Cộng đoàn Emmaüs
Thi Chương
Hàng năm vào cuối tháng 3, L'abbé Pierre làm lễ kỷ niệm ngày thành lập Cộng Đồng Emmaus do chính Cha thành lập, cách nay 58 năm, 23-3-1949 (1949-2006). Từ con số không, từ những vỏ chai cha đi lượm được nơi các đống rác... cộng với những sự sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, Cha đã nuôi sống và cứu vớt hàng triệu người khỏi cảnh cùng khốn.
Nhân ngày Cha qua đời, 22-1-207, chúng tôi xin hân hạnh cống hiến độc giả một vài nét về quá trình thành lập của cộng đồng Emmaus.
NGƯỜI SÁNG LẬP
Tên thật của L'abbé Pierre là Henri Grouès, sinh ngày 05-08-1912, (tuổi chuột) tại Lyon, tại đường Gloriettes, khu Croix Rousse, là người con thứ 5 trong gia đình 8 người con. Gia đình khá giả, đạo đức tốt. Hiện nay gia đình Grouès còn người anh là Daniel, ở Irigny gần Lyon, và nhiều cháu hay lui tới và làm việc chung với Cha, như : Relphanie, Raphael, Monique, Alain, Jean Paul (phó tế vĩnh viễn)... Sau này gia đình chuyển về đường Sala. Khi còn nhỏ, năm 6 tuổi, Henri theo học trường các cha dòng Tên ở Lyon. Năm 1924, mới 12 tuổi, Henri thường theo bố là ông Antoine Grouès ra ngoại ô Lyon thăm một nơi có mấy người nghèo sống chung cho qua ngày. Hình ảnh người nghèo đeo đuổi chàng trai đến một hôm anh thưa với bố "Con có một bí mật muốn thưa với bố, là con muốn làm linh mục". Người cha ôm con và nói : bố biết, mắc quá đối với bố mẹ con ạ, nhưng bố mẹ hãnh diện và hài lòng. Yên tâm, năm 18 tuổi, anh xin nhập tu dòng Capucins, đúng ngày lễ cưới bạc thành hôn của bố mẹ, ngày 01-03-1930. Gia tài cha mẹ để lại, anh đã phân phối cho các cơ quan từ thiện. Tu luyện và học tập 7 năm. Người mảnh khảnh ý chí cương quyết phi thường. Người tu sỹ con Thánh Phanxicô say mê Thánh Thể và chiêm niệm Thánh Kinh, đã toại nguyện, đạt được mong ước và được thụ phong linh mục, chọn tên dòng là Philippe, ngày 24-08-1938, năm 26 tuổi. Qua lời khuyên của bề trên, vì lý do sức khỏe, tân linh mục Capucins Philippe xin gia nhập giáo phận Grenoble (38) và được bổ nhiệm làm phó xứ nhà thờ chình tòa Saint Joseph ở Grenoble.
Thế chiến bùng nổ, bốn tháng sau Cha bị động viên làm hạ sỹ quan, tại miền núi Alpes ở Alsace (1933-40). Được giải ngũ vì bị xưng phổi. Cha tiếp tục làm phó xứ nhà thờ chính tòa và kiêm thêm tuyên úy cho nhà thương ở Isère (1940-41), cho cô nhi viện ở La Côte-Saint-André (1941-42), tuyên úy hải quân ở Casablanca (1944-45). Trong thời gian này, nhiều người Do Thái bị quân Đức truy lùng, từ vùng núi biên giới Thụy Sỹ chạy trốn qua Pháp. Một hôm có hai người Do Thái chạy vào nhà thờ Saint Joseph ẩn trốn, nơi Cha làm phó xứ, xin ngài giúp. Cha đứng ra giúp đỡ họ. Chứng kiến cảnh đàn áp bất công này, Cha gia nhập kháng chiến và âm thầm làm tuyên úy cho nhóm người chống lại quân Đức. Đem người Do Thái qua Thụy Sỹ, trong đó có em trai tướng De Gaulle. Năm 1944, quân Đức biết chuyện, bắt Cha. Cha trốn thoát và chạy trốn vượt biên giới qua Tây Ban Nha, rồi đi qua Alger, Phi châu, ẩn mình trong bao vải của bưu điện. Cha đã gặp tướng De Gaulle bên ấy vào tháng 6-1944.
