Gốc rễ văn hóa VN
Trần Văn Cảnh
Là những nghệ thuật cao
Đề cập đến văn hoá, câu hỏi thứ nhất được đặt ra là ‘Văn hoá là gì ?’
Chữ ‘văn hóa’ tiếng Việt mà ta dịch từ chữ ‘culture’ của Pháp, từ rất xưa và từ rất lâu, vẫn được dùng để biểu thị một thực tại xã hội cao, dành cho giới khoa bảng trí thức, giới nghệ sĩ chính chuyên, giới quan chức quí tộc.
Ý nghĩa này của chữ văn hoá đã được Cicéron (106-45 trước tây lịch) dùng để chỉ những hoạt động ‘triết học’ đào tạo và giáo dục tâm hồn con người. Từ thời Trung cổ, nhiều tác giả, như Erasme, Thomas More, Francis Bacon, Fénélon, J.J. Rousseau, Voltaire, ... dùng chữ văn hoá để ám chỉ những hoạt động tri thức và văn học.(1)
Tóm lại, chữ văn hoá bao gồm những hoạt động và những tác phẩm của những người học cao, tài lớn, tiền nhiều, chức cả. Theo quan niệm này, nói đến văn hóa Hy lạp, người ta nghĩ ngay đến văn hóa Hy lạp thời Platon, Aristote ; Nói đến văn hóa La mã, người ta lộn ngay với văn hoá La mã thời Auguste ; Nói đến văn hóa Anh quốc người ta nghĩ ngay đến văn hóa thời nữ hoàng Elizabeth, nói đến văn hóa Pháp, người ta nghĩ ngay đến văn hóa Pháp thế kỷ Ánh Sáng XVIII. Giản tiện hơn, trên phương diện địa lý, văn hóa Anh thường được đồng hóa với văn hóa Luân đôn, văn hóa Pháp với văn hóa Paris, văn hóa Việt Nam với sinh hoạt ở Hà Nội.
Cách hiểu này về chữ ‘văn hóa’ quá hạn hẹp. Nó chỉ bao gồm có văn học nghệ thuật, với những tác giả nổi tiếng, với những nghệ sĩ tài cao.
Là những sinh hoạt bình nhật của con người
Ba khoa học mới, dần dà xuất hiện : nhân loại học (Anthropologie), nhân chủng học (Ethnologie) và xã hội học (Sociologie) đã dọi ánh sáng vào những khía cạnh mới của ‘văn hóa’.
Giá trị nhận thức của những sự kiện bình nhật, bình dân, thông thường, tự nhiên, vô nghĩa... đã được tỏ rõ. Bây giờ người ta ý thức rằng cách ăn uống, ngủ nghỉ của người dân quê Pháp ở thế kỷ XVII cũng dậy cho chúng ta hiểu về văn hóa Pháp không kém gì cuốn ‘Phương pháp luận’ của Descartes...
Một quan niệm mới dần dà đã được thành hình. Ngay từ thế kỷ XVII, triết gia Đức Samuel von Pufendorf (1632-1694) đã dùng chữ văn hoá để biểu thị tất cả những gì không phải là tự nhiên, tức là tất cả những gì mà con người làm ra hay học được trong xã hội, tóm lại văn hoá là nhân tạo. Nói như Đào duy Anh, thì ’Văn hoá là sinh hoạt’ (2)
Vào cuối thế kỷ XIX, nhiều nhà nghiên cứu danh tiếng đã góp công vào việc nới rộng ý nghĩa của chữ ‘văn hóa’ này : E.B. TYLOR, E. DURKHEIM, K. MARX, C. LEVI-STRAUSS, M. MAUSS, B. MALINOWSKI, M. WEBER, P. BOURDIEU, J.C. PASSERON,...
Một nghĩa thứ hai của chữ ‘văn hóa’ đã được thành hình, khai triển, nghiên cứu và chấp nhận. Nó rộng hơn nghĩa thứ nhất. Nó bao gồm tất cả những khía cạnh ‘văn’ vẻ đã góp phần giáo ‘hóa’ con người, từ cách ăn uống, may mặc, cư trú, hành nghề, ngủ nghỉ, giao thiệp, tín ngưỡng, suy tư, ăn nói, viết lách, cười tươi, khóc thảm. Văn hóa là toàn thể những phong thái, gặp gỡ, hội họp, xã hội, liên đới... Nó bao gồm tất cả những xử sự, kiến thức, biểu lộ của con người, bình dân cũng như bác học, từ báo chí, sách vở, đến thảo luận, xuất bản, thư liệu, kiến trúc, nhạc kịch, hát ca... Tất cả những gì mà con người, dưới khía cạnh là một sinh vật xã hội, biểu lộ và sản xuất ra, cũng như tất cả những gì mà nó học được từ các thế hệ trước, cũng như những gì mà nó truyền lại cho các thế hệ sau đều là văn hóa cả. Chữ ‘văn hóa’, như vậy, hàm chứa tất cả những hành động và nghiên cứu, không chỉ giới hạn vào văn học và văn nghệ, mà còn nới rộng cả vào những lãnh vực giáo dục, xã hội, tôn giáo... nữa.
