Bảo tồn tiếng Việt và văn hóa dân tộc
Lm. Giuse Cao Phương Kỷ
Vấn đề "Bảo tồn tiếng Việt và Văn Hóa Dân tộc" cho người Việt Nam Hải Ngoại, và đặc biệt cho các Cộng Đồng Công Giáo, là một vấn đề cấp bách và là một mối ưu tư của các phụ huynh khi rời quê hương ra đi định cư khắp nơi trên thế giới. Đây cũng là vấn đề phức tạp cần bàn thảo sâu rộng. Trong tập tài liệu này, chỉ xin đặt ra 5 đề mục để thảo luận và góp ý kiến: Trước hết, Đoạn I, "Những ích lợi trong việc bảo tồn Tiếng Việt". Không còn tiếng Việt thì các Cộng đoàn Việt cũng chẳng còn. Đoạn II, và III, gom góp những ý kiến trong các cuộc thảo luận về những Khuyết điểm và Ưu điểm của Văn Hóa Việt Nam cũng như những Khuyết điểm và Ưu điểm của Văn Hóa Âu-Mỹ. Đoạn IV, quan sát và mô tả cách thức Hội Nhập Văn Hóa của người Việt sinh sống tại Hoa Kỳ, gọi là : " Những Kinh nghiệm về Văn Hóa Việt-Mỹ. Đoạn V, Kết luận và đề nghị những thực hiện cụ thể.
I. NHỮNG ÍCH LỢI LỚN LAO TRONG VIỆC BẢO TỒN TIẾNG VIỆT
Ngôn ngữ đi liền với tư tưỏng, nghĩa là chúng ta suy nghĩ trong đầu óc bằng những danh từ của một ngôn ngữ trước khi phát biểu ra lời nói để giao dịch, và truyền thông. Do đó, thiếu ngôn ngữ thì cũng thiếu tư duy. Lịch sử Văn Học Việt Nam nghèo về tư tưởng triết lý, siêu hình, không có những áng văn tuyệt tác "Anh Hùng Ca", như các dân tộc cổ La-Hi, vì ngôn ngữ Việt thiếu chữ viết. Ngày xưa, ngoài ca dao tục ngữ truyền khẩu, các nho sĩ đều dùng chữ Hán (chữ Nho) của Trung Hoa để viết văn thơ ngâm vịnh. Lối viết chữ Nôm (Nam), rất phiền phức, vì vay mượn và ghép nối các chữ Hán, và không được phổ thông, nhưng cũng sáng tác được những tác phẩm giá trị như : Truyện Kiều, Lục Vân Tiên... Tư tưởng Việt Nam chỉ thật sự phát triển phong phú từ khi xuất hiện chữ "Quốc Ngữ", như ta đang dùng bây giờ. Vấn đề ngôn ngữ, tiếng nói quan trọng như vậy, nên hầu hết giới phụ huynh đều tha thiết muốn con cháu gìn giữ, trừ một số ít thiển cận cho rằng : nếu con cháu tiếp tục nói tiếng Việt, thì chúng sẽ "dở" tiếng tây, tiếng anh,v,v. Ngày nay, kinh nghiệm cho thấy : chỉ sợ chúng quên tiếng Việt, chứ không sợ chúng kém tiếng ngoại quốc đến nỗi không thể học thành tài được. Mỗi ngày, trẻ em học tập và trò truyện 4,5 giờ với bạn bè tại trường. Dầu mới đến định cư, chỉ sau một thời gian ngắn, chúng đã có thể bắt kịp về các môn học. Do đó, nhiều gia đình chỉ cần khuyến khích con cháu nói tiếng Việt ở nhà với ông bà, cha mẹ, và cuối tuần gửi chúng đi học các lớp Giáo lý-Việt Ngữ, thì đã gặt hái được kết quả khả quan. Tại California, một số đông giới trẻ : bác sĩ, kỹ sư, luật sư, doanh thương... có thể giao dịch bằng hai ngôn ngữ Việt-Mỹ. Nhờ song-ngữ, kiếm khách hàng, hay công việc làm ăn được dễ dàng hơn, và việc "dựng vợ gả chồng" cũng có nhiều cơ may thành duyên phận hơn. Ngược lại, nhiều con cháu khi khôn lớn đã phiền trách phụ huynh không giúp chúng học tiếng Việt, nên chúng thiếu cơ hội để tiến thân, làm ăn, hay lấy vợ lấy chồng với người cùng xứ sở. Vì khác mầu da chủng tộc, khác văn hóa, chúng chưa được chấp nhận vào xã hội mới, lại vì không biết tiếng Việt nên không thể giao thiệp với bạn bè người Việt, thành ra chúng bị mọi người hắt hủi. Có người so sánh lớp người này như số kiếp của con dơi, mình chim mà đầu chuột. Con dơi không làm bạn với con chim được vì có đầu chuột, cũng không đi với chuột được vì có cánh chim, nên đành sống lẻ loi, cô đơn.
"Tiếng Việt còn, nước ta còn, tiếng Việt mất, nước ta mất." Ta đã có những gương của nước Do thái, Nhật bản, Trung Hoa, Đại Hàn... Dầu lập nghiệp lâu đời ở ngoại quốc , nhưng đâu đâu cũng thấy chợ Tàu, phố Nhật... Dân tộc Việt Nam, tiếng Việt vẫn trường tồn, sau ngàn năm Bắc thuộc mà không bị đồng hóa với Hán tộc, vì ta suy tư bằng một ngôn ngữ và ngữ pháp, cú pháp khác biệt. Do đó, người Việt chỉ có thể thoải mái, lưu loát diễn đạt tư tưởng bằng tiếng Việt. Vì thế, một số người Việt, đậu bằng cấp cao của ngoại quốc, nhưng kém tiếng Việt, nên không sáng tác được tác phẩm giá trị. Còn tiếng Việt, mới còn Cộng Đồng Việt Nam Hải Ngoại. Không nói tiếng Việt sẽ gây chia rẽ ngay trong gia đình, thiếu thông cảm giữa các thế hệ : ông bà không dạy dỗ các con cháu được, mẹ không chỉ bảo cho con gái mới lớn lên. Tiếng Việt thật dễ, nhưng cũng thật khó. Hiện nay, trong các gia đình Việt Nam ở ngoài nước, hầu hết các trẻ em đều nói tiếng Việt với ông bà, cha mẹ cho tới khi đi học vườn trẻ (4,5 tuổi) ; sau đó, vì phụ huynh sao lãng, vì bắt chước bạn bè, chúng mới bỏ tiếng Việt. Theo kinh nghiệm của một số Phụ huynh, điều cần thiết là làm sao bắt chúng nói tiếng Việt ở nhà để "giữ năm dấu" cho rõ ràng, và cách đặt câu xuôi theo cú pháp Việt. Các danh từ, ngữ vựng có thể tùy nhu cầu, sau này học hỏi thêm. Bởi vậy, nhờ học nhập tâm từ tấm bé, nên dầu chúng không cần phải đi nhà trường mà "tự nhiên" chúng cũng hiểu biết và nói được ngôn ngữ của ông bà Tổ Tiên để lại.