Trong thờ gian kháng chiến, ở Madrid Cha cải tên là abbé Hoưdin. Và ở bên Alger, để che dấu cho Cha, người ta gọi cha là l'abbé Pierre. Tên gọi " l'abbé Pierre" gắn liền với con người cả đời lo cho người khác. Sau khi Pháp được "giải phóng", cha về nước, bạn bè đề nghị và được phép của Giáo Quyền, Cha ra ứng cử và đắc cử Dân Biểu đảng MRP đơn vị tỉnh Meuthe-et-Moselle, nhiệm kỳ 1945-1951.
THÀNH LẬP TRUNG TÂM EMMAÜS
Thời gian ban đầu, trong các phiên họp Quốc hội, Dân biểu linh mục Henri thường nhắc chính quyền lưu tâm đến người nghèo trong nước. Và vào giai đoạn cuối nhiệm kỳ Dân Biểu, Cha đứng ra lập trung tâm Emmaus.
Sau chiến tranh, tại Pháp, vào thời gian 1947, người thất nghiệp nhiều, đi đến tình trạng người không nhà càng đông, nhà ở khan hiếm. Muốn giúp họ, Cha tìm kiếm mãi mới thuê được căn nhà cũ bỏ hoang, số 38 đại lộ Paul-Doumer, tại Neuilly-Plaisance, bắc ngoại ô Paris, miền Seine Saint-Denis (93). Sau những phiên họp Quốc Hội về, Cha tự sửa lấy căn nhà này. Nhưng căn nhà quá rộng, nên Cha đã cho nhóm thợ thuyền và linh mục thợ mượn làm nơi tụ họp khi cần. Năm 1949, Cha khánh thành trụ sở này và đặt tên là Emmaus. Trong lễ khai trương Cha nói với bạn bè : "Tình yêu mạnh hơn sự chết", khi Cha nêu ra mục đích trung tâm là "tiếp nhận những gia đình không nhà và mùa hè đón tiếp các bạn trẻ không có điều kiện đi hè". Vì Cha thấy, rõ hơn ai hết chiến tranh làm cho giới trẻ thiệt thòi nhất. Họ mất niềm tin và mất luôn nghị lực. Như hai môn đệ trên làng Emmaus xưa, đã nhận ra thầy mình khi cùng ăn bánh vào buổi tối, sau khi mệt mỏi vì đường xa. Nhờ đó, hai Môn đệ phấn khởi trở lại với sứ vụ truyền bá Tin Mừng (Lc 24, 13). Cha Pierre tin chắc rằng người trẻ hôm nay, ở bất cứ hoàn cảnh nào, cũng sẽ tìm lại niềm vui hợp với lứa tuổi.
Dịp Giáng Sinh 1949, trong nhà ở Neuilly-Plaisance đầy các bạn trẻ đến nghỉ lễ, khi hay tin một gia đình bị chủ đuổi nhà, khóc lóc ngoài đường, không biết đi đâu, Cha đón họ vào ở chung nhà Emmaus. Đây là nạn nhân đầu tiên mà Cha nói với các bạn trẻ "xin nhận gia đình này như bạn bè, đừng coi họ như người xa lạ". Nhà quá chật, hết chỗ, chỉ còn nhà nguyện, Cha cất Mình Thánh Chúa lên gác, để chỗ cho gia đình này tạm trú. Thấy thế, người ta lấy làm ngạc nhiên, Cha giải thích : "Chúa Kitô không biết lạnh trong Bánh Thánh, nhưng Ngài thực sự bị lạnh khi tay chân trẻ em và người khác bị cóng lạnh".
