Làm sao dạy tiếng việt cho có tổ chức và có phương pháp
TRẦN VĂN CẢNH
Dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam, đó là công việc mà Giáo Xứ Việt Nam Paris đã thực hiện từ trên 10 năm nay. Trong những năm đầu, câu hỏi "tại sao phải dạy tiếng việt cho trẻ em Việt Nam" đã được đặt ra. Nhiều câu trả lời đã được ghi nhận và bàn cãi. Các báo chí Việt Nam tại hải ngoại cũng đã và đang đề cập đến vấn đề này. Ngay trên tờ Giáo Xứ, tôi cũng đã có dịp bàn đến trong bài "Làm sao phát triển Tình Việt nơi con em chúng ta", đăng trong hai số 18 và 19 tháng 11 và 12 năm 1985. Ngược lại một vấn đề kế tiếp là "làm sao dạy tiếng việt cho có tổ chức và có phương pháp" chưa được đặt ra một cách rộng lớn. Nhưng nó lại là vấn đề thực tế và quan trọng hơn cả. Nó cũng là vấn đề mà hiện nay ban tiếng việt tại Giáo Xứ đang cố gắng nghiên cứu và thực hiện qua 3 việc : việc tổ chức các lớp học, việc nghiên cứu các phương pháp thích ứng hữu hiệu và việc thiết lập một thư viện sư phạm việt ngữ.
1. DẠY TIẾNG VIỆT CÓ TỔ CHỨC
Về việc thứ nhất tức là việc tổ chức các lớp học, năm câu hỏi đã được đặt ra và đã hoặc đang được giải quyết. Câu hỏi thứ nhất là dạy tiếng việt ở đâu và lúc nào ? câu trả lời tổng quát thì ai cũng biết : dạy tại Giáo xứ và vào những lúc thuận lợi cho các em. Nhưng phòng ốc tại Giáo xứ thì ít ỏi và chật chội ! Giờ giấc thuận lợi cho các em thì chỉ có thứ tư, chiều thứ bảy và ngày chủ nhật, nhưng giờ giấc này có thuận lợi cho Giáo xứ không ? Từ hai năm nay, nhờ sự cố gắng của Ban Giám Đốc và của Hội Đồng Mục Vụ, hai lớp học mới và một sân xi-măng sạch sẽ đã được thực hiện. Vị chi cơ sở Giáo xứ, nếu trưng dụng một cách triệt để, có thể cung cấp 6 hoặc 7 phòng học và 1 sân sinh hoạt tương đối có tiện nghi. Cũng từ hai năm nay, sau nhiều năm thực hiện và thăm dò, các lớp tiếng việt đã được tổ chức vào chiều thứ bảy, trong một khuôn khổ giáo dục tổng quát : giáo dục tôn giáo, giáo dục văn hóa, giáo dục xã hội. Giáo dục tôn giáo đặt trọng tâm vào việc học giáo lý và dự thánh lễ. Giáo dục văn hóa đặt trọng tâm vào việc học tiếng việt. Giáo dục xã hội được thực hiện trong khuôn khổ đoàn Thiếu Nhi. Trong khoảng thời gian 3 tiếng đồng hồ mỗi chiều thứ bảy, việc dạy tiếng việt trực tiếp khoảng từ 1 đến 1 tiếng rưởi đồng hồ. Việc dạy tiếng việt gián tiếp, tức là xử dụng tiếng việt như phương tiện truyền thông, chiếm trọn 3 tiếng đồng hồ.
Câu hỏi thứ 2 là dạy tiếng việt cho ai và phải tổ chức học sinh thế nào ? Suốt từ 10 năm qua, số trẻ em đến học tiếng việt, năm nào cũng có. Nhưng từ 2 năm nay, số các em đến tương đối đông đảo và đều đặn hơn. Mỗi chiều thứ bảy trung bình từ 120 - 150 trẻ em Việt nam đến Giáo xứ để học tiếng việt. Vấn đề tổ chức đã được đặt ra với nhiều tiêu chuẩn khác nhau : Tuổi tác, trình độ tiếng việt, trình độ trí thức mở mang. Dung hòa các tiêu chuẩn ấy, việc tổ chức học sinh đã được phân định trong 10 lớp và theo 3 trình độ khác nhau : Trình độ Ấu, trình độ Thiếu và trình độ Sĩ. Trình độ Ấu bao gồm các em trung bình 8 tuổi. Tùy theo khả năng nói và nghe tiếng việt, các em được chia làm 4 lớp khác nhau. Trình độ Thiếu qui tụ các em trung bình 10 - 12 tuổi. Tùy theo khả năng nói, nghe, đọc và viết tiếng việt, các em cũng được chia làm 4 lớp khác nhau. Trình độ Sĩ dành cho các em trung bình 14 tuổi và tùy theo khả năng nói, nghe, đọc, viết và hiểu biết về văn hóa, văn chương việt nam, các em được chia làm 2 lớp khác nhau.
