Trương Vĩnh Ký, nhà văn hóa tiên phong
Liễu Trương
Trương Vĩnh Ký, nhà văn hóa tiên phong
Mỗi khi đề cập đến tiến trình văn học Việt Nam, các nhà phê bình văn học thường nhắc đến Tự lực văn đoàn và phong trào Thơ mới như những cái mốc quan trọng không thể bỏ qua được. Họ hoàn toàn có lý, vì đó là những biến cố đánh dấu sự trưởng thành của nền văn học mới của chúng ta. Nhưng bởi đâu mà có được những thành quả rực rỡ của Tự lực văn đoàn và của Thơ mới, trong thập niên 30 của thế kỷ trước ? Đặt câu hỏi như thế có nghĩa nhắc nhở đến một văn tự mà do một sự tình cờ lịch sử đã đưa đến cho dân tộc Việt Nam, tôi muốn nói đến chữ quốc ngữ, tức tiếng Việt ghi âm bằng mẫu tự la tinh. Nhờ chữ quốc ngữ, chúng ta đã từ bỏ hẳn chữ Hán, một văn tự không phải là của ta, từ bỏ chữ Nôm, một thứ chữ muốn dùng được cũng đòi hỏi rất nhiều công. Trong buổi nói chuyện hôm nay, chúng ta không có đủ thì giờ để đi vào chi tiết của nguồn gốc chữ quốc ngữ đã nảy sinh vào thế kỷ 17. Chỉ xin nhắc lại rằng những nỗ lực phân tách ngữ pháp và ngữ âm tiếng Việt ngõ hầu kiện toàn lối viết bằng mẫu tự la tinh, và việc chuyển mẫu tự la tinh cho thích hợp với lối phát âm và thanh điệu tiếng Việt, đều là một công trình tập thể, khó phân biệt phần đóng góp cá nhân. Trong số các vị linh mục thừa sai Bồ đào nha và Pháp có công lớn trong việc hình thành chữ quốc ngữ phải kể các linh mục Dòng Tên : Francisco de Pina, Gaspard de Amaral, Antonio Barbosa và Alexandre de Rhodes. Ngoài ra cũng cần nhắc đến sự đóng góp của các vị tu sĩ Việt Nam. Ở miền Bắc, thầy Bento Thiện, có viết bằng quốc ngữ : Lịch sử nước Annam, năm 1659 (1). Cũng ở thế kỷ 17, linh mục Lữ-Y Đoan là người đầu tiên dịch Thánh kinh ra tiếng Việt, viết bằng quốc ngữ với nhan đề : Sấm truyền ca (2).
Vào hậu bán thế kỷ 19, khi mà chữ quốc ngữ chưa được phổ biến rộng rãi, bị giới nho học khinh miệt và chỉ được dùng trong cộng đồng Thiên Chúa giáo, thì người đã có công trong việc phá đá mở núi, dọn đường cho chữ quốc ngữ phát triển và cho tiền đồ của nền văn học Việt Nam, người đó chính là Jean Baptiste Petrus Trương Vĩnh Ký, thường gọi là Petrus Ký, một nhà Tây học, nho học, nhà biên soạn từ điển và sách giáo khoa, nhà khảo cứu, phiên dịch và cũng là tác giả của một số truyện và ký.
Họ Trương đã để lại cho chúng ta một di sản văn hoá đồ sộ. Ông đã khẳng định vị trí của ông là vị trí của một nhà văn hoá tiên phong qua việc truyền bá chữ quốc ngữ với tờ Gia Định báo, qua sự đóng góp đa dạng và phong phú với 118 tác phẩm thuộc nhiều thể loại và qua việc mở đường cho nhiều lãnh vực văn hoá.