Ý nghiã này của chữ văn hoá thực ra đã được văn sĩ Đức J. G. Herder (1744-1803) sáng tạo và xử dụng ngay từ thế kỷ Ánh Sáng để chỉ ’Một hình thức sinh sống của một dân tộc, một quốc gia, một tập thể’.
Nhưng người đầu tiên đã đưa ra một định nghĩa đầy đủ cho chữ văn hoá là nhà nhân chủng học người Anh, E.B. TYLOR (1832-1917) khi cho in tác phẩm ’Văn hóa sơ khai’ vào năm 1871. Theo Tylor thì văn hoá là ‘ Cái tổ hợp bao gồm kiến thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, luật lệ, phong tục và tất cả những hình thức, tập quán mà con người có được trong một xã hội’ (3).
Như vậy, hiểu theo nghĩa thứ hai này, câu hỏi thứ hai được đặt ra là : cây văn hoá Việt Nam, hiểu như là cái tổ hợp bao gồm kiến thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, luật lệ, phong tục và tất cả những tập quán và hình thức sinh sống của tập thể người người Việt Nam tại Pháp có gốc rễ từ đâu ?
2. Gốc rễ cây văn hóa Việt Nam
Cây văn hóa Việt Nam có gốc rễ sâu xa, rộng lớn và vững chắc, trải dài qua lịch sử trên bốn ngàn năm văn hiến. Sử gia Trần Trọng Kim (4) chia lịch sử Việt Nam làm năm thời đại :
- Thượng cổ (từ năm 2879 đến 111 trước Tây lịch),
- Bắc thuộc (từ năm 111 trước Tây lịch đến năm 939),
- Tự chủ (từ năm 939 đến 1528),
- Nam Bắc phân tranh (từ năm 1528 đến 1802), và
- Cận kim (từ năm 1802 đến 1945).
Dưới cái nhìn về gốc rễ văn hoá Việt Nam, ba giai đoạn quan trọng và quyết định hơn cả là :
- Giai đoạn thượng cổ lập quốc tạo ra cái bản tính Âu-Lạc ;
- Giai đoạn bắc thuộc 1000 năm lệ thuộc Tầu, chịu ảnh hưởng sâu xa cái văn minh Tam Giáo, và
- Giai đoạn cận kim, đặc biệt là từ 1862 đến 1975, chịu ảnh hưởng Âu Mỹ và Công Giáo.
Như vậy cây văn hoá Việt Nam có gốc rễ rất sâu xa : từ rễ cái Âu Lạc Bách Việt, xuyên qua rễ cả Tam Giáo và ăn sâu vào rễ cả Văn Minh Âu Mỹ Công giáo.
Rễ Âu Lạc
Thượng cổ thời đại trong lịch sử Việt Nam kéo dài từ năm 2879 đến 111 trước Tây lịch, trong đó, họ Hồng Bàng trị vì 2621 năm qua 18 đời Hùng Vương, với tên nước là Văn Lang. Từ năm 275 đến 208 trước tây lịch, thì do nhà Thục cai trị, xưng là An Dương Vương, đổi tên nước là Âu Lạc. Vào năm 208 trước tây lịch, Triệu Đà chiếm nước Âu Lạc, lập ra nước Nam Việt, và xưng Vương, gọi là Triệu Vũ Vương. Nhà Triệu cai trị nước Nam Việt được đến năm 111 trước tây lịch, thì bị vua Vũ Đế nhà Hán bên Tầu chiếm lấy và cải tên là Giao Chỉ Bộ, mở đầu cho thời đại Bắc thuộc nước Tầu.