Câu hỏi thứ 3 liên hệ đến việc tổ chức chương trình học : "dạy cái gì ?" Có hai trả lời cho câu hỏi này : Việc đã và đang làm. Ở trong các lớp ấu chương trình xoay quanh mục tiêu căn bản là nói và nghe tiếng việt để kết thúc bằng khả năng đọc tiếng việt. Nhiều hình thức đã được áp dụng : truyện cổ, bài hát thiếu nhi, ca dao tục ngữ, trò chơi ấu nhi, sách học vần. Ở các lớp thiếu, khóa trình xoay quanh trọng tâm là dạy cho các em biết đọc và viết tiếng việt. Nhiều phương pháp đã được áp dụng, từ cổ điển như tập đọc, tập viết chính tả, tập đặt câu, thử giải nghĩa v.v. đến sống động như đóng kịch, viết tuồng v.v... Ở các lớp sĩ thì trình độ cao hẳn lên và xoay quanh 2 mục tiêu : hiểu biết văn hóa và văn chương việt nam qua các tác giả và tác phẩm nổi tiếng và giá trị đặc biệt là Tự Lực Văn Đoàn, sáng tác qua các văn thể việt văn như văn xuôi, thơ v.v... Chương trình của 3 trình độ được xây dựng như vậy tương đối có tổ chức. Nhưng ban việt ngữ còn có tham vọng hơn nữa để cải tiến luôn. Một dự án đang được tiến hành xoay quanh 3 nghiên cứu : mục tiêu của mỗi lớp và mỗi trình độ. Nội dung cho mỗi lớp và mỗi trình độ. Hình thức thực hiện cho mỗi nội dung. Được hân hạnh mời tham dự vào việc khảo cứu này, thứ bảy 30.05.87 vừa qua tôi đã cùng các thày cô khơi mào công việc này. Trước đây 4 năm, tôi cũng đã có dịp làm một việc tương tự với nhóm dạy tiếng việt tại làng Hồng ở Bordeaux của thày Nhất Hạnh. Một chương trình chi tiết đã được đưa ra và đã được giáo hội phật giáo Việt nam hải ngoại chấp nhận và đề nghị như một chương trình kiểu mẫu. Hy vọng công việc nghiên cứu của nhóm dạy tiếng việt tại Giáo xứ cũng sẽ đưa đến một kết quả tương tự.
Câu hỏi thứ 4 là phải tổ chức ban giảng huấn thế nào ? Ai cũng biết rằng việc dạy tiếng việt hữu hiệu hay không phần lớn tùy thuộc vào thiện chí và khả năng của các thày cô. Ở Giáo xứ hiện có khoảng 15 thày cô tham dự một cách tích cực vào công việc dạy tiếng việt. Đa số họ là sinh viên hoặc đã là sinh viên. Có cả những thày cô đã từng xuất thân tại đại học sư phạm bên Việt nam. Thiện chí và khả năng của họ có lẽ không thiếu. Công việc quan trọng ở lãnh vực này có lẽ là làm sao để duy trì và phát triển những thiện chí và tài năng ấy. Ở điểm này công việc của nhóm và người trách nhiệm nhóm đã là quan trọng. Nhưng công việc của các thành phần khác trong cộng đoàn cũng như của cộng đoàn nói chung còn quan trọng hơn. Các phụ huynh có cộng tác và khích lệ các thày cô không ? Cộng đoàn có để ý đến họ, tạo điều kiện thuận lợi cho họ, nâng đở tinh thần họ không ? Ai cũng xác tín rằng việc dạy tiếng việt cho trẻ em là khẩn thiết, nhưng mỗi người đã làm việc gì trong việc này ? Ai cũng biết rằng các thày cô dạy là tình nguyện dạy và không công, nhưng đã mấy người biết rằng soạn bài, tìm tài liệu, thực hiện một bài dạy, thẩm lượng khả năng thâu nhận của học trò, không phải là việc dễ làm. Nhờ sự khéo léo của Cha Sách, người trách nhiệm công việc trước BGĐ, nhiều khóa họp và học hỏi sư phạm của nhóm đã được thực hiện một cách kết quả. 15 thày cô liên tục đảm nhiệm 10 lớp học trong suốt niên khóa với trung bình 20 lần dạy trong lớp và 3 hoặc 5 lần sinh hoạt ngoài trời, đó cả là một trì chí và phải có một ý chí kiên nhẫn, một lòng yêu tiếng việt và dân việt một cách sâu đậm. Vì những lý do đặc biệt, nếu giã sử một trong 15 thầy cô ấy không đảm nhận được công việc ấy nữa, liệu cộng đoàn có kiếm được người thay thế dễ dàng không ?
