Frédéric Ozanam : dấn thân tranh đấu cho công bằng xã hội
Anh Quân
1. Những năm tháng đáng ghi nhớ :
1813 : Sinh tại Milan.
1833 : Thành lập Hội Đàm Bác ái.
1834 : Tiến sĩ luật.
1835 : Hội Bác ái Vinh sơn Phaolô.
1839 : Tiến sĩ, thạc sĩ văn chương.
1840 : Giáo sư đại học Sorbonne.
1841 : Lập gia đình với Amélie Soulacroix.
1845 : Con gái Marie ra đời.
1848 : Báo Thời Đại Mới.
1853 : Qua đời tại Marseille.
1925 : Khởi sự án phong thánh.
1997 : Phong chân phước.
2. Gia đình :
Frédéric Ozanam sinh tại Milan (miền bắc nước Ý), trong một gia đình công giáo đạo đức, có nền văn hoá kitô giáo sâu rộng. Là con thứ 5 trong 14 người con, nhưng chỉ có 3 anh em trai sống xót. Người anh làm linh mục, người em làm bác sĩ. Gia đình gốc tỉnh Lyon nước Pháp. Cha là ông Jean Antoine Ozanam, ban đầu là lính kỵ binh trong quân đội hoàng gia Napoléon. Cả gia đình sống tại miền bắc Ý. Sau khi bị nhiều vết thương, ông được giải ngũ. Khi Hoàng đế Napoleon thất bại, giao miền Lombardie lại cho nước Áo, ông Ozanam đưa cả gia đình về Lyon sinh sống. Năm 37 tuổi, ông bắt đầu học Y khoa và hành nghề bác sĩ tại đây. Cả hai ông bà rất nhiệt thành đạo đức. Họ dành nhiều thời giò để săn sóc bệnh nhân, đăc biệt chăm lo miễn phí cho những người nghèo. Vì thế cuộc đời của Frédéric được giáo dục theo một đường hướng tốt : chăm chỉ học hành, xây dựng gia đình hạnh phúc và dấn thân phục vụ xã hội.
3. Tuổi trẻ :
Trong những năm theo cấp trung học tại trường hoàng gia, Frédéric đã trải qua một cuộc khủng hoảng lớn lao về đức tin để định hướng cuộc đời. Anh bị dằn vặt và đau khổ nhiều về những nghi vấn đặt ra trong hoàn cảnh xã hội bấy giờ. Một môi trường xã hội tiền tư bản đầu thế kỷ thứ 19 do những thay đổi xáo trộn từ sau cách mạng 1789. Về mặt văn hoá tư tưởng, trào lưu phi tôn giáo, hay đúng hơn, chống lại tôn giáo, đặc biệt chống lại giáo hội công giáo Pháp phát triển mạnh. Frédéric trăn trở, hoài nghi những điều mình muốn tin. Điều may mắn là trong lúc những thách đố của thời đại bao trùm, cậu có những người bạn tốt bên cạnh. Đặc biệt cha Noirot là người đã hướng dẫn Frédéric ra khỏi cơn khủng hoảng văn hóa và đức tin. Frédéric viết : “Cha Noirot đã thắp ngọn ánh sáng và đăt lại trật tự trong tư tưởng của tôi. Từ nay tôi tin tưởng vững vàng hơn và khấn hứa với Chúa sẽ sống cuộc đời dấn thân cho chân lý”. Quả thật, cuộc khủng hoảng tuổi trẻ đã giúp Frédéric trưởng thành trong đức tin và giúp cậu tìm ra ý nghĩa cuộc sống. Frédéric bắt đầu có những nhận định sâu rộng về lịch sử và xã hội : Kitô giáo là con đường tốt nhất cho nhân loại mà Chúa Giêsu là trọng tâm lịch sử. Tin mừng là nền tảng chân lý. Vì thế đối với cậu cuộc sống là một chuỗi ngày dấn thân để minh chứng Tin mừng.
4. Thời kỳ đại học, thành lập Hội Bác ái Vinh sơn Phaolô.
Frédéric vâng lời cha theo học ngành luật khoa, mặc dầu anh thích văn chương. Trong những năm đầu đại học, Frédéric rất may mắn được ông Ampère, nhà vật lý – toán học trứ danh, cho trú ngụ tại nhà và coi như con. Không những là một đại trí thức, ông Ampère còn là một người thày rất khôn ngoan, đạo đức. Hàng ngày, ông thường hay lui tới cầu nguyện tại nhà thờ St-Etienne-du-Mont. Frédéric thú nhận : “Chính tràng chuỗi Mân côi của thày André Marie Ampère là một tấm gương hiệu nghiệm cho tôi hơn tất cả những bài giảng dạy và sách vở ”. Trong thời kỳ này, Frédéric đã chứng kiến những cảnh nghèo đói cùng cực của dân chúng, những cuộc nổi loạn của thợ thuyền trong các xí nghiệp, vì họ bị áp bức bóc lột qúa mức do các chủ nhân. Đó là những tín hiệu tiền thân cho lý thuyết đấu tranh giai cấp cuả Karl Marx sau này, mà đỉnh cao là bản tuyên ngôn cộng sản năm 1848.