Để trình bày 26 thế kỷ giai đoạn thượng cổ lập quốc, sử gia Trần Trọng Kim đã chỉ vắn gọn nêu ra ba sự tích : Họ Hồng Bàng, nước Văn Lang, Truyện cổ tích (5). Tuy vắn tắt, nhưng rất quan trọng trong tiến trình xây dựng văn hoá Việt Nam. Vì dẫu là thần thoại, ba sự tích này là những yếu tố căn bản cấu tạo nên bản lãnh người Việt Nam, là khởi thuỷ của lịch sử Việt Nam và là nền tảng của văn hoá Việt Nam. Tôi xin được trích lại sau đây :
Họ Hồng Bàng. Cứ theo tục truyền thì vua Đế Minh là cháu ba đời của vua Thần Nông, đi tuần thú phương nam, đến núi Ngũ Lĩnh (thuộc tỉnh Hồ Nam bây giờ) gặp một nàng tiên, lấy nhau, đẻ ra người con tên là Lộc Tục. Sau Đế Minh truyền ngôi lại cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương bắc, và phong cho Lộc Tục làm vua phương Nam, xưng là Kinh Dương Vương, quốc hiệu là Xích Quỷ.
Bờ cõi nước Xích Quỷ bấy giờ, phiá bắc giáp Động Đình Hồ (Hồ Nam), phiá nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm Thành), phiá tây giáp Ba Thục (Tứ Xuyên), phiá đông giáp bể Nam Hải.
Kinh Dương Vương làm vua nước Xích Quỷ vào quãng năm nhâm tuất (2879 trước Tây lịch ?) và lấy con gái Động Đình Quân là Long Nữ, đẻ ra Sùng Lãm, nối ngôi làm vua xưng là Lạc Long Quân.
Lạc Long Quân lấy con gái vua Đế Lai tên là; Âu Cơ, đẻ một lần được một trăm người con trai. Lạc Long Quân bảo Âu Cơ rằng : ‘Ta là dòng dõi Long quân, nhà ngươi là dòng dõi thần tiên, ăn ở lâu với nhau không được. Nay được trăm đứa con thì nhà ngươi đem 50 đứa lên núi, còn 50 đứa ta đem xuống bể Nam Hải.’
Gốc tích truyện này có lẽ là từ Lạc Long Quân về sau, nước Xích Quỷ chia ra những nước gọi là Bách Việt.
Nước Văn lang. Lạc Long Quân phong cho người con trưởng làm vua nước Văn Lang, xưng là Hùng Vương.
Hùng Vương đóng đô ở Phong Châu (bây giờ ở vào địa hạt huyện Bạch Hạc, tỉnh Vĩnh Yên), đặt tướng văn gọi là Lạc Hầu, tướng võ gọi là Lạc Tướng, con trai vua gọi là Quan Lang, con gái vua gọi là Mị Nương, các quan nhỏ gọi là Bố Chính. Quyền chính trị thì cứ cha truyền con nối, gọi là phụ đạo...
Họ Hồng Bàng làm vua được 18 đời, đến năm quí mão (158 trước tây lịch) thì bị nhà Thục lấy mất nước.
Truyện Cổ Tích. Sử chép rằng đời Hùng Vương thứ nhất, người nước Văn Lang làm nghề chài lưới, cứ hay bị giống thuồng luồng làm hại, vua mới bắt dân lấy chàm vẽ mình để những giống ấy tưởng là đồng loại không làm hại nữa. Sử lại chép rằng thuyền của ta ở đàng mũi thường hay làm hai con mắt, cũng có ý để cho các thứ thuỷ quái ở sông ở bể không quấy nhiễu đến. Trong đời Hùng Vương lại có hai truyện mà ngày nay người ta thường hay nói đến là truyện Phù Đổng Thiên Vương và truyện Sơn Tinh, Thuỷ Tinh.
Phù Đổng Thiên Vương. Đời Hùng Vương thứ 6, có đám giặc gọi là giặc Ân, hùng mạnh lắm, không ai đánh nổi. Vua mới sai sứ đi rao trong nước để tìm người tài giỏi ra đánh giặc giúp nước. Bấy giờ ở làng Phù Đổng, bộ Võ Ninh (nay là huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh), có đứa trẻ xin đi đánh giặc giúp vua. Sư giả về tâu vua, vua lấy làm lạ, cho đòi vào chầu. Đứa trẻ ấy xin đúc cho một con ngựa và cái roi bằng sắt. Khi ngựa và roi đúc xong thì đứa trẻ ấy vươn vai một cái, tự nhiên người cao lớn lên một trượng, rồi nhảy lên ngựa cầm roi đi đánh giặc.
