Chân phước Charles de FOUCAULD (1858-1916)
Michel Phạm Mỹ
Từ nhiều năm, người ta mong đợi Giáo Hội phong thánh cho Cha Charles de Foucauld. Tin vui đã đến. Ngày 13-11-2005, Cha được phong Chân Phước, một vị ẩn tu thánh thiện, chết như vị tử đạo, gương mẫu, có tinh thần truyền giáo mạnh mẽ rao giảng Tin Mừng bằng đời sống khó nghèo. Bước theo Chân Phước mới của Giáo Hội, các anh chị dòng Tiểu Đệ và Tiểu Muội đang lăn xả để tuyên chứng đức tin giữa mọi tầng lớp dân nghèo. Đúng như tôn chỉ của Dòng : Chúa Kitô là Tình Yêu (Jésus est Caritas). Cuộc đời của thánh nhân đã trải qua 3 giai đoạn chính. Mỗi nơi, có nếp sống và cá tính riêng.
. Tuổi trẻ hăng say, biết tự lập, nhưng lại mất đức tin.
- 1858-1876 : Từ nhỏ ở Strasbourg sống với bên ngoại,
- 1876-1881 : Cư ngụ ở Paris đi học và nhập ngũ
- 1881-1886 : Qua làm việc ở Algérie và Maroc
- 1886-1890 : Về lại Paris và được hoán cải.
. Sau khi được hoán cải, sống ẩn tu, công khai truyền giáo và hy sinh mạng sống.
- 1888-1900 : Sống ẩn tu khổ hạnh
- 1901-1916 : Công khai truyền giáo trong sa mạc
- 1916 : Hy sinh mạng sống.
I. NGƯỜI THIẾU NIÊN LỚN LÊN NƠI QUÊ NGOẠI (1858-1876)
Charles de Foucauld sinh ngày 15-9-1858, ở số 3 place de Broglie, tại Strasbourg. Thân phụ là Édouard de Foucauld làm nghề kiểm lâm. Thân mẫu là Élisabeth Beaudet de Morlet, nội trợ. Hai người lập gia đình lúc ông 35 tuổi, và bà 26 tuổi. Charles còn em gái là Marie de Foucauld, sinh 1961, nhỏ hơn 3 tuổi. Trong gia đình còn ông ngoại là Beaudet de Morlet, thiếu tá công binh. Ông bà thân sinh thuộc gia đình giàu có, nhưng mẫu mực rất đạo đức, và giáo dục kitô giáo kỹ lưỡng. Trong cùng một năm 1864, ông bà thân sinh của Charles đều qua đời. Bà mất trước ông, vì hư thai (13-3-1864). Sau 5 tháng, đến ông mất vì bệnh tim, tháng 8-1864. Anh em Charles và Marie mồ côi cha mẹ từ đây, anh mới 6 tuổi, em 3 tuổi. Mùa hè, người cô hay rước hai cháu về nghỉ hè và chăm sóc, ở Saverne. Cô hay dẫn cháu đến nhà thờ quì trước bàn thờ cầu nguyện. Những ngày vui bên nhà bà cô, để lại ấn tượng tốt về đời sống gia đinh công giáo đạo hạnh và kiểu mẫu. Ông ngoại rất mực thương hai cháu, nhận Charles về nuôi chung với em gái, Marie. Năm 1869, ông ngoại về hưu, nên gia đình di chuyển về sinh sống ở Nancy, Alsace. Ngày 18-4-1872, Charles được xưng tội, rước lễ lần đầu, và chịu phép Thêm Sức, ở Nancy, do ĐC Foulon đặt tay. Charles đi học trường tiểu học công giáo Saint-Arbogast và học tiếp lên trung học Strasbourg. Ở trường cậu là học sinh lanh lợi, thông minh, ngoan, nhưng sức khỏe yếu nên đôi khi vắng mặt. Ngày 12-8-1874, Charles đậu Tú tài phần nhất, hạng bình thứ (assez bien).
II. NHẬP NGŨ XÂY DỰNG SỰ NGHIỆP (1876-1881)
Từ 1874-1876, về Paris, Charles vào học nội trú trường các cha Dòng Tên. Tháng 8-1875, Charles đậu Tú tài phần hai, xuất sắc về điểm sử địa, và rất rành rẽ về Algérie. Theo thời khóa biểu của trường, phải dậy từ 4g30, xem lễ, ca hát, đọc kinh, kỷ luật khắt khe, ăn uống sơ xài, không được ra ngoài. Trong trường, người học trò này khép kín và nhạy cảm bắt đầu trống vắng, và để lấp đầy, cậu bắt đầu làm quen với sách vở nhảm nhí. Hậu quả là vào năm thứ nhất triết học, đức tin anh bị lung lay. Rồi dần dần xa Chúa, đến mất luôn đức tin. Anh xác nhận : ‘‘Con cứ xa Chúa và càng ngày càng xa. Sự sống của con bắt đầu trở nên sự chết. Trong 12 năm con sống trong trình trạng đó. Không chối mà không tin Chúa. Vì Ngài không có bằng chứng nào rõ rệt đối với con’’.