Hai năm sau, tháng 11-1949, Cha gặp anh Georges Legay (đã qua đời), vừa hết 20 năm tù, vì tội giết cha trong cơn tức giận. Ra khỏi tù về nhà, anh thấy gia đình ly tán. Sau nhiều lần cha can gián, anh vẫn cương quyết tự tử. Cha khuyên và đề nghị anh : "Lúc này, tôi biết anh là người cực khổ nhất. Tôi không có gì cho anh cả (Je n’ai rien à t’offrir). Của cải và gia đình tôi đã bỏ hết. Tiền lương dân biểu tôi bỏ ra sửa nhà hết, để đón tiếp người nghèo túng. Còn nhiều người đang cần người nâng đỡ, nhưng tôi không có phương tiện và khả năng. Nếu anh muốn chết, tôi không có cách nào ngăn cản anh được. Anh đến giúp tôi một tay để cứu vớt người khác còn cực khổ hơn anh ?" (Viens m’aider à aider les autres). Suy nghĩ một lúc, anh Georges đồng ý theo cha về nhà Emmaus. Anh là " thành viên đầu tiên’’ cộng tác với cha. Anh đã tìm ra lẽ sống là "Sau khi được yêu thương, thì yêu thương lại người khác." Sau này, sống và làm việc bên Cha, anh thường nói : "Bây giờ Cha có cho con cái gì con cũng không tự tử nữa. Vì con đã có lẽ sống và đầy đủ vật chất". Từ đây, số người bất hạnh càng ngày càng đông đến với Emmaus. Phong trào Emmaus phát sinh từ đây.
Vào cuối năm 1951, nhiều người thiện chí đến cộng tác với Cha, mà Cha gọi là người đồng hành (les compagnons). Anh em trong nhà Emmaus lâm cảnh túng thiếu, bữa no bữa đói. Vì chỉ nhờ vào đồng lương dân biểu của L'Abbé Pierre. Vì hết làm dân biểu là hết lương. Cha đành âm thầm đi gõ cửa nhà các bạn bè hảo tâm. Đâu có gõ cửa hoài nhà người ta được. Rồi vào những tối khuya, Cha đi một mình vào các xóm chung quanh nhà Emmaus phân phát truyền đơn "nói về hoàn cảnh thiếu thốn của Emmaus và kêu gọi giúp đỡ". Cha gặp và trao tận tay "lời kêu cứu" này cho những người qua đường, hay vào các quán cà phê còn mở cửa. Cứ vài hôm cha lại đem về "một mớ tiền". Tiếp tục như vậy, cứ đến tối, Cha lại đi "ăn xin" ngoài hè phố mà anh em trong nhà không ai biết. Một hôm có một bà hàng xóm kêu hai người trong Emmaus đến cho hay :
- Tối qua, khi đi ciné về, có thấy rõ ràng cha Pierre đang đi lang thang ăn xin trên vỉa hè Paris.
Hai anh này bực tức, tìm ngay Cha và nói :
- Cha hay bảo chúng con đi "ăn xin" là nhục nhã, mất nhân cách. Thế mà cha lại làm. Thế nghĩa là thế nào ? Cha im lặng nuốt nước miếng.
Anh khác nói :
- Con có cách đối phó với tình cảnh hiện nay của trung tâm là đi lượm trong các thùng rác các vật dụng, các vỏ chai còn xài được đem về bán. Vì chính con đã từng làm nghề này, kiếm ăn được.
Thấy Cha có vẻ ngờ vực không tin, anh nói thêm : "Nếu Cha giúp chúng con làm việc có phương pháp và giúp chúng con bỏ được uống rượu say sưa, thì số tiền này dư sống. Thế là, từ đó cha con vai đeo bị bới rác trong thành phố, các khu phế thải lớn ở ngoại ô. Ít lâu sau, họ đủ chi tiêu và còn mua được xe vận tải chờ đồ kiếm được. Ngày nay, sinh hoạt này vẫn còn là nguồn lợi lớn cho Emmaus. Vì thế, người ta cũng gọi L'abbé Pierre là "linh mục ve chai". Cha và các bạn đồng hành sống công việc mót rác (les Chiffonniers).