Khả năng tiếng Việt thật phong phú nhất là khi diễn tả các sắc thái của tình cảm trong Thơ-Nhạc. Không biết tiếng Việt để thưởng thức những điệu dân ca, ngâm vịnh, những câu thơ Lục-Bát... cũng là những thiệt thòi lớn lao cho đời sống tình cảm, nghệ thuật. Từ khi nước nhà được độc lập, các bộ môn về khoa học, toán, vật lý, y học, triết học, siêu hình học, thần học... đều có thể giảng dạy bằng Việt Ngữ trong các trường Đại học. Nhờ kho tàng ngữ vựng dồi dào có khả năng dịch thuật các tác phẩm danh tiếng thế giới, nên tư tưởng Việt nam mỗi ngày càng mở rộng. Ngoài ra, tiếng Việt được thêm phong phú nhờ khai thác kho tàng gốc chữ Hán, nhưng đọc ra giọng Việt, gọi là chữ Hán-Việt. Người biết đọc chữ Hán (Nho), chỉ cần mở tự điển English-Chinese, hay English- Japanese, (tìm chữ muốn dịch), là có thể "đọc" ra ngay được một chữ Hán-Việt mới mà mình muốn dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Tiện lợi vô cùng !
Sau đây sẽ gom góp những ý kiến của các giới đồng bào về vấn đề bảo toàn Văn Hóa Việt Nam, bằng cách so sánh với các nền Văn Hóa Âu-Mỹ, đặc biệt đối với Văn Hóa Hoa Kỳ, nơi có rất đông người Việt định cư. Khi so sánh, cần cân nhắc, phân biệt Khuyết điểm và Ưu điểm của mỗi Văn Hóa, để thanh lọc và lựa chọn những kết luận Dung Hòa, Khai Phóng, Tiến Bộ, rồi đem ra thực hành trong sinh hoạt của các Cộng Đồng người Việt Hải Ngoại.
II. VĂN HÓA VIỆT NAM : KHUYẾT ĐIỂM VÀ ƯU ĐIỂM
Trước hết, cần định nghĩa : "Văn Hóa" là gì ?, và cách riêng "Văn Hóa Việt Nam" có những đặc điểm gì ? Khuyết điểm và Ưu điểm ra sao ? Theo nghĩa rộng, danh từ VĂN HÓA (culture) của một dân tộc, bao gồm : non sông, đất nước, phong tục tập quán, cách ăn uống, ăn mặc, hội hè, văn chương, mỹ thuật, ca vũ, âm nhạc, hội họa, kiến trúc... đặc biệt tư tưởng về tôn giáo, siêu hình, triết lý, luân lý và các khoa học nhân văn, kinh tế, chính trị... Theo nghĩa hẹp, dùng trong tập tài liệu này, ý nghĩa chữ "Văn Hóa", được nhấn mạnh vào những điểm cốt tủy thuộc tâm lý, ý chí, cách suy tư, cách biểu lộ tâm tình của một cộng đồng, hay một dân tộc, đặc biệt là Cộng Đồng Việt Nam Hải Ngoại.
A. NHỮNG KHUYẾT ĐIỂM : Đây là lập trường của một số đồng bào, sau năm 1975, muốn "đoạn tuyệt" với quá khứ đen tối : loạn lạc, bom đạn, tù đày, đói khát, nô lệ. Khi đã thoát khỏi Việt Nam, họ bắt con cái nói tiếng ngoại quốc, xa lánh Cộng đồng người Việt. Trong các cuộc thảo luận, có thể gom góp lại những khía cạnh tiêu cực của Văn hóa Việt nam như sau:
1- Óc địa phương, chia rẽ : Chia rẽ địa phương Bắc-Trung-Nam, các đảng phái chính trị vì quyền lợi phe đảng riêng tiêu diệt lẫn nhau, các tôn giáo lớn xuyên tạc, bôi nhọ nhau, các đoàn thể trong Cộng đồng phá nhau, giáo dân chống lại giáo sĩ.
2- Ít Tôn trọng Luật Pháp, Thiếu Tinh Thần Dân Chủ : Việt nam chưa bao giờ đồng lòng với nhau để viết lên "luật lệ quốc gia" cho mọi người theo, vì "Phép vua, thua lệ làng". Cũng đã có mấy bản Hiến Pháp ra đời, nhưng không ai theo. Thiếu tinh thần Dân Chủ : nghĩa là ai cũng có quyền lợi và nghĩa vụ của một công dân, được tự do phát biểu ý kiến và bỏ phiếu : đa số thắng thiểu số, chấp nhận chế độ đa đảng, và đối lập.
3- Chế độ quân chủ chuyên chế, độc tài, đảng trị : từ xưa tới nay, mảnh đất Việt nam đều thuộc quyền sở hữa của vua chúa, hay của đảng phái sang tay nhau, cướp chính quyền. Ngày xưa, các vua chúa, quan quyền đã lạm dụng đạo lý của Khổng-Mạnh để củng cố địa vị độc tôn : Vua là nước, "trung quân, ái quốc", yêu nước cũng là trung thành với vua. Chưa bao giờ đất nước Việt nam thuộc về toàn dân. Mạnh Tử viết : "Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh" (Dân là cao quí nhất, rồi đến nước, sau đó mới đến vua).
4- Ý Thức Quốc gia và lòng yêu nước yếu kém, vì quyền lợi quốc gia hoàn toàn thuộc về một thiểu số chuyên chế, độc tài. Nếu người dân có hy sinh tài sản tính mạng thì khi thành công bao nhiêu quyền lợi cũng vào tay người khác. Do đó, tâm lý chung của người Việt là rất thờ ơ đối với việc chung của đất nước, của Cộng đồng, không thể hợp tác để cùng nhau thực hiện một chương trình chung, lớn lao. Tại Hoa kỳ, một quốc gia mới có 200 năm văn hóa, nhưng tinh thần yêu nước rất cao, đặc biệt sau những biến cố Pearl Harbor 12/08/41 và WTC 09/11/2001, cờ Hoa kỳ bay phất phới để tỏ lòng ái quốc.