Từ đây người thiếu niên trẻ tuổi bị khủng hoảng tinh thần làm anh mất đức tin, nên lao mình vào cuộc ăn chơi trác táng. Không còn lối nào khác, ngày 30-10-1876, Charles thi đậu nhập trường sỹ quan Saint Cyr, mới 18 tuổi. Đối với Anh là quá may, xếp hạng 82 / 112 sinh viên được chọn. Năm 20 tuổi, đang học năm thứ hai trường sỹ quan Saint Cyr, thì ông ngoại qua đời (1878). Anh càng chới với. Biến cố này ảnh hưởng rất mạnh người cháu tài ba, xưa nay hết sức đặt tin tưởng nơi ông ngoại.
III. MẠO HIỂM Ở ALGÉRIE VÀ MAROC (1882-1885)
Năm 22 tuổi, năm 1876, Charles tốt nghiệp sỹ quan Saint Cyr, với cấp bậc thiếu úy, và được gửi đi làm việc tại Saumur, Algérie, gia nhập trung đoàn kỵ binh, rồi đoàn kỵ binh Phi châu, đóng quân ở Bône, Sétif, Mascara, và thực hiện cuộc viễn chinh xuống phía nam Oran. Từ 1881-1882, đoàn quân sống trong lều trại tại sa mạc Sahara. Năm 1882, Anh rời quân ngũ.
Năm 1883, Anh mạo hiểm phiêu lưu qua Maroc. Anh muốn chinh phục Maroc, nhưng anh đã bị Maroc chinh phục. Cùng đi có người em họ là Georges de Latouche, 40 tuổi. Hai người là bạn tâm giao. Ở Maroc, Anh nhờ người hướng dẫn là Mardochée Abi Serour, sinh viên nghèo. Cư ngụ ở số 58 de la rampe Valée, khu dân quê, vùng Bab-el-Oued. Một tháng chi phí 350 quan (Charles de Foucauld, JJ Antier. tr. 58-81).
Ở đây, qua chứng từ những người Hồi Giáo, Anh thức tỉnh và tự hỏi : "Thiên Chúa có thực hiện hữu hay không ? Anh viết : Nhìn nơi họ một đức tin sống động cùng sự liên lỷ kết hợp với Chúa, tôi cảm thấy một cái gì cao cả chân thật hơn các bận tâm trần thế. Hồi Giáo đã đánh động mạnh, sâu xa nơi tôi. Cử chỉ thờ Chúa đó tiếp tục thâm nhập sâu xa hơn nơi Anh, làm cho Anh hăng hái tìm kiếm vị Thiên Chúa tối cao của họ : Tôi tự ép mình học hỏi về đạo đó cùng Thánh Kinh. Nhờ ơn Chúa đánh động, đức tin trong thời thơ ấu được củng cố và canh tân dần lại nơi tôi. Ngoài ra, Anh còn thán phục tinh thần huynh đệ của họ. Do đó, Anh muốn trở nên một người anh em của họ (GXVN. 28. 11-1986, tr. 9).
IV. TRỞ LẠI PARIS, NGƯỜI CON NAY TRỞ VỀ (1886-1888).
Sau khi phiêu bạt giang hồ, năm 1886, trở về Paris, cư ngụ tại khu 50 rue de Miromesnil Saint Augustin, gia đình không hất hủi, lại đón tiếp Anh rất tử tế và thân mật. Anh dự định xuất bản cuốn hồi ký viết ở Maroc ‘‘Reconnaisance au Maroc’’ (viết 1885). Sau đó sẽ viết cuốn khác. Anh có dịp tiếp xúc với nhiều người, thông minh, đạo đức và sống sâu xa tinh thần Kitô giáo. Anh tự hỏi : ‘‘có lẽ đạo này không phi lý như mình nghĩ’’. Có gì thúc đẩy, anh hay đến các nhà thờ. Mặc dầu chưa tin gì, nhưng tại đây anh cảm thấy thoải mái. Từng giờ trong nhà thờ, anh thường nhắc lại lời cầu nguyện : ‘‘Lạy Chúa, nếu Chúa có thật, xin cho con biết Chúa’’. Một ý kiến nảy sinh. Phải tìm hiểu biết về tôn giáo này. Phải tìm chân lý, bấy nay mình vẫn hoài công tìm kiếm. Phải học giáo lý công giáo như học tiếng Ả Rập vậy. Giờ đây cần tìm đến linh mục để xin chỉ dẫn. Sáng 29-10-1886, qua bà Marie de Bondy, người chị họ giới thiệu, Charles đến nhà thờ St Augustin tìm gặp linh mục Henri Huvelin (1838-1910), Giáo sư Cao Đẳng Sư Phạm. Cha đang ngồi tòa giải tội. Anh Charles mạnh dạn hỏi :
- Thưa cha, con không còn đức tin. Xin cha vui lòng giúp con tìm hiểu đôi điều về tôn giáo, được không ?
