BÀI HỌC CỦA CHÚA HÀI ĐỒNG
Du Sinh
Sau lễ đêm, tôi và anh Xuân về nhà trọ, ngồi bên bếp than hồng, vừa sưởi ấm vừa chia nhau ấm chè nóng, vừa trao đổi những ‘Bài học của Chúa Hài Đồng’. Anh Xuân rất đạo đức, anh thuộc và hiểu Tin Mừng hơn tôi nhiều. Anh cũng thuộc nhiều bài thơ Giáng Sinh nữa. Nhờ đó buổi trao đổi của chúng tôi đêm nay thật phong phú và vui tươi. Tôi thích lắm, vì chắc chắn anh Xuân cho nhiều nhận ít, còn tôi thì cho ít nhưng nhận được thật nhiều. Dưới đây, tôi ghi lại như một bản đúc kết những điều chúng tôi chia sẻ với nhau.
1. Bài Học Tình Yêu.
Thiên Chúa là tình yêu. Chỉ vì yêu mà Thiên Chúa đã trao ban cho loài người Con chí ái của Ngài. Cho Người con là Thiên Chúa cho hết. Đúng như lời Thánh Gioan khẳng định : « Đây là cách Thiên Chúa biểu lộ tình yêu đối với loài người : Ngài đã sai Con Một giáng trần, để nhờ Người Con Một ấy mà nhân loại được sống (1Ga 1,49). Vâng, chỉ vì yêu mà ‘Ngôi Lời đã trở nên người phàm và ở giữa loài người, cho loài người được lãnh lấy hết ơn này đến ơn khác’ (Ga 1,14+17). Quả thật loài người là đối tượng ưu biệt của tình yêu nơi Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa đã yêu con người trước. Chính Thiên Chúa đã sai Con chí ái của Ngài đến trần gian để dạy cho loài người biết yêu mến Thiên Chúa và biết mến thương nhau… Quả là :
Hai ngàn năm có một người
Ngôi Hai mạc khải
Ngôi Lời truyền loan
Tử sinh, ân phúc, trái oan
Hiến thân minh chứng trần gian thiên tình …
(Người là ai? – Vân Uyên)
2. Bài học khiêm hạ.
Chúng tôi đọc chung đoạn thư thánh Phaolô gửi cho giáo đoàn Do Thái : «Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự » (Dt 5,6-8). Đức khiêm hạ gắn liền với đức từ bỏ. Chúa Giêsu đã sống đức từ bỏ khi đến sống tam cùng với loài người, hoàn toàn theo thân phận con người, chỉ trừ tội lỗi. Quả thật không ai chịu thử thách, chịu đau khổ bằng Chúa Giêsu, Vua các Thánh Tử Đạo. Chúng ta phải nên giống Chúa Giêsu theo phương châm Chúa đề nghị với chàng thanh niên giàu có ‘Hãy bỏ mọi sự mà theo Thày’ (Mt 19,21) hay như Thánh Phêrô đã quả quyết ‘Chúng con đã bỏ mọi sự để theo Thầy’ (Mt 19,27). Sau mấy phút yên lặng, anh Xuân đọc thong thả hai khúc Thánh Thi :
Đấng sinh ra trước vầng hồng rực rỡ,
Các ngôn sứ thuở xưa đã loan truyền,
Gabrien thần sứ cũng đưa tin,
Đấng ở với loài người là Đức Chúa.
Ca lên hỡi triều thần, ca lên nữa !
Nào reo vui nhảy múa, hỡi muôn dân !
Đấng Chí Tôn giờ đây đã giáng trần,
Nên bé nhỏ hầu cứu nhân độ thế.
3. Bài học khó nghèo.
‘Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó’ (Mt 5,3) Vâng, Chúa Giêsu sống khó nghèo trước khi dạy chúng ta. Ngài sinh ra khó nghèo, khó ai tưởng tượng được. Thánh sử Luca tả lại thật cụ thể : ‘sinh ra giữa đêm khuya lạnh lẽo, trong một hang nhốt chiên bò hôi tanh, được bọc bằng tấm tã và đặt trong máng ăn của loài vật, được sưởi ấm bằng hơi nóng của mấy còn bò vừa thở vừa nhai cỏ khô…’ (xLc 2, 1-21). Lớn lên trong nếp sống tị nạn, tha hương tại Ai Cập, rồi về sống ẩn dật tại xóm nghèo Nagiarét… Đúng là, ‘con cáo có hang, chim trời có tổ, còn Con Người không có nơi dựa đầu (Lc 9,58). Còn gì thê lương hơn, nhưng không gì huyền nhiệm hơn !
Belem giá lạnh tuyết rơi,
Hang lừa sưởi ấm Chúa Trời giáng sinh…
Tiên tri nói trước bao đời,
Cứu tinh sẽ cứu loài người lụy sa.
Lòng Trời lồng lộng bao la,
Tình thương trút dội chan hòa nhân gian.
Giêsu Cứu Chúa giáng trần,
Nằm trong máng cỏ nghèo nàn từ khiêm ….
(‘Tìm về Chúa’ - Diệp Minh Châu).
4. Bài học an bình.
Chúng tôi nhất trí rằng : bầu khí an bình bao phủ hang lừa nơi Con Chúa giáng trần. An bình hiện rõ trên khuôn mặt Hài Nhi, nơi khóe mắt Hài Nhi, ngay môi miệng của Hài Nhi… An bình bộc lộ trong thái độ bình tĩnh, phó thác của Thánh Giuse. An bình sáng lên từ dáng điệu tôn thờ, tin kính của Đức Maria, Thân Mẫu của Hài Nhi…. An bình chuyển thông đến vạn vật chung quanh, kể từ con chiên nhỏ nằm yên ngoan hiền… đến mấy người chăn chiên chất phác, nhưng ‘như đã kín múc được ý nghĩa huyền nhiệm của đêm Thánh Giáng Sinh’… An bình từ hang đá vang vọng lên khuôn trời với lời hát của các thiên thần : ‘Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm’ (Lc 2,14)… Trong yên lặng, chúng tôi cầu nguyện hoà bình cho tâm hồn, cho gia đình, cho người thân thương, bạn hữu xa gần, cho cộng đoàn, cho thế giới khắp nơi… Sau cùng tôi đọc cho Xuân nghe đoạn thơ đẹp của Đỗ Lưu Khánh :
Ôi lạy Chúa, hôm nay con đã thấy
Được chính Ngài là Thượng Đế từ nhân
Là vì sao từ ngàn xưa thế hệ
Rọi sáng tình yêu cho hết cả nhân trần …
Đêm thanh khiết, đêm thiêng liêng thánh đức
Đêm nguyện cầu, đêm ân phúc vô biên
Đêm rạng ngời thơ nhạc sáng trinh nguyên
Đêm mầu nhiệm, đêm Ngôi Lời nhập thể …
Và e ấp ngàn sao rưng rưng lệ
Và đàn ca dìu dặt tỏa không gian :
‘Vinh danh Chúa và bình an nhân thế
Lặng im nghe mầu nhiệm Chúa giáng trần …
Du Sinh