Căn tính người công giáo việt nam
Quyên Di
CĂN TÍNH
Trong chữ kép "căn bản" thì "căn" có nghĩa là "rễ" còn "bản" có nghĩa là "gốc". Có gốc, có rễ thì sẽ có cây. Cây mọc ra cành, ra lá, đơm hoa, kết trái. Bứt hoa, hái trái, cây vẫn là cây; ngắt hết cả lá, cây vẫn là cây. Nhưng nếu chặt gốc, nhổ rễ thì cây chết, không còn là cây nữa. Nếu cứ cố tình gọi là cây thì người ta phải nói đó là cái "cây chết".
Như thế, "căn tính" là cái tính chất gốc rễ, cái tính chất chính của con người. Mất những cái ngoại nhập, cho dù đó là những tư tưởng ảnh hưởng sâu xa đến người ấy đi nữa, người ấy vẫn là người ấy. Nhưng nếu mất đi cái tính chất chính, cái "căn tính", thì người ấy không còn là người ấy nữa, mà biến thể thành một người khác. Con người thật của người ấy đã chết.
"Căn tính" của một dân tộc làm nên văn hóa của dân tộc ấy. Nó tạo thành nếp cảm, nếp nghĩ, nếp sống của dân tộc. "Căn tính" của người Việt Nam tạo thành "văn hóa Việt Nam", chứ không phải tư tưởng Khổng Mạnh, tư tưởng Trung Hoa hay "văn minh Tây phương" làm nên văn hóa Việt Nam, cho dù tư tưởng Khổng Mạnh, tư tưởng Trung Hoa hay văn minh Tây phương từng thời đã ảnh hưởng lớn trên nếp sống người Việt Nam.
"Căn tính" của người Công giáo làm nên "văn hóa" của người tín hữu Công giáo, nó làm nên nếp cảm, nếp nghĩ, nếp sống của người Công giáo. Người Công giáo có thể chịu ảnh hưởng của nhiều trào lưu tư tưởng trên thế giới, trải qua nhiều thời đại, tuy nhiên những trào lưu tư tưởng ấy không làm nên người Công giáo. Bỏ những tư tưởng ấy đi, người Công giáo vẫn là người Công giáo, nhưng nếu bỏ những cái được gọi là "tính chất gốc rễ", tính chất chính của người Công giáo thì người Công giáo ấy không còn là người Công giáo nữa, hay chỉ là "Công giáo áo ba-đờ-suy", "Công giáo jacket" thôi.
Như thế, người Công Giáo Việt Nam có hai cái rễ chính : rễ Việt Nam và rễ Công Giáo. Nếu hai cái rễ này mà mọc ngược chiều nhau, mỗi cái rễ kéo cái cây "Người Công Giáo Việt Nam" về một nẻo thì khổ lắm. May mắn làm sao, hai cái rễ ấy lại đồng thuận với nhau, bổ túc cho nhau, đâm sâu xuống lòng đất cùng chiều với nhau, khiến cho cái cây "Người Công Giáo Việt Nam" càng ngày càng vững chắc, càng phát triển cành lá sum suê. Giữ được cả hai cái rễ ấy, người Công Giáo Việt Nam sẽ sống mạnh, sống vững. Mất một trong hai cái rễ ấy, người Công Giáo Việt Nam sống thiên lệch và kém phát triển. Mất cả hai cái rễ ấy thì... ôi thôi ! Không còn là người Công Giáo Việt Nam nữa, mà người ấy đã biến thể rồi, hay là còn đi lại, nói năng sờ sờ ra đấy, nhưng thật ra thì đã chết rồi !