Vào lúc 18-20, Frédéric đã có dịp gặp gỡ nhiều nhà trí thức văn hào như Lamartine, Lacordaire, Montalembert. Qua những cuộc gặp gỡ trao đổi với những nhân vật này, anh suy nghĩ nhiều và đã lựa chọn con đường của mình : Đứng vào hàng ngũ những người công giáo tranh đấu cho lý tưởng tự do. Một người có ảnh hưởng nhiều tới đường hướng dấn thân của anh là ông Emmanuel Bally. Một người tiên phong cho phong trào những người công giáo dấn thân vào cuộc sống xã hội. Ông là chủ nhiệm tờ báo Diễn đàn Công giáo (Tribune Catholique). Cơ quan hướng dẫn những tranh luận, hội thảo về tôn giáo, lịch sử, xã hội. Vào dịp sinh nhật 20 tuổi của Frédéric Ông Bally đã giúp anh và 5 người bạn sinh viên thành lập tổ chức “Hội đàm Bác ái” (Conférence de Charité), sau trở thành Hội Bác ái Vinh Sơn (1835) . Frédéric là linh hồn của tổ chức này nhằm củng cố đức tin cho sinh viên công giáo, giữ họ ở lại trong lòng Giáo hội , đồng thời huấn luyện, củng cố hàng ngũ trí thức công giáo. Hội Đàm Bác Ái chính là diễn đàn của sinh viên công giáo, chống lại khuynh hướng “duy lý chủ nghĩa” đương phát sinh nảy nở, mà chủ trương của họ là khẩu hiệu “Sự dãy chết của Kitô giáo” (la mort du christianisme).
Frédéric và đồng bạn đặc biệt chú ý đến vấn đề bác ái và công bằng xã hội. Frédéric viết : “Đức công bằng có giới hạn, nhưng bác ái thật là vô hạn…. Tình yêu là món quà lớn nhất mà người nghèo mong muốn chúng ta tặng cho họ. Ai không tận hiến bản thân thì cũng chẳng trao tặng điều gì cả”. Đối với anh, bác ái không phải là bố thí những của dư thừa, mà là những hành động xả thân có khả năng biến đổi xã hội, loại trừ tận gốc rễ những nguyên nhân gây ra bất công nghèo đói. Vì thế, Tổ chức của Frédéric và các bạn không dừng lại ở lý thuyết bác ái. Họ được dì phước Rosalie Rendu, một nữ tu Bác ái Vinh sơn, giúp đi vào việc dấn thân hành động : thăm viếng, chăm sóc những người nghèo trong môi trường sống của họ. Frédéric thường nói với các bạn : “Hạnh phúc của người nghèo cũng là phúc lành của Thiên Chúa. Vậy chúng ta hãy đi đến với những người nghèo”.
Song song với việc dấn thân tranh đấu trong môi trường đại học và thăm viếng người nghèo, Frédéric không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức. Anh đậu cử nhân luật năm 21 tuổi, tiền sĩ luật năm 24 tuổi. Sau khi cha anh qua đời, Frédéric thực hiện ước mơ của mình : Anh lấy bằng cử nhân rồi tiến sĩ văn chương năm 1839 với luận án : “Luận về triết học của thi sĩ Dante”. Nhà thơ này đã ảnh hưởng nhiều đến đời sống và tư tưởng của Frédéric, cho rằng con người được tạo dựng với ý thức tự do và với tư cách là vật thể hội, con người có trách nhiệm với những người khác. Tuy nhiên, trước vấn đề hạnh phúc trường sinh, lý trí của con người phải nhường bước cho đức tin.
5. Thời kỳ dạy học , lập gia đình :
Sau khi đậu bằng tiến sĩ luật khoa, Frédéric Ozanam dạy luật thương mại tại đại học Lyon. Trên diễn đàn luật khoa này, ông đã lên án khía cạnh “người bóc lột ngườỉ” , 9 năm trước Karl Marx trong luận điểm cộng sản, trong tương quan chủ và thợ. Ông viết : “Điều làm chia rẽ con người ngày nay không phải là vấn đề do hình thức chính trị, mà là vấn đề xã hội; Vấn đề đặt ra là khía cạnh nào sẽ thắng thế : tính ích kỷ hay tinh thần hy sinh; Hoăc xã hội sẽ trở thành một guồng máy bóc lột khổng lồ, nhắm thu hết lợi nhuận cho kẻ có sức mạnh, hoăc xã hội sẽ hội trở nên môi trường cho mỗi cá nhân đóng góp vì lợi ích chung của mọi người, nhất là cho những người yếu kém… Có những người có quá nhiều của cải và càng muốn có thêm nữa; nhưng đại đa số khác không có đủ, hoặc không có gì, và họ muốn chiếm lấy của cải, nếu người khác không cho họ”.