I. TRƯƠNG VĨNH KÝ VÀ VIỆC TRUYỀN BÁ QUỐC NGỮ QUA TỜ GIA ÐỊNH BÁO
Gia Định Báo là tờ báo đầu tiên ở Việt Nam, bằng chữ quốc ngữ, ra đời ngày 15/04/1865, do một người Pháp tên Ernest Potteau làm tổng tài ; qua năm 1869 Trương Vĩnh Ký thay thế Ernest Potteau trong chức vụ này. Ở thời điểm hậu bán thế kỷ 19, đây là một biến cố văn hóa có một tầm quan trọng lớn.
Trước năm 1865 đã có 3 tờ báo ở Nam Kỳ : tờ Le Bulletin Officiel de l’Expédition de la Cochinchine, tờ Le Bulletin des communes và tờ Le Courrier de Saigon.
Le Bulletin Officiel de l’Expédition de la Cochinchine là một tờ báo viết bằng tiếng Pháp dùng làm gạch nối giữa chính quyền Pháp và dân chúng địa phương.
Tờ Le Bulletin des communes viết bằng chữ Hán, được gởi đi khắp các làng xã để người dân được biết những quyết định và những cải cách của chính quyền mới.
Tờ Le Courrier de Saigon, ngoài việc cho đăng những công văn, nghị định của chính quyền Pháp và những tin tức địa phương, còn đề cập đến những vấn đề có tính cách xã hội.
Tuy nhiên, vì vấn đề ngôn ngữ, 3 tờ báo vừa kể không được phổ biến rộng rãi trong dân chúng. Trong tình trạng đó thống đốc Bonard muốn cho ra đời một tờ báo bằng tiếng Việt, do đó ông đặt làm những chữ in ở Pháp để có thể in chữ quốc ngữ. Công việc kéo dài hai năm và được hoàn thành vào năm 1864. Và tờ Gia Định Báo ra đời năm 1865. Trương Vĩnh Ký đã hợp tác và viết trong tờ báo này ngay từ đầu.
Đặc tính của tờ Gia Định Báo
Dưới quyền điều khiển của E. Potteau Gia Ðịnh Báo là một tờ công báo, chuyên đăng những công văn, nghị định và những tin tức trong nước.
Năm 1869, khi Trương Vĩnh Ký làm chủ nhiệm thì nội dung tờ báo phong phú hơn, với những bài nghiên cứu về lịch sử, những mục thơ, chuyện cổ tích v.v...
Ban biên tập gồm có Tôn Thọ Tường, Trương Minh Ký và nhất là Huỳnh Tịnh Của với tư cách là chủ bút. Huỳnh Tịnh Của là một người rất tinh thông Hán học và Tây học, là cột trụ của tờ Gia Ðịnh báo. Ông chuyên viết những bài về chuyện cổ tích Việt Nam, lời văn giản dị bình dân. Cùng với Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của phiên dịch những tài liệu chính thức từ tiếng Pháp sang tiếng Việt. Kể từ đây, Trương Vĩnh Ký có thể mở rộng hoạt động văn hoá với một người bạn đồng hành như Huỳnh Tịnh Của, cả hai cùng một ý chí, quyết tâm đẩy mạnh sự phát triển chữ quốc ngữ, và cả hai đã đánh dấu vai trò lịch sử của tờ Gia Định Báo.
Mục tiêu của tờ Gia Định Báo
Nhà cầm quyền Pháp cho phát hành tờ báo này với mục đích phổ biến trong giới dân bản xứ những tin tức và cho họ kiến thức về văn hóa và về ngành canh nông. Vậy thoạt đầu Gia Định Báo chỉ là một tờ công báo được lưu hành ở các xã thôn. Nhưng từ khi Trương Vĩnh Ký đảm nhận trông nom, tờ báo có một nhiệm vụ khác, đó là :
- Cổ động cho một lối học mới
- Phát triển chữ quốc ngữ
- Khuyến khích dân chúng học chữ quốc ngữ.
Nhà nghiên cứu phê bình văn học Vũ Ngọc Phan nhìn nhận công việc của lớp người đi tiên phong như Trương Vĩnh Ký là một công việc khó khăn : một mặt phải dùng chữ quốc ngữ để truyền bá học thuật tư tưởng Đông Tây trong dân gian, một mặt phải làm thế nào để mọi người học chữ quốc ngữ. Thêm nữa chữ quốc ngữ vào thời đó bị coi thường, rẻ rúng.