5- Ít Tôn trọng Tự Do và Trách Nhiệm Cá Nhân, nhất là trong việc giáo dục con cái, không chia sẻ, thông cảm những ưu tư, khó khăn của tuổi trẻ. Không giúp con cái sống tự lập, và trưởng thành. Trọng nam, khinh nữ. Cha mẹ định đoạt trong việc cưới hỏi. Chế độ đại gia đình, gia tộc gồm ông bà chú bác, cô dì bên nội, bên ngoại đôi khi cũng tạo ra nhiều ràng buộc phiền phức.
6- Kinh tế nghèo nàn, và trật tự xã hội lạc hậu. Kinh tế không mở mang được, vì xã hội cổ đặt ra một bậc thang giá trị : sĩ, nông, công, thương. Vì không chú trọng vào việc thương mại, buôn bán, nên kỹ nghệ không mở mang. "Phi thương bất phú". Các trí thức ngày xưa, chỉ ưa lối học từ chương để ra làm quan, mà thiếu óc sáng chế, kỹ thuật, nên nông nghiệp không được cải tiến. Do đó, dân chúng đói khổ, chạy ăn từng bữa.
Trên đây là một số nhận định tiêu cực về Văn Hóa Việt Nam, được phát biểu trong các cuộc thảo luận. Nhưng, ta tự hỏi : nếu người Việt chỉ có những khuyết điểm trầm trọng như vậy, làm sao có thể tồn tại được cho đến ngày nay ? Chắn hẳn phải có những TINH HOA, tuy bị lu mờ, nhưng không thể tàn lụi được.
B. ƯU ĐIỂM : TINH HOA VĂN HÓA của VIỆT NAM. Lập trường "đoạn tuyệt" với dĩ vãng, khó có thể thực hiện được tại Hoa Kỳ, như sẽ bàn ở đoạn IV, trong bài này. Vả lại ngày nay, người ta bắt đầu chấp nhận một xã hội "đa văn hóa" (multicultural), sánh ví như "Rainbow" (cầu vồng ngũ sắc) hay "tapestry" (bức thảm). Mỗi sắc tộc nên bảo toàn lấy văn hóa riêng và tô điểm cho văn hóa chung Hiệp Chủng Quốc thêm phần rực rỡ.
1- Đề Cao Tình Nghĩa Gia Đình, Gia Tộc bên Nội, bên Ngoại. Tình yêu gia đình thì dân tộc nào cũng có, nhưng đối với người Việt Nam, lòng nhớ ơn, tôn kính tổ tiên đã vượt lên một bậc cao siêu trở thành "ĐẠO HIẾU". Do đó, ý thức về quốc gia, tình yêu nước có thể yếu kém, nhưng tình gắn bó với ông bà cha mẹ, cô chú, họ hàng, nội-ngoại rất khắng khít, mặn mà. Sinh sống ở nhà, hay ở ngoài nước, người Việt chỉ còn trông nhờ vào sự giúp đỡ của bà con anh chị em ruột thịt. Bà con bảo lãnh lẫn nhau, anh chị giúp các em học hành...Những dịp, cưới hỏi, ma chay... dầu sinh sống ở những tiểu bang xa xôi, những họ hàng bà con vẫn còn tập họp thân tình để chia vui sẻ buồn với nhau. Trong khi cả nước đói khổ, nhờ bà con đùm bọc, "lá lành đùm lá rách" giúp đỡ lẫn nhau, nên còn sống sót cho đến ngày nay.
2- Tinh Thần Cầu Tiến, Trọng Giáo Dục. Người Việt rất trọng việc học hành, vì theo truyền thống từ xưa : đó là con đường duy nhất để tiến thân, lập sự nghiệp cho mình và làm vinh danh cho gia đình. Vì thế, các bậc phụ huynh thôi thúc con cháu học hành càng học cao càng tốt, và chọn những môn học "hái" ra tiền như bác sĩ, kỹ sư. Nhờ óc tháo vát, thực tiễn, và kiên trì chịu gian lao khó nhọc, ít hưởng thụ, nhưng tiết kiệm, nên chỉ sau mấy năm lập nghiệp định cư, nhiều gia đình Việt nam đã trở nên sung túc, mua nhà riêng. Nhờ óc tự lực tự cường, một số người Việt đã mạo hiểm trong lãnh vực kinh doanh, và đã trở nên giầu có.
3- Đề Cao Nhân-Nghĩa, Trọng Tài-Đức Song Toàn... Tài-Đức phải song toàn, đặc biệt đối với những người ra gánh vác công việc quốc gia xã hội. Luân lý xã hội đặt trên "Ngũ Thường" : Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí,Tín và "Tứ Đức" : Công, Dung, Ngôn, Hạnh của người phụ nữ, vẫn còn được tôn trọng.
4- Lòng Sùng Đạo. Đặc biệt lòng trung thành với Đức Tin của Đồng bào Công Giáo được cả thế giới ngưỡng mộ, qua việc Phong Thánh cho 117 Vị Thánh Tử Đạo. Họ là những người Việt nam bình dân, thấm nhuần đạo đức của dân tộc. Khi hiểu biết chân lý của Phúc Âm, nhiều điều cũng phù hợp với tín ngưỡng của tổ tiên, như tin có "Ông Trời", và "Hồn Thiêng bất tử", thì họ say mê tin theo. Bị vua chúa chuyên chế, và các hủ nho, cấm đoán, giết hại, nhưng họ đã không nổi loạn, không oán thù, mà đã quả cảm, sẵn sàng chịu chém đầu, phân thây, hay "phân sáp" (dùng kim khí nung đỏ để khắc chữ "tả Đạo" trên má), để chứng tỏ NIỀM TIN. Ngày nay, các Cộng Đồng Công Giáo vẫn còn sốt sắng giữ Đạo, và số tu sĩ vẫn còn đông. Niềm tin ở một Đấng Thiêng Liêng, gọi là Ông Trời hay Đức Chúa Trời, cầm quyền sinh tử, thưởng kẻ lành phạt kẻ dữ, và chết không phải là hết, nhưng hồn thiêng củaTổ Tiên vẫn tồn tại, bất tử : đó là niềm tin chung của mọi người dân Việt khắp thế giới.