- Anh không có đức tin sao ? Đã từ bao giờ anh không còn tin tưởng nữa ?
- Thưa cha có chứ, từ năm 16 tuổi. Nhưng bây giờ thì con không tin nữa. Không tin những mầu nhiệm, về tín lý và cả những phép lạ.
Vị linh mục âu yếm nhìn người thanh niên trụy lạc và nói :
- Này anh, anh lầm rồi. Còn một trở ngại làm anh không tin, là tâm hồn phải trong sạch. Thôi, hãy quì xuống và khiêm nhượng thú nhận tội lỗi trước mặt Chúa, rồi anh sẽ tin.
Chàng thanh niên xua tay phản đối. Do dự, một lúc sau, và cuối cùng anh quì gối, xưng tội và ăn năn sám hối. Ngay sau đó, cha giải tội đã cho anh rước Mình Thánh Chúa luôn. Người thanh niên Charles đã tin và trở nên người thánh thiện. Ngày nay, tại nhà thờ St Augustin, quận 5, bên trái, người ta còn để hình ảnh kỷ niệm nơi chính Charles xưng tội và được ơn hoán cải.
Từ đây, Anh được linh mục Huvelin tận tình nâng đỡ và hướng dẫn. Anh Charles de Foucauld đã đổi mới hoàn toàn cuộc đời và sống cho bác ái. Kể về cuộc gặp gỡ với cha Huvelin là dịp trở lại, Charles de Foucauld viết : "Đến đây, con không xin xưng tội, vì con không có đức tin. Con chỉ xin cha dạy con một vài điều về Công Giáo. Ngài buộc tôi quì xuống xưng tội và cho tôi chịu lễ ngay sau đó". Câu Kinh Thánh đánh động tôi trong thời gian này, là : "Người cha chạy ra ôm choàng lấy con và âu yếm hôn con... Hãy mang ra đây cho con tôi chiếc áo đẹp nhất cùng với đôi giầy, và hãy mau mau bắt con bê béo làm thịt’’ (Lc 15) (Tĩnh tâm tại Nazareth).
Ngoài tình yêu tha thiết với Chúa, Charles viết về động lực đến và hy sinh cho người nghèo, như sau : "Nếu muốn nhanh chóng trở nên nghèo khó, hãy thật lòng nghe những lời này của Chúa : Nếu anh muốn trở nên hoàn hảo, hãy về bán tất cả gia tài phân phát cho người nghèo khó, anh sẽ được một kho tàng trên Trời. Rồi hãy đến theo Ta " (Mt 19, 21) (Bút ký thiêng liêng).
V. ĐI VÀO CUỘC SỐNG ẨN TU (1888-1900)
Lm. Henri Huvelin thụ phong linh mục năm 1867, làm phó xứ Ste Eugène, Paris 9e. Sau cha được chuyển về xứ St Augiustin năm 1875, phục vụ tại đây cho đến khi qua đời. Thời gian này Cha cư ngụ tại 6 rue Laborde, Paris 5. Suốt 35 năm, Cha là người chiếu sáng đức tin cho nhiều người trẻ. Qua phép giải tội, gặp gỡ, và khuyên bảo Cha đã hướng dẫn đường thiêng liêng, sống đạo cho nhiều người trẻ. Riêng Charles, Cha đã là linh hướng cho Anh đến khi Ngài qua đời. Sau khi được hoán cải, Anh Charles đã thực sự đi tìm đời sống ẩn tu khổ hạnh, qua các nơi :
- Tìm Chúa qua Thánh tích ở Jérusalem, Bethlem, Nazareth (1888-1890)
- Thực tập như thầy khổ tu Xitô (1890-1896)
- Về Roma một năm (1896-1897)
- Âm thầm làm vườn cho Dòng Clarisses (1897-1900)
Hai năm đầu ở Thánh Địa Jérusalem, Bethlem, và Nazareth (1888-1890) là những năm Anh tìm hiểu Chúa thâm sâu và đầy cảm nghiệm tình Chúa bao la. Sau cuộc hành hương này, Anh thay hẳn ý hướng cuộc đời và muốn tận hiến hoàn toàn cuộc đời cho Thiên Chúa Tình Yêu. Hoàn toàn bắt chước Chúa Giêsu Nazareth : khó nghèo và vâng phục. Ngày 16-1-1890, Anh xin nhập tu Dòng Xitô Nhiệm Nhặt, Notre-Dame-des-Neiges, tại Pháp, được 7 năm. Hai cuốn sách được Anh say mê và suy gẫm là : Les Fondations viết về thánh Têrêsa Avila, và cuốn Imitation của thánh Bernard. Sau đó, Anh đi Notre-Dame-du-Sacré-Coeur bên Syrie.