Trong bộ sách Nhà Văn Hiện Đại, Vũ Ngọc Phan viết : Vào thời Trương Vĩnh Ký, viết quốc ngữ mà viết văn xuôi, không ai cho là ‘viết văn’ cả. Chỉ có làm thơ nôm là người ta còn chú ý đến, chứ viết quốc ngữ mà viết trơn tuồn tuột như lời nói, ai cũng cho là dễ dàng, đã được kể là ‘văn’ đâu (3).
Trong khi đó Trương Vĩnh Ký chủ trương viết như nói, nói tiếng An Nam ròng, như ông tuyên bố trong lời mở đầu cuốn sách Chuyện đời xưa.
Có thể nói đây là một cuộc cách mạng văn tự. Họ Trương, tuy rất quý trọng những tác phẩm thuộc cổ văn, đã dám đẩy lùi vào quá khứ chữ Hán và chữ nôm dành cho một thiểu số có kiến thức, để phổ biến một văn tự mới mà người dân nào cũng có thể đọc được.
Tờ Gia Định Báo đã mở đường cho báo chí ở trong Nam nói riêng, và trong toàn quốc nói chung. Vì so với miền Bắc thì miền Nam được biết báo chí bằng quốc ngữ sớm hơn 40 năm. Ở miền Bắc, năm 1892 mới có tờ Đại Nam Đồng Văn Nhật Báo, viết bằng chữ Hán. Phải chờ đến năm 1905 mới có tờ báo đầu tiên bằng quốc ngữ bên cạnh những bài bằng chữ Hán : tờ Đại Việt Tân Báo. Như vậy miền Bắc có được tờ báo đầu tiên 27 năm sau miền Nam, nhưng còn phải chờ thêm 13 năm nữa mới thoát khỏi chữ Hán.
Về sau, tờ Đông Dương tạp chí với Nguyễn Văn Vĩnh, số đầu ra năm 1913, và tờ Nam Phong tạp chí với Phạm Quỳnh, số đầu ra năm 1917, đã tiếp tục công việc truyền bá học thuật tư tưởng Đông, Tây, bằng quốc văn lúc đó đã đạt đến một trình độ khá cao nhờ nhiều cây bút xuất sắc.
Âu đó cũng là nhờ tờ Gia Định Báo đã đi tiên phong trong việc truyền bá chữ quốc ngữ.
Cũng cần nhắc lại rằng chữ quốc ngữ được hình thành bằng cách căn cứ trên giọng miền Bắc, nhưng lại được phát triển mạnh mẽ ở miền Nam.
Trương Vĩnh Ký làm chủ nhiệm tờ Gia Định Báo được 5 năm. Qua năm 1874, chính quyền thuộc địa lấy lại tờ báo, và Gia Định báo đã trở lại vai trò đầu tiên là vai trò một tờ công báo, từ 16 trang tờ báo bị rút lại còn 4 trang.
Ngoài Gia định Báo, Trương Vĩnh Ký còn có tập san Miscellanées (Thông loại khoá trình), ra năm 1888, gồm 18 số, đây là một tập san có những bài sưu tầm vui và bổ ích cho mọi lứa tuổi.
Tuy nhiên hoạt động báo chí chỉ chiếm một phần nhỏ trong quá trình hoạt động văn hóa của Trương Vĩnh ký, sự nghiệp của ông là một đóng góp lớn lao vào nền văn hóa Việt Nam.
