Quan niệm về trời trong Cung Oán Ngâm Khúc
Vân Uyên
Cung Oán Ngâm Khúc là một thiên trường ca gồm 356 câu thơ lục song thất lục bát được viết vào thời hậu Lê cách nay trên hai thế kỷ. Tác giả họ Nguyễn tên Gia Thiều có chiến công được phong tước hầu gọi là ôn Như Hầu. Các sách giáo khoa Việt Văn (thí dụ như của giáo sư Tôn Thất Lương, Dương Quảng Hàm) đều bình luận rất tỷ mỉ về giá trị thơ văn của tác phẩm và cho biết nhiều chi tiết về tác giả.
Là kẻ hậu học người viết bài này đã học được nhiều điều của cổ nhân trong những sách kể trên, nhưng cũng chưa dám chắc đã hiểu tường tận các lời bình giảng trong sách và những ý ôn Như Hầu muốn diễn tả qua vần thơ.
Cung Oán Ngâm Khúc thường được coi như một ngâm khúc tỏ bày nỗi oán hờn than thân trách phận của một phi tần trong cung cấm bị tình phụ. Có người cho rằng tác giả mượn lời cung nữ để nói lên nỗi lòng bị thất sủng của mình. Người khác lại nói chưa chắc đã đúng như vậy. Vì vào thời đó nhiều nhà thơ cũng đã viết những "Cung oán thi", như Vũ Trinh, Nguyễn Huy Lượng, Nguyễn Hữu Chỉnh.
Ngày nay khi đọc lại thiên cổ thi này điều đáng lưu ý không phải chỉ nằm trong tài viết thơ của tác giả, cũng không phải trong sự thông suốt kinh điển thi văn Trung Quốc làm phong phú thơ Việt, nhưng có lẽ nằm trong cái nhìn hay nói đúng hơn trong những câu hỏi không có lời giải về kiếp người, về tạo hóa, về "Trời" của ôn Như Hầu.
Ảnh hưởng của cổ thi và kinh điển
Bản chính ( ?) của Cung Oán Ngâm Khúc viết bằng chữ Nôm, nên những bản quốc văn sau này có nhiều từ ngữ không đồng nhất.
Thí dụ bốn câu sau, từ số 69 đến 72 :
"Mùi tục vị lưỡi tê tân khổ
Đường thế đồ gót rỗ khi khu
Sóng cồn cửa bể nhấp nhô
Chiếc thuyền bào ảnh lô xô gập ghềnh"
(Theo bản của Tôn Thất Lương)
Trong bản của Dương Quảng Hàm, bốn câu trên được ghi như sau :
"Mùi tục lụy lưỡi tê tân khổ
Đường thế đồ gót rỗ kì khu
Sóng cồn cửa bể nhấp nhô
Chiếc thuyền bào ảnh thấp tho mặt ghềnh"
Chỉ bốn câu trong hai bản quốc ngữ (không kể những bản khác) đã gặp bốn danh từ khác nhau (tục vị = tục lụy, khi khu = kì khu, lô xô = thấp tho, gập ghềnh = mặt ghềnh).
Mặt khác, Cung Oán Ngâm Khúc không phải dễ đọc và dễ hiểu. Muốn nhận chân cái hay cái đẹp cái thâm thúy của nhiều câu thơ, phải đọc đi đọc lại, mất nhiều công phu và thì giờ tìm hiểu những danh từ Hán Việt ôn Như Hầu đã dùng để diễn tả ý tưởng, trích trong cổ thi và kinh điển Trung quốc. Thí dụ :
1. Khi tả nhan sắc người cung phi, tác giả đã ví vẻ đẹp này như vẻ đẹp của hoa phù dung hay của đóa hoa lê.
"Vẻ phù dung một đóa hoa tươi" (câu 10)
"Đóa lê ngon mắt cửu trùng" (163)
ý và từ hoa phù dung, hoa lê, lấy ra trong thơ của Bạch Cư Dị (bài Trường hận ca)
"Phù dung như diện liễu như my"
"Lê hoa nhất chi xuân đái vũ"
Mặt đẹp như hoa phù dung, lông my như lá cây dương liễu. Một cành hoa lê thấm mưa xuân.
2.Khi nói về tài của người cung phi, ôn Như Hầu cho rằng văn thơ của nàng còn hơn cả Lý Bạch đệ nhất thi nhân đời Đường và tài hội họa cũng đứng trên Vương Duy danh họa đời Đường.