Câu hỏi sau cùng mà ban tiếng việt tại Giáo xứ đang đặt ra cho mình là phải tổ chức học cụ và học liệu thế nào ? Giải đáp chủ chốt cho câu hỏi này nằm trong dự án thiết lập một thư viện sư phạm tiếng việt. Tôi xin đề cập ở phần thứ 3. Nhưng trước đó tôi xin gợi một vài ý kiến về việc dạy tiếng việt có phương pháp.
2. DẠY TIẾNG VIỆT CÓ PHƯƠNG PHÁP
Ai đã từng đi dạy học thì đều biết rằng việc dạy học kết quả hay không phần lớn tùy thuộc vào phương pháp dạy, và nhất là phương pháp thích hợp thích hợp với môn dạy, với người dạy, với người học, với hoàn cảnh dạy. Vì có nhiều yếu tố như vậy, mà phương pháp sư phạm rất là nhiều. Sau đây, trong khuôn khổ những gì đã, đang và sẽ được thực hiện tại Giáo xứ, tôi xin trình bày kết quả của cuộc thăm dò mà tôi đã thực hiện nơi 15 thày cô dạy tiếng việt tại Giáo xứ. Qua những phát biểu của họ, tôi thấy có 6 điều quan trọng làm họ lưu tâm trong phương pháp dạy tiếng việt.
Điều thứ 1 chiếm một chỗ rất quan trọng là việc soạn bài. Các thày cô, ai cũng xác nhận là việc soạn bài chiếm rất nhiều thời giờ, phải mất đến 2 hoặc 3 giờ soạn. Có khi nhiều hơn nữa. Sở dĩ mất nhiều thời giờ như vậy, vì các thày cô rất lý tưởng và khá tham vọng. Đại cương thì 8 câu hỏi sau đây đã được xét đến trong lúc soạn bài : 1/ đề tài của bài học là gì ? 2/ nó liên hệ thế nào với khóa trình của lớp ? 3/ Bài học phải đặt mục tiêu gì ? Một hiểu biết, một tác phong, một hành động ? 4/ yes"> Bài học được liệu diễn tiến thế nào ? Chi tiết về nội dung, chi tiết về hình thức, chi tiết về thời giờ, chi tiết về phương pháp, chi tiết về học liệu và học cụ ? 5/ Khung cảnh nào và bầu khí nào phải tạo để bài học được dễ thâu nhận hơn ? 6/ Phải dùng những phương tiện diễn tả nào : nói, trò chơi, hát múa, kịch, thủ công, sách, tranh...? 7/ Phải dùng những vật liệu và dụng cụ nào ? 8/ Cách nào để ước lượng mức hưởng ứng, thích thú, thâu nhận của học trò ?
Điều thứ nhì không ít quan trọng trong phương pháp dạy học mà các thày cô đã chú ý là tài liệu. Trong tình trạng hiện giờ các thày cô phải tự xoay sở và dùng các phương tiện cá nhân. Người thì đi tìm lục trong các thư viện Việt nam tại Paris, người thì đi mượn bạn bè, bà con, người thì tự mua sắm. Tình trạng tháo vát cá nhân này không thể kéo dài hơn nếu muốn cho việc dạy tiếng việt được có tổ chức và có phương pháp và nhất là với sĩ số 150 học sinh và ở 10 lớp khác nhau. ý thức được rằng tài năng của các thày cô và sự phong phú của các tài liệu là hai yếu tố quyết định trong việc dạy học, Ban Giám Đốc và ban Việt Ngữ đang làm hai việc song song : việc thứ 1 nhằm giúp các thày cô đào tạo và học hỏi không ngừng qua các cuộc học hỏi về văn hóa và tôn giáo tổ chức ở mức cộng đoàn hoặc qua các cuộc gặp gỡ và tìm hiểu về sư phạm, tâm lý. Việc thứ 2 nhằm cung cấp cho các thày cô một số tài liệu tối thiểu trong dự án thiết lập một tủ sách sư phạm tiếng việt. Đây là dịp để mỗi thành phần của cộng đoàn có thể đóng góp vào công việc văn hóa quan trọng của cộng đoàn bằng cách chỉ dẫn hoặc cung cấp một tài liệu, một tờ báo, một cuốn sách.