II. SỰ ÐÓNG GÓP ÐA DẠNG VÀ PHONG PHÚ CỦA TRƯƠNG VĨNH KÝ VỚI 118 TÁC PHẨM THUỘC NHIỀU THỂ LOẠI
Về số lượng sách của họ Trương, Bằng Giang, tác giả cuốn Sương mù trên tác phẩm Trương Vĩnh Ký, đã viết như sau :
Nếu chỉ kể phần số lượng sách đã xuất bản in ty-pô (56 cuốn) tính đến năm 1945, họ Trương đoạt giải quán quân. Nếu kể luôn cả phần đã in hạn chế bằng thạch bản (64 cuốn) phần lớn tại nhà riêng tính đến ngày đất nước thống nhất 1975, ở miền Nam, Trương Vĩnh Ký vẫn không nhường ngôi vị số một cho ai, Hồ Biểu Chánh hay Nguyễn Hiến Lê (4).
Đầu thế kỷ 20, ở miền Bắc có câu phương ngôn lưu truyền như sau : Quỳnh, Vĩnh, Tốn, Tố, nhằm chỉ Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn và Nguyễn Văn Tố là bốn người không những giỏi tiếng Pháp vào bậc nhất mà còn tinh thông Hán học.
Riêng Ứng Hoè Nguyễn Văn Tố (1889-1947) là trợ tá của trường Viễn Đông Bác Cổ tại Hà Nội. Ông là một học giả uyên bác, là người có cái nhìn sáng suốt, nghiêm túc và công bình về tác phẩm của Trương Vĩnh Ký, ông có những nhận xét như sau : Khi lướt qua danh mục những tác phẩm của Pétrus Ký, những tác phẩm này khiến người ta phải ngạc nhiên và gần như khiếp đảm bởi số lượng và tính đa dạng của chúng [...]
Tất cả những sưu tầm của Trương Vĩnh Ký theo đuổi từ buổi thiếu thời đến lúc tàn niên đều có một đối tượng duy nhất là vốn văn chương xưa của Việt Nam mà một phần lớn đã không chịu đựng được sự thử thách của thời gian, nhưng từng mảnh vụn nhỏ đáng được trân trọng thu nhặt (5).
Họ Trương đã để lại 118 tác phẩm lớn nhỏ, cả tiếng Việt lẫn tiếng Pháp, không kể những công trình còn dang dở. Các tác phẩm chính có thể được chia làm 7 loại (6) :
1. Công trình biên soạn sách giáo khoa dạy tiếng Việt cho người Pháp, dạy tiếng Pháp cho người Việt :
- Abrégé de grammaire annamite 1867
- Grammaire de la langue annamite 1883
- Cours pratique de la langue annamite 1868
- Alphabet Quốc ngữ 1876
- Mẹo luật dạy tiếng Pha-lang-Sa 1869
- Alphabet français 1885
- Vocabulaire annamite-français 1887
2. Công trình biên soạn từ điển :
- Dictionnaire Français- Annamite, 1889
- Dictionnaire Chinois-Annamite-Français
- Dictionnaire géographique annamite
- Dictionnaire biographique annamite
3. Công trình nghiên cứu về ngôn ngữ học :
- Etude comparée sur les langues, les écritures, les croyances et les moeurs de l’Indochine (Nghiên cứu đối chiếu các tiếng nói, chữ viết, tín ngưỡng và phong tục của các dân tộc Đông Dương)
- Comparaison des systèmes d’écritures idéographiques, hiéroglyphiques, phonétiques, alphabétiques (Nghiên cứu đối chiếu các hệ thống chữ viết tượng ý, tượng hình, theo ngữ âm và theo vần a,b,c)
- Etude comparée des écritures et des langues de trois branches linguistiques (Nghiên cứu đối chiếu các chữ viết và các tiếng nói của ba phái ngôn ngữ (1894)
- Essai sur la similitude des langues et des écritures orientales (Lược khảo về chỗ giống nhau của các tiếng nói và chữ viết ở phương Đông)
4. Công trình nghiên cứu về lịch sử, địa lý :
- Giáo trình lịch sử An Nam viết bằng tiếng Pháp dưới nhan đề : Cours d’Histoire Annamite à l’usage des écoles de la Basse Cochinchine (Cuốn I 1875, Cuốn II 1877)
- Sử ký Nam Việt
- Sử ký Trung Hoa (1876)
- Giáo trình về địa lý Nam Kỳ (Petit cours de géographie de la Basse Cochinchine) (1875)
5. Công trình dịch sách chữ Hán :
- Tứ thư (Đại Học, Trung Dung 1889)
- Tam tự kinh (1884)
- Minh tâm bảo giám (1891-1893)
- Sơ học vấn tân (1884) (Tóm tắt sử của Trung Quốc và Việt Nam)
- Tam thiên tự (1887)
6. Công trình sưu tầm, phiên âm truyện Nôm và tác phẩm cổ Việt Nam :
- Truyện Kiều (1875)
- Lục Vân Tiên (1889)
- Phan Trần (1889)
- Đại Nam quốc sử diễn ca (1875)
- Lục súc tranh công (1887)
- Nữ tắc (1882)
- Gia huấn ca (1883)
- Hịch Quản Định (1882)
- Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (1887)
- Trung nghĩa ca (1888)
- Cổ Gia định phong cảnh vịnh (1882).