"Câu cẩm tú đàn anh họ Lý
Nét đan thanh bậc chị chàng Vương" (21-22)
Câu cẩm tú là câu thơ đẹp như gấm thêu.
Nét đan thanh là nét vẽ khi đỏ khi xanh.
3.Khi nói về nỗi buồn thất sủng chờ vua vời, nào ngờ chỉ nghe thấy tiếng dế gọi kẻ lẻ loi một mình trong phòng giọng buồn như cảnh vật mùa thu.
"Ai ngờ tiếng dế ran ri rỉ
Giọng bi thu gọi kẻ cô phòng" (273-274)
Hai chữ "bi thu" lấy từ thơ của Đỗ Phủ.
"Vạn lý bi thu thường tách khách"
Cảnh buồn mà mùa thu thường tách khách xa muôn dặm.
Những thí dụ như trên gặp rất nhiều trong Cung Oán Ngâm Khúc gợi nhớ tới những thơ của Giả Nghị, Trương Hựu, Thôi Hộ, Tiểu Thanh... Hoặc những nghệ sỸ như : Tư Mã Tương Như, Tiêu Lang, Phạm Thận... những danh nhân như Lưu Linh có tài uống rượu, Đế Thích có tài đánh cờ.
Nhiều ý nhiều từ trong Kinh Thi, Kinh Lễ, học thuyết Nho giáo cũng được ôn Như Hầu dùng trong Cung Oán Ngâm Khúc. Thí dụ :
1) Câu 190 nói lên nỗi vui mừng gặp duyên may như tình "cá nước" trong Kinh Thi "Hạo hạo giả thủy, dục dục giả ngư" Mênh mông kia là nước, nhởn nhơ kia là cá.
"Những mừng thầm cá nước duyên may3(190)
2) Hai chữ "hoành môn" trong câu 295 có nghĩa là cửa làm bằng gỗ trong Kinh Thi "Hoành môn chi hạ khả dĩ thê trì" ở chỗ cửa mộc cũng yên phận, có ý nói : cùng nhau chung sống nơi tầm thường.
"Cùng nhau một giấc hoành môn" (295)
3) Hai câu 127-128 lấy từ Kinh Lễ, trời đất có khí âm khí dương nên nam nữ thành vợ chồng là hợp lẽ trời đất.
"Có âm dương có vợ chồng
Dẫu từ thiên địa cũng vòng phu thê"
4) Trong câu 184 "Cam công đặt cái khăn này tắc ơ" hai chữ cam công có người hiểu là bõ công, có người lại giảng là cam lòng chịu mất công. Bốn chữ đặt cái khăn này lấy từ Kinh Lễ : khi sinh con gái đặt một cái khăn bên tay trái cửa phòng, khăn lược chỉ công việc của phái nữ. Hai chữ tắc ơ làm liên tưởng đến hai tiếng tắc lưỡi của người mẹ nói chuyện ơ ! ơ ! với đứa con sơ sinh. Có người lại giảng hai chữ tắc ơ là tiếng thở dài than đã sinh con gái đành chịu vậy.
5) Hai câu kết 355-356 là thuyết Đạo Nho : tuy thất sủng nhưng luôn giữ lòng trung trinh với vua.
"Phòng khi động đến cửu trùng
Giữ sao cho được má hồng như xưa"
Tài của ôn Như Hầu không phải chỉ ngưng lại ở những câu thơ như vừa kể trên. Phần sâu sắc nhất trong Cung Oán Ngâm Khúc là phần tư tưởng, là những câu hỏi về kiếp người về cuộc đời.
"Ngẫm nhân sự cớ chi ra thế (45)
Vắt tay nằm nghĩ cơ trời (47)
Chống tay ngồi ngẫm sự đời" (331)
Nhiều câu thơ thuộc phần tư tưởng thật kỳ diệu vừa có thơ tính vừa có đạo tính tương tự giống lời ca trong các cuốn kinh. Thơ thật thơ, tư tưởng thật tư tưởng. ôn Như Hầu đã làm được việc đem tư tưởng cao siêu của đạo giáo triết lý Đông Phương vào "thơ", nên nhiều câu đời đời còn truyền tụng như câu kinh. ý tưởng thâm sâu, lời thơ thật đẹp.
Trong phần này ôn Như Hầu đã viết những câu thơ rất rÕ nét chịu ảnh hưởng của Phật, Lão, Trang... nhất là ảnh hưởng của Đạo Phật.
