ đến bao giờ cho thôi
Trương Đông sợ vợ hơn trời,
Lại ông Cánh bá mấy đời kém Đông.
Tuy rằng đóng mặt làm chồng
Xã Năm chịu vợ, phục lòng cho yên.
Nói ra nghĩ cũng thêm phiền
Thôi đành sợ vợ cho êm cửa nhà.
Cả những người tốt cũng dân làng nhắc đến ca ngợi, như có làng nào đó, gặp năm mất mùa, đã có người nấu cháo cho dân ăn. Dân làng nhớ ơn mãi :
Miếng khi đói, gói khi no
Cháo hoa bà cả thơm tho nức lòng.(2)
3. Kho lúa Nghĩa Thương (3). Dân chúng trong làng mạc VN xưa ở trong những thôn xóm nghèo. Nhà cửa thô sơ, sinh sống bằng nông nghiệp, hay làm thuê ở mướn. Khi có việc công cần đóng góp thì nhờ vào qũy chung, hay hoa lợi chung. Như ao đầm, ruộng đất công, tiền thu thuế chợ, thuế cầu đò, tiền nộp cheo, hay bán ngôi thứ...
Khi gặp những năm đói kém, mất mùa, hạn hán, bão lụt thì đã có những kho lúa Nghĩa Thương. Tức là kho chứa lúa để làm việc nghĩa.
Từ thời Tự Đức thứ 18, vua đã khuyến khích những chủ ruộng, tới ngày gặt lúa, tự động đóng lúa, theo qui định là 1/40 lúa thu gặt. Các nhà phú hào có thể đóng thêm bao nhiêu cũng được. Người đi thu là những tuần phiên. Phần lúa đóng góp này chia làm ba phần : một phần cấp cho tuần phiên, và hai phần để vào Nghĩa Thương. Tỷ lệ tùy theo từng làng. Dân cử ra một số người đứng đắn giữ sổ sách và xuất nhập kho. Ngoài ra, những nhà phú hào cũng đóng góp ủng hộ nhiều hơn. Nên kho lúa tương đối dồi dào. Trường hợp kho dư nhiều sẽ đem bán, lấy tiền chi tiêu việc khác. Khi nào kho hết, vì trợ cấp quá nhiều cho thiên tai, sẽ vay mượn những nhà phú hào.
Trong làng còn có phần ruộng công, gọi là ‘‘ruộng Nghĩa Thương’’ do chính dân làng bỏ công, cày bừa, bón phân. Lúa thu hoạch để chung vào phần đóng góp trong làng.
Những năm nhiều tỉnh miền Bắc nổi dậy chống triều đình Huế, vì đã nhượng lục tỉnh cho Pháp, dân nổi loạn. Nhiều làng cống hiến nghĩa thương để sắm vũ khí. Như vậy, việc xử dụng thóc nghĩa thương được dùng đúng nghĩa. (4)
Về điều hành kho lúa Nghĩa Thương được áp dụng chặt chẽ theo ‘‘Điều Ước Nghĩa Sương ’’. Có 6 điều qui định : mục đích, đóng góp bao nhiêu, thủ qũi, sổ sách, và lựa chọn chủ kho. (5)
4. Ruộng Công Điền.
Từ đời Hồng Bàng dân Việt đã có chế độ ‘‘Công Điền’’ bình sản. Nghĩa là tài sản chia đồng đều cho người dân (6).