Sau đó, ngày 10-3-1897, Anh xin qua như ẩn sỹ tại trước cửa Dòng Clara ở Nazareth, trong 4 năm. Anh xin làm việc chân tay, không thù lao, ăn bánh mì, ngủ trên sàn đất và gối đầu bằng cục đá. Những năm này, Anh như người giúp việc, coi sóc vườn tược cho nhà Dòng. Từ đây, Anh suy nghĩ thêm hơn nữa bước theo Chúa, say sưa yêu mến Ngài, muốn giống Ngài phải tìm đến và phục vụ những người ở xa nhất, những người bị bỏ rơi và thiệt thòi nhất ngoài xã hội. (Charles de Foucauld, JJ Antier. tr. 139-156).
VI. DẤN THÂN TRUYỀN GIÁO TRONG SA MẠC (1901-1916)
Ngày 7-10-1900, Anh đến Dom Martin, vào Notre-Dame-des-Neiges cấm phòng và chuẩn bị nhận các chức thánh. Ngày 22-12-1900, ĐC Bonnet, Giám Mục Viviers truyền chức Phụ Phó Tế. Ngày 23-3-1901, anh nhận chức Phó tế do ĐC Béguinot truyền. Và Cha Charles de Foucauld thụ phong linh mục, tại giáo phận Viviers, ngày 09-06-1901, do ĐC De Montéty, Dòng Lazariste, TGM Beryte. Ngày 10-6, Cha dâng lễ mở tay (SSđ. tr. 157-163). Giống như Chúa Giêsu, Cha Charles có những năm ẩn tu và những năm công khai truyền giáo và kết thúc bằng hy sinh mạng sống. Sau khi lãnh chức Linh mục, Cha Charles khời sự truyền giáo, đầy gian lao và nguy hiểm.
- Đầu tiên là ở Benis Abbès (1900-1902)
- Làm quen và thực sự sống giữa sa mạc Sahara (1903-1904)
- Đến Tamanrasset nguy hiểm hơn (1905)
- Xây tịch liêu ở Touareg, chiêu mộ tu sinh (1905-1908)
- Thân một mình (1908-1909), khi ĐC Guérin rồi tiếp theo đến Cha Huvelin qua đời
- Cô đơn ở Asekrem (1911-1924)
- Bị hăm dọa từ miền Đông (1915-1916)
Ngày 10-9-1901, Cha xin qua sống trong sa mạc miền khô cằn Bénis-Abbès, tại Algérie. Đến Alger Cha tạm trú tại nhà các Cha Dòng Áo Trắng ít lâu. Với tư cách là cựu sỹ quan, Cha nhờ một số sỹ quan Pháp giúp đỡ, Cha xây dựng cơ sở đầu tiên, với diện tích đất 9 mẫu. Tiền mua đất 35.000 quan, do bà chị họ Marie de Bondy trả. Nhà nguyện đầu tiên Notre Dame d’Afrique xây xong vào 1-12-1901. Lúc đầu đến dự lễ là quân nhân Pháp, sau có thêm người bản xứ. Ngày 9-1-1902, Cha đã chuộc về một người Ả Rập đen, 20 tuổi, khỏi phải làm nô lệ. Đến 4-7-1902, Cha chuộc được người nô lệ thứ hai. Và đến 12-7, Cha rửa tội cho em bé 4 tuổi, đặt tên là Abd Jésus. Đời sống của Cha hoàn toàn như là ‘‘linh mục ẩn tu’’. Thức dậy từ 3 giờ sáng. Đọc kinh suy gẫm rồi đi vào sa mạc để tìm con chiên về với Chúa (Sđd. tr. 167-175).
Đời sống trong sa mạc, được Cha viết lại cho một đan sỹ : Phải bước vào sa mạc và dừng lại để lãnh nhận ơn thánh. Tại đây chúng ta có thể loại bỏ tất cả những gì không thuộc về Ngài. Tâm hồn chúng ta cần có bầu khí thinh lặng và tĩnh mịch, cần quên đi tạo vật để Thiên Chúa có thể thiết lập vương quốc Ngài, và vun trồng nơi chúng ta đời sống nội tâm thân mật với Ngài. Tâm hồn chúng ta có thể đàm đạo chuyện vãn với Ngài trong đức Tin, đức Cậy và đức Mến. Nội tâm chúng ta càng được thao luyện bao nhiêu, sau này càng mang lại hoa trái bấy nhiêu (Chúa là Tình Yêu. tr.41).
Ngày 27-5-1903, qua trung gian của hai cha Dòng Áo Trắng khám phá ra khu mới đông người ở. Ngã ba giữa Algérie, Maroc và Sahara. Cha Charles đến làm quen rồi sinh sống với họ. Đây là nơi quân đội Pháp thường qua lại. Họ sống có qui củ thành làng và chỉ biết có trời, không biết gì về Thiên Chúa.