III. NHỮNG KHUYẾT ĐIỂM VÀ ƯU ĐIỂM của VĂN HÓA ÂU-MỸ
Dưới đây là một vài nhận định tiêu cực về Văn hóa Âu-Mỹ :
A. NHỮNG KHUYẾT ĐIỂM CỦA VĂN HÓA ÂU-MỸ
1- Gia Đình Bắt Đầu Tan Rã. Cách mạng tính dục (sex revolution) vào những năm 1960-70, thời kì chiến tranh lạnh và phong trào phản chiến lên cao. Thanh niên nam nữ trên 18 tuổi, đòi thoát ly gia đình, ra ở riêng với chúng bạn. Trai gái thử sống chung như vợ chồng mà không làm giá thú. Công quỹ tốn tiền nuôi mẹ và con nhỏ. Phá thai được hợp thức hóa, giết chết cả triệu bào thai mỗi năm. Vì chương trình giáo dục thanh thiếu niên về tính dục, chỉ chú trọng về khía cạnh y khoa, làm sao để ngăn ngừa mang thai mà bỏ qua giá trị cao quí của hôn nhân gia đình, tình nghĩa vợ chồng, nên nạn chửa hoang vẫn chưa giảm bớt. Thêm nhiều tệ nạn khác như "đồng tính luyến ái", sách báo, phim ảnh khiêu dâm trong truyền hình, Internet ; vì giờ việc làm khác nhau, vợ chồng con cái ít khi gặp nhau để ăn chung, chia sẻ, trò chuyện, thông cảm. Đó là những nguyên cớ khiến cho gia đình thiếu gắn bó, bền chặt.
2- Văn Minh Tiêu Thụ và Văn Hóa Bạo Động. Sự thịnh vượng kinh tế đặt trọng tâm vào việc kiếm lợi tức, tiền bạc làm mục đích. Vì thế, nhiều khi đã chà đạp lên phẩm giá của con người. Tự do kiếm lợi nhuận, tự do kinh doanh, nếu không có một chính sách kinh tế chỉ huy hợp lý, sẽ tạo ra những bất công xã hội như hố sâu cách biệt giữa người giầu và người nghèo, giữa những nước giầu, nước nghèo. Người thì ăn uống dư thừa đổ đi, nơi thì chết đói. Phung phí năng lượng tạo ra ô nhiễm. Ngoài ra, văn hóa tiêu thụ, kỹ thuật quảng cáo kích động lòng ham muốn tiêu thụ vô độ, đã tạo ra những tệ nạn xã hội như nghiện hút, xì ke ma túy, băng đảng, trộm cướp, bắn giết, khủng bố.
3- Chủ Nghĩa Cá Nhân Tự Do Thái Quá. Coi thường nền luân lý cổ truyền đặt nền tảng vào những Chân Lý có giá trị tuyệt đối, phổ biến, khách quan như "Mười Điều Răn". Giới trẻ thời nay mất ý thức về tội ác, họ chỉ sợ cảnh sát bắt phạt. Phán đoán về Thiện Ác tùy theo lương tâm cá nhân chủ quan định đoạt. Do đó, tạo ra tình trạng hỗn loạn về luân lý, không còn biết theo tiêu chuẩn nào về các giá trị. Phim ảnh cổ võ một văn hóa bạo lực, bắn giết, khi cá nhân bất mãn. Khuynh hướng tục hóa (secularism), và chủ nghĩa cá nhân cực đoan đã vi phạm quyền sống của con người khi chủ trương hợp thức hóa phá thai, tạo ra văn hóa tử vong (culture of death).
B. NHỮNG ƯU ĐIỂM CỦA VĂN HÓA ÂU-MỸ. Những chỉ trích trên, chỉ mới là bề trái bất toàn của bất cứ nền văn hóa nào. Sau đây, thử tìm hiểu những động lực nào đã tạo nên văn minh Âu-Mỹ hùng mạnh như ngày nay.
1- Dân Chủ Tự Do, Phân Quyền và Pháp Trị. Nhờ chế độ Dân Chủ, mỗi công dân được quyền bỏ phiếu để chọn các vị dân cử, được tự do phát biểu ý kiến, và được chia sẻ quyền lợi, cũng như đóng góp nghĩa vụ, nên tinh thần quốc gia, lòng yêu nước rất hùng mạnh. Người công dân một nước dân chủ được đối xử công bằng trước Pháp Luật, và được Hiến Pháp bảo đảm các quyền Tự do căn bản như Tự do Tôn giáo, tự do kinh doanh. Do đó, người công dân được an cư lạc nghiệp.
2- Nhiều Cơ Hội Học Hành, và Tinh Thần Cầu Tiến. Vì tôn trọng nhân phẩm và nhân quyền, những nước dân chủ tự do đã chú trọng vào việc giáo dục, mở mang dân trí, xây cất trường sở để đào tạo nhân tài cho quốc gia. Mọi người dân đều có cơ hội để tiến thân, miễn là có ý chí xây dựng sự nghiệp. Nền giáo dục chú trọng vào kinh doanh, thương mại, khoa học kỹ thuật, sáng chế để cho nước giầu, dân sung túc, đời sống được nâng cao.
3- Giáo Dục Nhấn Mạnh Tinh Thần Tự Lập, Trưởng Thành. Gia đình và học đường tập cho con em biết sống tự lập, tự trách nhiệm lấy đời mình. Do đó, phụ huynh và các thày cô lắng nghe ý kiến của con em để hướng dẫn chúng. Trong cách cư sử, thường tỏ thái độ thân tình, thông cảm, chia sẻ hơn là dùng quyền ép buộc hay dọa nạt, mắng nhiếc. Đây cũng là khởi đầu tập luyện cho đứa trẻ có tinh thần dân chủ tự do tự lực tự cường, không ỷ lại vào người khác.
4- Tinh Thần Bác Ái Vị Tha. Đây cũng là nét đặc thù của văn hóa Âu-Mỹ chịu ảnh hưởng của Học thuyết xã hội Thiên Chúa Giáo : dùng tiền bạc, lợi nhuận giúp đỡ người nghèo để lập công phúc. Do đó, tại Hoa kỳ, chính phủ khuyến khích việc thành lập các Hội Từ thiện tư nhân, được miễn thuế, để viện trợ cho các nước nghèo, người thiếu thốn, khi gặp tai nạn. Chính phủ trợ cấp cho người di cư về y tế, nhà ở, ăn uống và việc làm.
5- Tự Do Tôn Giáo, Phân Biệt Tôn Giáo với Chính Trị. Nhờ sự phân biệt hai phạm vi hoạt động và hai mục đích khác nhau, nên chính quyền không được xén lấn vào nội bộ và kiểm soát các tôn giáo ; ngược lại, các tôn giáo không dựa vào thế lực của chính quyền để đàn áp các tôn giáo khác, hoặc để gây ảnh hưởng, nên quốc gia tránh được nạn kỳ thị tôn giáo, "quốc giáo", và "chiến tranh tôn giáo".