Người Việt không có chế độ nô lệ, không có chủ điền tá điền. Xưa, người Việt nghèo thì nghèo, ít ra cũng cũng làm chủ vài sào công điền hay cũng có một căn nhà tranh vách đất để che nắng mưa.(7) Phần diện tích ruộng trong làng được phân chia như sau : Phân nửa là tư điền, của những nhà giàu, thường là ruộng tốt, bên bờ sông, tiện nước thủy triều, gần đường đi lại, tiền cho gặt hái. Phân nửa còn lại là của chung (công). Ruộng này được chia cấp cho từng ‘‘nhân đinh’’ trong làng từ 18 tuổi trở lên. Mỗi người được nhiều ít tùy theo số người. Loại ruộng này xấu, vì không ai chăm sóc, phân bón nên, thu hoạch kém. Ngoài phần ruộng cấp cho trai tráng, cũng có cấp cho cô nhi quả phụ, người nghèo, gọi là ‘‘cô nhi điền, quả phụ điền, trợ sưu điền’’
5. Dưỡng tế sở là cơ sở y tế : Dân làng sống nghề nông, sức khỏe tương đối tốt và dẻo giai. Chỉ cần chăm sóc trẻ sơ sinh và người già. Có nhà hộ sinh cho việc sinh nở. Trong làng lúc nào cũng có các bà mụ đỡ đẻ theo kinh nghiệm hơn là sách vở khoa học, nhưng vẫn mẹ tròn con vuông. Các bô lão có nhà tế bần, cấp thuốc miễn phí, hỏi đau đâu, đau gì cho thuốc, hoặc chỉ dẫn uống thuốc lá, qua loa cũng khỏe lại. Có tiền chạy đến các thầy lang, bốc thuốc bắc. Riêng những người không nhà cửa, cô thế cô đơn, sẽ được qũi ‘‘Nghĩa Thương’’ giúp đỡ, ở trong nhà tế bần. Về y tế thật nghèo và thô sơ lạc hậu. Dân làng sống là nhờ tin ‘‘Trời sinh voi trời sinh cỏ’’. Đẹp và hạnh phúc quá cho dân mình.
6. Các hội tương trợ hiếu hỷ nghề nghiệp hay gây quĩ tiết kiệm
Về cá nhân, dân xã có nhiều ‘‘Hội tương tế’’ hay ‘‘Hội tư cấp’’. Với nhiều hình thức.
- Lập Hội. Việc cưới hỏi, thi đậu, làm nhà, khao vọng, ma chay... là dịp dân làng có dip gần nhau để chia vui sẻ buồn. Nên đã lập ra các hội : Hội Hiếu, Hội Hỉ... Hội viên đóng góp bằng tiền, gạo hay lúa, do chủ hội giữ. Hội có hai việc phải làm : Cho chủ nhân mượn tiền để tổ chức, hay tặng lễ vật kỷ niệm. Hội ăn tết : Mỗi tháng đóng cho chủ hội ít tiền. Tết đến đong gạo gói bánh chưng, mua bò, lợn... phân phối cho hội viên, vừa rẻ vừa đỡ vất vả chật vật trong ngày giáp Tết. Còn có nhiều hội khác, cùng chung công việc làm như : Hội Bánh Dầy, Hội Kèn, Hội Trống. Hội Thả Diều, Hội Chọi Gà, Hội Chơi Cờ, Hội Đồng Môn (học trò), Hội Quan Lão, Hội Chư bà... Tất cả đều mang ý nghĩa ‘‘góp gạo nấu cơm chung’’, quây quần tương trợ và gây thân thiện đoàn kết.
- Hình thức thành Phường : cho tập thể qui tụ những người cùng nghề. Như : Phường vải, Phường Củi, Phường Đan, Phưòng Nón, Phường Săn. Tại Hà Nội xưa có nhiều phường, sau biến thành 36 phố phường là hình thức tổ chức theo nghề, cùng bán một món hàng : Phó hang Đào, phố hang Cau, phố hàng Chiếu.
- Tổ chức thành Họ : Những người cùng quê quán, làm cùng nghề, lập thành Họ, mục đích gặp nhau thân thiện, bàn bạc làm ăn, gây qũi tiết kiệm, như : Chơi hụi, Họ Bánh Chưng, Họ Chả Giò, Họ Gạo, Họ Thịt...
7. Vui chơi hội hè về phong tục cộng đồng
Trong làng xã, sau công việc đồng áng, người ta lại có tổ chức vui chơi chung, rất thoải mái, như :
- Lễ, tết và cúng tế là ngày vui nhất, linh thiêng của mọi người trong dân làng qua việc chuẩn bị, đi tết, ăn tết kéo dài ba ngày. Mỗi khi có lễ giỗ, cúng bái, đình đám thì cả khu, cả xóm hay cả làng tích cực tham dự vui vẻ, và giao hảo. Sự có mặt đông đủ là biểu thị mối liên hệ chặt chẽ dân làng từ trên xuống dưới.