Sau đó, ngày 11-8-1905, Cha chuyển qua sa mạc Tamanrasset. Bắt đầu từ miền hoang vu nóng bỏng cát trắng. Cha may mắn gặp bạn cũ học ở Saint-Cyr là tướng Lyautey, người đạo đức rất tốt. Cha bắt đầu bị bệnh, mệt mỏi và cô đơn. Cha bị người ta gán ghép cho là ‘‘thầy phù thủy’’ và tìm cách hãm hại. Đã có lần Cha bị thương dọc đường. Ông đề nghị cho lính hộ tống Cha đi đó đây. Nhưng Cha từ chối, thích đi một mình. Tại đây, thiếu tá Laperrine đã giúp Cha dựng nhà tường đất, mái lá. Đặc biệt Cha có Paul Embarek, giáo lý viên đắc lực và tận tâm giúp phụng vụ. Anh là người nô lệ đen, đã được Cha chuộc từ Soudan về. Ngoài ra, Cha cũng gặp bác sỹ Béraud, chăm sóc về sức khỏe. Riêng ĐC Guérin Giám Mục Sahara, người đã nâng đỡ tinh thần và khuyên nhủ Cha Charles trong lúc cô đơn (Charles de Foucauld. JJ Aantier, tr. 206-227).
Những ngày tại sa mạc, Cha say mê tìm đến với những người du mục sống trong hoang địa, làm quen, học tiếng của họ. Cha đã dịch Phúc Âm ra tiếng Ả Rập. Ban ngày cha giúp đỡ họ những công việc cần và chiều tối một mình về nhà suy gẫm. Cha không thuyết phục họ theo Đạo, nhưng cố nêu cao đời sống tông đồ bác ái. Chính nơi đây, lòng nhiệt thành của Cha Chúa đã đón nhận như của lễ hy sinh.
VII. NHƯ CỦA LỄ HY SINH VÀO CUỐI ĐỜI
Ngày 1-12-1916, khi trời vừa tối, khoảng 40 người đến vây quanh khu Tamarasset, sa mạc Sahara, nơi Cha Charles de Foucauld mới đến cư ngụ được 5 tháng. Họ là những người Touareges ở Ajjer, nổi lên chống lại người Pháp. Họ có nhiệm vụ bắt cóc ‘‘thầy bùa ngải’’ mà họ nhắm và gán ghép vào Cha Charles, đã sinh sống ở vùng này hơn 10 năm. Họ nghĩ rằng phải giết hoặc bắt làm con tin người Âu Châu này, vì Cha có ảnh hưởng nhiều đến các thủ lãnh bản xứ. Đó là ý định của nhóm nhỏ thuộc nhóm ‘‘thánh chiến’’ của Hội tôn giáo của Senoussiya ở Fezzan, miền Lybie.
Những người Touareges bất bạo động, đã dùng khoảng 30 khẩu súng, của quân đội Pháp để lại cho dân làng, có nhiệm vụ tự vệ. Nhóm Touareges bắt ép đem theo vợ chồng Paul Embarek, đã quen lối sinh sống của Cha làm chỉ điểm, đến gõ cửa nhà Cha.
Hôm ấy, cha Charles một mình sống trong tịch liêu. Như thường lệ, anh Lazaoui ben Aâmdour, người thường dân Ả Rập phát thơ, từ chiều hôm trước, đến trao cho Cha 8 lá thơ, rồi nhận thơ mới của Cha đi gửi. Các thơ Cha nhận có : ba thơ của chị họ Marie, một của anh rể Raymond de Blic, hai của Laperrine, hai của Masssignon và một của Saint-Léger. Ngay sáng đó, Cha đã trả lời đầy đủ cho từng người (thơ chưa gửi đi). Đang khi Cha Charles đợi người đem thơ về, thường vào chiều.
Ba người đến trước cửa tịch liêu, đứng sẵn ngoài cửa là : El Madani, Mohammed agg Akda d’Iherir và Elghlem agg Afekou ở Ayt Loayen. El Madani gõ cửa. Cha ra mở và khi Cha mới thò một tay ra ngoài cửa. Lập tức Madani nắm, kéo tay Cha. Cha rị lại. Lập tức, hai người kia xông vào và kéo Cha ra ngoài. Họ trói hai tay Cha lại về phía sau lưng, bắt qùi xuống và chất vấn. Cha vẫn thinh lặng. Rồi họ để Cha cho cậu bé Sermi ag Tora, 15 tuổi canh giữ Cha. Còn họ vào trong lục soát đồ đạc...