IV. THÀNH HÌNH MỘT NỀN VĂN HÓA VIỆT-MỸ
Là người dân Việt, ai cũng còn nhớ : vì vận nước đổi thay, nên cả triệu đồng bào phải ngậm ngùi rời bỏ quê hương ngàn đời yêu dấu, để sinh sống tản mát khắp nơi trên thế giới. Ngày nay, nhìn lại biến cố đau thương đó, đặc biệt người Việt Hải Ngoại đều nhận ra : qua những cái rủi ro, cũng tìm được những cái may mắn. Thật thế, nhờ bà con được hưởng tự do, cần cù làm ăn sung túc, đã có thể cứu sống nước Việt nam bớt đói khổ nhờ tiền bạc gửi về giúp đỡ. Nhưng ích lợi lớn lao nhất cho tương lai của dân tộc, chính là những người Việt tản cư ra ngoại quốc đó, đã mở rộng cánh cửa đã khép kín từ ngàn năm, để đất nước Việt nam hận thù, đọa đầy, lạc hậu, có thể nhìn ra những chân trời mới: Dân Chủ, Tự Do, Thịnh Vượng !
Do bản năng "Sinh Tồn", tranh đấu để sống, do tài tháo vát, "tùy cơ ứng biến", "đáo giang tùy khúc, nhập gia tùy tục", nhất là kiênóc cầu tiến, cần cù, kiên nhẫn, đa số người Việt di cư đã tạo được nếp sống khá ổn định, sung túc về kinh tế, và con cháu học hành thành tài... Do đó, các nhà xã hội học khi nghiên cứu về những sinh hoạt của các Cộng đồng người Việt, tại Hoa Kỳ, đã đặt ra vấn đề "VĂN HÓA VIỆT-MỸ" (Viêtnamese-American Culture) để khảo sát sự thành hình, và biến chuyển từ văn hóa gốc đến những đặc điểm, và sắc thái hiện tại. Trong bài này, tuy đặc biệt chú trọng vào đời sống của người Việt tại Hoa Kỳ, (hơn một triệu) nhưng thiết tưởng cũng có thể áp dụng thích hợp đối với các đồng hương sinh sống tại các quốc gia khác như : Việt-Pháp, Việt-Đức, Việt-Uc... Sau đây là mấy điểm chính : A/ Đặc điểm của Văn Hóa Việt-Mỹ trong việc Hội Nhập Văn Hóa ; B/ Những cản trở về Hội Nhập Cơ Cấu, và những Căn tính, những Hình ảnh hỗn tạp của người Việt sinh sống tại Hoa Kỳ.
A- NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA VĂN HÓA VIỆT-MỸ. Theo các học giả như Milton M. Gordon (Assimilation in America: Theory and Practice), Susan Auerbach (Vietnamese-American)..., vấn đề Hội Nhập (Assimilation) được phân biệt làm hai loại khác nhau : một là, Hội Nhập Văn Hóa (cultural Assimilation), hai là, Hội Nhập Cơ Cấu (structural Assimilation). Trong đoạn A/ sẽ bàn về việc thành hình loại "Hội Nhập Văn Hóa" gọi là "Văn Hóa Việt-Mỹ, và trong đoạn B/ "Hội Nhập Cơ Cấu", sẽ nêu ra những trở ngại của người Việt di cư khi hội nhập vào cơ cấu tổ chức xã hội của Hoa Kỳ ; do đó,về phương diện Xã Hội-Tâm Lý (socio-psychological dimension) người dân Việt có nhiều Căn Tính (Identities), nhiều Hình ảnh (Images) hỗn tạp.
Vì bản năng sinh tồn, vì bắt buộc thích nghi với hoàn cảnh, môi trường mới, người dân Việt dù muốn hay không, cũng phải thay đổi cách sống, cách suy nghĩ, cách làm ăn, tức là thay đổi hoặc cải tiến những giá trị của Văn Hóa Cổ Truyền. Do đó, loại Văn Hóa Việt-Mỹ (Việtnamese-American Culture) này mang những sắc thái như sau :
1- Nặng Tình Nghĩa Gia Đình. Tình yêu gia đình thì dân tộc nào cũng có, nhưng đối với người Việt di cư, đức tính đó đã bao quát, và điều động mọi hoạt động của con người. Thật vậy, nhờ gia đình khuyến khích, nâng đỡ mà con cháu chăm chỉ học hành để nên danh phận ; nhờ các phần tử trong gia đình gắn bó chặt chẽ, góp vốn để kinh doanh, buôn bán, mở tiệm ăn, "lấy công làm lời", nên đã thành công. Nếu có giúp đỡ bà con bên nhà thì không phải vì lòng yêu nước, nhưng chỉ vì xót thương người ruột thịt đói khổ. Tại Hoa Kỳ, ở các tiểu bang xa xôi, bà con vẫn còn gặp nhau trong những dịp cưới hỏi, ma chay. Làm lễ Gia Tiên trong gia đình, trước khi ra Thánh Đường làm lễ cưới. Người theo Công Giáo hay bất cứ đạo giáo nào, trong nhà thường dựng bàn thờ Tổ Tiên như trưng Ảnh Ông Bà, và đặt hương nhang, trái cây, bông đèn.
2- Quan Tâm về Giáo Dục, Học Hành, làm phương tiện Tiến Thân. Cha mẹ liều mạng, hy sinh tiền bạc cho con xuất ngoại để có cơ hội học hành. Vì thế, phụ huynh làm ăn vất vả, miễn sao con cái học thành tài. Rất sợ chúng hư thân bỏ bê việc học hành. Luôn thúc dục con cái học cao, nên nhiều con cháu đã đậu đạt.
3- Cần Cù Làm Việc, Buôn Bán, Kinh Doanh. Vì muốn tiến thân bằng cách "Tự lực, tự cường", nên nhẫn nại, chịu cực khổ để làm nhiều việc. Không "nghỉ hè", không nghỉ cuối tuần, "ca đêm"..., miễn là có nhiều tiền để dành, không hưởng thụ, ăn xài, để giúp đỡ bà con thiếu thốn, hoặc trả tiền học phí cho con cái hay mua nhà trả góp. Trái ngược với xã hội cũ ở quê nhà, vì muốn tự lực cánh sinh, một số đông đã mạo hiểm vào việc buôn bán, kinh doanh để mau làm giầu. Do đó, ngày nay, nhiều khu phố, siêu thị lập ra như "Tiểu Saigon", nhiều tiệm ăn, tiệm tạp hóa do người Việt làm chủ. Tuy nhiên, công việc sáng chế và hùn vốn mở những công ty lớn, chưa được phát triển, vì các hoạt động thương mại bị han chế trong địa hạt gia đình, giữa bà con thân thuộc.