Sang đến việc thứ 3 là việc thực hiện bài dạy, thì dĩ nhiên đó là việc quan trọng hơn cả. Vì chiếm tất cả chú ý của các thày cô và vận dụng rất nhiều hiểu biết và tưởng tượng của họ. Hai phương pháp căn bản đã được họ áp dụng một cách triệt để là phương pháp tiệm tiến và phương pháp năng động. Phương pháp tiệm tiến căn cứ vào 3 tiêu chuẩn : căn cứ vào cái đã biết để học cái chưa biết, học từ từ, phải học thêm cái mới, nhưng thường ôn lại cái cũ. Tham dự bất cứ bài học nào của bất cứ cô nào hoặc thày nào, chúng ta cũng thấy rõ sự ứng dụng này. Một bài học của cô Trang cho lớp sĩ chẳng hạn, đã được trình bày qua hai phần. Qua một đoạn văn trích trong "trống mái" của Khái Hưng, cô bắt đầu bằng việc ôn lại khả năng đã thâu nhận ở lớp thiếu bằng cách cho viết chính tả và học ngữ vựng của đoạn văn hoặc tập đọc đoạn văn và giải thích các từ ngữ. Qua phần thứ hai, là học thêm cái mới, cô quảng diễn về tác giả và về Tự Lực Văn Đoàn cô tiếp tục bằng việc phân tích tác phẩm qua các khía cạnh văn học, lịch sử, địa dư, văn hóa. Một bài học của thày Anh hoặc của cô Mai Chi, Marcelle Lan ở cấp ấu cũng được trình bày theo một phương pháp tương tự. Qua một trang vần về chữ U với khoảng 10 hình vẽ có những áp dụng của các dấu như u già, cái dù, con cú mèo, cây cổ thụ, cái mũ, trái đu đủ. Thày cho các em coi hình, hỏi xem nó là cái gì, có em biết, có em không, có em biết bằng tiếng pháp, có em biết bằng tiếng việt thày cắt nghĩa cho các em các hình vẽ bằng tiếng việt, sự thực dụng của các hình vẽ ấy, rồi tiến sang bước học mới, thày chỉ cho các em chữ U, cho các em tập viết chữ U, ghép chữ U với các chữ khác, tập đọc chữ U trong các chữ của hình vẽ...
Trong khi trình bày bài học, một trong những ưu tư lớn của các thày cô là làm sao hấp dẫn các em. Đây là một trong những nét nổi về phương pháp của các thày cô : thích ứng với nhu cầu, sở thích và năng khiếu của học trò. Phương pháp này đã được áp dụng một cách triệt để qua sư phạm năng động mà nguyên lý căn bản là làm sao để học trò tham gia tích cực vào việc học, có thích thú trong việc học. Qua phương pháp làm luận, thày Phi đã tạo những điều kiện thuận lợi để chính các em lớp sĩ viết lấy các đoạn văn tả, các câu chuyện nhỏ, các bài luận ngắn. Qua một trang vần hoặc, một đoạn văn, Sr Phú, thày Lộc, thày Văn Châu và cô Anh Thư đã vận dụng đến khả năng phát biểu, kiến thức sẳn có của các em thiếu, để chính các em đánh vần lấy, giảng nghĩa ra, hoặc quảng diễn thêm bằng những câu chuyện mà các em đã biết. Các em thích nghe chuyện cổ tích, các thày cô đã dùng cổ tích để diễn tả các phong tục Việt nam. Các em thích hát, các thày cô đã dùng những bài hát thiếu nhi để giúp các em đọc cho đúng các thanh bằng trắc của tiếng việt. Các em thích trò chơi, các thày cô đã dùng trò chơi để tập luyện tác phong. Các em thích đóng kịch, các thày cô đã dùng kịch tuồng để diễn tả các khung cảnh xã hội. Các em thích ganh đua, các thày cô đã dùng bằng danh dự để khuyến khích và thăng thưởng.