Phá được giặc Ân rồi, người ấy đi đến núi Sóc Sơn thì biến mất. Vua nhớ ơn, truyền lập đền thờ ở làng Phù Đổng, về sau phong là Phù Đổng Thiên Vương...
Hiện bây giờ có đền thờ ở làng Gióng, tức là làng Phù Đổng. Năm nào đến mồng 8 tháng tư cũng có hội vui lắm, tục gọi là đức Thánh Gióng.
Qua ba sự tích trên, rõ rệt là văn hoá Việt Nam có một cái rễ cái rất sâu xa : rễ Âu Lạc. Dưới khía cạnh tổ tiên, rễ cái Âu Lạc mang lại ba mạch sống cho cây văn hóa Việt Nam.
Đó là mạch huynh đệ, tương thân tương trợ, khiến tất cả mọi người Việt Nam đều nhìn biết nhau là đồng hương, đồng bào.
Mạch ‘Đức giả lạc sơn’ : người đức độ thì ưa thích (và vững chắc như) núi, noi theo tính chung thủy, đức độ của mẹ chung là Âu Cơ, dòng dõi thần tiên, đã dẫn 50 con lên núi, khiến sự tiếp đãi, giao thiệp luôn được trên kính dưới nhường.
Mạch ‘Trí giả lạc thủy’ : người mưu lược thì ưa thích (và biến báo như) nước, thừa hưởng được tính thông minh, biến báo của cha chung là Lạc Long Quân, dòng dõi rồng, đã đưa 50 con xuống biển Nam Hải, khiến sự tiếp xúc được hòa thuận với từng người và hòa hợp với môi trường chung quanh.
Rễ Âu Lạc, dưới khía canh quốc gia Bách Việt, còn chuyên chở ba chất không thể thiếu để thiết lập và nuôi dưỡng một nền văn hóa Việt Nam.
Chất "Việt tính" tạo ra tính chất độc đáo của mỗi người Việt Nam và của quốc gia Việt Nam, mà đặc biệt là tính tự lực tự cường, như cổ tích Phù Đổng Thiên Vương đã nêu rõ.
Chất "Việt ngữ’, biểu diễn, gói ghém và chuyên chở những thói tục, những văn minh, những tổ chức, những kinh nghiệm từ người này cho người kia, từ nơi này sang nơi nọ, từ thời này sang thời kia. Ngôn ngữ ấy chuyên chở bốn ngàn năm văn hiến Bách Việt. Nó ghi nhận, bảo tồn và chuyển trao cho các thế hệ mai sau cái văn hóa Việt Nam chẳng những bằng lời nói mà cả bằng những ký hiệu chữ viết nữa, chẳng những trong các áng văn bình dân mà cả trong văn chương bác học nữa. Ba loại chữ viết đã xuất hiện để chuyên chở cái văn hóa Bách Việt này : chữ hán, chữ nôm và chữ quốc ngữ. Ngôn ngữ dính liền với văn tự. Văn tự và ngôn ngữ dính liền với văn hóa. Không thể có văn hóa riêng biệt nếu không có văn tự và ngôn ngữ riêng biệt.
Chất ‘Việt lý’ bao gồm những cách quản lý, cách cai trị, cách tổ chức đã vậy mà còn chứa đựng những hành động, những định chế và những tổ chức. Việt lý là cách suy lý để hành động, hành động để bảo trì, phát triển và truyền thụ cái văn hóa Bách Việt cho các thế hệ con em mai sau. Suy lý và hành động làm sao để duy trì tiếng Việt và làm cho nó trong sáng, làm sao để tình Việt không bị lơ là, lu mờ, mà càng ngày càng thân thiết, đặm đà ; làm sao để tộc việt được bảo tồn.
Rễ tam giáo
Năm 111 trước tây lịch, vua Vũ Đế nhà Hán bên Tầu chiếm lấy nước Nam Việt và cải tên là Giao Chỉ Bộ. Nước ta bị nước Tầu đô hộ bắc thuộc lần thứ nhất, kéo dài 71 năm, bởi nhà Tây Hán. Năm 40 sau tây lịch, hai bà Trưng Trắc và Trưng Nhị khởi binh, thắng Tô Định, xưng làm vua được ba năm.
Từ năm 43 Mã Viện thắng Trưng Vương, nước ta bị bắc thuộc lần thứ hai, kéo dài trên 500 năm, bởi nhà Đông Hán, qua các đời Tam Quốc, nhà Tấn, Nam Bắc Triều. Năm 544, Lý Bôn nổi lên, đánh đuổi Tiêu Tư về Tàu, rồi xưng đế, gọi là Lý Nam Đế, lập nên nhà Tiền Lý (544- 602).