- Hát trống quân là lối hát đối đáp giữa trai gái. Nói lên giữ gắn bó hai bên, bị giới hạn bởi tục lệ xã hội, nếu không có dịp vui hát tự nhiên này. Hát xong lại trở về công việc sinh sống làm ăn
Hát cho lở đất long trời
Cho trời biết mặt cho người biết tên
Hát sao cho cạn dòng sông
Cho non phải lở, cho lòng phải say.
- Kéo co bằng dây thừng giữa hai người, hai nhóm nam nữ, hay đại diện hai xóm, hai làng, được các cụ trong làng chứng kiến làm 3 lần, là tinh thần thượng võ của Việt Nam. Nuôi chí phấn đấu. Phải đồng lòng, đồng sức mới thắng bên kia.Thường được tổ chức vào mồng bốn Tết.
- Đốn củi trên rừng, sau mùa gặt, do từng đoàn nam nữ đi từ sang sớm, chiều mới về. Củi kiếm được là của riêng, nhưng đi chung sẽ gây hứng thú trong việc làm trèo cao, lặn suối, tránh thú rừng. Họ vừa làm vửa hát quên nhọc nhằn, có khi tăng thêm yêu thương đặm đà. Củi nhiều và vui.
Không đi thì nhớ thì thương
Ra đi lên động xuống truông nhọc nhằn.
Ra về chỉ một ngóng theo
Ngóng rừngrừng rậm, ngóng đèo đèo cao.
Còn nhiều cuộc ganh đua, hay trò chơi vừa giải trí, vừa tạo tinh thần kết đoàn : Thi nấu cơm, chọi gà, đá cầu, thả diều, đánh cá sông, thi bơi, thi chèo thuyền ...
8. Công việc tuần phòng giữ an ninh là quan trọng. Trai tráng trong làng từ 18 tuổi được cắt cử làm tuần phiên. Đứng đầu là trương tuần. Kỳ hạn từ 1 đến 3 năm. Mỗi đêm, chia phiên, từng toán ở các điếm canh, và đi chung quanh khắp làng lo giữ an ninh trộm cắp... cho dân làng yên hàn nghỉ ngơi, và làm việc. Tuy làng đã có lũy tre, hai cổng ở đầu và cuối làng. Kẻ gian ở ngoài khó lọt vào, nhưng canh phòng kẻ gian là người trong làng.
Sống trong làng, tuy có sinh kế riêng, nhưng vẫn có những sinh hoạt chung trên qua nhiều mặt, mà người dân không thể không tham gia. Đây là cơ hội tạo tình đoàn kết chặt chẽ, thương yêu, thông cảm củng cố lệ làng, bảo vệ thuần phong mỹ tục, giữ cương thường đạo đức, duy trì lễ nghi gia phong. Nhất là ai cũng có tinh thần xây dựng : sống ở làng, sang ở nước. Làng mạnh dân nhờ, dân an cư lạc nghiệp cũng nhờ làng.
Xưa dân làng biết lo xa, tức nghĩ đến công việc phúc đức. Câu ca dao ai cũng nhớ mãi về mục đích của làm việc thiện :
Sướng gì hơn suớng làm lành
Cho bao nhiêu của để dành bấy nhiêu.
Tất cả những sinh hoạt trên kéo dài từ vua Tự Đức tới cuối đời Gia Long. Qua thời Pháp thuộc, sợ là những tổ chức tương trợ là mầm mống chống đối, nên họ đã làm cho dần dần tan biến đi. Thay vào, họ dùng cơ quan từ thiện của Thiên Chúa giáo.
(1) Toan Ánh. Nếp Cũ Làng Xóm Việt Nam. ttr.248.
(2) Toan Ánh. Sđd. Ttr. 190-194)
(3) Tác giả Toan Ánh ghi là Nghĩa Sương.
(4) Nhất Thanh. Đất Lề Quê Thói. tr. 482)
(5) Toan Ánh. Sđd. ttr. 258-261)
(6) Kim Dịnh. An Việt. tr. 11).
(7) Kim Định. Hồn Nước với Lễ Gia Tiên. tr. 62)
Thi Chương