Bỗng có báo động hô lên. Những người Ả Rập cỡi lạc đà ào ào tới. Thế là có tiếng súng nổ vang lên. Không biết họ có bao nhiêu ? Cha có cựa quạy để cởi trói không ? Vì sợ Cha trốn chạy, cậu Sermi chỉ để miệng súng vào dưới tai trái của Cha, như để hăm dọa. Trong lúc hốt hoảng súng nổ, viên đạn đâm thâu mắt trái của Cha và đầu đạn cắm vào tường. Cha nằm sóng sượt trên mặt đất. Máu chảy lai láng, Cha chết không kịp nói. Cậu Sermi cùng đồng bọn bỏ chạy. Sau chốc lát vụ nổ súng của nhóm Touareges, nhóm lính Ả Rập bạn Cha mới tới. Sáng hôm sau, người ta thấy người mang thơ cũng bị giết. Thi hài Cha được chôn cất vội vàng sơ sài trong một rãnh bờ cát gần nhà. Từ 1929, ngôi mộ của Cha đặt ở El Goléa, giữa đồng cát trống (Frère Charles de Foucauld, tr.38). Cha Charles de Foucauld qua đời giữa cuộc thế chiến và đầy bạo loạn. Cha bị sát hại tại Hoggar, miền nóng bỏng của sa mạc Tamanrasset. Như một vị tử đạo (Fêtes et Saisons. No. 386, Juin Juillet. 1984, tr. 4 ; La Mort de Charles de Fioucauld, tr. 102-104, 137-142, 172-181). Ba tuần sau khi Cha qua đời, người ta tìm thấy Chén và Mình Thánh Chúa chôn vùi dưới cát nơi Cha bị giết. Đúng như Chúa Giêsu nghèo nàn ẩn dật, Cha đã bị dìm mình trong lòng đất của loài người, như hạt lúa phải mục nát để trở nên bánh thường nhật cho mọi người (GXVN, số 28. 11-1986. tr. 8).
Tư tưởng muốn hy sinh mạng sống, được đọc thấy một tài liệu Cha viết trước khi từ trần : Lạy Chúa Giêsu, Ngài đã nói, ‘‘Không có tình yêu nào mãnh liệt hơn là tình yêu của người dám hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu’’. Con hết lòng muốn dâng hiến đời con cho Chúa. Con khấn xin điều này. Tuy nhiên không nên theo ý con nhưng theo ý Chúa. Con dâng đời con cho Chúa. Xin hãy làm nơi con điều đẹp lòng Chúa hơn cả. Lạy Chúa, xin tha tội cho những kẻ thù ghét con. Xin cho họ được ơn cứu rỗi (La Mort de Charles de Foucauld, tr. 160. Chúa là Tình Yêu. tr. 73).
15 năm trước khi từ trần, Cha đã viết : Hãy sống ngày hôm nay như tôi phải tử đạo chiều nay (Vivre aujourd’hui comme si je devais mourir ce soir. Martyr).
Ngay sáng hôm qua đời, 1-12, Cha viết thư trả lời cho 5 người, chưa kịp gửi, trong đó có thư của bà chị họ Marie de Bondy, cha viết : Chúng ta thấy mình đang đau khổ nhưng lại không luôn thấy mình đang yêu thương, và điều này làm gia tăng đau khổ nữa. Nhưng chúng ta biết mình quyết tâm muốn yêu và khi muốn yêu là yêu. Chúng ta thấy mình yêu chưa đủ, và chẳng bao giờ chúng ta sẽ yêu thương đủ. Nhưng Chúa nhân lành, Đấng biết rõ chúng ta được tạo dựng bằng thứ bùn đất nào. Đấng yêu thương chúng ta hơn người mẹ yêu thương con mình. Đấng không bao giờ biết nói dối, đã phán rằng : ‘‘Ta sẽ không bao giờ xua đuổi kẻ nào chạy đến với Ta’’ (Tamanrasset, 1-12-1916). (Chúa là Tình Yêu. tr. 75 ; La Mort de Charles de Foucauld, tr.126).
Trong thư khác chưa kịp gửi cho Louis Massignon : Đừng bao giờ do dự tự nguyện xin đến các cứ điểm nguy hiểm nhất, nơi đòi hỏi nhiều hy sinh tận tụy nhất. Vinh dự hãy nhường lại cho kẻ khác. Còn mình, thì hãy luôn dành lấy cái nguy hiểm, cái cực nhọc... Càn trung thành suốt đời với tôn chỉ này, một cách đơn sơ, không lo lắng tự hỏi phải chăng trong thái độ đó có chen lấn tự kiêu. Đây chỉ là nhiệm vụ, hãy chu toàn nghĩa vụ mình, và xin Người Anh Chí Ái dạy cho biết thi hành phận vụ đó một cách khiêm tốn vì tình yêu Thiên Chúa tha nhân (Tamanrasset 1-12-1916). (Chúa là Tình Yêu. tr. 75 ; La Mort de Charles de Foucauld, tr.124).