Nhưng sư phạm năng động không chỉ có thế. Nó còn căn cứ vào hoàn cảnh hiện tại nữa. Đó là điểm mà không thày cô nào quên và không ngần ngại hoặc mặc cảm gì về thích ứng việc dạy tiếng việt trong khung cảnh hiện tại của cộng đoàn ở Pháp. Đó là lý do khiến các thày cô đôi khi phải dùng đến tiếng pháp để chuyển từ cái đã biết sang cái chưa biết, hoặc phải coi lại chương trình của các lớp các em đang học tại Pháp. Đó cũng là lý do khiến các thày cô đôi khi phải dùng đến những tài liệu Pháp văn, đặc biệt cho những lớp ấu và thiếu, vì những tài liệu này có những hình ảnh hấp dẫn và tương đối được soạn thảo một cách công phu và có phương pháp. Đó cũng là lý do khiến các thày cô có tham vọng cao, nhưng vẫn biết kiên nhẫn chấp nhận những sơ sót, và khiến các thày cô đặc biệt lưu tâm đến việc làm sao để các em thích đọc tiếng việt, mà không sao nhãng việc làm sao để các em tiến bộ trong việc học tiếng việt, và trong việc học của các em tại trường tây.
Đó cũng chính là lý do khiến các thày cô luôn thao thức đến cách thẩm lượng kết quả việc dạy của mình cũng như đo lường kết quả thâu nhận nơi học trò. Cách hiện đang được áp dụng là cách cổ điển trong tất cả các lớp học : khảo bài. Về điểm này có lẽ những bậc phụ huynh cần phải đóng một vai trò tích cực và xây dựng hơn bằng cách đối thoại, thông cảm và cộng tác với các thày cô : nói cho họ biết về những nhận xét của mình nơi con cái của mình trong việc học tiếng việt. Các thày cô không mong gì hơn thế và rất sẵn sàng ghi nhận mọi nhận xét xây dựng.
Qua những dòng trên đây về tổ chức và dạy tiếng việt tại Giáo xứ, bất cứ ai có quan sát và có cái nhìn khách quan cũng phải kết luận rằng công việc này đã được tổ chức và đang được tiến hành có phương pháp. Giáo xứ đã thực hiện sứ mệnh văn hóa một cách đáng khen ngợi. Ban tiếng việt hoạt động dầu là tình nguyện và không công, mà về lượng, phẩm không thua gì một trường học. Nhưng để lượng và phẩm của việc dạy tiếng việt được phát triển & hoàn hảo hơn sự tiếp tay của cộng đoàn là việc hầu như không thể thiếu trong mức độ hiện tại. Tôi có ý nói đến dự án thiết lập một thư viện sư phạm tiếng việt.
3. DỰ ÁN THƯ VIỆN SƯ PHẠM TIẾNG VIỆT
Tại sao phải lập một thư viện sư phạm tiếng việt ? Như tôi vừa trình bày ở trên, việc dạy tiếng việt hiện nay ở Giáo xứ có một tổ chức đã vậy, mà còn có một tầm vóc quan trọng không thua gì một trường học. 150 học trò trong 10 lớp học khác nhau việc dạy được tiến hành một cách đều đặn vào mỗi chiều thứ bảy. Trừ phi chúng ta không muốn cho việc này được tiếp tục nữa, hoặc chưa nói đến ý chí muốn cho nó phát triển hơn, mà chỉ cần làm sao để nó được duy trì trong mức độ hiện tại, chúng ta bắt buộc phải giúp các thày cô có phương tiện tối thiểu để làm việc. Phương tiện tối thiểu đây là tài liệu để soạn bài. Ai cũng biết rằng giáo khoa dạy tiếng việt cho trẻ em Việt nam hải ngoại chưa được soạn thảo. Các thày cô đã phải cố gắng vá víu, vận dụng hết hiểu biết và tài năng của mình để bù vào chổ trống ấy. Nhưng sức cố gắng có tích cực mấy, rồi cũng có hạng. Các thày cô đã nhận ra giới hạn của cố gắng của mình. Họ đã cảm thấy một nhu cầu tối thiểu phải được thỏa mãn : nhu cầu phải có một tủ sách sư phạm tiếng việt.