Do đó mới đọc thấy trong Cung Oán Ngâm Khúc những câu thơ diễn tả cuộc đời là bể khổ, cuộc đời là giấc mộng, cuộc đời là tiền định.
Thí dụ về cuộc đời là bể khổ.
Nghĩ thân phù thế mà đau
Bọt trong bể khổ bèo đầu bến mê (67-68)
Cánh buồm bể hoạn mênh mang (86)
Chiếc thuyền bào ảnh lô xô gập ghềnh (72)
ôn Như Hầu theo giảng thuyết của Đạo Phật coi đời sống con người trên trần thế giống như cái bèo bọt trôi nổi trong bể khổ vào bến mê. Như báo trước cuộc đời sẽ như vậy, nên khi mới sinh ra tiếng kêu đầu tiên đã là tiếng khóc.
"Thảo nào khi mới chôn nhao
Đã mang tiếng khóc bưng đầu mà ra" (55-56)
Còn trong suốt cuộc đời từ lúc trẻ đến tuổi già liên miên bao nhiêu nỗi khiếp sợ về sự sống, sự chết, bệnh tật, đói nghèo...
"Trắng răng đến thuở bạc đầu
Tử, sinh, kinh, cụ, làm nau mấy lần" (59-60)
Đường đời chồng chất bao nỗi đắng cay :
"Mùi tục lụy dường kia cay đắng" (105)
Tim gan đau đớn vì bệnh trần :
"Bệnh trần đòi đoạn tâm can" (63)
Nghìn lần bị cọ xát, trăm lần bị sứt mẻ (thiên ma bách chiết)
"Đòi những kẻ thiên ma bách chiết"
Hình thì còn bụng chết đòi mau !" (53-54)
Theo đuổi cái bả vinh hoa phú qúy (81-82), gót chân thấm bùn (70), tóc rụng gần hết (61) chẳng qua chỉ giống như :
"Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương" (76)
Vân cẩu = mây chó (thơ Đỗ Phủ : Trên trời mây nổi như tà áo trắng, bỗng hóa thành hình chó xám)
Thời gian một đời người thoáng mất như qua cửa sổ :
"Bóng câu thoáng bên mành mấy nỗi" (353)
Rồi cuối cùng chẳng được gì ngoài nấm mồ cỏ mọc xanh rì.
"Trăm năm còn có gì đâu
Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì" (103-104)
Những danh từ được dùng (bể khổ, bến mê, nước dương, bào ảnh = cái bèo cái bọt, thất tình = bảy tình của con người, hoa đàm, đuốc tuệ, tiền nhân, hậu quả...) đều là những điển trong các Kinh Phật (như Kinh Kim Cương Bát Nhã, Pháp Hoa Kinh, Hoa Nghiêm Kinh, Truyền Đăng Lục...)
ý tưởng cuộc đời dưới trần là bể khổ vẫn thấy trong câu thơ viết gần đây. Thí dụ trong bài thơ của nữ thi sĩ Nguyễn Thị Thục tưởng nhớ nữ thi sĩ Ngọc Quỳnh :
Trần gian khổ hải,
Trần gian này quên hẳn
Nhớ đừng bao giờ ngoảnh lại
Chốn trần gian trầm luân khổ ải ..."
(Nội san Y Giới Paris, số 12, tháng 4-2001, trg. 22)
2. Thí dụ về cuộc đời là một giấc mộng.
"Kìa thế tục như in giấc mộng" (49)
Những vần thơ trong Cung Oán Ngâm Khúc coi thời gian được hưởng niềm vui sung sướng trong cuộc đời thoáng đến thoáng đi như một giấc mộng dựa vào những điển của Tô Đông Pha, Trang Chu, Lý Công Tá (bài Ký Nam Kha Mộng)
Ngay cả tình yêu cũng chỉ được coi như một giấc "mộng xuân" ngắn ngủi khi mất đi muốn đem ngàn vàng mua lại cũng không được.
"Dẫu mà ai có nghìn vàng
Đố ai mua lấy được một tràng mộng xuân" (175-176)
Đêm ngủ chiêm bao hồn thành bướm nhởn nhơ đó đây, khi tỉnh giấc thấy vẫn là người lòng tiếc ngẩn ngơ.
"Khi bâng khuâng hồn bướm vẩn vơ" (218)
Mọi sự việc ở đời đều vô nghĩa giống như giấc mộng Nam Kha vô tình.