- Gia định thất thủ vịnh (1882)
hoặc những sáng tác dân gian :
- Chuyện đời xưa nhón lấy những chuyện hay và có ích (1866)
- Chuyện khôi hài (1882)
- Hịch con quạ (1883)
- Ước lượng truyện tích nước Nam (1887)
7. Sáng tác thơ văn :
- Ghi về vương quốc Khơ Me (Notice sur le royaume khmer) (1863), là một bài báo 7 trang
- Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất hợi (1881). Bút ký
- Bất cượng chớ cượng làm chi (1882)
- Kiếp phong trần (1882)
- Phú bần truyện diễn ca (1885). Diễn ca
- Cờ bạc nha phiến diễn ca (1885). Diễn ca
- Bài thơ tuyệt mệnh (1898). Bài thơ này viết vào cuối đời đã được nhiều người biết đến vì tác giả đã gửi gắm trong đó tâm sự của mình.
Ngoài ra họ Trương cũng có những đóng góp để giới thiệu con người Việt Nam và văn hoá Việt Nam với người Pháp qua các cuốn : Les convenances et les civilités annamites, Souvenirs historiques de Saigon et ses environs, Dictionnaire biographique annamite.
Với những tác phẩm đa dạng vừa kể, Trương Vĩnh Ký đã đi vào nhiều lãnh vực văn hóa.
III. TRƯƠNG VĨNH KÝ, NGƯỜI MỞ ÐƯỜNG CHO NHIỀU LÃNH VỰC VĂN HÓA
Họ Trương và ngành ngôn ngữ học
Những sách biên soạn, nghiên cứu và những lời chú giải trong các tác phẩm sưu tầm, phiên âm của Trương Vĩnh Ký đã có nhiều đóng góp cho một số ngành khoa học đương thời nhất là ngành ngôn ngữ học và ngành sử học. Số lượng đầu sách về ngôn ngữ học gồm sách giáo khoa, công trình nghiên cứu và từ điển chiếm đa số trong tác phẩm của họ Trương.
Đầu thế kỷ 19, ở Âu châu bắt đầu xuất hiện ngành ngữ pháp đối chiếu (grammaire comparée) (7), với một công trình nghiên cứu ra năm 1816, về việc đối chiếu hệ thống chia động từ của tiếng sanscrit (phạn ngữ theo từ điển Đào Duy Anh) với hệ thống chia động từ của các tiếng Hy lạp, La tinh, Ba tư và Đức, công trình nghiên cứu này được một nhóm người Đức thực hiện mà người đi đầu là Franz Bopp. Đây là bước đầu để đi đến khoa ngôn ngữ học đã phát triển vào đầu thế kỷ 20 với Ferdinand de Saussure.