4- Tính Tình Hiền Hòa, Thân Thiện. Người Việt ưa : "Dĩ hòa vi quí", nên nếp sống xã hội khá hòa hợp thân thiện, ít gây xích mích với hàng xóm, khu phố, vì sợ thiên hạ thù ghét, và vì giàu tình cảm, nên cách đối đãi với bạn bè, ân nhân đượm vẻ chân thành.
5- Bắt Đầu Dấn Thân Vào Các Hoạt Động Chính trị, Tranh Đấu cho Dân Chủ. Sống một nước Dân chủ Tự do, nếu không tranh đấu đòi những quyền công dân, bằng cách tham gia vào các hoạt động chính trị như quyền bầu cử và ứng cử, thì khó mà tiến lên được. Bởi vậy, người Việt đã bắt đầu hiểu biết, học hỏi những nguyên tắc về dân chủ như "đa số thắng thiểu số", quyền lợi và nghĩa vụ, tôn trọng luật pháp quốc gia, Hiến pháp, "có đi, có lại" (give and take). Ngày xưa, dưới chế độ chuyên chế, độc tài, đảng trị, người dân Việt rất ghét tham gia chính trị, vì chỉ "có làm, mà chẳng có ăn", có nghĩa vụ mà không có quyền lợi gì. Cũng nhờ học được tinh thần dân chủ, và tôn trọng luật pháp, chứ không vì cảm tình bè phái, nên các Cộng Đồng người Việt bắt đầu đoàn kết và hợp nhất hơn trước.
6- Sinh Hoạt Tôn Giáo Tự Do. Nhờ chế độ Dân chủ Tự do, và Hiến Pháp bảo đảm, tuy Hoa kỳ là một quốc gia do các vị sáng lập thuộc Thiên Chúa Giáo, nhưng ngày nay, mọi công dân, kể cả người mới đến định cư cũng được quyền tự do theo đạo giáo của mình như Phật giáo, Hồi giáo. Nhìn chung, người Việt còn tôn trọng đạo truyền thống của dân tộc là tin ở một Đấng Bề Trên cầm quyền sinh tử, tin ở sự trường sinh của Hồn Thiêng Tổ Tiên, tin ở nghiệp báo, thưởng kẻ lành, phạt kẻ dữ. Đạo giáo cũng giữ vai trò an ủi những tâm hồn sầu khổ, cô đơn. Vì thế, một số chùa được xây cất, để đáp ứng với nhu cầu thiêng liêng. Riêng đối với Công giáo, nhờ được Giáo Hội địa phương giúp đỡ, nên sinh hoạt tôn giáo phát triển mạnh, nhiều Cộng Đoàn xây được "Nhà Thờ Việt Nam". Số thanh niên nam nữ dấn thân phụng sự Giáo Hội cũng gia tăng.
7- Những Bước Thụt Lùi và Những Đổ Vỡ Đang Đe Dọa. Mới sau 25 năm định cư, vì nhịp độ Hội Nhập Văn Hóa nhanh chậm khác nhau, nên đã gây xáo trộn và đổ vỡ trong gia đình, chia rẽ giữa thế hệ già/trẻ, vợ/chồng, cha/mẹ/con cháu. Đặc biệt giới trẻ, thuộc thế hệ con cháu, chúng kém tiếng Việt, không biết gì về lịch sử, địa lý, văn hóa Việt nam, cũng không được ai cắt nghĩa cho biết lý do tại sao cả gia đình di tản ra ngoại quốc. Do đó, giới trẻ bắt đầu mất PHẤN KHỞI trong việc học hành, tạo dựng sự nghiệp như thế hệ trước. Một số bỏ học và lo ăn chơi hưởng thụ. Đến đời con cháu, vòng giây tình nghĩa gia tộc, gia đình bị thu ngắn lại, vỏn vẹn còn có cha mẹ, anh chị em ruột thịt. Con cháu càng ngày càng lạnh nhạt đối với ông bà, cô bác và họ hàng. Vì thiếu gặp gỡ đối thoại giữa các tôn giáo để tạo sự thông cảm thân thiện, nên một số người quá khích, lạm dụng quyền "Tự Do ngôn luận", khai thác những tị hiềm dĩ vãng, xuyên tạc, chỉ trích các tôn giáo bạn, làm mất sự đoàn kết và an vui của đồng hương. Sau đây sẽ bàn đến những trở ngại, khó khăn chưa thể vượt qua được khi người Việt di cư cố gắng Hội Nhập vào Cơ Cấu của xã hội Âu-Mỹ.
B- NHỮNG TRỞ NGẠI VỀ HỘI NHẬP CƠ CẤU. Sau một thời gian sinh sống ở Mỹ, hay Pháp, Úc..., người Việt đã thay đổi cách ăn mặc, cách cư xử, điệu bộ, suy nghĩ, tư tưởng... nghĩa là đã khác với "văn hóa gốc" Việt nam ; vì thế, bà con bên nhà mới tặng cho cái tên "Việt kiều". Nhưng, chính người Việt ở hải ngoại, lại tự hỏi : có thật mình đã hoàn toàn "Mỹ hóa", "Pháp hóa" chưa ? Tại sao, ngườt Việt đã đậu đạt bằng cấp cao, nói tiếng Anh làu làu, mà báo chí, dân chúng vẫn kêu là Vietnamese-American ? Người Trung hoa, Nhật Bản, Phi Châu... đã sống trên đất Mỹ hơn trăm năm, mà cũng vẫn gọi là Japanese-American ? Tại sao có sự phân biệt như vậy ? Hội Nhập Văn Hóa khác với Hội Nhập Cơ Cấu như thế nào ? Nhà xã hội học Emory S Bogardus (A Social Distance Scale) đã chia thành 3 bậc về Hội Nhập Cơ Cấu, nghĩa là muốn thật sự Hội Nhập Cơ Cấu thì cần cả hai bên Việt và Mỹ, (hay Việt và Pháp)... bằng lòng chấp nhận nhau đến mức độ nào đó. Bậc một, (cao nhất) : trở thành vợ-chồng trong hôn nhân hợp chủng, trở nên bạn thân thiết ; Bậc hai, làm chung một sở, lối xóm là Mỹ da trắng, và bạn bè qua lại, chào hỏi ; Bậc ba (kém nhất, xa lánh nhau) : không thích ở chung xóm, muốn đuổi về nước. Theo cách nhận xét trên, hiện nay tại Hoa Kỳ, hôn nhân hỗn hợp Việt-Mỹ rất họa hiếm, và ít thành công ; bạn bè thân tình giữa Việt-Mỹ cũng rất ít ; thù ghét người Việt di cư, muốn đuổi về nước, ít khi xẩy ra, và vì bất mãn, người Việt di cư đòi trở về Việt nam cũng thưa thớt. Do đó, có thể nói hiện nay, phần lớn người Việt di cư chỉ mới Hội Nhập vào Cơ cấu xã hội Mỹ vào bậc hai : "Bậc Trung". Còn cần một thời gian lâu dài, và nhiều thử thách mới Hội nhập đầy đủ được, như đã có gương người gốc Phi châu, Nhật, Hoa... đến trước hơn trăm năm nay. Sau đây, sẽ tìm cách giải thích vì những lý do gì, người Việt mới chỉ Hội Nhập vào Cơ cấu xã hội Mỹ ở "BậcTrung ".