CĂN TÍNH VIỆT NAM
1. Tuổi ta, tuổi tây
Nếu có ai hỏi một bà mẹ về đứa con của bà ấy : "Cháu lên mấy rồi bà ?" Bà ấy sẽ trả lời một cách hãnh diện : "Dạ, nhờ trời cháu nó lên tám tuổi tây, còn tuổi ta thì đã lên chín rồi đấy ạ !" Tại sao có chuyện một đứa bé lại mang hai thứ tuổi thế nhỉ, mà tuổi nọ lại hơn tuổi kia một năm mới quái ! Thưa, là vì người mẹ này, cũng như mọi người Việt Nam, trong căn tính là "tôn trọng sự sống, bảo vệ sự sống". Ở bên Mĩ có cuộc tranh đấu dai dẳng giữa hai phong trào "pro choice" và "pro life". "Pro choice" thì chọn lựa tự do phá thai, giết chết thai nhi. "Pro choice" lí luận rằng thai nhi chưa sinh ra đời thì chưa có sự sống, chưa phải là người. "Pro life" thì cương quyết bảo vệ sự sống, bảo vệ thai nhi. "Pro life" cho rằng thai nhi khi vừa được tượng hình trong lòng mẹ thì đã có sự sống, đã là người rồi. Tuổi ta hơn tuổi tây, vì theo "căn tính", người Việt Nam coi ngót một năm em bé ở trong bụng mẹ đã là người rồi, thành ra khi vừa sinh ra thì đã lên 1 tuổi. Bởi thế, theo "căn tính" thì nhất định người Việt Nam phải "pro life", nếu "pro choice" thì mất căn tính Việt Nam rồi.
2. Chúc tuổi, mừng tuổi
Lại nói về tuổi. Mỗi năm vào đúng ngày sinh của mình, người Tây phương mừng "birth day", mừng ngày mình sinh ra. Hỏi rằng Việt Nam ta có thói quen mừng "birth day" không ? Trả lời là không thì cũng không đúng, mà trả lời là có thì cũng không đúng. Thật ra theo phong tục thì người Việt Nam không mừng "birth day" cá nhân từng người, nhưng mừng "birth day" tập thể thì có đấy, hay nói khác đi là cả nước mừng "birth day" chung một ngày, đó là ngày Tết Nguyên Đán.
Cái ngày Tết đầu năm này thật lạ lùng và mang nhiều ý nghĩa. Trong đó việc chúc tuổi, mừng tuổi có ý nghĩa khá đặc biệt. Trẻ già lớn bé, nam phụ lão ấu, không cần biết đã được sinh ra vào ngày nào, tháng nào, cứ đến ngày Tết Nguyên Đán là coi như được thêm một tuổi. Do đó kẻ dưới thì chúc tuổi người trên, người trên thì mừng tuổi kẻ dưới. Đây là sự hiểu hiện tính cộng đồng và bình đẳng cao độ nhất .
Lại nói thêm về cái tính cộng đồng và bình đẳng theo căn tính của người Việt Nam trong ngày tết. Đây là những ngày ai cũng được quyền nghỉ ngơi, vui chơi, no đủ. Bởi vậy ông thầy bói... mò mới bói một câu vô thưởng vô phạt như thế này : "Số cô không giầu thì nghèo, ngày ba mươi tết thịt treo đầy nhà". Đúng quá rồi ! Giàu hay nghèo thì ngày tết cũng có thịt ăn. Thế rồi ông Tú Xương thì nói : "Chẳng phong lưu cũng ba ngày tết, kiết cú như ai cũng rượu chè". Ngày tết thì không có đẳng cấp thứ bậc "con nợ", "chủ nợ" gì cả. Đòi nợ lúc nào thì đòi, cấm đòi trong ngày tết. Thế mới vui chứ !
3. Cái bàn thiên
Ca dao Việt Nam có câu : "Đêm đêm ra thắp đèn trời, cầu cho cha mẹ sống đời với con". Cái chữ "thắp đèn trời" này có thể hiểu nhiều cách : là thắp đèn mà hướng về Trời ; là nhìn những ngôi sao trên trời mà tưởng tượng đó là đèn của Trời, rồi thắp "ké" ; là thắp ngọn đèn trên cái bàn thờ Trời.