VIII. NHỮNG ĐIỂM NỔI BẬT TRONG LINH ĐẠO
Đường đạo đức thánh thiện của của Chân Phước Charles de Foucauld, có thể tóm lại :
1. Qua phép Giải Tội, Chúa đã thứ tha hết. Như thánh nhân đã viết sau khi được hoán cải, trong tập tài liệu nhỏ ‘‘Chúa là Tình Yêu’’ (Roma) : ‘‘Không một linh hồn nào mà Chúa không cứu vớt, cho dù linh hồn đó đang ngụp lặn trong tình trạng bỉ ổi và đáng khinh chê nữa. Ngài không chỉ cứu vớt những kẻ đó được sống, nhưng còn để biến họ thành những người con cưng của Ngài, để nâng họ lên hàng các bậc thánh lớn. Ngài nhặt lấy đồng tiền đang rơi rớt trên mặt đường cát bụi và đã bị chân người giẫm lên, trả lại cho nó vẻ đẹp trước kia (tr. 23).
2. Để đáp lại, người con được tha thứ hết dạ trung thành và yêu mến Cha nhân từ. Trong thư gửi cho H. de Castries (14-8-1901), Anh viết : ‘‘Khi tôi vừa tin có Một Thiên Chúa, thì tôi hiểu ngay rằng tôi không thể làm gì khác hơn là chỉ sống cho Ngài mà thôi : Ơn gọi sống đời tu trì và hồng ân đức tin đã được ban cho tôi cùng lúc. Thiên Chúa cao cả dường nào ! Phúc Âm cho biết ‘‘điều răn thứ nhất là mến Thiên Chúa hết lòng hết trí mình’’. Và mọi sự gói gém trong tình yêu. Đầu tiên, yêu là bắt chước. Vì thế tôi nghĩ minh phải gia nhâp một dòng tu nào mà trong đó có thể noi gương Chúa Giêsu một cách chính xác nhất. Tôi không thể mô phỏng cuộc đời công khai của ngài, nên tôi tìm cách bắt chước cuộc sống ẩn dật, khiêm tốn của người thợ nghèo lành Nazareth xưa. Do đó, tôi thấy xin gia nhập đan viện Xitô Nhặt Phép là hay nhất. Tôi đến sống tại tu viện này 6 năm, về Roma sống ẩn dật thêm 4 năm nữa (TL đd. Tr. 33-35).
3. Phép Thánh Thể và Lời Chúa là nguồn mạch, sinh động cho tu sỹ Nam Nữ Dòng tại Nazareth, Anh Charles đã sống như ẩn sỹ trước đan viện dòng Clara. Anh đã liên tục cầu nguyện Trước Thánh Thể Chúa : Trong bút ký đọc được : ‘‘ Lạy Chúa Giêsu. Chúa đang ngự trong Phép Thánh Thể : Từ nhà tạm, Chúa chỉ xa con có một thước. Thân xác linh hồn, cả nhân tính của Thiên Chúa đang hiện diện nơi đó. Chúa đang ở bên con. Chúa là Đấng Cứu Độ con là Đức Giêsu của con, là người Anh của con.’’
Theo Anh Charles : Cầu nguyện nói truyện với Chúa, là hướng nhìn về Chúa trong thinh lặng, và tâm hồn chỉ biết chiêm ngắm Ngài. Trong ánh mắt chỉ lo yêu thương tỏ tình với Ngài. Mạc dầu đôi môi vẫn câm lặng và tư tưởng cũng không có. Lời cầu nguyện sốt sắng nhất là lời cầu nguyện có ẩn dấu nhiều tình yêu nhất (TL đd, tr . 41).
4. Người tu sỹ bên ngoài khổ hạnh như Charles, nhưng bên trong sống bằng Lời Chúa. Chúng ta hãy để cho thần linh Chúa Giêsu dần dần thấm nhập tâm hồn bằng cách đọc đi đọc lại và không ngừng nghiền ngẫm các Lời Chúa nói, các gương sáng Ngài để lại. Như những giọt nước cứ liên tục rơi vào một chỗ trên hòn đá. Không ngừng đọc đi đọc lại Phúc Âm để luôn thấy trước mắt cử chỉ, lời nói và tư tưởng Chúa Giêsu, để có thể nghĩ, nói và làm như Chúa Giêsu, noi gương và thi hành giáo huấn của Ngài. Trọn cuộc sống, trọn con người phải công khai rao giảng Phúc Âm khắp nơi (Tl đd, tr. 43).
IX. HỒ SƠ PHONG THÁNH
Cha Charles De Foucauld qua đời 1916. Mười năm sau, 1927, ĐC Nouet, Giám mục Ghardaia đã khởi sự tìm tài liệu, chứng tích đời sống liên quan đến Ngài, vì sợ chiến tranh mai một. Năm 1947, hồ sơ xin phong thánh cấp giáo phận đã hoàn tất và chuyển về Roma. Năm 1956, hồ sơ được Bộ Phong Thánh dự định mở và cứu xét. Nhưng vì chiến tranh xung đột Pháp-Algérie, làm hồ sơ bị xếp lại. Ngày 13-4-1978, hồ sơ được chính thức cứu xét để phong thánh (Charles de Foucauld. JJ. Antier, tr. 310).
Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Cha Charles de Foucauld thụ phong linh mục, tại Paris (9-6-1901), Ngày 24-4-2001, ĐGH Gioan Phaolo II, công bố sắc lệnh công nhận Cha Charles de Foucauld là ‘‘ Vị đáng kính, Tôi Tớ Chúa’’, người có những đức tính ‘‘anh hùng và nhân đức’’ với lời xác nhận ‘‘Người làm chứng Tin Mừng trong cuộc đời tại Tuaregs, sa mạc Sahara, mang sự khiêm tốn, thanh bần và bác ái Chúa Kitô, trở nên anh em đại đồng của các tín hữu Kitô, Do thái và Hồi giáo’’ (MVTS. 5-2001, tr. 100).
Theo dự định, ngày phong chân phước cho Cha vào ngày 15-5-2005, nhưng ĐGH Gioan Phaolô II qua đời, nên hoãn lại đến ngày 13-11-2005.
Phép lạ nhờ lời cầu bầu của thánh nhân
Trưa 4-3-2003, ĐHY Dionigi Tettamanzu, TGM Milan, bắc Ý đã chủ sự nghi thức kết thúc tiến trình điều tra cấp giáo phận về một phép lạ nhờ lời cầu bầu của cha Charles de Foucauld. Tham dự có bà Giovanna Citivi Pulici, 60 tuổi, sinh quán tại Desio, gần Milan, bà bị ung thư xương và vú, được khỏi một cách kỳ lạ, năm 1984 (TTĐM. Số 304, 4-2003. tr.53). Ngày 20-12-2004, ĐHY Von Galen, công bố công nhận phép lạ trên và loan báo sẽ phong chân phước cho Cha Charles de Foucauld vào trong năm 2005.
CÁC CHỨNG TỪ VÀ KẾT LUẬN
Xin chọn lời của hai Đức Giáo Hoàng nói về Cha Charles de Foucauld :
ĐGH Phaolô VI đã viết trong thông điệp Populorum progressio (26-3-1967) : Cha Charles de Foucauld là vị truyền giáo bằng bác ái, là gương mẫu anh em sống đại đồng, luôn hướng dẫn về mặt tu đức. ĐGH Gioan Phaolô II đã 5 lần (1980, 1983, 1984, 1991 và 1994) nói về con người và tinh thần của Cha Charles : Nhờ Cha Charles mà có đối thoại với người thổ dân du mục để dễ rao giảng Tin Mừng. Cha Charles xứng đáng là vị truyền giáo lớn như François d’Assisie, như Matteo Ricci. Trong thế kỷ chúng ta, có nhiều người biết đến đạo Chúa là nhờ Cha Charles, nêu gương đơn nghèo, kết hợp với Thiên Chúa, sống bác ái, huynh đệ, và yêu thương (4-1984). (Sđd. tr. 306).
Tính đến 10-2004, đã có nhiều tác giả viết về Cha Charles, tổng cộng hơn 110 cuốn sách. Ba người viết luận án tiến sỹ về Charles de Foucauld. Khoảng 40 hiệp hội, hội dòng xuất bản tạp chí, báo, tài liệu học hỏi về cha tổ phụ của mình. Ngoài cuốn Reconnaissace au Maroc (1888), Cha còn viết nhiều tập, sách như nhật ký thiêng liêng, hướng dẫn ‘‘sống, suy niệm và rao truyền Phúc Âm’’. Cha đã học và dịch Phúc Âm ra tiếng bản xứ để dễ truyền giáo. Như vậy, con người của Cha Charles đã được nhiều người biết đến. Quả thật, thánh nhân đã để lại cho Giáo Hội gương tử đạo quả cảm, sống nghèo và chết cho người nghèo.
Ngày nay, biết bao nhiêu người trẻ, tại nhiều nơi trên thế giới, không biết mệt mỏi theo gương Á Thánh Charles de Foucauld, làm tròn bổn phận với Chúa, với Giáo Hội và giữ đúng tinh thần trách nhiệm liên đới với anh em chung quanh. Những dòng trên chưa khám phá được hết những hoạt động của người chứng nhân đạo Bác Ái, đạo Yêu Thương Thiên Chúa. Sống tinh thần Phục Sinh của Năm Thánh Thể là cần phải canh tân và hòa giải. Thiết nghĩ không gì bằng đến với Chúa nhân từ trong tòa giải tội. Ở đây, Ngài sẽ rửa sạch tâm hồn và khoác lại cho chúng ta chiếc áo trắng ngày Phục Sinh. Chiếc áo này sẽ là bằng chứng tình yêu không hề phai giữa chúng ta với Ngài và sự liên kết bền chặt với anh em.
Michel Phạm Mỹ