Từ sau biến cố năm1975, nhiều quốc gia trên thế giới đã đón tiếp người Việt tỵ nạn với những ưu đãi thuận lợi, đặc biệt tại Hoa Kỳ. Vì là đồng minh với Hoa Kỳ trong chiến tranh lạnh, nên người Việt di tản được chính phủ Mỹ cứu trợ. Nhiều chương trình giáo dục, chương trình ESL giúp học Anh ngữ, các học bổng, lớp huấn nghệ,v,v, giúp người Việt mau hội nhập vào đời sống mới, dễ tìm việc làm. Nhờ được hưởng nền kinh tế Mỹ tiến bộ vào thời kỳ kỹ nghệ điện tử bắt đầu phát triển, nhiều gia đình dễ kiếm việc làm với lương cao. Việc buôn bán, kinh doanh tiểu thương cũng được chính phủ khuyến khích. Nhờ trở thành công dân Mỹ, người Việt bắt đầu ý thức về quyền bỏ phiếu, tham gia chính trị, đặc biệt những nơi tập trung người đồng hương như Quận Orange (Quận Cam). Do đó, nhờ nắm được 3 điều kiện quan trọng : học thành tài chuyên môn, kinh doanh, việc làm, người Việt đã Hội Nhập vào đời sống Mỹ khá cao. Tuy nhiên, xét về khía cạnh Hội Nhập Cơ Cấu thì mới ở bậc TRUNG, vì còn nhiều TRỞ NGẠI như :
1- Khác Biệt Chủng Tộc. Vì người Việt không thuộc chủng tộc da-trắng caucasian, nên việc Hội Nhập trọn vẹn đã gặp nhiều trở ngại. Xã hội Hoa kỳ phân chia ra nhiều tầng lớp xã hội theo chủng tộc (ethno-social stratification) như : da trắng, rồi đến Phi-Mỹ (African-American), Nhật-Mỹ (Japanese-American), Hoa-Mỹ Chinese-American), Mễ-Mỹ (Mexican-American)... Da trắng là "đa số" (majority), còn các sắc tộc khác là "thiểu số" (minority). Người Việt-Mỹ (Viêtnamese-American) là một thiểu số đến từ "thế giới đệ tam" (third-world), nên là dân "thiểu số" đối với da trắng, và còn là "thiểu số" đối với các dân "thiểu số" khác nữa. Ngày nay, tuy đã được luật pháp cấm kỳ thị ở trường học, tiệm ăn..., tuy đã tôn trọng các sắc thái, tinh hoa của các sắc tộc, nhưng người Việt-Mỹ, vì thuộc dân "thiểu số của thiểu số", nên còn gặp nhiều trở ngại, chưa có thể Hội Nhập đầy đủ vào cơ cấu của xă hội Hoa kỳ.
2- Hình Ảnh Hỗn Tạp. Xét về phương diện xã hội-tâm lý (socio-psychological dimension), các nhà khảo cứu nhận thấy người Việt-Mỹ có những bộ mặt, hay hình ảnh hỗn tạp (mixed Images). Hình ảnh ở đây có nghĩa là, ta nghĩ về ta làm sao, và thiên hạ nghĩ về ta thế nào ? Ta có mặc cảm tự ti, hay tự hào, tự trọng. Những mặc cảm này rất ảnh hưởng đến sự tiến thân, hay thoái hóa của ta. Người Việt-Mỹ tự hào về nguồn gốc 4000 năm văn hóa, về việc xây dựng sự nghiệp từ hai bàn tay trắng, được thày cô và các chủ hãng khen ngợi về sự cần cù. Nhưng cũng bị mặc cảm tự ti, vì thuộc thế giới đệ tam, lạc hậu, nghèo đói, bị đô hộ. Tệ hơn nữa, chính người Việt thù ghét, chỉ trích người Việt, và không biết dân tộc Việt Nam đã có một nền văn hóa riêng biệt, chứ không phải chỉ vay mượn Văn Hóa của Trung Hoa, hay Pháp.
3- Nhiều Căn Tính Lộn Xộn. Nhiều người Việt khó trả lời : là Việt hay là Mỹ ? Là người di dân vì kinh tế (economic Immigrants) hay tị nạn vì chính trị (refugees) ? Đa số người Việt vẫn coi mình là Việt hơn là Mỹ, và là dân tị nạn. Nhiều người Việt-Mỹ chỉ muốn sống tạm thời ở Mỹ, coi mình như người ngoại quốc đến làm ăn, do đó, họ không tham gia chính trị, không tìm cơ hội để tiến thân. Người Việt-Mỹ thuộc nhóm Á Châu nào ? Nhóm Đông-Á (East-Asia) với Nhật, Hoa, Đại Hàn, hay Đông-Nam-A (South East Asia) với Phi, Cao miên, Lào, Thái Lan, Mã Lai ? Hay nhóm Đại Á Châu (Pan-Asia) ?
Chính vì nhiều "bộ mặt", nhiều "căn tính", hỗn tạp, lại thuộc thành phần "thiểu số-thiểu số..., nên người Việt-Mỹ chỉ có thể tiến đến bậc "TRUNG" (middle level), dầu tài giỏi, và giầu có. Nhiều người Việt-Mỹ còn ở dưới mức nghèo (below the poverty line). Bởi vậy, muốn tiến lên cao hơn nữa, người Việt-Mỹ cần mạo hiểm vào lãnh vực sáng chế, công ty kinh doanh lớn, và tham gia chính trị, như sẽ bàn ở đoạn kết thúc bài này.