Sau nhiều lần trao đổi, họ đã minh định được những tài liệu cần thiết phải có, mà mục tiêu căn bản là giúp họ có phương tiện soạn bài để dạy tiếng việt. Tuân theo mục tiêu căn bản này, một chương trình rất khiêm tốn đã được đưa ra : trong hai năm đầu chỉ cần tậu được tủ sách tối thiểu. Loại sách tối thiểu đầu tiên là sách giáo khoa cũ ở bên nhà và in lại bên này. Sau nhiều tìm tòi, các thày cô đã lấp được một thư viện gồm 12 cuốn tương đối có thể dùng được. Loại thứ hai là một số sách nhi đồng gồm khoảng 44 cuốn. Loại thứ ba là thần thoại và cổ tích việt nam : 7 cuốn sách đã được lựa chọn. Loại thứ tư là tục ngữ và ca dao việt nam, có khoảng 4 cuốn. Loại thứ năm là dân ca & bài hát, tìm được khoảng 4 cuốn. Loại thứ sáu là sử địa việt nam : 5 cuốn đã được lựa chọn. Loại thứ bảy là phong tục, hiện giờ chỉ lựa được 3 cuốn, và cuối cùng là một số sách văn chương việt nam mà đa số là của các tác giả trong Tự Lực văn đoàn.
Theo những loại sách trên đây, thư mục chi tiết mà các thày cô muốn thiết lập được ngay trong hai năm 1987, 1988 gồm 110 cuốn sau đây :
I.VẦN, TẬP ĐỌC VÀ QUỐC NGỮ
1.Vần việt ngữ, nxb Quê Hương (6$)
2.Vần Xuân Thu (59F)
3.100 bài tập đọc (94F)
4.Tập đọc 1,2, nxb Quê Hương (12$)
5.I, Tờ vui. Bảo Thạch, nxb Q.H. (12$)
6.Quốc văn giáo khoa thư (bộ 4 cuốn)
Nxb Quê Mẹ (145F)
Nxb Xuân Tiên (170F)
7.Luyện tập quốc văn, Bùi văn Báo
Nxb Quê Hương (6$)
8.Quốc văn lớp 1 (59F)
9.Quốc văn lớp 2 (bộ 2 cuốn) (94F)
10.Việt ngữ lớp 2 (60)F
11.Quốc văn toàn thư lớp 1 (51)F
12.Ngữ vựng bằng tranh, nxb Xuân Thu (6$)
II. SÁCH NHI ĐỒNG
13.Cậu Hoàng Con (Antoine de Saint Exupéry) (6$)
14.Trần Thiên Đao 128 trg. (5$)
15.Con quạ đầu đàn (trường sinh) (6$)
16.Con rắn của lảo tù trưởng (Xuân Quang) (5$)
17.Chiếc xe thổ mộ (Bích Thủy) (4.5$)
18.Chuyện thần tiên (Quốc Thể dịch) (4$)
19.Dế mèn phiêu lưu ký (To Hoa) 5$
20.Đảo dưa đỏ (Xuân Thu) (4.5$)
21.Lữ quán giết người (Minh Quan & Mỹ Lan) (5.5$)
22.Mưa cuối mùa (Lý Thụy Y) (5$)
23.Mưa nguồn (Bích Thủy) (5$)
24.Mười lăm truyện phiêu lưu mạo hiểm
(Nguyễn Tu An) (5.5$)
25.Ngày tháng nào (Tôn Nữ Thu Dung) (5$)
26.Ngày xưa ở quẹ hương tôi (Trần văn Điền) (5$)
27.Những ngày thơ ấu (Tô Kiều Ngân) (5.5$)
28.Những chuyện Nhi đồng hay nhất (Oanh Oanh) (5.5$)