"Giấc Nam Kha khéo bất tình
Bừng con mắt dậy thấy mình tay không" (83-84)
Thi nhân hải ngoại ngày nay như nữ thi sỸ Minh Châu cũng viết những câu thơ tả cuộc đời là giấc mộng :
"Đời là giấc mộng triền miên" (trích trong thi tập "Nhớ Thương", năm 1999, trang 54, câu 11)
3. Thí dụ về cuộc đời là một tiền định.
"Vẻ chi ăn uống sự thường"
Cũng còn tiền định khá thương lọ là" (51-52)
ý này lấy từ sách Mạnh Tử : Nhất ẩm nhất trác sự giai tiền định (một cái uống một cái ăn đều được định trước). Cái ăn cái uống là sự thường còn được định trước huống hồ bao việc lớn nhỏ khác trong đời thảy đều như đã được sắp xếp theo hướng tiền định của một định mệnh khắc nghiệt không sao cưỡng lại.
Chính vì coi đời như kiếp phù sinh (102), một tuồng huyễn hóa (101) một bệnh trần đòi đoạn tâm can (63), vui gì thế sự mà mong nhân tình (112), nên trong Cung Oán Ngâm Khúc đã có sáu câu thơ tỏ ý muốn đi tu. Vừa tu Phật, vừa tu tiên theo Đạo Lão. Tu Phật để dứt mối thất tình làm duyên với hoa đàm đuốc tuệ. Tu tiên để thoát trần vui với thiên nhiên trăng thanh gió mát.
"Thà mượn thú tiêu dao cửa Phật
Mối thất tình quyết dứt cho xong (109-110)
....
Lấy gió mát trăng thanh kết nghĩa
Mượn hoa đàm đuốc tuệ làm duyên
Thoát trần một gót thiên nhiên
Cái thân ngoại vật là tiên trong đời" (113-116)
Nhưng không phải ai muốn đi tu là cũng tu được đâu ? ôn Như Hầu trong hai câu thơ nêu sau hầu như cảm thấy trên con người còn có một sức mạnh thần bí chi phối kiếp người mà con người tự mình không thể hiểu thấu.
"Cái quay búng sẵn trên trời
Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm" (91-92)
Ba chữ "cái quay búng" mỗi người hiểu một khác. Giáo sư Nguyễn Huy Bảo trong cuốn sách "Nhân bản Thiên Chúa Giáo" (trang 76 và 24) giảng "cái quay búng" trong Cung Oán Ngâm Khúc là Trời (viết chữ hoa). Giáo sư Tôn Thất Lương lại giảng "cái quay" là luân hồi của Đạo Phật. Chỉ có ba chữ mà ai muốn hiểu thế nào cũng được. Thật kỳ diệu thay lời thơ! Nếu chỉ có ba chữ "cái quay búng" thôi, có thể hiểu là sự "may rủi", như con thò lò lúc ngả mặt lúc này lúc ngả mặt khác. Nếu thêm chữ "sẵn" thành "cái quay búng sẵn", có thể là "tiền định".Nếu lại thêm hai chữ "trên trời" cái tiền định này ở ngoài tầm con người không phải ở dưới trần nhưng ở trên trời.
"Cái quay búng sẵn trên trời" chi phối ra sao? Trí người không ai thấu hiểu chỉ thấy "mờ mờ nhân ảnh". Con người mò mẫm tìm ngược xuôi trong bóng tối "như người đi đêm" không biết đi về đâu. "Máy huyền vi mở đóng khôn lường"
Quan niệm về Trời
Tại sao lại như vậy ? Tạo sao đời người lại gặp nhiều oan trái khó hiểu nhứ thế ? ôn Như Hầu đã đặt những câu hỏi trong Cung Oán Ngâm Khúc :
Ai bày trò bãi bể nương dâu ? (58)
Ai mang nhân ảnh nhuốm mùi tà dương ? (80)
Đằng sau những câu hỏi vượt qua ảnh hưởng của Phật, Nho, Lão, Trang... thấy ẩn hiện quan niệm về Trời của ôn Như Hầu, của thời đại ôn Như Hầu.