Cách hiểu thứ ba có lẽ cụ thể và đúng nhất. Nhà người Việt Nam, đặc biệt ở miền quê, thường có cái bàn thiên ở trước cửa nhà hay trong vườn sau. Cái bàn rất đơn sơ, chỉ có một cái chân gỗ, đội một cái mặt cũng bằng gỗ. Ở trên có đĩa đựng hoa quả, một bát cắm nhang và đôi khi có một cái đèn dầu. Sáng chiều, người ta ra cái bàn ấy, bày hoa trái, thắp nhang, thắp đèn rồi xá xá lạy lạy, miệng lẩm bẩm cầu xin Trời ban phước cho gia đình mình.
Cái bàn thiên mộc mạc và cử chỉ đơn sơ ấy nói lên cái đạo của người Việt Nam : Đạo thờ Trời. Người ta tin có Trời, và trong mọi hoàn cảnh đều trông cậy Trời giúp ; được cái gì thì tin là do Trời ban cho. Tôn giáo nào du nhập Việt Nam mà không có Trời, người Việt mình liền thêm Trời cho tôn giáo ấy. Đạo Công giáo vào Việt Nam thì vốn đã có sẵn Đức Chúa Trời rồi nên không cần phải thêm Trời nào khác vào nữa.
4. Áo dài, phở, cá lóc nướng trui, hột vịt lộn
Mấy thứ kể trên có liên quan gì với nhau và có liên quan đến căn tính của người Việt Nam không ? Thưa, có hẳn đi chứ.
Áo dài Việt Nam, so với quốc phục các xứ khác thì xem như đơn sơ nhất, nhưng lại nổi bật nhất. Áo dài vừa kín đáo vừa phô bày, vừa đoan trang vừa khêu gợi. Áo dài mềm mại hợp với thân hình mềm mại của phụ nữ Việt Nam. Áo dài mềm mại cũng cần phải được mặc chung với quần lụa mềm, quần sa tanh trơn, chứ không thể mặc với quần "pat" may bằng vải cứng cho đỡ phải ủi. Mặc như vậy là phá vỡ mất cái thế hòa hợp của áo dài.
Phở là món ăn Việt Nam đang chinh phục thế giới. Tây, Tàu, Mĩ, Nhật, Đại Hàn, Mễ, Lào, Cao Bốt... đều thích ăn phở. Phở là món tổng hợp mùi, vị, màu sắc. Bát phở được bưng lên, khói nóng bốc nghi ngút, thơm lừng. Lấy thìa múc tí nước dùng mà nếm nhé. Nó ngọt, thơm, bùi, béo một cách đặc biệt khó tả. Vắt thêm tí chanh, cho vài lát ớt đỏ tươi, ngắt vài lá húng cho vào bát, nếu cần thì thêm tí nước mắm, rắc tí hạt tiêu, thế là có một bát phở ngon lành. (Còn tương đen, tương đỏ, giá sống, giá trụng, ngò gai là những... phụ tùng thêm vào sau, tùy khẩu vị, phở "chính thống" thì không có). Một tổng hợp màu sắc hiện ra trước mắt: nước dùng vàng hanh, bánh phở trắng tươi, hành và rau húng xanh ngăn ngắt, thịt tái tươi hồng, thịt chín nâu sậm, ớt đỏ như son. Đẹp quá sức. Ăn một bát phở như thế làm sao mà không mê cho được.