29.Người mẹ Việt nam (6$)
30.Thằng người gỗ (C. Collodi) (6$)
31.Tình thương trong xóm nhỏ (L.Nghi) (5.5$)
32.Thú quê (nhiều tác giả) (5.5$)
33.Tiếng dương cầm (Thuy An) (5$)
34.Tiếng khóc mồ côi (Dung Saigon) (5$)
35.Tiếng sáo chiều (Tuyết Oanh) (5$)
36.Truyện cổ chọn lọc (Thanh Tùng) (5$)
37.Truyện cổ bốn phương (Lệ Hoa) (7$)
38.Truyện cổ đồng ấu (Quốc Thể) (4$)
39.Truyện cổ I-rắc (Đỗ Quan) (6.5$)
40.Truyện Mễ Tây Cơ (Đỗ Quan) (6.5$)
41.Truyện cổ miền núi (Chính Yên) (6$)
42.Truyện cổ Nhật Bản (Quốc Chinh) (6$)
43.Truyện cổ nước Lào (Quốc Chinh) (5$)
44.Truyện cổ nước Pháp (Tế Xuyên) (4.5$)
45.Truyện cổ quốc tế (Lê Hương) (6.5$)
46.Truyện cổ Tây Ban Nha (Đặng Phan) (8$)
47.Truyện cổ Thái Lan(Đỗ Quan) (6.5$)
48.Truyện cổ Thụy Điển (Nguyễn X. Hiếu) (6$)
49.Truyện cổ Trung Hoa (Quốc Thể) (5$)
50.Truyện cổ Viễn xứ (R. Lancelyn Green )
(Đỗ Quan dịch) 6$
51.Truyện cổ nước Nam (ôn Như Ng.văn Ngọc) (11$)
52.Truyện cổ tích Việt nam (Tô Nguyệt Đình) (6$)
53.Truyện thỏ khắp thế giới (Lê Thương) (6$)
54.Truyện tích đồng quê (Lam T.Nhan) (6$)
55.Vietnamese Legends (Le Huy Hap) (4.5$)
56.Câu đố vui (6$)
57.Câu đố dân gian, nxb Quê Hương (6$)
III.THẦN THOẠI VÀ CỔ TíCH VIỆT NAM
58.Văn Lang dị sử - Nguyễn Lang, nxb Lá Bối, Xuân Thu
59.Thần thoại Việt nam - Ng. Tử Năng, nxb Zieleks, Xuân Thu - Đại Nam
60.Truyện Phạm Công Cúc Hoa và truyện Thạch Sanh (thơ),
nxb Institut de l'Asie du Sud Est (IDASE)
61.Truyện cổ nước Nam I, II - ôn Như Nguyễn văn Ngọc
Nxb Trăm Việt, Xuân Thu, Đại Nam
62.Chuyện cổ tích - Tô Nguyệt Đình, nxb Đại Nam, Xuân Thu
63.Cổ tích Việt nam (3 thứ tiếng Việt, Anh, Pháp), nxb Quê Hương
64.Kho tàng chuyện cổ tích Việt nam (I, II, III, IV, V)... Ng.Đổng Chi.
Nxb Khoa học xã hội (Hà Nội)
IV.CA DAO VÀ TỤC NGỮ
65.Tục ngữ phong dao (I, II) - ôn Như Nguyễn văn Ngọc
nxb Sống Mới, Xuân Thu, Đại Nam
66.Hoa đồng cỏ nội - Minh Hương, nxb Sống Mới
67.Tục ngữ ca dao - Bảo Vân, nxb Quê Hương
68.Kinh thi Việt nam - Trương Tửu, nxb Xuân Thu
V. DÂN CA VÀ BÀI HÁT
69.Dân ca Việt nam - Nguyễn Hữu Ba, nxb Sống Mới
70.Dân ca (Folk Songs) - Phạm Duy, nxb Xuân Thu, Đại Nam
71.Nhi đồng ca - nxb Zieleks
72.Tuyển tập bài hát cho Thiếu Nhi VN - Nguyễn Hữu Nghĩa, nxb ?