Ngày nay mặc dù trào lưu văn hóa thực tiễn tây phương và ảo ảnh duy vật vô thần, quan niệm này chưa biến mất vẫn còn tồn tại trong tiềm thức đa số dân gian Việt Nam. Bởi vì dễ gì một sớm một chiều có thể sóa bỏ những niềm tin vừa có đông-phương-tính vừa có việt-nam-tính đã được tích lũy bám rễ vào tâm hồn từ ngàn năm. Thí dụ :
Khi nghĩ về cuộc sống đã qua và đoạn đường còn lại, một nữ thi sỸ hỏi trời : sao chỉ gặp lạnh lùng ? mong đợi gì ở tương lai ? Trong bài "Xin hỏi Trời" :
".......
Xin hỏi trời... gió lạnh lùng thổi lại.
Mai mốt rồi... mây trắng nhẹ nhàng bay.
...... "
(Tâp san Ngày Mới,
số 32, tháng 1-2/1999, trg. 25.
(BíCH XUÂN)
Quan niệm về Trời trong Cung Oán Ngâm Khúc cũng như trong tâm hồn VN có thể tóm tắt như sau :
Trong trời đất có hai thế giới khác nhau, một thế giới nhìn thấy của loài người và một thế giới vô hình của các vị thần và các linh hồn.
Tuy khác nhau nhưng không riêng biệt, trái lại có liên quan mật thiết với nhau. Đứng đầu thế giới vô hình là một Đấng có quyền tối thượng định đoạt hết mọi việc trên trời và dưới đất. Đấng này được gọi là Trời (viết chữ hoa) hay "ông Trời".
Trong Cung Oán ngâm Khúc có 12 câu thơ dùng đến chữ "trời". Nhưng chỉ có 5 câu trong đó chữ "trời" có thể viết chữ hoa theo quan niệm như trên. Còn trong những câu khác chữ "trời" có thể dịch theo danh từ Pháp : ciel, nature, soleil, roi. Thí dụ :
1.Ciel : Lửng da trời, nhạn ngẩn ngơ sa (18)
Cái quay búng sẵn trên trời (91)
2.Nature : Hương trời đắm nguyệt say hoa (19) Hương trời sá động trần ai (43)
3.Soleil : Hang sâu chút hé mặt trời lại giâm (208)
4.Roi :Trên chín bệ mặt trời gang tấc (17)
Trong gang tấc mặt trời xa mấy (309)
Còn những câu trong đó chữ Trời có thể viết hoa là những câu số 89, 119, 129, 195, và 289 :
Quyền phúc họa trời xanh mất cả (89)
Ai ngờ trời chẳng cho làm (119)
Đường tác hợp trời kia giong ruổi (129)
Thôi đi đâu biết cơ trời (195)
Ví sớm biết lòng trời đeo đẳng (289)
Đấng "Trời" này sống đời đời hạnh phúc vô biên vô tận ở nơi trời cao cùng với các thần tiên trong đền đài cung điện nguy nga được gọi là "thiên cung". Vị thần tiên nào mắc tội bị trừng phạt bắt phải xuống trần đền tội sống kiếp người đau khổ trong vòng sinh tử.
"Hay thiên cung có điều gì
Xuống trần mà trả nợ đi cho rồi" (123-124)
Trong Cung Oán Ngâm Khúc "Trời" cũng được gọi là tạo hóa, hóa công hay con tạo trong những câu sau :
Trộm nhớ thuở gây hình tạo hóa (9)
Tay tạo hóa cớ sao mà độc (329)
Trẻ tạo hóa đành hanh quá ngán (73)
Hóa công sao khéo trêu ngươi (259)
Thử xem con tạo gieo mình nơi nao (132)
Nào hay con tạo trêu ngươi (207)
Khi đọc 11 câu thơ trên thấy nổi bật những điểm chính của quan niệm về Trời trong Cung Oán Ngâm Khúc.
Điểm thứ nhất : Cung Oán Ngâm Khúc công nhận trên người còn có Trời, còn có một thế giới siêu nhiên.
Điểm thứ hai :Trời là tạo hóa, Trời tạo dựng ra con người và tất cả mọi sự trong trời đất.
"Trộm nhớ thuở gây hình tạo hóa"(9)
"Lò cừ nung nấu sự đời"(75)
Hai chữ "lò cừ" lấy từ điển bài phú của Giả Nghị (Thiên địa vi lô hề, tạo hóa vi công). Trời đất là cái lò lớn tạo hóa dùng để tạo dựng muôn vật.
Điểm thứ ba : Trời là nguồn của phúc họa. Con người không được dự phần vào việc hưởng phúc gặp họa của đời mình.