V. LÝ TƯỞNG , THỰC HÀNH : ĐOÀN KẾT VÀ LÃNH ĐẠO
Để tạm kết thúc bài này, xin toát yếu một vài ý kiến thô thiển. Ứơc mong Quí vị cao minh thiết tha với tương lai Tổ Quốc Việt Nam, và với con cháu các Thánh Anh Hùng Tử Đạo,góp ý kiến để bổ túc cho hoàn bị hơn. Về mặt lý tưởng, tại quốc nội cũng như quốc ngoại, muốn tiến bộ trên trường quốc tế, người Việt Nam chúng ta cần có một ý chí, một tâm lý, tức là một nền Văn Hóa trọng Dân Chủ, Tự Do, và Khai Phóng, biết lựa chọn để duy trì những tinh hoa của mình và mở rộng tâm hồn đón nhận, học hỏi những điều hay lẽ phải của thế giới. Về mặt thực hành, đặc biệt áp dụng cho các Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại Hải Ngoại, chúng ta cần sự ĐOÀN KẾT và LÃNH ĐẠO mạnh như câu ca dao tục ngữ :
Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn đá cao..
Khôn ngoan đá đáp người ngoài
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau
1- Muốn Đoàn Kết, Phải Có Dân Chủ Tự Do. Hiện nay, ở trong nước cũng như ở ngoài nước, người Việt còn chia rẽ ra nhiều đảng phái, đoàn thể chống phá nhau, bởi vì lòng yêu nước, tinh thần quốc gia yếu kém. Nguyên do chính là vì chúng ta thiếu tinh thần Dân Chủ Tự Do. "Có đi có lại, mới toại lòng nhau". Xưa nay, óc độc tài chuyên chế luôn ức hiếp người dân phải thi hành nghĩa vụ, nhưng không được hưởng một quyền lợi gì, không được quyền tự do phát biểu ý kiến. Do đó, dân chúng mất tin tưởng và tín nhiệm giới lãnh đạo, và Cộng Đoàn thiếu người tham gia hợp tác. Ngoài ra, muốn có Dân Chủ Tự Do thật sự, phải chấp nhận đối lập, tức những ý kiến khác biệt, để cùng nhau bàn thảo, dung hòa và ĐỒNG THUẬN để thi hành. Thiếu đoàn kết thành một lực lượng để cạnh tranh với các sắc tộc khác, Cộng Đồng chúng ta sẽ tan rã và bị đào thải.
2- Lãnh Đạo và Vai Trò Giáo Dân. Theo truyền thống trong Giáo hội, đặc biệt ở Việt nam, hàng Giáo Sĩ có trách nhiệm lãnh đạo giáo dân về phần đạo lý, thiêng liêng, nhưng đôi khi cũng can dự vào những hoạt động trần thế. Cuộc di cư năm 1954, từ Bắc vào Miền Nam, nhờ tài lãnh đạo của Hàng Giáo Sĩ đã góp công sức để định cư cho cả triệu người. Cuộc di cư năm 1975, Hàng Giáo sĩ không nắm vai trò lãnh đạo như xưa, vì ở ngoại quốc, nên không quen biết phong tục, không thạo ngôn ngữ, lại lệ thuộc vào Hàng Giáo Phẩm địa phương để có chỗ trú ngụ, việc làm, lương bổng. Do đó, các vị giáo sĩ không có nhiều thời giờ, sức khoẻ và không đủ tài năng chuyên môn để đối phó với tình thế mới, thành ra việc lãnh đạo không được mạnh mẽ. Các nước tân tiến Au-Mỹ, sự phân biệt hai phạm vi hoạt động Tôn Giáo và Thế Tục ; các ngành như khoa học, kinh tế, chính trị, kinh doanh, tâm lý, y học... đòi hỏi kiến thức chuyên môn riêng biệt. Bởi vậy, một vị Lãnh Đạo tinh thần, xuất thân từ Chủng Viện, chuyên môn về Thần học, Kinh Thánh, Giáo Lý Luân Lý... nhưng không được học về khoa Kinh tế, Chính trị, Xã Hội Học... Vì thế, cần các vị giáo dân đạo đức, giầu kinh nghiệm chuyên môn hợp tác trong việc lãnh đạo các Cộng đồng. Cần đào tạo tinh thần tông đồ, và khuyến khích giáo dân tham gia chính trị chính đáng để bảo vệ quyền lợi và sự thăng tiến của người Việt Hải Ngoại. Do đó, một câu hỏi cấp bách được đặt ra trong lúc này : chúng ta có nên sửa đổi lại cơ cấu tổ chức các Cộng Đoàn Công giáo hiện tại cho hợp với tình thế mới, để cho giáo dân tích cực tham gia vào các sinh hoạt Cộng Đồng không ?
3- Về Giáo Dục : Bảo Tồn Tiếng Việt và Tổ Chức Hội Đoàn. Muốn cho Cộng Đoàn tồn tại lâu dài, cần mở lớp Giáo Lý Việt ngữ, và các gia đình nên khuyến khích con cháu nói tiếng Việt trong nhà. Ngoài ra, cần đoàn ngũ hóa các thiếu nhi để giúp huấn luyện chúng về đạo hạnh, chăm chỉ học hành, chọn bạn tốt. Thành lập và cổ động người lớn tuổi tham gia các Hội Đoàn như Cursilo, Đạo Binh Đức Mẹ, Hội các Bà Mẹ Công Giáo v,v
4- Đối Thoại với Tôn Giáo Bạn và với Giáo Quyền Địa Phương. Để tránh gây chia rẽ, hiềm khích giữa các tôn giáo, người Công giáo Việt nam cần biểu lộ tình yêu quê hương một cách mạnh mẽ, nhất là trong những ngày Lễ Truyền thống để cảm thông với tình tự dân tộc, và hợp tác với các tôn giáo bạn trong những công cuộc cứu trợ, xã hội. Ngoài ra, cũng cần tôn trọng luật lệ địa phương để gây thiện cảm, và bầy tỏ lòng biết ơn, tình giao hảo đối với Giáo quyền địa phương. Nếu cần, nên trình bày một cách kính cẩn những nguyện vọng chính đáng về cách thức giữ Đạo theo truyền thống của giáo dân Việt nam, để được sự thông cảm.
Lễ Chúa Giáng Sinh năm 2001
Lm. Giuse Cao Phương Kỷ