Vào tháng giêng mùa đông năm 1954 là thời điểm cao nhất, khi Paris và nhiều miền trong nước Pháp giá lạnh dưới 15 độ, Cha cùng với Dân biểu Léo Hamon xin Quốc Hội trích ngân sách 10 triệu quan xây nhà tiền chế cho người nghèo. Chính trong đêm 06-01-19954, Quốc hội đình hoãn bàn về đề nghị của linh mục dân biểu Pierre. Thì tại đường Coquelicots ở Neuilly-sur-Marne, miền Val-de-Marne, có một em bé chết cóng, cha mẹ em không có nhà phải nằm trong chiếc xe phế thải. Cha nhận và mai táng em. Cha viết thư gửi cho báo chí và mời Bộ Trưởng Kiến thiết đi dự đám táng em này. Ông đã đến dự. Hai ngày sau ông tuyên bố chính phủ đã quyết định cất nhà cấp tốc cho các gia đình nghèo. Trời vẫn lạnh, mạng sống dân nghèo vẫn bị đe doạ. Cuối tháng, lúc 3 giờ sáng 31-01-54, một bà già nằm chết vì lạnh trên vỉa hè đại lộ Sébastopol, Paris, tay nắm chặt tờ giấy đuổi nhà.
Không chịu nổi cảnh đau thương này, chiều 01-02-54, cha lên đài phát thanh Quốc gia và Luxembourg kêu gọi dân chúng nhìn vào thực trạng mùa đông và hô hào cứu trợ nạn nhân mùa đông. Với giọng nói thảm thiết, cha kể lại hai trường hợp em bé và bà già trên đã chết vì lạnh, và nói : "Một đêm có khoảng 2000 người chịu lạnh ngoài trời, không bánh mì ăn, và gần như trần truồng... Nếu qúi ông bà giúp thì họ sẽ thoát khỏi tử thần". Sau lời kêu gọi này, hai lều vải được dựng ngay cạnh điện Panthéon, ở đưởng La Montagne-Sainte-Geneviève và đường Courbevoìe để nhận tặng phẩm. Khách sạn Rochester, ở đường La Boétie mở cừa đón người ngoài trời vào trú ngụ. Ngân hàng quốc gia cho cha một số chương mục CCP miễn phí để nhận tiền. Bưu điện mở một kho riêng nhận quà tặng mang tên L'abbé Pierre. Nhiều công trường trong Paris có nhân viên tình nguyện nhận đồ cứu trợ. Đặc biệt công trường Gaumont sầm uất nhất. Năm đó, tiền người ta giúp được 35 triệu quan, Cha đem xây được 45 căn nhà tại Plesis-Trévise. Tổng Thống Pháp René Coty (nhiệm kỳ 1954-1959) đã đón tiếp Cha tại điện Matignon và nói "Xin cám ơn cha đã giúp những người bất hạnh nhất ". Tướng De Gaulle trao cho cha một ngân phiếu và nói "xin cha giữ kín". Báo Osservatore Romano và radio Vatican nói : l'abbé Perre là người cổ vũ đêm bác ái tuyệt vời".
Lịch sử đời bác ái của L'abbé Pierre được ghi lại rất trung thực trong cuốn phim "Mùa Đông 54 với Cha Pierre" (Hiver 54 - L'abbé Pierre) của đạo diễn Denis Amar, với các nghệ sỹ Sam Karmann, Stéphane Butet, Robert Hirsch và Lambert Wilson (vai l'abbé Pierre, còn sống). Phim được chiếu đi chiếu lại nhiều lần mà vẫn ăn khách. Ngay tối 22-1-2007, sau nghe tin Cha qua đời TV Pháp chiếu lại phim này. Xem lại càng xúc động cảm thấy chưa làm gì cho người khác.