Năm nhâm tuất (602), vua Văn Đế nhà Tùy bên Tầu sai tướng Lưu Phương đem 27 doanh quân sang đánh Nam Việt. Hậu Lý Nam Đế là Lý Phật Tử sợ thế không địch nổi, bèn xin về hàng. Nước ta bị bắc thuộc lần thứ ba, kéo dài 336 năm, bởi nhà Tùy, qua nhà Đường và đời Ngũ Quí.
Năm kỷ hợi, 939, sau khi đã giết Kiều Công Tiện, rồi thắng Hoằng Tháo ở sông Bạch Đằng, Ngô Quyền đã chấm dứt được ách bắc thuộc, lập nên nhà Ngô, mở đường cho Đinh, Lê, Lý, Trần,… được tự chủ.
Từ năm 111 trước tây lịch, khi vua Vũ Đế nhà Hán chiếm lấy nước Nam Việt cho đến năm 939, khi Ngô Quyền đánh đuổi người Tầu về bắc, đếm ra vừa đúng 1050 năm.
Trong 1050 năm bị bắc thuộc, người Việt Nam ta đã nhiễm cái văn minh của Tầu rất mạnh, đặc biệt là về sự học vấn và về cách cai trị. Những học phái lớn, như Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo, đã từ Tầu mà ảnh hưởng vào đời sống của người Việt Nam một cách sâu rộng. Ảnh hưởng này chỉ hiện rõ nét từ thời tự chủ (939-1528), tiếp tục qua thời Nam Bắc phân tranh (từ năm 1528 đến 1802) và thời Cận kim (từ năm 1802 đến 1945). Phật học độc tôn thời Đinh, Lê, Lý, Trần. Tam giáo cực thịnh từ Lý, Trần. Nho học độc tôn từ Trần, Lê, Trịnh, Nguyễn.
Ngày nay, tam giáo gắn liền với người Việt Nam và văn hoá Việt Nam.
Như vậy, thêm vào cái rễ cái Âu Lạc Bách Việt, một cái rễ cả có ba nhánh đã mang lại những sinh tố đại bổ, mà cây văn hóa Việt Nam bất kỳ trồng ở chỗ nào cũng cần đến, đó là rễ cả Tam giáo, với ba rễ nhánh Ấn Phật, Lão Trang và Khổng Mạnh.
Rễ nhánh Ấn Phật với cái nhìn hư vô về thế giới ; với tứ diệu đế : khổ, dục, diệt, đạo, đã đưa cho người Việt Nam cách cư xử siêu thoát với thế tục, xả kỷ với mình, để từ bi với chúng sinh.
Rễ nhánh Lão Trang trình bầy cái gốc Đạo là nguyên ủy của sự tạo hóa. Vạn vật đều bởi Đạo mà sinh ra. Vậy, sửa mình và trị nước cần phải noi theo Đạo, phải điềm tĩnh, phải vô vi, phải tự nhiên, không dùng trí lực. Tính hiếu hòa, tính an nhiên của người Việt Nam phải chăng bắt nguồn từ Đạo giáo ? Ngoài cái học thuyết cao siêu về Đạo, về vô vi ấy nơi những bậc hiền triết, Đạo giáo còn được phổ biến nơi kẻ bình dân với những cái dị đoan mê tín, những thuật tướng số, phù thủy, đi tìm sự tu luyện để được cái trường sinh bất tử.
Còn như cái rễ nhánh thứ ba là rễ Khổng Mạnh, thì cả nền luân lý xã hội của ta đều lấy sức từ đấy và qua đấy. Trong cách sống của người Việt Nam, tam cương : quân thần, phụ tử, phu thê vẫn được tôn kính ; ngũ thường : nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, vẫn được dùng làm nguyên tắc cư xử. Chữ tam tòng không còn hợp thời lắm, nhưng chữ tứ đức : công, dung, ngôn, hạnh, vẫn được nhiều phụ nữ vun trồng. Ba cái cương lãnh : minh đức, tân dân, chỉ chí thiện, vẫn luôn làm người Việt Nam lưu ý và tuân giữ. Còn như bát điền mục : cách vật, trí tri, thành ý, chánh tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, thì ai nấy vẫn cố gắng áp dụng trong các sinh hoạt và hoàn cảnh cá biệt của mình. Nhiều người Việt Nam sống ở ngoại quốc nhận định rằng luân lý Khổng Mạnh vẫn rất rõ rệt, rất mạnh mẽ trong cách sống và suy nghĩ.