"Quyền phúc họa trời tranh mất cả
Chút tiện nghi chẳng trả phần ai" (89-90)
Điểm thứ tư : Trời là cội rễ của định mệnh tiền định. Trên đường đời mọi sự đều đã định trườc. Con người muốn làm khác đi cũng không được. Định mệnh lúc nào cũng giong ruổi, đeo đẳng, chẳng cho làm.
"Đường tác hợp trời kia giong ruổi (129)
Ví sớm biết lòng trời đeo đẳng (289)
Ai ngờ trời chẳng cho làm" (119)
Điểm thứ năm : Con người không thể nào hiểu thấu việc làm của Trời.
"Thôi đi đâu biết cơ trời" (195)
6.Điểm thứ sáu : Trời đối với con người nhiều khi độcác chẳng khác chi đứa trẻ đành hanh, trêu ngươi, mà chơi.
"Tay tạo hóa cớ sao mà độc (329)
Trẻ tạo hóa đành hanh quá ngán (73)
Hóa công sao khéo trêu ngươi (259)
Nào hay con tạo trêu ngươi (207)
Chết người trên cạn mà chơi (15)
ý câu chót lấy từ chữ "lục trầm" của Trang Tử (lục= cạn, trầm = chết đuối).
Nói ngắn lại sau khi coi cuộc đời là bể khổ, một giấc mộng, một định mệnh, tác giả Cung Oán Ngâm Khúc nhận biết có Trời. Nhưng cho cảm tưởng như người chưa thỏa mãn còn đang đi tìm ý nghĩa của đời người, của mối liên quan giữa người và Trời, đặt nhiều câu hỏi không có lời giải nên đành chịu phó mặc cho định mệnh.
"Thôi thôi ngảnh mặt làm thinh
Thử xem con tạo gieo mình nơi nao ?" (131-132)
Trời và mạc khải
Lẽ cố nhiên Trời của Cung Oán Ngâm Khúc không phải là Trời trong các sách kinh Thiên Chúa Giáo. Tuy cả hai đều được gọi là Tạo Hóa, đều ở nơi cao nhất trên các tầng trời và đều có những mối liên quan mật thiết với đời người.
Trời của Cung Oán Ngâm Khúc nhất định không phải Trời trong Tân Ước, trời của thương xót và tình yêu.
Nhưng Trời khắc nghiệt của Cung Oán Ngâm Khúc phần nào làm liên tưởng tới Trời trừng phạt trong Cựu Ước.
Trời và Thiên Cung của Cung Oán Ngâm Khúc không phải là Trời và Nước Trời của Thánh Kinh, nhưng phải chăng đó cũng là những cánh cửa tâm linh đã hé mở để sẵn sàng đón gió thần linh thổi tới ?
Con người dù thông minh thông thái đến đâu tự mình không thể nào tìm biết Trời là ai ?
Chuyện Trời chỉ có Trời biết. Nếu Trời im lặng không lên tiếng, con người sẽ không bao giờ biết chuyện Trời như thế nào ?
Chỉ còn biết mơ mộng tưởng tượng về một chân lý không bao giờ tìm thấy.
Chữ "Trời" viết chữ hoa có nghĩa tương đương với danh từ Thượng Đế, Đức Chúa Trời, Thiên Chúa để dịch danh từ Pháp : "Dieu".
Trong các đạo giáo chỉ riêng Kitô giáo mới thấy đề cập đến sự kiện Trời tự mình đến để nói cho con người biết Trời là ai.
Sự kiện này được gọi là "mạc khải" danh từ Pháp : (révélation). Vì vậy Kitô giáo là tôn giáo của mạc khải.
Con người không còn phải tưởng tượng về Thiên Chúa. Vì chính Thiên Chúa đã cho con người những hiểu biết về Thiên Chúa, về ý nghĩa của cuộc đời (tạo hóa, đau khổ, sống chết, oan trái, phúc họa, thiên ác, chân lý, ảo tưởng, thập tự, người mới, đất mới, trời mới...)
Dưới ánh sáng của mạc khải, những câu hỏi trong Cung Oán Ngâm Khúc sẽ thấy hướng ý nghĩa trong niềm vui hy vọng vào Trời và Người ở bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc sống.
Không còn phải : "Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm"
Để tìm xem : "Ai bày trò bãi bể nương dâu"
Ai mang nhân ảnh nhuốm mùi tà dương"
Vân Uyên