Tùy theo công việc và theo thời gian, cộng đồng Emmaus đã lập nhiều trung tâm làm việc theo nhu cầu, như : Văn phòng đầu tiên của Emmaus là "Nhà HLM-Emmaus" (lập năm 1949), "Hiệp hội trung ương cộng đồng Emmaus" (1959, Union centrale des communautés Emmaus- UCACE), "Cấp Cứu Sữa" (1963, (SOS-Boites de lait), "Cấp Cứu-Gia Đình" (1967, (SOS-Familles), "Emmaus Tự Do" (1973, Emmaus Liberté), "Trợ giúp quần áo" (1998, Emmaus-solidarité Vêtements).
Các dịch vụ hữu hiệu và thực tế nhất là cung cấp nhà, tu sửa gia dụng, phân phát thực phẩm và quần áo. Hàng năm, cha đã đi hai lần vòng quanh nước Pháp, vào Noel và Mùa chay, xin chính quyền nhường hoặc cho những căn nhà bỏ hoang, Emmaus sẽ sửa bán hoặc cung cấp cho những gia đình lâu năm không có nhà. Nhân viên Emmaus đi thu nhận những tủ lạnh, tivi, bàn ghế, nồi niêu soong chảo, bát chén, cả quần áo, vải vóc, chăn mền cũ, thuốc men ... đem về sửa lại, rồi bán rẻ hay cung cấp cho ai cần thiết. Khắp nơi tại Pháp cả Paris, có những cửa hàng Emmaus, bán quần áo, gia dụng ...
Cuối thập niên 50, Cha mở chiến dịch vận động và thành lập ở ngoại quốc các trung tâm Emmaus, giống như ở Pháp. Đầu tiên ở Canada, đến Argentine, Uruyguay, Chili, Rwanda, và, Nhật, Ý và Bosnie (1992), Dayton, tiểu bang Ohio, Hoa Kỳ (1995), Croates, Serbes, Musulmans (1999). Tới năm 1971, Emmaus quốc tế (Emmaus International) chính thức thành lập. Năm 1984, Emmaus mở thêm "Trung tâm dự trữ thực phẩm" (Banque alimentaire). Năm 1990, Cha tung ra chiến dịch" Cây Giáng Sinh của l'Abbé Pierre (Noel de l'Abbé Pierre), tặng quà cho trẻ em. Năm 1988, Những người quí mến Cha đã lập ra "Hội của l'Abbé Pierre," (Fondation Abbé Pierre, FAP) lo về nhà cửa, cấp trợ gia đình... Tại Marseille có nhiều cửa hàng của Emmaus mang tên " Văn phòng trợ giúp xã hội" (Boutique Solidarité).
Thành quả những năm hoạt động, tại Pháp, có 10.000 thành viên viên chính thức, với 4.000 người bạn cộng sự, 5.000 người làm việc tự nguyện, 1.400 nhân viên thường trực làm việc có lãnh lương. 104 cộng đoàn chính thức và 30 đoàn thể bạn trung gian, tiếp tay. 30 nhóm thiện cảm giúp phương tiện, gọi là "Hội những người bạn của Emmaus". Theo thống kê, hàng năm có khoảng 535.000 vụ "thu lượm khai thác" kiếm được 3,5 triệu thước khối vật dụng, với 16.200 tấn vải và áo quần, và hơn 100 triệu Euros.
Năm 1963, Cha thoát nạn trong vụ đắm tàu từ Urugay đến Argentine, nên người ta đền nghị Cha mau mau lập Emmaus quốc tế, để liên kết nhiều cơ quan, và quốc gia can thiệp kịp thời trong nhiều mặt. Đây là tổ chức ngoài chính phủ. Trên thế giới có 350 cộng đoàn Emmaus sinh hoạt tại hơn 52 quốc gia. Các cộng đồng tại Pháp được gọi chung tên là "Cộng đồng Emmaus Pháp’’, ông Martin Hirsch là chủ tịch (từ 1983). Các cộng đồng ở ngoại quốc gọi là "Emmaus quốc tế", do ông Renzo Foie làm chủ tịch. (La Croix, 23-01-2007)
Cộng đồng Emmaus không phải một tu hội, không phải cộng đoàn có tính cách tôn giáo. Vì trong đó có người không công giáo. Một người nói với l'Abbé Pierre và các thành viên Emmaus rằng : "Tôi không biết Thiên Chúa có hay không, nhưng nếu Ngài có thật thì chính Ngài là những điều mà qúi vị làm". Các cộng đồng Emmaus có hình thức sinh hoạt "kiếm tiền" khác nhau, nhưng họ vẫn trung thành với ba nội qui chính :
- Các thành viên phải là người làm việc. Tuyệt đối không dùng tiền và quà tặng để sống. Tặng vật hoàn toàn dùng để giúp đỡ người khác.