Rễ văn minh Âu Mỹ Công Giáo
Từ thế kỷ XVI, một cái rễ cả mới được mọc ra từ cây Văn Hóa Việt Nam, đưa lại cho nó một sinh lực mới, nhờ bốn chất sống là nhân bản, thuần lý, Thượng Đế và Công Giáo.
Năm 1533, lần đầu tiên một vị thừa sai đã đến Việt Nam. Đó là giáo sĩ ‘I-nê-Khu’. Rồi các giáo sĩ dòng Đa Minh đến Hà Tiên năm 1550, đến Quảng Yên năm 1583. Tiếp theo đó, các cha Dòng Tên vào cửa Hàn năm 1615, đến cửa Bạng năm 1626. Năm 1650, cha Đắc Lộ đã tường trình với Bộ Truyền giáo ở Roma rằng riêng chỉ Giáo Hội Đàng Ngoài đã có tới 300 000, và mỗi năm tăng thêm ít là 15 000 tín hữu mới. Cứ thế, số giáo dân ở Đàng Ngoài cũng như ở Đàng Trong tăng thêm dần. Giáo Hội Công giáo đã được khai sinh trong các thế kỷ XVI, XVII và XVIII, để trưởng thành ở thế kỷ XIX, phát triển trong tiền bán thế kỷ XX, và được thìết lập Hàng Giáo Phẩm ngày 24.11.1964 (6). Đến nay, theo bản tổng kết tình hình 25 giáo phận ngày 17.10.1999, thì Giáo Hội Công Giáo Việt Nam hiện có 5 080 567 giáo dân, 1957 linh mục, 1029 nam tu sĩ, 9730 nữ tu sĩ và 676 chủng sinh (7).
Sau và cùng với các giáo sĩ, nhiều thương gia Âu châu cũng đã vào buôn bán với Việt Nam từ thế kỷ XVII, ở Hội An, ở Thuận Hóa (1614), ở Phố Hiến (1637), ở Côn Lôn (1688),...
Trên phương diện chính trị quân sự, thì sự liên lạc đầu tiên giữa Việt Nam và Âu châu là do yêu cầu và sáng kiến của Nguyễn Vương vào năm 1784. Ngài giao hoàng tử Cảnh và cái quốc ấn cho giám mục Bá Đa Lộc, kèm theo một quốc thư nhờ chính phủ Pháp cho viện binh. Tờ giao ước được ký ngày 28.11.1787. Nhưng rút cục chính phủ Pháp không gởi viện binh. Năm 1789 ông Bá đa Lộc và hoàng tử Cảnh trở về Gia Định, có mang theo khoảng 20 người Pháp, trong đó có các ông Chaigneau, Vannier, De Forçant, Victor Olivier, Dayot …(8). Khi đã thống nhất sơn hà và xưng Đế hiệu vào năm 1802, vua Thế Tổ ban quan chức tại triều cho những ngưới Pháp này.
Sang đời vua Minh Mệnh (1820-1840) thì sự giao thiệp với người Pháp thành lạnh nhạt và từ năm 1825 bắt đầu cấm đạo Công giáo. Dưới triều Thiệu Trị (1841-1847) và Tự Đức (1847-1888) thì hai chính sách đóng cửa ngoại giao và cấm đạo thành rất rõ rệt. Nước Pháp bắt đàu một hướng mới đối với Việt Nam. Năm 1847, 1856, 1868 họ bắn phá ở Đà nẵng. Năm 1859 họ đánh chiếm Gia Định, rồi Mỹ Tho, Biên Hoà, Vĩnh Long. Hoà ước 1862 nhường 3 tỉnh miền Nam ; hoà ước 1874 nhường dứt 6 tỉnh miền Nam. Hoà ước 1883 và 1884 nước Nam chịu nhận nuớc Pháp bảo hộ. Cuộc bảo hộ của nước Pháp chấm dứt với hiệp ước 1954, chia nước Việt Nam làm hai miền. Miền Nam dưới ảnh hưởng tự do Pháp Mỹ. Miền Bắc dưới ảnh hưởng cộng sản Nga Tàu. Năm 1975, miền Bắc cộng sản thắng miền Nam tự do, thống nhất đất nước và cai trị cả nước bằng chính thể cộng sản.