Cá lóc nướng trui (theo kiểu miền quê) là đắp bùn bên ngoài con cá lóc, thảy vào đống lửa than cháy hồng. Trong khi chờ đợi cá chín thì đốn một tàu lá chuối, vào vườn quơ một nắm rau thơm đủ loại, với lại ớt và rau sống nữa, giã sẵn đậu phụng, đâm sẵn nước mắm hay pha sẵn mắm nêm. Đừng quên bánh tráng. Bao giờ con cá hồng lên như cục than là được. Đem cá ra, gỡ lớp đất bọc bên ngoài đi. Con cá bây giờ trắng tinh, thơm phưng phức. Dọn tất cả lên tàu lá chuối, rưới hành mỡ, rắc đậu phụng lên con cá ; lấy bánh tráng, rau sống, rau thơm cuốn miếng cá lại, chấm đẫm nước mắm đâm hay mắm nêm mà ăn. Bảo đảm ngon can không nổi. Món cá lóc nướng trui là tổng hợp hương hoa đồng nội một cách vừa hài hòa vừa... ác liệt. Dân nhậu với vài chai "nước mắt quê hương" mà gặp món này thì trời gầm cũng không bỏ.
Còn hột vịt lộn ! Món này người Phi Luật Tân cũng mê lắm, họ cho là ngon nhất trên đời. Người Phi gọi hột vịt lộn là "bờ lút". Vì hột vịt lộn ngon quá, đáng mê quá nên "bờ lút" biến nghĩa thành, tốt, khỏe, trôi chảy v.v... Gặp nhau mà hỏi "bờ lút" không, có nghĩa là hỏi nhau có khỏe không, làm ăn có phát tài không, công việc có trôi chảy không.
Người Việt ăn hột vịt lộn cầu kì hơn nhiều. Hột vịt lộn mà không có kèm theo muối tiêu và rau răm thì coi như... đồ bỏ, chẳng có "bờ lút, bờ liếc" gì hết. Nhưng tại sao lại phải ăn hột vịt lộn với muối tiêu và rau răm ? Đây là một sự tổng hợp, hài hòa kì diệu.
Hột vịt lộn ngon và bổ lắm, nhưng có hai tính chất : hàn (lạnh) và khích dục. Thế thì hạt tiêu nóng để quân bình cái hàn, còn rau răm là một vị có tính tiết dục để quân bình cái "của" kia. Thế là vừa ngon, vừa bổ mà lại vừa... lành, không gây phiền toái gì cả !
Áo dài, phở, cá lóc nướng trui, hột vịt lộn, như thế, đều biểu lộ cái căn tính "uyển chuyển, hòa hợp" của người Việt Nam ta. Chính cái căn tính này giúp cho người Việt khi ra nước ngoài, sống trong một xã hội mới, chung đụng với những sắc dân khác, giữ được sự hòa hợp và thích nghi nên thành công hơn một số sắc dân khác.
5. Ông bà, cha mẹ, anh chị em, chú bác, cô dì, cậu mợ...
Ý tôi muốn nói đến hệ thống danh xưng của người Việt Nam. Hồi nhỏ, mỗi dịp lễ tết, họ hàng đến nhà đông đảo, tôi không biết chào hỏi như thế nào, mà chào sai thì bị mắng. Tôi đành đứng yên một chỗ, cúi đầu xoay một vòng cho tiện.
Người Việt có một hệ thống danh xưng rất chi tiết, có danh xưng riêng cho từng thứ bậc. Khi người ta trọng cái gì thì thường nói về cái ấy rất rất chi tiết, hoặc trang trí, tô điểm rất kĩ lưỡng. Trọng cái nhà thì trang hoàng cái nhà cho thật đẹp, thật sang, trọng cái xe thì gắn đủ các thứ cho cái xe, trọng ai thích ai thì nghĩ nhiều về người ấy hay nói nhiều về người ấy. Người Việt trọng đời sống gia đình, gia tộc thì có những danh xưng rất đầy đủ, riêng biệt cho từng nhân vật trong gia tộc.
Giới trẻ Việt Nam ở hải ngoại sở dĩ thành công rực rỡ về mặt học vấn, phần lớn cũng là nhờ sự nâng đỡ của gia đình, nhờ cha mẹ hi sinh vất vả bù trì cho. Người Việt nhanh chóng mua xe, tậu nhà cũng là nhờ anh chị em, họ hàng tương trợ lẫn nhau.