Có một sự trùng hợp về đường hướng nghiên cứu giữa nhóm nghiên cứu ở Đức, đầu thế kỷ 19, và Trương Vĩnh Ký ở hậu bán thế kỷ 19. Vì cả đôi bên đều tìm một phương pháp đối chiếu để áp dụng cho các thứ tiếng. Chúng ta có thể đặt câu hỏi sau đây : vào thời Trương Vĩnh Ký, ông có phương tiện để đọc các tài liệu về ngành ngữ pháp đối chiếu ở Âu châu không ? Câu hỏi này có phần chính đáng, vì chúng ta còn nhớ năm 1863 Trương Vĩnh Ký đã sang Pháp với sứ bộ Phan Thanh Giản, và trong dịp này ông đã tiếp xúc với văn hóa Tây phương, đã gặp những văn hào Pháp như Victor Hugo, Ernest Renan và nhà biên soạn tự điển trứ danh Emile Littré ; riêng E. Renan chẳng những là một nhà văn, một sử gia mà còn là một nhà ngôn ngữ học. Vậy trong những cuộc gặp gỡ, trao đổi, họ Trương có thể biết được ngành ngữ pháp đối chiếu xuất phát từ nước Đức. Hay là công trình nghiên cứu của ông chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên với công trình nghiên cứu ở Đức ? Có thể nhờ trực giác trí tuệ và do nhu cầu dạy sinh ngữ, họ Trương đã nghĩ ra việc nghiên cứu đối chiếu các chữ viết và tiếng nói chăng ? Dù sao những công trình nghiên cứu của ông cho thấy ông đã đi tiên phong trong lãnh vực ngôn ngữ học ở phương Đông. Ông là một nhà bác ngữ học, theo Jean Bouchot, tác giả cuốn Un savant et un patriote Cochinchinois : Petrus Trương Vĩnh Ký (8), thì họ Trương nói được 15 thứ tiếng gồm sinh ngữ và tử ngữ Đông Tây và viết được 11 thứ tiếng.
Ngoài ngôn ngữ học họ Trương cũng đã đi tiên phong trong nhiều lãnh vực khác.
1. Trước hết ông là người đầu tiên cho in sách bằng chữ quốc ngữ với cuốn Chuyện đời xưa ra đời năm 1866. Đây là ấn phẩm đầu tiên bằng quốc ngữ gồm 74 truyện, đó là những chuyện cổ tích, hứng thú, tiêu biểu cho tinh thần dân tộc mà tác giả đã ghi chép. Phần nhiều là chuyện gây cười. Đối tượng đả kích là những thói hư tật xấu thông thường bị xã hội lên án. Về cuốn sách này họ Trương viết : Người ta dùng sách này mà học tiếng thì lấy làm có ích. Vì trong ấy cách nói là chính cách nói An Nam ròng.
Cách nói An Nam ròng, điều này cho thấy tác giả muốn đặc biệt ưu đãi văn nói hơn là văn viết, vì chính văn nói mới là ngôn ngữ của dân gian.
Cuốn Chuyện đời xưa là một lợi khí để đi đến với người dân bằng chữ quốc ngữ.
2. Với tờ Gia Định Báo, họ Trương là người Việt Nam đầu tiên làm chủ nhiệm một tờ báo, và với tập san Thông loại khoá trình (Miscellanées) họ Trương là người đầu tiên chủ trì một tập san tư nhân để phổ biến văn hoá nước nhà.
3. Họ Trương là người đầu tiên viết sách ngữ pháp Việt Nam bằng tiếng Pháp với cuốn Abrégé de grammaire annamite (Ngữ pháp Việt Nam yếu lược). Cũng xin nhắc lại họ Trương là người đi tiên phong trong lãnh vực tự điển.
4. Họ Trương là người Việt Nam đầu tiên viết sử Việt Nam bằng tiếng Pháp với cuốn Cours d’Histoire Annamite à l’usage des écoles de la Basse Cochinchine (Giáo trình lịch sử An Nam dành cho học sinh các trường học ở Nam Kỳ).