Tích cực hay tiêu cực, cái văn minh Âu Mỹ Công Giáo đã và đang ảnh hưởng mạnh vào văn hoá Việt Nam hiện đại. Cả vạn vạn người Việt Nam đã bị tử hình chỉ vì là Công Giáo trong bốn thế kỳ, từ XVI đến XIX, trong đó 117 người đã được Giáo Hội Công Giáo phong hiển thánh ngày 19-06-1988 cho thấy ảnh hưởng sâu xa của văn minh Công giáo. Tổ chức chính trị Cộng Sản là cái quái thai của văn minh Âu Mỹ vẫn đang đè nặng trên cách sống của người Việt Nam từ hơn nửa thế kỷ nay cho thấy ảnh hưởng rộng lớn của văn minh Âu Mỹ.
Chất sống nhân bản với tiêu chuẩn rằng con người và bản tính của con người có một giá trị tuyệt đối. Tất cả phải do và vì con người. Chất sống này thổi vào ba luồng gió mới là tự do, bình đẳng và công lý. Ba luồng gió này đã một thời xáo trộn xã hội cương thường, cấp bậc và quan liêu xưa của Việt Nam.
Chất sống thuần lý với nguyên lý rằng ‘chỉ có ánh sáng tự nhiên của lý trí mới có khả năng đưa con người tiến bộ về hiểu biết, về khôn ngoan’, Lý trí, do đó, trở thành một đức tin mới. Thực nghiệm và canh tân là phương pháp và mục tiêu quan trọng. Khế ước xã hội, luật pháp là những phương tiện tổ chức của một xã hội tân tiến. Khoa học, kỹ thuật, kiến thức bách khoa là những khả năng mà ai cũng phải trau dồi. Người Việt Nam ngày nay được nuôi dưỡng nhiều bằng hai chất sống nhân bản và thuần lý này.
Chất sống Thượng Ðế với niềm tin có một Thượng Ðế duy nhất, tạo dựng đất trời vạn vật, đã giúp cho luân lý Tam giáo, đặc biệt là Khổng giáo có một cơ sở siêu hình học vững chắc. Thượng Ðế ấy là Cha nhân từ và toàn năng đã dựng nên trời đất muôn loài, trong đó có con người. Lạm dụng tự do, con người đã chống lại Thượng Ðế và đã đi vào đường lầm lạc tội lỗi. Ðể cứu chuộc nhân loại, Thượng Ðế ấy đã giáng sinh nhập thể, đã chịu nạn khổ hình, chết trên thập giá, và đã phục sinh, rồi lên trời. Ngài sẽ trở lại vào ngày tận thế để phán xét kẻ dữ người lành. Thượng Ðế ấy, từ muôn đời và cho đến muôn đời, vẫn sống với nhân loại bằng sự hướng dẫn soi sáng của Thánh linh. Qua sự giáng sinh nhập thể, Thiên Chúa đã lập Giáo Hội, một Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, vững bền. Qua Ngôi Hai nhập thể, ngôi Ba Thánh Linh và Giáo Hội, Thiên Chúa đã mạc khải cho con người biết rằng nó được tạo thành với một thân xác có thể hư nát và một linh hồn bất tử. Thân xác này sẽ sống lại. Con người tội lỗi sẽ được tha thứ, nếu nó biết ăn năn hối cải.
Chất sống Công Giáo làm cho niềm tin Thượng Ðế được thực hiện một cách sống động, thực tiễn và hàng ngày, qua bốn sinh hoạt căn bản là giáo lý, phụng vụ, bí tích và mục vụ. Giáo lý là trau dồi đức tin bằng việc học hiểu thần học, đặc biệt là về tín lý, tức là những điều phải tin và về luân lý, tức là những việc phải làm. Phụng vụ là biểu lộ đức tin qua việc cử hành các lễ nghi hàng ngày, như việc đọc kinh sáng tối ; hàng tuần, như việc dự lễ chúa nhật ; hàng tháng, như việc chầu thánh thể, giờ thánh đầu tháng ; hàng năm, như việc xưng tội rước lễ tối thiểu, việc cử hành các lễ nghi năm phụng vụ, bắt đầu từ mùa vọng, giáng sinh, qua đến mùa chay, phục sinh… Bí tích là sự thực hiện đức tin công giáo bằng việc lãnh nhận cho chính mình và cử hành, tham dự với cộng đoàn các bí tich, từ rửa tội, giải tội, rước lễ, thêm sức, đến hôn phối, truyền chức thánh, xức dầu thánh. Mục vụ là tuyên xưng đức tin bằng những việc làm tông đồ sống động, từ những việc thông thường, như tham dự vào các hoạt động công giáo tiến hành, đến những việc khác thường, như hộ giáo, thuyết giáo, hoặc phi thường, như tuẫn giáo, tử đạo. Hơn 130 000 người công giáo Việt Nam đã được ơn thực hiện cái hành động phi thường tử đạo dưới triều Lê, Trịnh Nguyễn (1580-1747), triều Tây Sơn (1777-1802), triều nhà Nguyễn (1802-1867) và thời Văn Thân (1862-1885).