VI.SỬ ĐỊA
73.Việt Nam thường thức - Bùi Văn Bảo, nxb Quê Hương
74.Việt Sử 1,2 (lớp tư, ba, nhì, nhất) - một nhóm giáo sư
Nxb Institut de l'Asie du Sud-Est
75.Việt Nam sử lược - Trần Trọng Kim, nxb Đại Nam, Xuân Thu, Sống Mới
76.Việt sử toàn thư - Phạm Văn Sơn, nxb Đại Nam, Xuân Thu
77.Người Việt Đất Việt - Cửu Long Giang & Toan ánh, nxb Xuân Thu, Đại Nam
VII.PHONG TỤC
78.Đất lề quê thói - Nhất Thanh Vũ Văn Khiếu, nxb Sống Mới, Đại Nam, Xuân Thu
79.Phong tục Việt Nam - Toan ánh, nxb Đại Nam, Xuân Thu
80.Việt Nam phong tục - Phan Kế Bính, nxb Sống Mới
VIII.VĂN CHƯƠNG
81.12 chuyện ngắn hay nhất thế giới - Nguyễn Hùng sưu tập (5$)
82.20 nhà văn 20 truyện ngắn (6$)
83.Những truyện ngắn hay nhất (2 cuốn 789p) 45 nhà văn
Bình Nguyên Lộc (16$)
84.Truyện tập thơ văn 90 tác giả VN hải ngoại (432p) (9$)
85.Tuyển tập truyện ngắn 1982 (208p) 25 tác giả (6$)
86.Tuyển tập truyện ngắn tiền chiến (396p) 28 tác giả (8$)
87.Tuyển tập truyện ngắn VN (258p) 20 truyện ngắn (6.5$)
88.Tuyển truyện Không Quân (305p) 5 truyện ngắn - Thế Phong (5.25$)
89.Dọc đường gió bụi - Khái Hưng (4.5$)
90.Hồn Bướm Mơ Tiên - Khái Hưng (4.5$)
91.Lời Nguyện - Khái Hưng (4.5$)
92.Những ngày vui - Khái Hưng (4.5$)
93.Nửa chừng xuân - Khái Hưng (4.5$)
94.Thoát Ly - Khái Hưng (5.5$)
95.Tiếng suối reo, truyện ngắn, Khái Hưng (4$)
96.Tiêu sơn tráng sĩ - Khái Hưng (7$)
97.Anh phải sống - Khái Hưng, Nhất Linh (4$)
98.Bướm trắng - Nhất Linh (5.5$)
99.Đoạn Tuyệt - Nhất Linh (5.5$)
100.Đôi bạn - Nhất Linh (5.5$)
101.Giòng sông thanh thủy -Nhất Linh (7.5$)
102.Lạnh lùng - Nhất Linh (5.5$)
103.Nắng Thu - Nhất Linh (4.5$)
104.Những ngày Diễm ảo, truyện ngắn - Nhất Linh (6$)
105.Thương chồng, truyện ngắn - Nhất Linh (4$)
106.Giỗ Đầu Mùa, truyện ngắn - Thạch Lam (4$)
107.Hà Nội bam sáu phố phường, truyện ngắn - Thạch Lam (3.5$)
108.Nắng trong vườn - Thạch Lam (4$)
109.Ngày Mới - Thạch Lam (5.5$)
110.Đớn Hèn, truyện kinh dị - Thế Lữ (4.5$)
Thư mục chi tiết và tối thiểu này là kết quả của nhiều lần suy nghĩ và trao đổi. Nó chẳng phải là phát biểu của một nhu cầu rõ rệt sao ? Nó chẳng phải là dấu chỉ của một công việc có tổ chức và có phương pháp sao ? Trên kia, tôi có gợi qua về nhóm dạy tiếng việt tại làng Hồng ở Bordeaux của thày Nhất Hạnh. Sau khi đã phát họa một chương trình vào năm 1983, đến năm 1985 thì chương trình đã được hoàn hảo hóa và nhóm đã thiết lập được một tủ sách tối thiểu, nhờ thiện chí đóng góp của nhiều bậc hảo tâm, tha thiết với việc dạy tiếng việt cho trẻ em Việt nam, đến năm 1987 thì một trong những người trong nhóm, thày Nguyễn Bá Thu đang soạn một cuốn sách giáo khoa thích hợp cho chương trình và học sinh tại làng Hồng. Muốn có được những sách giáo khoa tốt để dạy tiếng việt cho trẻ em Việt nam, phải cần nhiều khả năng đã vậy, mà còn cần nhiều thiện chí, nhiều đóng góp. Đó là điều mà nhóm dạy tiếng việt tại Giáo xứ vẫn cố gắng tổ chức việc làm của mình và hằng ưu tư cải tiến phương pháp, đang mong chờ tại Cộng Đoàn và tại Qúy Vị, người đọc những dòng này.
(1) tóm lược bài nói truyện dành cho các Huynh trưởng Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể, ngày
23.08.1985 tại Conflans-Ste-Honorine dưới đề tài "Làm sao dạy tiếng việt cho các thiếu nhi Việt Nam tại Pháp".
TRẦN VĂN CẢNH
Tiến sĩ khoa học giáo dục
Nguyên giáo sư giảng nghiệm đại học sư phạm Đà Lạt.