5. Họ Trương là người đầu tiên dịch sách chữ Hán ra quốc ngữ với các cuốn Đại Học, Trung Dung trong bộ Tứ Thư, Tam Tự kinh, Minh Tâm Bửu Giám v.v... Học giả Nguyễn Văn Tố, trong bài tựa cuốn Trương Vĩnh Ký của Lê Thanh đã viết : Về Hán văn, ông (chỉ Trương Vĩnh Ký) có dịch bộ Tứ Thư và quyển Minh Tâm Bảo Giám ra quốc ngữ, kể cũng có công với Hán học khi gần tàn, và tỏ ra là một nhà nho gồm cả văn học Âu Á mà vẫn giữ được tính cách người Đại Nam (9).
Và Nguyễn Văn Tố đã phê bình cách dịch hai cuốn Đại Học và Trung Dung của Trương Vĩnh Ký như sau : Ông đã biết giữ cho những tư tưởng ấy cái vẻ linh hoạt và biết theo cả thể văn mà làm cho câu tiếng Việt đi sát với nguyên văn, không suy chuyển đến văn vẻ, vì ông đã hiểu rằng cái điều thú vị trong Tứ Thư - không kể đến lý thuyết - chính là những cái đột ngột, bất thường, không theo lệ luật câu văn và cái đặc tính ấy cần phải phản chiếu từng li từng tí trong bản quốc ngữ (10).
Công trình dịch thuật của Trương Vĩnh Ký có giá trị ở chỗ là giữa lúc Hán học suy tàn, ông muốn đem tư tưởng Nho giáo dạy cho người dân bằng một thứ văn tự mới. Đó là một cách bảo tồn cổ học để làm cơ bản cho nền văn học mới.
6. Họ Trương là người đầu tiên phiên âm Truyện Kiều ra quốc ngữ, năm 1875, việc phiên âm, chú giải đòi hỏi nhiều công phu. Ông cũng phiên âm các cuốn Lục Vân Tiên, Phan Trần , riêng về cuốn Lục Vân Tiên người đầu tiên phiên âm tác phẩm đó là một người Pháp, tên G. Janneau (1843-1872). Dù sao bản Lục Vân Tiên của Trương Vĩnh Ký cũng đã góp một phần lớn vào việc ổn định văn bản Lục Vân Tiên về sau.
Cũng học giả Nguyễn Văn Tố cho rằng : Những truyện nôm như truyện Kiều, truyện Phan Trần mà ông (chỉ Trương Vĩnh Ký) dịch ra quốc ngữ đầu tiên, tất cũng có chữ sai, nhưng không nên vịn vào đấy mà phê bình vì chữ nôm của ta là một thứ chữ không có tự điển, mỗi người viết một cách, khó lòng đọc cho đúng ngay... (11)
Việc lựa chọn các tác phẩm bằng chữ nôm để phiên âm ra chữ quốc ngữ đã nói lên lòng ngưỡng mộ của Trương Vĩnh Ký, một người Tây học, đối với văn học cổ nước nhà. Lòng ngưỡng mộ đối với văn chương bác học qua Truyện Kiều cũng như đối với văn chương bình dân qua các truyện Lục Vân Tiên, Phan Trần.
7. Họ Trương là người đầu tiên viết văn xuôi bằng quốc ngữ với cuốn Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi và đã mở đường cho thể loại du ký. Năm 1875, đô đốc Duperré giao cho Trương Vĩnh Ký một chuyến công du ra Bắc. Tuy là một công tác do chính quyền thuộc địa áp đặt, nhưng đối với một người thông minh, ham hiểu biết và có óc quan sát một cách khoa học, tinh vi như họ Trương, thì đây là một cơ hội để viếng danh lam thắng cảnh của nơi ngàn năm văn vật và để ghi chép những điều tai nghe mắt thấy, để nghiên cứu địa lý, lịch sử, sinh hoạt xã hội, kinh tế của đất Bắc. Lối viết trong Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi không phải là lối viết của một nhà văn, nhưng cách trình bày rất linh hoạt, hấp dẫn, đã khiến cho tập du ký này thành một tài liệu hữu ích cho ngành khoa học xã hội.