Tâm tình trọng đời sống gia đình, gia tộc, khi được thăng hoa lên đến nguồn gốc của gia đình, gia tộc mình thì làm nên đạo ông bà. Đó là đạo rất Việt Nam.
Tóm lại thì tính chất tôn trọng, bảo vệ sự sống ; thờ Trời ; sống tinh thần cộng đồng và bình đẳng ; uyển chuyển hòa hợp và trọng nếp sống gia đình, tình gia tộc là những căn tính của người Việt Nam. Dù ra nước ngoài, người Việt vẫn đem theo những căn tính đó.
CĂN TÍNH CÔNG GIÁO
1. Phép rửa
Phục Sinh năm 2002, tôi dự lễ vọng tại nhà thờ một cộng đồng người Mĩ. Trong đêm ấy có nghi lễ rửa tội để gia nhập đạo Công giáo. Vị linh mục chủ sự hỏi từng người với một giọng trầm tĩnh nhưng rõ ràng và có vẻ thách đố : "Anh (Chị) có thực sự muốn rửa tội để gia nhập đạo Công giáo không ?" Khi thấy ứng viên gật đầu một cách cả quyết, vị linh mục đưa tay mời ứng viên tiến tới và bước... vào giếng rửa tội. Thế rồi một tay ngài dìm ứng viên trầm mình xuống nước, tay kia đỡ lưng ứng viên và thoáng chốc nâng ứng viên dậy.
Nước mắt tôi tự nhiên tràn ra. Phép rửa tội là cánh cửa đưa một người vào đạo Công giáo trở thành con cái Chúa. Làm con Chúa là một quà tặng lớn lao quá, nhưng để nhận lãnh món quà ấy, ứng viên cũng cần một thái độ can đảm, dứt khoát, quả quyết.. Phép rửa tội là dấu hiệu rõ rệt ghi nhận một người thực sự gia nhập đạo Công giáo. Mà khi đã chịu phép rửa tội, tôi được làm con cái Chúa, thì đồng thời cũng nhận lấy sứ mệnh rao truyền lời Chúa, rao truyền Tin Vui Nước Trời.
Như thế, căn tính thứ nhất của người Công Giáo là làm con Chúa và có sứ mệnh rao truyền Tin Vui Nước Trời, nói dễ hiểu là làm tông đồ giáo dân.
2. Công giáo – Catholic - Catholique
Có một số người không có thiện cảm với đạo Công giáo vì những lí do riêng tư nào đó thì hay phê bình danh xưng Công giáo (Catholic, Catholique). Vì chữ Catholic có nghĩa là "hoàn vũ" nên những người này phê bình rằng đạo Công giáo có tham vọng trở thành đạo duy nhất khắp hoàn vũ. Họ nói, "tham vọng làm quốc giáo của một nước đã là khó coi, đằng này lại tham vọng làm tôn giáo của cả hoàn vũ thì quá đáng lắm."
Tôi hiểu chữ Công giáo (Catholic, Catholique) theo một cách khác. Nghĩa Công giáo đúng là vũ trụ, hoàn vũ. Điều ấy có nghĩa là cánh cửa đạo Công giáo mở rộng, ai cũng bình đẳng, có quyền vào đạo, ai cũng được mời gọi làm con cái Chúa, không có giới hạn nào cả. Một số giáo phái chỉ hạn chế cho những ai, những giai cấp nào đó mới được gia nhập.