- Giữa anh em sống trong cộng đồng, thì quá khứ mỗi thành viên không cần biết. Mỗi người coi như chỉ sống với lý lịch hiện tại. Không kể công người làm nhiều làm ít, người khỏe hay yếu. Tất cả tiền làm được đều bỏ làm của chung.
- Phục vụ trước những người nghèo khổ và kém may mắn. Bởi vì những người đau khổ là nguồn mạch an bình.
L'abbé Pierre đã dùng đúng căn nhà đầu tiên, năm 1954, ở Neuilly-Plaisance, Seine Saint Denis làm lễ kỷ niệm hàng năm thành lập công đồng Emmaus. Năm ấy, cha đã kêu gọi trên đài phát thanh, lúc 12g15 ngày 01-02-54 : "Mỗi người Pháp có trách nhiệm làm mới nước Pháp, bằng cách làm giảm bớt người nghèo". Sau gần 60 năm, Emmmaus có mặt nhiều nơi trên thế giới, Cha nóí : "Mỗi công dân, phải có trách nhiệm đổi mới thế giới ,bằng cách làm giảm hết người nghèo". Cha qua đời sáng 22-1-2007, lúc 5g 25, hưởng thọ 94 tuổi, tại Val de Grâce. Trước nay, Cha vẫn sống chật hẹp trong một studio, 8 m2, ngủ trên sập gỗ. Mỗi ngày Cha chầu Mình Thánh Chúa vào lúc 5 giờ chiều. Khi còn trẻ, đêm nào cũng làm việc đến 2 giờ sáng. Cha luôn khắc khoải lo âu cho công việc bác ái và người nghèo, khi cầu nguyện :
Con khóc nhiều khi mỏi. Hơn nữa là con sợ khi chết rồi công việc mình đeo đuổi chưa xong.
Xin Đức Mẹ nhân ái giúp con trong lúc lẻ loi.
Xin Cha Chí Thánh thương đến đứa con nhỏ bé được sống và chết trong bình an và hạnh phúc".
(Pierre Lunel, 40 Ans d'Amour : l'abbé Pierre et Emmaus, Le Temps des Apôtres, Édition 1, Paris 1992. tr. 352)
Trong đời sống thường ngày Cha hay nói : " Sống là học yêu người khác". Về bổn phận với người nghèo Cha định nghĩa : "Có người thì giầu quá, người thì nghèo quá, khẩn cấp là phải chia sẻ cho nhau".
Xin tiễn Cha về nơi Vĩnh Phúc Trường Sinh và luôn nhớ lời cha nhắc nhở :
Bao lâu sự nghèo đói còn hoành hành
Bấy lâu còn những người sống bên lề xã hội.
Thì chúng ta không có được tâm hồn an bình,
không có được hòa bình,
không có được niềm vui. (2002).
Hay đôi khi nhận được phiếu mời gọi của Cha gửi đến nhà, kèm chữ ký, như lời ghi dưới đây : Chúng ta hãy giúp nhau để giúp đỡ. Lập tức, hôm nay, hãy cho những gì chúng ta có thể cho. Hãy nghĩ rằng mỗi ngày có những người như thế họ cho hết. (Pèlerin Magazine. Số 5556. 26-5-1989, tr. 55)
Thi Chương