Nhờ tài hùng biện và chiều sâu tư tưởng, nhất là sau khi trình luận án tiến sĩ văn chương, rồi thành công hàng đầu trong kỳ thi hạch thạc sĩ giáo khoa, ông Ozanam được nhiều người biết đến. Ông được mời làm giáo sư chính thức trường đại học Sorbonne vào năm 28 tuổi, một giáo sư trẻ tuổi nhất.
Ngoài việc giảng dạy, làm báo, hoạt động xã hội, ông thường du hành khắp nơi để trao đổi, học hỏi mở rộng kiến thức về văn chương, lịch sử. Ông để lại nhiều tài liệu nghiên cứu về văn chương Âu châu, về lịch sử văn minh Kitô giáo từ thời sơ khai sang thời trung cổ.
Tuy vậy, Frédéric Ozanam không bao giờ tự kiêu, tự mãn, ngược lại luôn tận tâm trong công tác nghiên cứu, giảng huấn. Ông quan niệm việc giảng dạy, nghiên cứu nhằm tìm kiếm sự thật. Ông viết : “Tôi không bao giờ làm việc để được người đời ca tụng, nhưng để phục vụ chân lý”. Đối với ông, tìm kiếm và phục vụ chân lý là hai khía cạnh của cuộc đời nhằm đem lại hạnh phúc cho tha nhân, bởi vì mỗi con người là hình ảnh tạo dựng của Thiên Chúa. Gần gũi nhất của tình yêu tha nhân, đó là tình yêu gia đình.
Năm 1841 Frédéric Ozanam thành hôn với cô Amélie Soulacrois, con gái của giáo sư viện trưởng Học viện Lyon. Hai người cùng tâm đầu ý hợp, xây dựng một cưộc sống hôn nhân gương mẫu. Không những chăm bón cho tình yêu lứa đôi, họ còn đào sâu ý nghĩa hôn nhân công giáo : yêu thương và trung thành với nhau trong mọi hoàn cảnh cuộc đời. Ông viết : “Tôi thả hồn trong hạnh phúc. Tôi không cần đếm những khoảnh khắc, những giây phút trôi qua. Dường như thời gian đã ngừng trôi. Hạnh phúc hiện tại trở thành hạnh phúc vĩnh cửu… và tôi bắt đầu hiểu được Thiên đường”. Thật vậy, hạnh phúc hôn nhân công giáo đã giúp hai người trải qua những thử thách khó khăn. Sau nhiều lần xẩy thai, Amélie sinh hạ một người con gái duy nhất : Bé Marie chào đời năm 1845. Ông Frédéric Ozanam viết cho cha mẹ : “Con xác tín rằng, trong hài nhi bé nhỏ này có một linh hồn được dâng hiến cho Thiên Chúa mãi mãi… và ý tưởng này đã làm con cảm động tới rơi lệ”.
6. Nới rộng hoạt động :
Từ năm 1848, sức khỏe của ông Ozaman bắt đầu giảm sút vì bệnh suy thận. Nhưng ông không giảm cố gắng dấn thân hoạt động hơn nữa trong cuộc sống, ngay cả tranh đấu xã hội chính trị, vì nghĩ rằng vấn đề xã hội càng ngày càng bùng nổ mạnh. Ông cùng với cha Maret và Lacordaire phát hành tờ nhật báo “Thời đại mớỉ” (Ère nouvelle) để triển khai tư tưởng xã hội công giáo, lấy Tin Mừng làm căn bản cho việc bênh vực giới lao động thợ thuyền. Ông muốn đi xa hơn nữa khi ra ứng cử dân biểu với khẩu hiệu “bênh vực quyền tối cao của nhân dân”. Không đắc cử, ông tiếp tục tranh đấu bảo vệ quyền lợi người lao động trên tờ Thời đại mới. Nhưng tờ báo này đã bị Giáo quyền đóng cửa sau một năm hoạt động, vì một đàng không hiểu những tư tưởng tiến bộ của ông, đàng khác dưới sức ép cuả giới bảo thủ , nhất là sau cuộc đụng độ trên đường phố Paris vào tháng 6 năm đó. Ông Ozanam đã bị giới bảo thủ mạ lị, chụp mũ thiên tả. Sau những biến cố này, Ozanam rất buồn sầu, lo âu và bị tổn thương tâm hồn. Ông lo âu vì tình trạng nghèo khổ của dân lao động càng ngày càng tăng. Ông đau buồn vì thấy Giáo hội bị thụ động trước sự cùng cực cuả giới thợ thuyền. Người công giáo không có thái độ dấn thân làm chứng Tin Mừng trong xã hội.