Từ đó, tôi hiểu rằng người theo đạo Công giáo cũng phải có trái tim mở rộng, chấp nhận tất cả mọi người. Đó cũng là một trong những căn tính của người Công giáo vậy. Điều này cũng nói lên tính chất cộng đồng của Công Giáo. Chúa muốn người ta sống với nhau trong tinh thần cộng đồng, mà cầu nguyện, thờ phượng Chúa cũng trong tinh thần cộng đồng. Đi rao giảng thì "hai người một", cầu nguyện thì "hai ba người tụ họp lại", cầu nguyện với Đức Chúa Cha thì "lạy Cha chúng con ở trên trời...", cử hành nghi thức phụng vụ, dâng thánh lễ thì cùng nhau đến nhà thờ cử hành chung trong tinh thần cộng đồng. Khi chúng ta tạo một tâm thức và thực sự sống tâm thức "Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại" là chúng ta đang sống căn tính "cộng đồng" của Công Giáo.
3. Điều răn nào trọng nhất ?
Có lần, một thầy thông luật hỏi Chúa Giêsu là điều răn nào trọng nhất. Ý ông này muốn hỏi về Mười Điều Luật Chúa truyền cho Môi Sen. Ông này muốn làm khó Chúa, vì khó mà nói trong đó điều răn nào trọng nhất. Nhưng câu trả lời của Chúa Giêsu đưa ra một hướng nhìn mới mà nhà thông luật chưa hề nghĩ tới. Chúa nói rằng điều răn trọng nhất là thờ phượng Thiên Chúa hết linh hồn, hết trí khôn ; và điều răn thứ hai, cũng trọng như điều răn thứ nhất, là hãy yêu người như yêu chính mình. Chính vì thế mà trong sách kinh bổn đạo Công giáo, sau khi đã liệt kê đủ mười điều răn Đức Chúa Trời, thì tóm lại rằng : "Mười điều răn ấy tóm về hai này mà chớ: trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy." Nói cho gọn hơn, đã là người Công Giáo thì phải "mến Chúa - yêu người". Hai vai này phải cân xứng, phải hòa hợp. Không vừa mến Chúa vừa yêu người thì mất căn tính Công giáo rồi.
4. Nhà thương, cô nhi viện, viện dưỡng lão, trại phong cùi, trường học
Đạo Công giáo được thiện cảm và tin tưởng tại Việt Nam (mà tôi nghĩ cũng tại các quốc gia khác), phần nhiều cũng là nhờ có những nhà thương và trường học tốt. Trong nhà thương Công Giáo, mọi nhân viên, từ cha tuyên úy, các nữ tu, đến các bác sĩ, y tá, thư kí văn phòng, lao công... đều tận tụy làm việc, đều phục vụ hết lòng. Các cô nhi viện, viện dưỡng lão, trại phong cùi, phần lớn cũng do Công giáo đảm trách. Ở chế độ nào thì những nơi ấy cũng có người Công giáo phục vụ. Chẳng ai muốn tranh giành quyền được sống chung và hầu hạ người phong cùi cả.
Các trường học Công Giáo thường có uy tín vì đã cung ứng một nền giáo dục tốt, phục vụ tuổi trẻ với tinh thần giáo huấn chân chính và với lòng yêu thương. Vì thế, người ngoài Công giáo cũng muốn gửi con em vào học "trường đạo".
Những cơ quan từ thiện và giáo dục này và nhiều cơ quan từ thiện, giáo dục khác nữa biểu lộ căn tính "bác ái và phục vụ" của Công Giáo. Người Công giáo mà đánh mất căn tính "bác ái, phục vụ" thì không còn là Công Giáo thật sự nữa.
5. Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Là người thì ai cũng tham sống sợ chết. Thế mà các Thánh Tử Đạo không sợ chết, lại còn sung sướng đón nhận cái chết nữa. Chết vì đạo thì được gọi là "phúc tử vì đạo". Thái độ ấy, tâm thức ấy do "đức tin" tạo nên: tin vào Thiên Chúa, tin vào ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu, tin vào Hội Thánh Công Giáo. Á thánh André Phú Yên và 118 vị Thánh Tử Đạo Việt Nam đã thể hiện một cách rất hùng hồn đức tin của mình. Người Công Giáo chân chính "tuyên xứng đức tin" trong các thánh lễ và tuyên xưng đức tin trong cuộc sống của mình. Cha mẹ Công Giáo Việt Nam khi nghĩ về con cái, lo cho con cái thì cái lo nhất là sợ chúng "mất đức tin". Mất gì thì mất, miễn là đừng "mất đức tin". "Mất đức tin" đây được hiểu là đánh mất niềm tin vào Chúa. Cái sợ thứ hai của cha mẹ Công Giáo Việt Nam là sợ con cái "rối đạo". "Rối đạo" đây được hiểu là "nghi ngờ, mất sự tin tưởng vào Hội Thánh".