Chúng ta đã thấy họ Trương đi tiên phong trong nhiều lãnh vực. Ông đã mở đường cho những thế hệ sau : người thứ nhì phiên âm, chú giải Truyện Kiều là Nguyễn Văn Vĩnh, họ Nguyễn còn dịch tác phẩm này ra tiếng Pháp, người thứ nhì dịch cuốn Đại Học là Nguyễn Khắc Hiếu cùng với Nghiêm Thượng Văn và Đặng Đức Tô, năm 1922, và hai người dịch cuốn Trung Dung sau họ Trương là Hà Tu Vị và Nguyễn Văn Đang. Sau công trình dịch sách chữ Hán của Trương Vĩnh Ký có Phan Kế Bính dịch những sách như Tam Quốc diễn nghĩa (1907), Đại Nam nhất thống chí (1916), Đại Nam lượt truyện chính biên (1918) v.v... đã nổi tiếng là một dịch giả hay. Sau Tam Tự Kinh quốc ngữ diễn ca của Trương Vĩnh Ký có Tam Tự Kinh của Nguyễn Chánh Sắt và Tam Tự Kinh An Nam của Nguyễn Khắc Hiếu. Cũng sau họ Trương có nhiều bản chú giải về Kim Vân Kiều và Lục Vân Tiên. Và chúng ta có thể ngờ rằng Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi đã ảnh hưởng đến các tập du ký Mười ngày ở Huế và Một tháng ở Nam kỳ của Phạm Quỳnh, viết vào năm 1918 và 1919.
Trương Vĩnh Ký đã tranh đấu suốt đời cho chữ quốc ngữ, gần mười năm sau khi ông mất, Đông Kinh Nghĩa Thục, một tổ chức yêu nước được thành lập tại Hà Nội năm 1907, đã cổ võ dân chúng trong việc học chữ quốc ngữ.
Trương Vĩnh Ký đã dọn đường cho văn hoá Việt Nam ở thế kỷ 20, ông là nhà văn hóa lớn, nhà ngôn ngữ học tiên phong, ông là nhịp cầu cho văn học Hán Nôm xưa cũ chuyển sang văn học quốc ngữ hiện đại. Ông đáng được hậu thế vinh danh, vì trong 35 năm trước tác ông đã vận dụng kiến thức bách khoa của ông để đưa đất nước vào con đường canh tân.
Paris 07-04-2002
Liễu Trương
Chú thích
(1) Võ Long Tê. Dẫn nhập nghiên cứu tiếng Việt và chữ Quốc ngữ. Trung tâm Nguyễn Trường Tộ. Định Hướng Tùng thư, 1997, tr. 49 và 104.
(2) Võ Long Tê. Sđd. tr. 49-50 và 104.
(3) Vũ Ngọc Phan. Nhà Văn Hiện Đại Nxb Văn Học tái bản, 1994, Tập I, tr. 26.
(4) Bằng Giang. Sương mù trên tác phẩm Trương Vĩnh Ký. Nxb Văn Học, 1994, tr. 11.
(5) Bằng Giang, sđd. Tr. 105-106.
(6) Năm xuất bản của mỗi tác phẩm trích theo cuốn sách của Bằng Giang.
(7) Oswald Ducrot, Jean-Marie Schaeffer. Nouveau dictionnaire encyclopédique des sciences du langage. Ed.du Seuil, 1995, tr. 23-27.
(8) Jean Bouchot. Un savant et un patriote Cochinchinois : Petrus Truong Vinh. Nxb Nguyễn Văn Của, 1927.
(9) Nguyễn Văn Tố. Tựa cuốn Trương Vĩnh Ký của Lê Thanh, Bằng Giang, sđd. tr.71.
(10) Kỷ yếu của Hội Trí Tri (Hà Nội). Nguyên văn chữ Pháp trong Bulletin de la Société d’Enseignement Mutuel du Tonkin, Janvier-Juin 1937, Vũ Ngọc Phan sđd. tr. 23.
(11) Bằng Giang, sđd tr. 66-67.