7. Những năm tháng cuối đời :
Sau những thất bại trên và sức khỏe càng ngày càng sa sút, ông dành nhiều thời gìờ đi nhiều nơi để quảng bá và phát triển Hội Bác ái Vinh sơn : từ Paris tới Nîme rồi các tỉnh Lyon, Rennes, Nantes (1836). Ông Ozanam còn đi nhiều nước Âu châu : Tây Ban Nha, Đức, Bỉ, đặc biệt là nước Ý có thủ đô Giáo hội và là xứ sở của thi sĩ Dante mà ông yêu mến. Hội Bác ái Vinh sơn vì thế đã phát triển nhanh chóng : tới năm 1850 , Hội đã có mặt tại hầu hết các nước Âu châu.
Kiệt sức vì bệnh tình và nhất là vì quá lao lực, năm 1852 Ông Ozanam phải ngưng hoạt động để đi dưỡng bệnh tại Bretagne. Lần cuối cùng từ giã sinh viên tại Sorbonne, ông nói với họ : “Nếu tôi chết, đó là để phục vụ các anh”. Sau khi sang thăm nước Ý lần cuối cùng vào năm 1853, ông phải về gấp nước Pháp và tắt thở tại Marseille ngày 8 tháng 9 năm 1853. Trước khi nhắm mắt về với Chúa, ông nhẹ nhàng nói : “Tôi yêu mến Chúa hết lòng, tại sao tôi lại sợ Ngườỉ”.
8. Phong Chân Phước :
Án phong Chân phước cho Frédéric Ozanam đã kéo dài 72 năm (1925 – 1997) sau nhiều gián đoạn trở ngại. Hội Bác ái Vinh sơn đã nhẫn nại làm việc, trải qua nhiều thủ tục phức tạp và lâu dài, để thỉnh nguyện việc phong Thánh cho Đấng sáng lập của mình. Một phong trào giáo dân xả thân trong công tác xã hội, phục vụ người nghèo dưới ánh sáng Tin Mừng Phúc âm theo Ozanam truyền dạy. Cho tới ngày hôm nay, Hội Bác ái Vinh Sơn Phalô đã có 590 000 nhân viên, rải rác trên 136 nước thuộc 5 châu đại dương.
Ngày 22/8/1997, nhân dịp Đại hội Quốc tế Giới trẻ tại Paris, DTC Gioan Phaolô 2 đã long trọng tôn phong Chân Phước Frédéric Ozanam. Ngài nói : Trung thành với lời Chúa, F. Ozanam đã tin vào Tình yêu, Tình yêu của Thiên Chúa cho mọi người. F. Ozanam đã chính mình cảm nghiệm thấy được ơn gọi để yêu thương, nên gương mẫu cho một tình yêu cao cả đối với Thiên Chúa và đối với mọi người, nhất là những người cần được yêu thương : người nghèo đói và người đau khổ. F.Ozanam đã tìm ra ơn gọi của mình, ơn gọi nên thánh bằng tình yêu tha nhân. Tình yêu tha nhân không chỉ bằng lời nói, lời hứa, mà bằng hành động yêu thương đối với những người cùng cực nhất. Ngài nhắc lại tư tưởng của vị Thánh : Bác ái và Công bằng phải đi đôi. Thánh nhân đã sáng suốt và can đảm dấn thân hàng đầu trong lãnh vực xã hội và chính trị trong giai đoạn xáo trộn cuả nước Pháp lúc bấy giờ, để đòi quyền lợi cho giới lao động nghèo đang bị đe doạ trầm trọng. Không một xã hội nào có thể chấp nhận sự cùng khổ như một định mệnh mà không xấu hổ cho bản thân của xã hội đó. Chính vì thế mà Đức Thánh Cha đã không ngần ngại cho rằng Chân Phước Frédéric Ozanam là người tiên báo cho Giáo huấn về xã hội của Giáo Hội Công giáo mà Đức Giáo Hoàng Léon 13 đã phát triển trong Thông Điệp “Rerum Novarum” vài năm sau đó. Cuộc đời của Chân phước Frédéric Ozaman là tấm gương sáng cho mọi người kitô hữu.
(viet theo site internet : http://www.st-vincent-de-paul.org )
Anh Quân