Người Công Giáo chân chính thì mở lòng ra để chấp nhận và kính trọng niềm tin của những người anh em thuộc các tôn giáo khác, nhưng kiên vững trong niềm tin của mình vào Thiên Chúa và Chúa Giêsu, đồng thời giữ sự hiệp thông và tuân theo giáo huấn của Hội Thánh. Đánh mất điều này là đánh mất căn tính Công Giáo của mình đấy.
Tóm lại, làm con cái Chúa với sứ mệnh rao giảng Tin Vui Nước Trời ; sống đạo trong tinh thần bình đẳng, cộng đồng và biết chấp nhận mọi người ; mến Chúa - yêu người ; phục vụ với lòng bác ái ; tín thác vào Chúa, hiệp thông và tuân theo quyền giáo huấn của Hội Thánh là những căn tính của người Công Giáo.
NGƯỜI CÔNG GIÁO VIỆT NAM HẢI NGOẠI
Tôi trở về hai cái rễ của cây "Người Công Giáo Việt Nam". Hai cái rễ này phát triển "đồng thuận" và "bổ túc" cho nhau để nuôi dưỡng cái cây. Càng "Việt Nam" thì càng là "Công Giáo tốt", mà càng "Công Giáo" thì càng là "Việt Nam chân chính". Lấy thí dụ, người Việt Nam càng sống với căn tính "bảo vệ, tôn trọng sứ sống" thì càng "Công Giáo"; ngược lại, người Công Giáo càng sống căn tính "bình đẳng, cộng đồng" thì càng Việt Nam.
Xưa có truyện cây quýt trồng ở đất miền này thì ra trái ngọt, mà bứng đi đem trồng ở đất miền khác thì ra trái chua. Nay, cây "Người Công Giáo Việt Nam" vì hoàn cảnh, phải bứng ra khỏi đất nước mình, đem đi trồng ở hải ngoại thì liệu có thay đổi tính chất không, có đang "ngọt" trở thành "chua" không.
Vấn đề không phải là câu hỏi ấy, mà là câu hỏi "mình vốn trước đây đã "ngọt" chưa ?" Nếu trước đây mình không làm đứt hai cái rễ của mình thì hai cái rễ ấy đâm sâu xuống lòng đất, hút được chất màu mỡ bổ dưỡng nuôi cây, chắc chắn trái của mình phải ngọt, bằng không thì nó đã chua lè.
Nếu mình vốn ngọt, nay đem bứng mình ra khỏi đất nhà mà trồng ở đất hải ngoại, mình cứ giữ cho chắc hai cái rễ ấy, chắc chắn mình vẫn cứ "ngọt như đường cát, mát như đường phèn". Bởi vì xét theo tính chất "Công Giáo" và "Việt Nam" thì đất nào cũng như nhau. "Công Giáo" là hoàn vũ, là bình đẳng, là cộng đồng, là khắp nơi mà. Còn "Việt Nam" thì vốn có căn tính là uyển chuyển, hài hòa, thích nghi mà. Đâu có gì phải sợ. Chỉ sợ mình không phải là cam, không phải là quýt, mà là... cà chua thôi !
Trong tinh thần ấy, thì việc xây dựng tâm thức và sống tâm thức "Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại", trước hết phải xây dựng tâm thức cộng đồng này, trên những căn tính "Việt Nam" và "Công Giáo".
Quyên Di