Nếu về phương diện luân lý, nhiều điều đã thấy ở trong tam giáo, thì về phương diện xã hội, giáo dục và văn học, cả là một cách mạng lớn. Công Giáo đã góp vào văn hóa Việt Nam ba nét độc đáo. Nét độc đáo thứ nhất là sự tổ chức : có văn bản, có đoàn nhóm để sống đức tin và làm việc tông đồ mục vụ. Nét độc đáo thứ hai có tính cách giáo dục : sự ôn tập giáo lý, suy gẫm lời Chúa, cầu nguyện với thánh kinh, học hỏi thần học, sống đạo với bí tích, hành đạo với phụng vụ. Nét độc đáo thứ ba, căn bản và quan trọng hơn cả. Dó là việc mà Công giáo đã tìm ra cho văn hoá Việt Nam một dụng cụ mới là chữ quốc ngữ, nhờ đó, văn hoá Việt Nam mở ra với văn hoá Âu Mỹ và văn minh toàn cầu. ‘Ba nền văn học lần lượt đã xuất hiện tại Việt Nam : Văn học chữ hán, từ thế kỷ X đến XX, văn học chữ nôm, từ thế kỷ XIII đến XX, và văn học chữ quốc ngữ, từ thế kỷ XIX cho đến ngày nay, thành độc tôn. Văn học chữ quốc ngữ đã được văn hoá Công Giáo giúp sức nhiều hơn cả. Chữ quốc ngữ đã được các linh mục Âu châu sáng chế ra với sự cộng tác tích cực của các giáo hữu Việt Nam. Ba người được biết đến nhiều hơn cả, trong những bước đầu của văn học quốc ngữ, là cố Alexandre de RHODES (1591-1660), ông Pétrus TRƯƠNG VĨNH KÝ (1837-1887) và ông Paulus HUỲNH TịNH CỦA (1834-1907) (9).
Xem như vậy thì quả thật gốc rễ của cây văn hóa Việt Nam rất là sâu xa, rộng lớn và vững chắc. Với rễ cái là Âu Lạc Bách Việt, cây văn hóa có gốc là Việt tộc, Việt ngữ và Việt tính. Với cái rễ cả tam giáo, cây văn hóa này đâm sâu vào văn minh Á châu, hút lấy những nhựa sống của một cách sống xả kỷ, an nhiên và của một thuật xử thế đức trị. Với cái rễ văn minh Âu Mỹ Công Giáo, cây văn hóa Việt Nam lan rộng ra khắp hoàn vũ, hút lấy những chất sống nhân bản, hữu lý, hữu thần và đạo giáo.
Paris, Ngày Gia Đình Trẻ. 28-3-2004
(1). Grand Larousse universel avec actualia, Paris : Larousse ; 1987, tr 2839
- FERREOL Gilles et JUCQUOIS Guy ; Dictionnaire de l’altérité et des relations interculturelles ; Paris : Armand Colin; tr. 81 và tiếp theo
(2).Đào Duy Anh. Việt Nam văn hoá sử cương (1938) Glendale : Đại Nam ; năm ?, tr 13.
(3). JOURNET Nicolas. La culture de l’universel au particulier ; Auxerre : Sciences humaines ; 2002, tr.11
(4). Trần Trọng Kim ; Việt Nam sử lược ; Fort Smith : Sống mới ; 1978
(5). Trần Trọng Kim ; Sách đã dẫn, tr. 11-16
(6). Trần Anh Dủng ; Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ; Paris : Đắc Lộ tùng thư; 2001, tr11-50
(7). Trần Anh Dủng ; sách đã dẫn, tr. 574-575.
(8). Trần Trọng Kim ; sách đã dẫn, tr. 150-152
(9). Trần văn Cảnh ; Paulus HUỲNH TINH CỦA biên soạn pho ĐẠI NAM QUỐC ÂM TỰ VỊ đầu tiên của Việt Nam, Báo Giáo Xứ VN, số 195 ; tháng 6-2003, tr. 7.
Trần Văn Cảnh